Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (8)

§ Vũ Văn An

Chương V: Lời Chúa trong các thừa tác vụ của Giáo Hội

“Bánh Ban Sự Sống từ Bàn Thánh của cả Lời Chúa lẫn Thân Thể Chúa Kitô” (DV21)

Thừa tác vụ Lời Chúa

32. "Giống như chính Kitô giáo, tất cả các rao giảng của Giáo Hội phải được Sách Thánh nuôi dưỡng và điều hướng” (DV 21). Điều trói buộc đặc thù này, từng được Công đồng Vatican II nhắc nhở, đòi ta phải cố gắng thực sự.

Các giáo hội đặc thù đang đưa ra nhiều chương trình phục vụ Lời Chúa trong nhiều khung cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Nơi đệ nhất hạng đang được đưa ra để cảm nghiệm Lời Chúa là trong phụng vụ Thánh Thể và các bí tích. Các câu trả lời (cho Bản Đề Cương) đều đề nghị dùng lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina), làm lối đọc lý tưởng, tức lối vừa đọc vừa cầu nguyện Lời Chúa, theo từng cá nhân hay theo nhóm. Nên dùng việc dạy giáo lý như một dẫn nhập vào Sách Thánh. Các chương trình và các bài giáo lý, ấy là chưa kể việc rao giảng và các hình thức đạo đức bình dân, nên đặt cơ sở trên Thánh Kinh. Hơn nữa, các cơ quan tông đồ thánh kinh cần tạo ra cuộc gặp gỡ Lời Chúa bằng cách thành lập và hướng dẫn các nhóm học hỏi Thánh Kinh cách nào đó để bảo đảm rằng Lời, Bánh Ban Sự Sống, cũng trở thành bánh vật chất để trợ giúp người nghèo và người đau khổ. Học hỏi và gặp gỡ, nhất là trong các cuộc trao đổi liên tôn và liên văn hóa, hết sức cần phải dành một địa vị trân qúy cho Lời Chúa so với văn hóa và tinh thần con người. Việc thể hiện các mục tiêu này đòi phải có một đức tin chăm chú, một lòng nhiệt thành tông đồ và một chương trình mục vụ đầy sáng tạo, thực hiện chu đáo, và liên tục, đặt trọng tâm vào việc cổ vũ tinh thần hiệp thông. Nhu cầu phải có một chương trình mục vụ luôn đặt căn bản trên Thánh Kinh chưa bao giờ lại lớn hơn lúc này.

Theo viễn tượng hiệp nhất và hành động qua lại, đặc điểm năng động trong cuộc gặp gỡ giữa Lời Chúa với con người cần được nhìn nhận và hỗ trợ trọn vẹn, một năng động tính vốn tạo cơ sở cho mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Điều tất yếu là Lời, khi được công bố và được nghe, sẽ trở thành Lời được cử hành trong Phụng vụ và trong các bí tích, ngõ hầu linh hứng cho những cuộc đời biết sống theo Lời Chúa trong hiệp thông, trong đức ái và trong sứ vụ sai đi (43).

Một kinh nghiệm trong Phụng vụ và Cầu nguyện

33. Các giáo hội đặc thù có nhiều kinh nghiệm chung. Đối với đa số Kitô hữu khắp thế giới, việc cử hành Thánh Thể vào các Chúa Nhật là cuộc gặp gỡ duy nhất với Lời Chúa. Dân Chúa càng ngày càng ý thức được sự quan trọng của các buổi phụng vụ Lời Chúa, một phần nhờ sự thúc đẩy do việc tham chiếu và tái duyệt chúng trong Sách Bài Đọc mới đem lại. Về phương diện này, một số câu trả lời (cho Bản Đề Cương) có gợi ý rằng các ngài muốn thấy có sự phối trí tốt hơn về chủ đề của ba bài đọc cũng như sự trung thành hơn trong việc dịch bản văn gốc. Các bài giảng cần được cải thiện cách rõ ràng. Trong một số trường hợp, Phụng vụ Lời Chúa cũng được dùng như một hình thức của lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina). Vẫn cần phải làm nhiều nữa để khuyến khích tín hữu giáo dân tham gia vào việc cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Đồng thời, một số vị cũng cho thấy Dân Chúa chưa bao giờ thực sự được dẫn nhập vào thần học Lời Chúa trong phụng vụ. Một số người vẫn sống một cách thụ động, không biết gì tới đặc tính bí tích của nó và chưa ý thức được các nét phong phú chứa trong các phần dẫn nhập của các sách nói về phụng vụ, đôi khi vì các vị giám mục tỏ ra thờ ơ. Nhiều dấu hiệu và cử chỉ đúng nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa thường vẫn bị coi là thủ tục bề ngoài mà không hiểu ý nghĩa bên trong. Đôi khi, mối liên hệ của Lời Chúa với các bí tích, nhất là bí tích Thống Hối, xem ra chỉ nhận được rất ít giá trị.

