Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một kiếp thao thức

§ Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Con người là hữu thể khát khao hạnh phúc.

Lịch sử nhân loại có thể cho ta khẳng định điều này. Một trong những nét trỗi vượt của con người so với các loài hữu hình khác đó là không hài lòng với cái hiện tại. Nhân loại từ cổ chí kim luôn không ngừng kiếm tìm một cái gì hơn nữa. Những thiện hảo đời này chưa thể thỏa mãn khát vọng vô biên của con người. Cuộc sống hôm nay chưa thể làm thỏa mãn mộng ước vĩnh tồn của con người. Thế là đã đang và mãi còn đó những nỗ lực muốn kéo dài sự sống, muốn trường sinh bất tử. Và tận sâu xa cõi lòng, con người muốn đạt tới hạnh phúc đích thật.

Đời người là một kiếp băn khoăn. Cuộc đời là một chuổi thao thức không ngừng. Băn khoăn hay thao thức theo Từ điển Tiếng Việt, có nội hàm gần tương tự nhau. Băn khoăn là “không yên lòng vì đang có những điều bắt phải nghĩ ngợi”. Thao thức là “ở trạng thái không ngủ được vì có điều phải suy nghĩ, không yên”. (Từ Điển Tiếng Việt- Nxb Khoa Học Xã Hội -1994). Các từ “phải nghĩ ngợi” hay “phải suy nghĩ” trong khái niệm băn khoăn, thao thức, nói lên lên cái lẽ đương nhiên hay cái tính tất yếu, nghĩa là điều phải có khi nói đến con người. Và ngược lại nếu thiếu chúng thì có thể nói là chưa phải là con người.

Thánh Âugustinô là một ví dụ điển hình: “ Lạy Chúa… lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thuật 1.1,1). Trong niềm tin Kitô giáo thì chỉ mình Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và cứu cánh của mọi vật mọi loài mới là hạnh phúc đích thật của con người. “ Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa, vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.” (GLCG chung số 27).

Mở đầu sách Giáo Lý Công Giáo, Hội Thánh lấy lời Chúa Giêsu, chính xác hơn là những lời cầu nguyện của Người trước khi Người chịu tử nạn, để khẳng định một chân lý liên quan đến hạnh phúc của con người. “ Lạy Cha…sự sống đời đời chính là (họ) nhận biết Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Thánh Phaolô tông đồ nói với Timôtê rằng : “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”. (1 Tim 2,3-4). Tuy nhiên một thực tiển với chúng ta, loài thọ tạo trong kiếp nhân sinh này thì Thiên Chúa vẫn mãi là Đấng bất khả thấu đạt (tôi dùng từ “thấu đạt” nghĩa là nắm được trọn vẹn để phân biệt với lập trường bất khả tri). Vì thế hạnh phúc đích thật sẽ mãi ngoài tầm tay của con người mọi thời.

Đức Kitô đã đến thế gian.

Một trong những sứ mạng chính yếu của Người là làm chứng cho chân lý (x. Ga 19,37). Người đã minh nhiên khẳng định mình chính là hiện thân của Chúa Cha. Người chính là đường, là sự thật và là sự sống. Ai thấy Người là thấy Thiên Chúa. Ai tiếp nhận Người là tiếp nhận chân lý. Ai tin theo Người thì sẽ có hạnh phúc, có sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng không có con đường hạnh phúc thật nào mà không qua Chúa Kitô. “ Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Để đến được với Đấng là Đường, là Sự thật, là Sự sống và cũng là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa chắc hẳn không phải một sớm một chiều. Và cũng chắc chắn không kém là chẳng một ai đang tại thế có thể hiểu biết được Người cách tường tận. Hai từ hiểu biết ở đây không dừng lại ở khía cạnh tri thức mà còn mang tính kinh thánh là sự kết hợp sâu xa và trọn vẹn như sự kết hợp trong đời sống phu phụ.

Đạo là gì?

