Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phát biểu của Đức Cha Nguyễn Chí Linh tại Thượng Hội đồng Giám Mục

§ Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN. Trong bài phát biểu sáng 14-10-2008 tại Thượng HĐGM thế giới, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Thanh Hóa, đã đề cao sự nâng đỡ của Lời Chúa, cho các tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, giữa các cơn thử thách, bách hại.

Trước sự hiện diện của ĐTC và 241 nghị phụ trong phiên họp toàn thể thứ 13, Đức Cha Giuse Linh nói:

”Thứ sáu vừa qua (10-10-2008), người anh em của con, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, đã trình bày sơ lược về lịch sử truyền giáo của dân tộc chúng con. Con xin tiếp nối phúc trình của Đức Cha Minh và nói về số 28 trong Tài liệu làm việc, bàn về vai trò nâng đỡ của Lời Chúa trong lịch sử Giáo Hội, để mô tả về vai trò này trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam.

”Tin Mừng đã được công bố lần đầu tiên trên đất nước chúng con hồi đầu thế kỷ 16 trong bối cảnh đau thương của cuộc nội chiến giữa hai vương quốc anh em trở thành thù nghịch. Nhưng lạ lùng thay chính nhờ sự trùng hợp ấy, Tin Mừng đã trở thành một an ủi lớn cho các tín hữu đầu tiên được rửa tội và từ đó không bao giờ ngừng trở thành sự nâng đỡ tinh thần và luân lý, nguyên lý phong phú hóa Giáo Hội tại Việt Nam, một trong những Giáo Hội bị thử thách nặng nề nhất vì cc cuộc bách hại đẫm máu và liên tục. Bị đẩy vào trong một lịch sử dệt bằng hận thù, chiến tranh ý thức hệ và những hạn chế kỳ thị, các tín hữu Công Giáo chúng con ngày càng xác tín rằng chỉ có Lời Chúa mới có thể giữ chúng con ở lại trong tình thương, trong an vui, hiệp thông và bao dung.

”Con cũng đau lòng mà thưa với ĐTC và các nghị phụ rằng cho đến nay Việt Nam chiếm hàng đầu về các vụ phá thai. Nhưng điều đáng nói là thảm trạng này đã khơi lên nơi các tín hữu Công Giáo phong trào ”bênh vực sự sống”: họ đi tìm các bào thai bị phá trong các nhà thương, rửa tội cho các bào thai ấy nếu còn sống thoi thóp, và thành lập các nghĩa trang để an táng. Ban đầu, hành động này bị chính quyền và các vị lãnh đạo nhà thương coi là tội ác, khiến cho các tín hữu Công Giáo phải hành động bí mật. Nhưng nay, tuy nhà chức trách chưa cho phép, nhưng họ để cho làm. Vài nhà làm điện ảnh đã quay thành những phim tài liệu và các ký giả ca ngợi việc làm ấy của các tín hữu Công Giáo trên các cơ quan truyền thông. Tại sao có sự tiến bộ như vậy? Thưa vì người ta nhận rõ hơn chứng tá của các tín hữu Công Giáo, những người sống Lời Chúa, và dưới ánh sáng của Lời ấy, họ tôn trọng sự sống. Con muốn lập lại ở đây xác tín mà Hiến Chế Vui Mừng và Hy vọng đã nói đến trong số 44: ”Giáo Hội nhìn nhận rằng, từ sự chống đối của các đối thủ và những người bách hại, Giáo Hội rút ra được những lợi ích lớn lao và Giáo Hội có thể tiếp tục làm như vậy”.

”Một dấu hiệu khác đáng được nêu lên để chứng tỏ Lời Chúa tiếp tục nâng đỡ Giáo Hội tại VIệt Nam. Đó là cuộc trở lại của hàng ngàn người dân tộc thiểu số ít lâu sau lễ tôn phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam hồi năm 1988. Điều lạ lùng là người người thượng ấy cho biết đã nghe Đài Phát Thanh của Tin Lành từ Manila, Phi luật tân, nhưng họ trở lại Công Giáo tại Việt Nam. Như thế, người Tin lành gieo hạt và người Công Giáo gặt hái. Lời Chúa vang dội rất xa, đi tới tai họ, và trở thành nguồn hy vọng cho những người sống hẻo lánh trên các miền rừng núi, thiếu thốn mọi sự và không có tương lai.

