Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhằm đạt tới một lý trí cởi mở và khách quan

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

(Johann Amos Comenius: Antisozinianische Schriften)

JAComenius.jpg

Triết gia, thần học gia và nhà sư phạm Johann Amos Comenius

Johann Amos Comenius (tiếng Tiệp Khắc là Komenský), một nhà sư phạm, một nhà thần học và là một triết gia, cất tiếng chào đời vào năm 1592 tại miền núi Uhersky Brod, nước Tiệp Khắc và năm 1670 ông qua đời tại Amsterdam, Hoà Lan, nơi ông bị lưu đày. Ngày nay ông đã được biết đến như ông tổ của khoa sư phạm. Thật vậy, Comenius là người đầu tiên cổ vũ:

• một chương trình giáo dục ở học đường không được phép dùng bạo lực;

• cho phép các thiếu nữ được cắp sách đi học;

• học hành phải là bổn phận mà người ta phải thực hiện suốt cả đời.

Ngoài ra, ông còn chủ trương tất cả mọi người bất kể nguồn gốc và đẳng cấp xã hội đều được học hành nghiêm túc đầy đủ. Qua những kinh nghiệm tiêu cực mà chính ông đã phải trải qua trong thời còn phải cắp sách đến trường, ông đã đề xướng một chương trình giáo dục lành mạnh, các giáo trình và giáo án phải rõ ràng minh bạch.

Kiểu học từ chương cổ hủ và vô hiệu quả đang được thực hành vào lúc bấy giờ là một gợi ý cho Comenius để ông viết ra tác phẩm "Janua Linguarum Reserata" (Cổng ngôn ngữ được mở rộng) và nhất là tác phẩm "Orbis sensualium pictus" (Thế giới hữu hình qua các tranh ảnh), một tác phẩm có thể được coi là cuốn sách về hình ảnh đầu tiên. Mục đích của tác phẩm là làm cho nội dung ngôn ngữ trừu tượng trở thành khả tri qua sự chiêm ngắm của giác quan, trong khuôn khổ một khoa sư phạm thống nhất.

Nhưng tác phẩm chính về khoa sư phạm của Comenius phải là cuốn "Didactica magna" (Lý thuyết vĩ đại về khoa sư phạm), một hệ thống bao quát rộng rãi đầu tiên về một phương pháp dạy học kể từ khi xuất phát chủ nghĩa cổ học vào thời phục hưng. Tuy nhiên, tác phẩm trên của Comenius chỉ được coi là một tác phẩm sư phạm xét theo nghĩa rộng mà thôi.

Mục đích của tác phẩm sư phạm của Comenius là nhằm một sự huấn luyện bao quát cho từng cá nhân mỗi người, tức tạo điều kiện cho đương sự sử dụng lý trí của chính mình một cách đúng đắn. Chính mục đích này là nền tảng cho một chương trình rộng lớn mà Comenius đã khởi xướng. Tuy nhiên, ông mong muốn rằng sự giáo dục không chỉ dừng lại trong phạm vi từng cá nhân, nhưng còn phải tiến xa hơn nữa, nghĩa là còn phải nhằm tới một cuộc cải tổ toàn thể nhân loại. Nhưng theo Comenius, để đạt được điều đó thì một sự tri thức cơ bản về tất cả mọi lãnh vực là một điều thiết yếu không thể thiếu. Comenius gọi sự tập hợp tất cả những khoa học lại như thế là "Pansophie" (sự toàn khôn hay sự khôn ngoan vẹn toàn), mà những nét chính đã được ông trình bày trong các tác phẩm của ông là "Prodromus Pansophiae" (Người đi tiền phong của Pansophie) và "Consultatio catholica" (Luận bàn về việc cải thiện những vấn đề con người) được xuất bản sau khi ông qua đời.

Một khi đã đạt tới được sự nhận thức bao quát, con người sẽ bước vào trong thế giới bao la của các học giả, thế giới của an bình, trong đó những sự hiểu lầm và những cãi cọ tranh giành được thay thế bằng sự thông cảm lẫn nhau và trong tất cả sự thông minh hiểu biết là cơ cấu nền tảng cho mọi nguyên tắc. Để hiện thực được một xã hội nhân bản như thế trên toàn thế giới, Comenius đề nghị thành lập một Ủy ban tam đầu chế cho cả thế giới, đó là:

• Hội đồng các giáo sư về sự khai sáng trí tuệ

• Một toà án về hòa bình;

• Tập hợp mọi sự thánh thiện.

Nhờ thế, khoa học, chính trị và tôn giáo được phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng hỗ trợ lẫn nhau để cùng phục vụ phúc lợi chung của xã hội nhân loại.

