Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Phanxicô Xaviê: Vị Tông Đồ Miền Đông Á

§ Lê Đình Thông

Thánh Phanxicô Xavier sinh tại lâu đài Javier ngày 7-4-1506, đến 7-4-2006 là tròn 500 năm. Giáo dân nước ta gọi ngài là Thánh Phanxicô Xavier, phiên âm từ tiếng Tây Ban Nha Francisco nhưng lại ghép tên viết theo tiếng Pháp là Xavier. Lẽ ra nên viết là Phanxicô Javier, vì tên gốc là Francisco de Javier. Viết Phanxicô Javier không những trung thực, mà còn giúp phát âm đúng. Chúng ta viết tên ngài là Xavier, rồi đọc theo tiếng Việt là Xavier, trong khi người Pháp tuy viết là Xavier nhưng vẫn đọc là Javier như tiếng Tây Ban Nha. Trong bài này, chúng tôi viết tên bằng tiếng mẹ đẻ của ngài là Javier. Giáo Hội Việt Nam hằng tôn kính vị Tông đồ miền Đông Á, vì ngài là nhà truyền giáo đầu tiên rao giảng Tin Mừng tại Á Châu. Trong hành trình Âu Á từ Ấn Độ sang Trung Quốc và Nhật Bản, ngài đã dừng chân trên đất nước ta để tránh bão. Ngài có công đem Tin Mừng cho ‘‘cả trăm ngàn, sáu trăm ngàn và nhiều triệu người Á Châu’’. Ngài đặt chân đến Ấn Độ có nền triết học và tôn giáo cổ kính, đến Indonexia (trước đây gọi là Nam Dương) là nước Hồi giáo đông dân nhất địa cầu, Nhật Bản với truyền thống Phật giáo kết hợp với Khổng giáo và Thần đạo.

St-FrancisXavier.jpg

Sử sách nói nhiều đến con đường tơ lụa Âu Á từ Antioche (Syrie) đến Tây An (Thiểm Tây) của Trung Quốc. Thánh Phanxicô Xavier là người đầu tiên thiết lập hành trình Phúc thật từ Âu sang Á. Trước khi lược trình về hành trình Phúc thật, thiết tưởng cũng nên nhắc lại vài dấu mốc trong cuộc đời thánh nhân.

Lâu đài Javier nơi chôn rau cắt rốn của Phanxicô nằm ở phía tây dãy núi Pyrénées, nơi có hang đá Lộ Đức. Thân phụ ngài Jean de Jassu có bằng tiến sĩ luật. Thân mẫu Marie de Azpilcueta là hậu duệ của triều đại Aragon. Ông bà có ba trai, hai gái. Là con út trong gia đình, Javier học tiếng la tinh từ thuở nhỏ. Năm 19 tuổi, Javier đến Paris học ở Sorbonne, nơi đào tạo các nhà thần học cho Giáo Hội, các luật gia và giáo sư cho xã hội. Dn số Paris năm 1525 có khoảng ba trăm ngàn người, Sorbonne có bốn ngàn sinh viên. Năm thứ nhất, Javier học ở học viện Sainte-Barbe về văn chương cổ điển, ba năm rưỡi tiếp theo là học trình Cao học Văn chương. Cuộc sống của Javier thay đổi khi gặp Inhigo de Loyota là bạn đồng học ở Sorbonne. Giám đốc Học viện Jacques de Gouveia quyết định cho Inhigo (tiếng Pháp: Ignace, phiên âm sang tiếng Việt là Inhaxiô hoặc Y Nhã) ở cùng phòng với Javier và Favre. Trong năm thứ ba, tình bạn nẩy nở giữa Inhaxiô và Javier. Sau này Polanco là một trong các tu sĩ Dòng Tên đầu tên kể lại: Tôi nghe nói Inhaxiô có thể trộn bột rời rạc chưa được nhào nặn để trở nên mẫu người tận hiến. Từ khi gặp Inhaxiô, Javier trở thành mẫu người mới.