”Để kết luận, trong tư các là người Công Giáo Việt Nam, con muốn lập lại xác tín rằng trong các cơn bách hại, hồng ân lớn nhất của chúng con là lòng trung thành với Lời Chúa”.

CÁC BÀI PHÁT BIỂU KHÁC

Ngoài Đức Cha Giuse Linh, còn có 29 nghị phụ phát biểu trong phiên họp sáng 14-10-2008, đặc biệt ĐTC cũng ứng khẩu lên tiếng về tầm quan trọng và giá trị của việc chú giải Kinh Thánh, như giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2 trong Hiến Chế Dei Verbum (Lời Chúa). Ngài nhìn nhận giá trị của phương pháp phê bình lịch sử để nghiên cứu Kinh Thánh: phương pháp này giúp hiểu văn bản Sách Thánh không phải là huyền thoại nhưng là lịch sử đích thực, giúp lãnh hội sự thống nhất sâu xa của toàn thể Kinh Thánh, giúp hiểu thực tại. Tuy nhiên, ĐTC cảnh giác rằng phương pháp này cũng có thể làm cho người ta nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ là một cuốn sách của quá khứ.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ngày nay khoa chú giải Kinh Thánh dựa trên đức tin đang nhường chỗ cho một thứ chú giải bị tục hóa, duy thực nghiệm, theo đó những yếu tố thần linh không xuất hiện trong lịch sử. Tất cả đều bị thu hẹp vào yếu tố nhân trần, như người ta thấy trong trào lưu thịnh hành về việc giải thích Kinh Thánh hiện nay ở Đức, trào lưu này phủ nhận sự sống lại của Chúa Kitô và sự thành lập phép Thánh Thể do Con Thiên Chúa. Và ĐTC kết luận rằng: ”Nói một cách cụ thể, chúng ta phải mở rộng việc huấn luyện các nhà chú giải Kinh Thánh tương lai”.

ĐHY Emmanuel III Delly, Thượng Phụ Công Giáo Canđê ở Irak nói về thảm trạng đau thương của Giáo Hội tại nước này. Ngài nhắc đến các vụ khủng bố bằng xe bom, các vụ bắt cóc và giết người, đặc biệt là vụ sát hại Đức TGM Faraj Rahho của giáo phận Mossul. ĐHY nói: ”Trong bối cảnh đó, một cuộc sống theo Lời Chúa, là một chứng tá bản thân, có thể phải trả giá bằng chính sáng sống của mình”.

Các nghị phụ đã nhiệt liệt vỗ tay để bày tỏ tình liên đới với ĐHY Thượng Phụ và toàn thể Giáo Hội tại Irak.

ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói về giới trẻ và ngài ghi nhận chỉ có lối 13% người trẻ nghĩ rằng cần phải suy niệm về Kinh Thánh. Tuy nhiên người trẻ ngày nay sẵn sàng đón nhận chứng ta sinh động của người lớn và các nhà giáo dục.

18 dự thính viên gồm giáo dân nam nữ và nữ tu cũng lên tiếng tại phiên họp. Ông Thomas Hong Soon Han, Chủ tịch Hội đồng Tông Đồ giáo dân ở Seul, Nam Hàn, đã kêu gọi thực hiện một cuộc xét mình trong Giáo Hội, kể cả giáo quyền, về lối sống của các vị mục tử và việc sử dụng của cải. Ngoài ra ông cũng kêu gọi duyệt lại các hợp đồng thương mại trong Giáo Hội để bảo đảm nguyên tắc công bằng và trả lương xứng đáng để các công nhân viên sống và có điều kiện làm việc xứng đáng.

Trong số các dự thính viên cũng có bà Nataljia Boroskaja, người Nga, giáo sư lịch sử nghệ thuật. Bà kể lại kinh nghiệm của bà trước kia là người vô thần, không hề nghe nói về Thiện Chúa, nhưng bà nhận biết ngài qua các ảnh đạo vẽ trên gỗ, âm nhạc, tranh vẽ thời phục hưng của Italia. Bà nói: ”Ngày nay, con cũng tự hỏi làm sao nói về Thiên Chúa cho các sinh viên của con qua nghệ thuật” (SD 14-10-2008)

Lm Trần Đức Anh, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 15.10.2008. 03:58