Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáng Sinh ngày xưa

§ Trương Phú Thứ

Mùa Giáng Sinh năm 1957, gia đình tôi vừa mới tạm yên ổn nơi ăn chốn ở tại miền đất mịt mùng có tên gọi là Cái Sắn, ngay gần cuối cái đuôi khoằm khoằm trên bản đồ nước Việt Nam có hình chữ S. Khu định cư Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang là đất tạm dung của dân miền Bắc, những người vào năm 1954 đã phải rứt ruột bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, mồ mả tổ tiên chạy vào miền Nam lánh nạn cộng sản. Hầu hết dân di cư ở Cái Sắn đều là những người đã một đời bầu bạn với con trâu cái cầy và là dân “co đạo”. Kiểu cách ăn nói thông thường của người miền Bắc ngày xưa gọi những người theo đạo Công giáo là người “có đạo” và những người theo các tín ngưỡng khác hoặc không theo một tôn giáo nào là dân “ngoại đạo”. Người “có đạo” hay dân “ngoại đạo” chẳng ai suy bì hay thắc mắc về cái tên gọi đời thường đã trở nên quen miệng và được mọi người mặc nhiên chấp nhận. Cả vùng định cư Cái Sắn mênh mông với trời nước bạt ngàn cũng thi thoảng có một gia đình “ngoại đạo” hoặc một ít người đã từng sinh sống ở nơi đô thị của các tỉnh miền Bắc, được gọi là dân tỉnh thành. Sau này vùng Cái Sắn trở nên trù phú với ruộng lúa chạy dài đến tận chân trời, tôm cá đầy kinh rạch thì những người “ngoại đạo” cũng đã hết thảy trở thành “có đạo” và dân tỉnh thành cũng đã biến mất khỏi nơi ruộng đồng chân lấm tay bùn.

