Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đề Tài 11: Chấp nhận mọi hệ lụy của cuộc sống làm người giữa lòng một d

§ Lm Hoàng Minh Thắng

... và trở thành của lễ sát tế vì tình yêu (Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh)


Kính thưa qúy vị thưa các bạn,

Trong Phúc Âm thời thơ ấu Chúa Giêsu có một trình thuật chứng minh cho thấy vì yêu thương Chúa Giêsu đã chấp nhận mọi hệ lụy của cuộc sống làm người giữa lòng một dân tộc và trở thành của lễ sát tế vì tình yêu. Đó là trình thuật Chúa Giêsu chịu phép cắt bì, lễ tiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền Thờ Giêrusalem, và lễ nghi thanh tẩy Mẹ Maria sau khi sinh con, như thánh Luca kể lại trong chương 2 câu 21 đến 38. Ba nghi thức này một đàng chứng minh cho thấy Chúa Giêsu nhận chịu mọi luật lệ của dân Do thái, mà giờ đây Ngài là thành phần khi chấp nhận nhập thể và nhập thế, đàng khác chúng chứng minh cho thấy thái độ tuân hành luật lệ nghiêm chỉnh của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse.

Thánh sử Luca viết : “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài Nhi thành thai trong lòng mẹ”. Trong Kinh Thánh Cựu Ước, nghi thức cắt bì, hay cắt vòng da quy đầu của bộ sinh dục nam giới là dấu chỉ giao ước Giavê Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Abraham như kể trong sách Sáng thế chương 17 câu 10 đến 14 : “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải tuân giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này : mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì... : đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi. Sinh được tám ngày, mọi con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì, từ thế hệ này sang thế hệ khác, kể cả nô lệ sinh trong nhà, hay nô lệ các ngươi dùng bạc mà mua của bất cứ người ngoại bang nào không thuộc dòng dõi các ngươi....Giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi, sẽ thành giao ước vĩnh cửu. Kẻ không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ : nó đã phá vỡ giao ước của Ta” (St 17,10-14).

Kể từ thời đó, tức khoảng năm 1850 trước công nguyên, đối với nam giới Do thái lễ cắt bì còn là dấu chỉ sự tùy thuộc dân của Thiên Chúa, và sau cùng nó cũng là dấu chỉ phân biệt người Do thái với người không Do thái và cũng là dấu chỉ được tiền định tham dự vào các phước lành mà Thiên Chúa đã hứa với dân Israel. Sau này trong lễ nghi cắt bì còn thêm nghi thức đặt tên cho con trẻ nữa.

** Ngoài giá trị của các tập tục tôn giáo xã hội, thánh sử Luca nêu bật ý nghĩa thần học của tên gọi “Yeshua” đặt cho Hài Nhi, có nghĩa là Đấng Cứu Tinh, Đấng Giải Thoát, cũng như tên “Yokhanan” Gioan “Chúa Thương Xót”, đặt cho con của thầy cả Dakharia và bà Elisabét (Lc 159). Cũng như trong trường hợp của Gioan, tện gọi Giêsu đã được sứ thần chỉ cho biết trước khi Mẹ Maria thụ thai con mình. Đó là tên gọi do Thiên Chúa muốn, giầu ý nghĩa, được thánh sử Mátthêu giải thích trong chương 1 câu 21, và nhất là chất chứa số phận và sứ mệnh của Hài Nhi Giêsu. Tên gọi như thế tổng hợp giá trị người mang nó và gói ghém trong đó mục đích của Phúc Âm là trình thuật và loan báo Tin Vui Cứu Độ.

