Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đề Tài 12: Làm chứng cho Chúa Giêsu bằng chính máu và mạng sống mình

§ Lm Hoàng Minh Thắng

... Các thánh anh hài, những vị tử đạo đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.


Trong trình thuật cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Hài Nhi, bên cạnh biến cố di cư tị nạn, còn có một biến cố đau thương hơn nữa khiến cho mọi người phải rơi lệ : đó là vụ vua Hêrôđê ra lệnh tàn sát các hài nhi Bếtlêhem và vùng lân cận từ 2 tuổi trở xuống, như thánh sử Mátthêu trình thuật trong chương 2 câu 16 đến 18.

Sau khi các thượng tế và kinh sư trong dân cho biết Đấng Kitô phải sinh ra tại Bếtlêhêm, miền Giuđê, như lời các ngôn sứ báo trước, vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện rồi phái các vị ấy đi Bếtlehem và dặn rằng : “Xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho trẫm để trẫm cũng đến bái lậy Người”. Ba nhà chiêm tinh ra đi, tìm thấy Hài Nhi, vào bái lậy Người và dâng của lễ vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình....”Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bếtlêhem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia : “Ở Rama vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Rachel khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2,16-18).

Ngày nay nếu có dịp tới hành hương Bếtlêhem, từ Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh, bạn có thể thăm hang đá nơi Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm. Trong số các dấu tích khảo cổ gần đó, bạn cũng có thể thăm căn phòng nơi thánh Giêrôlamô đã sống và dịch sách Kinh Thánh Do Thái ra tiếng Latinh, tức văn bản Vulgata, cũng như vài nấm mồ đục trong đá, trong số đó có mấy nấm mồ của trẻ em, mà tương truyền cho là mồ các Thánh Anh Hài đã bị vua Hêrôđê sai lính giết chết xưa kia. Thực ra làng Bếtlêhem thời Chúa Giêsu tuy bé nhỏ, nhưng chắc chắn đã có hàng chục trẻ em từ 2 tuổi trở xuống bị sát hại. Và có lẽ đó đã là cuộc tàn sát tập thể các trẻ em đầu tiên trong lịch sử bao ngàn năm nơi quê sinh của vua Đavít. Tin các hài nhi Bếtlêhem bị sát hại chắc hẳn cũng đã tới tai Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse mới chân ướt chân ráo cùng Chúa Hài Nhi tới tị nạn bên Ai Cập. Vào thời đó bên Ai Cập có rất nhiều người Do thái sinh sống. Hồi thế kỷ thứ II trước công nguyên, chỉ nội trong thành phố Alessandria đã có tới hơn 200 ngàn người Do thái định cư. Bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp tức bản LXX đã được hoàn thành tại đây vào thời đó, để cho trẻ em và những người Do thái không thông thạo tiếng mẹ đẻ Do thái cũng có thể đọc được.

** Và thế là các thánh Anh Hài đã là những vị tử đạo đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo. Tuy chưa hề biết Chúa Giêsu là ai, các vị đã là những người đầu tiên phải mất mạng sống, phải đổ máu ra vì Chúa. Nhưng lý do là vì vua Hêrôđê sợ hãi bị mất quyền, như diễn tả trong thánh thi kinh chiều trong tuần lễ Hiển Linh : “Hêrôđê hỡi, này bạo chúa, Khi Đức Kitô ngự xuống trần, Vua Cả màng chi ngôi báu nhỏ, Mà ông hoảng sợ với băn khoăn ?”. Nhưng thảm cảnh tàn sát trẻ em không chỉ xảy ra vào thời vua Hêrôđê, mà vẫn tiếp tục xảy ra đó đây trên thế giới, dưới muôn vàn hình thức khác nhau. Tuy các thảm cảnh đó không luôn luôn mang ý nghĩa tử đạo vì Chúa Kitô, nhưng trong một nghĩa nào đó chúng tiếp tục là các cuộc bách hại Chúa Kitô hiện diện trong các trẻ em và người trẻ thuộc mọi thời đại khắp nơi trên thế giới này. Thế giới ngày nay cũng vẫn còn có nhiều bạo chúa, tàn ác hơn Hêrôđê xưa kia rất nhiều. Bởi vì ở đây không còn là chuyện sát hài vài chục, vài trăm trẻ em, mà là tàn sát hàng triệu.

