Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Ki-Tô Xây Dựng Hiệp Nhất

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

"Con không chỉ cầu nguyện cho những người nầy, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17, 20-21).

Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện nầy : Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc nầy, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để qua hết cuôc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuôc sống ẩn tu đạt kết quả cao, và để khỏi bận tâm, chia trí về những "sự thế gian", cả hai quyết định, hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian riêng, một thế giới riêng, không liên hệ, không giao tiếp với nhau và với mọi người… Rồi năm tháng qua đi. Cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi nầy để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống thừa. Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai nẩy sinh sáng kiến : chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối và làm lại cuôc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người "ẩn tu bất đắc dĩ." Chỉ khác với hai thầy dòng trước một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an …Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nổi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin "Hai Thầy" cầu nguyện và hưóng dẫn đạo đức…Và rồi, hai "thầy tướng cướp ẩn tu" đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó "tự động" phong thánh cho hai "thầy cướp ẩn tu" nầy…

Huyền thoại "Hai cái hang của thánh ẩn tu" trên sẽ dẫn chúng ta vào câu chuyện sắp chia sẻ hôm nay : Đức Ki-tô xây dựng sự hiệp nhất. Bởi vì "hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ cộng đoàn" đó chính là con đường thích hợp nhất, chắc chắn nhất để giúp mỗi người đạt được ơn cứu độ, nên thánh, (giống như con đường nối liền hai cái hang của hai tên cướp ẩn tu !!!).

I. Hiệp nhất : tiêu đích của chươg trình cứu rỗi.

Qua mạc khải của Thánh Kinh, chúng ta nhận ra rằng :

1. Tội lỗi làm phân tán, chia rẽ :

- A-đam, E-va (St 3, 1-19).

- Ca-in, A-ben (St 4, 1-16).

- Tháp Ba-ben (St 11, 1-9)…

Từ sau biến cố "nguyên tổ phạm tội", nhân loại đã đánh mất tương quan thân tình với Thiên Chúa và huynh đệ với anh em đồng loại. Kể từ đó, nghi ngờ, đố kỵ ghen ghét, hận thù, bất công, chiến tranh, khủng bố…tràn lan trên mặt đất.

"Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5, 12-13).

"Quả thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do- thái cũng như Hy- lạp đều bị tội lỗi thống trị. Như có lời chép rằng :Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không…Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc hoạ…" (Rm 3, 9-16).

2. Mục đích của chương trình cứu rỗi : Hiệp nhất, qui tụ…

"Đừng sợ, vì có Ta ở với ngươi, từ phương đông, Ta sẽ đem dòng giống ngươi về, và từ phương tây, Ta sẽ thâu họp ngươi lại" (Is 43,5).

"Nhưng chính Ta, Ta sẽ thu họp số sót đàn chiên Ta từ mọi xứ, nơi Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đem chúng về đồng cỏ của chúng, và chúng sẽ sinh sôi nẩy nở" (Gr 23, 3).

"Nầy Ta sẽ kéo các con cái Ít-ra-en ra khỏi các dân, những nơi chúng đã đến. Ta sẽ thâu họp chúng từ khắp tứ phía. Ta sẽ đem chúng về tại thửa đất của chúng. Ta sẽ làm cho chúng nên một dân tộc mà thôi ở trong xứ, trên núi non của Ít-ra-en…"(Ez 37, 21-22).

II. Đức Ki-tô thực hiện việc hiệp nhất.

1. Hiệp nhất loài người : Mục tiêu của cuộc đời Đức Ki-tô

"Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn nầy. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10, 14-16).

"Tôi nói cho các ông hay : Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời" (Mt 8, 11; x. Mt 22, 1-14).

Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (Ga 11, 51-52).

2. Phương thế xây dụng hiệp nhất của Đức Ki-tô :

- Con đường "Tám Mối phúc thật" (Mt 5, 1-12).

- Không chấp nhận ghen ghét, hận thù (Mt, 5, 38-48).

- Luôn khoan dung, tha thứ ((Mt 5, 38-48).

- Sống tình liên đới trong trách nhiệm và cầu nguyện (Mt 18, 15-22).

- Đón nhận nhau, không đố kỵ chia rẽ (Lc 9, 49-56).

- Thực hành luật yêu thương như nguyên tắc nền tảng (Ga 13, 34-35).

- Liên kết mật thiết trong Ngài (Ga 15, 5-17).

- Bằng cái chết thập giá (Ga 11, 51-52).

3. Công trình hiệp nhất của Đức Ki-tô hiện thực và phát triển :

-Sau cuộc tử nạn-phục sinh, Thánh Thần được ban xuống để Hội Thánh chính thức được thành lập, nơi qui tụ muôn dân nước, muôn màu da, muôn tiếng nói :

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần…Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình… (x.Cv 2, 1-41).

