Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những Ơn Phước Của Tuổi Già

§ Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

Lá Thư Mục Vụ Cho Những Người Công Giáo Cao Niên của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ

"Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời". (Sách Giảng Viên 3:1)

"Ðược sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người đều có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục Sinh một cách xâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo Hội."(1) (ÐGH Gioan Phaolô 2).

Chúng ta đang đối diện với tình trạng chưa từng có trước đây ở Hoa Kỳ.

Bắt đầu thế kỷ 20, cứ 25 người ở Hoa Kỳ thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Ngày nay, con số người già đã tăng lên tới 33.2 triệu; có nghĩa là cứ 8 người Mỹ thì có một người già. Một người 65 tuổi còn thể sống thêm ít là 17 năm nữa, và nhiều người sống tốt đẹp khoẻ mạnh sau tuổi đó. (2)

Cả xã hội và Giáo Hội đang bắt đầu lo tới những nhu cầu cần thiết về xã hội, kinh tế và tinh thần của lớp người cao niên đang tăng triển nhanh chóng này. Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 1999 là Năm Quốc Tế cho Người Cao Niên với chủ đề: "Hướng Về Xã Hội Cho Mọi Lứa Tuổi" (Towards a Society for All Ages). Toà Thánh Vatican muốn đóng góp cụ thể cho Năm Quốc Tế cho Người Cao Niên, đã kêu gọi người Công Giáo hãy tỏ ra nỗ lực hơn đối với người lớn tuổi, không phải chỉ lo lắng cho họ, mà còn nên học hỏi nơi những kinh nghiệm của họ nữa.(3) Gần đây, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ những suy tư của ngài về tuổi già.(4)

Hưởng ứng lời kêu gọi này, chúng tôi, Các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, muốn chia sẻ những suy tư về kinh nghiệm về tuổi cao niên trong Giáo Hội.

Chúng tôi muốn nói lên sự biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với những người lớn tuổi đầy niềm tin và quảng đại đã xây dựng và còn tiếp tục xây dựng Giáo Hội dưới nhiều hình thức.

Chúng tôi viết những điều này như những người muốn học hỏi để cùng với những người lớn tuổi, khám phá cái thời mà ngày nay nhiều người gọi là "tuổi thứ ba"(5). Chúng tôi học hỏi từ nhiều kho tàng văn hoá do những người lớn tuổi để lại, vì những phong tục, truyền thống và những đóng góp của họ đã thực sự làm phong phú cho Giáo Hội rất nhiều.

Chúng tôi viết như những người mục tử hằng quan tâm lo lắng đến con người với những giá trị và tài năng họ đã ban tặng cho đời sống, cũng như những giới hạn và những đau thương của họ. Chúng tôi cương quyết giữ vững lập trường trong việc chống lại việc giúp người già chết không đau đớn, giúp người già tự kết liễu cuộc sống hoặc bất cứ hình thức nào ngược lại với nhân phẩm và sự thánh thiện của sự sống con người.

Trong lá thư mục vụ này, chúng tôi muốn nhắn gửi tới toàn thể tất cả mọi người trong cộng đồng tín hữu, nhưng chúng tôi cũng muốn nói riêng với (1) những người lớn tuổi, (2) những người chăm sóc người già, (3) cộng đồng giáo xứ: cha sở, nhân viên, những người thiện nguyện và giáo dân, (4) sau cùng là những người trẻ.

Mục đích của chúng tôi là:

- để khẳng định và xác quyết rằng tuổi già - với cả những ơn phước và những mất mát khi tuổi xế chiều cũng như những lệ thuộc hay không lệ thuộc vào người khác - thực sự là một giá trị của Tin Mừng.

- để xây dựng một viễn cảnh tốt đẹp mà chúng ta nhận ra nơi những người già chính là những phần tử sống động bằng những đóng góp của họ cho đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội cũng như trợ giúp những nhu cầu tinh thần cần thiết cho các phần tử khác.

- để phát triển các cơ cấu tổ chức, nhất là nơi các giáo xứ, biết khích lệ và giúp cho những người cao niên được đóng góp dưới mọi hình thức cho Giáo Hội một cách dễ dàng hơn.

Tất cả chúng ta rồi sẽ già, không phải chỉ là những cá nhân, nhưng là toàn thể Giáo Hội. Sự phát triển về đời sống tinh thần nơi người già ảnh hưởng bởi cộng đồng và cũng ảnh hưởng tới cộng đồng. Vì thế, người già phải được Giáo Hội lưu tâm tới. Làm thế nào để cộng đồng đức tin liên hệ tới những phần tử lớn tuổi - nhận ra sự hiện diện của họ, khích lệ sự đóng góp của họ, quan tâm đến những cần thiết của họ và giúp họ phát triển hơn về tinh thần đức tin - đó là dấu hiệu của một cộng đồng có một đức tin mạnh mẽ và trưởng thành.

***

"Cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban".
(Tv. 91:16)

Những chuyên viên nghiên cứu về tuổi già thường nói đến ba giai đoạn của tuổi về chiều:
- giai đoạn 1: tuổi từ 65 đến 74,
- giai đoạn 2: tuổi từ 75 đến 84,
- giai đoạn 3: tuổi từ 85 và già hơn.

Tới năm 2030, khoảng chừng 70 triệu người Mỹ, hoặc 20% dân số Hoa Kỳ, sẽ qua tuổi 65. Số người già trong một vài chủng tộc cũng sẽ tăng và có khi tăng nhanh hơn. Nhiều người già còn kêu lên: "Tôi không hề nghĩ rằng mình sống lâu như thế!"

Xã hội của chúng ta đang già đi. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn đánh giá trị cao sự trẻ trung hơn sự già nua, sự thực hành hơn sự hiện hữu, chủ nghĩa cá nhân hơn tập thể, sự tự lập hơn là sự lệ thuộc. Những suy nghĩ cố định về tuổi già không thay đổi, bất kể đến sự tăng triển của những người già mạnh khoẻ và hăng hái trong các giáo xứ và cộng đồng. Thật vậy, 3 trong 4 những người từ 65 đến 74 tuổi và 2 trong 3 người tuổi từ 75 hoặc già hơn cho biết sức khoẻ của họ tốt hoặc rất tốt. Trong khi những cá nhân người già có những khác biệt về khả năng, sức khoẻ, và những phản ứng; thì việc nhận thức tuổi già như một giai đoạn mà tính nghiêm khắc sút giảm và nên rút lui ra khỏi xã hội là một sự thật không đúng.

Tình trạng hiện nay chưa hề xảy ra trong quá khứ. Những con số về người già cũng như sinh khí của họ, sự dài lâu và những gì họ đóng góp lại cho xã hội và Giáo Hội thúc đẩy chúng tôi suy nghĩ sâu xa hơn về những vấn đề mục vụ. Những suy nghĩ trước kia cho rằng người già nua chỉ là những người nhận sự lo lắng giúp đỡ là không công bằng.

Sau đây, chúng tôi muốn nhắn gửi đến từng nhóm người riêng biệt:

Với những người lớn tuổi

"Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công". (Tv. 92:13-16)

Chúng tôi, những giám mục - mà trong số chúng tôi cũng có những người già - muốn gửi tới quý vị cao niên lòng yêu mến và kính trọng của chúng tôi. Chúng tôi mời quý vị cùng suy nghĩ với chúng tôi về đề tài quý vị là những người nào, và quý vị liên hệ đối với Thiên Chúa và người khác như thế nào trong tuổi xế chiều của cuộc đời.

