Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo Vĩ Đại

§ Vũ Văn An

(Hồ sơ của Hãng tin Fides, ngày 28 tháng Sáu năm 2008 do Cha Jean Baptiste Edart thu thập, và Luca de Malta biên tập)

Dẫn Nhập

Thánh Phaolô “tỏa sáng như vì sao rực rỡ nhất trong lịch sử Giáo Hội” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Buổi Triều Yết ngày 25 tháng Mười năm 2006). Vị Tông Đồ Dân Ngoại, một khuôn mặt rất phong phú và phức tạp này, không những là tác giả của nhiều Lá Thư hiện đang được chúng ta thưởng ngoạn ngày nay, mà trước nhất và đầu hết Ngài còn là một nhà truyền giáo vĩ đại. Cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Kitô trên đường tới Đamát là nguồn suối mọi lời giảng thuyết và trọn bộ nền thần học của Ngài. Trên đường du hành khắp miền Địa Trung Hải, kinh qua cấm cách, nguy hiểm đường dài, lúc nào Ngài cũng tận tụy làm việc không biết mệt mỏi. Niềm hãnh diện của Ngài là được công bố Phúc Âm ở những nơi chưa ai nghe về nó.

Chiêm ngắm khuôn mặt đầy biểu tượng và tiên phong này trong Năm Thánh mừng kính Ngài chắc chắn sẽ là nguồn suối thúc đẩy ta lên đường truyền giáo. Nó hệ ở việc nhìn lại con người Thánh Phaolô. Nhận thức gốc gác địa dư và tôn giáo của Ngài ngõ hầu nắm vững hơn bản chất cuộc gặp gỡ hết sức sâu sắc của Ngài với Chúa Kitô và hiểu rõ con người Ngài đã được biến đổi và chuẩn bị ra sao để phục vụ công việc truyền giáo. Thứ đến, ta sẽ xét xem Thánh Phaolô hiểu thế nào và tiến hành ra sao nhiệm vụ truyền giáo của mình. Tông đồ là người thế nào? Làm sao nhận diện được một tông đồ? Quả là thích thú khi tìm hiểu một cách cụ thể Thánh Phaolô đã nói với những ai và tại những nơi nào, Ngài đã công bố Phúc Âm như thế nào, các lời giảng, các phép lạ và các đặc sủng đã xuất hiện trong thừa tác vụ của Ngài ở chỗ nào. Tất cả những khía cạnh đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn những công việc nền tảng của mọi sinh hoạt truyền giáo.

Thánh Phaolô là ai?

Nguồn gốc không gian và thời gian của Ngài

Thánh Luca cho hay có lẽ Thánh Phaolô sinh tại Tarsus (Cv 22:3). Cha mẹ của Ngài di cư tới Tarsus và có lẽ bị người La Mã dãn dân tới đó. Khi đã ổn định, họ được ban cấp quyền công dân La Mã, một quyền họ có thể truyền lại cho Saolô (Cv 25:11-12). Ta biết Ngài có một người chị và một người cháu trai (Cv 23:16). Thánh Phaolô lớn lên tại Tarsus (Cv 9: 11, 25; 21:39; 22:3), thủ đô vùng Cilicia, hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tarsus, một thành phố lớn, giầu có, tọa lạc trên một trong những con lộ nhiều người qua lại nhất trên thế giới hồi đó, là cửa ngõ dẫn vào Tiểu Á, rất nổi tiếng về phẩm chất hàng vải. Điều ấy giải thích tại sao nghề được Thánh Phaolô học lại là nghề làm lều. Tarsus có nền hành chánh riêng, có thẩm phán do dân bầu và tiền tệ riêng. Người ta thấy rõ ở đấy đã có mặt một Cộng đồng Do Thái trong thế kỷ thứ nhất CN. Năm 66 trước CN, thành phố này chống lại Cassius, kẻ ám sát Julius Caesar, và để tưởng thưởng, Mark Antonio đã ban cho thành phố quy chế tự do và không buộc phải nạp thuế nữa.

