Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo

§ Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Chúng tôi xin trình bày nội dung Bản Toát Yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo dựa trên bản mục lục đã được gửi tới các tham dự viên của khoá tập huấn này. Như các anh chị đã biết, Bản Toát Yếu này là công trình lớn của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình dưới thời vị Chủ tịch tiền nhiệm là Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Năm nay cũng là một thời điểm đặc biệt để Toà Thánh mở án phong chân phước cho ngài. Chúng ta dành một phút mặc niệm để cầu xin Chúa chúc phúc cho những công việc tốt đẹp của Hội đồng cũng như của Giáo hội Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bác ái xã hội để đem lại công lý, hoà bình, phát triển và tình thương cho mọi người.

Học thuyết Xã hội Công giáo được trình bày thành 12 chương với phần nhập đề và kết luận riêng biệt. Phần nhập đề trình bày một chủ nghĩa nhân bản toàn diện và liên đới như là định hướng cho mọi hoạt động xã hội của Giáo Hội nơi trần thế. Và phần kết luận giới thiệu nền văn minh tình yêu như đích điểm cho mọi hoạt động này.

Mười hai chương được chia thành ba phần. Phần I gồm bốn chương đặt nền tảng cho Học thuyết Xã hội Công giáo và nêu những nguyên tắc cơ bản của học thuyết này. Phần II gồm bảy chương đề cập đến những lĩnh vực riêng biệt như gia đình, lao động của con người, đời sống kinh tế, cộng đồng chính trị, cộng đồng quốc tế, môi trường và hoà bình. Phần III chỉ có một chương nói đến học thuyết xã hội và hoạt động của Hội Thánh trong lĩnh vực xã hội.

Giờ đây chúng ta lượt qua rất nhanh một vài điểm đáng lưu ý trong từng chương của Bản Toát Yếu.

CHƯƠNG MỘT: Kế Hoạch Yêu Thương Của Thiên Chúa Đối Với Nhân Loại

1. Trong lịch sử dân Israel cũng như trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và hành động để giải phóng con người. Ngài đã sáng tạo nên vũ trụ và dựng nên con người để chia sẻ tình thương và ân phúc cho muôn loài một cách nhưng không. Ngài không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều kiện nào. Nguyên tắc sáng tạo và hành động tặng không này của Thiên Chúa trở thành nguyên tắc hành động cho con người trong việc đối xử với nhau.

2. Đức Giêsu Kitô hoàn thành kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Đức Giêsu Kitô là biến cố mang tính quyết định trong lịch sử bởi vì Người nối lại mối tương quan giữa Thiên Chúa với loài người và muôn vật. Người mạc khải tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lời nói và việc làm, bằng cái chết và sự sống lại để chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau.

3. Con người trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Qua sự mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, con người được mời gọi để yêu thương như Người. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi phải là nguồn gốc và là mục tiêu của con người. Sự cứu độ mà Thiên Chúa gửi tặng là dành cho hết mọi người và nhắm đến con người toàn diện. Đó là sự cứu độ của Kitô giáo. Môn đệ của Đức Kitô là một thụ tạo mới. Họ được mời gọi để thay đổi mọi quan hệ đã bị tội lỗi làm thương tổn. Họ được mời gọi nhìn nhận đúng đắn các thực tại trần thế để vươn lên và gắn bó với Thiên Chúa là nguồn mọi sự hiện hữu.

4. Kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mạng của Giáo Hội. Để thực hiên kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Giáo Hội trở nên dấu chỉ và nhà bênh vực sự siêu việt của con người. Giáo Hội rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và canh tân các mối quan hệ xã hội dựa trên giới luật tình yêu, để lập nên một Trời mới và Đất mới với những con người mới tràn đầy Thánh Thần như Đức Kitô. Trong số ấy, Đức Maria nổi bật như một gương sáng với lời “xin vâng” của Mẹ đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

CHƯƠNG HAI: Sứ Mạng Và Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội

1. Việc Phúc Âm hoá và học thuyết xã hội. Khi chia sẻ những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của nhân loại, Giáo Hội đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi và mọi thời. Giáo Hội trở thành nơi Thiên Chúa ở với con người. Giáo Hội lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội, tạo nên học thuyết xã hội. Học thuyết xã hội này là một phần đầy đủ trong thừa tác vụ Phúc Âm hoá của Giáo Hội nhằm giúp con người thăng tiến trên con đường cứu độ. Đây cũng là quyền lợi, và đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội vì Giáo Hội là thầy dạy đức tin và phải trung thành với giáo huấn của Đức Kitô.

