Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài Học “Té”

§ Hai Tôm Cần Giờ

Với con người, chuyện học là chuyện cả một đời chứ chẳng phải là 5 hay 10 năm. 5 hay 10 năm hay 20 chục năm đi chăng nữa ấy cũng chỉ là thời gian cho một quá trình đào tạo nào đó của con người. Thế nhưng, con người, vốn dĩ là “nhân vô thập toàn” nên trong cái hành trình làm người ấy cần có một tiến trình đào tạo bản thân mình để con người có thể thành “người” hơn. Và rồi, trong mỗi ngày sống, trong từng biến cố của cuộc đời, quá nhiều và quá nhiều bài học dạy con người.

Chuyện mà nhiều người biết, vừa qua, Đức Benedict XVI bị té. Ngài nói rằng thiên thần hộ thủ của ngài đã không bảo vệ giúp ngài khỏi bị té và gãy xương cổ tay là theo "Thánh Ý Thiên Chúa", hầu biến tai nạn đó thành bài học dạy cho ngài về tính khiêm nhường, và cho ngài thêm thời gian để cầu nguyện trong tĩnh lặng.

Ngài nói thêm: "Thật không may, thiên thần hộ thủ của tôi đã không giúp tôi tránh khỏi tai nạn. Điều đó tất nhiên là theo Thánh Ý Thiên Chúa.Có lẽ Chúa muốn dạy cho tôi thêm về lòng kiên nhẫn và đức khiêm nhường, cho tôi thêm thời gian để tĩnh lặng cầu nguyện và suy tư."

Chuyện thật là nhỏ đó là chuyện bị té nhưng rồi Đức Thánh Cha đã nhận ra bài học to đó là bài học về khiêm nhường cũng như trong thời gian dưỡng bệnh đó Ngài có thêm thời gian để tĩnh lặng cầu nguyện và suy tư.

Bài học té của Đức Thánh Cha quả thật chẳng phải là bài học riêng cho Ngài nhưng là bài học chung cho nhiều người nếu như muốn lắng đọng, nếu như muốn tìm Thánh Ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Không cần phải nói nhiều, những người mang trong mình trách nhiệm nặng nề như Đức Thánh Cha thì áp lực của công việc, áp lực của thời gian đã đè nặng trên đôi vai của Ngài. Và với số tuổi Ngài đang có thì áp lực đó còn nặng nề hơn biết bao. Ấy vậy mà Ngài rất cần và cần thời gian tĩnh lặng và cầu nguyện. Không phải chỉ có Đức Benedict XVI nhưng hình như nhiều vị tiền nhiệm của Ngài như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đặc biệt dành nhiều thời gian cho cầu nguyện, cho suy tư.

Cuộc đời này quá náo động đến độ người ta chẳng còn chút thời gian để suy tư, để tĩnh lặng nữa. Chỉ có chột mới thương người mù và chỉ có què mới thương người cụt mà thôi ! Chính trong giới hạn của con người khi chột, khi què ta mới thấu hiểu được sự hạnh phúc của người lành lặn là như thế nào ? Qua thật, nếu suy nghĩ, cái té của ta sẽ cho ta bài học khiêm nhường như Đức Thánh Cha cảm nhận đấy thôi ! Cái té ấy cho ta thấy rằng giới hạn của ta, khả năng của ta, đặc biệt là Thánh Ý của Chúa trên cuộc đời ta. Trong lành lặn, ta vẫn thường mang cái cảm giác rằng ta thành toàn, ta hơn người khác nhưng trong những lúc ta yếu đuối, ta tật nguyền, ta mới hiểu, ta mới cảm được phận người là như thế nào ?

“Một cơn gió thoảng, dù làn gió biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích …” Lời bài đáp ca thường được các ca đoàn sử dụng trong các Thánh Lễ An Táng thật ý nghĩa. Phận con người là thế đó, phận con người thật mau qua chóng tàn nhưng con người vẫn luôn mang trong mình cái “khoái cảm” của sự kiêu căng, của sự tự mãn. Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời té lên té xuống, ngã lên ngã xuống ấy nhưng chẳng hề rút ra một bài học nào cả. Bi đát nhất là mình té ấy nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy cái giới hạn của mình cũng như chẳng bao giờ đồng cảm cho những người bị té.

Như cái nhìn, cái nghĩ bình thường của con người, được làm đến Đức Giáo Hoàng đồng nghĩa với một con người uyên bác, tài giỏi đến độ không cần học nữa nhưng không. Đức Giáo Hoàng vẫn học và vẫn học. Ngài vẫn học từ nhiều bài học thường ngày của Ngài nơi các vị lãnh đạo, nơi các nguyên thủ quốc gia, nơi những người Ngài gặp gỡ và đặc biệt trong cái biến cố thường ngày Ngài gặp phải.

Mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều, thi thoảng hay bị té nhiều lần trong cuộc sống ấy chứ ! Thế nhưng mà, sau những lần té, những lần vấp ngã ấy, chúng ta có tâm tình, có nhận ra những bài học như Đức Thánh Cha té hay không ? Hay là chúng ta, sau những lần té ấy cứ vênh vang tự cao tự mãn.

Kiêu ngạo là một tính xấu, khiêm nhường là một tính tốt ! Điều này ai cũng biết qua tâm tình của Thánh Phaolô tông đồ : “điều tôi biết là tốt tôi không làm, điều biết là xấu thì tôi lại cứ làm”.

Vâng ! Cái tốt, cái xấu; cái kiêu ngạo, cái khiêm nhường nó vẫn tìm ẩn, vẫn giằng co trong con người chúng ta. Chúng ta cần phải chế ngự, kìm hãm cái xấu, cái kiêu ngạo để cho cái tốt và cái khiêm nhường nổi lên trong cuộc đời ta.

Đẹp và đẹp lắm những tâm hồn cao thượng, những tấm lòng khiêm hạ trước mặt anh chị em đồng loại và nhất là khiêm hạ trước sự quan phòng tuyệt vời của Thánh Ý Thiên Chúa.

Hai Tôm Cần Giờ

Đọc nhiều nhất Bản in 01.08.2009. 08:50