Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Tình dục là một quà tặng hay một nguy cơ”

§ Dominic

Một vài suy tư ngày hội Di Dân Hố Nai

“Tình dục là một quà tặng hay một nguy cơ” đó là đề tài đã được Thạc sĩ - Bác sĩ Lan Hải trình bày với các bạn trẻ trong ngày “Ngày hội di dân” diễn ra tại Tu viện Martin – Hố Nai (07/12/2008). Quả thật, ngày nay người ta nói nhiều đến tình dục, về cách nhìn và ảnh hưởng của nó trong đời sống con người, nhất là đối với những người trẻ. Xã hội ngày một “thoàng” hơn khi đề cập về cái tế nhị và cũng rất riêng tư này. Và người ta thấy rằng, với một cái nhìn giản lược về tình dục sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ cho chính bản thân một chủ thể, cũng như cho người khác, và xa hơn, là xã hội.

Có thể nói, tình dục là một hiện tượng vốn hàm hồ. Nó có thể là một cơ hội cho người nam và người nữ cảm nghiệm được cái trật tự mà Thiên Chúa đã đặt ta khi sáng tạo thế giới. Và hơn nữa, qua hành vi phái tính tính này, người nam và người nữ còn được tham dự vào phúc lành của Thiên Chúa khi ngài cho họ khả năng cộng tác với ngài để lưu truyền sự sống. Tuy nhiên, tình dục cũng có thể là một nguy cơ khiến cho người ta đánh mất chính mình, khi tình dục được xem như một dụng cụ để thoả mãn những đòi hỏi của bản năng, hay khi tình dục và tình yêu được đồng nhất với nhau.

Sự kết hiệp nhiệm mầu

Phải thừa nhận rằng, khi đã xem một điều gì đó là công cụ thì người ta có thể sử dụng thế nào tuỳ ý. Một công cụ thì chẳng có ý nghĩa gì khác ngoài cái mà người ta gán cho nó. Ngày nay, dưới sự ảnh hưởng của khoa học cũng như khuynh hướng tục hoá, người ta đưa ra tuyên ngôn “tình dục tự nhiên”, nghĩa là chẳng có gì siêu nhiên trong hành vi này cả, và cũng chẳng có gì là cơ chế xã hội trong lĩnh vực này. Nói cách khác, tình dục không còn lẫn lộn với những hệ quả của nó như sinh sản, với vai trò xã hội, với mối liên hệ siêu nhiên… Vì thế, tình dục bị giản lược trong việc đem lại khoái cảm tuyệt đỉnh nhằm thoả mãn những đòi hỏi thuộc về bản năng nơi mỗi người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và có nữ, phái tính được ban cho con người như một cách thức để nhân hoá chính mình, tức là để làm người, là thể hiện chính mình. Ngài đã kết hiệp cả hai “nên một xương thịt”, tức là mục đích của phái tính nằm ở việc kết hiệp này, phái tính chỉ thực sự có tính con người khi người ta biết nhìn nhận người khác. Người nam và người nữ đến với nhau trước tiên không phải là để sinh con đẻ cái, nhưng là gặp gỡ nhau để nhận ra một điều gì sâu xa thân thiết của đời sống con người, như được Thiên Chúa mời gọi thể hiện. Vì thế, tình dục cũng phải đi đến cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ nhờ sự kết hiệp thân xác biểu tượng và cho phép kết hiệp hai sự hiện diện. Từ đó, việc sinh con đẻ cái là một hệ quả tất nhiên từ sự gặp gỡ mầu nhiệm này, mà qua đó, con người được cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo của ngài, tức sự truyền sinh.

Tình yêu – tương quan sáng tạo

Tình yêu và tình dục có một sự liên hệ đặc biệt với nhau. Chính tình yêu sẽ cho người ta biết cái mà họ đang sống cũng “thúc đẩy” họ một cách sâu xa, và cho họ biết cái ước muốn đem lại cho việc quan hệ tình dục vốn phù du những khả năng kéo dài… một các biểu tượng. Nhiều người hiểu rằng “tình yêu là cái còn lại sau khi ăn nằm với nhau”. Đó là một công thức tối thiểu và đơn giản nhất của tình yêu. Nhưng trên một nền tảng như thế thì khó mà xây dựng được một điều gì bền vững cả, và nó cũng rất dễ khiến người ta đồng nhất tình dục và tình yêu với nhau.

