Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô (2)

§ Vũ Văn An

(3) Các Hành Trình Truyền Giáo

Như đã nói trên đây, sách Công Vụ gom hoạt động truyền giáo của Thánh Phaolô thành ba nhóm; nhưng có tác giả, như Knox, cho rằng: nếu bạn chặn Thánh Phaolô dọc đường mà hỏi xem Ngài đang làm cuộc hành trình truyền giáo thứ mấy, thì đến Ngài cũng phải ‘ngẩn tò te’ không biết phải trả lời ra sao. Nhưng lỗi không hẳn của một mình Thánh Luca, mà cũng do cả lối ta đọc Công Vụ nữa vì Thánh Luca không phân biệt rõ Hành Trình I, II, và III như kiểu của chúng ta ngày nay. Ấy thế nhưng, như ta đã thấy, vẫn có một tương đồng nào đó giữa các dữ kiện của Thánh Phaolô và của Thánh Luca liên quan đến hành trình truyền giáo, ngoại trừ hành trình đầu. Các hành trình này diễn ra trong khoảng các năm 46 tới 58, đó là những năm hoạt động nhất trong đời Ngài, những năm Ngài rao giảng Phúc Âm tại Tiểu Á và Hy Lạp.

(A) Hành Trình I (năm 46-49 CN): Chỉ có sách Công Vụ (13:3-14:28) thuật lại hành trình tiền “Công Đồng” này và cho thấy những nét chủ yếu phù hợp với thể văn của Thánh Luca. Thánh Phaolô không cung cấp cho ta chi tiết nào về hoạt động truyền giáo của Ngài trong suốt thời gian 14 năm trước khi có “Công Đồng” (Gl 2:1). Có lúc, Ngài ở “các miền Syria và Cilicia” (1:21) và “rao giảng đức tin” (1:23) “giữa Dân Ngoại” (2:2). Sau này khi viết thư Philiphê, Ngài nhắc lại rằng “lúc đầu mới rao giảng Phúc Âm, không giáo hội nào ngoài anh em chị em đã chia sẻ với tôi trong vấn đề cho và nhận, lúc tôi rời Macedonia” (4:15). Như thế, khi Ngài rời Macedonia (khoảng năm 50 CN), đã có nhiều giáo hội khác do Thánh Phaolô phúc âm hóa. Các giáo hội này ở đâu? Vì từ Tiểu Á, Ngài qua Philippi thuộc Macedonia, nên có thể Ngài muốn ám chỉ giáo hội tại Nam Galatia trong trình thuật hành trình truyền giáo I (Cv 13:13-14:25) chứ không hẳn các giáo hội tại Nam Galatia, Mysia hay Troas vốn thuộc hành trình truyền giáo II. Dù sao, Macedonia vẫn là khu vực đầu tiên được Thánh Phaolô phúc âm hóa và trình thuật Hành Trình I trong Công Vụ không mâu thuẫn với các chi tiết hiếm hoi của Thánh Phaolô.

Được Chúa Thánh Thần đánh động, các tiên tri và bậc thầy của Antiốc đã đặt tay trên Banaba và Phaolô và sai họ lên đường cùng với Gioan Máccô, người anh em họ của Banaba (Cl 4:10). Họ rời Seleucia, hải cảng của Antiốc thuộc Syria, mà qua Cyprus, lưu lại đảo Salamis một thời gian rồi vào Paphos. Tại đấy, thống đốc Sergius Paulus trở lại đạo (13:7-12). Từ Paphos, các nhà truyền giáo trẩy đi Perga thuộc Pamphylia (trên bờ biển nam của miền trung Tiểu Á) tại đấy Gioan Máccô bỏ đoàn mà trở về Giêrusalem. Hai ông Banaba và Phaolô tiếp tục cuộc hành trình tới các thị trấn thuộc Nam Galatia: Antiốc thuộc Pisidia, Iconium, Lystra, và Derbe. Tại Antiốc, Thánh Phaolô đầu tiên rao giảng cho người Do Thái trong các hội đường của họ và khi gặp chống đối, Ngài tuyên bố Ngài sẽ quay qua Dân Ngoại (13:46). Sau khi giảng phúc âm cho vùng này và gặp nhiều chống đối khác nhau của người Do Thái (đôi khi còn bị liệng đá như ở Iconium), Thánh Phaolô cùng Banaba tìm đường rời Derbe, băng qua Lystra, Iconium và Antiốc Pisidia mà trở lại Perga rồi từ đó, suôi buồm từ Attalia mà tới Antiốc thuộc Syria, nơi Ngài lưu lại “không ít thời gian” với các Kitô hữu (14:28). Một trong các vấn đề xuất hiện trong Hành trình Truyền Giáo I này là mối liên hệ giữa niềm tin mới và Do Thái Giáo, cụ thể hơn, giữa các Kitô hữu gốc Ngoại giáo và các Kitô hữu gốc Do Thái giáo. Các tân tòng gốc Ngoại Giáo có buộc phải cắt bì và tuân giữ luật Môsen hay không.