Tarsus cũng nổi tiếng là một trung tâm giáo dục và triết học. Strabone, trong tác phẩm Geografia (14.5.14), quả quyết rằng Tarsus nổi hơn cả Athens, Alexandria và bất cứ nơi nào khác về giáo dục. Ông ta nói tới sự trổi vượt trong các trường dạy hùng biện (rhetoric) của nó. Các triết gia thuộc phái khắc kỷ thích cư ngụ tại đây và việc họ giảng dạy ngay bên đường là điều khá thông thường. Thánh Phaolô tiếp nhận được nét văn hóa ấy ngay trong nền học vấn của mình. Trong nhiều lá thư của mình, Ngài có nhắc đến các thuật ngữ địa phương, các luận chứng rút từ nền văn hóa triết học và kịch nghệ của thời Ngài sống.

Các yếu tố chắc chắn nhất trong tiểu sử của Thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Giêsu Kitô vào khoảng năm 32 và việc Ngài bị cầm tù tại Rôma trong các năm 60-62. Ngài chịu tử đạo tại Rôma giữa khoảng các năm 63 và 67. Các điểm khác thì khó có thể nói chắc, như con số chính xác các lần Ngài đi truyền giáo chẳng hạn. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng con số 3 lần thì xem ra có phần đúng hơn cả. Các giai đoạn và biến cố chính trong cuộc đời Ngài bao gồm việc Ngài được huấn luyện tại học đường của Gamaliel ở Giêrusalem (Cv 22:3) (*), việc Ngài bách hại Kitô hữu trong các năm sau đó, rồi cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Kitô trên đường tới Đamát đầu thập niên 30, gặp các tông đồ tại Giêrusalem, sứ mệnh giảng đạo cho Dân Ngoại, phúc tử đạo tại Rôma.

Người Do Thái tên Saolô

Thánh Phaolô nhiều dịp nói về mình và điều ấy giúp ta hiểu Ngài là ai. Ngài cung cấp cho ta nhiều tín liệu quan trọng trong thư gửi tín hữu Philíphê 3:5-6: “tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ítraen, họ Bengiamin, là người Hípri, con của người Híppri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi”. Ngài chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh. Điều ấy cho thấy sự trổi vượt về nguồn gốc của Ngài: Ngài chịu cắt bì đúng theo đòi hỏi của Luật Môsen trong sách Lêvi 12:3. “Dòng dõi Ítraen” vốn là một thuật ngữ dùng để chỉ bản sắc tôn giáo. “Họ Bengiamin”: do nhiều lý do, thuộc họ này là một vinh dự lớn trong Do Thái Giáo. Bengiamin vốn là con trai Rakhen, người vợ yêu qúy của Giacóp, lại là người duy nhất sinh tại Đất Hứa (St 35:16-18). Họ này đem lại cho Ítraen ông vua đầu tiên (1Sm 9:1-2) và mãi mãi trung thành với dòng dõi Đavít (1V 12:21). Cùng với họ Giuđa, họ Bengiamin là nhóm đầu tiên tái thiết Đền Thờ sau thời lưu đầy (Xh 4:1). Không lạ gì được thuộc họ này là một vinh dự lớn. “Là người Hípri con của người Hípri” nói cách khác ‘thuộc gia đình sống đạo’, luôn giữ luật Môsen và nói tiếng Aram. Những câu ấy mô tả cho ta một người Do Thái hoàn hảo.