Vào ngày thứ 40 sau khi sinh, thì Chúa Hài Nhi được Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse đem vào Đền Thánh Giêrusalem dâng cho Thiên Chúa. Luật này đã có trong thời Cựu Ước như kể trong sách Xuất hành chương 13 và chương 34 : “Giavê Thiên Chúa phán với ông Môshê : “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật : nó thuộc về Ta...Vậy khi Giavê Thiên Chúa đã đưa ngươi vào đất Canaan ...thì ngươi phải nhượng lại cho Giavê mọi con đầu lòng của loài người và con đầu lòng của loài vật....Nếu sau này con ngươi có hỏi thì ngươi sẽ nói với nó : “Giavê đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nộ lệ. Bởi vì Pharaông làm khó đễ khi phải thả chúng ta ra, nên Giavê đã sát hại mọi con đầu lòng trong đất ai Cập, từ con đầu lòng của loài người cho đến con đầu lòng của loài vật, vì thế cha sát tế cho Giavê con đầu lòng loài vật, còn con đầu lòng trong số con cái cha, thì cha chuộc lại” (Xh 13,1.2.12.15; 34,20). Luật này bao gồm việc chuộc con trai đầu lòng bằng cách trả 5 shekel là 5 đồng bạc Do thái, mỗi đồng là 11,424 gram bạc, tương đương với giá 57,120 gr bạc, như xác định trong chương 18 câu 16 sách Dân số : “Ngươi sẽ cho chuộc khi nó được một tháng : tiền chuộc ngươi sẽ ấn định là 5 shekel, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện” (Ds 18,16). Thánh sử Luca không nhắc tới số tiền này, nhưng chắc hẳn là Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse cũng đã trả tiền chuộc cho Chúa Hài Nhi là con đầu lòng như mọi tín hữu khác. Trong khi hai chim bồ câu là của lễ của người nghèo, dâng cho việc thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con, như xác định trong sách Lêvi chương 12.

Sau khi sinh con thì người mẹ phải đem đến cho tư tế ở cửa Lều Hội Ngộ, một chiên con một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ dâng chúng trước nhan Thiên Chúa và cử hành lễ xá tội cho bà mẹ, và bà được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết. Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì phải dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu một con để làm lễ xá tội, để người mẹ được thanh tẩy (Lv 12,6-8). Của lễ này đã được Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse nghiêm chỉnh thi hành theo luật dậy.

** Vẫn theo sách Levi chương 12 thì sau khi sinh con trai, người mẹ ở trong trình trạng ô uế trong vòng 7 ngày và 14 ngày nếu sinh con gái. Ngoài ra sau khi sinh con trai người mẹ phải ở kín trong nhà 33 ngày, và 66 ngày nếu sinh con gái (Lv 12,2-5). Trong suốt thời gian đó người mẹ không được đụng vào các vật thánh. Nghi thức thanh tẩy chỉ liên quan tới người mẹ, nhưng trong trình thuật thánh sử Luca gắn liến với lễ nghi dâng Chúa Hài Nhi vào Đền Thánh, và từ “các ngài” ám chỉ lễ nghi thanh tẩy liên quan tới Mẹ Maria và Chúa Hài Nhi. Một vài nhà chú giải cho rằng từ “các ngài” ám chỉ Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Nhiều vị khác cho rằng nó ám chỉ dân Israel, hay các con cái dòng tộc Lêvi (Ml 3,1-4), mà gia đình Mẹ Maria cũng có họ.

Trong trình thuật ở đây thánh Luca nêu bật vai trò của thành Giêrusalem trong cuộc đời Chúa Cứu Thế : Bào Thai Giêsu từ Nagiarét về Bếtlêhem rồi từ Bếtlêhem lên Giêrusalem để được hiến dâng cho Thiên Chúa; và trong cuộc đời công khai sau này cũng thế từ Galilê Đức Giêsu lên Giêrusalem để chịu tử nạn, để trở thành lễ vật sát tế toàn thiêu tại đây. Thành Thánh, giờ đây cũng như sau này, là nơi Chúa Giêsu được tiến dâng, thánh hiến và trở thành lễ tế. Lễ nghi dâng Chúa Hài Nhi cho Thiên Chúa được trình thuật trong khung cảnh và với loại từ ngữ diễn tả lễ nghi phụng vụ, sát tế : cắt bì (2,21), dâng lên cho Thiên Chúa (2,22), thanh tẩy (2,22), thánh thiện (2,23), vật sát tế (2,24) chúc lành (2,34), lưỡi gươm đâm thâu tâm lòng (2,35), ăn chay, cầu nguyện, phục vụ trong Đền Thờ (2,38) và hoa trái của lễ tế là ơn cứu độ (2,30), ánh sáng, vinh quang của Israel (2,32), sự vấp ngã và chỗi dậy của Israel (2,34), ơn cứu độ của Israel (2,38).