(B) Dự “Công Đồng” (năm 49 CN): Theo Thánh Luca, lúc Thánh Phaolô lưu lại Antiốc (cuối Hành Trình I), các tân tòng từ Giuđêa tới và bắt đầu nhấn mạnh tới việc phải cắt bì mới được cứu rỗi (15:1-3). Vì việc này dẫn tới cuộc tranh luận giữa họ và Thánh Phaolô cũng như Banaba, nên giáo hội Antiốc cử hai vị cùng một số người khác tới Giêrusalem để thỉnh ý các tông đồ và trưởng lão về vị thế của các tân tòng gốc Dân Ngoại. Việc ấy đưa tới việc mệnh danh là Công Đồng Giêrusalem.

Trong thư Galát 2:1-10, Thánh Phaolô có kể lại biến cố này; Ngài cùng Banaba và Titô lên Giêrusalem “một lần nữa trong 14 năm” (tính từ ngày Ngài trở lại tức là năm 49-50). Ngài nhắc đến cuộc thăm viếng này như là kết quả một ‘mạc khải” (2:2), và Ngài trình bầy với “các vị có tiếng tăm” tại Giêrusalem phúc âm được Ngài đã và đang rao giảng cho Dân Ngoại. Các vị ấy “không thêm bớt gì” vào phúc âm ấy. Các tông đồ Gia-cô-bê, Kê-pha và Gioan hiểu ra ơn thánh đã được phú ban cho Phaolô và Banaba và dơ vòng tay thân ái ra chào đón họ, chứng tỏ không còn bị ảnh hưởng chi bởi những “anh em giả mạo” từng lẻn vào do thám việc các Ngài được thoát khỏi lề luật, một giải thoát do chính Chúa Giêsu chiếm lãnh cho và được Thánh Phaolô nhất định không khoan nhượng bảo vệ “để chân lý phúc âm được bảo toàn” (2:4-5). Vấn đề được “Công Đồng” giải quyết dứt điểm chính là việc cắt bì: nó không phải là điều bắt buộc để được cứu rỗi; nên Titô, dù là người Hy Lạp, đã không bắt buộc phải chịu cắt bì.

Phần thứ nhất của Công Vụ 15 (các câu 4-12) cũng bàn tới vấn đề tín lý này. Những người bị Thánh Phaolô gọi là “anh em giả mạo” thì ở đây bị nhận diện là “một số tín hữu xuất thân từ phái Pharisêu” (15:5). Khi vấn đề được các tông đồ và trưởng lão tranh luận, thì lời nói của Thánh Phêrô xem ra thắng thế; và cuộc họp chấp nhận quyết định của Ngài (dựa trên chính cảm nghiệm của Ngài trong Công Vụ 10:1-11:18). Như thế, Công Đồng Giêrusalem đã giải thoát Giáo Hội phôi thai khỏi gốc rễ Do Thái và mở ra cho Giáo Hội một chân trời hoạt động tông đồ mới trên toàn thế giới mà lúc ấy Giáo Hội đang phải đương đầu. Quan điểm của Thánh Phaolô đã được minh chứng.

