Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (1)

§ Vũ Văn An

Tài liệu làm việc, chuẩn bị cho phiên họp khoáng đại thường lệ lần thứ 12, Thượng Hội Đồng Giám Mục, tại Rôma từ 5 tới 26 tháng Mười năm 2008, được Đức TGM Nikola Eterovic, TTK Thượng Hội Đồng, công bố ngày 12 tháng Sáu.

Lời Tựa

Lời Chúa thượng thặng chính là Chúa Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là Người. Chúa Con chính là Lời Vĩnh Cửu, luôn hiện diện nơi Thiên Chúa, vì Người chính là Thiên Chúa: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Ngôi Lời mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Được Chúa Cha qua tình yêu Chúa Thánh Thần nói từ thuở đời đời, Ngôi Lời tiến hành một cuộc đối thoại nói lên hiệp thông và dẫn con người vào sự sâu thẳm trong sự sống thần thiêng của Ba Ngôi Chí Thánh. Trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Vĩnh Cửu, Thiên Chúa chọn chúng ta trước khi tạo thành thế giới, để chúng ta trở nên dưỡng tử của người (Xem Eph 1:4,5). Trong khi Chúa Thánh Thần là là trên mặt nước và bóng tối còn đang bao trùm vực thẳm (xem St 1:2), thì Chúa Cha đã tạo nên trời và đất, qua Ngôi Lời, nhờ Người mà muôn vật đi vào hiện hữu (Xem Ga 1:3). Bởi thế, vết tích Ngôi Lời có thể tìm thấy nơi thế giới tạo dựng: “Các tầng trời đang thuật lại vinh quang Thiên Chúa; và bầu trời đang tuyên xưng các công trình của bàn tay Người” (Tv 18:2). Con người nhân bản, được tạo dựng giống hình ảnh và hoạ ảnh Thiên Chúa (xem St 1:26-27) là tuyệt tác của sáng thế, có khả năng bước vào đàm thoại với Đấng Hóa Công, nhận ra trong sáng thế dấu ấn Tác Giả của nó, tức Ngôi Lời Tạo Hóa, và qua Chúa Thánh Thần, sống trong hiệp thông với Đấng hằng có (xem Xh 3:14), tức Thiên Chúa hằng sống và chân thật (xem Giêrêmia 10:10).

Tình bằng hữu ấy bị phá nát bởi tội của nguyên tổ của ta (xem St 3:1-24), một thứ tội cũng cản ngăn không cho ta vươn tới Thiên Chúa qua sáng tạo. Nhưng, Thiên Chúa nhân từ và thương xót (xem 2Cor 30:9), vì lòng tốt của Người, đã không bỏ rơi nhân loại. Người chọn một dân tộc trong số nhiều dân nước (xem St 22:18) và trong nhiều thế kỷ, tiếp tục nói với các tổ phụ và tiên tri, tức những con người được chọn từ trước để duy trì sống động niềm hy vọng mang lại phấn khích, nhất là trong các biến cố bi tráng của lịch sử cứu độ. Các sách Cựu Ước ghi lại các lời linh hứng của họ, các lời duy trì sống động niềm hy vọng vào cuộc xuất hiện của Đấng Được Xức Dầu, Con Vua Đavít (xem Mt 22:42), mầm nhồi lên từ gốc Giét-sê (xem Is 11:1).

