Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm linh mục: phò tích nhập hay phò tranh cãi

§ Vũ Văn An

Thứ tư tuần trước, nhật báo L’Osservatore Romano tường trình rằng trong phiên họp hàng năm của các giám đốc giáo hoàng chủng viện, Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Bruguès, thư ký Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo của Tòa Thánh, đã nhận định rằng trong Giáo Hội Phương Tây, đang có hai trào lưu: một trào lưu tìm kiếm “tích nhập” (integration), trào lưu kia tìm kiếm tranh cãi. Chủ đề bài nói truyện của ngài là: “Việc Đào Luyện Tiến Tới Chức Linh Mục: Giữa Chủ Nghĩa Thế Tục Và Mô Thức Giáo Hội”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng: “Hiện nay, trong Giáo Hội Âu Châu, và cũng có thể cả Giáo Hội Mỹ nữa, đang có một đường phân chia, mà cũng có thể là đứt đoạn, chắc chắn có thay đổi từ nước này qua nước nọ, và đang đưa ra điều tôi gọi là ‘trào lưu tích nhập’ và ‘trào lưu tranh cãi’".

Theo giải thích của ngài, trào lưu tích nhập chủ trương rằng “có nhiều giá trị Kitô giáo trong việc thế tục hóa, như bình đẳng, tự do, liên đới và trách nhiệm”, cho nên ta có thể cộng tác với chiều hướng thế tục hóa này để tìm ra những phạm vi hợp tác. Trái lại, trào lưu thứ hai cho rằng cần phải giữ một khoảng cách vì họ nghĩ rằng các dị biệt hay tranh cãi, nhất là trong lãnh vực đạo đức học, quá lớn khó có thể hợp tác, và họ đề nghị ra một mô thức thay thế cho mô thức hiện hành.

Đức Tổng Giám Mục Bruguès nhận định rằng: trào lưu đầu thịnh hành trong giai đoạn hậu công đồng và đã cung cấp cái khuôn ý thức hệ cho việc giải thích Công Đồng từng được các thập niên 1960 và thập niên sau đó cổ vũ. Nhưng sự việc bắt đầu quay vòng vào thập niên 1980, đặc biệt là với ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II, tuy không hoàn toàn do ảnh hưởng của ngài.

Đức TGM cũng cho hay người Công Giáo theo trào lưu đầu thường là những người nhiều tuổi hơn, nhưng hiện vẫn còn đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ yếu trong Giáo Hội, trong khi trào lưu sau tuy đang được tăng cường mạnh mẽ nhưng vẫn chưa hẳn thịnh hành.

Ngài cho rằng tình huống ấy đang gây ra các căng thẳng hiện nay trong nhiều giáo hội tại lục địa Châu Âu. Các dị biệt trên xuất hiện trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, đến độ các đại học và trường Công Giáo, các chủng viện và trung tâm huấn luyện các dòng tu, chẳng hạn, “đang được phân bổ theo đường phân chia kia”.

Đức Tổng Giám Mục Bruguès nói tiếp rằng: “Một số người đang chơi trò chơi tích nhập và hợp tác với xã hội thế tục hóa mà liều mình, vì cảm thức phê phán, thấy mình bị buộc phải tách mình ra khỏi khía cạnh này hay khía cạnh kia của học lý hay đạo đức học Công Giáo”. Nhiều người khác, trái lại, nhấn mạnh đến việc tuyên xưng đức tin và tích cực tham dự vào việc phúc âm hóa.

Để giải quyết sự phân chia tiêu cực này, Đức Tổng Giám Mục nghĩ cần có sự giải thích chân chính đối với Công Đồng Vatican II, một giải thích, theo ngài, chỉ có nghĩa là chuyển dịch từ “một mô thức giáo hội này tới một mô thức giáo hội kia”. Đối với việc đào tạo linh mục, Đức TGM cho rằng nó phải là một nền đào tạo thần học “có tính tổng hợp, hữu cơ, nhấn mạnh đến các điều chủ yếu”, trong đó, ít nhất cũng cần một hay hai năm tập chú vào văn hóa và việc dạy giáo lý.

Năm linh mục

Tưởng cũng nên nhắc lại: Đức Thánh Cha đã cho mở một năm linh mục bắt đầu từ ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 19 tháng Sáu này. Mục đích là để củng cố căn tính hàng giáo sĩ và để thanh tẩy nó khỏi ‘bụi trần dơ bẩn’.

Đến tận năm 1967, thánh bộ giáo sĩ vẫn được gọi là thánh bộ “Công Đồng”, vì thực sự, nó đã được Công Đồng Trent lập ra, với mục đích trông coi việc áp dụng các chỉ dẫn của công đồng này đối với hàng ngũ giáo sĩ.

