Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (2)

§ Vũ Văn An

Mào Đầu

Mấy dòng lịch sử: Các dấu chỉ thời đại sau 40 năm kể từ Công Đồng Vatican II

"Để Lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Tx 3:1)

Một Mùa Nhiều Hoa Trái

5. Cộng đồng Kitô giáo đã cảm nghiệm được nhiều điều tích cực như là hậu quả từ sinh hoạt năng động của Lời Chúa. Nói chung, những kinh nghiệm ấy có thể kể như sau:

- Biết đánh giá Thánh Kinh mới mẻ hơn trong phụng vụ, giáo lý, và quan trọng hơn nữa trong các nghiên cứu chú giải và thần học;

- Thực hành việc Đọc Lời Chúa (Lectio Divina) nhiều hơn và có hiệu quả hơn, dưới nhiều hình thức khác nhau;

- Phân phối Thánh Kinh sâu rộng hơn qua các cơ quan tông đồ thánh kinh và các cố gắng của nhiều cộng đồng, nhóm và phong trào giáo hội;

- Con số người đọc mới và thừa tác viên mới Lời Chúa gia tăng hơn bao giờ hết;

- Các phương cách và phương tiện truyền thông hiện đại được dùng nhiều hơn; và

- Trong lãnh vực văn hóa, người ta chú trọng nhiều hơn tới Thánh Kinh.

Các Điều Không Chắc Chắn và Vấn Nạn

6. Tuy nhiên, một số khía cạnh của chủ đề vẫn còn là dấu hỏi mở rộng và đặt ra nhiều vấn nạn. Các vấn nạn sau đây được nhận ra tại hầu hết các giáo hội địa phương:

- Thiếu quen biết với hiến chế “Dei Verbum”;

- Nhiều người đọc Thánh Kinh hơn; tuy nhiên, họ đọc mà không có đủ kiến thức về toàn bộ kho tàng đức tin, là kho tàng mà Thánh Kinh vốn là thành phần;

- Một vài người cảm thấy khó có thể đọc và khó có thể hiểu một số đoạn Cựu Ước đến độ liều mình có thể dùng chúng cách sai lạc;

- Cách tiếp cận Lời Chúa trong phụng vụ Thánh Lễ đôi khi vẫn còn cần phải tạo ra hiệu quả;

- Tương quan giữa Thánh Kinh và khoa học vẫn còn căng thẳng và khó khăn trong việc giải thích thế giới và đời sống con người;

- Vẫn còn một thứ xa lánh nào đó nơi tín hữu đối với Thánh Kinh; Người ta vẫn còn chưa cầm lấy Thánh Kinh và đọc nó;

- Cần phải xem sét mối liên kết gần gũi giữa giáo huấn luân lý tổng quát của Giáo Hội và Sách Thánh, nhất là Mười Giới Răn, các giới luật yêu Chúa và yêu tha nhân, Bài Giảng Trên Núi và giáo huấn của Thánh Phaolô về sự sống trong Chúa Thánh Thần; và

- Cuối cùng, không những cần phải có tài nguyên vật chất để truyền bá Thánh Kinh, mà còn cần các phương tiện để truyền đạt nó nữa. Các phương tiện ấy đôi khi không thoả đáng.

Các hoàn cảnh đa dạng và đòi hỏi của Đức Tin

7. Khi xem sét những điểm sáng và những điểm tối trên, câu trả lời của các mục tử đã nêu bật ba khía cạnh, trong việc sống đức tin, đáng được suy nghĩ: khía cạnh bản thân, khía cạnh cộng đồng và khía cạnh xã hội.