Ngày 15-8-1534 (1-11-1950: ĐTC Piô XI trong hiến chế Munificentissimus Deus định ngày 15-8 hàng năm là lễ Đức Mẹ Lên Trời), trên ngọn đồi Tử đạo của Giáo Hội Pháp, sáu anh em dâng lời khấn nghèo khó, khiết trinh, sống cộng đoàn khai nguyên Dòng Tên. Pierre Favre là linh mục dâng thánh lễ. Ngày 15-8-1534 mở đầu lịch sử Dòng Tên. Tên tiếng Pháp của nhà dòng là Société du Nom de Jésus. Vì tôn kính Thánh danh Chúa Giêsu, Giáo Hội Việt Nam quen gọi là Dòng Tên. Sau ngày khấn dòng, Javier gặp một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, làm phép rửa cho người này. Sự việc này mở đầu sứ mạng truyền giáo của Javier. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, sáu anh em dòng Tên trên đồi Montmartre quyết tâm đem ánh sáng chân lý cho nguời ngoại trên Đất Thánh, thời đó là đất của Hồi giáo. Quyết định sang Jérusalem chưa thực hiện ngay được. Nhà Dòng quyết định vâng theo ý Đức Thánh Cha, sẵn sàng đi phục vụ bất cứ nơi nào trên thế giới. Inhaxiô ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng trong tập Linh thao (Exercices): ‘‘Đi gặp những người sinh sống trên mặt đất khác biệt nhau, khác từ phong tục đến mầu da. Có người sống an bình, kẻ khác gặp phải loạn lạc.’’

Năm 1537, các tu sĩ Dòng Tên đến Roma, được ĐTC Phaolô III ban phép lành. Sau đó, họ đến Venise và tất cả đều được thụ phong linh mục, ngoại trừ Pierre Favre đã là linh mục. Năm 1539, vua Jean III nước Bồ Đào Nha xin Dòng Tên cử người sang Đông Ấn truyền đạo. Cha Simon Rodrigues (người Bồ Đào Nha) và cha Nicolas Bobadilla (người Tây Ban Nha) được chọn nhưng Bobadilla bị sốt. Inhaxiô xin cha Javier lúc đó là bí thư dòng đi thay. Trước khi lên đường, Javier để lại ba phong thư niêm kín: một chấp thuận Hiến pháp Dòng Tên (còn đang dự thảo), một phiếu bầu cha Inhaxiô làm bề trên cả và và một tuyên khấn trọn đời.

Ngày 7-4-1541, Phanxicô Javier đáp tầu Santiago sang Á Châu truyền giáo. Ngài chỉ mang theo vài bộ đồ cho đỡ lạnh khi đi ngang qua mũi Hảo Vọng (cap de Bonne-Espérance), kinh nhật tụng, cuốn giáo lý, cuốn giáo phụ học, ba cuốn sách nhỏ tiếng la tinh. Ngài viết: Tôi bị say sóng khổ sở suốt hai tháng dọc theo bờ biển Guinée, tuy trời yên bể lặng, đứng gió.

Đúng một năm một tháng sau ngày dời Lisbonne (Bồ Đào Nha), tầu Santiago cặp bến Goa (Ấn Độ).Thánh nhân thuật lại: Ở Goa, tôi ở trong bệnh viện sống chung với người nghèo. Tôi giải tội cho các bệnh nhân, ban Mình Thánh Chúa cho họ. Thân này ví xẻ làm ‘‘10’’ được. Sau khi lo cho bệnh nhân, buổi sáng giải tội cho nguời khỏe mạnh. Sau đó đến lượt các tù nhân. Tôi dạy cho các em biết cầu nguyện, dạy kinh Tin Kính và 10 điều răn tại nhà nguyện Đức Bà.’’ Đứng đầu Goa là một phó vương thay nhà vua trị vì lãnh thổ Bồ Đào Nha ở hải ngoại. Vào thời đó, Goa được coi như ‘’Roma châu Á’’. Đối với người Ấn, Javier đến từ một hành tinh khác. Sau khi đến Ấn được 5 tháng, ngài xuống miền nam Dekkan. ‘‘Chúng tôi đến làng mạc công giáo. Ở đây không có người Bồ Đào Nha vì đất đai cằn cỗi. Không có ai dạy giáo lý cho dân làng. Trên danh nghĩa, họ là người công giáo mà chưa thực sự sống đạo. Không có linh mục cử hành Thánh Lễ, cũng không có ai dạy dân làng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng hoặc các điều răn.’’ Công việc mục vụ của thánh nhân ‘‘khi đi ngang ngôi làng là lo tập trung dân chúng vào một chỗ trong ít ngày, dạy cho họ kinh bổn, rửa tội cho người ngoại.’’