Bức chân dung về linh mục do Công Đồng Trent tượng hình đã lên khuôn cho đời sống Giáo Hội Công Giáo suốt từ đó cho đến tận hậu bán thế kỷ 20. Nó được điển hình hóa qua Thánh Cha Sở Họ Ars, Gioan Vianney, mà lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh rơi vào đúng năm nay.

Tuy nhiên, trong mấy thập niên qua, căn tính linh mục Công Giáo đã bị biến thái, làm cho lu mờ và ra vụn vặt nhiều mảnh với nhiều mức độ khác nhau do các tấn công vũ bão của phong trào thế tục hóa, cả ở bên ngoài lẫn ở bên trong Giáo Hội.

Ý hướng của Năm Linh Mục chính là xây dựng lại nơi vị linh mục một căn tính tâm linh mạnh mẽ, trung thành với sứ mệnh nguyên thủy của mình. Điều ấy cũng bao hàm một cố gắng tận lực để loại trừ cho bằng được các ‘bụi trần dơ bẩn’ (filth) từng làm một phần hàng giáo sĩ ra ô uế, một phần có giới hạn về con số nhưng mang đủ thảm họa trên bình diện hình ảnh đối với thế giới.

Chính cái dư vị ‘dơ bẩn’ của người sáng lập ra tu hội “Đạo Binh Chúa Kitô” (Legionaries of Christ), Marcial Maciel, dường như đã thúc đẩy Đức Thánh Cha quyết định cho mở năm thánh linh mục này. Bởi vì trùng với ngày khai mạc Năm Thánh Linh Mục, Tòa Thánh cũng cho tiến hành cuộc Thăm Viếng Tông Tòa (apostolic visitation) đối với Đạo Binh này, một Đạo Binh đang hết sức nở rộ về ơn gọi và con số linh mục, nhưng đột ngột lâm vào ngõ bí dường như tan rã chỉ vì một con người, một con người duy nhất, đã cam tâm sống một cuộc sống nước đôi đầy dơ bẩn.

Xây dựng lại căn tính tâm linh cho hàng linh mục, do đó, bao hàm sự chú tâm đặc biệt tới việc đào tạo họ. Các chủng viện từng là một trong các cột mốc canh tân chính của Công Đồng Trent đối với Giáo Hội thế nào, thì ngày nay chúng cũng quan trọng đối với việc đào tạo căn tính hàng giáo sĩ như thế.

Thánh Bộ Giáo Sĩ không giám sát các chủng viện. Việc ấy đặt dưới quyền của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo. Cho nên, Thánh Bộ này phải cố gắng để Năm Linh Mục thâu đặt nhiều kết quả. Căn cứ vào bài diễn văn của vị thư ký Thánh Bộ, Jean-Louis Bruguès, trước cuộc họp hàng năm của các giám đốc chủng viện giáo hoàng, người ta thấy Thánh Bộ đã đi một bước quan trọng.

Đức Tổng Giám Mục Bruguès, năm nay 66 tuổi, thuộc Dòng Đa Minh, từng là giám mục Angers cho tới năm 2007. Ngoài chức thư ký Thánh Bộ Giáo Dục, ngài còn là phó chủ tịch Hội Giáo Hoàng Về Ơn Gọi Giáo Sĩ và là thành viên của Ủy Ban Đào Tạo Các Ứng Viên Làm Linh Mục. Ngài cũng là một giáo sư tại Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô.

Trong bài diễn văn trên, Đức TGM Bruguès không hề dùng bất cứ ngôn từ giáo triều nào. Ngài hết sức thành thật. Bằng lời lẽ chắc nịch, ngài mô tả và lên án các thất bại của thời hậu công đồng, nhất là ở Âu Châu, trong đó có sự dốt nát đầy ngỡ ngàng đối với những điểm hết sức sơ đẳng về tín lý tìm thấy trong các ứng viên gia nhập chủng viện.

Sự dốt nát trên mang nhiều ý nghĩa đến độ một trong các phương thuốc được Đức TGM Bruguès kê toa chính là dành hẳn một năm tại chủng viện để dạy về Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Không ai không nhớ: Sách Giáo Lý “ad parochos” (cho các giáo xứ) chính là một cột mốc khác trong cuộc canh tân của Công Đồng Trent. Bốn thế kỷ sau, ta lại phải gặp nó một lần nữa.

Thế tục hóa

Đức Cha Bruguès cho rằng: thế tục hóa đã trở thành một từ chủ yếu để người ta suy nghĩ về các xã hội ngày nay của chúng ta, và cả về Giáo Hội của chúng ta nữa. Nó là một diễn trình lịch sử rất xưa, từng xuất hiện tại Pháp vào giữa thế kỷ 18 trước khi lan tràn qua các xã hội hiện đại. Tuy nhiên, việc thế tục hóa xã hội rất khác nhau từ nước này qua nước nọ.