(C) Biến cố tại Antiốc (Năm 49): Sau “Công Đồng” Giêrusalem, Thánh Phaolô tới Antiốc, và sau đó, Thánh Phêrô cũng tới. Thoạt đầu, cả hai vị đều ăn uống với các Kitô hữu gốc Dân Ngoại, nhưng sau đó không lâu “một số người của Gia-cô-bê” (Gl 2:12) nghĩa là các Kitô hữu có khuynh hướng học theo Do Thái giáo rõ rệt, cũng tới và chỉ trích Thánh Phêrô về việc ăn uống với các tân tòng gốc Dân Ngoại. Nhượng bộ trước việc chỉ trích này, Thánh Phêrô đã tách rời khỏi các Kitô hữu gốc Dân Ngoại; và hành động ấy khiến nhiều Kitô hữu khác, kể cả Banaba, cũng bắt chước theo. Thánh Phaolô phản đối và chỉ trích Thánh Phêrô ngay trước mặt, vì vị thánh này đã “không bước chân theo chân lý phúc âm” (2:11). Xem ra lời chỉ trích của Thánh Phaolô có hiệu quả, nhưng dù thế, vấn đề kỷ luật liên quan đến các luật lệ Do Thái về ăn uống áp dụng cho các tân tòng gốc Ngoại Giáo nay đã được chính thức đặt ra (xem Brown và Meir, Antioch and Rome, 28-44).

(D) Sắc Lệnh Giêrusalem về Các Vấn Đề Ăn Uống: Việc Thánh Phaolô phản đối Thánh Phêrô vẫn không giải quyết được vấn đề ăn uống tại Antiốc. Dường như một số phái viên lại được gửi tới Giêrusalem, có lẽ sau khi hai Thánh Phêrô và Phaolô đã rời Antiốc. Thánh Gia-cô-bê lại triệu tập các tông đồ và trưởng lão và quyết định của các ngài dưới hình thức một bức thư được gửi cho các giáo hội địa phương ở Antiốc, Syria và Cilicia (Cv 15:13-19). Thánh Phaolô không đề cập gì tới quyết định này, và cả trong Công Vụ, Ngài cũng chỉ được Thánh Giacôbê thông báo khi thánh nhân tới Giêrusalem sau Hành Trình III (21:25).

Công Vụ 15 là chương gây vấn đề và có tính gom nhặt (composite), trong đó, hiển nhiên Thánh Luca đã thu gọn hai biến cố khác biệt nhau cả về chủ đề lẫn thời gian. Ta cần ghi nhận: (a) Các câu 1-2 là một chắp vá văn chương nối các tín liệu từ các nguồn khác nhau; (b) Câu 34 không có trong nhiều bản chép tay Hy Lạp, nhưng được thêm vào các bản văn truyền thống của Phương Tây để giải thích việc Silas ở đâu lúc khởi đầu Hành Trình II (nếu bỏ câu 34, chỗ Silas ở trở thành một vấn đề: ông tham gia với Thánh Phaolô lúc nào trong Hành Trình II?); (c) Simeon (15:14), người thường được coi là chính Simon Phêrô (và chắc chắn phải hiểu như thế trong câu truyện thu gọn của Thánh Luca), có lẽ là một nhân vật khác trong nguồn được dùng. Ở chỗ khác trong Công Vụ, Thánh Phêrô được gọi là Petros (15:7) hay Simon Petros (10:5; 18:32) chứ không bao giờ lại là Simeon. Trong nguồn của Thánh Luca, ông Simeon của câu 15:14 rất có thể là Simeon Đen (Simeon Niger), một trong các tiên tri hay thầy dạy tại Antiốc (13:1); có lẽ ông là một trong các phái viên được gửi tới cuộc họp do Thánh Giacôbê triệu tập về luật lệ ăn uống. (d) Bài diễn văn của Thánh Phêrô về cắt bì và Luật Môsen (15:7-11) khó mà ăn có với chủ đề thảo luận của Thánh Giacôbê (15:14-21).

Sau cuộc tham luận trên, Thánh Giacôbê gửi một lá thư cho Antiốc, Syria và Cilicia (15:22-29) để khuyến cáo rằng các Kitô hữu gốc Dân Ngoại tại các cộng đoàn hỗn hợp ấy phải kiêng không dùng thịt đã hiến tế cho các ngẫu thần, không dùng máu, không dùng thịt các con vật bị cắt tiết và không lấy nhau cách bất hợp pháp (illicit marriages). Có lẽ thư này đã được gửi tới Antiốc cùng với Judas Barsabbas và Silas (15:22) và gửi cho Thánh Phaolô và Banaba lúc đó giả thiết vẫn còn ở đó. Công Vụ 15: 35-36 có nhắc tới việc Thánh Phaolô và Banaba rao giảng tại Antiốc; nhưng nên hiểu việc này là thòi điểm Thánh Phaolô lưu lại Antiốc ngay sau khi tham dự “Công Đồng”. Sau đó, có lẽ Ngài đã rời Antiốc để bắt đầu Hành Trình II. Thánh Phaolô chỉ biết thư này mãi về sau (21:25).