Thánh Phaolô cũng mô tả mình là người Pharisêu, vốn nổi tiếng là yêu luật Môsen và luật truyền khẩu. Luật truyền khẩu này được viết thành văn bản từ thế kỷ thứ hai trước CN trở đi và trở thành bộ Talmud. Flavius Joseph, một sử gia Do Thái phục vụ người La Mã, cho hay: “Người Pharisêu áp đặt lên dân chúng nhiều luật lệ của truyền thống Cha Ông vốn không được ghi chép trong luật Môsen” ( (Antiquités Juives, 13.297). Ta sẽ tìm thấy ý tưởng đó một lần nữa trong Thư của chính Thánh Phaolô khi Ngài cho hay Ngài cuồng tín “bênh vực truyền thống Cha Ông” (Gl 1:14). Các luật liên quan tới ăn uống, cashroute, được coi là quan trọng. Chúng có tính biểu tượng để phân biệt Dân Chúa Chọn với các dân khác. Niềm tin mới, trong lòng Do Thái Giáo, đã bỏ rơi sự phân biệt này. Việc bỏ rơi ấy những người Pharisêu sùng đạo như Saolô không thể nào chấp nhận được: đối với họ, nó đe doạ chính sự tồn vong của Ítraen.

Tuy nhiên, bức tranh do Thánh Phaolô tự mô tả về chính mình không nên khiến ta có cái nhìn khép kín đối với nền văn hóa tôn giáo của Ngài. Ta đã thấy bối cảnh trong đó Thánh Phaolô lớn lên tại Tarsus. Các Thư của Ngài xác định rằng Ngài từng được thụ huấn nơi hội đường nhưng cũng được hấp thụ môi trường Hy Lạp nữa. Việc Ngài thành thạo với thuật hùng biện Hy Lạp đến độ có thể trích dẫn hay tham chiếu các tác giả cổ điển Hy Lạp cho thấy Ngài từng học hỏi các vấn đề ấy, ít nhất cũng đến lúc 14, 15 tuổi. Rồi sau đó, Ngài được gửi tới Giêrusalem để học hỏi các truyền thống Cha Ông tại học đường của Gamaliel (*). Ngay các rabbis, vào thời ấy, cũng không ngần ngại cho các học trò của mình đọc các tác giả Hy Lạp. Bởi thế ta thấy chân trời văn hóa và trí thức của Thánh Phaolô khá rộng lớn.

Việc trở lại và đi truyền giáo của Thánh Phaolô

Trở lại?

Ơn gọi đi truyền giáo và “trở lại” là hai điều liên kết chặt chẽ với nhau nơi Thánh Phaolô. Đó là lý do tại sao nghiên cứu bản chất cuộc biến đổi thiêng liêng này lại thích thú để có thể hiểu ơn gọi làm nhà truyền giáo của Ngài.

Thánh Phaolô nói rất ít về biến cố này trong các Thư của Ngài. Các đoạn thư chính là 1Cor 15:1-11; Gl 1:13-17 và Pl 3:2-14, nhưng chúng chứa rất ít chi tiết lịch sử. Thánh Tông Đồ chỉ tập chú nhiều hơn vào ý nghĩa. Ngài nói tới một kinh nghiệm đã hoàn toàn thay đổi đời Ngài, hơn là một biến cố biệt lập, và Ngài coi nó như một ơn gọi từ ngay lúc còn trong lòng mẹ (Gl 1:15). Bởi thế, ta không thể giải thích cuộc gặp gỡ Chúa Kitô đó mà không xét tới trọn bộ cuộc hiện sinh của Ngài.

Vậy biến cố ấy có nghĩa gì? Nói đến trở lại, ta sẽ lầm lẫn nếu chỉ coi đó như việc từ một tôn giáo này chuyển qua một tôn giáo khác. Thực thế, Thánh Phaolô không bao giờ coi mình đã thay đổi tôn giáo. Cần ghi nhận một điều: đến lúc đó, chưa có sự tách biệt giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Việc trở lại của Ngài vì thế có một ý nghĩa hết sức sâu sắc, một mở lòng ra với Thiên Chúa, một ngập tràn ơn thánh và biến đổi trọn con người.