Một khái niệm mà với ngôn ngữ loài người dường như không thể lột tả đủ đầy. “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Chúng ta không chỉ quen mà còn như đồng thuận với Lão Tử trong câu khẳng định này. Tuy nhiên dù bất khả thấu đạt, con người vẫn cố công diễn tả Đạo một cách nào đó theo khả năng suy tư hay luận lý của mình. Đạo là đường. Nói đến con đường ta liên tưởng đến hướng đi, đến người lữ hành. Từ đó ta có thể tạm hiểu với nhau Đạo là một hướng sống, một lối sống của con người được lựa chọn dựa trên một niềm tin, một sự xác tín nào đó. Và để biểu hiện sự lựa chọn một hướng sống dựa trên niềm tin của mình thì con người đã hình thành nên tín ngưỡng, tôn giáo.

Như thế tôn giáo là một sự biểu hiện của Đạo. Đạo đưa đến hạnh phúc thật thì những hình thức tín ngưỡng hay các tôn giáo là những cách thế biểu hiện việc tìm kiếm hạnh phúc của con người. Với tập thể này là vào Niết bàn, với tập thể kia là lên Thiên Đàng, là trở về với Đạo, là hòa với Đại Ngã, là hiệp một với Đại Linh Quang... Tuy nhiên ta đừng quên cái là sự biểu hiện và điều được biểu hiện không bao giờ đồng nhất với nhau. Tôn giáo không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Nói như Cha Thiện Cẩm thường trích lời của giới nhà Phật : Như ngón tay chỉ mặt trăng thì tôn giáo chỉ là ngón tay. Mặt trăng mới là Đạo.

Chân lý là gì?

Chúa Giêsu không trả lời cho Philatô câu hỏi này. Người chỉ khẳng định mình đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Ai hâm mộ chân lý thì hãy nghe theo lời Người. Thế nhưng truớc đó Người đã minh nhiên khẳng định mình là Chân lý. Các triết gia cố giải thích sự thật hay chân lý là sự tương đồng, phù hợp giữa trí khôn và thực tại. Người ta phân biệt ba loại chân lý. Chân lý luận lý là sự nhận thức của lý trí phù hợp hay tương ứng với sự vật hiện tượng khách quan. Ví dụ khi ta nghĩ rằng vạn vật hấp dẫn nhau và suy nghĩ ấy phù hợp với thực tiển nên đó là chân lý.

Chân lý siêu hình hay hữu thể là sự hiện hữu của sự vật hiện tượng khách quan phù hợp với trí khôn. Chẳng hạn một vật nào đó được làm ra đúng như ý tưởng của người làm ra nó thì đó là sự thật. Hoặc sự hiện hữu của một sự vật hay hiện tượng nào đó mà có thể hiểu được lý do thì chúng là thật với người biết chúng. Loại thứ ba là chân lý luân lý. Đây là sự tương hợp tương đồng giữa lời nói, việc làm với tư tưởng, ý nghĩ của ta. Nếu ngược lại là sự dối trá. (x. Pocket Catholic Dictionary – J.A.Hardon).

Trong đời sống thường nhật hay trong các ngành khoa học, để biểu hiện chân lý thì người ta có các nguyên lý, định lý, quy tắc, định đề…Cũng để diễn tả chân lý thì mỗi trường phải triết học lại có mỗi chiều hướng khác nhau vì thế mà có chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ như duy lý, duy nghiệm, duy tâm, duy vật, duy linh, duy thực… Trong tôn giáo thì có giáo lý, tín điều…. Dù là định đề hay quy tắc, là tín điều hay giáo lý…tất thảy đều là những cách thế biểu hiện chân lý. Chúng có thể trình bày chân lý một cách nào đó nhưng chúng không thể nào là chính chân lý.

Sự sống là gì?

