Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Viết về Cha nhân ngày Hiền Phụ

§ Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Lâu nay tôi cũng muốn viết một điều gì đó về người cha nhưng cứ lưỡng lự mãi vì hồi giờ đâu thấy mấy ai viết về cha của mình. Mãi tới những ngày nghỉ hè để thăm những người thân ở Hoa Kỳ và sau đó trở về thăm Việt Nam sau nhiều năm xa cách, hình ảnh người cha chợt hiện ra với tôi khi một người bạn của tôi ở Tucson, Arizona xin tôi viết một điều gì đó để anh ta tạ lỗi với người cha của mình nhân dịp Father’s Day sắp đến. Vì lời yêu cầu của anh ta khiến tôi suy nghĩ nhiều về người Cha trên chuyến bay trở về Việt Nam từ San Francisco đến Phi Trường Tân Sơn Nhất. Người đón tôi tại Phi trường giữa trưa hè oi bức là người cha linh hướng thuở nào đã đón tôi và ôm tôi sau nhiều năm xa cách. Thế là tôi có cảm hứng để viết một điều gì đó nhân ngày Hiền Phụ sắp đến để gởi đến những người cha mà tôi đã từng thụ ân.

Thực tình mà nói nếu ai hỏi tôi giữa cha và mẹ, tôi sẽ thương ai hơn? Chắc chắn tôi sẽ trả lời là tôi thương mẹ tôi hơn vì ngay từ nhỏ hình ảnh của người cha luôn làm cho tôi có một gì đó sợ hơn là thương. Tuy nhiên lúc này khi tôi đã là một “ông cha nhà thờ”, một linh mục thì tôi mới hiểu được công ơn của những người cha đã từng góp phần để hình thành nên một mái ấm gia đình, một nền tảng xã hội vững chắc.

Nói về người cha, thi ca Việt Nam từ ngàn xưa đã đúc kết lại biết bao câu bất hủ như: Công cha như núi Thái Sơn; Tình cha ấm áp như vầng Thái Dương; Cha là bắt đầu cho nguồn gốc, cho lý tưởng và cho tương lai…

Tuy nhiên, để nói hay viết nhiều về người cha thì nhiều người không mấy hứng thú để viết, để nói vì nghĩ đến hình ảnh người cha là người ta nghĩ đến một gương mặt cương nghị, nghiêm khắc và hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của người mẹ. Chính tôi cũng có những kinh nghiệm tương tự như vậy với người cha sinh thành ra tôi.

Không rõ tự khi nào tôi bắt đầu quen dần với từ Cha, Ba hay Bố (tiếng Việt), Father, Dad (tiếng Anh), Padre, Papá (tiếng Tây Ban Nha), Pa’i (tiếng Guarani) và trong nhiều ngôn ngữ khác để gọi người đã sinh thành ra mình trong thân xác hay trong tinh thần.

Trước đây tôi không biết ngày nào để nói lời tri ân và tạ lỗi những người cha mà tôi đà từng thụ ân, trong đó có người cha già yếu của tôi đã cho tôi hình hài trong cõi đời này mà hiện nay thể xác của Ba tôi ngày càng kiệt sức do tuổi tác và bệnh tật. Tôi cũng muốn nhân dịp này để nói lời cảm ơn và tạ lỗi người cha linh hướng đã giúp tôi rất nhiều trong đời sống tâm linh suốt những năm mài dùi kinh sử để trở thành một linh mục truyền giáo. Tôi cũng chân thành tri ân người cha đỡ đầu không chỉ lo cho tôi về vật chất nhưng còn luôn cầu nguyện và mong muốn mọi điều tốt đẹp cho tôi. Đó là những người cha mà tôi luôn ghi tạc dù không nói ra nhưng đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai.

Ngày của Cha là một ngày lễ khá mới mẻ ở Mỹ. Ý tưởng tổ chức Ngày của Cha bất chợt đến với Sonora khi cô đang nghe một bài giảng về Ngày của Mẹ vào năm 1909. Sau khi mẹ cô mất, Sonora cùng với các anh chị em do một tay cha cô – ông William Jackson Smart – nuôi nấng, dạy dỗ. Sonora muốn nói với cha rằng ông quan trọng và ý nghĩa với cô biết dường nào. Cha của cô sinh vào tháng 6, vì thế cô đã chọn tổ chức ngày của cha lần đầu tiên tại Spokane, Washington vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Vào năm 1972, Tổng Thống Mỹ Richard Nixon đã quyết định chọn ngày Chúa Nhật thứ 3 của tháng 6 chính thức là Quốc Lễ dành riêng cho những người Cha. Như thế, Ngày của Cha đã được hình thành từ ký ức và lòng biết ơn của một người con gái luôn tin rằng cha của cô và tất cả những người cha khác đều xứng đáng được tôn vinh vào một ngày thật đặc biệt.