Vào thời viên mãn (xem Gl 4:4), Thiên Chúa muốn mạc khải cho nhân loại mầu nhiệm sự sống Người, từng bị dấu kín trong nhiều thế kỷ và thế hệ (xem Cl 1:26). Để làm việc ấy, Con Duy Nhất của Thiên Chúa đã xuống thế làm người: “Ngôi Lời đã thành nhục thân và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Giống chúng ta mọi sự chỉ trừ tội lỗi (xem Dt 2:17; 4:15), Ngôi Lời Thiên Chúa phải phát biểu mình ra theo phương cách nhân bản, bằng lời nói và việc làm, đã được ghi lại trong Tân Ước, nhất là các Phúc Âm. Ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn nhân bản, nhưng không lầm lẫn. Với con mắt đức tin, tín hữu khám phá ra vẻ huy hoàng chói lọi của vinh quang Thiên Chúa trong cái mỏng dòn dễ vỡ của bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu Kitô, “Con duy nhất của Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1:14). Cùng cách ấy, mọi Kitô hữu đều được mời gọi nhờ lời lẽ Sách Thánh mà khám phá ra Lời Thiên Chúa, vẻ chói lọi nơi Phúc Âm vinh quang của Chúa Kitô, giống như Thiên Chúa (xem 2Cor 4:4). Việc ấy xẩy ra trong một diễn trình nhiều đòi hỏi, cần nhẫn nại và liên tục, bao hàm việc nghiên cứu theo phương pháp sử học phê phán (ngay cả nghiên cứu sự biến đổi ngôn từ qua lịch sử nữa – diachronic), việc áp dụng mọi phương pháp khoa học và văn chương hiện có (vốn cần để hiểu nghĩa của một thời – synchronic) và việc tìm tòi từ một lợi điểm (vantage point) nào đó của nền văn chương nữa. Nhờ được Chúa Thánh Thần, hồng phúc của Chúa Kitô Phục Sinh, soi sáng, và nhờ được Huấn Quyền hướng dẫn, tín hữu sẽ chăm chú đọc các Sách Thánh và rút tỉa được ý nghĩa đầy đủ của chúng khi gặp gỡ Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngôi Vị của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn có lời ban sự sống đời đời (xem Ga 6:68).

Chủ đề của Phiên Khoáng Đại Khóa XII Thường Lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, có thể hiểu theo nghĩa Kitô học, tức là, Chúa Giêsu Kitô trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Phương thức Kitô học này, khi nhất thiết liên kết với phương thức thần khí học (pneumatological), sẽ dẫn ta tới việc khám phá ra chiều kích Ba Ngôi của mạc khải. Xét chủ đề theo cách này sẽ bảo đảm được tính đơn nhất của mạc khải. Mọi lời nói và việc làm, được các tác giả linh hứng ghi lại trong Sách Thánh và được Thánh Truyền trung thành gìn giữ, đều gặp nhau trong Ngôi Vị Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa. Điều ấy thấy rõ trong Tân Ước, là bộ sách thuật lại và tuyên xưng mầu nhiệm cái chết, sự sống lại và sự có mặt của Người trong lòng Giáo Hội, tức cộng đồng các môn đệ của Người được mời gọi để cử hành các mầu nhiệm thánh thiêng kia. Nhờ ơn thánh từng dẫn tới việc hủy diệt tội lỗi (xem Rm 6:6), những kẻ bước chân theo Người tìm cách trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh để mỗi người được sống Chúa Kitô (xem Gl 2:20). Cả Cựu Ước cũng thế, bộ sách, mà theo chính lời Chúa Giêsu, cũng chỉ về Người (xem Ga 5:39; Lc 24:27). Đọc Sách Thánh theo viễn tượng Kitô học và thần khí học sẽ dẫn ta từ chữ nghĩa đi vào tinh thần và từ lời lẽ đi vào Ngôi Lời Thiên Chúa.

Thực vậy, lời lẽ thường che dấu ý nghĩa thực sự của chúng, nhất là lúc được xem xét theo quan điểm văn chương và văn hóa của các tác giả linh hứng và cách họ hiểu thế giới và luật lệ của họ. Làm thế sẽ dẫn tới việc tái khám phá ra tính đơn nhất của Lời Thiên Chúa trong rất nhiều lời lẽ của Thánh Kinh. Sau diễn trình cần thiết và nhiệt tâm đó, Lời Thiên Chúa sẽ toả chiếu một vẻ huy hoàng đầy ngạc nhiên, đền bù quá cả công khó đã bỏ ra.

