Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm Thánh Phaolô: Thư thật gửi người thật

§ Vũ Văn An

Nicholas King, một học giả hàng đầu về Thánh Kinh, có một bài mở màn cho Năm Thánh Phaolô đăng trên tờ The Tablet của Anh, ngày 28 tháng Sáu năm nay. Ông thăm dò các trước tác của vị tông đồ khó hiểu nhưng đầy say mê nhiệt huyết này để tìm ra cách trình bầy giáo huấn của Chúa Giêsu cho thế giới không phải là Do Thái của ngài.

80628realletter.jpg

Di sản của Thánh Phaolô khá phức tạp. Trước hết, một phần khá lớn của Tân Ước là trách nhiệm của Ngài. Các thư được gán cho Ngài chiếm đến một phần tư Bộ Sách, và nếu bạn thêm vào đó 17 chương của Sách Tông Đồ Công Vụ vốn nói về Ngài nữa, thì di sản đó chiếm đến hơn một phần ba. Bạn rất có lý mà cho rằng sau Chúa Giêsu, Thánh Phaolô là khuôn mặt trung tâm của Tân Ước.

Sau nữa, theo điều chúng ta biết, Thánh Phaolô là tác giả Kitô giáo đầu tiên. Rồi đến sự kiện này nữa là các thư Ngài viết đã được bảo tồn, mặc dù rõ ràng là chúng chỉ được viết cho những mục tiêu đặc thù và gửi cho các Kitô hữu thuộc một thành phố nào đó chứ không thuộc thành phố khác. Điều ấy có nghĩa: ngay từ đầu, các Kitô hữu đã nghĩ rằng các thư ấy có ý nghĩa phổ quát. Ý nghĩ ấy hẳn phải làm Thánh Phaolô ngạc nhiên.

Sau hết, các thư của Thánh Phaolô đánh động tâm hồn con người qua mọi thế kỷ, từ ngày chúng được viết ra. Bạn hãy nghĩ tới hiệu quả của Ngài đối với Thánh Augustine, với Luther (mặc dù giáo phái Luthêrô ngày nay tin rằng nhà cải cách vĩ đại này đã đọc sai Thánh Phaolô), Wesley, Karl Barth, và mọi cuộc đời từng chịu ảnh hưởng bởi những lá thư đó, trong đó có chúng ta.

Con người để lại cho chúng ta một di sản như thế là con người như thế nào? Một trong các lợi điểm của các thư trên là phần lớn chúng có tính bản thân. Thánh Phaolô viết những bức thư thật, cho những con người có thật, nhắm giải quyết các khó khăn xẩy ra trong các hoàn cảnh có thật. Đàng khác, Thánh Phaolô còn là thịt và máu không ai lầm lẫn được, một con người có thật, một con người chúng ta nghe lỏm từng đe dọa phạt thể xác người Côrintô, chửi người Galát là đồ ngu, và bị tố cáo mắc chứng phù thủy. Mặt khác, có cả một hay hai nhận xét của ngài mà ngày nay khó lòng ta dám nhắc lại trong một xã hội lịch sự.

Không còn hoài nghi gì nữa Ngài quả là một con người: Ngài là người tình đắm đuối, và là người dùng uy quyền cách ngứa ngáy, khiêu khích, cả hai thứ cùng một lúc. Ngài là nhà thần học xuất chúng (hiển nhiên là một trong ba tâm trí vĩ đại của Tân Ước), với khả năng chói sáng biết suy nghĩ trên đôi chân khi giáp mặt với các tình huống mới, bất ngờ.

Một trong những điểm mạnh của Thánh Phaolô là ít nhất Ngài có ba hậu cảnh thuận lợi sau đây. Theo Tông Đồ Công Vụ, Ngài là công dân La Mã. Lại thuộc thế giới nói tiếng Hy Lạp, nơi Ngài sinh ra tại Tarsus, và là nơi Ngài sống 30 năm cuối đời trong rao giảng. Cuối cùng, nhưng không kém tầm quan trọng, Ngài là người Do Thái từng hết sức coi trọng nền Do Thái Giáo đặt căn bản trên Lề Luật của phái Pharisiêu, và nếu Tông Đồ Công Vụ đúng, thì Ngài vốn là học trò của vị thầy Biệt Phái vĩ đại, có tên Gamaliel.

Cả ba hậu cảnh ấy đều rất quan yếu với Thánh Phaolô, mặc dù Ngài khá dè dặt với cả ba thứ hậu cảnh ấy. Thánh Phaolô đồng thời cũng là một người canh tân, không hề sợ thay đổi. Rõ ràng nhất, cuộc gặp gỡ của Ngài với Chúa Giêsu có nghĩa là câu truyện một Thiên Chúa duy nhất, mà Ngài từng được nuôi dạy, nay cần được thích nghi để bao gồm cả Đấng Phục Sinh, Đấng mà nay Ngài không ngần ngại xưng là “Chúa”.