Thánh Phaolô nhận định về cuộc gặp gỡ Chúa Kitô này như sau: “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên” (Gl 1,15-16). Thánh Tông Đồ coi cú xốc nội tâm này như kết quả của diễn trình chín mùi từng khởi đầu ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc hiện sinh của Ngài: từ lúc mới sinh, Ngài đã được Thiên Chúa hướng dẫn, cách từ từ, kiên nhẫn, cho đến lúc quyết định khi Chúa Giêsu nắm chặt lấy Ngài và biến Ngài thành của Người vĩnh viễn (Pl 3:12). Trong các Thư của mình, Thánh Phaolô nhấn mạnh tới sáng kiến thần thánh này. Chỉ trong giây lát, mọi sự đã ra khác hẳn.

Việc trở lại ấy quả là việc sinh lại lần nữa. Biến cố ấy đem lại sự mới mẻ từ cội rễ. Thánh Phaolô bị việc mạc khải của Chúa Kitô làm cho mù mắt. Phép Rửa phục hồi lại thị giác cho Ngài (Cv 9:18), quả là một biểu tượng mạnh mẽ. Một người trước đây không nhìn được, nay được sinh hạ vào cuộc sống mới. Một thế giới mới được mạc khải cho vị Tông Đồ. Toàn bộ tư tưởng của Thánh Phaolô được xây dựng trên kinh nghiệm này. Đó không phải chỉ là một thị kiến đơn thuần về Chúa Kitô. Đúng hơn, đó là một mạc khải cho thấy sự biến đổi thế giới sâu sắc do Chúa Kitô Phục Sinh thực hiện. Trong các trước tác của mình, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa thế giới cũ và thế giới mới. Ngài cảm nghiệm được sự phân biệt ấy ngay trong thân xác Ngài.

Ngài dùng hai biểu thức để mô tả điều xẩy ra: Ngài “thấy” Chúa Kitô (1Cor 9:1; 15:8) và nhận được “mạc khải” (Gl 1:16; 2:2; Eph 3:3), một hạn từ được Ngài hay dùng (Rm 16:25; 1Cor 1:7; 2Cor 12:17...). Cả hai hạn từ trên đều chỉ hành vi của Thiên Chúa. Chúa Kitô không được nhìn thấy, nhưng Người là Đấng tự để cho mình được nhìn thấy. Khi nói tới thị kiến ấy, Thánh Phaolô dùng các động từ ở thể thụ động. Thiên Chúa mạc khải chính Người cho con người; đó là việc thông truyền mầu nhiệm Thiên Chúa. Không phải là vô lý khi Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô chương 1, câu 17, nói tới “thần trí khôn ngoan và mạc khải”, nguồn nhận thức về mầu nhiệm Thiên Chúa, đối với Kitô hữu.

Nhà truyền giáo

Cuộc mạc khải trên không tìm thấy lý do hiện hữu của nó ngay trong chính nó. Thánh Phaolô giải thích rằng cuộc mạc khải này được ban cho Ngài “để nó (mầu nhiệm Chúa Kitô) được loan báo cho dân ngoại”. Cuộc mạc khải ấy nhằm biến Ngài thành nhà truyền giáo, nhưng phải hiều sứ mệnh truyền giáo của Ngài theo dòng ơn gọi tiên tri. Thư Galát chương 1, các câu 15-16 dựa vào hai tham chiếu đối với ơn gọi tiên tri của Isaia (Is 49:1) và Giêrêmia (Giêrêmia 1:5). Thánh Phaolô coi ơn gọi ra đi truyền giáo cho dân ngoại của Ngài như một tiếp nối sứ mệnh của các tiên tri xưa, và nhất là sứ mệnh của người tôi trung Thiên Chúa như đã được mô tả trong Isaia. Nhà truyền giáo là một sứ giả ghé vai gánh vác sứ mệnh người tôi trung Thiên Chúa từng được giải thích trong Isaia 40-45. Tuy nhiên, trong một thị kiến lúc còn ở Côrintô, Thánh Phaolô được chỉ thị: “Đừng sợ; hãy lên tiếng và đừng giữ im lặng: Ta luôn ở với con. Ta có nhiều người thuộc về Ta trong thành phố này đến nỗi sẽ không ai có thể làm hại con đâu” (Acts 18,9-10). Chúng ta đọc trong Is 41:10: “Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi; đừng ngã lòng, vì Ta là Thiên Chúa của ngươi; Ta sẽ củng cố ngươi; đúng, ta sẽ giúp ngươi; đúng, Ta sẽ nâng đỡ người bằng cánh tay mặt đức công chính của Ta”. Nhiệm vụ của Thánh Phaolô tại Côrintô là thi hành trách vụ người tôi trung Thiên Chúa.