Gia đình tôi đến lập nghiệp ở Cái Sắn từ một vùng quê miền duyên hải Bắc Việt. Dòng họ nội ngoại từ ông cố ông sơ cho đến thế hệ ăn không biết no, ngủ không biết chán chúng tôi chỉ biết bám chặt vào mảnh vườn sào ruộng đắp đổi khoai sắn sống qua ngày. Quê tôi nghèo lắm. Cả làng chỉ có dăm ba cái nhà ngói còn toàn là nhà tranh vách đất. Ruộng đồng thì phèn chua nước mặn, cầy cấy mùa được mùa mất nên nhà nào cũng chỉ tiệm tạm đủ ăn. Thế nhưng làng tôi lai có một ngôi nhà thờ “kiểu Tây” bề thế nhất vùng. Cho đến bây giờ, cũng đã đến cả nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn còn nhớ đến từng chi tiết ngôi thánh đường mà dòng họ tôi đã một lòng rau cháo qua ngày nhưng nhất định phải xây một đền thờ xứng đáng là nơi Chuá ngự. Tôi đã được đi thăm nhiều nhà thờ to lớn nổi tiếng trên thế giới nhưng lại chẳng có một cảm xúc nào với những kiến trúc đồ sộ và những công trình mỹ thuật vô tiền khoáng hậu qua nhiều thời đại. Bao nhiêu tâm tình mến thương, tình nghĩa chất ngất dạt dào tôi đã để lại nơi tháp chuông của ngôi nhà thờ làng tôi. Chẳng biết ngày xưa làm thế nào mà cha ông chúng tôi chỉ với hai bàn t ay gầy guộc và chiếc thang tre yếu ớt đã lại có thể xây được cái tháp chuông cao vút ngaọ nghễ dưới trời xanh. Ngọn tháp có ba quả chuông mua từ bên Tây về. Mỗi ngày ba lần tiếng chuông vang lên mời gọi con cái “chạy vội” về nhà Chúa kinh nguyện sớm tối. Tiếng chuông đánh thức dân làng thức dậy sau giấc ngủ miệt mài, người nào người nấy vội vơ cái áo đi mau ra nhà thờ cho kịp lễ. Những buổi trưa bận rộn công việc nhà cửa đồng áng không đến nhà thờ được nhưng khi vừa nghe tiếng chuông đổ hồi, mọi người đều nghỉ tay đồng áng đứng lên quay mặt về phía nhà thờ để cùng hợp lòng hợp ý đọc kinh nguyện rất sốt sắng. Tiếng chuông ngân nga vào mỗi buổi chiều lúc dân làng quang gánh về nhà sau một ngày làm lụng vất vả. Nhiều người chỉ kịp chạy ào xuống dưới cầu ao giũ quàng bùn đất rồi vội vàng vào nhà thờ bắt đầu buổi kinh chiều. Tiếng kinh trầm bổng lãng vãng trên rặng soan già bay cao vút lên chín tầng mây, âm vang vọng xa tới những cánh đồng xanh mầu mạ non con gái chạy dài đến tận chân trời. Lời kinh sốt sắng lan toả ra như hương trầm từ bao tấm lòng cung kính nguyện cầu xin cho sống đời bình an. Nhà thờ làng tôi là địa chỉ cư trú thứ hai của dân làng, là nơi ẩn náu của những ngày loạn lạc và cũng là nơi hội hè đình đám trong những ngày lễ tết quanh năm. Nghe tin Việt Minh về đến gần làng là mọi người già trẻ lớn bé chạy vào nhà thờ đóng chặt cưả lại rồi xướng kinh cầu nguyện xin Chúa giữ gìn. Nếu chết thì cả làng cùng chết. Chết trong nhà Chúa. Chết an lành trong tay Chúa. Kỳ diệu thay là Việt Minh cũng đã về đến làng nhưng chẳng đứa nào dám phá cửa nhà thờ để bắt “bọn phản động”. Mọi người vẫn bình an dưới sự che chở của Chúa. Ngày Tết thì vui biết bao, những trò chơi và đám múa sư tử đều lấy cái sân thượng ngay cuối nhà thờ như là nơi mở hội. Sáng ngày mùng Một Tết tiếng trống của đội múa sư tử ngay khi thánh lễ đầu năm vừa xong là một đợi chờ náo nức của bọn trẻ chúng tôi. Sau ngày mùa, dân làng cười nói vui vẻ mừng Xuân đón Tết dưới bóng nhà thờ, đầm ấm yêu thương như nụ hoa đang độ xuân thì.

Nhà tôi chỉ cách nhà thờ một quãng đường. Từ cổng nhà tôi đi ngang con đường làng, qua cái ao lềnh bềnh những mảng bèo trôi chậm chạp là đã đến cuối nhà thờ. Con đường quá quen thuộc, tôi có thể nhắm mắt đi cũng chẳng sợ ngã xuống ao. Đã mấy năm rồi tôi học chữ quốc ngữ, học giáo lý ở gian nhà phía hông trái nhà thờ. Suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài nhà thờ. Mỗi lần nghe tiếng chuông là tôi chạy vội vào nhà thờ ôm chặt cái sợi giây thừng to tướng mà ông bõ vóc người gầy ốm nhỏ thó đang cố đu cả thân mình lên để giật chuông. Nhiều lần người bõ già này chỉ bám vào giây để giữ nhịp cho hồi chuông. Lần nào được giật chuông tôi cũng khoe với u tôi để nhìn nụ cười dịu hiền với chút hãnh diện cuả bà mẹ suốt đời hy sinh, nhịn ăn nhịn mặc cho con cái.