(E) Hành Trình II (Các năm 50-52 CN): Theo Công Vụ 15:37-39, Thánh Phaolô từ khước không mang Gioan Máccô đi theo Hành Trình II vì trước đây vị này đã bỏ cuộc. Thay vào đó, Silas đã tháp tùng Thánh Phaolô. Khởi hành từ Antiốc, họ băng qua Syria và Cilicia mà vào các thị trấn của Nam Galatia, Derbe và Lystra (nơi Thánh Phaolô chọn Timôtê làm người đồng hành sau khi đã cắt bì cho ông Cv 16:1-3!). Từ đó, Ngài băng qua Phrygia mà vào Bắc Galatia (Pessinus, Ancyra và Tavium) và đã lập nhiều giáo hội mới. Bị ngăn trở không tới Bithynia, Ngài tiếp tục đi từ Galatia tới Mysia và Troas. Tại đây, dường như Ngài được Thánh Luca nhập đoàn, hay ít nhất các dữ kiện trong nhật ký của Thánh Luca đã bắt đầu ở điểm này (Cv 16:10-17, phần đầu trong “các Phần Chúng Tôi”).

Đáp ứng một thị kiến trong mộng, Thánh Phaolô qua Neapolis, hải cảng Philippi. Chính hải cảng này đã trở thành địa điểm cho giáo hội Kitô giáo đầu tiên của Âu Châu. Sau khi bị cầm tù và bị đánh đòn tại Philippi vì đã trừ qủy cho một nữ nô lệ, người từng mang lợi lớn lại cho chủ, Ngài lên đường qua Thessalonica qua ngả Amphipolis và Apollonia (Cv 17:1-9). Trong thời gian ngắn ngủi lưu lại Thessalonica, Ngài bận bịu lo rao giảng phúc âm và bị người Do Thái gây rắc rối, đến phải bỏ đó mà qua Beroea (17:10) và cuốicùng tới Athens (17:15). Tại đây, Thánh Phaolô cố gắng gây chú ý nơi người dân thành phố đối với phúc âm Chúa Kitô, vì họ vốn là những người thích các ý tưởng mới lạ (17:22-31). Nhưng Ngài không thành công. Họ bảo Ngài: “Để khi khác, chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (17:32). Chán nản, Thánh Phaolô bỏ đó mà qua Côrintô (năm 51), lúc đó là một trong những thành phố quan trọng bậc nhất của thế giới Địa Trung Hải. Tại đây, Ngài cư ngụ với Aquila và Priscilla (18:2-3), hai Kitô hữu gốc Do Thái mới từ Ý qua tới và cũng làm nghề dệt lều như Thánh Phaolô. Trong thời gian 18 tháng lưu lại Côrintô, Ngài làm nhiều người Do Thái và Hy Lạp và lập ra một giáo hội rất sinh động chủ yếu gồm các Kitô hữu gốc Dân Ngoại. Năm 51 CN, Thánh Phaolô viết thư thứ nhất gửi tín hữu Thessalonica. Gần cuối thời gian ở đấy (năm 52 CN), Thánh Phaolô bị điệu tới trước tổng trấn L. Junius Gallio, nhưng ông này từ chối không xử vì coi đây là chuyện riêng của người Do Thái (18:15). Sau đó ít lâu, Thánh Phaolô rời Côrintô, đáp tầu từ Cenchreae qua Êphêsô và Caesarea Maritima. Sau khi thăm giáo hội Giêrusalem (18:22), Ngài tới Antiốc, và ở lại đó chừng hơn một năm, rất có thể từ cuối thu năm 52 tới xuân năm 54.

(F) Hành Trình III (các năm 54-58 CN): Rời Antiốc (Cv 18:23), Thánh Phaolô qua miền Bắc Galatia, Phrygia và Êphêsô. Thủ phủ tỉnh Asia này trở thành trung tâm hoạt động truyền giáo của Ngài trong ba năm sau đó (Cv 20:31), và trong “hai năm” Ngài thuyết giảng trong hội trường của Tyrannus (19:10). Chỉ ít lâu sau khi tới Êphêsô, Thánh Phaolô viết thư gửi tín hữu Galát (khoảng năm 54 CN). Trong thời gian này, Ngài cũng đã viết thư gửi tín hữu Philiphê và có lẽ cả thư gửi Philêmôn nữa (khoảng các năm 56-57).