Phải, thế giới chúng ta đang sống hiện nay là một thế giới đã đạt mức văn minh kỹ thuật cao, nhưng lại là một thế giới tàn sát trẻ em và người trẻ dưới nhiều hình thức khác nhau : từ nạn phá thai cho tới nạn khai thác sức lao động và tình dục trẻ em, từ nạn ăn cắp cơ phận trẻ em cho tới nạn bắt buộc trẻ em đi lính và chiến đấu, từ nạn trẻ em mại dâm cho tới tệ nạn bán trẻ em làm nộ lệ và bạo hành trẻ em trong gia đình. Thật thế, chưa có thời đại nào như thời đại ngày nay, trẻ em lại phải gánh chịu nhiều bạo hành, khổ sở và bất hạnh như vậy. Hiện nay nạn phá thai trên thế giới mỗi năm tàn sát 50 triệu trẻ em. Các em bị cắt chặt thành từng mảnh trong lòng mẹ rồi bị hút ra ngoài. Trong một vài nhà thương bên Canada, có trường hợp các bào thai bị lôi sống ra khỏi lòng mẹ và bị vứt thẳng vào sọt rác. Tại Á châu, Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia có số phá thai gia tăng hằng năm, chỉ nội Việt Nam mỗi năm có 1 triệu trẻ em bị giết chết trong lòng mẹ. Từ nhiều thập niên qua rất nhiều các bào thai ấy đã được dùng cho kỹ nghệ mỹ phẩm. Và ngày nay tại Trung quốc, người ta ăn và nấu nướng các bào thai, đôi khi để y nguyên, như bất cứ một thứ thịt súc vật nào khác. Còn các trẻ em có cơ may được sống và lớn lên, thì phải đương đầu với nhiều hình thức bạo lực không kém thương đau.

** Ngày 11 tháng 12 vừa qua tổ chức Nhi Đồng Thế Giới của Liên HIệp Quốc viết tắt UNICEF, đã công bố phúc trình hằng năm liên quan tới các điều kiện sống của trẻ em trên trái đất. Một lần nữa phúc trình là một “danh sách đen đủi” đầy các tội phạm của thế giới người lớn chống lại trẻ em. Các bảng thống kê chứng minh cho thấy thế giới của thế kỷ XXI vẫn tiếp tục khước từ các quyền của trẻ em và gây ra biết bao nhiêu khổ đau và bất công cho lớp người yếu đuối không được bênh đỡ nhất.

Bản tường trình do tổ chức UNICEF công bố ngày 11 tháng 12 năm 2002 vừa qua cho thấy hiện nay trên thế giới có :

- 50 triệu trẻ em sinh ra nhưng không có tên tuổi và quốc tịch vì không được khai báo

- 11 triệu trẻ em chết trước khi lên 5 tuổi vì các thứ bệnh có thể chích ngừa được

- 120 triệu trẻ em phải bỏ học vì nhiều lý do khác nhau

- 100 triệu trẻ em và người trẻ vị thành niên phải sống lang thang trên các vỉa hè thành phố

- 2 triệu trẻ em bị chết và 6 triệu trẻ em bị thương tích nặng nề vì chiến tranh đó đây trên thế giới

- 300 ngàn trẻ em bị bắt buộc phải gia nhập quân đội và chiến đấu. Tình trạng chiến tranh và xung khắc bên Phi châu khiến cho nhiều lực lượng du kích quân bắt cóc trẻ em và bắt buộc các em đi lính, tập bắn giết, thay thế số binh sĩ đã thiệt mạng. Để đạt mục đích này họ chích ma túy hay tập cho các em xử dụng ma túy.

- 14 triệu trẻ em dười 15 tuổi mồ côi, vì cha mẹ chết do bệnh liệt kháng

- 211 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi bị khai thác bóc lột sức lao động làm việc nặng nhọc và nguy hiểm. Tệ nạn khai thác sức lao động của trẻ em cũng thịnh hành tại nhiều nước Âu châu. Bên châu Mỹ Latinh có hàng triệu em phải làm việc mỗi ngày tới 16 giờ như phu mỏ than đá và nhiều loại quặng mỏ khác. Bên Ấn độ, Bangladesh và Pakistan có hàng triệu trẻ em làm việc trong các xưởng dệt vải và dệt thảm hay khâu bóng đá. Các em bị cha mẹ bán cho chủ để làm việc trả nợ cho gia đình. Tại Ấn Độ rất thường xảy ra là các em bị chủ xích chân vào máy dệt để khỏi trốn. Các em làm việc, ăn và ngủ tại cho.