Người ta dễ dàng hình dung động thái “sống” và diễn tả nó bằng khái niệm. Có người quan niệm sống là động. Các nhà khoa học thì cho rằng sống là một quá trình trao đổi các chất hữu cơ. Theo Kitô giáo thì con người còn sống khi linh hồn còn kết hợp với thân xác. Khi linh hồn lìa khỏi xác thì là hết sống. Còn sự sống là gì, chúng ta khó tìm được định nghĩa rõ ràng. “Sự sống (la vie, the life) thường không được định nghĩa cho bằng cảm nghiệm, nhận thức” (Điển Ngữ Đức Tin – Lm. Hồng Phúc).

Người xưa cảm nghiệm sự sống qua hơi thở. Người Do Thái quan niệm sự sống ở nơi máu huyết. Thiên Chúa là chủ sự sống nên không một ai được phép đụng chạm đến máu huyết vì như thế là xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngay cả đến thời Hội Thánh sơ khai, các Tông đồ còn giữ lại quan niệm này khi cấm các tín hữu không được phép ăn thịt thú chết ngạt vì máu huyết còn ở trong thịt. (x. Cvtđ 15,29).

Mặc dù không thể đưa ra một khái niệm chính xác rõ ràng nhưng chúng ta cũng có thể hình dung sự sống chính là điều cốt yếu làm cho con người, các vật thể được linh động, tăng trưởng và tồn tại. Con người xưa nay, đặc biệt người Đông phương thường quan niệm sự sống như là cái hồn bên trong. Sinh hồn trong loài sinh vật, giác hồn trong loài động vật và linh hồn trong loài người. Một số tôn giáo còn cho rằng loài khoáng vật cũng có hồn khi xem chúng là một trong những kiếp của hiện hữu. Nhiều triết gia thì tổng quát hóa sự sống của các hiện hữu bằng hai từ “mô thức” trong cặp phạm trù chất thể - mô thức. Tuy nhiên dù là mô thức, là máu huyết, là hơi thở, là hồn… thì chũng cũng chỉ là những biểu hiện, những hình thức diễn tả. Chúng không bao giờ có thể đồng nhất với sự sống.

Tình yêu là gì?

Một câu thơ được lặp đi lặp lại trong chuyện phim Thần Điêu Đại Hiệp : “Hỏi thế gian tình ái là gì – Mà đôi lứa thề nguyền sống chết”. Các thi nhân kim cổ cũng thường tự hỏi : Chữ tình là chữ chi chi? Để trả lời cho câu hỏi này thì biết bao nhiêu giấy mực mà vẫn khôn xiết. Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chúng ta vừa đánh dấu mở đầu triều đại Giáo Hoàng của Ngài bằng Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas est). Ngài đã dùng hai từ Eros và Agape để quảng diẻn tình yêu Thiên Chúa. Đó là một quá trình vừa trao ban vừa đón nhận. Và chính khi đón nhận là lúc trao ban.

Trong thực tế người ta thường nói nhiều về động thái yêu, nghĩa là từ yêu xét như là một động từ. Yêu là chết trong lòng một ít. Yêu là trao ban những gì tốt nhất cho người mình yêu, một sự trao ban vô điều kiện. Yêu là đón nhận một cách quảng đại, không một giả thiết hay tiền đề… Còn tình yêu xét như là một thực thể (L’amour, the love) thì dường như thật khó diễn tả. Thánh Gioan Tông Đồ đã bạo dạn nói rằng : “ Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội thay cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Khi nói tình yêu cốt ở điều này thì Thánh Gioan cũng chỉ diễn tả động thái chính yếu của tình yêu, tức là nói đến chữ yêu.