Trong thời gian này, Thánh Phaolô được báo cáo về tình hình của giáo hội Côrintô: nào là hoài nghi, phe nhóm, nào là gương mù gương xấu và oán giận chính Thánh Phaolô. Để đương đầu với tình thế ấy, Ngài viết ít nhất năm lá thư cho giáo hội Côrintô, trong đó, chỉ có hai lá còn được lưu giữ (có người cho: một trong hai thư đó thực sự là một thư chắp nối). Một thư được viết trước thư 1Cor (xem 1Cor 5:9) để cảnh giác tín hữu Côrintô đừng giao du với các Kitô hữu vô luân. Rồi, để bình luận về các báo cáo và cũng để giải đáp các câu hỏi đã gửi tới, Ngài viết thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chỉ sau Lễ Ngũ Tuần ít lâu (có lẽ năm 57). Tuy nhiên, lá thư này không được tiếp nhận nồng hậu và liên hệ của Ngài với giáo hội đang bị xâu xé vì nạn bè phái này ngày một tệ đi hơn. Tình thế ấy đòi Ngài phải vội vã tới Côrintô một lần nữa (2Cor 12:14; 13:1-2; 2:1 [“một cuộc thăm viếng đau lòng”]; 12:21), một cuộc thăm viếng thực tế đã không thực hiện được việc gì. Trở lại Êphêsô, Thánh Phaolô lại viết một thư thứ ba cho tín hữu Côrintô, một thư Ngài soạn “trong nước mắt” (2Cor 2:3-4, 9; 7:8,12; 10:1,9). Bức thư này có thể đã được Titô mang theo khi tới Côrintô để đích thân lập lại hòa khí.

Có lẽ trong khi Titô vắng mặt, cuộc bạo động của thợ bạc Êphêsô đã nổ ra (Cv 19:23-20:1). Bài giảng của Thánh Phaolô về “đường lối” mới của Kitô giáo đã làm Demetrius tức giận. Vốn chế tạo các tượng đền tí hon của thần Artemis bán kiếm lời, hắn thấy bài giảng đó có nguy cơ phá hoại việc buôn bán của hắn, nên hắn đã cùng các thợ bạc khác tràn vào nhà hát phản đối Thánh Phaolô và việc khuếch trương Kitô giáo.

Biến cố trên khiến Thánh Phaolô phải rời Êphêsô mà qua Troas (2Cor 2:12). Không thấy Titô ở đấy, Ngài quyết định đi Macedonia (2Cor 2:13). Đâu đó tại Macedonia (có lẽ tại Philippi), Thánh Phaolô gặp lại Titô và được biết liên hệ của Ngài với tín hữu Côrintô đã tốt đẹp trở lại. Từ Macedonia, Ngài viết cho họ bức thư thứ tư vào mùa thu năm 57 (được Murphy-O’Connor O.P. gọi là thư A trong thư thứ hai Côrintô). Không thể nói chắc liệu Thánh Phaolô có tức khắc qua Côrintô hay từ Macedonia qua Illyricum trước (xem Rm 15:19) rồi từ đó Ngài viết 2 Cor 10-13 (gọi là thư B). Cuối cùng, Thánh Phaolô tới Côrintô, và đây là lần viếng thăm thứ ba của Ngài, có lẽ vào mùa đông năm 57 và lưu lại Achaia 3 tháng (Cv 20:2-3; xem 1Cor 16:5-6; 2Cor 1:16).

Tới lúc này, Thánh Phaolô đang nghĩ đến việc trở lại Giêrusalem. Nhớ lại khuyến cáo của “Công Đồng” phải nhớ tới người nghèo (Gl 2:10), nên Ngài lo liệu để các giáo hội gốc Dân Ngoại của mình quyên góp cho anh em tín hữu nghèo tại Giêrusalem. Cuộc lạc quyên này diễn ra trong các giáo hội Galatia, Macedonia và Achaia (1Cor 16:1; Rm 15:25-26). Thánh Phaolô dự tính sẽ đem của lạc quyên tới Giêrusalem và như thế sẽ chấm dứt việc rao giảng phúc âm của ngài tại miền đông Địa Trung Hải. Ngài muốn thăm Rôma (Rm 15:22-24) và từ đó qua Tây Ban Nha và Phương Tây. Trong ba tháng lưu lại Achaia, Thánh Phaolô viết lá thư gửi tín hữu Rôma (có lẽ viết tại Côrintô, hay tại hải cảng Cenchreae của thành phố này [Rm 16:1]) vào đầu năm 58. Xin xem thêm Brown và Meir, Antioch and Rome 105-127.

