Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đại dương sự hiện hữu của Thiên Chúa

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Benedikt de Spinoza: "Ethik"

Tác phẩm quan trọng nhất của nhà triết học Benedikt de Spinoza (1632-1677) là cuốn "Ethik" (Đạo đức học), được xuất bản liền sau khi ông qua đời. Vì những hiệu quả của nó, tác phẩm Ethik là một bằng chứng sống động nói lên rằng cả trong những vấn nạn sau cùng thuộc vũ trụ quan - như trong đa số những lãnh vực của cuộc sống – chỉ có hai cách lựa chọn khả dĩ nhất có thể trả lời được tất cả các câu hỏi.

Triết gia Benedikt de Spinoza

Đó là, hoặc: Vũ trụ đã được tạo dựng nên bởi một hữu thể toàn năng tự hữu và sẽ được hữu thể ấy gìn giữ không để rơi vào vực thẳm hư không; hoặc: Vũ trụ là hữu thể tất yếu tuyệt đối và vì thế nó đã tự tồn tại từ đời đời do chính sức mạnh tuyệt đối của nó, như Spinoza, một đại diện có uy tin nhất của thuyết phiếm thần ngay từ đầu thời tân đại, "thời đại ánh sáng", tức ngay từ đầu trào lưu cải cách tinh thần (về văn học, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, triết học và tôn giáo) ở Âu Châu bùng nổ vào các thế kỷ XVII-XVIII, đã chủ trương. Do đó, là một điều vô nghĩa khi nêu lên những vấn nạn vượt ra ngoài phạm vi vũ trụ. Chỉ có hai cách giải đáp thắc mắc về vũ trụ: hoặc vũ trụ là tạo vật của Thiên Chúa, nghĩa là do Thiên Chúa tạo dựng nên, hoặc chính vũ trụ là hữu thể thần linh tuyệt đối. Vâng, đó là hai cách thức khả dĩ nhất, xét về mặt triết học, để giải đáp cách thoả mãn những vấn nạn sau cùng.

Để hiểu được cách tư duy và những lý do đã làm cho Spinoza trở thành một người phê bình và đối nghịch cực đoan chống lại thuyết sáng tạo, chúng ta thử lược nhìn qua tiểu sử của ông. Trước hết, Spinoza là một đại diện quan trọng của thuyết phiếm thần, đã sinh ra và lớn lên trong truyền thống Do-thái giáo rất nghiêm ngặt, tức trong truyền thống thuần tuý độc thần. Gia đình ông xuất phát từ Tây Ban Nha, một đất nước đã từng lợi dụng vị thế người Do-thái và người Maure như chiếc "bản lề" về mặt tinh thần nối kết giữa đông phương và tây phương. Do các cuộc đàn áp đẵm máu chống lại người Do-thái thường xuyên xảy ra vào lúc bấy giờ tại một số nước ở Âu Châu, trong đó có Tây Ban Nha, cũng như nhiều người Do-thái khác, gia đình Spinoza đã tìm được một nơi lánh nạn tại Hòa Lan, một quốc gia đang có chính sách tương đối khoan dung đối với người Do-thái. Và theo định luật tâm lý: một khi càng bị bắt bớ và bị đàn áp gắt gao thì người ta càng quyết tâm bảo vệ đức tin của mình hơn. Thật vậy, những người Do-thái bị trục xuất khỏi sinh quán của mình ở Tây Ban Nha đã không những giữ vững được đức tin của cha ông họ truyền lại hơn bao giờ hết trên quê hương mới, nhưng họ còn làm cho Amsterdam nhanh chóng trở nên một thành phố phồn thịnh có một nền văn hóa đa dạng và mang màu sắc quốc tế. Vào năm 1632 khi Spinoza, con trai một thương gia, cất tiếng chào đời tại khu phố người Do-thái ở Amsterdam, thì người ta đã xây cất ở đó nhiều Hội đường Do-thái nguy nga đồ sộ, và do các vị Giáo sĩ Do-thái danh tiếng coi sóc và với sức lôi cuốn mạnh mẽ bất khả kháng của họ từ những kho tàng vô giá về truyền thống cha ông họ để lại, họ đã thu hút được những tín hữu Do-thái trẻ thuận theo khuynh hướng đầy hấp dẫn đó của họ.