Trong tông thư mục vụ "Ðược Gọi và Ban Tặng cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba" (Called and Gifted for the Third Millenium) của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ năm 1995 về giáo dân, chúng tôi đã bàn đến đời sống tâm linh với ý nghĩa của 4 lời mời gọi:

(1) để nên thánh,
(2) cho cộng đồng,
(3) để phục vụ và
(4) để trở nên người Kitô-hữu trưởng thành.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn trình bày về việc làm thế nào để những người cao niên có thể cảm nghiệm và đáp lại những lời mời gọi ấy, đặc biệt là lời mời gọi nên thánh, vì lời mời gọi này bao gồm những lời mời khác và dẫn đến sự khôn ngoan.6 Sự khôn ngoan này là du hiệu của một người Kitô-hữu trưởng thành. Ðể làm như vậy, chúng tôi rút tỉa ra từ những kinh nghiệm mục vụ và suy tư của chúng tôi cũng như những sáng suốt khôn ngoan mà những vị cao niên đã từng chia sẻ với chúng tôi.

Lời mời gọi nên thánh

Trong khi mọi người đều được mời gọi nên thánh, để "kết hợp thân mật chặt chẽ với Ðức Kitô"(7), thì sự quan tâm đạo đức thường thừa nhận rằng lời mời gọi này quan trọng hơn đối với các vị cao niên. Nhiều người trong quý vị bây giờ đã có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý hơn. Với nhiều người già, thánh lễ hằng ngày là trung tâm của đời sống tinh thần và là cơ hội để gặp gỡ và làm bạn với nhiều người cùng lứa tuổi. Nhiều vị cũng biết cầu nguyện dưới hình thức suy gẫm mà lời nói không còn cần thiết nữa, chỉ còn im lặng bình tâm lắng nghe tiếng Chúa. Sự giảm yếu của các giác quan cũng có thể xảy ra trong tuổi già thường được coi là tiêu cực, nhưng đôi khi đó lại hữu ích cho việc suy gẫm. Nhiều vị lại thích tìm hiểu và gia nhập những nhóm học hỏi Kinh Thánh, nhóm chia sẻ đức tin hoặc những nhóm huấn luyện đức tin cho người trưởng thành.

Tuổi già còn có thể được gọi là thời "khủng hoảng ý nghĩa cuộc đời". Khi về già, quý vị bắt đầu nghĩ rằng giả như đời mình đã thay đổi được người khác thì ý nghĩa biết bao. Quý vị hồi tưởng về cuộc đời của mình và nhìn lại những biến cố cũng như những liên hệ trong cuộc đời mình để rồi nhận ra những gì tốt, xây dựng và cố quên đi những lầm lỗi. Vì quý vị không thể thay đổi được những gì trong quá khứ, quý vị có thể xin Chúa giúp cho mình được thay đổi những thái độ và những nhận thức. Những lỗi lầm của quá khứ bây giờ phải được coi như là những kinh nghiệm mà quý vị có thể học hỏi. Có lẽ khi đương đầu với những người khó khăn, quý vị đã học được sự kiên nhẫn và tôn trọng những quan điểm khác biệt.

Nhìn lại quá khứ có thể đưa quý vị tới những hành động cho hiện tại. Có khi quý vị nhận ra việc mình phải giao hoà: tìm sự tha thứ hoặc mình nên tha thứ cho người khác. Người đầu tiên cần được tha thứ là chính mình. Quý vị cũng có thể khám phá ra là Chúa muốn trao cho quý vị một trách nhiệm khác. Một tài năng đang cần phải được phát triển, một khả năng đáng giá của một người cao niên cũng có thể mang đến cho cộng đồng những công việc lợi ích và đầy tính sáng tạo tuyệt vời.

Nhưng buồn thay, những thay đổi lớn lao trong tuổi già thường mang đến nhiều sự mất mát: cái chết của người phối ngẫu hay của con cái, của bạn bè, sự thay đổi nhà cửa, nơi ở, sức khoẻ hay công việc; và cuối cùng, chính đời sống của mình. Những mất mát của những gì thân yêu nhất sẽ là những đau đớn không nguôi, nhất là trong những ngày già. Tuy nhiên, đó cũng là một cách chuẩn bị tự nhiên cho cái chết - là sự từ bỏ cuộc đời này - để về cõi đời đời trên thiên đàng.

Ðối diện với cái chết nghĩa là nhận thức sự chết là một thành phần trong đời sống. Tất cả mọi giai đoạn khác của cuộc sống - thời thơ ấu, thời niên thiếu, tuổi thành niên và trưởng thành - cũng là để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp. Giai đoạn sau tuổi già thì lâu bền và phong phú hơn, đó là cuộc sống trường sinh. Người cao niên thường am hiểu rõ ràng hơn rằng "đối với những người tín hữu của Chúa, thì cuộc sống thay đổi chứ không mất đi"(8). Tuổi già là lúc chúng ta chuẩn bị để chấp nhận sự thay đổi lớn trong đời là cái chết. Ðó là cánh cửa đưa chúng ta vào sự kết hợp hoàn hảo với Thiên Chúa và với những người thân yêu. Qua con đường ấy, Chúa Kitô kêu gọi chúng ta hãy kết hợp những đau khổ và sự chết của chúng ta với những đau khổ và cái chết của Ngài, để đau khổ và sự chết trở nên ơn cứu độ; bởi vì đó chính là mục đích của đời sống con người, như Thánh Phaolô đã nói: "những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Col 1:24).

Vì cái chết là một sự mất mát lớn lao, nên chúng tôi cũng muốn nói vài lời về hai sự mất mát khác.

Trước hết, quý vị có thể lo lắng về sự xuống dốc hoặc kiệt lực về sức khoẻ. Quý vị lo rằng mình sẽ bị lệ thuộc vào người khác, có khi lại còn trở thành gánh nặng cho họ. Quý vị lo rằng mình sẽ không thể nói lên ý muốn của mình về vấn đề quan trọng như là khi phải mang ống tiếp sống. Những di chúc bày tỏ ý muốn của mình khi còn mạnh khoẻ cũng có thể giúp cho những người thân yêu biết được ý của mình. Quý vị còn lo đến nơi ở có thể bị mất hoặc không có đủ tài chánh để hỗ trợ cho mình qua những ngày đau ốm hay tàn tật. Với một số người, những cảm nghiệm này làm cho họ lo lắng quá đỗi, khiến họ phải nhờ người khác giúp đỡ họ và đời sống của họ.

Có nhiều điều đáng lưu tâm mà quý vị và gia đình cũng như bạn bè và xứ đạo phải hợp tác với nhau để giải quyết. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn nói với quý vị rằng: Không có gì là sai trái khi phải nương tựa đến người khác; sự phụ thuộc chứ không phải tùy thuộc vào người khác chính là giá trị thực sự của Phúc Âm. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, không ai trong chúng ta thực sự gọi là độc lập hay tự túc hoàn toàn. Tất cả chúng ta để phải nhờ lẫn nhau, lúc này hoặc lúc khác. Bởi vậy, đừng ngần ngại khi phải hỏi và chấp nhận sự giúp đỡ. Sự nương tựa của quý vị có khi lại là một cơ hội tốt cho cả hai phía: quý vị và người khác.