2. Bản chất của Học thuyết Xã hội Công giáo. Học thuyết này hình thành theo dòng thời gian, mang bản chất của thần học luân lý nhằm hướng dẫn cách cư xử của con người. Học thuyết đặt nền tảng trên Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội. Đó là một sự hiểu biết được soi sáng bởi đức tin, trong sự đối thoại thân tình với các khoa học khác như triết học, xã hội, nhân văn... Đó cũng là cách biểu hiện tác vụ giảng dạy của Giáo Hội để giúp con người hình thành nên một xã hội được hoà giải trong công bằng và yêu thương. Học thuyết này là một thông điệp Giáo Hội gửi cho con cái của mình và cho toàn thể nhân loại. Học thuyết đó vừa có giá trị trường tồn do được ánh sáng ngàn đời của Tin Mừng hướng dẫn, vừa đổi mới theo sự tiến hoá liên tục của xã hội.

3. Học thuyết xã hội của Hội Thánh trong thời đại chúng ta. Thuật ngữ học thuyết xã hội khởi đầu từ Tông thư Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêo XIII, được khai triển dưới ánh sáng và sự thúc đẩy của Tin Mừng qua nhiều triều giáo hoàng để hình thành nên bản văn hôm nay.

CHƯƠNG BA: Con Người Và Các Quyền Của Con Người

1. Học thuyết xã hội và nguyên tắc nhân vị. Giáo Hội nhìn nhận nơi mỗi con người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này được triển khai trọn vẹn và sâu sắc nơi mầu nhiệm Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Vì thế, con người là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo.

2. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa” (imago Dei): được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để hướng về Thiên Chúa và đáp lại tình yêu của Ngài. Con người là một hữu thể xã hội, vì có nam có nữ, cũng như có mối quan hệ với muôn loài thụ tạo. Tuy nhiên, tội lỗi đã làm hư hỏng các mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ và với chính bản thân con người. Tính phổ quát của tội và tính phổ quát của ơn cứu độ: nếu mọi người bị tác động bởi tội lỗi thì Thiên Chúa cũng cứu độ mọi người và qua con người, cứu độ toàn thể vũ trụ.

3. Những khía cạnh đa dạng của con người. Con người duy nhất với hồn và xác như một cá nhân ưu việt và là chủ thể của tất cả hành vi luân lý. Vì là một hữu thể vật chất, con người có liên quan với thế giới này qua thân xác của mình, đồng thời là một hữu thể thiêng liêng mở ra với cõi siêu việt, với Thiên Chúa. Vì thế, con người là một hữu thể độc đáo, không thể sao chép, với những phẩm giá siêu việt. Con người được tự do vì đó là ơn ban cao quý của Thiên Chúa. Tự do có giá trị và giới hạn của nó. Tự do liên kết với sự thật và luật tự nhiên và không đi ngược với sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa. Mọi người đều có cùng phẩm giá bình đẳng đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhau. Từ sự nhìn nhận này, mỗi cá nhân và xã hội mới có thể phát triển đích thực. Bản tính xã hội của con người là một đặc điểm phân biệt con người với các thụ tạo khác trên trần gian. Tuy nhiên, nó không tự động đưa con người tới chỗ hiệp thông với nhau. Nó cần phải được đào tạo để con người vượt qua tự ái và ích kỷ để bộc lộ bản tính này bằng nhiều cách.

4. Các quyền của con người. Các quyền con người nằm trong chính phẩm giá của họ được Thiên Chúa dựng nên và Đức Kitô cứu chuộc. Đó là một tổng thể gồm nhiều quyền khác nhau phải được tôn trọng toàn bộ chứ không phải chỉ nhìn nhận một phần. Tuy nhiên, các quyền lợi luôn đi kèm những nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng. Quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia đặt nền tảng trên quyền con người của mỗi cá nhân. Quyền này không chỉ diễn tả trên những văn bản mà còn phải được thi hành thực sự trong cuộc sống.

CHƯƠNG BỐN: Các Nguyên Tắc Của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

1. Ý nghĩa và sự thống nhất: Ngoài nguyên tắc nền tảng là phẩm giá con người, học thuyết xã hội còn đề nghị các nguyên tắc sau đây. Chúng cũng diễn tả toàn bộ sự thật về con người.

2. Nguyên tắc công ích: công ích là gì, những yếu tố hàm chứa trong đó. Trách nhiệm của mọi người đối với công ích. Các nhiệm vụ của cộng đồng chính trị.