Một trong các khó khăn của các lá thư này là chúng chỉ biểu trưng cho một phần của cuộc đối thoại liên tục, và khổ sở thay, ta lại không có phía bên kia của cuộc đàm luận. Các độc giả của Thánh Phaolô (hay đúng hơn các thính giả của Ngài, vì các thư Ngài viết là để ‘thủ diễn’ chứ không phải để nghiên cứu) biết nhiều hơn chúng ta về hậu cảnh, và ở những nơi ta chỉ có thể đoán chừng việc gì đang xẩy ra, thì họ chả cần phải thắc mắc chi. Vì Thánh Phaolô đề cập đến nhiều tình huống khác nhau, nên chắc chắn không thể lúc nào Ngài cũng nhất quán được, và mặc dù Ngài vẫn là một ông Phaolô không thể nhầm lẫn được, nhưng với mỗi vấn đề khác nhau, Ngài cần đưa ra một câu trả lời khác nhau, hay ít nhất cũng có sắc thái khác nhau nào đó. Cưỡng bức Vị Tông Đồ phải luôn nhất quán quả là điều bất kính. Đôi khi, Ngài cũng thành thực tỏ ra quá khó hiểu. Tôi dám thách thức bất cứ ai cẩn thận đọc hết Thư gửi tín hữu La Mã mà dám cho là mình hiểu toàn bộ điều Thánh Phaolô muốn nói trong đó. Ngay những người thuộc thế kỷ thứ nhất cũng biết sự tối nghĩa ấy là một vấn đề, như ta đã thấy trong Thư thứ hai của Thánh Phêrô trong đó vị thánh này khuyến cáo các thính giả của mình về “người anh em yêu dấu Phaolô của chúng ta”, người mà trong các thư viết ra…”có những điều trong đó thật khó hiểu, những điều mà kẻ ngu dốt và bất ổn thường bẻ cong để phục vụ cho sự hủy hoại của chính họ”. Và rất có thể có việc này là khi Thư Giacôbê đưa ra nhận xét hơi tối nghĩa về mối liên hệ giữa đức tin và việc làm, tác giả đã vừa tấn công cả chính Thánh Phaolô lẫn những người hào hứng đi theo vị thánh này. Trong thời gian gần đây, người ta hẳn nhớ câu truyện bà già thất học kia, khi được giải phóng khỏi cảnh nô lệ tại Hoa Kỳ, đã la lên “Đừng nhắc đến người đàn ông đó!” khi gia đình bà đọc Thánh Kinh cho bà nghe trong đó có nhắc tới điều gì đó về Thánh Phaolô. Gia đình ấy nhớ lại bà già đã nói với họ như sau: “mục sư của người chủ thỉnh thoảng tổ chức buổi phụng vụ cho các nô lệ. Vị mục sư người da trắng đó luôn luôn dùng làm văn bản câu của Thánh Phaolô: ‘Hỡi nô lệ, hãy tùng phục chủ các ngươi… như tùng phục Chúa Kitô’. Sau đó, ông ta tiếp tục chứng tỏ rằng ai chịu làm nô lệ tốt và vui lòng, sẽ được Chúa chúc phúc cho. Tôi thề với Đấng Hóa Công rằng: bao giờ tôi được tập đọc và được thả tự do, tôi sẽ không bao giờ đọc cái phần Thánh Kinh ấy”.

Cần phải nhắc lại rằng Thánh Phaolô không hề tưởng tượng được: có ngày Ngài lại bị coi là người ra luật cho chúng ta ngày nay. Bởi thế, tuy là người Do Thái Giáo ngoan đạo, ngay ở chương đầu Thư gửi tín hữu La Mã, Thánh Phaolô đã không mập mờ nói rằng đồng tính luyến ái là “ngược với bản tính tự nhiên”. Điều ấy không có nghĩa là ngày nay, nếu muốn trung thành với sự linh hứng của Ngài, ta phải sử dụng câu ấy như điểm kết thúc cuộc thảo luận, chứ không phải chỉ là một trong những điểm bắt đầu cuộc thảo luận ấy.