Phanxicô kể rằng: Mỗi chủ nhật, tôi tập trung dân làng vào một chỗ, cả nam phụ lão ấu, để đọc kinh bằng tiếng tamoul. Họ sung sướng ra mặt. Sau khi tuyên xưng đức tin, họ đọc kinh Tin Kính bằng thổ ngữ. Tôi xướng kinh, tất cả đồng thanh đáp lại. Sau kinh Tin Kính là kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Cộng đoàn đồng thanh nhắc lạy câu xướng kinh của tôi. Tôi đọc bằng tiếng tamoul: Lạy Chúa Giêsu Kitô, con Đức Chúa Cha, xin ban cho chúng con ơn đức tin’’. Theo Phanxicô, trong làng mạc công giáo không có sự phân biệt thành phần xã hội. Cuộc sống của họ giống như trong tu viện, mọi chuyện đều rõ ràng phân minh. Trong cuốn giáo lý tóm lược viết năm 1542 khi vừa đến Ấn Độ, Phanxicô viết: Lạy Chúa tôi, ngài làm cho tôi nên giống ngài, không phải là các thần linh ngoại đạo mang đầu thú hoặc quỷ thần.’’

Tuy đã rửa tội, người Ấn vẫn tụng niệm bùa chú bằng tiếng Phạn. Ngài thay thế bằng các câu Kinh Thánh soạn bằng tiếng tamoul. Một hôm, ngài gặp một sản phụ đau đớn sinh con trong một túp lều nhỏ. Ngài đọc kinh Tin Kính thay thần chú. Nhờ vậy mà mẹ tròn con vuông. Sau đó cả gia đình xin rửa tội. Cha Coellho kể lại một giai thoại về Javier. Ngài có thói quen ra sân vắng giữa đêm khuya để cầu nguyện và hành xác. Một hôm Javier la lớn lên nhiều lần: ‘‘Lạy Thánh Mẫu Maria, bộ Mẹ không giúp con sao ?’’. Ngài la to đến nỗi người giúp việc Malabar giật mình thức dậy. Một lúc sau là tiếng roi hành xác. Sau đó, cha Phanxicô thiếp đi suốt hai ngày trời.

Thánh nhân là người Tây phương đầu tiên học tiếng Phạn. Ngài viết: ‘‘Trong đất nước này, giữa những người hiền lương còn những người được gọi là brahman (Bà La Môn). Họ chăm sóc đền thờ bụt thần. Họ là những người tai ác. Chính họ là hiện thân Thánh Vịnh: Lạy Chúa Trời, xin xử cho con, biện hộ cho con chống lại phường bất nghĩa, xin cứu con giải thoát khỏi người xảo trá gian tà. (Thánh vịnh 43 (42), 1). Tôi lột trần sự lừa đảo của họ, dân nghèo phải tùng phục họ chỉ vì sợ hãi.’’

Phanxicô đã rửa tội khoảng 100 000 tại Ấn Độ và Tích Lan, bắt đầu bằng lễ rửa tội một hoàng tử đạo Phật, cháu vua Kottê Bhuvaneka Bâhu. Trước đó, nhà vua ra lệnh hành quyết con trai vì theo đạo Công giáo. Thánh 3-1545, gió mùa ẩm ướt khiến tầu bè đi phía tây rất nguy hiểm, thánh nhân phải sang hướng đông, đến Meilapur là nơi an táng thánh Tôma Tông đồ, người có phúc đặt tay vào vết thương của Chúa Kitô Phục sinh. Thực ra, vào thế kỷ thứ 3, xương thánh Tôma đã được chuyển về Edesse miền Tiểu Á. Nơi mộ phần Thánh Tôma, Phanxicô nghe tiếng Chúa. Ngài thuật lại: ‘‘Khi hành hương nơi mộ phần Thánh Tôma đợi ngày đi Malacca, tôi gặp một thương nhân có tầu buôn và hàng hóa. Tôi nói với thương nhân này về Chúa. Chúa đã khiến cho người lái buôn bỏ thuyền bỏ lái, đồng hành sang đảo Macassar sống suốt đời trong khó nghèo để phụng sự Thiên Chúa. Trước kia người thanh niên 35 tuổi đời là một người lính, ngày nay trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô.’’