Ðiều thứ hai chúng tôi muốn nói với những người goá bụa:

Chúng tôi chia sẻ sự đau buồn của quý vị vì quý vị đã mất người bạn đời yêu quý. Dù sống giữa gia đình hay bạn bè, chỗ trống trong tâm hồn quý vị chẳng bao giờ được lấp đầy. Có khi quý vị giận dữ và trách cứ người thân, trách cứ chính mình hay trách cả Chúa nữa vì sự trống rỗng mất mát này. Chúng tôi hiểu rằng năm đầu tiên thật là khó khăn để chịu đựng, và những ngày kỷ niệm sinh nhật hay ngày cưới lại mang đến cho quý vị những đắng cay buồn đau, vì chính những ngày vui bây giờ lại trở thành những ngày buồn phiền. Nhưng chúng ta cần thời gian và kiên nhẫn để chữa những vết thương đau đớn ấy. Mặc dù sự quan hệ xã hội có thể khó khăn, nhưng chúng tôi mong quý vị hãy liên hệ với cộng đồng/giáo xứ của quý vị. Nhiều cộng đồng/giáo xứ có những nhóm được thành lập để an ủi hay giúp đỡ những người goá bụa.

Nhiều người trong quý vị cho chúng tôi biết rằng những đau thương vì mất người thân là một điều khó khăn nhất mà quý vị phải trải qua. Những vị ấy đã cảm nghiệm rằng đời sống cứ trôi qua, nên có lẽ Chúa đã có sự sắp đặt của Ngài và có chương trình cho mình. Họ tìm được sức mạnh và hướng đi cho cuộc sống của mình từ kinh nguyện, Kinh Thánh và những Bí Tích. Nhiều người còn thấy đời sống có ý nghĩa hơn trong việc tìm đến người khác, nhất là những người cùng trong hoàn cảnh như mình. Có lẽ những lời của các Thánh Giáo Phụ sẽ an ủi quý vị hơn:

"Những người chúng ta thương yêu và đã mất bây giờ không còn có mặt trên trần gian nữa, nhưng họ luôn luôn sống trong tâm hồn chúng ta." (Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lớn Lên Trong Khôn Ngoan

Lớn lên trong sự thánh thiện có nghĩa là đương đầu với những mất mát không thể tránh được trong cuộc sống. Nói một cách tích cực hơn, lớn lên trong thánh thiện dẫn đến sự khôn ngoan. Mặc dầu nhiều nền văn hoá tôn trọng những người già vì sự khôn ngoan của họ, nhưng sự khôn ngoan không phải tự nhiên mà có khi chúng ta lớn tuổi. Những kinh nghiệm về đời sống cần phải được gieo những hạt giống, và những hạt giống ấy cũng cần được vun xới bằng kinh nguyện và suy gẫm dưới ánh sáng những lời giảng dạy của Phúc Âm. Với ơn Chúa, khi chúng ta trưởng thành là khi chúng ta tiến tới sự khôn ngoan để biết rằng chúng ta đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài, như Thánh Augustino đã nói: "Lạy Chúa, tâm hồn chúng con được dựng nên cho chính Chúa, nên chúng con không bao giờ được nghỉ ngơi yên hàn cho đến khi chúng con được trở về bên Chúa".

Người khôn ngoan luôn luôn phát triển, luôn luôn học hỏi. Con người khôn ngoan luôn luôn liên hệ quá khứ với tương lai. Những người già chia sẻ kinh nghiệm, và như vậy, họ trao lại những gì họ đã học được cho lớp người trẻ của tương lai, bằng cả lời nói lẫn gương sáng. Khôn ngoan của họ không bao giờ mất đi theo họ, nhưng mãi mãi còn hướng dẫn và làm phong phú cho thế hệ tương lai.

Lời Mời Gọi Cho Cộng Ðoàn

Mọi người đều trở nên thánh thiện trong cộng đoàn. Ðối với hầu hết mọi người, kể cả các vị cao niên, cộng đoàn đầu tiên là gia đình.

Quý vị sung sướng khi gia đình được tăng triển với con gái, con rể, cháu chắt nội ngoại. Quý vị để lại cho truyền thống gia đình bằng những chia sẻ về đời sống, những kỷ niệm và những thói quen của gia đình. Quý vị lo lắng cho người con ly dị hoặc đứa cháu hút sách hay vi phạm luật pháp. Nhiều vị còn phải sống trong một tình trạng gia đình không bao giờ ngờ trước, như phải lo cho những người già khác trong gia đình mình hoặc có khi còn phải lo nhiều chuyện cho những đứa cháu chắt nữa! Nhưng chính trong tình trạng ấy, quý vị lại thường là người đem lại sự an tâm, một gương mẫu đức tin vững chắc làm cho niềm vui gia đình được sâu sắc hơn. Với nhiều vị khác, đây là kinh nghiệm sâu xa về tình thương và quan tâm của Thiên Chúa.

Một số quý vị còn cảm nghiệm niềm vui đặc biệt được làm ông bà. Không còn phải lo lắng vì những bổn phận thường ngày như những người làm cha mẹ nữa, quý vị đem lại cho những người trong gia đình những ngày giờ nhàn hạ và quan tâm của mình. Với kinh nghiệm của năm tháng, quý vị có thể tiếp tục khuyến khích con cái phát triển những khả năng, tập luyện tài năng mới và tự quyết định những sự việc quan trọng trong đời sống. Như Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, quý vị là "những nhịp cầu nối liền các thế hệ."(9)

Một số quý vị bị tách biệt khỏi gia đình. Có người là người sau cùng trong dòng tộc họ hàng. Hoặc là con cái đã lớn khôn, vì công việc phải ở xa gia đình. Hoặc chính quý vị phải dọn đến ở một nơi khác. Người phối ngẫu hay anh chị em ruột đã qua đời. Sau nhiều năm với những sinh hoạt gia đình bình thường, giờ đây quý vị cảm thấy cô đơn, hoặc bị chính những người thân yêu nhất bỏ rơi.

Rất nhiều người cao niên trở lại với cộng đồng giáo xứ và những nhóm nhỏ trong giáo xứ để tìm cho mình một nơi sinh hoạt thích hợp. Như một đại gia đình, giáo xứ liên kết những người cao niên với nhau và với những người trẻ. Cộng đoàn giáo xứ cung cấp những món ăn bồi dưỡng tinh thần và các Bí Tích cũng như những cơ hội sinh hoạt phục vụ xã hội và cộng đoàn. Tuy nhiên, có khi một số vị cũng cảm thấy bị tách biệt hoặc quên lãng. Nếu quý vị vì bị giới hạn về việc di chuyển hay lý do nào đó mà phải ở gia đình hoặc ở viện duỡng lão, thì những người thiện nguyện của giáo xứ đến viếng thăm cũng có thể đem lại cho quý vị sự liên kết với giáo xứ. Nhân viên và những người cùng chung sống với quý vị trong một nơi như thế cũng là một cộng đoàn khác của quý vị.

Một số bạn bè của quý vị cảm thấy bị tách biệt vì thiếu phương tiện tới sinh hoạt giáo xứ. Có lẽ một vài người muốn một lời mời riêng tư, một sự khẳng định là họ thực sự được mời. Ðặc biệt trong thời gian chuyển tiếp, họ cần sự quan tâm của giáo xứ, nhưng đôi khi họ cũng ngần ngại không muốn tiếp xúc với ai cả.

Nếu quý vị có được một cộng đồng sinh hoạt như vậy, chúng tôi xin quý vị hãy chia sẻ với những vị cao niên khác. Ví dụ mời họ đến tham dự lễ ngày Chúa Nhật, hoặc nếu có thể, hãy chở họ đi theo với. Hãy giới thiệu họ với nhóm người cao niên trong giáo xứ. Hãy mời họ làm đồ ăn cho những người nghèo. Hãy đi tìm những người cao niên khác và dẫn họ tới với cộng đoàn sinh hoạt của mình.