Cho dù khó diễn tả nhưng đã là người, không ai lại không cảm nhận sự hiện hữu của tình yêu. Tình yêu là có đó. Nó mạnh mẽ hơn cả thần chết. Nó tác động lên ta một cách khó cưỡng lại. Nó dẫn ta đến một giới hạn mà lý trí phải chào thua. Con tim có lý lẽ của nó. Cám ơn Thánh Gioan Tông Đồ khi Ngài khẳng định :“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Câu khẳng định của Thánh Gioan cùng với lời của Hội Thánh giúp ta hiểu một chút nào đó về tình yêu. Thiên Chúa là một cộng đoàn. Nói đến tình yêu là nói đến các mối tương quan. Tình yêu chính là sự sống, là sức mạnh chuyển thông liên lỉ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Và nguồn sức mạnh và sự sống giữa hai Ngôi ấy chính là Chúa Thánh Thần.

Với sự mạc khải này thì dưới cái nhìn Kitô giáo chúng ta có thể đưa ra khái niệm : tình yêu là một năng lực mạnh mẽ, tất yếu giữa các mối tương quan. Trong tương quan cha-con; mẹ-con thì năng lực ấy là tình phụ tử, mẫu tử. Trong tương giữa vợ chồng thì năng lực ấy là tình phu phụ. Trong tương quan giữa công dân với quốc gia dân tộc thì có tình yêu quê hương, tình yêu đồng bào…

Tuy nhiên nếu hiểu tình yêu là năng lực mạnh mẽ và tất yếu giữa các mối tương quan ấy thì chúng ta cũng chỉ cảm nhận kể cả chân nhận nó trong hiện thực mà không thể diễn tả hết được. Và có khi càng cố diễn tả thì càng đi xa với thực tại. Cha Antony de Mello có kể câu chuyện như sau : “ Một người đang dọn luận án tiến sĩ triết học, ngành tâm lý học, chuyên đề về tình yêu hôn nhân. Một ngày người vợ bổng nhận ra sự tinh tế và sâu sắc của chuyên đề anh nghiên cứu khi chị hỏi anh :

- Vì lý do gì anh lại yêu em đến thế?

Lập tức anh ta hỏi lại :

- Khi em nói “đến thế” là em muốn nói gì. Em muốn nói về cường độ, về sự sâu xa, về mức độ, về trương độ, về phẩm tính hay về khối lượng?

Không ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp của hoa nếu ngồi phân tích từng cánh hoa hay vặt từng nhụy hoa ra mà nghiên cứu. Một kiểu nói như Thiền sư Suzuki : “ Hoa thì từ cây mà ra, nhưng nếu chẻ cây ra thì tìm đâu ra hoa nhỉ?”

Đạo hay đường, chân lý hay sự thật, sự sống và tình yêu là những thực tại mà con người mọi thời không ngừng tìm cách đạt đến. Và có thể nói là chẳng một ai dám tự hào mình đã đắc đạo, đã nắm được chân lý, đã giữ được sự sống hay đã có được tình yêu cách trọn hảo, đủ đầy.

Nào chúng ta thử xem các vị đã cùng ăn uống, cùng sống với Đức Kitô, đã từng chiêm ngắm vinh quang của Người trên núi Tabôrê, đã từng thông phần với Người trong cuộc khổ nạn và Phục sinh của Người. Không ai hơn nhóm Mười Hai, có thể nói các Ngài là những người có điều kiện thuận lợi nhất để hiểu và biết Đấng là Đường là Sự Thật là Sự Sống và là Tình Yêu.

Thế nhưng thực tế, còn nhiều điều mà các Ngài vẫn chưa hiểu về Thầy Chí Thánh cũng như lời của Người. Dù có khẳng khái tuyên xưng : Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), thì Phêrô chỉ được Chúa Cha mạc khải trong thoáng chốc. Liền sau đó Ngài lại trở về với suy nghĩ kiểu trần thế đầy u mê của minh. “ Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà, anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư…” (Ga 14,9…). “ Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

Thần khí sự thật đã được ban cách đặc biệt trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thế nhưng thánh Gioan khẳng định : “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Vị tông đồ dân ngoại, người đã được đưa lên tầng trời thứ ba để chiêm ngưỡng những sự cao sâu mầu nhiệm cũng đã thú nhận : “ Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cor 13,12).