Nền tảng thần học và mục vụ: Lời, Thần trí, Phụng vụ và Giáo hội

34. Người thuộc mọi phạm vi trong đời sống Giáo Hội cần hiểu tốt hơn rằng phụng vụ là nơi ưu tuyển của Lời Chúa, nơi Giáo Hội được xây dựng bồi đắp. Thành thử, một số điểm nền tảng, rất quan trọng sau đây, cần được lưu ý

- Thánh Kinh là sách của một dân tộc và dành cho một dân tộc, được tiếp nhận như một gia bảo và là một chứng ước được trao cho người đọc để hiện thực hóa, ngay trong đời sống họ, lịch sử cứu độ đã được ghi lại trong đó. Cho nên, giữa Dân và sách có cả một mối liên hệ hỗ tương và đem lại sự sống. Thánh Kinh trở thành sinh động khi Dân đọc nó. Dân không thể hiện hữu nếu không có Sách, vì Sách chứa đựng lý do làm họ hiện hữu, ơn gọi và chính bản sắc họ.

- Mối liên hệ hỗ tương giữa Dân và Sách Thánh được cử hành trong cộng đoàn phụng vụ, vốn là nơi diễn ra công việc tiếp nhận Thánh Kinh. Về phương diện này, bài diễn văn của Chúa Giêsu ở Hội Đường Nadarét (xem Lc 4:16-21) có một ý nghĩa đặc biệt. Điều đã diễn ra ở đấy cũng diễn ra mỗi lần Lời Chúa được công bố trong phụng vụ.

- Việc công bố Lời Chúa trong Sách Thánh là kết quả hành động của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh từng biến Lời thành sách, và giờ đây, thành phụng vụ, đang biến đổi sách thành Lời. Thực thế, truyền thống phụng vụ ở Alexandria có đến hai lời epiclesis, tức lời khẩn cầu Thần Trí trước khi công bố các bài đọc và lời cầu sau bài giảng (44). Thần Trí hướng dẫn vị chủ tế, trong nhiệm vụ tiên tri, phải hiểu, phải công bố và giải thích thỏa đáng Lời Chúa cho cộng đoàn và, theo chiều song hành, cầu khấn cho việc tiếp nhận chân chính và xứng đáng Lời Chúa nơi cộng đoàn tụ tập.

- Nhờ Chúa Thánh Thần, cộng đoàn phụng vụ lắng nghe Chúa Giêsu “chính Người nói khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” (SC 7) và tiếp nhận giao ước, được Thiên Chúa canh tân với Dân Người. Như thế, Sách Thánh và phụng vụ đồng quy về một mục đích duy nhất là đem Dân vào cuộc đối thoại với Chúa. Lời, vốn do miệng Thiên Chúa phán ra và được chứng thực trong Sách Thánh, nay trở về với Thiên Chúa dưới hình thức cầu nguyện đáp trả của Dân Người (xem Is 55:10-11).

- Trong các cử hành phụng vụ, việc công bố Lời Chúa trong Sách Thánh là một cuộc đối thoại đầy tính năng động, một cuộc đối thoại đạt tới đỉnh cao nhất của năng động tính trong cộng đoàn Thánh Thể. Xuyên suốt lịch sử Dân Chúa, cả trong thời thánh kinh lẫn thời hậu thánh kinh, ngay từ khởi thủy, Thánh Kinh đã là sách cung cấp sự trợ giúp trong mối liên hệ của Chúa với Dân Người, nghĩa là, sách thờ phượng và cầu nguyện. Thực vậy, Phụng Vụ Lời Chúa “không hẳn là lúc suy gẫm hay học giáo lý mà đúng hơn là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các kỳ công của cứu rỗi được công bố và các yêu cầu của Giao Ước liên tục được thuật lại” (45).

- Một phần cấu thành mối liên hệ của Lời với hành động phụng vụ là việc cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Dù hết sức quan trọng đối với toàn bộ Giáo Hội, Phụng Vụ Các Giờ Kinh có một ý nghĩa đặc thù trong đời sống tận hiến. Phụng Vụ Các Giờ Kinh đặc biệt thích hợp để đào tạo việc cầu nguyện, chủ yếu vì các Thánh Vịnh đã minh hoạ cách tuyệt vời đặc điểm nhân thần của Sách Thánh. Các Thánh Vịnh quả là trường dạy cầu nguyện, trong đó, người hát hay đọc thánh vịnh học nghe, học nội tâm hóa và học giải thích Lời Chúa.

- Ngoài việc tiếp nhận Lời Chúa trong việc cầu nguyện bản thân và cộng đoàn ra, mọi Kitô hữu còn có trách nhiệm không thể tránh né phải tiếp nhận nó trong cầu nguyện phụng vụ. Việc này đòi phải có một cái nhìn mới đối với Sách Thánh, một cái nhìn coi Thánh Kinh không phải chỉ là một cuốn sách viết, nhưng là một công bố về và một chứng ước đối với Con Người Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Theo đoạn đã trích dẫn truớc đây từ Công Đồng Vatican II, “Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” (SC 7). Thành thử, “Sách Thánh có tầm quan trọng lớn nhất trong cử hành phụng vụ” (SC 24).