Khi xuân sang, Thánh Phaolô quyết định đáp tầu từ Côrintô (Cv 20:3) đi Syria. Nhưng khi sắp xuống tầu, thì vì âm mưu hãm hại của người Do Thái, Ngài phải đổi lộ trình, đi đường bộ băng qua Macedonia. Các môn đệ từ Beroea, Thessalonica, Derbe và Êphêsô tháp tùng Ngài. Họ qua Lễ Vượt Qua năm 58 ở Philippi (nơi Thánh Luca nhập bọn với họ, Cv 20:5, “Phần chúng tôi”). Sau lễ, họ đáp tầu qua Troas và đi đường bộ tới Assos, nơi họ lại đáp tầu đi Mitylene. theo duyên hải Tiểu Á, Thánh Phaolô đáp tầu từ Chios tới Samos, rồi Miletus, nơi Ngài nói truyện với các trưởng thượng Êphêsô đang họp nhau ở đấy (Cv 20:17-35). Không chùn bước khi nghe họ tiên đoán mình sẽ bị bắt, Ngài vẫn đáp tầu trẩy đi Cos, Rhodes, Patara thuộc Lycia, Tyre thuộc Phoenicia, Ptolemais, và Caesarea Maritima. Một cuộc hành trình đường bộ đưa Ngài tới Giêrusalem, nơi Ngài hy vọng tới đúng vào dịp Lễ Ngũ Tuần (20:16; 21:17). Xem Ogg, Chronology 133-145.

(4) Lần bị giam cuối cùng

Từ đây trở đi, ta chỉ còn biết dựa vào Công Vụ của Thánh Luca để biết ít nhiều về quãng đời còn lại của Thánh Phaolô; giai đoạn này kéo dài mấy năm sau năm 58, trong đó Ngài chịu cầm tù thời gian lâu.

(A) Thăm Giêrusalem lần cuối và bị bắt (năm 58): Tới Giêrusalem, Thánh Phaolô cùng những người đồng hành tới thăm Thánh Giacôbê và các trưởng thượng của giáo hội Giêrusalem (Cv 21:18). Thánh Giacôbê lập tức hiểu ngay sự hiện diện của Thánh Phaolô tại Giêrusalem sẽ gây bất ổn nơi các Kitô hữu gốc Do Thái. Nên Ngài khuyên Thánh Phaolô hãy cùng bốn người sở tại chịu làm nghi lễ Nazirite và chịu phí tổn cho họ như một nghĩa cử thiện chí đối với các Kitô hữu gốc Do Thái, để họ khỏi nghi ngờ. Thánh Phaolô đồng ý. Và nghi lễ kéo dài bẩy ngày trên sắp sửa kết thúc, thì người Do Thái từ tỉnh Asia nhận ra Thánh Phaolô ở khu vực Đền Thờ. Họ tố cáo Ngài khuyến khích người ta vi phạm Luật Môsen và làm hoen ố Đền Thờ bằng cách đưa người Hy Lạp vào đó. Họ túm lấy Ngài, lôi ra khỏi Đền Thờ và toan tính giết chết Ngài. Tuy nhiên, Ngài được cơ đội La Mã trú đóng tại Đồn Antonia cứu thoát khỏi đám đông. Họ giam giữ Ngài (22:27) và điệu Ngài ra trước đại hội đồng Do Thái. Nhưng rồi sau đó, vì sợ người Do Thái, nên viên chỉ huy cơ đội đã hộ tống Thánh Phaolô tới cho viên tổng trấn La Mã tại Giuđêa là Antonius Felix, đang ngụ tại Caesarea Maritima, xét xử (23:23-33). Hy vọng Thánh Phaolô sẽ đút lót (24:26), nên Felix giam Ngài tới hai năm.