Là những người tiếp nối truyền thống các Tông đồ, chúng ta hẳn không hơn gì các Ngài. Có thể nói rằng sau hơn 40 năm miệt mài tìm một hướng đi thì linh mục Nguyễn Đình Thi lại thấm thía một hiện thực là “càng đi càng thấy đường” như luận đề của luận án triết học của ngài năm xưa. (Tuần Báo Công giáo và Dân tộc số 1601 trang 8). Càng đi càng thấy đường ở phía trước ta. Nghĩa là quá trình đến với Đạo với Chân lý, với Sự Sống, với Tình Yêu mãi luôn còn đó với bất cứ ai đang trong kiếp nhân sinh này. Đây là một hiện thực khách quan. Chúng ta vẫn mãi còn băn khoăn hay thao thức cho đến ngày được nghỉ yên trong Chúa.

DC-BuiTuan5.jpg
Đức Cha GB Bùi Tuần gặp ĐTC gioan Phaolô II

Hôm nay, nhân mừng kỷ niệm 32 năm ngày thụ phong Giám Mục của Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, cũng là dịp mừng Đức Cha qua cái ngưỡng trên cả “cổ lai hy” là 80 năm hưởng thọ, xin được chia sẻ chủ đề này, cách riêng nhân dịp anh chị em Tòa Soạn Báo Công giáo và Dân Tộc có nhã ý thu tập những trăn trở suy tư của Đức Cha vào các tuyển tập với tựa đề “Thao Thức”. Đã là thao thức nghĩa là vẫn đang không ngừng tìm kiếm. Đang không ngừng kiếm tìm nghĩa là mình vẫn chưa gặp, vẫn chưa thấy cách toàn diện hay đủ đầy. Người còn biết thao thức là người đang biết khiêm tốn. Khiêm tốn nhìn nhận mình chưa đạt chưa thấu. Khiêm tốn nhìn nhận mình có thể đã lầm hay đã sai cách này hay cách khác, khi này hay khi khác.

Có thể nói : lầm và sai là phận con người. Trên Thập giá Chúa Giê su đã xin Chúa Cha tha thứ cho nhiều người vì sự sai lầm của họ. Và nay ngự bên hữu Chúa Cha Người vẫn tiếp tục cầu bàu cho chúng ta về những sai lầm mà ta đã đang và sẽ vương mắc. Tuy nhiên vấn đề không hệ tại ở chỗ nhận biết mình có thể lầm hay có thể sai, nhưng là biết nỗ lực đi đi mãi. Đây chính là nôi hàm của lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Các nhà chú giải Tin Mừng đều nhất trí với nhau rằng sự hoàn thiện ở đây không phải là ở mức độ mà là ở hướng đi. Không phải người này sống ở mức này hay mức kia là hoàn thiện. Vì chẳng có một mức độ thánh thiện nào trong cuộc sống của con người có thể sánh ví với sự hoàn thiện của Thiên Chúa. Nên hoàn thiên là quá trình đi mãi, vươn lên mãi đến cùng Đạo, cùng Chân lý, Sự Sống và Tình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo chúng ta đó chính là quá trình kiếm tìm và kết hiệp với Thiên Chúa.

Với những dòng chia sẻ trên đây, xin được rút ra những hệ luận như là những nhận định cho dù có thể là chủ quan hay phiếm diện :