Sau cùng, cộng đồng giáo xứ có thể trở nên mảnh đất màu mỡ cho tình thân hữu tươi nở. Nơi đó, quý vị sẽ tìm được những người bạn sẵn sàng chia sẻ giá trị và kinh nghiệm của quý vị - những người thông cảm được những sự mất mát và lo lắng của quý vị, nhưng đức tin sẽ đem lại cho họ sức mạnh và can đảm. Những tình bạn này, thường là không ngờ, sẽ làm cho những quan tâm lo lắng cho nhau được tươi sáng và làm tăng thêm niềm vui của tuổi già.

Lời Mời Gọi Ðể Phục Vụ

Con cái đã xa nhà, và quý vị đã phải về hưu. Vì nhiều người phải về hưu trước tuổi 65, nên quý vị sẽ có khoảng 15 năm hay lâu hơn nữa để làm việc thiện nguyện hay làm những việc khác.(10) Quý vị phải làm gì?

Quý vị có thể trở về những sinh hoạt nội tâm, chỉ nhằm theo đuổi những ý thích riêng tư hay sinh hoạt nhẹ nhàng như những phần thưởng cuộc đời sau những tháng ngày làm việc. Nhưng quý vị cũng có những cơ hội để cho lại, để đóng góp một cách ý nghĩa cho Giáo Hội, cho cộng đồng giáo xứ. Và khi làm như vậy, quý vị phong phú hóa cuộc sống của mình. Chúng tôi, những Giám Mục, xác quyết điều này rất rõ ràng: Những người già có trách nhiệm phải đảm nhận một số những phần việc phục vụ người khác - tương xứng với sức khoẻ, khả năng của mình.

Quý vị đã từng phục vụ quảng đại cho những người thân trong gia đình và những người khác. Giờ đây, quý vị có thể tiếp tục và có lẽ sẽ phục vụ một cách rộng rãi hơn cho xã hội và Giáo Hội. Những gì quý vị có thể, thí dụ như chở một người láng giềng đi bác sĩ, làm việc thiện nguyện nơi các trường học, viện bảo tàng, nhà thương, viện dưỡng lão, hoặc những tổ chức như giúp đõ người nghèo. Cộng đồng/giáo xứ của quý vị cũng rất cần và muốn mời quý vị phục vụ trong ban điều hành mục vụ và tài chánh, hướng dẫn nhóm học hỏi Lời Chúa, dạy những nhóm bạn trẻ, thăm nom những vị cao niên khác trong viện dưỡng lo và an ủi những người có điếu tang. Quý vị cũng có thể mời và khích lệ những phần tử trong gia đình hay trong giáo xứ lưu ý đến việc làm linh mục, tu sĩ hay làm tông đồ giáo dân. Trong một số chủng tộc, những người cao niên có một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích những người trẻ phục vụ Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong "Tông Thư Cho Người Cao Niên" (Letter to the Elderly) cũng viết: "Giáo Hội vẫn còn cần đến quý vị... Sự phục vụ Tin Mừng không bao giờ đặt vấn đề tuổi tác" (số 13,7).

Ngay cả khi quý vị vì lý do sức khoẻ hay không có phương tiện di chuyển mà phải ở nhà, thì quý vị vẫn có thể tiếp tục giúp đỡ người khác bằng nhiều cách. Quý vị có thể dùng thời giờ để khen ngợi đứa cháu bé vẽ giỏi hay khen về số điểm học hành của nó. Quý vị có thể nói và chia sẻ với người trong gia đình hoặc bè bạn một cách nghiêm túc về những vấn đề tế nhị khó khăn họ đang phải đối diện với. Quý vị cũng có thể cầu nguyện cho những gì cộng đồng hay giáo xứ đang cần. Quý vị cũng có thể cầu nguyện về những tin tức vừa được trên báo chí hay truyền hình. Sau cùng, gương mẫu về đức tin của quý vị giữa những đau khổ của cuộc đời chính là một quà tặng quý giá cho gia đình và bè bạn. Thật tuyệt vời biết bao khi những người trẻ có được những chứng nhân đức tin sống động trong những ngày đầy ơn phước cuối đời của cha mẹ hoặc ông bà ngay trong gia đình, để họ bắt chước và sống với đức tin đó.

Chúng tôi khuyến khích quý vị và tất cả mọi người chúng ta hãy tìm những phương cách mới mẻ bằng việc xử dụng khả năng và kinh nghiệm của những người cao niên. Cả Giáo Hội và xã hội đang gặp khó khăn về những vấn đề luân lý (như kết thúc cuộc sống) và những vấn đề xã hội (như về sức khoẻ và tiền già xã hội), tiếng nói của những người Công Giáo lớn tuổi đã tìm hiểu và suy nghĩ về những vấn đề này phải được chiếu cố. Chính quý vị là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho giới già! Viết thư cho những cơ quan truyền thông hay những người dân cử trong chính quyền, trình bày tại những cuộc sinh hoạt cộng đồng là những cách quý vị có thể làm những cuộc thay đổi.

Chúng tôi cũng khích lệ trong việc tăng cường những dịp sinh hoạt chung với các lớp tuổi với nhau. Những người lớn tuổi làm cố vấn cho những người trẻ là một thí dụ, và còn nhiều hình thức khác đem lại những khả năng thuộc nhiều thế hệ tuổi tác làm việc với nhau. Là những giám mục, chúng tôi cần nhắc nhở rằng chúng tôi chống lại việc giới trẻ tranh chấp với giới già trong xã hội cũng như Giáo Hội, mặc dù việc xung khắc ấy không cố ý chủ tâm. Chúng tôi không thích được một nhóm này trong khi mất một nhóm khác, vì như vậy chỉ làm cho nguồn nhân lực bị giới hạn. Những sinh hoạt của các nhóm tuổi với nhau có thể đem lại những cảm nhận tốt đẹp từ các nhóm khác, và cũng làm cho sự hiểu lầm và xung khắc lẫn nhau bớt hẳn đi.

Với những người chăm sóc cho người già
Con ơi, hãy chăm sóc cha con khi người đến tuổi già,
Bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi
.
(Sách Huấn Ca 3:12)

Số người chăm sóc cho thân nhân trong gia đình mỗi ngày mỗi tăng lên, và họ cũng cần sự giúp đỡ. Bản thống kê năm 1966 cho biết cứ 1 trong 4 gia đình trong nước Mỹ, là có 1 người phải chăm sóc cho người già ngay trong gia đình của mình. Ðời sống của những người già và những người chăm sóc họ có những liên quan với nhau: người này và người kia đều giúp ích lẫn nhau.

Giờ đây chúng tôi muốn nói đến những người chăm sóc bệnh nhân:

Có một số người đã muốn hiến dâng đời mình để giúp đỡ người khác. Chúng tôi cám ơn quý vị về sự phục vụ đầy yêu thương này. Vì con số những người già ốm đau tăng lên, chúng tôi tìm đến quý vị như những người hướng dẫn và hỗ trợ quý vị trong việc chăm sóc người già với lòng kính trọng và thương yêu.

Một số quý vị không hề nghĩ mình sẽ làm công việc này, nên cảm thấy như mình đã chưa hề chuẩn bị. Quý vị có thể có những xúc động khác nhau cùng một lúc như yêu thương, lo lắng, bực mình, nản chí. Những cảm nghiệm lẫn lộn này là bình thường, cũng như quý vị cảm thấy vừa là phần thưởng cho mình, vừa là những ép buộc trong công việc chăm sóc.