-Qui tụ, hiệp thông đó là căn tính của Hội Thánh :

Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện…Tất cả tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung…

Họ đồng tâm nhất trí…Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến…(Cv 2, 42-47).

-Hội Thánh lớn lên; mọi Ki-tô hữu là chi thể trong một "Thân Mình" duy nhất là Đức Ki-tô ( 1 Cr 12, 1-20); Trong Thân Mình ấy, mặc dầu có nhiều khác biệt, nhiều ơn huệ, nhiều sứ vụ…nhưng tất cả liên kết làm một :

"Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người." (Ep 4, 3-6).

"Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng, và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế, Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái."(Ep 4, 16).

-Sự hiệp nhất của Hội Thánh phản ảnh sự hiệp nhất của "Cộng đồng Ba Ngôi" : Cha, Con Thánh Thần :

"Để họ nên một như chúng ta" (x. Ga 17 )

"Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như "một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"(GH số 5)

-Hội Thánh, con đường dẫn tới hiệp nhất nhân loại :

"Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện" (GH 9)

III. Cùng với Đức Ki-tô, chúng ta xây dựng hiệp nhất

1. Ghi nhận thực trạng hôm nay :

Trước khi ra tay làm những người "thợ xây dựng hiệp nhất", có lẽ chúng ta nên ghi nhận những thực trạng của Giáo Hội, của thế giới, của cộng đoàn trong đời sống"hiệp nhất"

-Trên bình diện Hội Thánh : Có một điều chúng ta không thể phủ nhận : Sau hai ngàn năm, ước nguyện "hiệp nhất" của Đức Ki-tô xem ra vẫn còn đang ở phía trước. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha G.P II, trong tông thư "Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba" đã kêu gọi Dân Công Giáo nỗ lực sám hối và hoán cải về tội "phá hỏng sự hiệp nhất" :

Trong số những tội lỗi đòi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Người. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội "đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần nầy hay thành phần khác" đã bị xé rách một cách đớn đau, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Ki-tô và là một cớ vấp phạm cho thế giới. Không may, những tội lỗi của quá khứ đó vẫn còn đè nặng và hiện nay chúng vẫn còn đó như những cám dỗ. Cần phải thú nhận tội lỗi công khai và thiết tha khẩn cầu Chúa Ki-tô tha thứ"(TNK 34; x. Sắc lệnh Hiệp Nhất số 3).

-Trên bình diện thế giới : Cho dù người ta nói "chiến tranh lạnh đã chấm dứt", thì thế giới vẫn hằng ngày chứng kiến bao tang tóc, ly loạn, hận thù, phân biệt chủng tộc, tranh giành đất đai, quyền lợi kinh tế, áp đặt ý thức hệ, đàn áp tự do…Thế giới nầy quả thật còn lâu mới tiến đến cái viển tượng "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân nầy nước nọ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến…"(Is 2, 4), "Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ" (Is 11, 4) mà sứ ngôn I-sai-a đã ước mơ và tiên báo !

-Trên bình diện cộng đoàn : Điều nầy thì chỉ có các thành viên trong cộng đoàn mới cảm nhận trọn vẹn. Có một điều cần lưu ý đó là : Cộng đoàn cũng chỉ là một tập thể mang đầy những yếu tố bất toàn của thân phận nhân loại. Chính vì thế, đừng có ai nuôi một ảo tưởng là sẽ tìm thấy nơi cộng đoàn một đời sồng hoàn toàn tốt đẹp, "trên dưới thuận hoà", chan hoà hiệp nhất…Cha Adrian Van Kaam C.S.Sp đã phân tích cái tâm lý "thất vọng vì cuộc sống cộng đoàn không như mình tưởng" như là một "tình trạng chuyển cảm" mà các tu sĩ vẫn thường gặp :

Khi tôi là một tập sinh, thỉnh sinh hay thanh tuyển, tôi sống tuần trăng mật với tu hội tôi. Tôi đồng hóa nó với toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ. Tôi đang trải qua một thời kỳ chuyển cảm thần tượng hoá. Sau đó, khi tôi lớn hơn và đi vào các công việc của tu hội, tôi khám phá muôn vàn khiếm khuyết, sự thất bại của con người và những giới hạn đáng buồn vốn nhất thiết gắn liền với định chế nhân loại, ngay cả trong Hội Thánh. Lúc đó tôi cảm thấy đau đớn của tan vỡ, sự sụp đổ của tình trạng lý tưởng hoá. Tôi trải qua tình trạng tiêu cực trong đời sống tôn giáo…Giai đoạn nầy được đặc trưng bằng một nhận thức gần như ám ảnh về các khuyết điểm và yếu đuối của tu hội, về kế hoạch, bề trên và các thành viên của nó. Vào những lúc đó, tôi chẳng thấy điều gì tốt đẹp; mọi sự cũng như mọi người đều xem ra như sai lầm, lệch lạc. Tôi cảm thấy chán ngán đời sống tôn giáo hiện có và tưởng mình đã bị đánh lừa vào giai đoạn thần tiên của nhà thử, nhà tập. Có lúc, không hiểu được ý nghĩa và mục đích của giai đoạn chuyển cảm tiêu cực nầy, tôi bị cám dỗ bỏ dòng, bỏ ơn gọi tu sĩ của mình" (Adrian Van Kaam C.S.Sp. Nhân cách tôn giáo. tr. 177-178).