Phần lớn các đoạn văn trên liên hệ tới Isaia và nhất là khuôn mặt người tôi trung của Giavê. Nền giáo lý Kitô giáo thuở ban đầu nhận ra trong nhân vật bí nhiệm này lời tiên tri về Chúa Kitô. Chỉ cần nhớ lại cuộc đối thoại giữa viên hoạn quan Êtiôpia và tông đồ Philíp trên đường Gaza (Cv 8:30-35). Thành thử có thể nói được là Thánh Phaolô, khi áp dụng lời tiên tri ấy vào chính mình, đã hiểu được rằng sứ mệnh của Ngài chính là một nối dài sứ mệnh của Chúa Kitô. Việc đồng hóa vị rao giảng với Chúa Kitô này phải được hiểu theo nghĩa năng động hơn là tĩnh tụ. Đến đây, ta nhận ra điểm căn bản trong thần học của Thánh Phaolô: việc đồng hóa với Chúa Kitô bắt đầu với Phép Rửa và là một diễn trình kéo dài suốt đời. Được Chúa Kitô “chiếm đoạt” (Pl 3:12), được Người dẫn tới cuộc biến đổi bản thân sâu sắc này. Việc ấy đã đặc biệt xẩy tới trong trường hợp của Thánh Phaolô.

Lời tự biện minh của Thánh Phaolô khi bị chỉ trích quả hết sức phong phú về giáo huấn (2Cor 4:7-15). Thánh Phaolô buộc phải biện minh phẩm tính Tông Đồ của mình đối với những nhà truyền giáo Kitô giáo gốc Do Thái vốn không mấy kính trọng phẩm tính ấy: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cor 4,7-15). Câu này nói lên một lý thuyết mà thánh nhân sẽ chứng minh bằng các câu tiếp theo: tính mỏng dòn của vị Tông Đồ trong sứ vụ tông đồ của mình, phải sống trong cảnh cấm cách, không phải là dấu hiệu yếu đuối, nhưng đúng hơn là điều kiện cần thiết để kho tàng Ngài đang mang trong tay, tức nhận thức về Chúa Kitô, được mạc khải và để cộng đồng Kitô giáo tiếp nhận sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh. Câu 10 và câu 11 minh họa rõ Ngài đã đồng hóa sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Kitô ra sao. Thánh Phaolô viết: chúng ta “hằng bị cái chết đe dọa”. Kiểu nói “hằng bị cái chết đe dọa” hay được Thánh Phaolô và các phúc âm gia sử dụng để chỉ cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Ngài tiếp tục việc đồng hóa này trong câu 14, khi Ngài cho hay Ngài sẽ cùng Chúa Kitô chỗi dậy từ cõi chết. Bởi thế, sứ mệnh của Ngài là hiến mạng sống mình như Chúa Kitô từng làm: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cor 4,10). Hai câu này gợi ý rằng cái chết đang hoạt động trong người rao giảng chính là nguồn sống cho cộng đoàn, cũng như cái chết của Chúa Kitô là nguồn sống của ta. Nhờ thừa tác vụ Tông Đồ của mình, Ngài làm cho lễ hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô trở thành hiện thực. “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Col 1,24). Ở đây, ta có được yếu tính thánh thể cho mọi đời sống truyền giáo.