Lời Chúa và Thánh Thể

35. Đôi khi, Phụng Vụ Lời Chúa không được chuẩn bị đầy đủ hay không được nối kết đúng đắn với Phụng Vụ Thánh Thể. Có một sợi dây chặt chẽ liên kết Lời Chúa với Thánh Thể được coi như chứng ước có tính thánh kinh (xem Ga 6), được các Giáo Phụ củng cố và được Công Đồng Vatican II tái khẳng định (xem SC 48, 51, 56; DV 21, 26; AG 6, 15; PO 18; PC 6). Về phương diện này, Truyền Thống vĩ đại của Giáo Hội có nhiều biểu thức có ý nghĩa có thể dùng làm điển hình: “Corpus Christi intelligitur etiam Scriptura Dei" ("Sách Thánh cũng được coi là Thân Thể Chúa Kitô”) (46), và "Ego Corpus Iesu Evangelium puto" ("tôi coi Phúc âm là Thân Thể Chúa Kitô”)(47).

Việc càng ngày càng ý thức được sự hiện diện của Chúa Kitô trong Lời Người đang được chứng tỏ là hữu ích trong việc chuẩn bị tức khắc để cử hành Thánh Thể cũng như trong hành động kết hợp với Chúa trong cử hành Lời Người. Thành thử, Thượng Hội Đồng lần này, dù vẫn luôn chủ trương tính ưu tiên của Bí Tích Thánh Thể, đã tìm cách suy tư một cách đặc biệt về mối liên hệ của Lời Chúa với Phép Thánh Thể (48). Thánh Giêrôm nhận định về vấn đề này như sau: “Thịt Chúa là lương thực thật sự và máu Người là của uống thật sự; đây thật là của cải của ta ở đời này: nuôi sống ta bằng thịt của Người và uống máu của Người không phải chỉ trong Phép Thánh Thể mà còn trong việc đọc Sách Thánh nữa. Thực vậy, Lời Chúa, được rút ra từ nhận thức Sách Thánh, là của ăn và của uống thật sự” (49).

Lời Chúa và nhiệm cục Bí Tích

36. Lời Chúa phải được sống trong nhiệm cục Bí Tích, được coi không những chỉ là thông truyền sự thật, giáo huấn và giới răn luân lý, mà còn là tiếp nhận sức mạnh và ơn thánh. Một cái hiểu như thế không những tạo ra cuộc gặp gỡ cho người nghe bằng đức tin, mà còn làm nó trở thành một cử hành giao ước thật sự.

Một số vị trả lời đã kêu gọi phải dành một xem xét ngang nhau cho nhiều hình thức gặp gỡ Lời Chúa khác nhau: trong hành động phụng vụ, trong các bí tích, trong việc cử hành năm phụng vụ, trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh và trong các á bí tích. Cần phải đặc biệt chú ý tới Phụng Vụ Lời Chúa trong cử hành ba Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Cần phải có ý thức đổi mới trong việc công bố Lời Chúa trong các cử hành khác nhau, nhất là trong việc cử hành Bí Tích Thống Hối của cá nhân. Các vị cũng kêu gọi phải có sự am tường Lời Chúa trong nhiều hình thức thuyết giảng và đạo đức bình dân.

Các hệ quả mục vụ

37. Thánh Thể, nhất là Thánh Thể Chúa Nhật, đáng được ta chú ý trước nhất trong sinh hoạt mục vụ, vì “bàn thánh Lời và Bánh Sự Sống” liên kết với nhau hết sức mật thiết (DV 21). Thánh Thể là “nơi ưu tuyển trong đó sự hiệp thông luôn được công bố và nuôi dưỡng” (50). Vì đối với phần đông Kitô hữu, Thánh Lễ Chúa Nhật là giây phút độc nhất trong cuộc gặp gỡ bí tích của họ với Chúa Giêsu, nên việc nhiệt thành cổ vũ các buổi Phụng Vụ Thánh Thể chân chính và vui tươi trở thành vừa là một bổn phận vừa là một ơn phúc. Mục đích chính của việc công bố và đời sống Kitô giáo nói chung chính là Phép Thánh Thể, được cử hành theo chiều hướng biểu lộ được sự kết hợp mật thiết giữa Lời Chúa, hy lễ và hiệp thông.

Cần phải thận trọng để bảo đảm cho các phần khác nhau của Phụng Vụ Lời Chúa được diễn tiến một cách hoà hợp (công bố các bài đọc, bài giảng, tuyên xưng đức tin và lời nguyện giáo dân), để ý tới mối liên kết mật thiết của chúng với phụng vụ Thánh Thể (51). Đấng, được bản văn nhắc đến, tự làm Người hiện diện trong hy lễ toàn thiêu dâng lên Chúa Cha.

Phần dẫn nhập trong các sách phụng vụ, là sách giải thích các yếu tố trong phụng vụ, cần được trân trọng nhiều hơn, nhất là những Ghi chú trước (Prænotanda) của Sách Lễ Rôma, Kinh Thượng Tiến (Anaphore) của các Giáo Hội Đông Phương, Thứ Tự Các Bài Đọc Thánh Lễ (Ordo Lectionum Missæ), Sách Các Bài Đọc (Lectionaries), và Kinh Thần Vụ (Divine Office), tất cả nên được bao gồm trong chương trình đào tạo phụng vụ cho các mục tử và tín hữu, cùng với Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II.