Quả thực những người cha cũng đáng được tôn vinh như những người mẹ vì họ đã từng dày công vun đắp, dưỡng dục cho những người con thân yêu của mình và tạo lập cơ ngơi cho gia đình. Thiếu vắng bóng dáng của người cha trong gia đình, những người con sẽ cảm thấy hụt hẫng và mất đi một chỗ dựa rất lớn nên tục ngữ có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Những người cha dạy cho con trai biết bảo vệ, che chở cho mái ấm gia đình và dạy cho con gái sự can đảm để vượt qua trước những thử thách cam go.

Tôi đã học được nhiều điều bổ ích từ người cha ruột của mình từ khi tôi còn rất bé. Tôi còn nhớ từ sau biến cố 1975, gia đình tôi phải chuyển đến vùng kinh tế mới để làm lại cuộc đời! Từ một gia đình mà trước đây không hề thiếu thốn thứ gì, Ba tôi phải làm đủ mọi thứ để nuôi một đại gia đình gồm 10 người. Dù ngày ngày quần quật làm lụng để nuôi các con, Ba tôi cũng có những giờ để răn dạy anh em chúng tôi “Đói cho sạch, rách cho thơm” giữa một thời đại nhiễu nhương vàng thau lẫn lộn. Nhìn bề ngoài ông không phải là một người Công giáo gương mẫu, nghĩa là sớm tối đi lễ đọc kinh, nhưng Ba tôi luôn nhắc nhở con cái, và chính ông luôn chu toàn nghĩa vụ thiêng liêng vào các Chúa Nhật và lễ trọng. Ba tôi chỉ khiêm tốn nhận chức đóng áo quan miễn phí và tẩm liệm cho những người chết mà nhiều lúc Má và các anh em tôi chống đối ông vì sợ làm như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiễm bệnh cho các thành viên trong gia đình. Tôi cũng có nhiều lần bị Ba tôi đánh đòn vì đi xem phim mà không xin phép. Những lúc như thế tôi giận Ba tôi lắm nhưng sau này tôi mới hiểu được ông. Mới đây khi tôi trở về thăm quê hương sau mấy năm xa cách, Ba tôi tuy còn tỉnh táo nhưng không đi lại được do căn bệnh tai biến đã khiến Ba tôi bán than bất toại và tai bị điếc. Ba tôi đã khóc khi nhìn thấy tôi trở về xơ xác vì công việc nhà Chúa nơi xứ truyền giáo. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Ba tôi khóc mà lòng mình cũng quặn đau. Tôi biết làm gì được cho Ba tôi lúc này! Chẳng lẽ tôi xin với Nhà Dòng để hồi hương hay sao? Chúa ơi, Chúa giúp con với!

Tôi cũng có một người cha linh hướng khi tôi bắt đầu bước vào Học viện Triết. Chính vị linh mục đáng kính này đã hình thành nhân cách cho tôi và giúp tôi rất nhiều trong đời tận hiến. Ngài luôn dõi theo và cầu nguyện cho từng bước chân truyền giáo của tôi và dù ở xa, nhưng ngài luôn liên lạc để khích lệ tôi. Tôi không ngờ ngày tôi về thăm quê hương người ra đón tôi lại chính là ngài dù công việc khá bận rộn của ngày thứ Hai đầu tuần. Tôi thật hạnh phúc vì có một vị linh hướng trước sau như một luôn ân cần, quan tâm và cầu nguyện cho tôi.

Tôi cũng muốn viết lên đây để tri ân và chúc mừng người cha đỡ đầu của tôi vừa mừng thọ 70 tuổi tại Hoa Kỳ. Ông từng là một giáo sư trường Nguyễn Bá Tòng và sau biến cố 1975, ông di tản sang Mỹ để lập nghiệp. Ông từng đảm nhận nhiều trọng trách trong các cộng đoàn giáo xứ Việt Nam tại Bắc Cali và luôn là một người chồng, người cha gương mẫu. Ông rất quí mến tôi và luôn âm thầm cầu nguyện và giúp đỡ tôi những lúc tôi gặp khó khăn. Người mẹ đỡ đầu của tôi khi biết tôi phải chịu đựng những khó khăn, thiếu thốn bên xứ truyền giáo đã muốn liên hệ tìm cho tôi một chỗ kha khá để làm việc và tiến thân nhưng người cha đỡ đầu của tôi đã trách mắng bà làm như thế sẽ phá hỏng lý tưởng mà tôi hằng theo đuổi. Khi tâm sự và chia sẻ với ông tôi học được nhiều điều bổ ích từ cuộc sống.

Có lẽ nhiều người khi đọc bài viết này sẽ hỏi tôi tại sao tôi có nhiều người cha như thế. Xin thưa rằng trong cuộc sống chúng ta mắc nợ nhau nhiều lắm và những vị chủ nợ ân tình là những người Cha, người Bố của chúng ta. Xin viết lên những tâm tình này để kính tặng những người Cha, người Ba, người Bố trong ngày Hiền Phụ. Nguyện xin Thiên Chúa là vị Cha Chung Trên Trời của tất cả chúng ta ban nhiều ơn lành hồn xác cho tất cả những người Cha Dưới Đất để họ sống xứng đáng với Ơn Gọi Làm Cha.

Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.06.2010. 09:00