3. Mục tiêu phổ quát của tài sản. Nguồn gốc và ý nghĩa: Thiên Chúa ban toàn thể trái đất cho mọi người và mọi dân tộc. Mục tiêu phổ quát của tài sản và quyền tư hữu như một phương tiện để phục vụ sự phát triển toàn diện con người. Mục tiêu phổ quát của tài sản và sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo.

4. Nguyên tắc bổ trợ: Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ các xã hội thấp hơn. Những chỉ dẫn cụ thể: mọi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có thể đóng góp cho cộng đồng.

5. Tham gia: mọi người đều có nghĩa vụ tham gia vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội của cộng đồng mà mình là thành viên. Tham gia và dân chủ.

6. Nguyên tắc liên đới: diễn tả mối quan hệ lệ thuộc lãn nhau giữa các cá nhân và các dân tộc.

Liên đới vừa là một nguyên tắc xã hội và cũng là một nhân đức luân lý. Liên đới và sự phát triển chung của nhân loại mời gọi mọi người đóng góp cho xã hội mình đang sống như Đức Giêsu đã liên đới trọn vẹn tới mức chết trên thập giá.

7. Các giá trị căn bản của đời sống xã hội: sự thật, tự do, công bằng và yêu thương đều nằm sẵn trong phẩm giá con người và giúp con người phát triển thực sự. Quan hệ giữa các nguyên tắc và các giá trị đó.

8. Con đường yêu thương: yêu thương được coi như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội.

PHẦN HAI

CHƯƠNG NĂM: Gia Đình, Tế Bào Sống Động Của Xã Hội

1. Gia đình là xã hội tự nhiên đầu tiên của con người trong kế hoạch của Đấng Tạo Hoá. Gia đình quan trọng đối với con người vì là môi trường đầu tiên mà con người được sinh ra và lớn lên. Gia đình quan trọng đối với xã hội và có quyền ưu tiên đối với xã hội và quốc gia.

2. Hôn nhân là nền tảng của gia đình vì gia đình được xây dựng dựa trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân. Bí tích Hôn Nhân.

3. Chủ thể tính xã hội của gia đình: con người được tạo dựng để yêu thương và không thể sống mà không có tình yêu. Tình yêu và việc đào tạo một cộng đoàn các ngôi vị. Gia đình là thánh điện của sự sống. Nhiệm vụ giáo dục: cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên nhưng không phải là duy nhất đối với con cái. Khi giáo dục phải tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của con cái.

4. Gia đình là chủ thể tích cực tham gia vào đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Gia đình tham gia vào đời sống kinh tế bằng lao động. Chú ý đến việc lao động của phụ nữ trong gia đình.

5. Xã hội phải tôn trọng và hỗ trợ gia đình với những chính sách hữu hiệu và đúng đắn.

CHƯƠNG SÁU: Lao Động Của Con Người

1. Những khía cạnh Thánh Kinh: bổn phận canh tác và chăm sóc đất đai cùng với Đấng Tạo Hoá. Đức Giêsu nêu gương lao động. Lao động là chiều kích căn bản của cuộc sống con người. Bổn phận lao động: tham gia vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa.

2. Giá trị ngôn sứ của Thông điệp Rerum Novarum: bênh vực quyền lợi và phẩm giá của người lao động.

3. Phẩm giá của lao động: những chiều kích chủ quan và khách quan của lao động. Quan hệ giữa lao động và tư bản. Quyền tham gia quản lý lao động. Quan hệ giữa lao động và tư hữu. Quyền nghỉ ngơi.

4. Quyền lao động: lao động là quyền căn bản và là một điều tốt cho con người. Vai trò của Nhà Nước và xã hội dân sự trong việc phát huy quyền lao động. Gia đình và quyền lao động. Phụ nữ và quyền lao động. Lao động trẻ em. Vấn đề di dân và lao động. Thế giới nông nghiệp và quyền lao động.

5. Các quyền lợi của người lao động: phẩm giá người lao động và việc tôn trọng các quyền lợi của người lao động. Quyền được hưởng lương công bằng và được phân chia lợi tức. Quyền đình công.

6. Sự liên đới giữa những người lao động: tầm quan trọng của các nghiệp đoàn và những hình thức liên đới mới mẻ khác.

7. “Những hoàn cảnh mới” của thế giới lao động hiện nay: hiện tượng toàn cầu hoá làm thay đổi việc tổ chức lao động. Học thuyết xã hội và “những hoàn cảnh mới” đòi hỏi phải khôi phục lại trật tự đúng đắn các giá trị và đặt phẩm giá người lao động lên trên hết.