Tới với mọi dân tộc

Phổ quát là đặc điểm chủ yếu trong sứ mệnh truyền giáo của Thánh Phaolô. Nó là hậu quả trực tiếp từ bản chất niềm tin mới. Nhiệm vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Câu này, thấy trong thư Galát, chương 1, câu 16, được xác nhận một cách đầy đủ bằng lời hứa trợ giúp ta thấy trong Công Vụ 26:17: “Ta sẽ cứu con khỏi những người và những dân tộc mà Ta sẽ gửi con tới”. Đối với người Do Thái lẫn không Do Thái, Thánh Phaolô sẽ là nhân chứng của Đấng Phục Sinh, được Chúa của Tán Tụng sai đi, Đấng mà Ngài cũng như nhóm Mười Hai đều đã tận mắt nhìn thấy. Một trình thuật khác về thị kiến ấy được dùng làm nền cho sứ mệnh của Ngài nơi dân ngoại, nơi các dân tộc. Công Vụ 22:17-21 nhắc đến một thị kiến xẩy ra trong đền thờ. Thánh Phaolô phải đi tới với mọi “dân tộc”. Điều ấy có thể chỉ những người không phải là Do Thái nhưng cũng chỉ cả những người sống bên ngoài Giêrusalem. Ở đây, ta gặp một trong các trọng điểm của sự mới mẻ trong đức tin Kitô giáo và thần học của Thánh Phaolô: tính phổ quát của Ơn Cứu Rỗi. Chúa Kitô hiến mạng sống Người cho toàn thể nhân loại và Người muốn mọi người được cứu rỗi. Tình yêu của Chúa Kitô, từng bùng cháy trong tâm hồn Thánh Tông Đồ, sẽ dẫn dắt Ngài tới những nơi xa xăm như Tây Ban Nha (Rm 15:24), mà thời ấy, vốn được coi là cõi tận cùng trái đất được người ta biết đến.

Truyền giáo và Giáo Hội

Thánh Phaolô cho hay Ngài là một “Tông Đồ” tuy không thuộc Nhóm Mười Hai. Chữ “tông đồ” (Apostle) là do một hạn từ Hy Lạp vốn có nghĩa là “sai đi”. Quyền được Thánh Phaolô nêu ra để “đòi” cho được tước hiệu này dựa vào sự kiện chính Chúa Kitô Phục Sinh đã sai Ngài đi rao giảng (1Cor 1:17), cho dân ngoại mầu nhiệm về Chúa Kitô (Gl 1:16; Eph 3:8), và Ngài ý thức rất sâu sắc niềm vinh hạnh lớn lao hàm chứa trong tước hiệu ấy: “Vì tôi là tông đồ tầm thường nhất trong các tông đồ và thực sự không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi từng bách hại Giáo Hội của Thiên Chúa” (1Cor 15:9). Muốn làm tông đồ, Ngài phải được sai đi; nguyên sự kiện Ngài được thấy Chúa Kitô mà thôi không đủ. Trong 1Cor 15:5-7, Thánh Phaolô phân biệt “năm trăm anh em” với “tất cả các tông đồ” (các vị sau cũng khác biệt với Nhóm Mười Hai). Sự phân biệt trên hệ ở chỗ nhóm trước không được trao phó việc ra đi truyền giáo.