Một số quý vị cũng là những người lớn tuổi, phải chăm sóc cho người lớn tuổi khác trong gia đình, và thường là người bạn đời của mình. Một số quý vị gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt nhất là khi người phối ngẫu của mình phải đối diện với bệnh ung thư, bệnh mất trí nhớ, hoặc một cơn bệnh nghiêm trọng. Quý vị đối diện với nỗi lo sợ và những điều không an toàn, cho dù lời đoan kết hôn nhân quý vị đã thề nguyền 40 năm trước hay lâu hơn nữa vẫn còn đó hoặc sâu xa hơn. Trong một thế giới đầy nghi ngờ này, nơi mà những lời thề hứa cũng dễ đoan kết và cũng dễ tan vỡ, quý vị đã là những tấm gương rất cần thiết và tuyệt vời về lòng trung thành. Chúng tôi cám ơn quý vị về những chứng tá ấy và bảo đảm với quý vị về những trợ giúp của Giáo Hội để quý vị tiếp tục gìn giữ những đoan hứa của mình.

Một số quý vị trẻ tuổi hơn có thể phải chăm lo cho cha mẹ hoặc thân quyến cao niên. Chăm sóc cho cha mẹ có thể bị đau khổ một cách đặc biệt: quý vị nhớ lại thời cha mẹ còn trẻ khi xưa với những sinh hoạt sống động, giờ đây các ngài trở nên yếu đuối cả tinh thần lẫn thể xác, điều đó làm cho quý vị buồn phiền và mất mát. Có khi quý vị cần phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lo hoặc nơi nào đó ích lợi hơn cho đời sống cha mẹ trong tuổi già. Quyết định này thực khó khăn và thường đem lại những mặc cảm có lỗi với cha mẹ. Trong trường hợp cần thiết vì lý do sức khoẻ của cha mẹ hay của chính quý vị và bắt buộc phải có sự thay đổi để đưa cha mẹ đi, chúng tôi khuyên quý vị hãy can đảm hơn trong quyết định cần phải làm. Tuy nhiên, nên cố gắng nghĩ đến chuyện liên lạc với cha mẹ hay thân nhân lớn tuổi bằng cách thăm viếng, gọi điện thoại, gửi thư và thiệp thường xuyên.

Chúng tôi cũng biết ơn những quý vị đã phục vụ người già trong những viện dưỡng lão Công Giáo, quý vị phụ giúp các viện dưỡng lão, quý vị phục vụ ở các tư gia hay những nơi do cộng đồng thiết lập. Ðó là một ơn gọi thánh thiện. Một số vị làm việc thiện nguyện ở các viện dưỡng lão Công Giáo hay không Công Giáo, như những tông đồ giáo dân, thừa tác viên Thánh Thể, những người trợ giúp mục vụ và những người thăm viếng một cách thân hữu. Quý vị không chỉ đem đến cho những người cao niên phước lành, nhưng chính quý vị là một phước lành cho họ

Giáo Hội Công Giáo cũng có những viện dưỡng lão chuyên nghiệp với những chương trình giúp đỡ rất tốt cho người cao niên là những nơi dành để chăm sóc người già một cách rất xứng đáng và đầy yêu thương đã thực sự minh chứng cho sứ mệnh này. Qua nhiều dưỡng viện khác nhau, Giáo Hội chăm sóc những người già ốm yếu, đau thương với những chương trình như chăm lo cho những người mất trí nhớ, những người đau vì bệnh hành hạ và có những chương trình tìm cách làm giảm đau cho họ. Những người được thừa hưởng những sự phục vụ này còn được an ủi bởi đức tin Công Giáo của họ qua Thánh Lễ và việc cử hành các Bí Tích.

Chúng ta đều biết rằng chính những người chăm sóc cho bệnh nhân hay người già cũng cần phải được chăm sóc. Những trách nhiệm của người chăm sóc thường làm cho tinh thần cũng như thể xác mệt mỏi. Một số trong quý vị cùng một lúc phải lo cho cả con cái lẫn cha mẹ. Một số quý vị lại còn phải đi làm hoặc phải thu xếp thời giờ làm việc. Vấn đề tài chánh cũng là một trở ngại lớn lao. Một số quý vị là linh mục hay tu sĩ cũng có thể phải đối diện với những vấn đề này. Nhưng quý vị có quyền nghĩ đến những giúp đỡ từ:

1. Những thân nhân khác trong gia đình: Vì những lý do thực tế, trách nhiệm chăm sóc cho người già yếu trong gia đình có thể dành riêng cho một người, nhưng những người khác trong gia đình cũng phải chia sẻ những trách nhiệm ấy, thí dụ như chia sẻ tài chánh và sắp xếp thời giờ thay thế người chăm sóc để họ có thể nghỉ ngơi. Ðây là vấn đề công bằng chứ không phải bác ái.

2.Cộng đồng/giáo xứ đức tin: Giáo xứ có trách nhiệm gia đình về mặt tinh thần cho những người chăm sóc người già yếu. Thí dụ như giúp đỡ để thành lập một nhóm hỗ trợ những người chăm sóc, giới thiệu họ tới những tổ chức của cộng đồng, mở những chương trình giáo dục đặc biệt về vấn đề chăm sóc người già, có những lễ nghi thừa nhận và ban phúc lành cho người chăm sóc...

Tuy nhiên, Giáo Hội và xã hội thường không trợ giúp đủ những gì cần thiết cho những người chăm sóc người già. Thực trạng hiện giờ có nhiều người sẵn sàng chăm sóc và cũng có nhiều người cần đến sự chăm sóc trong thời gian lâu dài, nên chúng tôi phải nghĩ đến tình trạng mới này. Chúng tôi phải tìm những cách để hỗ trợ những người chăm sóc mà chính họ mỗi ngày lại già hơn, phải cố gắng quân bình nhiều trách nhiệm khác nhau, và phải hãy hy sinh chăm sóc một thời gian dài lâu. Thời gian nghỉ ngơi của họ cũng cần phải được lưu ý.

Với những cha chính xứ, nhân viên và giáo dân

Giới răn phải thảo kính cha mẹ có nghĩa là chúng ta - cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng/giáo xứ phải hỗ trợ, bảo vệ và kính trọng những người lớn tuổi.(11) (Giám mục Anthony Pilla)

Bây giờ chúng tôi muốn nói với những cha chính xứ, nhân viên và toàn thể giáo dân:

Cùng với vấn đề tuổi già là những kinh nghiệm mới, lo lắng mới, vấn đề mới. Tất cả những thứ đó đòi hỏi những suy nghĩ mới trong công việc mục vụ. Là những chủ chăn, nhân viên của giáo xứ hoặc những thiện nguyện viên, quý vị có cơ hội để làm cho những kinh nghiệm của tuổi già được tôn trọng trong cộng đồng giáo xứ và làm cho những người cao niên được liên kết chặt chẽ với cộng đồng giáo xứ cũng như ngược lại, làm cho cộng đồng giáo xứ được liên kết với những thành viên lớn tuổi. Chúng tôi muốn có cái nhìn về một cộng đồng giáo xứ sống động: một cộng đồng giáo xứ bao gồm mọi lứa tuổi và có khả năng vừa cho vừa nhận những chăm sóc về mục vụ.