Cứ đến những ngày lễ trọng thì nhà thờ làng tôi chật như nêm cối. Không kể dân làng mà những giáo hữu từ các làng lân cận cũng đến dự lễ cho long trọng và nhất là được nghe tiếng phong cầm réo rắt từ trên gác đàn. Thày tôi đã lặn lội lên Hà Nội, đi lên đi về mấy lần mới mua được chiếc đàn này cho nhà thờ. Chiếc đàn có hai bàn đạp phía dưới, người đánh đàn phải đạp đều chân trong khi tay lướt trên những phím đàn hai mầu đen trắng. Ngày mang chiếc đàn về, tôi đã được nhìn ngắm sờ mó đến thoả thích. Sau khi khiêng chiếc đàn vào nhà thờ cho hội hát thì tôi chỉ được đứng xa mà nghe âm thanh trầm bổng vọng lên.

Trước khi chạy nạn cộng sản di cư vào Nam, tôi vưà mới lên tám. Chắc là tôi đã “to xác” nên u tôi mới khâu cho chiếc áo dài đen để “đi nhà thờ nhà thánh”. U tôi khâu chiếc áo khá rộng, phòng thằng con giai lớn lên “còn có cái mà mặc”. Chiếc áo dài đen rộng quá khổ đã làm tôi chững chạc hẳn lên, u tôi bảo “làng mình đã có thêm một xuất đinh rồi”. Lần đầu tôi diện chiếc áo dài đen còn cứng bột hồ đi sau thày tôi ra nhà thờ mừng Chúa ra đời. Các anh chị tôi đã ra nhà thờ từ sớm để dọn dẹp và trang hoàng cho thánh lễ nửa đêm. Tôi không còn phải ngồi với đám trẻ con trên một chiếc chiếu gần gian cung thánh. Tôi đã mặc áo dài đi nhà thờ, hơn nữa tôi lại còn thông thạo chữ quốc ngữ và biết làm bốn phép tính cũng tạo ra một khoảng cách nào đó với bọn trẻ con cùng lứa trong làng mà đa số chỉ biết đi chăn trâu và làm những công việc lặt vặt ngoài đồng.

Tôi ngồi cạnh thày tôi trên băng ghế dài có bàn qùy dành cho người lớn. Bên trong nhà thờ không còn đến một chỗ trống, nhiều người phải đứng ngoài nhìn vào qua những khung cửa sổ được mở rộng. Mặc cho thời tiết giá lạnh của mùa đông nhưng người này chen vai người kia truyền hơi ấm cho nhau trong tiềng kinh cầu rầm rì cũng tạo nên môt khoảng không gian ấm cúng. Từ đáy lòng của mỗi người là một tâm tư khấn hứa chân thành qua những nét mặt nghiêm trang kính cẩn nguyện cầu. Tiếng đàn phong cầm nhịp nhàng đệm theo những bài hát tiếng La Tinh với âm thanh quen thuộc trong không khí thinh lặng giữa nửa khuya quyện vào Đất Trời giao hoà trong Đêm Thánh Vô Cùng đón mừng Chúa xuống thế.

Thánh lễ xong, thày tôi dẫn lên hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Mùa đông miền Bắc cũng giá rét lắm nhưng tôi đi chân đất mà chẳng thấy lạnh lẽo gì bởi vì đã mấy ngày rồi tôi đợi chờ đến quên ăn quên ngủ cho giây phút được đến bên hang đá dưới những lồng đèn hình ngôi sao phất giấy bóng kính mầu xanh đỏ mà chiêm ngưỡng tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Chúa sinh ra trong nghèo khó để an ủi và đem bình an đến cho con cái khó nghèo. Đức Mẹ qùy bên Chúa, đôi mắt đầm ấm thiết tha như sưởi ấm thân thể Hài Nhi trong không khí giá buốt giữa đêm đông nơi đồng không mông quạnh. Những sợi giây kim tuyến treo lững lờ trước cửa hang đá bay dật dờ theo ánh nến lung linh huyền diệu. Tôi viếng hang đá mà lòng ước mơ được làm người mục đồng lang thang nơi đồng cỏ dưới ánh sáng an bình từ Trời Cao.