Muốn đọc Thánh Phaolô một cách đúng đắn, và lượng giá di sản Ngài một cách chân thực, điều cốt yếu là phải lắng nghe tâm điểm sứ điệp của Ngài. Vậy đâu là tâm điểm ấy? Giây phút thay đổi căn để cuộc đời Ngài và không ngừng vang dội đến tận ngày nay, chính là lúc Ngài gặp Chúa Giêsu. Thánh Phaolô hết sức rõ ràng về cuộc gặp gỡ này và Thánh Luca cũng nghĩ đó là cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng đến nỗi đã thuật lại cuộc gặp gỡ này ít là ba lần. Hiệu quả của nó đối với Thánh Phaolô thật hết sức bỡ ngỡ. Ngược với chiều hướng cuả cuộc chơi, Ngài chắc chắn mình đã gặp Chúa Giêsu, không còn hoài nghi gì nữa. Bởi thế không còn phải là chuyện nghĩ quẩn, hay say nắng hay lên cơn động kinh như người ta thường rêu rao giải thích nữa. Từ đó, rõ ràng điều những kẻ khó chịu đi theo Chúa Giêsu xưa nay hằng ‘rêu rao’ kia quả đúng quá rồi. Họ bảo: Đấng Chịu Đóng Đinh quả đã từ cõi chết được Thiên Chúa cho sống lại thật. Và nếu thế, Người quả là Đấng Được Thiên Chúa Xức Dầu (điều mà trước đây Phaolô cho là chuyện không thể có được). Còn căn để hơn nữa, Thánh Phaolô hiểu ra Ngài đã thưa với Chúa Giêsu là “Chúa”, cái tước hiệu mà xưa nay, Ngài chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Điều ấy có tính cách mạng đến hai lần, vì nó dẫn Ngài vào thế tranh chấp không những với người Do Thái đồng đạo mà còn với cả xã hội La Mã nữa, vào ngay thời điểm các hoàng đế cho người ta dầu chỉ họ rất muốn được dân xưng hô như thế và được coi là những vị thần.

Ngoài ra, còn hai hậu quả nữa theo chân Thánh Phaolô. Hậu quả thứ nhất: Ngài hiểu mình được ủy thác nhiệm vụ nói cho “Dân Ngoại” (người không phải là Do Thái, như phần đông đang đọc bài này) biết về phẩm chức Chúa này của Chúa Giêsu. Hậu quả thứ hai: lối sống mới này không phải là việc riêng tư, nghĩa là việc của các cá nhân trong mối liên hệ đơn độc với Chúa Giêsu nữa. Kitô giáo không phải là điều bạn thực hiện một mình, nhưng là một việc hùn hạp, thuộc tập thể, liên đới với người khác mà thực hiện. Theo tôi, đó là tâm điểm sứ điệp của Thánh Phaolô. Nhưng cần thận trọng: Nhiều học giả tài ba có thể sẽ đưa ra những câu truyện khác hẳn (như “Phải nói sao về việc công chính hóa nhờ đức tin?”, có vị nói thế chẳng hạn) và sự kiện này nữa, và là chuyện đã xẩy ra gần như suốt hai ngàn năm qua, là: khi bạn tưởng bạn đã cột chặt được Ngài, Thánh Phaolô đã cười khẩy thoát khỏi tầm tay bạn, và bạn buộc phải nhìn lại bản văn một lần nữa, bản văn mà bạn tưởng đã hiểu rõ.

Một điểm nữa về Thánh Phaolô ta cần chủ yếu nắm được, một điểm mà có lẽ các độc giả (hay thính giả) “thông thường” lại hiểu rõ hơn là các nhà khoa bảng, là những người thường có khuynh hướng hay khó chịu quay đi khi nghe đến truyện này. Đó là từ đầu đến chân, chẳng còn chữ nào hay hơn, Thánh Phaolô đã yêu Chúa Giêsu, Đấng Ngài mới gặp. Tình yêu ấy dẫn dắt Ngài suốt quãng đời còn lại và biến mọi điều khủng khiếp xẩy ra cho Ngài, những điều thỉnh thoảng được Ngài nhắc đến (như trong Thư 2 gửi tín hữu Côrintô 11:23-29 chẳng hạn) thành những điều hoàn toàn dễ chịu.

Tình yêu ấy khiến Ngài, ngay ở dòng đầu Thư gửi tín hữu La Mã, tự hào mô tả mình là “nô lệ của Chúa Giêsu Kitô”. Cũng một tình yêu ấy dẫn dắt Ngài, như con mòng mất trí, đi khắp các thành thị Hy Lạp trong Vịnh Địa Trung Hải, rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh. Thành thử ra, nếu bạn muốn nắm được di sản của Thánh Phaolô, việc phải làm là đọc và đọc đi đọc lại (tốt nhất đọc với người khác, hơn là đọc một mình) các thư từng được gán cho Ngài. Hãy làm việc ấy bằng một trái tim tìm tòi và chăm chú, bằng một tâm trí cởi mở, và hãy để ngài thực hiện cái ‘bùa mê’ nhiều năm tháng của Ngài trên bạn. Bạn sẽ không hối tiếc đâu.

- Real letter to real people Nicholas King

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.08.2008. 10:43