Trong các công trình phiên dịch, cần phải bớt việc phân đoạn và trung thành hơn với nguyên bản. Vì nghi thức và lời nói phải được liên kết cách mật thiết với nhau trong phụng vụ (xem SC 35), nên việc gặp gỡ Lời Chúa phải xẩy ra qua đặc tính đặc thù của các dấu hiệu đang diễn ra trong cử hành phụng vụ, như nơi đặt bục đọc sách, việc chăm sóc các sách phụng vụ, phong cách đọc sao cho đúng đắn, và việc rước và xông hương Phúc Âm.

Trong Phụng Vụ Lời Chúa, phải hết sức chú ý tới việc công bố rõ ràng, dễ hiểu bản văn và bài giảng dựa trên Lời Chúa (52). Điều này đòi người đọc phải có khả năng, được chuẩn bị kỹ. Vì mục đích ấy, họ cần được huấn luyện tại trường, nếu cần thì tại những trường do giáo phận thiết lập. Đồng thời, Lời Chúa sẽ được hiểu tốt hơn nếu người đọc có thể thực hiện mấy lời giới thiệu ngắn về ý nghĩa của bài đọc sẽ được công bố.

Trong bài giảng, các vị giảng thuyết cần cố gắng hơn để trung thành với bản văn thánh kinh và lưu ý tới điều kiện của tín hữu, giúp họ có thể giải thích được chính các biến cố trong cuộc sống bản thân của họ và các biến cố lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Khía cạnh thánh kinh này, nếu thuận tiện, nên được bổ túc bằng những điều căn bản về thần học và luân lý.

Thành thử, việc đào tạo đúng đắn các thừa tác viên tương lai là điều tối cần. Một số vị đề nghị pha trộn cả thánh ca và âm nhạc vào việc thông truyền Lời Chúa và biết trân qúy hơn đối với cả lời nói lẫn im lặng. Bên ngoài phụng vụ, các hình thức kịch hóa Lời Chúa khác nhau có thể thực hiện bằng trước tác, hình ảnh và cả công trình nghệ thuật nữa, tỷ dụ như các cuộc trình diễn tôn giáo (religious shows).

Một số vị lại muốn các cộng đoàn tu trì, nhất là các cộng đoàn đan viện, hỗ trợ các cộng đoàn giáo xứ khám phá ra khiếu thưởng ngoạn Lời Chúa qua các cử hành phụng vụ. Vì giáo dân ngày nay càng ngày càng tỏ ra thích thú tham dự vào Phụng Vụ Các Giờ Kinh, nên ngày nay, cần phải xem sét cách làm cho phương tiện truyền thông Lời Chúa tuyệt diệu này dễ tới tay tín hữu hơn và tham dự nhiều hơn vào sinh hoạt mục vụ.

Lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina)

38. Cầu nguyện bằng Lời Chúa là một cảm nghiệm ưu hạng, xưa nay vẫn gọi là Lối Đọc Lời Chúa. “Lectio Divina có nghĩa là đọc, cả trên bình diện cá nhân lẫn bình diện cộng đoàn, một đoạn Sách Thánh dài ngắn tùy theo, được tiếp nhận như Lời Chúa và nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sẽ dẫn ta tới suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm”(53). Toàn thể Giáo Hội ngày nay xem ra đang tái chú ý đặc biệt tới Lối Đọc Lời Chúa này. Ở một số nơi, người ta vốn dùng lối này theo truyền thống. Tại một số giáo phận, thói quen này đã từ từ gia tăng sau Công đồng vatican II. Nhiều cộng đoàn đang coi nó như một hình thức cầu nguyện mới và là một nền linh đạo Kitô giáo có thể đem lại nhiều lợi ích có ý nghĩa cho phong trào đại kết. Đồng thời, một số vị nhận ra nhu cầu phải xem sét các khả thể thật sự trong hàng ngũ tín hữu và thích ứng hình thức cổ điển này vào các hoàn cảnh khác nhau, cách nào đó để có thể bảo tồn được cả yếu tính lối vừa đọc vừa cầu nguyện này mà vẫn nhấn mạnh được các giá trị nuôi dưỡng của nó đối với đức tin của người ta. Lối Đọc Lời Chúa là lối đọc Thánh Kinh đã có từ thuở sơ khai của Kitô giáo và từng là một gia tài của Giáo Hội trong suốt lịch sử của mình. Các đan viện là nơi đã bảo tồn lối thực hành này. Tuy nhiên, ngày nay, Chúa Thánh Thần, qua Huấn Quyền, đã đề nghị dùng lối đọc này làm một phương tiện mục vụ hữu hiệu và là một dụng cụ giá trị trong Giáo Hội để giáo dục và đào tạo thiêng liêng cho các linh mục, trong đời sống hàng ngày của nam nữ tu sĩ sống đời tận hiến, trong các cộng đồng giáo xứ, trong các gia đình, hiệp hội và phong trào, và nơi tín hữu bình thường, cả già lẫn trẻ, bất cứ ai biết coi hình thức đọc này như một phương thế thực tiễn và có thể áp dụng được, để mọi cá nhân cũng như mọi cộng đoàn có thể tiếp xúc với Lời Chúa (xem OT 4) (54).

Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Điều đặc biệt cần thiết là việc lắng nghe Lời Chúa phải trở thành cuộc gặp gỡ đem lại sự sống, theo truyền thống Đọc Lời Chúa ngày xưa nhưng luôn có giá trị, là lối đọc rút tỉa lời hằng sống từ bản văn Thánh Kinh, vốn là lời tra vấn, điều hướng và lên khuôn đời ta” (55). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng nói cụ thể rằng điều ấy phát sinh “qua việc dùng các phương pháp mới, đã được suy tư qua và cùng nhịp với nhiều thời kỳ” (56). Một cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc nhở giới trẻ rằng: “Điều luôn quan trọng là phải đọc Thánh Kinh theo lối hết sức bản thân, theo lối chuyện vãn bản thân với Thiên Chúa; nhưng, đồng thời, điều cũng quan trọng nữa là phải đọc nó trong tình đồng hành với người ta có thể cùng họ thăng tiến…” (57). Ngài thúc giục họ: “hãy trở nên quen thuộc với Thánh Kinh, và luôn có nó trong tay để nó trở thành kim chỉ nam chỉ đường cho chúng con đi theo” (58). Trong một sứ điệp gửi nhiều lớp người khác nhau, nhất là giới trẻ, Đức Thánh Cha bày tỏ ý muốn thâm sâu của Ngài rằng việc ước chi việc thực hành lối Đọc Lời Chúa được truyền bá như một yếu tố quan trọng trong việc canh tân đức tin ngày nay. Ngài phát biểu: “Cha đặc biệt muốn nhắc nhớ và đề nghị truyền thống Đọc Lời Chúa cổ xưa: tức việc siêng năng đọc Sách Thánh kèm với lời cầu nguyện; lối đọc này sẽ đem lại cuộc đối thoại thân mật kia, cuộc đối thoại trong đó người đọc nghe Chúa nói, và trong lúc cầu nguyện, họ đáp lại tiếng Người với một trái tim rộng mở tin yêu (xem DV 25). Nếu ta chịu cổ vũ nó một cách hữu hiệu, Cha tin chắc lối thực hành này sẽ đem về cho Giáo Hội một mùa xuân thiêng liêng mới. Là một trọng điểm trong thừa tác vụ thánh kinh, nên Lối Đọc Lời Chúa nên được khích lệ mỗi ngày một hơn, cùng với việc dùng các phương pháp mới, đã được suy tư qua và cùng nhịp với nhiều thời kỳ. Không bao giờ nên quên rằng Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân ta và là ánh sáng dẫn lối ta đi (xem Tv 119:105)” (59).

Tính cách mới mẻ của Lối Đọc Lời Chúa nơi Dân Chúa đòi phải có một nền sự phạm khai tâm thích hợp để dẫn người ta tới việc hiểu biết tốt điều đang được nói tới và cung cấp được một giáo huấn rõ ràng về ý nghĩa của từng bước và cách áp dụng chúng vào cuộc sống một cách vừa trung thành vừa khôn ngoan một cách sáng tạo. Các chương trình khác nhau, như Bẩy Bước (Seven Steps), ngày nay cũng đang được nhiều giáo hội đặc thù ở Phi Châu thực hành. Hình thức Đọc Lời Chúa này có cái tên đó là do bẩy thời điểm gặp gỡ Thánh Kinh (nhìn nhận sự hiện diện của Chúa, đọc bản văn, dừng lại ở bản văn, ở thinh lặng, chia sẻ những cái nhìn thông sáng, cùng nhau tìm tòi và cùng nhau cầu nguyện) trong đó, suy niệm, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa là chính yếu. Ở một số nơi khác, Lối Đọc Lời Chúa được gọi bằng tên khác, như “Trường Lời Chúa” (the School of the Word) hay “Đọc trong Cầu Nguyện” (Reading in Prayer). Vì sự thay đổi nhanh chóng và vì hoàn cảnh đôi khi quá phân mảnh trong đời sống người thời nay, nên người nghe hay người đọc Lời Chúa có khác với người nghe hay người đọc trước đây, nên đòi hỏi hàng giáo sĩ, các vị tận hiến và tín hữu giáo dân phải nhận được một sự đào tạo có tính huấn giáo, kiên nhẫn và liên tục. Về phương diện này, việc chia sẻ kinh nghiệm, rút tỉa từ việc lắng nghe Lời Chúa (collatio) (60) hay các áp dụng thực tiễn và trên hết từ các công tác bác ái (actio), từng được thực hiện ở nhiều nơi, quả là hữu ích. Lối Đọc Lời Chúa nên trở thành nguồn gây hứng cho các thực hành khác nhau của cộng đoàn, như các buổi linh thao, cấm phòng, tôn sùng và cảm nghiệm tôn giáo. Một mục tiêu quan trọng là giúp người ta trưởng thành trong việc đọc Lời Chúa và nhận thức rõ ràng được thực tại một cách khôn ngoan.