Giây phút háo hức mong chờ để được chiêm ngắm bộ tượng Thánh Gia trong hang đá cũng chẳng được lâu. Tôi qùy bên cạnh thày tôi nhỏ nhẹ lập lại những lời cầu nguyện của thày tôi rồi phải nhường chỗ cho những người đứng sau. Giữa thời loạn lạc hai cha con tôi nguyện cầu Chúa Hài Đồng xin cho chiến tranh ngừng tan, xin cho chúng con sống đời bằng an. Đôi mắt thày tôi nhắm chặt, đầu cúi xuống như muốn gục vào vòng tay thương yêu trìu mến của Thánh Gia.

Tôi chạy xuống phía dưới nhà thờ tìm u tôi. Trong bóng tối chập chờn của chút ánh sáng từ cái đèn chai treo trên cột nhà thờ, u tôi ngước nhìn lên hang đá, miệng thầm thì khấn xin. Chắc hẳn thế nào mà u tôi lại không cầu xin cho thằng con giai hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang và sau này trở thành người hữu ích cho xã hội. Tôi cầm vạt áo dài của u tôi lần mò ra ngoài đường làng đi về nhà. Lúc gần rẽ vào ngõ, u tôi móc trong túi ra hai cái kẹo bột làm quà Giáng Sinh cho tôi. Thật sự thì ở vào thời điểm đó tôi cũng chẳng có một ý niệm gì về cái gọi là quà Giáng Sinh. Hai chiếc kẹo bột chỉ là một phần thưởng đặc biệt cho tôi vì đã ngoan ngoãn đi lễ nửa đêm. Sáng hôm ngày lễ thày u tôi không ra đồng như mọi ngày. Lúc thức dậy tôi đã ngửi thấy mùi xôi đậu thơm ngào ngạt từ dưới nhà bếp. Bao giờ u tôi cũng dành cho tôi nắm xôi to gói trong lá chuối với cục đường phèn. U tôi mong ngày mong đêm cho thằng con chóng lớn để gửi ra tỉnh học nên nhà có đồng quà tấm bánh hay miếng ngon miếng ngọt bao giờ u tôi cũng dành phần hơn cho tôi. Nhà tôi ăn mừng lễ cũng như đa số dân làng, một chõ xôi đậu nhưng vui vẻ hạnh phúc biết bao. Quà bánh nhà quê chỉ có nắm xôi hay củ khoai luộc mà sao đậm đà thân thương đến như vậy.

Chạy nạn cộng sản vào đến miền Nam, dẫn dắt nhau xuống miệt Cái Sắn, thày u tôi cũng cắm được miếng đất gần nhà thờ để sớm tối đi về đọc kinh cầu nguyện. Cuộc đời của thày u tôi gắn liền với cửa ngõ nhà thờ. Bóng mát của ngôi nhà thờ là tài sản trân qúy và tiếng chuông nhà thờ là hạnh phúc vô biên của thày u tôi. Từ nhà tôi đi ra nhà thờ là con đường cạnh một kinh nước có những cây bình bát quanh năm xanh tươi. Dân di cư chia nhau mỗi gia đình một lô đất làm nhà dọc theo hai bờ con kinh. Thấm thoát cũng đã hơn hai năm từ khi những người đến từ nhiều nơi ở miền Bắc gồng gánh nồi niêu với vài cái quần áo tả tơi đến vùng đất này. Những tấm phên lá dừa lợp nhà đã đổi mầu và nền nhà đất gập ghềnh bây giờ cũng đã nhẵn nhụi. Cuộc sống của dân di cư chưa thể nói là sung túc nhưng chẳng ai thiếu thốn. Mỗi ngày ba lần tiếng kinh từ nhà thờ ngân vang đến tận đầu thôn cuối xóm. Mọi người cần cù cầy cấy sống đời đạo nghĩa tạo lập cuộc sống mới nơi miền đất mưa nắng hai mùa.