Sự chính xác về ngữ nghĩa ấy đã dẫn ta vào chủ đề Giáo Hội. Như chính Ngài đã khẳng định, Ngài được chính Chúa Kitô trực tiếp sai đi, thì liệu có thể có chăng một thứ truyền giáo ở bên ngoài Giáo Hội? Trong các trình thuật khác nhau về ơn gọi của Ngài, cả trong các Thư lẫn trong Công Vụ, ta thấy Giáo Hội không bao giờ vắng mặt. Dù Thánh Phaolô hay cho rằng sứ vụ truyền giáo của Ngài không phải là một trách vụ do Giáo Hội trao phó cho, mà đúng hơn đó là một đặc sủng của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, ta cũng thấy chính trung gian Giáo Hội đã chứng thực cho tính chân thực trong sứ mệnh của Ngài. Thánh Phaolô tới gặp Thánh Phêrô để khỏi rơi vào cái ảo tưởng “ngược xuôi vô ích” (Gl 2:2). Trong Công Vụ 9:10-18, ta thấy Ngài tiếp nhận việc Ngài được sai đi truyền giáo không phải trực tiếp từ Chúa Kitô mà qua trung gian Ananias. Mục đích việc Ananias làm trung gian không phải để trình bầy với Thánh Phaolô một học lý mới mà là giúp Ngài hiểu rằng việc trao ban phẩm chức tông đồ cho Ngài được thực hiện dưới ánh sáng truyền thống Giáo Hội (1Cor 11:2; 11:23; 15:1). Dù sao, quan tâm liên tục của Thánh Phaolô từ trước tới nay vẫn là được cộng đồng sai đi. Điều ấy đúng cho lúc Ngài khởi đầu sinh hoạt truyền giáo, khi Ngài lên đường rời khỏi Antiốc (Cv 13:1-3), mà còn đúng cho đến cả lúc tận cùng nữa. Sau này khi viết cho tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã yêu cầu họ nhiều điều, nhưng trong đó có việc xin họ hỗ trợ và nhìn nhận sứ mệnh truyền giáo của mình (Rm 15:24). Thành ra không hề có mâu thuẫn giữa sứ mệnh truyền giáo của Ngài và truyền thống Giáo Hội.

Sứ mệnh truyền giáo của Thánh Phaolô

Ta vừa thấy nguồn gốc sứ mệnh truyền giáo và ý nghĩa của nó đối với Thánh Phaolô. Giờ đây, ta sẽ khai triển các khía cạnh cụ thể trong sứ mệnh truyền giáo của Ngài. Ngài có một chiến lược nào không? Ngài thi hành chiến lược ấy ra sao? Ngài bắt đầu như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bất cứ ai tham dự vào việc truyền bá Phúc Âm cũng cần lưu ý.

Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Thánh Phaolô nói với người Do Thái trước và chỉ sau đó mới nói với dân ngoại, nhưng Ngài biết Ngài phải nói với cả người không phải là Do Thái nữa. Ngài là nhà truyền giáo cho cả hai (Rm 1:16). Kế hoạch có tính chiến lược của Ngài khá đơn giản: để chu toàn nhiệm vụ được trao phó, Ngài quyết định mình sẽ loan báo Phúc Âm cho những người không phải là Do Thái tại những nơi chưa ai nghe nói tới Phúc Âm ấy bao giờ (Gl 2:7; Rm 15: 14-21). Khi du hành trên khắp các ngả đường La Mã, Thánh Phaolô đi từ thành này tới thành nọ của vùng Arabia, Syria và Cicicia, rồi tiếp tục tới Cyprus, Tiểu Á, Macedonia, Achaia và cả Tây Ban Nha, nơi chính Ngài dự tính sẽ tới. Thánh Phaolô trao phó con đường truyền giáo của mình vào tay Thiên Chúa. Dù đặt kế hoạch đàng hoàng cho các hành trình truyền giáo của mình, Thánh Phaolô vẫn ý thức rõ mình cần tới hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài nhận làm người hướng dẫn (Cv 16:9), bất chấp bách hại. Và bách hại chính là nguyên nhân khiến Thánh Phaolô không ngừng di chuyển, có khi còn chạy trốn nữa: trốn Antiốc (Cv 13:5051), trốn khỏi Icôniô (14:5-5); trốn khỏi Lystra (14:19-20); trốn khỏi Philippi (16:19-40); trốn khỏi Thessalonica (17:5-9), Berea (17:13-14) và Êphêsô (20:1).

Hội đường, các nơi công cộng

Chiến lược của Thánh Phaolô là tập chú vào các trung tâm thành thị, các trung tâm hành chánh La Mã, văn hóa Hy Lạp và có người Do Thái sinh sống, để Phúc Âm có thể được truyền bá từ các cộng đoàn do Ngài lập nên mà lan ra ngoài tới toàn bộ xứ sở.