- 1 triệu 200 ngàn trẻ em bị liên lụy trong các dịch vụ buôn bán trẻ em mại dâm hằng năm đem lại cho các cá nhân và tổ chức số tiền lời khổng lồ 1 tỷ mỹ kim.

** Bên châu Mỹ Latinh thì có tệ nạn giết trẻ bụi đời hay bán trẻ em dưới dạng giả nhận con nuôi để lấy cơ phận của các em và bán lại cho các nhà thương tây âu. Bầu khí hưởng thụ tháo thứ của xã hội ngày nay cũng khiến cho tệ nạn khai thác tình dục trẻ em và nạn mại dâm trẻ em gia tăng khắp nơi. Tại nhiều nước Tây Âu có các hãng du lịch tổ chức các chuyến du lịch bao gồm các dịch vụ này sang các nước nghèo Á châu, châu Mỹ Latinh và Phi châu. Việt Nam và Thái Lan cũng nằm trong danh sách các nước có nạn khai thác tình dục và mại dâm trẻ em. Tại nhiều nước Phi châu điển hình là Sudan còn có nạn bán trẻ em nô lệ cho các gia đình hay chủ nhân giầu. Ngoài ra cũng không được quên hằng triệu trẻ em nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình, do chính cha mẹ, người thân gây ra cho các em, khiến cho các em suốt đời phải mang thương tích trên thân xác, trong tâm lý và trong tâm hồn.

Đây qủa thật là một “danh sách đen đủi” của thế giới tân tiến trong ngàn năm thứ ba, một danh sách vạch trần các vết thương bẩn thỉu, hôi thối của một thế giới bị chia rẽ vì thù hận, bị tàn phá vì bạo lực và ích kỷ, một thế giới rách nát vì xung khắc và chiến tranh, một thế giới trong đó người lớn, đặc biệt là các giới lãnh đạo chính trị xã hội chỉ hăng say điên loạn nướng ngân sách quốc gia cho các dịch vụ mua sắm khí giới tàn phát giết người, và không hề biết lắng nghe tiếng khóc của trẻ em và người trẻ. Họ tàn ác và vô nhân hơn bạo chúa Hêrôđê xưa kia rất nhiều.

Trong một thế giới và một xã hội như thế, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse chờ đợi gì nơi từng người trong chúng ta, nếu không phải là mong mỏi chúng ta biết cố gắng trở thành trái tim bừng cháy tình yêu thương nhân từ của Thiên Chúa Ba Ngôi để biến đổi và cứu rỗi thế giới. Phải tìm mọi dịp để biến tất cả mọi sự xảy ra trong ngày sống trở thành hơi thở yêu thương : yêu thay đền thay, trở thành của lễ sát tế, bị hao mòn thiêu rụi vì tình yêu.

Ngày mùng 2 tháng giêng Năm Thánh 2000, giảng trong thánh lễ cho trẻ em và giới trẻ, ĐTC đã nhắc đến các trẻ em nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực trên thế giới. Ngài nói : “Với Năm Thánh, Chúa mời gọi chúng ta sửa chữa lại các lầm lỗi ấy bằng cách cộng tác vào chương trình lớn lao mà Ngài có đối với từng người và toàn nhận loại...Chúa Giêsu cũng cần đến các con trong nỗ lực này...Ngài tín thác các chương trình đó cho các con và hỏi các con : Các con có muốn giúp Cha làm cho thế giới này xinh đẹp hơn và niềm nở hơn không ? Các con có muốn là các chứng nhân tình yêu của Cha trong Giáo Hội và trong thế giới không ? Hãy hăng say trả lời có với Chúa và đem niềm vui của Tin Mừng vào trong ngàn năm mới”.

Lm Hoàng Minh Thắng, 17-12-2002

Đọc nhiều nhất Bản in 20.04.2006. 06:18