Lối tắt đến nhà thờ phải đi trên một cái cầu khỉ ngang qua rạch nước trong veo rộng độ ba bốn xải tay với nhữn g bụi hoa dại không tên đủ mầu. Vừa bước xuống khỏi cầu là tới nhà chị Lan bánh đa. Chúng tôi đặt tên như vậy vì nhà chị làm bánh đa. Nghe nói ở ngoài Bắc gia đình chị ở ngoài tỉnh, nhưng vào Nam theo bà con họ hàng ở đây để đêm hôm tối lửa tắt đèn còn có người ruột thịt máu mủ mà nương nhờ. Chị Lan xinh đẹp, dáng người mảnh mai và đã học đến lớp Nhất. Khi đi nhà thờ chị luôn mặc áo dài trắng trông thật thanh lịch và duyên dáng. Tôi rất gần gũi với chị Lan vì mỗi tuần ít nhất một lần tôi đều đến nhà chị mượn mấy tờ báo cũ về đọc. Chị coi tôi như một đứa em và tôi cũng rất qúy mến chị. Từ ngày vào Nam, chị Lan bỏ học và ở nhà phụ giúp gia đình làm bánh đa, sau mở thêm hàng tạp hoá ngay tại nhà. Chị sống đơn sơ mộc mạc và rất được lòng mọi người.

Lễ nửa đêm Giáng Sinh năm 1957, một mùa Giáng Sinh thật an hoà. Mọi người hân hoan mừng lễ trong không khí thanh bình hoan lạc. Nhà thờ xứ tôi cũng đã mua được máy phát điện. Mấy ngọn đèn ống và dăm chục bóng đèn nhỏ đủ mầu trước mặt tiền nhà thờ đã thay đôi hẳn sinh thái của cả xứ đạo. Chúng tôi đang lần mò đi trên lối mòn chập chững bước vào ngưỡng cửa của một đời sống tiện nghi vật chất. Giáo hữu dự lễ năm nay người nào cũng ăn mặc chỉnh tề. Các bà các cô mặc áo dài ni-lông đủ mầu. Các ông ngoài một số lớn tuổi mặc quốc phục, các anh thanh niên đa số mặc quần áo tây có người lại còn thắt cà-ra-vát nữa. Vừa bắt đầu lễ, ban kèn đồng đứng ngoài cửa chính thổi bài Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…, mọi người hát theo thật trang nghiêm sốt sắng. Đến lúc cha xứ dâng Mình Thánh Chúa lại còn có đốt pháo, tiếng nổ ròn tan trong đêm khuya thanh vắng giữa trời nước bao la thật vui vẻ rộn ràng. Bên cạnh nhà thờ là hang đá lộ thiên với những giây đèn mầu chớp chớp dưới một rừng đèn ngôi sao huy hoàng.

Tôi vẫn mặc chiếc áo dài đen u tôi khâu cho mấy năm về trước, đứng từ xa ngắm bộ tượng Thánh Gia trong hang đá to gần bằng người thật mà chẳng dám chen chân giữa những bộ quần áo đẹp đủ kiểu đủ mầu đến gần để nhìn cho tỏ tường. Gia đình tôi lúc này thật sa sút, gần như trắng tay. Có bao nhiêu vốn liếng thày tôi mang hết lên Sài Gòn để lo sắp đặt chỗ ăn học ở bậc trung học cho anh em tôi. Trên một chuyến xe buýt, thày tôi bị kẻ trộm chen lấn móc túi lấy không còn đồng nào. Thày tôi về nhà như người mất hồn nhưng u tôi vẫn không một lời than vãn. U tôi tin là bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ lo liệu cho chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Từ ngày gia cảnh nghèo túng, thày u tôi gần như xa lạ với chòm xóm láng giềng. Mặc cảm tự nhiên chẳng hề dầy vò cuộc sống của gia đình tôi nhưng thày u tôi đã tự đào ra một cái hố cách biệt ngay cả với những người thân quen trong các hội đoàn thuộc xứ đạo.