Lối Đọc Lời Chúa không chỉ dành cho một ít người, tức các cá nhân nhiều cam kết nhất trong hàng ngũ tín hữu hay các nhóm chuyên cầu nguyện. Thực ra, Lối Đọc Lời Chúa này là một yếu tố cần thiết trong cuộc sống Kitô hữu chân chính giữa lòng một xã hội bị tục hóa, một xã hội cần có những người chiêm niệm, chăm chú, biết phê phán và quả cảm, những người đôi lúc phải đưa ra những lựa chọn hoàn toàn mới, chưa ai thử bao giờ. Các trách vụ đặc thù ấy không phải chỉ là thói quen hoàn toàn cũng không do công luận mà có nhưng do lắng nghe Lời Chúa mà phát sinh ra và nhận ra sự đánh động huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn.

Lời Chúa và việc phục vụ bác ái

39. Diakonia (hàng ngũ phó tế) hay việc phục vụ bác ái là một ơn gọi trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô để đáp lại đức ái đã được Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể biểu lộ bằng lời nói và việc làm. Lời Chúa vì thế cần phải dẫn ta tới tình yêu thương người khác. Nhiều cộng đoàn đang chứng tỏ rằng cuộc gặp gỡ với Lời Chúa không chỉ giới hạn vào việc nghe mà thôi hay vào việc cử hành không hơn không kém, nhưng còn là tìm cách trở thành một cam kết thật sự, trong tư cách cá nhân hay một cộng đoàn, đối với người nghèo vốn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta. Cái hiểu này tạo cơ sở cho cách tiếp cận Thánh Kinh có tính giải thoát. “Yếu tố quyết định” trong việc triển khai hơn nữa các tiếp cận này và các ích lợi của nó đối với Giáo Hội “sẽ hệ ở việc minh giải các giả định chú giải (hermeneutical presuppositions) của nó, các phương pháp của nó và các gắn bó rõ rệt của nó với đức tin và Truyền Thống của Giáo Hội như một toàn bộ” (61).

Mối liên hệ của Lời Chúa với đức ái cần phải được chứng tỏ ngay tức khắc, vì đức ái đặc biệt có sức mạnh tạo ra cuộc gặp gỡ với Lời Chúa đối với cả người tin lẫn người không tin. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã chứng thực được mối liên hệ ấy trong thông điệp

Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu) của Ngài, khi Ngài nhấn mạnh tới ba yếu tố tạo nên bản chất yếu tính của Giáo Hội: công bố Lời Chúa (Kerygma-martyria = rao giảng và tử đạo), cử hành các bí tích (leitourgia = phụng vụ) và thực thi thừa tác vụ bác ái (diakonia = hàng ngũ phó tế). Đức Thánh Cha viết: “Giáo Hội không thể lãng quên việc phục vụ bác ái cũng như không thể quên các Bí Tích Lời Chúa” (62). Thông Điệp Spe Salvi (Được cứu rỗi nhờ Đức Cậy) cũng tuyên bố rằng: “sứ điệp Kitô giáo không phải chỉ ‘thông tri’ mà còn ‘thông diễn’ (performative) nữa. Nghĩa là: Phúc Âm không chỉ thông truyền điều cần biết, mà còn làm cho sự vật xẩy ra và thay đổi cuộc sống. Cánh cửa đen tối của thời gian, của tương lai, đã được mở toang ra. Người có đức cậy sống cách khác hẳn; người hy vọng là người được ban cho quà phúc sự sống mới” (63). Căn bản cho mối tương quan giữa Lời và đức ái rõ ràng là gương sáng của chính Ngôi Lời làm người, tức Chúa Giêsu Nadarét, Đấng “đi khắp nơi làm việc thiện và chữa lành mọi người bị qủy ám, vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).

Nhiều trang Sách Thánh không những khuyên mà còn ra lệnh phải kính trọng công lý đối với người lân cận của mình (xem Đnl 24:14-15; Am 2:6-7; Giêrêmia 22:13; Ge 5:4). Trung thành với Lời Chúa chỉ có, khi hình thức bác ái đầu tiên được thể hiện qua việc tôn trọng các quyền của con người nhân bản và qua việc bênh vực kẻ bị áp bức và những ai đau khổ. Vì lý do đó, các cộng đoàn đức tin đã đáp lại bằng một tầm quan trọng đặc thù, đặt cơ sở trên việc đọc Thánh Kinh, một việc đọc cũng phải bao gồm cả người nghèo nữa, là những người cần nghe sứ điệp ủi an và hy vọng. Bằng Lời của mình, Chúa chúng ta, Đấng vốn yêu sự sống, hằng muốn soi sáng, hướng dẫn và đem an ủi khích lệ đến cho các tín hữu trong suốt cuộc đời họ và ở mọi khía cạnh của cuộc đời ấy: nơi làm việc, lúc cử hành, lúc đau khổ, lúc vui chơi nhàn tản, trong các bổn phận đối với gia đình và xã hội và trong mọi khoảnh khắc đời sống, để mọi người có thể cân nhắc mọi sự và giữ vững lấy điều tốt (xem 1 Tx 5:21), nhờ thế mà tiến được đến chỗ nhận ra ý Thiên Chúa và đem nó ra thực hành (xem Mt 7:21).