Vì mỗi cộng đồng giáo xứ đều có những điều cần thiết và nhân sự khác nhau, chúng tôi xin đưa ra một vài những nguyên tắc chính yếu về vấn đề mục vụ giáo xứ cho người già:

1. Người già có thể hỗ trợ cho vấn đề mục vụ, chứ không phải họ chỉ là những người được nhận.

Câu hỏi trước hết được đặt ra không phải là "cộng đồng giáo xứ phục vụ người già như thế nào?" nhưng phải là "cộng đồng giáo xứ đón nhận và trân quý những đóng góp của tuổi già như thế nào?" Những người cao niên mang lại một kho tàng những sức mạnh tinh thần, niềm tin sâu xa, những hãy sinh cho cuộc sống, những khả năng và kinh nghiệm của họ; nhất là sau khi họ đã nghỉ làm việc sinh sống để có thể hiến thời giờ của họ cho cộng đồng. Vượt xa khỏi những nguồn lực khác trong giáo xứ, những người già là một nguồn lực nhân sự rất đáng giá. Mặc dầu họ là những người đầu tiên cần những chăm sóc mục vụ vì họ là những người phải ở nhà vì thiếu phương tiện di chuyển, bị khuyết tật hoặc bị đau yếu bệnh tật, họ cũng vẫn có thể đóng góp về phương diện mục vụ, chẳng hạn như cầu nguyện cho gia đình, cho những người chăm sóc cho họ và cho biết bao những người khác bằng cách chia sẻ đời sống đức tin của mình. Ðó chỉ là những cách rất đơn sơ, nhưng vẫn là một tác vụ rất quan trọng vì sự hiện diện của họ. Bằng cách khuyến khích những người già đóng góp những khả năng của họ cho cộng đồng giáo xứ một cách hiệu quả, chúng tôi xác nhận phẩm giá và giá trị cao quý của người già trong cộng đồng giáo xứ.

2. Những người già phải được nói lên những gì họ cần phải được giúp đỡ về mục vụ và quyết định phải làm như thế nào.

Ðó là nguyên tắc của sự hợp tác. Ai có thể biết hơn là những người già về những gì họ cần? Chúng ta bỏ người già ra ngoài lề khi chúng ta quyết định cho họ hơn là với họ. Làm như vậy, chúng ta cho họ là những người thứ yếu và còn buồn hơn nữa là không cho họ cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm và khôn ngoan của họ cho cộng đồng giáo xứ.

3. Nhóm những người già có nhiều sự khác biệt hơn những nhóm khác.

Họ là đàn bà, đàn ông. Họ là những người sống một mình (chưa hề kết hôn, góa bụa, ly thân, ly dị). Họ là những người có gia đình, là những tu sĩ, là những linh mục. Họ là những người từ nhiều sắc tộc khác nhau. Họ có nhiều khả năng và sở thích khác nhau. Họ khác nhau về tuổi tác, có thể cách nhau 20 tuổi hay hơn nữa. Họ bất chấp những khuôn mẫu. Họ thách đố cộng đồng giáo xứ trong tính cách bao quát, thí dụ như họ muốn có những phục vụ và sinh hoạt xã hội riêng cho những người cao niên phái nam, dù phái nam ít người hơn phái nữ.

4. Những người già cần những sinh hoạt khác nhau để liên kết họ với nhau và với toàn thể cộng đồng giáo xứ.

Những người già - cũng như hầu hết tất cả chúng ta - cần một nhóm người mà mình có thể chia sẻ cùng một thứ kinh nghiệm, vấn đề hoặc sở thích giống nhau. Hội trợ giúp những người già trong giáo xứ, hội học hỏi Kinh Thánh và những chương trình phục vụ khác có thể đưa những người già lại với nhau để giúp lẫn nhau trong tình thân hữu. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng để cho nhóm của họ bị tách biệt ra khỏi cộng đồng giáo xứ. Những việc phục vụ trong giáo xứ, những sinh hoạt xã hội, và quan trọng hơn nữa là những buổi phụng vụ ngày Chúa Nhật sẽ được giàu có phong phú hơn nếu những việc ấy hấp dẫn được nhiều thế hệ tuổi tác cùng làm việc chung với nhau. Ðiều này có nghĩa là những sinh hoạt ấy phải thích hợp cho hết mọi người về phương diện thể lý, và có cả phương tiện di chuyển đầy đủ khi cần thiết.

5. Ðời sống tinh thần ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi sức khoẻ, cảm xúc, đời sống tâm lý cũng như xã hội của mỗi cá nhân. Nếu cộng đồng giáo xứ đặc biệt nghĩ đến những nhu cầu cần thiết về tâm linh, thì không thể làm ngơ với những thực trạng này.

Một giáo xứ không thể nào thoả mãn được mọi nhu cầu cần thiết của giới già. Tuy nhiên, giáo xứ phải nhận ra những gì cần thiết của họ và hướng dẫn họ, gia đình của họ cũng như những người chăm sóc họ tới những nơi giúp đỡ thích hợp. Chúng tôi khuyến khích các giáo xứ nên phối hợp với những cơ quan địa phương trợ giúp người già, để có thể giải quyết những nhu cầu cần thiết của người cao niên trong giáo xứ. Hơn nữa, trong một tập thể lớn hơn, Giáo Hội phải lưu tâm để ý mà làm những công việc ủng hộ cho giới già. Trong những lời giảng dạy và công tác thi hành, Giáo Hội có thể xác định nhân phẩm và giá trị của giới già trong xã hội.

Chúng tôi khuyến khích các linh mục chính xứ tìm hiểu sự ảnh hưởng của giới già mỗi ngày mỗi tăng trong giáo xứ. Sự thay đổi trong việc thống kê có ý nghĩa thế nào trong cái nhìn tương lai lâu dài của giáo xứ, các sinh hoạt, ngân quỹ tài chánh và nhân viên phục vụ? Chúng tôi ủng hộ những việc làm chuyên môn hơn trong việc liên kết và đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của giới già đang khi giới này mỗi ngày mỗi đông hơn, đồng thời cũng minh chứng được những cách thức chia sẻ giá trị về những điều tốt lành, đức tin và sự khôn ngoan của những người cao niên mà họ đóng góp để làm cho cộng đồng/giáo xứ được thêm phong phú.

Với những người trẻ

Ðừng khinh dể những người đã cao niên,
vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả
(Hun Ca 8, 16)

Mỗi người chúng ta chuẩn bị cho tuổi già,
và cách chúng ta sống tuổi già sẽ tỏ lộ ngay trong cuộc sống của chúng ta.(12)

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói với những người trẻ:

Tuổi già có thể là một điều còn xa vời trong ý nghĩ của các bạn. Các bạn khó có thể mà hình dung ra mai mốt mình già như thế nào. Cha mẹ các bạn và ông bà của các bạn cũng đã như thế. Tuổi già mang lại nhiều thực trạng như cô đơn, yếu đuối, lệ thuộc, đau khổ, và cái chết, mà chỉ có một số ít trong chúng ta muốn nghĩ tới. Chúng tôi biết rằng một số các bạn đã thấy những thực trạng này nơi những người già hoặc ngay trong gia đình của các bạn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng các bạn có những hình ảnh tích cực hơn về tuổi già: bà nội hay bà ngoại đã 80 tuổi mà còn nấu ăn để phục vụ người nghèo; người cậu hay chú lớn tuổi rồi mà vẫn giữ thói quen đi lễ hằng ngày và đi đánh golf hằng tuần; người hàng xóm già vẫn ngồi ở hiên nhà và chào hỏi những trẻ em đi học hay về học bước qua nhà mỗi ngày.