Từ tháng 9 đến cuối năm 1545, Javier đáp tầu đi Malacca giữa phong ba bão tố. Malacca nằm trong quần đảo Indonexia (Nam Dương). Khi Javier đặt chân đến Malacca, nơi này được tự do hành đạo. Đền Hồi giáo và Thánh đường Công giáo xây cạnh nhau, cùng với chùa chiền Phật giáo và đền thờ Do Thái giáo. Chỉ có một linh mục tuyên úy lo cho giáo dân đủ mọi sắc dân. Cũng như trước đây ở Goa, Phanxicô chung sống với người nghèo ở Malacca. Phanxicô làm việc ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Đêm về, ngài cùng các thiếu nhi công giáo đi qua các đường phố Malacca rung chuông, lớn tiếng cầu nguyện cho các linh hồn ở chốn luyện hình. Ngài học tiếng Mã Lai để lo việc truyền giáo.

Trong hai năm 1546-1547, Phanxicô sang đảo Moluques nổi tiếng là trù phú, đa số dân chúng theo đạo Hồi. Thánh nhân kể lại: ‘‘Phần lớn trên các đảo này núi lửa phun ầm ĩ ra các tảng đá cực lớn. Vì không có linh mục thuyết giảng, Chúa cho phép cửa hỏa ngục mở ra vì tội lỗi nhân loại. Một trong các đảo này động đất liên miên. Ngày Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, trong lúc đang cử hành Thánh lễ, động đất mạnh đến nỗi tôi sợ bàn thờ bị xiêu vẹo. Có lẽ Thánh Micae dùng quyền lực trừng phạt quỷ sứ, đuổi chúng xuống địa ngục.’’ Ngài ghi thêm: Hải đảo này nên được mang tên là đảo Hy vọng vào Chúa hơn là đảo Maure.

Tại Maluco, Phanxicô quen thân vua Hồi giáo Hairun. Nhà vua mong mỏi Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sau cùng có thể gặp nhau. ‘‘Nhà vua tỏ ra ưu ái tôi khiến những kỳ lão buông lời trách móc. Nhà vua muốn tôi kết thân và nhà vua sẽ chịu phép rửa tội. Hairun muốn rằng tôi là bạn thân, vì người Công giáo và Hồi giáo đều là con một cha và một ngày kia cả hai sẽ hiệp nhất.’’

Phanxicô không ở một nơi lâu. Trước khi đi, ngài hình thành Giáo Hội địa phương. Javier không chỉ là nhà truyền giáo Dòng Tên. Ngài còn là Sứ thần Tòa Thánh. Ngài thu thập các thông tin về địa dư, dân tộc học hoặc tôn giáo. Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12-1545, ngài gặp một thương nhân Bồ Đào Nha từng đi Trung Quốc. Ngài cho rằng có thể đến Trung Quốc bằng đường biển từ Malacca khi đó ở trong tay người Bồ Đào Nha. Trung Quốc chính là nước Cathay trong sử liệu của Marco Polo. Javier tin rằng Thánh Toma Tông đồ từng đến Trung Quốc giảng đạo. Tại Malacca, Phanxico gặp một người Nhật tên là Anjiro. Tại Nhật Bản, Anjiro đã nghe tiếng Javier là sứ giả nhà trời. Anjiro lặn lội sang Malacca tìm gặp Javier. Khi sang đến Malacca năm 1546, Javier đã đi nơi khác. Anjiro trở lên mạn bắc, về hướng Trung Quốc và Nhật Bản. Một người Bồ Đào Nha cho anh biết Phanxicô đã trở về Malacca. Hai người gặp nhau vào tháng 12-1547.

Anjiro thuộc giáo phái Phật giáo Chân Ngôn (Shingon). Anh thông thạo tiếng Bồ nhưng không am tường các danh từ thần học. Javier nghĩ ngay đến việc cùng Anjiro dịch thuật. ‘‘Tôi hỏi Anjiro nếu tôi đến Nhật, người Nhật liệu có rửa tội không. Anh trả lời người Nhật không trở lại đạo tức khắc. Anh cho biết dân Nhật sẽ đặt nhiều câu hỏi và tùy theo cách trả lời của tôi và nhất là họ xem lời nói của tôi có đi đôi với việc làm không. Nếu cả hai điều kiện vừa kể tốt đẹp, nửa năm sau có thể vua dân nước Nhật sẽ theo đạo.’’