Dĩ nhiên, chàng trai Spinoza đã lớn lên trong một bầu không khí truyền thống như thế. Sau khi mãn trường trung học phổ thông, một nơi các học sinh đã được học đầy đủ về tiếng Do-thái và Kinh Thánh, Benedikt de Spinoza theo học trường Jeschiwa, một trường cao đẳng về tôn giáo của người Do-thái. Ở đây các sinh viên không chỉ được học về toàn bộ truyền thống Do-thái giáo, nhất là học về Talmud(1) và các bình giải về Talmud, nhưng còn được học lối văn chương huyền bí khó hiểu, một lối văn chương tìm cách giải thích Kinh Thánh dựa trên những biểu tượng và con số mang tính cách thần bí, và là một lối văn chương đã thành công rực rỡ trong những thị kiến quan trọng về sự sáng tạo vũ trụ và về sự cứu rỗi do Đấng Messia mang lại.

Nhưng rồi những xung động mang tính cách duy lý đã chi phối tư tưởng Spinoza rất mạnh, đến nỗi ông đã biên soạn ra tác phẩm "more geometrico" - Học thuyết về hình học, và bằng tất cả mọi giá ông vẫn giữ vững quan điểm của mình là coi những vấn đề về Thiên Chúa về vũ trụ và về con người, kể cả những vấn nạn về hành động luân lý đạo đức, đều bằng một cách thức như nhau, trong đó nhà toán học đã giải tỏa được những vấn đề của chính mình. Điều đó đã được trình bày trong tác phẩm "Ethik", một tác phẩm từ trang đầu cho tới trang cuối đã được chia ra theo lược đồ tổng quát: Các định nghĩa, các định lý, đề án hay luận đề, mà trong đó các định nghĩa và các định lý cần phải minh bạch và các luận đề cũng hoàn toàn phải chắc chắn rõ ràng dứt khoát, tương tự như trong toán học qua một dẫn chứng minh bạch. Vì thế, điều quá hiển nhiên là khi hành động theo đúng phương pháp như thế, thì mỗi khi người ta muốn giải thích tổng thể về vũ trụ sẽ không còn là vấn đề nữa, nếu người ta thực hiện qua các định nghĩa, bởi vì tự bản chất, các định nghĩa đã là những giải thích tất cả các vấn nạn một cách chắc chắn rõ ràng, tương tự như những nguyên tắc toán học vậy. Vì thế, tuyệt nhiên không phải là một điều phóng đại khi cho rằng sự chọn lựa thuyết phiếm thần và qua đó là toàn bộ khoa siêu hình học của Spinoza đã được trình bày ngay trong những trang đầu tiên của tác phẩm "Ethik", trong đó tác giả đã định nghĩa sự hiện hữu của bản thể Thiên Chúa.

Như bản Kinh Tin Kính của Kitô giáo đã xác định ngay trong câu đầu tiên mối tương quan giữa Thiên Chúa và vũ trụ, khi long trọng tuyên xưng rằng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất"; tương tự như thế, tác phẩm "Ethik" cũng đã diễn tả sự tương quan này ngay từ đầu với một câu duy nhất. Chỉ một điều đáng ghi nhận ở đây là câu đó không phải là đối tượng của đức tin, nhưng tự bản chất là một câu nói rõ ràng minh bạch. Lời phát biểu có tính cách quyết định của Spinoza là: "Về bản thể (hữu thể độc lập) thì tôi hiểu là một cái gì hiện hữu nội tại và qua nó người ta có thể nhận thức được nó, nghĩa là một cái mà để tạo nên một ý niệm về nó thì người ta không cần đến ý niệm của một sự vật khác". Từ đó dẫn tới kết quả, hay nói đúng hơn: cần phải dẫn tới kết quả là chỉ có một hữu thể độc lập duy nhất, đó là Thiên Chúa. Còn tất cả những sự vật thuộc vũ trụ vật chất này, trong đó bao gồm cả con người, mà chúng ta cho là độc lập thì không gì khác hơn là những sắp xếp có giới hạn của chính bản thể Thiên Chúa đó tạo nên.

Vì thế, chỉ bản thể Thiên Chúa là có thể tự hiện hữu do chính sức mạnh nội tại của mình, và đối với tư duy con người thì bản thể Thiên Chúa là một cái gì vô tận, hoàn toàn vượt mọi phạm trù tư duy nhân loại, nghĩa là một sự sung mãn tuyệt đối của cái tự ẩn chứa trong chính mình, tức cái chỉ khả tư duy một cách nào đó. Trong đó, một điều khả dĩ là chính thuyết phiếm thần tạo nên được tác dụng một cách hấp dẫn qua các biểu tượng và hình ảnh hơn là qua các hình thức ý niệm, một điều quá rõ rệt ở đây, một nơi đề cập đến tính đồng nhất của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ quan của Thiên Chúa và dựa trên những ý niệm trong sáng và chắc chắn rõ ràng. Điều mà Spinoza quan niệm là bản thể, thì trong Vedanta(2) của người Ấn Độ chính là cái đại dương bao la vô tận, còn những sự vật trong vũ trụ này thì không gì khác hơn là những làn sống lăn tăn gợn lên trên mặt nước của đại dương vô tận đó, làn sóng này qua đi lại có làn sóng khác tiếp nối nhau do cơn gió đã thổi vào mặt đại dương.