Tài liệu làm việc này, một tài liệu trình bày nghị trình cho phiên họp thượng hội đồng sắp tới, sử dụng một cách tiếp cận hai mặt, có tính bổ túc cho nhau đối với Lời Thiên Chúa và chứa nội dung câu trả lời cho các câu hỏi của Bản Đề Cương (Lineamenta), do các hội đồng Giáo Hội Phương Đông, các hội đồng giám mục, các bộ của Giáo Triều Rôma, Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền và nhiều vị khác đệ trình, là những vị muốn đóng góp các nhận xét của họ cho đề tài hết sức quan trọng này. Diễn trình suy tư này đã nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Mục Tử của Giáo Hội Phổ Quát, Đấng nhiều lần đã nhắc tới chủ đề của thượng hội đồng trong các bài diễn văn của mình. Khi nhắc nhở như thế, ngài đã cùng các vị khác nói lên ý muốn rằng nhờ tái khám phá Lời Thiên Chúa, Lời luôn hợp thời và không bao giờ lỗi thời, Giáo Hội sẽ trẻ trung hóa chính mình và cảm nghiệm được một thời thanh xuân tươi mới. Nhờ thế Giáo Hội sẽ có khả năng mạnh mẽ mới, gánh vác được sứ mệnh phúc âm hóa và thăng tiến nhân bản trong thế giới ngày nay, một thế giới đang khao khát Thiên Chúa và lời lẽ của đức tin, đức cậy và đức mến.

Một cách tích cực, Tài Liệu Làm Việc này tường trình lại ý thức được nhiều người duy trì về tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều khía cạnh thuộc chủ đề này, những khía cạnh cần được nói tới và cải thiện, đặc biệt, là việc lui tới nhiều hơn với Sách Thánh và việc hiểu biết Sách Thánh hơn trong lòng Giáo Hội. Những điều ấy tất yếu sẽ xẩy ra trong quá trình công bố Tin Mừng, với một lòng nhiệt thành tông đồ và mục vụ canh tân, cho mọi người gần xa và thổi sức sống vào mọi khía cạnh của cuộc sống nhân bản, nhờ thế góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn.

Hội Đồng Thường Lệ Thứ XI của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, cơ quan soạn thảo tập Tài Liệu Làm Việc này, với sự trợ giúp của nhiều chuyên viên, hy vọng rằng tập tài liệu này thực sự sẽ có ích cho các cuộc thảo luận của thượng hội đồng và là tập hướng dẫn để các nghị phụ của thượng hội đồng tái khám phá ra Lời Thiên Chúa, tức Chúa Giêsu Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là người. Diễn trình này sẽ xẩy ra cách đặc biệt tại các cuộc cử hành phụng vụ mà đỉnh cao chính là Lễ Tạ Ơn, nơi Lời Chúa biểu lộ sự hữu hiệu diệu kỳ của mình. Thực vậy, căn cứ vào các lời lẽ minh nhiên của Chúa Giêsu Kitô “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19), mà các lời do linh mục đọc nhân danh con người Chúa Kitô là Đầu “Hãy lãnh nhận; vì này là mình Ta” (Mc 14:22), “này là máu Ta” (Mc 14:24), nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, đã biến bánh thành Mình Chúa Kitô và rượu nho thành Máu của Người. Từ nguồn suối ơn thánh và tình yêu không bao giờ cạn này, Giáo Hội không ngừng hút tỉa được mật sống và sức mạnh để thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay, một thế giới mà các công dân đang được mời gọi khám phá ra Lời Thiên Chúa trong Ngôi Vị Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6) đối với từng người và đối với toàn hể nhân loại.

zzNikola ETEROVIC
Tổng giám mục hiệu tòa Sisak
Tổng thư ký
Thành Vatican, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 11 tháng Năm năm 2008

Dẫn Nhập

“ Ðiều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, Chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, và chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Ga 1:1-4).