Ở Pháp và Bỉ, chẳng hạn, nó có khuynh hướng ngăn cấm các dấu chỉ làm thành viên tôn giáo ở nơi công cộng, và đẩy đức tin trở lại lãnh vực tư. Cùng một khuynh hướng ấy cũng đã xuất hiện tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Anh, tuy ở mức độ kém hơn. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, việc thế tục hóa được hòa điệu hóa dễ dàng hơn với việc phát biểu công khai các xác tín tôn giáo của người dân.

Khởi sự một lần nữa từ Sách Giáo Lý

Bất chấp dưới hình thức nào, Đức Tổng Giám Mục Bruguès cũng cho rằng việc thế tục hóa kia cũng đang khởi động sự sụp đổ của nền văn hóa Kitô Giáo trong các xã hội Phương Tây. Kết quả các thanh niên gia nhập chủng viện biết rất ít hay không biết gì cả về tín lý Công Giáo, về lịch sử và các tập tục của Giáo Hội. Việc thiếu các hiểu biết này dẫn tới việc phải duyệt lại nhiều thực hành giáo dục quan trọng vẫn từng được áp dụng cho tới nay.

Đức Tổng Giám Mục đơn cử hai tái duyệt chủ yếu. Thứ nhất, phải dành hẳn một hay hai năm tạm gọi là thời gian đào tạo đầu hết, hay “phục hồi” về giáo lý và văn hóa, trong đó, việc nghiên cứu Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo ít nhất phải kéo dài trọn một năm. Thứ hai, phải duyệt lại các chương trình huấn luyện nói chung. Đức Tổng Giám Mục cho rằng, các ứng viên vào chủng viện biết họ thiếu nhiều hiểu biết. Họ khiêm hạ và muốn hấp thụ sứ điệp của Giáo Hội. Làm việc với họ sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Việc thiếu hiểu biết của họ, thực ra, lại có khía cạnh tích cực của nó: ít nhất họ không mang theo mình gánh nặng thiên kiến của các bậc cha anh. Ta như thể được làm việc với những “tấm bảng trinh nguyên” (tabula rasa). Bởi thế, ta nên nhấn mạnh tới một nền đào tạo thần học có tính toàn bộ, hữu cơ, tập chú vào những điều chủ yếu.

Chuyên môn hóa quá sớm

Điều ấy, thực ra, đòi hỏi nhiều cố gắng lớn. Thứ nhất, về phía các nhà đào tạo, cần phải chấm dứt cái việc đào tạo lúc ban đầu dựa nặng vào tinh thần phê phán (critical spirit). Đức Tổng Giám Mục Bruguès cho rằng tinh thần ấy rất mạnh giữa những người thuộc thế hệ của ngài, là thế hệ trong đó, việc tìm tòi Thánh Kinh và tín lý đã bị nhiễm độc bởi tinh thần phê phán có hệ thống (systematic spirit of criticism), và cơn cám dỗ muốn chuyên môn hóa quá sớm (premature specialization).

Theo Đức TGM, nhiều giảng khóa hiện đang bị nhân thừa đến thành quá đáng, đè nặng lên vai học tập của các chủng sinh, khiến họ đâm nản lòng. Liệu cái quan điểm bách khoa ấy có thích hợp với những chủng sinh vốn chưa bao giờ nhận được một nền đào tạo Kitô Giáo hay không? Liệu cái quan điểm ấy đã không tạo ra cảnh phân mảnh việc đào tạo, chồng đống các giảng khóa và một cái nhìn lịch sử hóa thái quá đó sao? Liệu có nhất thiết phải đem lại cho các thanh niên này một nền đào tạo thật sâu sắc về các khoa học nhân văn hay các kỹ thuật truyền thông trong khi họ chưa bao giờ được học sách giáo lý chăng? Đức Tổng Giám Mục cho rằng ta nên chọn chiều sâu hơn là chiều rộng, tổng hợp hơn là tản mạn trong chi tiết, tòa kiến trúc hơn là việc trang trí.