a. Trên bình diện bản thân, quá nhiều tín hữu ngần ngại không muốn mở Thánh Kinh vì nhiều lý do khác nhau, nhất là vì họ cảm thấy nó quá khó hiểu. Nhiều Kitô hữu rất muốn nghe những Lời nào đặt căn bản trên xúc cảm hơn là trên xác tín, vì họ ít hiểu biết về tín lý. Việc tách rời chân lý đức tin ra khỏi cuộc sống hàng ngày đó chủ yếu thấy rõ trong việc gặp Lời Chúa trong Phụng Vụ. Ngoài ra, một tách rời tương tự như thế đôi khi cũng xẩy ra giữa các học giả thánh kinh và các mục tử một bên và bên kia là các dân dã tầm thường trong cộng đồng Kitô giáo. Thứ đến, các câu trả lời cũng nhìn nhận điều này nữa là nhiều người vẫn còn ở giai đoạn sơ khai trong tiếp xúc trực diện với Sách Thánh. Về phương diện này, cần công nhận công lao của một số phong trào và gương sáng của các linh mục sống đời tận hiến.

b. Vì Lời Chúa hiện được nhiều người sốt sắng trên khắp thế giới lắng nghe, nên trên bình diện cộng đoàn, việc vẫn tồn tại nhiều dị biệt đáng kể bên trong Giáo Hội là điều dễ hiểu. Người ta thấy trong các giáo hội trẻ trung, hay các giáo hội trong đó Kitô hữu là nhóm thiểu số, các tín hữu sử dụng Thánh Kinh nhiều hơn là ở những nơi khác. Các hình thức tiếp cận thay đổi tùy theo bối cảnh. Ngày nay, ta có thể đề cập tới nhiều cách tiếp cận Thánh Kinh khác nhau ở Âu Châu, ở Phi Châu, ở Á Châu, ở Mỹ và Đại Dương Châu. Tuy nhiên, sự khác nhau trong việc sử dụng Lời Chúa luôn có tính bổ túc cho nhau, bất kể nó xẩy ra ở các giáo hội La Tinh hay các giáo hội Đông Phương, hay trong mối tương quan với các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác.

c. Trên bình diện xã hội, sự gia tăng nhanh chóng diễn trình hoàn cầu hóa cũng gây ảnh hưởng đối với Giáo Hội. Một cách tổng quát, các câu trả lời nhắc đến ba nhân tố ảnh hưởng tới cuộc gặp gỡ với Sách Thánh:

- Hiện tượng thế tục hóa đang ảnh hưởng đối với cuộc sống mọi người, khiến họ dễ dàng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thờ ơ đối với tôn giáo. Điều ấy càng đúng đối với các thế hệ trẻ;

- Chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và văn hóa dẫn tới việc xuất hiện nhiều hình thức ngộ đạo và bí nhiệm trong việc giải thích Thánh Kinh và việc các nhóm tôn giáo biệt lập trăm hoa đua nở ngay trong lòng Giáo Hội. Đàng khác, việc sử dụng Thánh Kinh càng ngày càng làm tăng các đối kháng khó chịu và tranh chấp đau lòng, nhất là đối với các nhóm thiểu số Kitô giáo trong các bối cảnh không thuộc Kitô giáo; và

- Một số người còn mạnh mẽ muốn được thấy Lời Chúa như là nguồn giải phóng con người khỏi các điều kiện hạ giá nhân phẩm và như một an ủi thực sự đối với người nghèo và người đau khổ.

Trong chương trình tân phúc âm hóa, việc chuyền giao đức tin cần phải đi song song với việc khám phá Lời Chúa có chiều sâu. Lời Chúa cần được trình bầy như của nuôi dưỡng đức tin của Giáo Hội xuyên qua các thời đại.

Cấu trúc của Tài Liệu Làm Việc

8. Tài liệu này có ba phần: phần đầu chú trọng tới ý nghĩa Lời Thiên Chúa, theo đức tin của Giáo Hội, phần hai xem sét Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội; và phần ba đề nghị ra một số suy tư về Lời Chúa trong sứ vụ của Giáo Hội.

Để cho sáng sủa và dễ đọc, mỗi phần sẽ được chia thành nhiều chương. Xét chung, mục tiêu của Thượng Hội Đồng là suy gẫm, trình bầy và dâng lời tạ ơn vì mầu nhiệm vĩ đại Lời Chúa vốn là quà tặng tối cao của Chúa.

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (1), (2), (3), (4) ...

Đọc nhiều nhất Bản in 16.08.2008. 13:48