I. Một công bố toàn bộ, được tiếp nhận tận tình

Phiên Khoáng Đại Thường Lệ Lần Thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Phiên Khoáng Đại Thường Lệ Lần Thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, sẽ diễn ra từ ngày 5 tới ngày 26 tháng Mười năm 2008, sẽ bàn đến Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Việc Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI chọn chủ đề này vào ngày 6 tháng Mười năm 2006 đã được các giám mục và Dân Chúa đón nhận rộng rãi. Việc chuẩn bị cho đề tài này bắt đầu với việc soạn thảo Bản Đề Cương (Lineamenta) mời gọi suy tư, dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II, một số kinh nghiệm và khía cạnh trong cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong Giáo Hội ngày nay, theo các truyền thống và nghi lễ khác nhau và từ vọng nhìn thuận lợi của đức tin.

Câu trả lời cho các câu hỏi của bản Đề Cương xuất phát từ Các Giáo Hội Đông Phương, các hội đồng giám mục, các bộ thuộc Giáo Triều Rôma và Hiệp Hội Các Bề Trên Tổng Quyền. Các nhận xét cũng được ghi nhận từ các cá nhân giám mục, linh mục, tu sĩ, thần học gia và tín hữu giáo dân. Các cố gắng nghiêm chỉnh, chú tâm diễn ra tại các Giáo hội đặc thù thuộc khắp các châu lục, cho thấy tầm rộng dài của Lời Chúa trên khắp thế giới. Nội dung các đệ trình này đã theo thường lệ được tóm lược và nay trình bầy trong Tài Liệu Làm Việc này.

II. Tài liệu làm việc và cách sử dụng nó.

Các điểm qui chiếu

Thời gian một lần nữa lại kêu gọi ta phải ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa trong kết hợp với Truyền Thống Giáo Hội, dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II, nhất là tiếp nhận nội dung Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải “Dei Verbum” (DV), và các tài liệu khác của Công Đồng, đặc biệt là Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ Thánh “Sacrosanctum Concilium” (SC), Hiến Chế về Giáo Hội “Lumen Gentium” (LG) và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spes” (GS) (1). Hai tài liệu của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh “The Interpretation of the Bible in the Church” (Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội) và “The Jewish People and Their Sacred Scriptures in the Christian Bible” (Dân Do Thái và Sách Thánh của họ trong Thánh Kinh Kitô Giáo) cũng trực tiếp có liên quan tới chủ đề của thượng hội đồng. Ngoài ra, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo và cuốn Tóm Lược (Compendium) của nó cũng như cuốn “Hướng Dẫn Tổng Quát về Giáo Lý” (The General Directory for Catechesis) cũng có đặc tính thẩm quyền đối với chủ đề này. Giáo huấn của các Đức GH Piô XII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI đều là thành phần của Huấn Quyền về Lời Chúa, cũng như các tài liệu được các bộ của Giáo Triều Rôma công bố trong bốn mươi năm qua kể từ Công Đồng Vatican II. Nhiều Giáo Hội đặc thù và bộ phận của nhiều Giáo hội cấp lục địa, cấp miền và cấp quốc gia cũng đưa ra nhiều tài liệu về chủ đề này. Tuy nhiên, Thượng Hội Đồng này còn có thêm hai điểm qui chiếu nữa. Điểm thứ nhất xuất phát từ thượng hội đồng trước đây về phép Thánh Thể, một bí tích cùng với Lời Chúa đã tạo nên bàn thánh duy nhất chứa Bánh Sự Sống (xem DV 21). Biến cố nữa hết sức quan trọng, đầy ân sủng, từng linh hứng cho thượng hội đồng là Năm Thánh Phaolô để mừng kính Thánh Tông Đồ Phaolô, đấng đã làm chứng cho Lời Chúa, đã công bố nó với một mức độ gương mẫu và mãi mãi là thầy dạy đầy thế giá về nó trong Giáo Hội.