Các yếu tố kể trên cho phép chúng ta khẳng định rằng lễ nghi dâng Chúa Giêsu Hài Nhi trong Đền Thờ Giêrusalem có ý nghĩa tư tế. Là Đấng thánh thiện, đã được Thiên Chúa Cha thánh hiến một cách đặc biệt, Chúa Giêsu không cần phải được thánh hiến cho Thiên Chúa một lần nữa. Bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ đã bao phủ Ngài ngay từ khi thụ thai trong cung lòng trinh trong của Mẹ Maria. Như thế thánh sử Luca cố ý trình bày Chúa Giêsu như vị tư tế. Ở đây Hài Nhi Giêsu vừa là thầy cả dâng lên Thiên Chúa Cha lễ vật vừa là lễ vật sát tế được Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse dâng lên qua tay của vị tư tế trong Đền Thờ. Hẳn đây đã là lý do khiến cho thánh sử trích lại sách Xuất hành chương 13 câu 2 đề cập đến việc thánh hiến con đầu lòng và gắn liền việc dâng Chúa Hài Nhi cho Thiên Chúa với lễ vật là hai chim bồ câu non dùng cho lễ thanh tẩy Mẹ Maria. Tất cả nhằm nêu bật tính chất phụng vụ và tế tự trong toàn cuộc đời Chúa Cứu Thế.

** Trong nghĩa đó toàn cuộc sống của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse cũng trở thành một hiến tế liên lỉ. Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse không chỉ dâng Chúa Giêsu lên cho Thiên Chúa Cha, mà còn dâng trọn cuộc sống của chính các ngài cho Thiên Chúa, hiệp với của lễ tối cao tinh tuyền thánh thiện là chính Chúa Giêsu. Đó cũng là điều mà Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse mong chờ nơi từng người trong chúng ta, đặc biệt khi chúng ta là các người sống đời thánh hiến : linh mục, tu sĩ, hay giáo dân nam nữ tận hiến giữa đời. Mẹ Maria và Cha Thanh Giuse tha thiết mời gọi chúng ta biến mọi giây phút cuộc đời mình trở nên hy tế đúng nghĩa, bằng những hy sinh bỏ mình liên lỉ, vì yêu Chúa Giêsu và các linh hồn. Các Ngài muốn toàn cuộc đời của chúng ta phải được ướp đượm bằng những tâm tình, bằng trái tim và cuộc sống của chính Mẹ với danh hiệu “Maria hy tế của Giêsu tử giá”. Mẹ muốn chúng ta ý thức cao độ rằng : cuộc đời của Mẹ và Cha Thánh Giuse cũng như cuộc đời của từng người trong chúng ta được chọn để trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa cầu nguyện cho trần gian này, thánh hóa và cứu rỗi trần gian này. Vì thế chúng ta hãy dâng những đau khổ hy sinh trong bệnh tật, phiền toái vì tuổi tác, vì địa vị, nhiệm vụ và tính tình với tất cả tình yêu thơ thảo, để giúp các ngài cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc khẩn cấp này, trong sứ mệnh của tình yêu cứu thế. Tình yêu nào cũng có hy sinh. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Vì thế Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse mời gọi chúng ta dừng ơ hờ, bỏ qua, hay lãng phí một hy sinh nào, mà không dâng lên Thiên Chúa để biến toàn cuộc sống chúng ta trở thành một hy tế toàn thiêu cho Thiên Chúa và cho các linh hồn, trở thành một “của lễ sát tế vì tình yêu”, cho tình yêu và bởi tình yêu, như Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thực hiện từng phút giây hằng ngày trong bí tích Thánh Thể.

Lm Hoàng Minh Thắng, 8-12-2002

Đọc nhiều nhất Bản in 20.04.2006. 06:16