Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cây Nêu ngày Tết

§ Hoàng Đức Trinh

Trước đây, ngày Tết đối với đồng bào Việt Nam có nhiều tập tục. Không có những tập tục này, bầu khí Tết sẽ mất đi cái háo hức, cái vui tươi, cái nhộn nhịp… của một lễ hội lớn Một trong những tục lệ đó là cây Nêu.

cay-neu.jpg

Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Mong sao đến Tết dựng nêu ăn chè
.

Dựng nêu ngày xưa là điều quan trọng linh thiêng trong những ngày chuẩn bị Tết. Trong khi cánh đàn ông con trai trong nhà đi đốn tre về làm cây nêu, thì các bà các cô cũng sửa soạn cho nồi chè cúng tiên nhân về “xem” con cháu chuẩn bị Tết. Chè dựng nêu thường là chè nếp, hay là chè xôi nước (tức bánh trôi). Nêu là một cây tre được đốn lấy cả ngọn, rồi róc hết cành, chỉ chừa lại trên ngọn vài, ba cành nhỏ có ít lá. Cây nêu thường được trồng ở trước sân nhà, phải cao hơn mài nhà, dưới ngọn có treo một vòng tròn bằng tre, cột vào đó lủng lằng những cái khánh bằng đất nung nho nhỏ, gió đánh chạm vào nhau kêu leng keng, trên ngọn nêu có treo một miếng vải đỏ dài, gọi là lá phướn. Theo cha Alexandre de Rhodes, thì cây nêu còn “treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc” nữa.(LSVQĐN, q.I, ch. 23)

Cây nêu dựng xong. Một người cầm túi vôi bột đi rải thành hình một vòng tròn quanh cây nêu, và hình cung tên bắn ra bốn hướng. Khi vôi rắc xong, thì mâm chè cũng được bưng ra, không cần phài bàn ghế mà đặt ngay bên cạnh gốc cây nêu. Ba thẻ hương được thắp lên, người chủ gia đình vái trước bàn thờ, rồi ra đứng trước cây nêu vái bốn hướng, như để trấn áp ác quỷ tà thần, không cho bén mảng về quấy phá những ngày Tết. Trong khi đó một tràng pháo nổ giòn vang cho quỷ ma khiếp vía trốn biệt. Thế là hoàn tất, mọi người cùng cất chén chè ngọt lịm lên tay, mắt nhìn lên cây nêu, nghĩ đến vế đối ngày Tết: “nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh”…

Truyền thuyết về cây nêu đã được nhắc nhiều, mỗi lần Tết đến. Thuở xa xưa, khi dân tộc ta còn sống bán khai, chưa biết giải thích theo khoa học những hiện tượng thiên nhiên tác động đến đời sống, cho nên khi gặp phải tai nạn hay ốm đau, bệnh hoạn… thì nghĩ rằng đó là do quỷ ma trách phạt, hãm hại, quấy nhiễu. Muốn tránh được những tai ách trên thì cầu khẩn Ông Bụt cứu nhân độ thế, ra tay xua đuổi ác quỷ tà thần.

Quỷ sứ bị đánh đuổi mới van xin không dám phạm đến đất của Ông Bụt nữa. Bụt tha cho, nhưng quỷ sứ lại không rõ đâu là đất của Bụt, mới xin Ông Bụt chỉ giáo. Bụt trả lời: “Nơi nào có cột phướn cây nêu và có rắc vôi trắng đó là đất của Bụt” Từ câu chuyện đó các nhà chùa thường có cây nêu cột phướn. Nơi chùa nào không để cột phướn quanh năm, thì những ngày chuẩn bị Tết, vị trụ trì cũng cho đựng một cây nêu, trên cây nêu có ngọn phướn…