Các mong chờ chung

Đệ trình của các Mục Tử đã cùng nhau chia sẻ các mong chờ sau đây ở thượng hội đồng:

- Cần dành nhiều ưu tiên hơn cho Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội; việc này đòi can đảm và sáng tạo trong khoa sư phạm thông đạt, thích ứng nó vào thời đại (văn hóa, các hoàn cảnh đời thực, truyền thông);

- Tín hữu cần biết rằng Lời Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu Kitô, một cái hiểu sẽ đem lại cảm thức huyền nhiệm đối với việc đọc mọi lời lẽ trong Thánh Kinh, nhất là trong các cử hành phụng vụ, trên hết và trước hết trong Thánh Lễ Chúa Nhật;

- Lời Chúa chỉ có thể hiểu được cách trọn vẹn nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho nó ý nghĩa và linh hứng việc đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội, trong đồng văn Truyền Thống sống động của Giáo Hội chuyên công bố và thực thi đức ái. Theo cách đó, việc nghe Lời Chúa và đọc Thánh Kinh được quan niệm như cần phải có sự tham gia vào cộng đồng Giáo Hội trong tinh thần hiệp thông và phục vụ;

- Thánh Kinh cần được quan niệm là Lời Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục mạc khải, bất chấp nhiều khó khăn trong việc hiểu một số đoạn, nhất là các đoạn trong Cựu Ước;

- Tín hữu Chúa Kitô đang cho thấy một lòng khát khao lớn lao muốn được nghe Lời Chúa. Niềm khát khao này đã đem lại nhiều sáng kiến đáng giá về mục vụ. Tuy nhiên, về phương diện này, phải khẩn trương chú trọng tới cảm thức dửng dưng, thiếu hiểu biết và lẫn lộn đối với chân lý đức tin liên quan đến Lời Chúa, cũng như việc chuẩn bị xứng đáng và những trợ giúp cần thiết về thánh kinh.

- Cần phải khai triển các chương trình mục vụ về Thánh Kinh. Thực vậy, mọi sinh hoạt mục vụ, kể cả việc giảng dạy các chân lý đức tin, phải đặt căn bản trên Lời Chúa và liên tục được Lời ấy linh hứng;

- Hiệp thông đức tin nhất thiết đòi phải đem Lời Chúa ra thực hành; mỗi giáo hội đặc thù phải cam kết tiếp nhận Lời Chúa và áp dụng Lời ấy trong mọi hoàn cảnh địa phương;

- Các cách tiếp cận Thánh Kinh khác nhau trong các truyền thống La Tinh và Đông Phương cần được biết tới và đánh giá sự phong phú của chúng;

- Khả năng và trách nhiệm của các mục tử trong việc công bố Lời Chúa đòi phải được cập nhật hóa trong diễn trình đào tạo;

- Giáo dân cần ý thức một cách khẩn trương rằng họ không phải là những người thụ động đối với Lời Chúa; mà đúng ra họ phải trở nên cả người nghe Lời Chúa và người Công bố Lời ấy nữa, sau khi đã được cộng đồng chuẩn bị và nâng đỡ; và

- Tín hữu cần xác tín rằng Chúa ngỏ Lời cứu độ của Người với hết mọi người không trừ ai; thành thử ra, Người muốn Lời của Người trở thành một phần trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, để mọi người nhận ra nó như Tin Mừng giải phóng, ủi an và cứu độ. Lời Chúa tìm kiếm một cuộc đối thoại bên trong Giáo Hội, với các cộng đồng Kitô giáo, với các tôn giáo khác và với cả các nền văn hóa, luôn luôn chú tâm đến nhiều mầm mống sự thật mà Chúa quan phòng đã đặt để ở đó;

