Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kỹ năng sống: Bạn có dám là Mình không?

§ Nguyễn Thị Bích Hồng

Thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến một loại bệnh có cái tên ngồ ngộ: “Bệnh thành tích”. Nó được xem như là một bệnh xã hội, bởi loại “vi rút” này có thể xâm nhập vào mọi lãnh vực và mọi thành phần trong xã hội.

Thực ra, không phải bây giờ mới có “bệnh thành tích” mà nó đã xuất hiện từ thời Chúa Giêsu, cách đậy hơn 2000 năm. Đọc dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18,9-14) ban sẽ thấy rõ: Cả hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Người thu thuế biết mình tội lỗi chỉ dám đứng xa xa mà cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” .Còn người Pharisêu thì kể cho Chúa nghe một loạt các thành tích mà anh ta đã lập được, nào là: “con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” vv…(Lc 18,13)

Tưởng rằng sau khi nghe anh “báo cáo thành tích”, Chúa Giêsu sẽ “choáng” trước lòng đạo đức của anh. Nhưng thật bất ngờ, Ngài đã kết luận một câu gây … sốc: “Người này khi trở về thì được nên công chính còn người kia thì không, vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc18,14). Xem ra Chúa Giêsu rất “dị ứng” với “bệnh thành tích”. Ngài không đánh giá theo cách của con người, không căn cứ vào thành tích, nhưng nhìn vào thiện chí của họ, bởi hơn ai hết, Ngài thấu suốt tâm can con người. Ngược lại, con người chỉ có thể biết về nhau qua những dáng vẻ bên ngoài, mà trong cuộc sống thì nhiều khi cái bên ngoài và cái bên trong không đồng nhất, thậm chí lại còn mâu thuẫn, trái ngược nhau. Đánh giá của con người thường dựa trên tư duy, tình cảm chủ quan và dựa trên những gì họ thấy bằng cặp mắt “cận”, cho nên không thể không có những đánh giá lầm. Đại văn hào người Nga L. Tolstoi đã nói: “Một trong những lầm lẫn vĩ đại nhất khi xét đoán về con người là chúng ta hay gọi và xác định: người này thông minh, người kia ngu xuẩn, người này tốt, người kia xấu, người thì mạnh, người thì yếu đuối, trong khi con người là tất cả. Tất cả khả năng đó là cái gì luôn luôn biến đổi.”

Cũng chính vì chỉ biết nhau qua những cái bên ngoài, nên người ta mới ra sức “lập thành tích” để chứng tỏ mình trước người khác. Nhiều khi chỉ vì muốn mình được khen thưởng, muốn được đánh giá cao, người ta phải gồng lên để che lấp đi những khiếm khuyết, những giới hạn của bản thân. Báo Phụ Nữ số 99(ngày 22-12-2006) có đăng bài “Người Giả” của tác giả Trường Sơnvới nội dung như sau: “Không chỉ hàng hoá mới có đồ giả, mà cả con người cũng có hàng giả. Nếu chỉ dựa vào bề ngoài, người ta dễ bị đánh lừa về “chất lượng” thật của một người nào đó… Có loại người giả khi xuất hiện thường mang mặt nạ, có hành vi bên ngoài rất đạo đức để che dấu cái xấu xa bên trong. Họ luôn có những lời tốt đẹp về ngưòi khác, nhưng bên trong nghĩ khác. Có người dạy một đàng làm một nẻo, hô hào những người khác làm những điều mình chẳng bao giờ làm, phê phán người khác những tội mà chính mình không tránh khỏi. Có loại người giả tử tế với người ngoài, còn sống với người trong nhà thì không ai chịu nổi. Họ quá trọng dư luận và trở thành nô lệ cho dư luận…”

Qủa thực, trong cuộc sống không ít người đã sống cái “triết lí”: “xấu che, tốt khoe”. Họ không dám sống thật, không dám là mình với những bất toàn, yếu đuối, trong khi bản chất của phận người là thế. Nhà viết kịch Hi Lạp cổ đại- Rerentius đã khẳng định: “Tôi là người, và không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi.” Còn Thánh Phaolô, dù là một vị Thánh, thì cũng đã từng thú nhận công khai rằng : “Những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều không muốn thì tôi lại làm”(Rm 7,19 )

Quả thực, con người là như thế, dù có cố gắng hết sức, người ta cũng không thể tránh khỏi những vấp váp, lỗi lầm trong cuộc sống. Sự yếu đuối bất toàn của con người là một điều hết sức hiển nhiên:“Ai chiến thắng mà chẳng hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.

Nếu như trên đời này không ai là người hoàn hảo, thì tại sao tôi lại không dám là mình với tất cả cái hay cũng như cái dở, cái tích cực cũng như cái tiêu cực ?... Con người chẳng là như thế sao ?

Một khi dám là mình, tôi sẽ không cần phải “đeo mặt nạ”, không cần phải tô vẽ, nói một cách ngắn gọn là : không phải lo“lập thành tích” để được đánh giá cao hay để được khen thưởng và như vậy, tôi sẽ được tự do. Ngược lại, nếu tôi quá chú ý đến sự đánh giá của người khác về mình, quá lệ thuộc vào lời khen, tiếng chê, tôi sẽ mất tự do và có thể đánh mất chính mình. Cha Anthony De Mello trong cuốn: “Call to love” đã viết: “Nếu bạn bị lôi vào những phán đoán của người khác, bạn đã ăn phải bả của sự căng thẳng, bất an, lo lắng, vì hôm nay người ta coi bạn là đẹp và bạn hào hứng, ngày mai người ta bảo bạn là xấu và bạn đâm ra ủ dột”

Trong cuộc sống, tôi không thể làm vừa lòng hết mọi người và như vậy có nghĩa là tôi phải chấp nhận lời khen cũng như lời chỉ trích. Nhưng như thế đâu phải là thất bại. Điều quan trọng nhất, tôi phải biết mình là ai. Chúa Giêsu tuyệt vời như thế mà còn phải nghe biết bao lời đàm tiếu, đến nỗi Ngài phải nói rằng: “Ông Gioan đến không ăn không uống thì thiên hạ bảo ông ta bị quỉ ám. Con Người đến cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo đây là tay ăn nhậu” (Mt 11,16-19)

Xét cho cùng, dư luận đôi khi cũng chỉ là “luận dư” mà thôi. Tôi cần lắng nghe dư luận để biết điều chỉnh (nếu cần) nhưng không cho phép mình sống theo dư luận. Một nhà soạn kịch người Đức đã viết: “Tôi không chỉ được cho bạn bí quyết để thành công, nhưng tôi có thể chỉ cho bạn bí quyết để thất bại, đó là: Hãy cố làm hài lòng mọi người.” Như vậy, thất bại ở đây chính là chỗ “không dám là mình”

“Dám là mình” dĩ nhiên không phải là bảo thủ, là kiêu căng, tự đắc, nhưng là sự khiêm tốn chấp nhận mình với những gì mình có, dám sống thật với mình, với tha nhân, không che đậy cũng chẳng giả hình.

“Dám là mình”là không nô lệ cho tiếng khen hoặc cho những phán đoán, đánh giá của người khác, không chạy theo “thành tích ảo” để được tiến thân.

“Gặp thời thế thế thời phải thế” có thể là một “triết lý khôn ngoan” đối với nhìêu người, nhưng với những người con cái Chúa thì sự trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, đơn sơ, mới là sự khôn ngoan đích thực. Và cuộc đời này đang cần lắm những con người như thế .

Nguyễn Thị Bích Hồng, Hv

Đọc nhiều nhất Bản in 07.01.2010. 13:53