(B) Chống án lên Caesar; tới Rôma (năm 60 CN): Lúc tổng trấn mới là Porcius Festus tới nhậm chức (có lẽ vào khoảng năm 60 CN), Thánh Phaolô “kháng án lên Caesar” nghĩa là đòi được xử tại Rôma, vì Ngài vốn là công dân La Mã. Festus buộc phải chấp thuận. Xem Sherwin-White, Roman Society 48-70.

Được một bách quân đội trưởng hộ tống (và có lẽ cả Thánh Luca nữa, theo “Phần chúng tôi” cho thấy), Ngài đáp tầu từ Caesarea Maritima đi Sidon và băng qua Cyprus mà vào Myra thuộc Lycia. Cuối mùa thu năm 60 (27:9), đoàn người rời Myra trên một con tầu của Alexandria nhằm Ý mà tới, mặc dù thời tiết xấu. Hải trình trước nhất đưa họ tới Cnidus (trên duyên hải phía nam Tiểu Á) rồi theo hướng nam “vì không thuận gió, phải vòng theo đảo Crete, hướng về mũi Salmone” đến tận Bến Lành (Fair Haven), gần thành Lasea của Đảo Crete (27:7-8). Khi họ cố tới cảng Phoenix, một cơn gió đông bắc ập tới làm tầu bị cuốn ra xa, trôi dạt giữa biển Adriatic và cuối cùng dạt vào đảo Malta, sau khi bị đắm tầu (28:1).

Sau khi qua mùa đông tại Malta, đoàn người đáp tầu đi Syracuse thuộc Sicily, rồi đi Rhegium (nay là Reggio di Calabria) và cuối cùng tới Puteoli (nay là Pozzuoli, gần Naples). Cuộc hành trình bằng đường bộ tới Rôma sau đó đưa họ qua Apii Forum và Tres Tabernae (28:5). Thánh Phaolô tới thủ đô đế quốc vào mùa xuân năm 61 và bị quản thức tại gia trong hai năm (61-63), có lính canh giữ. Tuy nhiên, hoàn cảnh ấy không cản trở việc Ngài mời người Do Thái ở Rôma tới nơi Ngài bị quản thúc để giảng phúc âm cho họ (28:17-28). Truyền thống vẫn cho rằng trong thời gian bị quản thúc này, Thánh Phaolô viết các thư Philêmôn, Côlôxê và Êphêsô. Tuy nhiên nhiều người không nghĩ vậy (xem Sherwin-White, Roman Society 108-119; R.E. Brown, The Churches The Apostles Left Behind [NY, 1984] 47-60).

(C) Cuối đời Thánh Phaolô: Công Vụ chấm dứt với trình thuật ngắn về vụ Thánh Phaolô bị quản thúc. Việc Ngài tới Rôma và rao giảng phúc âm gần như tự do ở đó đã tạo nên cao điểm câu truyện truyền bá lời Chúa từ Giêrusalem tới thủ đô thế giới văn minh hồi đó: Rôma vốn là biểu tượng của cõi “tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Nhưng đó chưa hẳn là kết thúc cuộc đời Thánh Phaolô. Nhắc tới “hai năm tròn” (28:30) không có nghĩa là Ngài qua đời ngay sau đó, dù người ta muốn giải thích ra sao tùy ý về sự kết thúc đột ngột của sách Công Vụ.

Các Thư Mục Vụ (Titô; 1-2 Timôtê) thường được coi là các trước tác chính hiệu của Thánh Phaolô và được cho là Ngài đã viết ra sau thơờ gian bị quản thúc tại Rôma. Thực thế, các thư này gợi ý cho thấy Ngài trở lại Phương Đông một lần nữa (Êphêsô, Macedonia, và Hy Lạp). Theo các thư này, Thánh Phaolô lập Titô đứng đầu giáo hội Crete và lập Timôtê đứng đầu giáo hội Êphêsô. Thư thứ hai gửi Timôtê vốn được coi là chúc thư và ước thư cuối cùng của Thánh Phaolô, được Ngài soạn thảo lúc gần qua đời. Nó gợi ý cho thấy Ngài rất có thể đã bị bắt ở Troas (4:13) và bị điệu về Rôma trở lại (1:17), nơi Ngài viết lá thư này khi đang ngồi tù. Có điều, ngày nay các thư này bị coi là ngụy thư (pseudepigraphical), có lẽ do một môn đệ của Thánh Phaolô viết ra (xem Brown, Churches 31-46).