Tôi đi ra khỏi đám đông, thất thểu trong bóng đêm về nhà. Những giây đèn mầu chớp chớp trên hang đá cũng từ từ mờ dần. Lúc đi ngang qua nhà chị Lan, tôi nghe tiếng chị gọi. Tôi bước mau hơn đến cái cổng xinh xắn làm bằng những cây tre to trên ngõ vào nhà chị. Chị Lan đưa qua hàng rào một gói giấy báo có buộc giây gọn ghẽ nói là quà Noel. Tôi nhùng nhằng không dám lấy thì chị bảo phải nghe lời chị. Tôi chưa biết nói lời cám ơn, cầm gói quà đi vội ra khỏi ngõ. Trời cuối năm tối âm u, những vì sao mờ lấp lánh trong cõi không gian vô tận cũng không đủ sáng để soi lối mòn đầy cỏ dại. Tôi nhẩy chân sáo mang gói quà Noel đến nhà anh Đáo để anh em chia xẻ niềm vui Giáng Sinh. Anh Đáo vừa mới mười chín tuổi, tướng người cao lớn rắn chắc là một thanh niên rất hoạt bát và vui tính. Nhà anh cách nhà tôi một quãng đường ngắn. Anh ở với bà mẹ và một người chị gái đã lớn tuổi. Nghe nói anh Đáo tu xuất, học giỏi nhưng đi thi hoài mà cũng chẳng đậu bằng cấp gì. Anh rất khéo tay, việc gì cũng làm được và làm một cách thành thạo nhuần nhuyễn. Anh có ngón đàn ghi ta mượt mà. Những bài nhạc cổ điển chằng chịt những nốt nhạc lên xuống tạo nên những âm thanh khi dìu dặt lúc dồn dập dưới mười ngón tay điệu nghệ của anh là cả một công trình nghệ thuật. Trong khu xóm tôi chẳng có ai xứng đáng với chị Lan cho bằng anh Đáo, mặc dầu anh thua chị Lan vài tuổi.

Anh Đáo đang ngồi trước thềm nhà nhìn trăng sao. Thấy tôi, anh vội chạy ra đón và tôi khoe anh gói quà Noel của chị Lan. Tôi theo anh Đáo xuống dưới nhà bếp chỗ gần chuồng heo cách xa nhà trên một cái vườn rộng có những luống rau cải thẳng đến men bờ kinh. Chúng tôi ngồi trên một cái chiếu rách trải trên lớp rạ khô còn thơm mùi nắng, bên nùi rơm cháy âm ỉ khói nghi ngút để đuổi muỗi và chút hơi ấm giữa đêm khuya. Gói quà Noel của chị Lan cho tôi chỉ mươi cái kẹo và dăm cái bánh quy nhưng cũng đủ cho hai anh em có được chút gì nhấm nháp giữa đêm khuya trong không khí mừng vui thánh thiện của ngày lễ. Anh Đáo rút trong túi ra một điếu thuốc lá Cotab mồi lửa hút. Mùi thuốc lá thơm ngào ngạt. Tôi xin anh Đáo thử một hơi cho biết. Lần đầu tiên “kéo” thuốc lá thơm làm tôi ho sặc sụa. Anh Đáo dạo đàn rồi bắt đầu hát những bài mừng lễ Chúa Giáng Sinh bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh. Giọng anh trầm buồn nhưng giai điệu reo vui của những cung nhạc ngày lễ cũng làm cho cả hai chúng tôi rạo rực. Tôi nhìn lên một ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và tin rằng nơi đó Chúa Hài Đồng đang nhìn xuống chúng tôi với tất cả lòng thương yêu trìu mến. Anh Đáo nói không có duyên với chữ nghĩa nên kỳ này nghỉ ở nhà vài tháng rồi tình nguyện đi học lớp sĩ quan Thủ Đức. Thôi thì không có số làm quan văn thì làm quan võ vậy. Tôi chẳng có một ý niệm gì về việc binh lính nên cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Kẹo bánh cũng gần hết, tôi và anh Đáo lăn xuống cái chiếu rách ngủ cạnh bếp rơm cháy âm ỉ. Buổi sáng lúc tôi thức dậy thì mặt trời đã lên cao.