Quả thật, khi có sự ngộ nhận như thế, việc chấp nhận quan hệ tình dục không hề có một chiều kích dấn thân nào cả, mà thực chất nó chỉ là một sự chứng tỏ mình qua người khác, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ đích thực. Từ sự nhầm lẫn đó, người ta khó mà ý thức được những hệ quả phát sinh từ việc quan hệ tình dục của mình. Thực tế cho thấy, một khi tình yêu và tình dục được coi như là một, người ta sẽ rất dễ dãi trong việc chấp nhận quan hệ tình dục với nhau, một mặt như là sự chứng tỏ tình yêu của mình, mặt khác như là một sự khẳng định tự do của cá nhân trong tình yêu vậy. Hậu quả tất yếu từ nhưng ngộ nhận như thế là người ta sử dụng các phương tiện ngừa thai, và một khi thất bại thì sẽ phá thai. Hơn thế nữa, một mối tương quan như thế, tình cảm mỏng dòn, đam mê thì ảo tưởng, ý thức (được che đậy bằng sự phổ biến những khuynh hướng nhân văn) về một tương quan tình yêu bấp bênh, mờ nhạt, thì thật khó mà bền vững lâu dài. Như Tonny Aetrella ghi nhận, những mối quan hệ đó chỉ “là cách thức được tìm kiếm để giải toả những thèm khát và những khó khăn tâm lý do mặc cảm oedipe, do mặc cảm lưỡng tính, do muốn khẳng định ý muốn, hay lo lắng về việc thủ dâm hoặc khó khăn trong tương quan với cha mẹ.”

Nhưng tình yêu không phải là một tình cảm, một sự hấp dẫn khiến người ta lao đến người khác để lấp đầy những trống vắng, hay nỗi cô đơn của mình, mà điều trước tiên và căn bản nhất đó là thiết lập một tương quan, trong đó mỗi người thoát ra khỏi cái vòng khép kín của mình, của cái tự mãn, của cái tôi. Tình yêu phải là một tiếng gọi của niềm hy vọng, vì đó là lời khẳng định về một cuộc sống mới. Và do đó, chính tình yêu mang lại cho tình dục một ý nghĩa. Người nam và người nữ, trong cái hành vi thân mật nhất có thể được, nhìn nhận mình là người mang lại yếu tố duy nhất đem đến sự sống vì thoát khỏi cái sức thu hút của dục vọng và sợ hãi. Vì vậy mà chỉ trong hôn nhân, người nam và người nữ có thể sống chung với nhau, trở thành một xương một thịt, mà không nuốt trửng nhau, không phá huỷ nhau, không giản lược nhau, sử dụng nhau theo ý muốn của mình.

Cùng nhìn về một hướng

St. Exupery nói rằng “yêu nhau không phải nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Ngày nay có thể nói rằng, người ta không còn cái mầu nhiệm tình yêu vượt lên trên cái tình dục để cùng nhau huớng về đó nữa. Ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là trong xã hội phương Tây, người ta xem tình dục như một công cụ mà mỗi người có quyền sử dụng theo ý mình, miễn là không ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Khi thì vì thoả mãn dục vọng, khi thì để bày tỏ tình cảm, hoặc để truyền sinh. Mỗi người tuỳ theo quan niệm của mình, xã hội không có quyền can thiệp. Người ta nói rằng có tới 95% những người chuẩn bị hôn nhân không thấy điều gì bất ổn trong việc quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, và họ coi đó là một chuyên hoàn toàn bình thường. Trước thực trạng đó nhiều người tự hỏi phải chăng luân lý kitô giáo không còn hợp thời nữa chăng ?

Thật ra câu hỏi đó chỉ phản ánh một sự nhầm lẫn và một cách chối bỏ những ràng buộc mang tính luân lý hay trách nhiệm. Không ai có thể phủ nhận là tình dục không có tình yêu chỉ là một sự kết hợp trần trụi và tầm thường. Và nó chẳng bao giờ có thể mang lại hạnh phúc ngoài một vài khoảnh khắc của khoái lạc thân xác hoàn toàn mang tính chất bản năng. Hơn nữa, như đã nói, tình dục phải là một sự kết hợp nhiêm màu trong một tương quan sáng tạo : hôn nhân. Chỉ trong hôn nhân, tình dục mới mang một ý nghĩa trọn vẹn của nó. Nhờ sự kết hiệp này, người nam và người nữ trở thành “một xương một thịt”, cũng có nghĩa là “cùng nhìn về một hướng”, là điều kiện của việc sinh con cái, và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông vợ chồng giữa hai ngôi vị. Nó phải thực hiện ở mức độ ngôi vị và theo phẩm giá ngôi vị. Nhờ đó con người không làm hư đi sự trao ban cho nhau. Bất cứ một giản lược nào đều có thể dẫn đến những hệ luỵ tai hại và đổ vỡ. Vì thế, không một chủ trương nào cho dù quan trọng, có thể làm cho tình yêu mất đi ý nghĩa đích thực của nó là “sự hiệp thông giữa hai ngôi vị (giữa hai con người)”, và làm cho chính con người mất đi ý nghĩa ngôi vị vốn có khả năng thực hiện một sự trao ban đích thực.

Dominic

Đọc nhiều nhất Bản in 12.12.2008. 16:40