Chú giải Sách Thánh và thần học

40. "Việc học hỏi Sách Thánh hiện nay, cũng như trước đây, vẫn là linh hồn của thần học thánh” (DV 24). Chắc chắn một điều: ta phải ca ngợi Chúa vì những hoa trái phát sinh trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, mà một trong các hoa trái đó chính là sự cam kết của đa số các nhà chú giải và thần học trong việc nghiên cứu và giải nghĩa Thánh Kinh “theo cảm thức của Giáo Hội” cũng như giải thích và trình bầy Lời Chúa, đã được viết trong Thánh Kinh, trong bối cảnh Thánh Truyền sống động. Khi làm như thế, họ cũng xét tới gia sản của các Giáo Phụ và các hướng dẫn của Huấn Quyền (DV 12). Qua cách đó, họ đem lại cho các mục tử nhiều trợ giúp đối với thừa tác vụ của các ngài, và vì thế, đáng được cám ơn và khích lệ (64).

Theo một nghĩa, vì Lời Thiên Chúa đã thành nhục thân và ở giữa chúng ta (xem Ga 1:14), nên Thần Trí đang thúc giục ta phải suy niệm về lộ trình mới, một lộ trình Người có ý định theo đuổi giữa người thời nay. Đồng thời, cũng một Thần Trí này đã sai ta đi để quy tụ mọi viễn tượng và thách thức của con người về cho Lời. Cả hai khía cạnh ấy đòi phải có nhiều cố gắng mới để học hỏi và phục vụ cộng đoàn.

Học hỏi nghiên cứu trong phạm vi này đòi phải có một chương trình được thiết lập dựa trên các hướng dẫn của Huấn Quyền, gồm kiến thức, phương pháp nghiên cứu và diễn trình giải thích tập chú vào tính viên mãn do nghĩa thiêng liêng của bản văn thánh đem lại (65). Khi tiến hành công việc, cần phải vượt qua sự chia rẽ biểu kiến giữa việc nghiên cứu chú giải và phát biểu thần học và phải dẫn tới sự hợp tác hỗ tương (giữa hai ngành đó). Rồi thần học phải dùng các dữ kiện thánh kinh một cách khác quan, còn khoa nghiên cứu chú giải thì đừng tự giới hạn mình vào việc giải thích theo nghĩa đen mà thôi, trái lại phải biết nhìn nhận và thông truyền nội dung thần học có trong bản văn linh hứng. Một cách đặc biệt, khoa nghiên cứu thần học phải làm việc tay trong tay với khoa thần học Thánh Kinh coi nó như một trợ giúp để hiểu và biết đánh giá chân lý của Thánh Kinh trong đời sống đức tin, trong đối thoại với các nền văn hóa và trong việc phản ảnh đối với các trào lưu nhân học, các vấn nạn luân lý, đức tin và lý trí và đối thoại với các tôn giáo lớn thời nay.

Nghiên cứu chú giải và nghiên cứu thần học cũng phải biết đánh giá chứng tá từ Thánh Truyền, như phụng vụ và các Giáo Phụ. Đối với những người hiến thân chuyên chăm nghiên cứu, cộng đồng Kitô giáo chờ mong ở họ “các trợ giúp thích hợp”, giúp các thừa tác viên Lời Chúa mang lại được “của dưỡng nuôi của Lời Chúa cho Dân Chúa, để soi sáng tâm trí họ, củng cố ý chí họ, và làm tâm hồn họ rực lên lửa yêu mến Chúa” (DV 23). Để thực hiện được điều ấy, một vài vị kêu gọi phải có cuộc đối thoại liên tục có tính xây dựng giữa các nhà chú giải, thần học và mục tử, một đối thoại có thể dẫn tới việc biến suy tư thần học thành những đề nghị phúc âm hóa chính xác hơn. Nói tổng quát, cần phải chú ý hơn tới các khuyến cáo trong Sắc lệnh Optatam Totius nói về chủ đề giảng dậy thần học và chú giải thánh kinh cũng như suy tư về phương pháp học trong khi chuẩn bị đào tạo các mục tử tương lai. Phần lớn các khuyến cáo này vẫn còn đang chờ được đem ra thi hành.

Lời Chúa trong đời sống tín hữu

41. Ý thức rằng Lời Chúa là ơn phúc không tài nào lượng giá được nên ta có trách nhiệm phải tiếp nhận ơn phúc này trong đức tin. Bởi thế, như Chúa Giêsu nói, nội tại trong việc nghe Lời Chúa ta thấy có việc phải thực hành Lời ấy (xem Mt 7:21). Giáo Hội luôn rao giảng một cuộc sống phù hợp với Lời Chúa, luôn tìm cách bồi đắp một huấn luyện dựa trên nền linh đạo thánh kinh.