Javier viết về dự định đi Nhật như sau: Về phần con, lạy Chúa, con vẫn chưa quyết định có đi hay không, nhưng dần dà hình thành câu trả lời xin vâng. Tháng 5-1548, Phanxicô rửa tội cho Anjirô và hai người Nhật khác. Sau cùng, Javier quyết định sang Nhật, ‘‘quần đảo Nhật Bản được chúc phúc. Người dân có óc cầu tiến, ham học hỏi Lời Chúa.’’ Javier cũng như những người Bồ Đào Nha vào thời đó nghĩ rằng người Tầu và ngưòi Nhật có nhiều ưu điểm hơn người Mã Lai và Ấn Độ. Nền văn minh Trung Nhật là văn minh văn tự ‘ ‘tri thức’’. Còn tại Nam Á, theo thánh nhân, ngoài một số trí thức thông thạo chữ Phạn và chữ Á rập, còn lại dân chúng không biết đọc biết viết. Ngày 14-1-1549, Phanxicô gửi thư cho Inhaxiô báo tin sẽ lên đưòng sang Nhật truyền giáo. Ngày 23-6-1549, Javier đi thuyền buồm Trung Quốc qua Malacca. Ngài viết: ‘‘Tất cả các giáo hữu và bạn bè thân thiết tỏ ra lo sợ về chuyến viễn du đầy nguy hiểm này. Về phần tôi, tôi chỉ sợ cho họ thiếu đức tin, vì Chúa lèo lái và có quyền uy trên phong ba bão tố trên biển Trung Hoa và Nhật Bản. Từ trước tới nay tôi chưa từng chứng kiến trận bão nào ghê hồn đến như vậy.’’ Javier đi cùng hai giáo sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha, ba người Nhật trong số có Anjirô. Con thuyền cập bến Kagoshima, lãnh địa Satsuma ở cực nam đảo Kyushu vào đúng ngày lễ Đức Mẹ 15-8-1549 (cũng là ngày kỷ niệm thành lập Dòng Tên). Cảnh trí thật nên thơ: ruộng lúa trên đồng bằng, cây đào cây cam trên sườn núi Sakujima. Phanxicô nhận xét: ‘‘Người Nhật trọng danh dự hơn là tiền của, tỏ ra rất lễ độ. Phần lớn người Nhật biết đọc biết viết. Đó là cách tốt nhất để học kinh bổn.’’ Trong tự điển Nhật Bản về Lịch sử và Truyền thống, tên thánh nhân viết tiếng Nhật là Huranutusuko Zabieru.

Người Nhật yêu thiên nhiên. ‘‘Nhiều người chuộng mặt trời, mặt trăng.’’ Ngài kể lại: ‘‘Tôi có dịp đàm đạo với vài vị cao tăng uyên bác, trong số có hòa thượng Ninjitsu, theo tiếng Nhật có nghĩa là ‘‘Chân Tâm’’ (Coeur de Vérité). Qua nhiều lần đàm đạo, vị cao tăng tỏ ra nghi ngờ, không biết linh hồn bất tử hoặc chết đi cùng với thân xác’’ Các lần đàm đạo đều có Anjiro thông dịch. Phanxicô có ý định đến kinh đô thuyết giảng cho Nhật Hoàng và quần thần cũng như sau này sẽ đến Bắc Kinh giảng đạo cho triều đình Trung Quốc. Ngài kể lại: ‘‘Tôi muốn đề nghị Nhật Hoàng gửi sứ giả sang Ấn Độ (Nhật gọi là Tenjiku) để ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe, nhờ vậy Nhật Hoàng có thể thương thuyết với Toàn Quyền Ấn Độ để lập một thương điếm.’’

Mùa đông 1549-1550, Phanxicô và hai giáo sĩ Dòng Tên học tiếng Nhật dưới sự hướng dẫn của Anjirô. Phanxicô và Louis Almeida học rất nhanh. Hòa thượng Nanriji mời Phanxicô vào dạy kinh Công giáo dịch sang tiếng Nhật tại Thiền Viện nơi Hòa thượng Nanriji trụ trì, có tới 100 thiền sư. Có hai thiền sư xin rửa tội một cách kín đáo. Phanxicô định sẽ du nhập giáo huấn Công giáo vào Thiền tông, nhưng gặp sự phản đối của Almeida.