Chúng tôi biết rằng lúc này các bạn còn phải bận rộn với gia đình, bạn bè, công việc và muôn vàn những sinh hoạt khác. Tuy nhiên, như các bạn biết, vì là thành phần của một cộng đồng giáo xứ, các bạn có thể làm những điều như sau:

1. Hãy phác họa nơi bạn hình ảnh về những người cao niên.

Nếu đó là một hình ảnh tiêu cực, xin hãy nhìn chung quanh các bạn, đặc biệt là trong gia đình và trong giáo xứ. Các bạn có thấy những người thân cao niên của bạn vẫn là thành phần quan trọng của đời sống gia đình, khi họ chơi đùa với cháu chắt, hoặc kể chuyện cho chúng nó nghe, hoặc là khuyên bảo đứa cháu tuổi đang trưởng thành, hoặc chào đón khách khứa trong bữa tiệc ngày lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day)? Các bạn có thấy những người già trong giáo xứ vẫn đọc sách trong lễ, dạy những trẻ em học hành, hoặc báo cáo về tài chánh trong giáo xứ? Các bạn có thấy những người già tuy phải ở nhà, nhưng họ vẫn có thể dâng từng ngày sống với những kinh nguyện và những giới hạn của họ? Chúng tôi mong các bạn nhìn những người già này như những quà tặng mà Thiên Chúa ban cho các bạn và cho toàn thể cộng đồng/giáo xứ. Hãy nói chuyện với họ, học hỏi từ họ, và tìm những cảm hứng nơi họ. Họ có thể chỉ cho các bạn một viễn ảnh mới về tuổi già.

2. Hãy tự hỏi mình: "Khi về già, tôi muốn tôi là một người như thế nào?"

Những hạt giống kết quả của cuộc đời đã được gieo khi còn trẻ và trong tuổi còn thanh niên. Bạn có tìm kiếm và nuôi dưỡng những tình bạn bè? Bạn có cố gắng đào sâu tình thân mật với Thiên Chúa qua kinh nguyện và các bí tích? Bạn có dùng một ít thời giờ rảnh để phục vụ người khác? Những cố gắng này, nếu được bắt đầu từ bây giờ, sẽ mang lại hoa quả tốt đẹp khi bạn vào tuổi già. Bạn sẽ trở nên một người khôn ngoan, đáng yêu, vì bạn là người đã biết học hỏi để vui sống mọi thời mọi lứa tuổi trong đời sống mình như những quà tặng quý giá của Thiên Chúa.

Kết luận

Chỉ có một cách sống tốt đẹp trong tuổi già là sống trong Chúa
(Linda Zaglio, 101 tuổi)13

Khi viết những suy nghĩ này, chúng tôi đã nói về một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Ðất nước chúng ta và thế giới chưa hề bao giờ có đông người già như hiện nay, - những người cao niên còn khoẻ mạnh, hoạt động, và nhiều khả năng. Nếu chúng ta chưa thể thấy trước những gì họ có thể làm để biến đổi xã hội và Giáo Hội, thì chúng tôi có thể nói chắc chắn được rằng sự thay đổi ấy sẽ xảy ra.

Chúng tôi, những Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, rất hân hoan cử hành Năm Quốc Tế Dành Cho Người Già bằng cách mời tất cả những người cao niên, gia đình của họ và toàn thể cộng đồng đức tin giúp chúng tôi khai triển những sáng kiến nhằm khích lệ những người già tham gia vào những sinh hoạt của xã hội cũng như Giáo Hội. Chúng tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng tuổi già là một quà tặng cho toàn thể cộng đồng đức tin. Khi nào một cộng đồng phản ánh lại những đóng góp của tất cả mọi người - già cũng như trẻ - là cộng đồng đó đã thực sự loan truyền một Ðức-Kitô-của-mọi-thời đang hiện diện giữa chúng ta.

Câu hỏi để suy nghĩ và bàn thảo

Những câu hỏi sau đây có thể dùng để suy nghĩ cá nhân hoặc để bàn luận trong các cuộc họp Hội Ðồng Mục Vụ, nhóm người cao niên, nhóm giới trẻ, nhóm những người chăm sóc hoặc trong những lớp giáo lý.

Cho những người cao niên:

-Làm thế nào để tiếp tục đào sâu hơn tình liên hệ với Chúa trong tuổi già? Những cách thực hành tôn giáo nào đặc biệt có ý nghĩa cho bạn? Những mất mát nào đã ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của bạn: người thân trong gia đình, bạn bè, sức khoẻ, sự đi lại?

-Nếu một người trẻ trong gia đình hỏi bạn: "Tại sao ông/bà dành thời giờ đi làm việc thiện nguyện?", bạn sẽ trả lời ra sao?

Cho những người chăm sóc:

-Với kinh nghiệm riêng của bạn, cái gì là phần thưởng cho bạn và cái nào là thử thách cho bạn khi bạn phải chăm sóc một người cao niên trong gia đình hay một người bạn?

-Là một người chăm sóc, những gì bạn nghĩ rằng bạn cần được hỗ trợ?

Cho cha chính xứ, nhân viên và giáo dân trong giáo xứ:

-Giáo xứ đã dùng những đóng góp và kinh nghiệm của những người cao niên như thế nào? Những gì phải thực hiện để bao bọc họ đầy đủ hơn trong đời sống giáo xứ? Những người cao niên có được đóng góp tiếng nói của họ trong những quyết định của giáo xứ, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan trực tiếp tới họ hay không?

-Giáo xứ có làm cho những người già người trẻ lại gần nhau không, và có khuyến khích họ học hỏi lẫn nhau không?

Cho những người trẻ

-Hãy nghĩ tới một hay hai người già mà bạn thán phục. Những đặc tính nào làm bạn thực sự ngưỡng mộ họ, và làm thế nào để bạn vun trồng những đức tính ấy cho bạn ngay từ bây giờ?

-Bạn ý thức về tuổi già như thế nào? Cái gì làm cho bạn sợ hãi? Bạn có bàn luận với một người cao niên nào đó để hiểu về sự nhận thức của họ về tuổi già không?

Chú thích

1. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, "The Vocation and Mission of the Lay Faithful in the Church and in the World" (Ơn Gọi và Sứ Mạng của Giáo Dân trong Giáo Hội và Thế Giới), số 48 (Washington. D.C.: United States Catholic Conference, 1988).

2. Viện Thống Kê Hoa Kỳ, "Sixty-Five Plus in the United States" (1995), <http:www.census.gov/socdemo/www/agebrief.html>.

3. Pontifical Council for the Laity, The Dignity of Older People and Their Mission in the Church and in the World (Phẩm Giá và Sứ Mạng của Người Già trong Giáo Hội và Thế Giới), (Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 1999)

4. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Cho Người Già (Letter to the Elderly), Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 1999)

5. Những chuyên gia nghiên cứu về tuổi già thường dùng kiểu nói "tuổi thứ ba" để nói rằng đó là thời gian dành ưu tiên cho công việc và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ đã hết. Kiểu nói "tuổi thứ nhất " là thời gian học hỏi, "tuổi thứ hai" nói đến thời gian làm việc sản xuất. Vì người ta vào "tuổi thứ ba" khác nhau, nên mỗi người tự chọn cho mình sự xác định khi nào mình vào loại tuổi này.

6. Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, Called and Gifted for the Third Millenium (Ðược Mời Gọi Và Ban Tặng Cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba), (Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 1995)

7. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2014 (Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 1994)

8. Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng trong lễ cầu cho người qua đời số 1, "Niềm hy vọng sống lại nơi Chúa Kitô."

9. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, Về Gia Ðình (Familiaris Consortio), số 27 (Washington, D.C.: United States Catholic Conference, 1982)

10. Tài liệu của Viện Thống Kê Hoa Kỳ, có thể tìm trong Internet.

Phụ Lục:

1. Theo Viện Thống Kê Hoa Kỳ, "Khoảng một nửa số người (52%) từ 65 tuổi trở lên sống trong 9 tiểu bang năm 1997: Tiểu Bang California có hơn 3 triệu rưỡi, Florida 2 triệu 7, New York 2 triệu 4, Texas và Pennsyvania có gần 2 triệu, Ohio, Illinois, Michigan và New Jersey có hơn 1 triệu."