Loại liên hệ mà tín hữu có với Lời Chúa phải được đức tin xác định cách rõ ràng. Nghiên cứu các câu trả lời, chúng tôi thấy đối với một số người, Thánh Kinh được quan niệm chỉ như một đối vật văn hóa không hề có bất cứ hiệu quả nào đối với đời sống, trong khi một số người khác, tuy tỏ ra đôi chút yêu qúy sách, nhưng lại không biết lý do tại sao. Tuy nhiên, nói tổng quát, giống như các loại đất trong dụ ngôn người gieo giống, cũng có những người mang lại hoa trái, gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần (xem Mc 4:20). Kinh nghiệm đang chứng minh rằng tiến bộ trong khoa giáo lý và linh đạo học là một trong những khiá cạnh hấp dẫn và hứa hẹn nhất của việc gặp gỡ giữa Lời Chúa với Dân của Người.

Căn bản cho mối liên hệ sinh tử của tín hữu với Thánh Kinh đã được tóm lược trong Hiến Chế Dei Verbum, là phải bám chặt vào Sách Thánh qua việc siêng năng đọc và cẩn trọng học hỏi nó (DV 25), vì Thánh Kinh là “nguồn sự sống thiêng liêng tinh ròng và không bao giờ cạn” (DV 1). Một nền linh đạo chân chính về Lời Chúa phải đòi hỏi rằng “kèm theo việc đọc Sách Thánh phải là việc cầu nguyện, để Thiên Chúa và con người có thể nói truyện với nhau; vì ‘ta nói với Người khi ta cầu nguyện; ta nghe Người khi ta đọc những lời thần thánh của Người” (DV 25) (66). Thánh Augustinô xác nhận điều ấy: “lời cầu nguyện của bạn là lời bạn ngỏ cùng Thiên Chúa. Khi bạn đọc Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, bạn nói với Thiên Chúa” (67). Trong cuộc sống Kitô hữu của mình, tín hữu phải học điều sẽ dẫn họ đến việc đọc Thánh Kinh cách chân thực bằng đức tin. Khi làm thế, họ sẽ biến tâm hồn họ thành một thư viện Lời Chúa (68).

Lời Chúa tác động mạnh lên cuộc sống đức tin, trước nhất không phải như một bộ các câu hỏi thuộc giáo thuyết hay một loạt các nguyên tắc đạo đức học, nhưng là tình yêu thương của Thiên Chúa mời gọi bản thân tín hữu tới gặp gỡ Người và là một biểu hiện sự cao cả khôn sánh của Người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Lời Chúa trình bầy cho ta kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha dành cho mỗi người và dành cho mọi người. Lời Chúa tra vấn, khuyên bảo và thúc đẩy tín hữu trên đường làm môn đệ và trên đường bước theo Chúa Kitô; nó chuẩn bị người ta để họ chấp nhận hành động biến đổi của Chúa Thánh Thần; nó cổ vũ mạnh mẽ sự hiệp thông và tạo ra các dây nối kết thân mật trong tình bằng hữu; và nó linh hứng cho việc cam kết quảng bá Lời Chúa. Điều đó rất đúng, nhất là đối với bậc tu trì tận hiến.

Một vài khía cạnh liên quan tới chủ đề cần được cẩn thận xem sét. Trước nhất, Lời Chúa được những người nghèo trong tinh thần, cả bề trong lẫn bề ngoài, gặp gỡ, “vì nhờ ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chúng ta biết rằng dù Người giầu có, song vì bạn, Người đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Người bạn có thể trở nên giầu có” (2 Cor 8:9). Nghèo khó trong tinh thần là cách để trở nên người biết lắng nghe Lời Chúa Cha và công bố Lời ấy cho người nghèo (Xem Lc 4:18). Một số người, nhất là phụ nữ, phải làm việc cực nhọc, phải trông nom gia đình, hiến mình trọn vẹn cho con cái, và vì đức tin nồng cháy, còn thực hiện nhiều phục dịch đối với tha nhân, đã nhắc người ta nhớ được nhiều Thánh Vịnh và Phúc Âm. Chứng tá một cuộc sống tốt lành bao giờ cũng làm cho việc đọc Thánh Kinh thành đáng tin.

Các bậc thầy trong cuộc sống thiêng liêng thường miêu tả một số hoàn cảnh trong đó Lời Chúa có thể nuôi dưỡng được đời sống tín hữu, nhờ thế mà tạo ra được một nền linh đạo thánh kinh: sâu sắc nội tâm hóa Lời Chúa; kiên vững trong thử thách nhờ linh hứng của Thánh Kinh; và tiếp tục trận chiến thiêng liêng chống lại các ngôn từ, tư tưởng và việc làm lầm lạc và hận thù. Thánh Kinh cũng ở dưới biểu hiệu Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh hiện diện. Các hoàn cảnh trên hiện diện trong nhiều cộng đoàn tôn giáo và trung tâm linh đạo. Các cộng đoàn và trung tâm này đang cung cấp nhiều trợ giúp thật sự để ta thâm hậu hóa cảm nghiệm Lời Chúa của chúng ta.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 29.08.2008. 22:30