Các cuộc đàm đạo thường bắt đầu bằng việc tụng kinh Công giáo bằng tiếng Nhật. Lãnh chúa Niiro Isênô Kaminodo sống trong lâu đài Ichiku xin rửa tội, chọn tên thánh là Micae. Lâu đài của ông trở thành cộng đoàn công giáo. Tại Yamaguchi, các tu sĩ daimyô cho Phanxicô sử dụng tu viện. Khi Javier dời Kagoshima để đi Hirado, Aijirô điều khiển một cộng đoàn nhỏ. Về sau, Anjiro bị các nhà sư chống đối, phải trốn khỏi Kagoshima, bị rơi vào tay cướp biển.

Trong bảng tổng kết năm 1552, Phanxicô nhấn mạnh các giáo hữu Nhật phần lớn thuộc tầng lớp quý tộc. Phanxicô đến kinh đô Kyoto với danh nghĩa sứ thần Tòa Thánh. Việc giao thiệp với các nhà sư Nhật trở nên khó khăn. ‘’Khi đi ngoai đường, đám đông chạy theo chúng tôi nói rằng: Đây là những người nói chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa để được cứu rỗi. Chỉ có Thiên Chúa là đấng cứu độ chúng ta. Người khác nói rằng: Đây là những người rao giảng không thể lấy hai vợ. Người khác lại nói: Đây là những người cấm tội dâm dục.’’

Phanxicô thuật lại các lần đàm đạo với người Nhật: ‘’Họ nói rằng Thiên Chúa không thương sót vì thẳng tay trừng phạt. Họ nói rằng nếu Chúa tạo dựng muôn loài, tại sao lại cho phép quỷ dữ cám dỗ chúng ta. Bởi vì Chúa dựng nên loài người để phụng sự người và nếu Chúa tốt lành, tại sao ngài lại tạo ra con người với nhiều yếu đuối, tội lỗi. Họ nói rằng Chúa tạo ra hỏa ngục và không thương sót những người bị sa vào lửa đời đời.’’ Đáp lại ý kiến này, 400 năm sau, ĐTC Gioan-Phaolô II nói rằng: ‘‘Tính phổ quát của ơn cứu chuộc không có nghĩa là chỉ chấp nhận cho những người tin vào Chúa vào nhà thờ.’’

Cuối năm 1551, một tầu buôn Bồ Đào Nha cặp bến Kyushu không mang theo thư từ cho Javier. Sống ở Nhật vào thế kỷ 16 giống như bị lưu đầy biệt xứ. Thánh nhân quyết định dời Nhật Bản, giao cho hai giáo sĩ Cosme de Torres và Jean Fernandez chăn dắt đoàn chiên. Trong lá thư gửi Inhaxiô, Phanxicô viết về Trung Quốc như sau: ‘‘Trung Quốc đất rộng, an bình và có pháp luật. Chỉ có một Hoàng đế trị vì. Họ là người da trắng, không để râu, mắt hí, tỏ ra đại lượng và rất hiền hòa. Giữa người Hoa với nhau không có chiến tranh. Năm nay 1552, tôi hy vọng sẽ lên đường sang Trung Quốc để hoàn thành sứ mạng đối với Thiên Chúa. Cái gì có thể thực hiện ở Trung Quốc cũng có thể làm ở Nhật Bản. Hơn nữa, khi người Nhật biết người Tầu chấp nhận luật Thiên Chúa, họ sẽ từ bỏ niềm tin vào các giáo phái. Tôi hy vọng nhờ Dòng Tên, người Hoa cũng như người Nhật sẽ không thờ cúng bụt thần và thờ lạy Chúa Kitô là đấng cứu chuộc loài người.’’

Khi con tầu ghé ngang Malacca, Phanxicô nhận được thư đề ngày 10-10-1549 của Inhaxiô bổ nhiệm ngài làm bề trên tỉnh dòng tại Ấn Độ. Từ nay Phanxicô phụ trách khắp Á châu, trước đây thuộc quyền của Tỉnh Dòng Bồ Đào Nha. Phanxicô lên đường sang Trung Quốc mà không được đọc những hàng chữ này của Inhaxiô: ‘‘Tôi tin chắc sự khôn ngoan hướng dẫn cha, tuy nhiên theo các thông tin hiện nay, tôi thiết nghĩ nếu ở lại Ấn Độ cha phục vụ hữu hiệu hơn. Cha nên gửi những anh em khác sang Trung Quốc.’’ Từ tháng 5 đến tháng 11-1552, Phanxicô dời Goa, Cochin đi Malacca. Trước khi đến Trung Quốc, Phanxicô học tiếng Hoa: ‘‘Hán văn được dạy trong các đại học ở Nhật. Các thiền sư biết Hán văn được coi là uyên bác. Mỗi chữ Hán đều mang một ý nghĩa. Người Nhật đọc tiếng Hoa theo phát âm riêng. Chúng tôi biên soạn một cuốn sách bằng tiếng Nhật về tạo thiên lập địa và các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô. Chúng tôi cũng sẽ soạn một cuốn sách tương tự bằng tiếng Hoa.’’