Thời gian qua đi như một giấc mơ. Năm 1972 tôi đã là một thanh niên chững chạc làm công chức tại một tỉnh ở ngay cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn. Tôi đã cố công học hành để thày u tôi vui lòng và nhất là để lời cầu nguyện ngày đêm của u tôi được thể hiện nơi sự xếp đặt và quan phòng của Chúa. Một buổi chiều gần đến ngày lễ Chúa Giáng Sinh, tôi sang ty Cảnh Sát thăm anh bạn. Chúng tôi liên lạc mật thiết với nhau vì thành phần có chút chức tước trong tỉnh thì chỉ có tôi và anh còn độc thân. Lúc đi ngang qua một cái sân rộng đến văn phòng của anh tôi nhìn thấy nhóm mấy người đàn bà đi theo một viên cảnh sát. Người phụ nữ đi cuối cùng nhìn tôi bằng ánh mắt cầu khẩn thiết tha. Gương mặt và vóc dáng quen thuộc tôi làm sao quên được:Chị Lan! Tôi chạy đến hỏi “Chị Lan trước ở Cái Sắn phải không?”. Chị đáp nhỏ nhẹ “Dạ, thưa ông…” Nghe giọng nói của chị, tôi không còn một chút nghi ngờ gì nữa. Đúng là chị Lan bánh đa của tôi rồi.

Tôi đi vội vào văn phòng của anh bạn mà tôi vẫn gọi đùa là Ông Cò. Chuyện gẫu một lúc về mấy cô giáo sư bên trường trung học, tôi hỏi anh về mấy người đàn bà chắc là đang ngồi ở trong phòng tạm giam. Anh cho biết là mấy người này bị bắt vì buôn bán đồ Mỹ ở ngoài chợ. Ngày nào cũng bắt mấy người. Kỳ này cảnh sát bố ráp thường xuyên vì nhiều người bán những đồ quân dụng mà văn phòng cố vấn Mỹ đã nhiều lần nhắc nhở cần phải có biện pháp tích cực ngăn chận, người nào chậm chân chạy không kịp là bị bắt. Mấy người bị bắt vì tội này thường thì chỉ bị giữ lại mấy tiếng đồng hồ, ngoài giờ làm việc có thể bị giam qua đêm, tịch thu hiện vật, làm mấy cái giấy tờ rồi thả. Sáng hôm sau đã nhìn thấy họ ra chợ buôn bán lại. Bắt lui bắt tới cũng chẳng giải quyết được gì. Tôi nói với anh bạn về chị Lan và ngỏ ý nếu không có gì trở ngại thì tôi xin lãnh chị ra. Đàn bà con gái bị nhốt ở phòng tạm giam một đêm nguyên cái vụ muỗi cắn cũng đủ khốn khổ, nói chi đến chồng con đang từng giây từng phút mong chờ. Anh bạn cười xuề xoà nói mấy phút nữa sẽ đưa “người đẹp” lên đây để tôi nhận bà con rồi ra về thơ thới hân hoan. Chúng tôi trở lại với đề tài cố hữu mà đối tượng vẫn là mấy cô giáo sư. Cô Vân dậy toán có mái tóc đẹp như suối mơ. Cô Hảo dậy sinh ngữ có nụ cười tình tứ hớp hồn người. Cô Thanh có thân hình mời gọi, và nhiều cô nữa.