Hoài vọng của Comenius là mong muốn cho giữa các dân tộc và các tôn giáo trên thế giới luôn có được bầu không khí hài hòa và thông cảm hiểu biết lẫn nhau. Đó là điều đã được biểu lộ qua địa vị nổi bật của ông trong phong trào cải cách của cộng đồng các Huynh Đoàn miền Böhmen-Mähren/Tiệp Khắc, cũng như qua các kinh nghiệm của ông khi phải di tản vì lý do tôn giáo trong "trận chiến ba mươi năm". Vốn được chào đời trong nhà Huynh Đoàn ở Böhmen-Mähren thuộc giáo phái Tin Lành do Jan Hus (1370-1415) lãnh đạo(1), một giáo phái Tin Lành chịu ảnh hưởng của John Wiclif(2), Comenius - một đứa trẻ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ - đã có được may mắn học hành đầy đủ. Từ năm 1611 ông theo học phân khoa thần học, trước hết tại đại học thuộc giáo phái Calvin ở Herborn và tiếp đến là tại đại học Heidelberg. Vào năm 1614 ông lại quay trở về Mähren và làm hiệu trưởng trường ở Prerau. Sau đó khi ông được chọn làm Mục Sư, ông cũng được bầu làm chủ tịch Huynh Đoàn ở Fulnek từ năm 1618 cho tới năm 1621. Cũng chính trong thời gian này ông đã cưới người vợ đầu tiên. Sau khi thua trận ở Weissen Berg vào năm 1620, bao nhiêu tai ương hoạn nạn đã ụp đổ xuống trên cuộc đời Comenius, đấu thương nhất là người vợ và hai đứa con gái của ông đã bị giết chết.

Vì là một Mục Sư Tinh Lành, nên chính Comenius cũng luôn luôn phải sống trong cảnh trốn tránh. Năm 1628 cùng với tất cả các thành viên của Huynh Đoàn, ông phải rời bỏ lãnh địa thuộc Habsburg. Cùng với một số đông các đồng đạo của ông, Comenius đã đến định cư tại Lissa thuộc nước Ba Lan và ông đã bắt đầu dạy học tại trường của Huynh Đoàn. Chính trong thời gian này, qua các tác phẩm của ông, ông đã trở thành nổi danh trong hàng ngũ các triết gia và các học giả trên khắp Âu Châu. Vì những lời mời của các triết gia và học giả, từ năm 1641 ông đã thường xuyên du hành khắp các nước, Anh quốc, Hoà Lan, Đức, Thụy Điển, v.v… vì thế ít khi ông có mặt tại Lissa. Vào năm 1648 Comenius được chọn làm Giám Mục Tinh Lành của Huynh Đoàn. Nhưng tiếc thay, vào năm 1656 ở Ba Lan chính sách nhân nhượng về tôn giáo bị bãi bỏ và quân đội Ba Lan đã được lệnh tiêu hủy thành phố Lissa. Vì thế Comenius và cộng đoàn Tin Lành của ông lại một lần nữa phải di tản khỏi Ba Lan, và ông được phép đến định cư tại thành phố Amsterdam của Hoà Lan. Ở đây ông đã sống cho tới lúc qua đời.

Do đó, người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi Comenius, qua các kinh nghiệm đầy đau thương trong cuộc sống như thế, đã khát khao cho các Giáo Hội Kitô giáo biết vượt thắng được những chia rẽ và đố kỵ lẫn nhau. Ông đã thường xuyên đề cập tới một đức tin Công Giáo chân chính (ngược lại với đức tin Công Giáo Roma đã trở nên sa sút vào lúc bấy giờ), một đức tin được phát huy bởi những luận cứ đúng đắn của các giáo phái. Để hợp nhất tất cả các Giáo Hội thuộc Kitô giáo lại với nhau, ông đã đồng hoạt động một cách có uy tín và chu đáo trong việc sửa soạn cho cuộc đối thoại liên tôn ở Thorn vào các năm 1644-1645. Trong cuộc đối thoại đó tất cả các phái đoàn Kitô giáo tham dự cần phải được hoàn toàn tự do thảo luận với nhau, đúng với khẩu hiệu được nhà triết học đề ra là: "Alles fliesse von selbst, Gewalt sei ferne den Dingen " - (tạm dịch: Tất cả mọi sự tự mình sẽ xuôi chảy, bẻ gãy bạo lực ẩn chứa trong sự đời).

Nền tảng cho thái độ của Comenius trong các vấn nạn thuộc tôn giáo là việc nhất thiết phải giữ vững quan điểm Kitô giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo Comenius, ý tưởng về Thiên Chúa Ba Ngôi còn muôn phần cao cả hơn một tín điều theo truyền thống của Giáo Hội Kitô giáo, và vì thế đòi buộc phải tin kính. Đối với Comenius, tư duy về Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với một sự diễn tiến toàn diện về sự ý thức đầy đủ, về sự chân nhận đích thực, về hành động cụ thể và sau cùng là sự cải tổ nhân loại theo những đề nghị của ông. Chỉ khi con người nhìn nhận ra được rằng toàn bộ công trình sáng tạo và chính con người là phản chiếu lại hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như nói lên quyền lực, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Người, thì bấy giờ con người mới có thể tìm ra được chuẩn độ đích thực cho cuộc sống và cho hành động của mình. Nếu không được dựa trên sự kết hiệp chặt chẽ với nhau một cách tuyệt đối của Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu không có sự ý thức về những gì đã được xuất phát và được phát triển từ động lực và từ tính xác thực của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì đối với Comenius người ta sẽ hoàn toàn bất khả tìm ra được tính cách xác thực trong cuộc sống và trở thành người được.