Phanxicô thuật lại hành trình sang Tầu: ‘‘Tôi đi từ Goa sang Malacca mất 5 ngày. Tôi đi cùng với Jacques Pereira trực chỉ Bắc Kinh. Chúng tôi mang theo tặng vật biếu Hoàng đế Trung Quốc.’’ Javier quan niệm chuyến đi Trung Quốc giống như phần mở đầu Phúc âm thứ tư nói về Ngôi Lời đến giữa thế giới tối tăm tội lỗi: ‘‘Đi sang nước ngoài rao giảng chân lý, bên vị hoàng đế đầy uy lực là một việc táo bạo.’’ Trong thời gian này, ĐTC Gioan III tái bổ nhiệm Phanxicô làm sứ thần Tòa Thánh.

Tầu chở Phanxicô gặp bão lớn, phải ném bớt hàng hóa xuống biển. Trên chặng đưòng từ Xingapo (Tân Gia Ba) đi ngang hải phận nước ta, thuyền trưởng không còn định hướng được nữa. Chính Javier từng đi ngang vùng biển này hai lần đã chỉ một hải đảo nhỏ cách Hồng Kông không xa. Sở dĩ Phanxicô chọn đảo Trường Xuyên (Shangchuan) vì đây là nơi trao đổi tơ lụa và đồ gốm Trung Quốc lấy hồ tiêu và gia vị Bồ Đào Nha. Phanxicô kể lại rằng ‘‘một người quê Quảng Đông hứa sẽ nhận hai trăm đồng cruzados cho Phanxicô trốn trong nhà trong ba ngày, sau đó đưa ra cửa thành với sách vở và hành lý gặp quan tổng trấn xin yết kiến Hoàng đế Trung Quốc để trình thư của Đức Giám Mục với sứ mạng rao giảng Luật Chúa.’’ Dự định này bất thành. Sang tháng 11, gió bấc lạnh thổi vào hải đảo. Không còn người Bồ trên đảo. Chỉ còn hai cái lều của Phanxicô và Jacques Vaz là một thương nhân. Vaz nhận thấy Phanxicô suy yếu nên chuyển lên một thương thuyền. Con tầu Santa Croce tròng trành khiến Phanxicô kiệt sức. Người ta lại vực ngài xuống đảo, ở tạm trong căn lều của Vaz cho đỡ lạnh. Người ta lấy máu ngài vào ống hút theo y học thời ấy. Trước giờ lâm chung, Javier đọc kinh tiếng la tinh và tụng ca bằng tiếng mẹ đẻ (Basques). Ngài qua đời đêm 2 rạng ngày 3-12-1552. Hôm sau, người ta an táng ngài trên bờ biển Trường Xuyên.

5 tháng sau, khi mở quan tài, Phanxicô như đang nằm ngủ. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và làm nhiều phép lạ. Linh cữu được chuyển về Goa vào mùa chay năm 1554. Quan tài một lần nữa được mở ra với hình hài còn nguyên như đang ngủ. Ba năm sau Inhaxiô mới biết tin Phanxicô đã qua đời. ĐTC Phaolô V phong chân phước ngày 25-10-1619. ĐTC Grégoire XV phong hiển thánh ngày 12-3-1622.

Có thể tóm tắt cuộc đời thánh Phanxicô Javier vào 5 niên biểu: 1506: năm sinh. 1534: dâng lời khấn Montmartre (29 tuổi). 1540: lên đường sang Á Châu truyền giáo (34 tuổi). 1549: truyền bá đức tin ở Nhật Bản (43 tuổi) 1552: từ trần trên lãnh thổ Trung Quốc (46 tuổi).