Về các chi tiết khác liên quan đến những ngày sau cùng của Thánh Phaolô, ta phải nhờ vào các truyền thống sau này trong Giáo Hội, những truyền thống chịu ảnh hưởng nặng nề từ các nguồn dã sử. Thánh Phaolô có bao giờ tới Tây Ban Nha hay không? Ở đây, nếu có, thì hình như chỉ là một lịch sử hóa điều Ngài ước mơ trong Rm 15:24, 28. Quả có những truyền thuyết cho rằng sau khi bị quản thúc hai năm, Thánh Phaolô có qua Tây Ban Nha. Thánh Clêmentê thành Rôma (I Cor. 5:7) nói rằng Thánh Phaolô “dạy sự công chính cho toàn thể thế giới và đã du hành tới tận cùng phương tây. Và sau khi đã làm nhân chứng trước mặt các nhà cầm quyền, Ngài đã được đưa ra khỏi thế gian mà về nơi cực thánh, sau khi chứng tỏ mình là gương mẫu vĩ đại nhất của lòng kiên vững”. Lời chứng của Thánh Clêmentê (khoảng năm 90) gợi ý Thánh Phaolô có tới Tây Ban Nha, bị xử lần nữa và được phúc tử đạo. Khoảng năm 180, Mảnh Văn Muratorian (dòng 38-39; Enchiridion Biblicum [2nd ed., Naples, 1954] 4) hàm ý cho rằng phần cuối cùng của sách Công Vụ, tức phần kể lại “việc Thánh Phaolô rời bỏ Kinh Thành [Rôma] và lên đường qua Tây Ban Nha” đã bị thất lạc.

Eusebius (Historia Ecclesiastica 2.22.3) là người đầu tiên nhắc tới việc Thánh Phaolô bị cầm tù lần thứ hai tại Rôma và phúc tử đạo của Ngài dưới thời Nêrông: “Sau khi bào chữa cho mình, Thánh Phaolô lại được sai đi thi hành thừa tác vụ rao giảng của Ngài, và tới cùng một kinh thành như trước đây một lần nữa để chịu tử vì đạo dưới thời Nêrông. Lúc bị tù lần thứ hai này, Ngài viết thư thứ hai gửi Timôtê, đồng thời cho thấy rằng việc bào chữa lần đầu của Ngài có xẩy ra và phúc tử đạo của Ngài đã gần kề”. Sau đó, Eusebius còn trích lời Dionysius thành Côrintô (khoảng năm 170) cho rằng hai thánh Phêrô và Phaolô “chịu tử đạo cùng một lúc” (Historia Ecclesiatica 2.25.8). Tertullian (De praescr. 36) cho rằng cái chết của Thánh Phaolô giống như cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả nghĩa là bị chém đầu.

Lời chứng của Eusebius về cái chết của Thánh Phaolô dưới thời Nêrông bách hại được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, cuộc bách hại này kéo dài từ mùa hè năm 64 tới lúc Nêrông băng hà (9 tháng Sáu, năm 68); nên khó mà xác định rõ được niên biểu cuộc tử đạo của Thánh Phaolô. Ghi chú của Dionysius thành Côrintô cho rằng hai Thánh Phêrô và Phaolô cùng chịu tử đạo một lúc thường được hiểu là cùng một năm, nhưng năm được nhiều người cho Thánh Phaolô chịu tử đạo là năm 67, vào cuối thời bách hại của Nêrông, giống như trình thuật của Eusebius. Tuy thế, niên biểu này không được mọi người chấp nhận và cũng không thể tránh khỏi các khó khăn của nó.

Tương truyền Thánh Phaolô được chôn tại Via Ostiensis, gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Năm 258, khi các ngôi mộ Kitô hữu bị đe doạ xâm phạm trong thời Valerian bách hại đạo, hài cốt Thánh Phaolô đã được cải táng đưa về một nơi gọi là Ad Catacumbas (hang toại đạo) trên Đường Appian một thời gian. Sau đó đã được đưa trở lại địa điểm nguyên thủy, nơi hoàng đế Constantino cho xây vương cung thánh đường của ông.

Theo Joseph A. Fitzmyer S.J. trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, Geoffrey Chapman, 2000

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2008. 11:17