Dĩ nhiên trong một quan niệm về vũ trụ như thế thì không còn có chỗ cho sự tự do của ý chí nữa, tức sự chấp nhận rằng trong một khoảnh khắc nào đó con người có thể tự quyết định thế này hay thế kia tùy ý mình lưa chọn. Đúng thế, Spinoza tranh đấu chống lại sự tự do của ý chí như thế bằng một luận cứ mà ngay từ lúc bấy giờ đã trở nên nổi danh. Theo ông, con người chỉ cho mình là tự do, bởi vì họ không nhận thức được những khuynh hướng và những động lực thầm kín của hành động họ làm. Cũng tương tự như sự chấp nhận sự tự do của ý chí, quan điểm cho rằng, sự hiện hữu của chúng ta có một ý nghĩa đặc biệt, thì hoàn toàn đơn thuần dựa trên sự vô tri về bản chất thực sự của các sự vật và qua đó vô tri về nguồn gốc thiết yếu của chúng, vốn được bắt nguồn từ bản thể Thiên Chúa, cũng như về sự nối kết tất nhiên của chúng trong một dây xích vô tận của những tác động.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhà triết học của chúng ta đã khoác vào cho con người quá uy quyền đến thế ngay trong thời đại mà người ta chưa cảm nhận được một cách sâu xa cuộc sống bị Thiên Chúa ruồng bỏ và sự cô đơn trống trải như trong thời đại chúng ta ngày nay. Các văn hào và thi sĩ Gotthold Ephraim Lessing, Friedrich Heinrich Jacobi và Johann Wolfgang Goethe, v.v… là chứng nhân của vẻ mê hoặc quyến rủ này. Câu giải đáp cho câu hỏi trên chúng ta tìm gặp được trong phần cuối cùng của tác phẩm "Ethik" là phần bàn về triết học luân lý theo nghĩa hẹp của nó. Theo đó thì tất cả đều tuỳ thuộc vào việc chúng ta phải vượt qua được cái tầm nhìn mà người thường gọi là tầm nhìn của "nhái ngồi đáy giếng", tức tầm nhìn thiển cận, giới hạn và đạt tới được sự nhận thức hoàn hảo cho phép chúng ta nhìn thấy được thực tại đúng với bản chất của nó và nhờ đó nhận chân được chỗ đứng đích thực của mình trong vũ trụ. Vâng, qua sự nhận thức hiểu biết được Thiên Chúa, chúng ta nhận thức được tất cả mọi sự vật "sub specie aeternitatis" - dưới nhãn quan vĩnh cửu; nói cách khác: một sự nhận thức phát xuất từ Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta nhận thức được chúng như chúng thực sự ở trong chính Thiên Chúa và như chúng xuất phát từ sự tất hữu của bản tính Người. Một khi chúng ta nhận thức trong sự nhận thức Thiên Chúa, chúng ta sẽ đạt tới được sự bình an thanh thản, một sự bình an luôn được coi là sự minh triết, vì nó được xây dựng trên sự "khôn ngoan hiểu biết" được rằng tự bản chất của chúng tất cả mọi sự đều thiện hảo, đều tốt, bởi vì chúng xảy đến với sự tất yếu bất biến.

Chú thích:

1. Talmut: Cuốn sách quan trọng vào bậc nhất trong Do-thái giáo sau cuốn Kinh Thánh. “Talmut” trong tiếng Do-thái tân thời có nghĩa là “giáo huấn”, cuốn sách trình bày luật dân sự và luật tôn giáo của dân Do-thái, bao gồm các diễn giải về luật Torah và Sách Ngũ Thư

2. Vedanta: trong tiếng Sanskrit có nghĩa là tận cùng hay kết quả của Veda, tức của sự nhận thức. Đó là một ngành triết học xuất phát từ truyền thống cũ của Ấn Độ, luận bàn về sự “tận cùng của sự hiện hữu”, nghĩa là trình bày một học thuyết dựa trên sự tri thức đúng đắn về chính mình và về cuộc sống. Mục đích chính là giúp giải quyết tất cả mọi vấn nạn thuộc lãnh vực tinh thần.

Sách tham khảo:

Benedikt de Spinoza: Ethik in geometrischer Ordnung dargestellt. Felix Meiner Verlag, Hamburg 1999, 612 Seiten.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Đọc nhiều nhất Bản in 05.08.2008. 12:50