CHƯƠNG BẢY: Đời Sống Kinh Tế

1. Các khía cạnh Thánh Kinh: con người có hai thái độ đối với của cải và thiện ích kinh tế. Thái độ khó nghèo và thái độ giàu có. Của cải có là để được chia sẻ vì thế tích trữ không chính đáng đều bị coi là thiếu đạo đức.

2. Luân lý và kinh tế: hoạt động kinh tế phải có tính luân lý thì mới hướng đến mọi người và mọi dân tộc.

3. Sáng kiến của tư nhân và sáng kiến kinh doanh; doanh nghiệp và các mục tiêu của doanh nghiệp; vai trò của các chủ doanh nghiệp và việc quản lý.

4. Các tổ chức kinh tế phục vụ con người: thị trường, Nhà Nước và các đoàn thể trung gian. Vai trò của thị trường tự do; hành động của Nhà Nước; vai trò của các đoàn thể trung gian. Tiền để dành và hàng tiêu thụ trong nguyên tắc tiết kiệm.

5. “Những hoàn cảnh mới” trong lĩnh vực kinh tế: toàn cầu hoá với những may mắn và rủi ro. Cần có hệ thống tài chính quốc tế. Vai trò của cộng đồng quốc tế trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu. Một sự phát triển toàn diện trong tình liên đới. Nhu cầu cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa về giáo dục và văn hoá.

CHƯƠNG TÁM: Cộng Đồng Chính Trị

1. Các khía cạnh Thánh Kinh: quyền cai trị của Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Israel. Vai trò của nhà vua. Đức Giêsu và quyền hành chính trị. Các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tuân phục quyền bính.

2. Nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị: là con người. Mối tương quan giữa cộng đồng chính trị, con người và dân tộc. Cộng đồng chính trị có nghĩa vụ bênh vực và phát huy các quyền con người, theo đuổi công ích. Đời sống xã hội dựa trên sự hữu nghị giữa các công dân.

3. Quyền hành chính trị: nền tảng của quyền hành này là con người và người chủ nắm quyền chính trị là chính nhân dân. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý. Quyền phản đối theo lương tâm. Quyền phản kháng khi những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên. Chế tài theo mức nghiêm trọng của tội ác đã gây ra nhằm sửa chữa người lỗi phạm.

4. Hệ thống dân chủ: Giáo Hội đánh giá cao hệ thống dân chủ. Các giá trị và nền dân chủ. Các thể chế và nền dân chủ. Những yếu tố luân lý của vị đại biểu chính trị. Các công cụ giúp tham gia chính trị. Thông tin và dân chủ.

5. Cộng đồng chính trị phục vụ cho xã hội dân sự: giá trị của xã hội dân sự. Thế ưu tiên của xã hội dân sự. Áp dụng nguyên tắc bổ trợ.

6. Nhà Nước và các cộng đồng tôn giáo: tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người. Giáo hội Công giáo và cộng đồng chính trị khác nhau do cách tổ chức và do mục tiêu hai bên theo đuổi, nhưng có thể hợp tác để cùng phục vụ con người và xã hội.

CHƯƠNG CHÍN: Cộng Đồng Quốc Tế

1. Các khía cạnh Thánh Kinh: Thiên Chúa vừa là chủ tể lịch sử, vừa là chủ tể vũ trụ. Giao ước với Abraham mở đường cho gia đình nhân loại quay về với Đấng Tạo Hoá. Đức Kitô là nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới. Ơn gọi phổ quát của Kitô giáo.

2. Các quy tắc căn bản của cộng đồng quốc tế: lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa các dân tộc theo khuynh hướng tự nhiên. Các giá trị nền tảng để xây dựng cộng đồng quốc tế là sự thật, công bằng, liên đới cách tích cực và tự do. Các tương quan phải được xây dựng trên sự hài hoà giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý.

3. Tổ chức cộng đồng quốc tế: giá trị của các tổ chức quốc tế. Liên Hiệp Quốc và các hiệp hội quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các phong trào nhân quyền. Tư cách pháp nhân của Toà Thánh và hoạt động quốc tế thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

4. Sự cộng tác quốc tế để giúp phát triển: các cộng đồng chính trị riêng biệt cần cộng tác để bảo đảm quyền phát triển cho mọi dân tộc. Cuộc đấu tranh chống nghèo đói thách thức lương tâm mọi con người. Nợ nước ngoài của nhiều quốc gia nghèo không được làm hại tới quyền căn bản của các dân tộc.

CHƯƠNG MƯỜI: Bảo Vệ Môi Trường

1. Các khía cạnh Thánh Kinh: kinh nghiệm sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong không gian và thời gian của thế giới này, nhất là mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đòi hỏi phải tôn trọng môi trường thế giới.