Cũng có thể tóm lược đời Javier trong 5 chữ J (hoặc chữ I, (Iôta trong tự mẫu Hy Lạp): Javier (nơi sinh), Jésus (Dòng Tên), India (Ấn Độ), Indonexia (Nam Dương), Japan (Nhật Bản). Chữ I chính là IHS: Thánh Danh Chúa Giêsu: Jesus Hominum Salvator (hoặc Jesus Hierosolymae Salvator): Chúa Giêsu Đấng Cứu chuộc Nhân loại. Còn một chữ J liên hệ đến gia đình Javier. Cháu ruột Javier là linh mục Dòng Tên Jérôme Javier noi gương chú sang Ấn Độ truyền giáo.

Kết thúc bài viết này, xin ghi lại hai giai thoại về Thánh Phanxicô Javier và di ngôn của ngài.

1) Cha Laynez là giáo sư nhà tập kể lại khi các giáo sĩ thực tập trong các bệnh viện ở Ý, Phanxico Javier thức giấc trong đêm nói rằng: ‘‘Lạy Chúa Giêsu, con mệt mỏi, Chúa có biết con nằm mơ thấy gì không ? Con cõng trên lưng một người Ấn Độ, người này nặng quá con không sao cõng nổi’’.

2) Một đêm khác, Phanxicô đánh thức cha Rodrigues nói: ’’Mas ! Mas ! Hơn nữa ! Hơn nữa !’’. Trước khi từ biệt Lisbonne, ngài giải thích ý nghĩa của giấc mộng này: ‘‘Tôi thấy mình cơ cực, gặp nhiều nguy hiểm trên đường phụng sự Thiên Chúa. Nhờ hồng phúc ngài nâng đỡ tôi, thúc đẩy tôi khiến tôi không thể không xin ngài thêm nữa. Tôi hy vọng sẽ đến giờ chứng minh điều xin ‘‘Hơn nữa’’ (Mas, Mas) sẽ thực hiện được.’’

Di ngôn: Trong lá thư viết từ Goa tháng 3-1549 gửi một giáo sĩ cùng Dòng, Phanxicô viết: ‘‘Trước hết, hãy chú tâm đến bản thân và quan tâm về sự liên hệ với Thiên Chúa, nhờ vậy bạn trở nên có ích cho những người thân quen. Đừng quên tự xét lương tâm ít nhất một ngày một lần nếu bạn không thể làm hai lần một ngày. Hãy quan tâm về lương tâm của chính bạn hơn là lương tâm người khác, bởi vì ai không nên thánh, làm sao có thể mang lại cho người khác sự tốt lành? Trong quan hệ với người khác, hãy bàn bạc và tạo tình thân.’’

Phải chăng di ngôn của Thánh Phanxicô Javier nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ truyền giáo, thánh hóa bản thân ?

Lược Sử Thánh Phanxicô Xavier

St-FrancisXavier.jpg

Năm thế kỷ phương Đông sống đạo,
Dạ sắt son tiết tháo trung kiên.
Phúc Âm hun đúc người hiền,
Hành trình Phúc Thật khắp miền Á Âu.

Năm Lẻ sáu (06) đêm thâu sinh hạ,
Một hài nhi sắt đá tâm can.
Sorbonne học tập mấy năm.
Văn chương phú lục con tằm nhả tơ.

Ngài tận hiến không mơ chức vị,
Sống đơn sơ bố thí âm thầm.
Sang Goa truyền bá Phúc Âm,
Số người rửa tội hàng năm khá nhiều.

Sống thánh thiện nhiều điều mẫu mực,
Thương yêu người hiện thực câu kinh.
Cộng đoàn vững chắc thành hình,
Ngài đi chỗ khác một mình xả thân.

Ra hải đảo ầm ầm núi lửa,
Ngài ra tay mở cửa ơn thiêng.
Cải tà quy chánh một miền,
Danh Cha cả sáng triều thiên nước Trời.

Sang Nhật Bản bằng lời khúc triết,
Ngài luận bàn hơn thiệt cao tăng.
Ngồi thiền đối thoại dưới trăng,
Ngài dùng tiếng Nhật nghiêm trang giảng bài.

Biển Trung Quốc thiên tai bão tố,
Ngài lo toan cứu độ đông phương.
Tâm tình mùa Vọng yêu thương,
Tham gia truyền giáo, noi gương Thánh hiền.

Paris, mùa Vọng 2008

Lê Đình Thông

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.12.2008. 11:05