Khi tới một thành thị nào đó, việc đầu tiên Thánh Tông Đồ làm là tới hội đường địa phương vào ngày Sabát, để tham dự buổi thờ phượng tại đấy. Vì là khách phương xa, thế nào Ngài cũng được các nhà chức trách tôn giáo sở tại mời cắt nghĩa sách Torah. Đây là dịp tốt để Ngài đăng đàn loan báo Chúa Kitô Phục Sinh. Theo quan điểm chiến lược, người ngoại giáo nào nhìn nhận Thiên Chúa của Israel, “những người kính sợ Thiên Chúa”, đều là mục tiêu tốt nhất cho công việc loan báo Tin Mừng nơi dân ngoại. Trong khi loan báo Phúc Âm tại các hội đường, Thánh Phaolô nhằm những người đó để chinh phục. Hội đường vì thế là tham chiếu thường xuyên trong cuộc đời Thánh Phaolô. Ngay về cuối đời, lúc tới Rôma, Thánh Phaolô vẫn mời người Do Thái tại thành phố này đến nghe điều Ngài có bổn phận phải nói (Cv 28).

Về môi trường ngoại giáo, như Công Vụ 17:16-34 đã cho thấy, khi nhắc đến việc rao giảng tại Athens, địa điểm Thánh Phaolô ưa chọn để rao giảng chính là các quảng trường công cộng. Ngài không bao giờ ngần ngại sử dụng bất cứ dịp may nào để loan báo Phúc Âm của Chúa Kitô, ngay cả lúc ngồi tù (Cv 16:25-34), trong đó có câu truyện trở lại hết sức cảm động của cả một gia đình.

Tư gia

Các tư gia là nơi chủ yếu cho việc truyền giáo. Sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi có quan hệ mật thiết với tư gia. Mà tư gia hồi đó bao gồm trọn một ‘gia đình’ kể cả đầy tớ và nô lệ. Tư gia được coi như điểm quy chiếu, nơi cộng đoàn tụ tập nhau vào Ngày Của Chúa và được dùng làm bản doanh cho công tác truyền giáo. Điều ấy không có chi mới lạ đối với các tín hữu gốc Do Thái, từng được giáo dục trong môi trường tụ họp nhau thường xuyên tại các tư gia. Các tư gia còn có lợi điểm khác nữa: sau cử hành Lễ Tạ Ơn, cộng đoàn có thể cùng nhau chia sẻ bữa ăn chung. Tư gia bảo đảm sự kín đáo, một điều sau đó không lâu đã trở nên cần thiết khi người La Mã khởi diễn cơn cấm cách và người của hội đường tỏ ra ganh ghét.

Điều lý thú đáng ghi nhận là Thánh Phaolô từng khuyên vợ một dân ngoại đừng bỏ chồng (1Cor 7:13-14). Điều ấy rất đáng lưu ý vì tư gia vốn là nơi thờ phượng của gia đình. Các thần minh của dân ngoại vốn có bàn thờ riêng. Pater familias, tức người chủ gia đình, được tự do tới đền thờ để cầu nguyện hay thi hành một chức năng tư tế nào đó. Ông ta cũng có quyền tự do lui tới các động điếm, vốn rất thịnh hành hồi đó. Ta cũng thường nghe nói tới việc cả một gia đình trở lại đạo: gia đình bà Lydia, gia đình viên cai ngục ở Philippi (Cv 16: 14-15, 32-34), hai gia đình Crispus và Stephana ở Côrintô (Cv 18:8; 1Cor 1:16; 16:15). Các nghiên cứu trong ngành kiến trúc cho thấy tùy theo cỡ nhà, các tư gia thường chứa ít nhất 20 người đến thờ phương, nhưng cũng có tư gia có thể chứa tới 100 người.

(Còn tiếp)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.09.2008. 22:29