Người ta tin rằng, nơi nào có cây nêu cột phướn, nơi đó là đất Phật, quỷ sứ không dám bén mảng tới. Trong cuốn lịch sử Truyền giáo từ năm 1627 đến 1646, có nhan đề là “Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài” quyển thứ I, chương 23, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trình bầy “Về những tục lệ người Đàng Ngoài giữ vào cuối năm và đầu năm…” đã viết: “Có một tục lệ lâu đời nhưng kỳ dị còn giữ ở khắp xứ Đàng Ngoài, đó là những người già, cả nam cả nữ, vào cuối năm, họ sợ sệt trốn trong chùa như một nơi trú ẩn để tránh thế lực tà ma họ gọi là Võ Tuấn. Họ cho rằng việc của vị này là sát hại và bóp cổ hết những người già nua tuổi tác thuộc cả hai giới. Do đó những kẻ khốn đốn này trong ba hay bốn ngày cuối năm, họ đến trú trong nội địa chùa chiền, đêm ngày không dám ra cho mãi tới ngày mồng một Tết mới trở về nhà, vì cho rằng quyền lực của tà ma hãm hại và là thù địch của người già đã chấm dứt. Đó là điều còn xảy ra vào cuối năm nơi người già cả”.

Vì thế, những gia trưởng trong nhà, không muốn cha mẹ già cuối năm phải vào ẩn náu ở trong chùa nữa, nên họ mua vải đỏ về làm lá phướn, cũng dựng cây nêu tại nhà rồi chỉ cho cha mẹ thấy nhà mình cũng thuộc về đất Phật, ma quỷ không dám đến quấy phá, nên các cụ yên trí, cứ việc thong thả nghỉ ngơi tại nhà, mà không sợ quỷ ma hãm hại. Thấy các cụ ở nhà bằng an, từ đó, các gia đình có các cụ già, đều chuẩn bị cây nêu trong những ngày sửa soạn Tết. Cây nêu tràn ra thành tập tục ngoài công chúng như vậy.

Đã là tập tục của cả dân tộc, nên người công giáo cũng không bị cấm đoán. Trái lại phong tục dựng cây nêu còn được các linh mục “rửa tội” cho. Cũng cha Đắc-lộ trong “Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài” quyển II, chương 29, đã viết: “Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này:

-Để thay thế cái giỏ treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà như chúng tôi đã nói trong quyển I, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây Thánh giá: họ làm theo. Thế là khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà, làm cho ma quỷ sợ hãi và các thiên thần vui mừng. Chúa Trịnh cũng nhận thấy khi ngày đầu năm ngài đi qua phố, trong đám rước long trọng.. . Thấy Thánh giá cắm cao chót vót thì ngài nói: đây là biểu hiện của giáo dân.

-Trong ba ngày đầu Xuân, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau: Ngày mồng Một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ muôn loài: kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng Hai, nhận biết ơn cứu chuộc cao cả khôn sánh: kính dâng Con Thiên Chúa, và ngày mồng Ba: khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Đức Kitô.

Không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng”.

Ngay từ những ngày đầu Đạo Công giáo đến nước ta, các linh mục thừa sai Dòng Tên đã đem Đạo Chúa hoà nhập vào phong tục tập quán ngày Tết Việt Nam, ngoài việc cây Nêu còn có việc dành ba ngày đầu Năm Mới để kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, Tập tục này đã được Giáo hội Việt Nam giữ trong lịch phụng vụ hằng năm, mãi đến sau Công đồng Chung Vatican II mới thay đổi như hiện nay.

Từ cây Nêu có giỏ tiền vàng mã, được “rửa tội” thành cây Nêu “có biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi” là một hội nhập văn hoá tài tình giữa Kitô giáo với phong tục của của con Hồng cháu Lạc. Điều đó chứng tỏ “đạo Đức Chúa Trời là Đạo chung, các người ta mọi nước thiên hạ phải giữ cho được rỗi linh hồn” như giáo lý Kinh Bản Hỏi xưa đã dạy.

Nhân ngày Tết Nguyên Đán, chúng tôi có đôi dòng về cây Nêu dưới con mắt Nhà Đạo. Các thừa sai xưa đã khéo léo hội nhập, hôm nay hy vọng mỗi tín hữu tìm ra được những cơ hội để nhập thế, dù nhỏ bé thôi, nhưng cũng là dịp chúng ta thực thi nhiệm vụ loan truyền Tin Mừng đến người khác.

Kính chúc quý vị Năm Mới An Khang, vui bước trên đường làm chứng cho Chân lý.

Hoàng Đức Trinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.01.2009. 09:35