2. Theo Viện Thống Kê Hoa Kỳ, "Những người già trong các sắc dân thiểu số có thể chiếm tới 25% vào năm 2030, tăng khoảng 15% từ năm 1997. Trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2030, con số những người 65 tuổi trở lên trong cộng đồng người da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha tăng 79%, so sánh với người nói tiếng Tây Ban Nha tăng 368% và những người da đen không nói tiếng Tây Ban Nha tăng 134%."

3. Ai cũng biết rằng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất hấp dẫn đối với giới trẻ, nhưng trong những năm gần đây, ngài cũng là một thần tượng cho giới già: "Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sống tuổi già của ngài với sự tự nhiên thoải mái dễ chịu. Ngài không che giấu gì hết, mà còn biểu lộ ra cho mọi người biết. Với sự hết sức chân thành, ngài nói: "Tôi là một linh mục già yếu". Ngài sống tuổi già của ngài trong niềm tin. Ngài không hề để ngài bị giới hạn bởi tuổi tác". (Phẩm Giá của Người Già, The Dignity of Older People)

4. Năm 1997, 66% những người già không sống trong viện dưỡng lão mà sống một mình. Con số này giảm so với số tuổi tăng cao, đặc biệt là phái nữ. Chỉ có 41% phụ nữ cao niên sống một mình, nhưng hơn một nửa những người 85 tuổi trở lên sống một mình.

- Gần 6% trẻ em ở Mỹ (hoặc 3 triệu 9 trẻ em) sống trong gia đình do ông bà đứng đầu, trong số đó có khoảng 1 triệu 3 trẻ em không có cha mẹ. (Viện Thống Kê Hoa-Kỳ năm 1997)

5. Những người chăm sóc thuộc nhóm người nói tiếng Tây Ban Nha, Người Mỹ gốc Phi Châu hoặc Á Châu thường có những nhu cầu khác biệt. Họ thích được là những người chăm sóc, họ thường trẻ hơn và có con cái dưới 18 tuổi. Họ thường có vấn đề về sức khoẻ liên quan đển bổn phận chăm sóc, và họ thường không biết rằng cộng đồng có thể giúp đỡ họ. (Catholic Health Association of the U.S.).

6. The Catholic Health Association cho biết về những người chăm sóc người già như sau:

-"Những người chăm sóc thường là phụ nữ trông coi phụ nữ, thường những người phụ nữ già lo cho những phụ nữ già hơn họ." 72% những người chăm sóc là phụ nữ.
-Thêm vào những bổn phận của họ: "2 trong số 3 người chăm sóc vẫn còn phải đi làm, ít nhất là bán thời gian".
-Thời gian trung bình chăm sóc là 4 năm rưỡi.
-"Những người được chăm sóc thường là phụ nữ", trung bình vào tuổi 77.

(Tài liệu 1966 do the National Alliance for Caregivers).

7. Hội The National Council of Catholic Women đã thành lập chương trình RESPITE ("Renewal: Spiritual/Temporal") để hỗ trợ những người chăm sóc. Chương trình này cung cấp và gửi tới những người đã được huấn luyện để chăm sóc người già để thay thế cho những người chăm sóc trong gia đình có thời giờ nghỉ ngơi trong công việc bổn phận của họ.

8. Giáo dân trong giáo xứ có thể hỗ trợ và giúp những người già sinh hoạt bằng nhiều cách khác nhau, thí dụ:

-Tham khảo những cách để ý đến vấn đề hợp tác giữa những lớp tuổi khác nhau, thí dụ như việc chăm sóc người già trong sinh hoạt phụng vụ hay những sinh hoạt khác của giáo xứ.
-Tìm cách cho người già tham gia vào những sinh hoạt của trường học và các lớp giáo lý trong giáo xứ.
-Tạo cơ hội cho người già có thể làm việc thiện nguyện và liên kết với những sinh hoạt của các nhóm khác của giáo xứ.
-Tổ chức những chương trình học hỏi để giúp cho người cao niên và gia đình của họ hiểu hơn về tuổi già, quyền lợi và những giúp đỡ mà họ có thể được nhận.

9. Giáo Hội Công Giáo đã có những sinh hoạt nhằm hỗ trợ cho người già và gia đình của họ từ lâu đời. Năm 1997, cơ quan Bác ái Công Giáo (Catholic Charities) đã cung cấp những trợ giúp xã hội cho hơn 600 ngàn người già và trợ giúp thực phẩm, nơi ở, tài chánh cho khoảng 700 ngàn người già trong trường hợp khẩn cấp. Ở Hoa Kỳ, Giáo Hội Công Giáo bảo trợ khoảng 800 chương trình giúp đỡ lâu dài cho người già và viện dưỡng lo cùng nhiều chương trình khác nhằm giúp đỡ nơi ở cho người cao niên.

10. Theo hội "The Catholic Health Association", thì những y tá của giáo xứ hứa hẹn khả năng phát triển những sinh hoạt hỗ trợ về sức khoẻ đặt nền tảng ở giáo xứ. Khoảng hơn 5 ngàn cộng đồng của các tôn giáo đã có những y tá riêng của giáo xứ. Họ là những người huấn luyện và chỉ dẫn cho cộng đồng/giáo xứ cũng như hướng dẫn về vấn đề sức khoẻ trong giáo xứ. Họ có thể giúp cho các cha xứ và nhân viên của giáo xứ những trường hợp liên quan đến sức khoẻ, như lo việc giúp đỡ người đau ốm, tuyển chọn và huấn luyện những người thiện nguyện hoặc giúp những người cao niên trong giáo xứ khi họ vừa rời khỏi bệnh viện.

11. Trong Tông Thư cho Người Già (Letter to the Elderly) Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ những suy tư cá nhân của ngài về niềm vui và đau khổ của tuổi già. Dù bị giới hạn trong tuổi già, Ðức Giáo Hoàng viết: "Tôi vẫn tiếp tục vui hưởng cuộc sống". Ngài biết rằng ngài cần liên hệ với những người già khác và mời gọi họ "hãy cùng suy nghĩ về những điều ai cũng có như nhau".

Chú Thích

11. Ðức Cha Anthony Pilla, "The Needs and Talents of the Aged" (Những điều cần thiết và Tài Năng của Tuổi Già), báo Origins số ngày 8 tháng 11, 1984, trang 328-334

12. Pontifical Council for the Laity, trang 13

13. Pontifical Council for the Laity, trang 12

Tài liệu tham khảo

Administration on Aging. "Profile of Older Americans: 1998"
(http://www.aoa.dhhs.gov/aoa/stats/profile/default.htm, 1 February 1999).

American Association of Retired Persons. "Grandparents Raising Grandchildren"
(http://www.aarp.org/getans/consumer/grandparents.html, 28 July 1999).

Catholic Health Association of the United States. "Parish-Based Health Services for Aging Persons" (St. Louis, Mo.: Catholic Health Association, 1999).

*******

Lá thư Mục Vụ này do Ủy Ban Tông Ðồ Giáo Dân của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ soạn thảo với sự phối hợp của Ủy Ban Phụ Nữ trong Giáo Hội và Xã Hội. Bản văn này đã được toàn thể Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận trong phiên họp tháng 11, 1999 và được phép xuất bản với chữ ký dưới đây

ÐÔ Dennis M. Schnurr
Tổng Thư Ký, NCCB/USCC

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.12.2008. 10:17