2. Con người và vũ trụ thụ tạo: những thành quả của khoa học và công nghệ con người tự chúng đều có giá trị tích cực và có thể ứng dụng cho môi trường.

3. Khủng hoảng trong quan hệ giữa con người và môi trường: việc con người khai thác cách ích kỷ và bệnh hoạn các tài nguyên thiên nhiên cũng như việc suy tôn sinh thái và sinh học đều dẫn tới những hỗn loạn và nguy hại.

4. Một trách nhiệm chung: Môi trường là một tài sản tập thể mà mọi người phải quý trọng và bảo tồn. Việc sử dụng công nghệ sinh học phải cẩn trọng và mang lại lợi ích thiết thực trong việc cung cấp lương thực và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Sinh thái cũng là một loại của cải cần được chia sẻ cách công tâm theo đức công bằng và bác ái. Những vấn đề sinh thái nghiêm trọng đòi hỏi mọi người phải thay đổi lối sống để tránh những thảm hoạ có thể xảy ra.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT: Đẩy Mạnh Hoà Bình

1. Các khía cạnh Thánh Kinh: “Thiên Chúa là sự bình an”. Hoà bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh nhưng còn là cuộc sống viên mãn. Hoà bình trong toàn bộ Cựu Ước và hoà bình của Đức Kitô.

2. Hoà bình là kết quả của công bằng khi tôn trọng sự quân bình giữa mọi chiều kích của con người và là kết quả của bác ái khi con người hành động vì tình yêu.

3. Chiến tranh là một sự thất bại của hoà bình. Quyền tự vệ chính đáng. Nghĩa vụ bảo vệ hoà bình. Nghĩa vụ bảo vệ người vô tội trước những hành vi tấn công. Các biện pháp chống lại những người đe doạ nền hoà bình. Việc giải trừ quân bị và lên án chủ nghĩa khủng bố.

4. Sự đóng góp của Giáo Hội vào hoà bình khi tiếp tục công trình cứu độ của Đức Kitô trên trần gian, bằng cách thúc đẩy sự hợp nhất Kitô hữu, giải gỡ các nguyên nhân xung đột, kêu gọi tha thứ và hoà giải, cầu nguyện cho hoà bình.

PHẦN BA

CHƯƠNG MƯỜI HAI: Học Thuyết Xã Hội Và Hoạt Động Của Giáo Hội

1. Hoạt động mục vụ trong lĩnh vực xã hội:

Học thuyết xã hội và sự vun trồng đức tin: Giáo Hội góp phần giáo huấn của mình vào công cuộc xây dựng cộng đồng nhân loại thông qua việc nói lên ý nghĩa xã hội của Phúc Âm.

Học thuyết xã hội và hoạt động mục vụ xã hội: là giúp cho con người khám phá ra chân lý, chọn được con đường sẽ đi và làm chứng nhân trong lĩnh vực sinh hoạt xã hội.

Học thuyết xã hội cần được tham chiếu trong mọi việc đào tạo Kitô hữu.

Khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng Kitô giáo và các cộng đồng dân sự cũng như chính trị.

Những chủ thể của hoạt động mục vụ xã hội: toàn thể cộng đồng dân Chúa, giám mục, linh mục, tu sĩ.

2. Học thuyết xã hội và sự dấn thân của người tín hữu nơi trần thế: người tín hữu giáo dân có bản sắc riêng: đó là tính chất thế tục.

Bổn phận của họ là công bố Phúc Âm bằng chứng tá gương lành và đời sống giữa trần thế. Linh đạo giáo dân là con đường được vạch ra bởi những yếu tố riêng biệt của đời sống Kitô hữu. Họ được mời gọi hành động cách thận trọng và khôn ngoan. Học thuyết xã hội và các hiệp hội giáo dân. Việc phục vụ trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: nhân phẩm, văn hoá, kinh tế, chính trị.

KẾT LUẬN: Cho Một Nền Văn Minh Tình Yêu

Giáo Hội giúp con người ngày nay tìm ra câu trả lời về ý nghĩa và mục đích cuộc sống của họ. Giáo Hội đề nghị họ tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô để tìm được sự ổn định, an bình cũng như sự phát triển của mọi quốc gia vì Thiên Chúa ban cho con người một khả năng thực sự để vượt qua tội ác và tìm về cái thiện, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Vì thế, người Kitô hữu dấn thân vào lĩnh vực xã hội với niềm hy vọng lớn lao và với sức mạnh của chính Thiên Chúa để xây dựng “một nền văn minh tình yêu” bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.07.2007. 10:26