Qua đó, người ta thấy rằng khoa sư phạm và sự đổi mới con người một cách khôn ngoan hoàn toàn liên kết chặt chẽ với tư tưởng về nguyên lý tiên khởi về Ba Ngôi Thiên Chúa và chỉ có thể phát huy được hiệu quả của chúng khi dựa trên nguyên lý đó mà thôi.

Comenius đã trình bày một cách có hệ thống suy tư của ông về Thiên Chúa Ba Ngôi – là những suy tư vốn chịu ảnh hưởng của Augustinus, Campanella, Raimundus von Sabunde và Nikolaus von Kues - trong mười tập sách chống lại những người Sozinianer(3), tác phẩm "Die Antisozinianischen Schriften", mà ông đã thực hiện trong khoảng thời gian từ 1659 đến 1662. Nguyên nhân đã khiến ông trình bày những suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi là vào lúc bấy giờ một số đông các người đương thời đã hào hứng đón nhận những luận đề về tôn giáo của cộng đồng những người thuộc phái Sozinianer vốn có khuynh hướng chống lại mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhóm những người Sozinianer này chủ trương một sự cải tổ cụ thể tuyệt căn và cho rằng dựa theo những lý do của lý trí, người ta cần phải chối bỏ giáo huấn trọng tâm của Kitô giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì họ xác tín rằng một khi chính lý trí xét theo hình thức là chân chính và hợp lý thì có giá trị thần thánh, họ đã đề xướng ra con đường giải thích ngoại cảnh mang tính cách thuần lý duy chủ quan. Vì thế, mặc dù ông đã nắm giữ những mục tiêu rõ ràng, Comenius vẫn cảnh cáo việc hạn chế những điều kiện nhận thức trên những kết luận của hình thức luận lý học và ông đã nhìn thấy sự nguy hiểm của khuynh hướng tuyệt đối hóa lý tính mà bản chất là phương tiện, một điều đối lập lại quan điểm của ông về một lý trí khách quan và cởi mở.

Tuy nhiên, sự phê bình của phái Sozinianer về cơ cấu Ba Ngôi Thiên Chúa đã khiến Comenius suy tưởng đến chính quan điểm của mình. Cuối cùng ông đã nhận thức được rằng Ba Ngôi của Thiên Chúa là một định đề của một lý trí hoàn toàn trọn hảo theo đúng nghĩa nhất. Như vậy, tác phẩm "Die Antisozinianischen Schriften" là bằng chứng của một suy tư nghiêm chỉnh về giá trị khách quan hợp lý của Ba Ngôi Thiên Chúa xét về phương diện triết học. Trong đó, ngay từ lúc khởi đầu việc giải thích, các viễn tượng đã được mở ra để vượt thắng được những tính cách một chiều của lý tính duy chủ quan, mà những hậu quả tiêu cực của nó vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày hôm nay.

Chú thích:

1. Jan Hus, tên thật là Johannes Huss, một nhà thần học cải cách, người Tiệp Khắc. Chịu ảnh hưởng của J. Wiclif, ông tranh đấu cho việc tục hóa Giáo Hội. Năm 1411 ông bị dứt phép thông công. Năm 1414 bị bắt và năm 1415 bị kết án là phù thủy và bị xử thiêu.

2. John Wiclif hay Wyclif (1320-1384), một nhà cải cách tôn giáo người Anh. Ông khẳng định Kinh Thánh là nền tảng duy nhất của đức tin; ông phủ nhận quyền bính Đức Giáo Hoàng, đời sống tu trì, hàng giáo phẩm và việc Giáo Hội chiếm giữ tài sản, việc xưng tội, và đời sống độc thân của giáo sĩ. Ông phê bình giáo huấn của Giáo Hội về việc xin lễ, về các Bí Tích và về việc tôn sùng các thánh cũng như các di tích thánh. Học thuyết của ông đã được Jan Huss tiếp nhận, nhưng vào năm 1415 thì bị Công Đồng Konstanz kết án.

3. Sozinianer và Unitarier là những cộng đoàn thuộc giáo phái Tin Lành ở Anh, ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu, có chủ trương chống lại tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sách tham khảo:

Johann Amos Comenius: Antisozinianische Schriften. Deutsche Erstübersetzung bei Peter Lang 2008, 1272 Seiten.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Đọc nhiều nhất Bản in 23.07.2008. 10:31