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa dồn dập chạy nhẩy trong miền ký ức vốn rất đậm đà của tôi ngay khi chị Lan vừa bước vào văn phòng. Sau vài câu thăm hỏi, hai chị em nhìn nhau ngỡ ngàng. Chị nói: “Không ngờ lại gặp…ông ở đây.” Tôi cố vồn vã: “Em vẫn là em của chị mà.” Sau một lúc ôn lại những kỷ niệm Cái Sắn thiết tha với tiếng cười và nước mắt nghẹn ngào, tôi xin phép Ông Cò đưa chị về nhà. Ngồi trên xe, hai chị em ôn lại những chuyện cũ và tôi được biết chồng chị Lan chính là anh Đáo qúy mến. Anh chị có hai con. Cô con gái lớn đi tu được nhà dòng gửi sang bên Pháp học. Đứa con trai trọ học ở nhà người bà con trên Sài Gòn. Anh Đáo mang lon đại úy và hiện đang dưỡng thương ở nhà. Trong một cuộc hành quân, anh bị đạn gẫy chân trái, vết thương khá nặng chắc không có ngày trở lại quân ngũ. Chị Lan phân bua lương sĩ quan không đủ nuôi sống gia đình, do vậy phải chạy ra ngoài chợ bươn chải kiếm đồng ra đồng vào. Hôm nay chỉ mất vài cây thuốc lá vì phần lớn số hàng đã chạy kịp vào nhà một người quen ở ngay chợ.

Nhà chị Lan ở chỗ rẽ từ xa lộ Biên Hoàvào quận Đức Tu. Từ ngày Mỹ lập căn cứ Long Bình, dân tứ xứ về đây lập nghiệp biến khu đất này trở nên nhộn nhịp đô hội. Chị Lan chỉ cho tôi ngừng xe ngay trước một căn nhà hai tầng xinh xắn với giàn hoa giấy mầu tím. Chị xuống xe, chạy vội vào trong nhà. Đứng trước cửa nhìn vào đã thấy một hang đá Noel nhỏ nhắn xinh xinh ở góc phòng khách. Anh Đáo chống nạng đi ra. Anh nói oang oang không ngờ anh em mình lại gặp nhau ở đây, trái đất nhỏ xíu, trái đất tròn mà. Mắt anh đỏ quạch, nước mắt nhạt nhoà. Anh Đáo trông phong sương và đẫy đà hơn trước nhiều. Chuyện xưa chuyện nay với vợ chồng anh Đáo đã hơn hai giờ đồng hồ, tôi xin phép về và hẹn chắc sẽ trở lại vào đêm lễ Noel để cùng đi nhà thờ và sau đó về nhà ăn mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Đêm lễ Noel, tôi trở lại nhà anh Đáo. Chị Lan diện thật đẹp. Anh Đáo mặc quân phục, chân trái bó bột khập khiễng với đôi nạng. Chúng tôi đi nhà thờ lúc 10 giờ tối. Thời buổi chinh chiến, rất ít nơi còn cử hành thánh lễ nửa đêm. Tôi đỡ anh Đáo vào nhà thờ đã gần hết chỗ đứng. Thấy anh Đáo, vài thanh niên đứng dậy nhường chỗ ngồi cho thương binh. Ban hợp ca từ phía trên gian cung thánh đã bắt đầu những cung điệu Giáng Sinh, trong đêm u tối chúng con mong ngày mau tới. Tôi ngước mắt nhìn lên phía trái nhà thờ, tấm bảng đỏ kẻ hàng chữ mầu vàng Bình An Cho Người Thiện Tâm Dưới Thế. Tiếng đàn lời ca hợp cùng với những tiếng thầm thì nguyện cầu cũng không át đi được âm thanh ầm ĩ của những loạt đạn pháo binh từ xa vọng lại. Xương máu của con dân Việt Nam vẫn đổ ra ngay trong đêm rất thánh nhiệm mầu. Tôi ôm mặt cúi đầu khấn nguyện Chúa Hài Đồng, xin ban bình an cho chúng con.

Trương Phú Thứ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.12.2008. 09:51