2. Người sống thánh hiến :

Chuyên viên của hiệp nhất:

- Muốn làm "chuyên gia hiệp nhất", trước tiên hãy yêu mến Giáo Hội, đồng cảm với Giáo Hội, tha thiết xây dựng Giáo Hội, hãy thuộc về Giáo Hội một cách trọn vẹn. Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận, trong bài suy niệm 16 "Hội Thánh là hy vọng của bạn", đã khai triển chiều kích nầy trong khi nhắc lại những lời cuối cùng trước lúc lìa đời của Thánh Nữ Tiến sĩ Tê-rê-sa Avila :

"Chúng ta yêu mến Hội Thánh vì "Hội THánh là Mẹ rất tinh tuyền đã tháp nhập chúng ta vào gia đình của Mẹ, mở rộng cho chúng ta những cánh cửa thiên đàng đích thực qua các tư tế và các bí tích (…)

Nếu con tim chúng ta không ca ngợi Hội Thánh, chúng ta chỉ là một chiếc đàn phong càm im tiếng. Nếu tâm trí chúng ta không nhìn thấy Hội Thánh và không ngưỡng mộ Hội Thánh, chúng ta trở nên thật mù quáng và u mê. Nếu miệng chúng ta không nói về Hội thánh, thì tốt hơn là nên im tiếng đi." (Chứng nhân Hy vọng tr. 225-226).

- Ý thức và nhạy cảm trước nhu cầu hiệp nhất, hiệp thông của Giáo Hội :

"Những người được thánh hiến được yêu cầu phải thực sự trở nên những chuyên gia của sự đoàn kết nhất trí và thực thi linh đạo của sự hiệp thông. Ý thức hiệp thông của Giáo Hội, trở thành một linh đạo của sự hiệp thông, cổ vũ cách suy nghĩ, cách nói năng và cách hành động, khiến Giáo Hội vững tiến theo chiều sâu và chiều rộng. Hẳn thật đời sống hiệp thông trở nên một dấu chỉ đối với thế gian và trở thành một sức thu hút đưa đến việc tin nhận Chúa Ki-tô" (ĐTH số 46).

"Lời Chúa Ki-tô cầu xin Chúa Cha, trước khi chịu nạn, để cho các môn đệ nên một (x. Ga 17, 21-23) còn kéo dài trong kinh nguyện và trong hành động của Giáo Hội. Những người được mời gọi sống đời thánh hiến làm sao không cảm thấy mình có liên quan ?" (ĐTH số 100).

- Xây dựng hiệp nhất cũng có nghĩa là sống tình huynh đệ cộng đoàn :

"Đời sống huynh đệ, được hiểu như một cuộc sống san sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ rõ ràng của sự hiệp thông trong Giáo Hội…Sẽ không có hiệp nhất thật sự nếu không có tình yêu thương nhau vô điều kiện…Điều đó thực hiện được nhờ tình yêu thương nhau giữa các thành viên trong cộng đoàn, một tình yêu được nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Thánh Thể, được tinh luyện bằng Bí tích Hoà giải, được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, là ân huệ mà Chúa Thánh Thần trao ban cho những ai biét lắng nghe và vâng theo Tin Mừng" (ĐTH số 42).

-Trân trọng đời sống chung, quí trọng tương quan liên-vị :

"Đấng sáng tạo chúng ta đã muốn chúng ta gần nhau để sống hiệp nhất với nhau (…). Thực vậy, nếu bạn sống một mình, thì bạn có thể rửa chân cho ai ? Bạn có thể săn sóc cho ai ? Làm sao bạn có thể ngồi ở chỗ cuối cùng được ? (…). Vì vậy, đời sống chung là một thao trường để chúng ta tập luyện như những vận động viên, là một nơi tập dợt làm cho chúng ta tiến bộ, là một cuộc thực tập liên tục về sự trọn lành trong các giới răn Chúa"(Thánh Basiliô Cả,Chứng nhân hy vọng, tr. 241).