Mục tiêu của Thượng Hội Đồng

Thượng Hội Đồng có ý bàn luận chủ đề Lời Chúa qua đó, “Thiên Chúa vô hình (xem Cl 1:15; 1Tm 1:17), vì tình yêu dư thừa của Người, đã ngỏ lời với con người như bằng hữu (xem Xh 33:11; Ga 15:14-15) và bằng lòng sống giữa họ (xem Barúc 3:38), ngõ hầu Người có thể mời gọi và đưa họ vào tình thân hữu với Người” (DV 2). Trách vụ này hàm nghĩa việc nghe và yêu Lời Chúa đến độ đem ra áp dụng vào các hoàn cảnh sống thực của con người thời nay. Lời Chúa xác định ra ơn gọi, tạo ra hiệp thông và sai đi truyền giáo, để điều đã tiếp nhận được cho đi như tặng phẩm gửi tới người khác. Mục tiêu của Thượng Hội Đồng chủ yếu có tính mục vụ và truyền giáo, nghĩa là xem sét cặn kẽ giáo huấn tín lý của chủ đề và, trong diễn trình ấy, truyền bá và củng cố thói quen gặp gỡ Lời Chúa như nguồn sự sống đối với nhiều lãnh vực của kinh nghiệm, và nhờ đó, có thể lắng nghe Thiên Chúa và nói với Người một cách chân thực và đúng nghĩa.

a. Nói cách cụ thể, Thượng Hội Đồng mong muốn làm sáng tỏ hơn nữa các chân lý căn bản của Mạc Khải, như Lời Chúa, đức tin, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền, tất cả đều tạo cơ sở và đảm bảo một hành trình đức tin thực sự hữu hiệu. Hội Đồng cũng mong muốn đem tới một lòng yêu thích Thánh Kinh sâu sắc hơn, ngõ hầu “các tín hữu, nhờ năng lui tới hơn” với Thánh Kinh (xem DV 22), có thể đạt tới chỗ nhận ra tính hiệp nhất giữa bánh của Lời và Mình Chúa Kitô mà nuôi dưỡng được cuộc sống Kitô hữu của họ cách trọn vẹn (2). Hơn nữa, Thượng Hội Đồng có trách vụ xem sét mối liên hệ năng động giữa Lời Chúa và phụng vụ; khuyến khích việc thực hành “Đọc Lời Chúa” (Lectio Divina) đã khá phổ biến hiện nay, một thực hành cần được thích ứng xứng đáng với các hoàn cảnh khác nhau; và đem đến cho người nghèo một sứ điệp ủi an và hy vọng. Thượng Hội Đồng cũng nhắm hỗ trợ việc áp dụng đúng đắn khoa giải thích vào Thánh Kinh, nhấn mạnh nhiều vào diễn trình phúc âm hóa và bản vị hóa (inculturation), và cổ vũ cuộc đối thoại đại kết, một cuộc đối thoại hết sức gắn bó với việc nghe Lời Chúa. Sau cùng, Thượng Hội Đồng mong muốn cổ vũ cuộc đối thoại giữa Do thái giáo và Kitô giáo và theo một nghĩa rộng hơn, cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa nữa.

b. Nhiều mục tử ngỏ ý muốn rằng Thượng Hội Đồng không nên chỉ cung cấp tín liệu mà thôi, nhưng nên thực sự đụng chạm tới cuộc sống và hướng dẫn để người ta tham gia nhiều hơn vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Khi được thông truyền bằng một ngôn ngữ vừa đơn giản vừa dễ hiểu đối với người ta, Lời Chúa sẽ được coi là sống động, hữu hiệu và sắc bén (xem Dt 4:12). Về phương diện này, chúng ta nhớ các hạn từ “Thánh Kinh” (Bible), “Sách Thánh” (Sacred Scripture hay Holy Book) đều có nghĩa như nhau. Tuy nhiên, trong một đồng văn đặc thù, “Lời Chúa” cũng có nghĩa là “Sách Thánh” vậy.

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (1), (2), (3), (4) ...

Đọc nhiều nhất Bản in 15.08.2008. 12:22