  1. Việc mưu cầu hạnh phúc là khát khao và là nỗ lực của mọi người bất phân chính kiến, chủng tộc, màu da, giai cấp, tôn giáo… Vì thế Đạo, Chân Lý, Sự sống, Tình yêu mãi là đối tượng kiếm tìm của bất cứ ai. Và mỗi người có một cách thế một đường lối riêng, không ai hoàn toàn giống ai, tùy hoàn cảnh, điều kiện sống, sự xác tín… của mỗi người. Có thể có nhiều người có chung hướng đi, nhưng lối đi của mỗi người vẫn mỗi khác.
  2. Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc ấy đã, đang và sẽ mãi có những lúc ta lạc hướng, lầm đường. Và sự lầm lạc tai hại nhất là những khi ta những tưởng rằng mình đã nắm được Chân lý, đã đắc Đạo, đã có Tình yêu và Sự sống thật. Mình đã đến đích, nghĩa là mình đi đúng đường thì kẻ khác đã và đang lầm đường lạc lối. Một hệ lụy tất yếu thường xảy đến và gây nên sự độc tôn, độc quyền Chân lý. Đây chính là hiện tượng qua khích thường thấy trong các tập thể tôn giáo khi này khi khác, chỗ này, chỗ kia mà lịch sử đã từng ghi lại.
  3. Hạnh phúc thật chắc chắn không thể có trọn vẹn ở đời này. Trong quảng đời lữ thứ này ta chỉ có thể hưởng nếm phần nào đó hạnh phúc thật. Hoặc ta có thể hướng nếm hạnh phúc thật cách tròn đầy trong một phút chốc nào đó cách thoáng qua. Như thế không thể nói là có một ai đó đã đắc Đạo hoàn toàn khi còn dương thế. Không có một ai có thể nắm trọn Chân lý vẹn toàn hay có được Sự sống, Tình Yêu đích thực ở đời này. Nói theo kiểu nói Kitô giáo thì Thiên Đàng là ở bên kia cuộc đời hay là Thiên Đàng chỉ là phút chốc thoáng qua. Trong niềm tin chúng ta tin nhận điều này khi kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Từ ba nhận định trên, xin được mạo muội đề xuất một vài kiến nghị thô thiển :

  1. 1. Cần phải khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều hạn chế, cho dù mình có bằng này hay cấp nọ, dù mình đã đạt được nhiều vai vế quan trọng trong đạo hay ngoài đời. Xin mượn lời thú nhận của Đức Cha Gioan Baotixita để làm rõ ý này : “Cho đến tuổi này, (48 tuổi đời linh mục và 28 tuổi đời giám mục) tôi vẫn thấy mình còn rất dốt, rất dại khờ, rất nông về Phúc Âm, nên tôi không ngừng phấn đấu để khá hơn thêm một chút. Tôi xin Chúa nhìn thiện chí của tôi. Chứ hoa trái thì chẳng có gì đáng nói”. Nhìn nhận sự hạn chế của mình để rồi không ngừng kiếm tìm, học hỏi, vươn lên.
  2. 2. Cần có thái độ bao dung chân thành với tha nhân. Sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác chiều hay có khi là trái chiều với ta. Ta có thể sai thì tha nhân cũng có thể lầm. Chính khi ta độ lượng đón nhận cả những cái lầm của nhau thì ta mới có thể tránh được nhiều cái sai rất tại hại của chính mình.
  3. 3. Phải biết bắt đầu lại liên lỉ. Không bao giờ là quá muộn để lại bắt đầu kiếm tìm Chân lý, kiếm tìm Hạnh phúc. Chính động thái biết bắt đầu lại nói lên rằng ta đang ở trong tiến trình nên hoàn thiện như Cha trên trời. Để có thể biết bắt đầu lại thì không thể nào không có một tâm hồn biết thao thức. Biết thao thức là một cách nào đó chưa hài lòng, chưa thỏa mãn với tình trạng hiện nay của chính mình. Và đây chính là lời thú nhận lỗi lầm, thiếu sót, hạn chế…của mình cách tuyệt vời nhất. Chúng ta rất dễ nhận ra điều này qua những dòng suy tư lẫn tâm sự của Đức Cha Gioan Baotixita mà một số anh chị em đã gom góp trong các tuyển tập với tựa đề “Thao thức”.

Đọc nhiều nhất Bản in 03.05.2007. 09:03