Để diễn tả sự cần thiết phải có đời sống chung, phải thiết lập tương quan con người với con người, phải đói thoại, gặp gỡ, cởi mở…Cha James Digiacomo, S.J. trong tác phẩm "Bước quyết định để gặp Chúa trong đời" đã dí dỏm :

"Cũng do thiếu được hướng dẫn mà nhiều người đi qua cuôc đời với chẳng có mấy cuộc hạnh ngộ sâu xa. Nhiều người sớm nếm những kinh nghiệm cay đắng trong gặp gỡ kẻ khác- và rồi quyết định giữ thái độ xa lánh người khác cho đến suốt đời. Họ sợ bị đắng cay nữa. Cũng như một cậu bé tập bơi mà chẳng có ai giúp đỡ, cậu bị uống nước. Thất đảm, cậu không bao giờ nghĩ đến chyện tập bơi nữa - và do đó, cậu mất nhiều thú vui trên sóng nước như bao bạn bè.

Dĩ nhiên,nói cho cùng thì giả như bạn không biết bơi cũng chẳng chết chóc gì. Nhưng nếu đi qua cuộc đời mà không có bao nhiêu cuộc hạnh ngộ thì cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết bao ! Vì bạn biết đó : con người cần đến con người." (James Digiacomo, S.J., "Bước quyết định để gặp Chúa trong đời", tr.74).

Trong khi đó trong "Nhân cách Tôn giáo", Cha Adrian Van Kaam C.S.Sp nói một cách xác tín :

"Người ấy luôn cần đến kẻ khác. Nếu ở một mình, người ấy là hư không. Với kẻ khác, người ấy là tất cả. Trong cô lập, người ấy thật cằn cỗi. Trong sự hợp nhất, người ấy mang nhiều hoa trái. Khi đóng kín chính mình, người ấy không có tài năng, cảm hứng; nhưng trong cộng đoàn nhân loại, người ấy thấy nhiều hứng khởi và thêm phong phú" (Adrian Van Kaam C.S.Sp, Sđd tr. 64).

Để sống và xây dựng sự hiệp nhất, Tông huấn Đời Thánh Hiến còn chỉ ra nhiều phương thế khác như :

- Noi gương và mô phỏng đời sống cộng đoàn Giáo Hội buổi đầu. (45).

- Gầy dựng và "loan báo giá trị tình huynh đệ ki-tô giáo và năng lực biến đổi của Tin Mừng" trong xã hội qua đời sống chứng tá (số 51)..

- Hiệp thông với các Hội Dòng khác, hợp tác với giáo dân (52,54).

Kết:

Trong lịch sử của Hội Thánh, đời sống thánh hiến luôn là một chứng từ sống động và là sự đóng góp và hữu hiệu cho "ước nguyện hiệp nhất" của Chúa Giê-su. Riêng trong đời sống cộng đoàn, chiều kích "hiệp nhất" luôn phải là ưu tiên hàng đầu mà mỗi người phải ý thức, ra công tập luyện, và can đảm thực hành. Có hiệp nhất trong cộng đoàn, hiệp nhất với nhau, chúng ta mới có khảnăng trở thành "chuyên gia" đi xây dựng hiệp nhất trên mọi nẽo đường của Giáo Hội. Cuộc "hành trình hiệp nhất" mãi mãi là con đường nhiêu khê, đòi hỏi hy sinh, khiêm nhượng, yêu thương và đón nhận, (cho dù đôi lúc phải cắn răng mà đón nhận như đón nhận một thứ "Mùi cọp"!).

Đó cũng chính là điều mà Đức Cha F.X Nguyễn Văn Thuận đã viết trong khi Ngài còn bị cầm tù :

"Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút.

Tình thương đưa đến sự thông hiệp với nhau.

Trong hiệp thông con người cùng nhịp bước với anh em.

Vì hiệp thông không phải hạnh phúc thụ động,

Hiệp thông mở cửa huynh đệ cho mọi người,

Tự bản chất nó, tình thương toả lan ra.(…).

Con phải tạc dạ rằng : Hiệp thông là chiến thắng từng giây phút.

Sơ hở trong chốc lát có thể làm tan vở hiệp thông.

Vì một tư tưởng thiếu bác ái, bảo thủ ý kiến,

Vì con bám víu vào một tình cảm, một khuynh hướng bất chính, tham vọng, một vụ lợi.

Vì con hành động vì con, không phải vì Chúa.

Xin Chúa cho con năng xét mình :

"Ai là trung tâm của đời tôi ?"

"Tôi hay Chúa ?"

Nếu Chúa là trung tâm,

Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.

Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,

Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm"

(Chứng nhân hy vọng, tr. 247-248).

Đọc nhiều nhất Bản in 01.05.2007. 22:03