Trở lại với thế tục hóa

Một trong các lầm lẫn của thế hệ tiếp theo Công Đồng Vatican II là họ giải thích việc Công Đồng kêu gọi “mở cửa hướng ra thế giới” như là việc trở lại ‘đạo thế tục hóa’. Thế là phần đông các nước Phương Tây tự thế tục hóa chính Giáo Hội. Các tín hữu thi nhau ráng hết sức phục vụ hòa bình, công lý, và các chính nghĩa nhân đạo, đến quên nói tới cuộc sống vĩnh cửu. Vẫn có những cố gắng canh tân giáo lý, nhưng những thứ giáo lý này, đôi lúc, quên đề cập tới các thực tại tối hậu. Một số giới chức Giáo Hội dấn thân vào những cuộc tranh luận đạo đức học của thời đại, do đòi hỏi của dư luận, nhưng đôi khi họ quên không nói gì tới những vấn đề như tội lỗi, ơn thánh và sự sống thần linh hóa. Giáo Hội cũng từng vận động những tài nguyên khổng lồ để cải thiện việc tham dự phụng vụ của giáo dân, nhưng hình như không ai lo lắng chi đến việc phụng vụ phần nào mất đi tính thánh thiêng của nó. Một số người còn hiểu lầm cả ý niệm “Giáo Hội tinh tuyền”, cho là phải gột rửa Giáo Hội ấy khỏi mọi biểu hiện sùng kính bình dân như rước xách, hành hương v.v…

Giáo Hội của xác tín

Điều mừng, theo Đức Tổng Giám Mục, là nhờ sự chạm trán với hiện tượng thế tục hóa, chúng ta đang chuyển từ một Giáo Hội “thuộc về”, trong đó, đức tin được xác định bởi cộng đoàn mình sinh ra, qua một Giáo Hội “xác tín”, trong đó, đức tin được định nghĩa như một chọn lựa bản thân và can đảm. Dĩ nhiên, sự chuyển dịch này mang theo sự thay đổi đầy ngỡ ngàng về số lượng. Con số tham dự nhà thờ, học giáo lý và ngay tại các chủng viện giảm thiểu trông thấy đến độ Đức Hồng Y Lustiger phải nói đùa rằng: tại Pháp, mối tương quan giữa con số các linh mục và con số người Công Giáo ngoan đạo luôn luôn vẫn như nhau.

Ngày nay, các chủng sinh cũng như các linh mục trẻ của chúng ta đều thuộc về Giáo Hội xác tín nói trên. Họ không còn xuất thân nhiều từ các vùng nông thôn, mà là thành thị, nhất là thành thị có trường đại học. Số lớn lại còn có thể thuộc những gia đình phân tán, để lại cho họ nhiều thương tích và đôi khi không trưởng thành về xúc cảm. Môi trường xã hội hình như không còn hỗ trợ họ nữa. Và vì thế, việc họ quyết định trở thành linh mục hoàn toàn là do xác tín bản thân, từ khước mọi tham vọng xã hội. Họ quả đem lại cho hàng ngũ giáo sĩ một khuôn mạo được xác định rõ hơn nhiều, một cá tính mạnh mẽ hơn và một tính khí can đảm hơn. Ta nên ngả mũ kính chào họ.

Bởi thế, theo quan điểm của Đức TGM Bruguès, khó khăn ở đây không hẳn là khó khăn có tính thế hệ. Thế hệ của chính Đức Tổng Giám Mục từng hiểu “mở cửa hướng ra thế giới” như là trở lại ‘đạo thế tục hóa’. Còn thế hệ trẻ ngày nay, tuy sinh ra trong một thời đại lấy thế tục hóa làm môi trường tự nhiên và uống môi trường đó cùng với sữa mẹ, thì lại đang tìm cách tách mình ra khỏi môi trường ấy, và bênh vực cho bằng được căn tính và các dị biệt của mình.

Hai trào lưu

Như trên đã nói, tình huống ấy hiện đang tạo ra hai trào lưu trong các giáo hội Phương Tây. Trào lưu tích nhập hay hợp thành (integration or composition) và trào lưu tranh cãi hay cạnh tranh (controversy or contestation).

Theo Đức TGM Bruguès, trong những người muốn gia nhập chủng viện hiện nay, con số thuộc trào lưu thứ nhất rất hiếm, khiến các linh mục của thế hệ đàn anh không mấy hài lòng. Con số các ứng viên thuộc trào lưu thứ hai đông hơn, nhưng họ đang do dự bước qua ngưỡng cửa chủng viện vì đôi khi họ không tìm được điều họ muốn ở đấy. Họ quan tâm tới vấn đề bản sắc: bản sắc Kitô Giáo; làm thế nào phân biệt được chính mình với những người không cùng chia sẻ đức tin với ta? Và bản sắc linh mục.

Vấn đề vì thế là cần phải tìm cách hòa giải giữa nhà giáo dục, phần đông thuộc trào lưu đầu, và người thụ huấn trẻ thuộc trào lưu thứ hai. Nhà giáo dục có nên bám lấy những tiêu chuẩn kết nạp và chọn lựa của thời mình, nhưng không còn hợp với khát vọng của người trẻ nữa hay không? Đức TGM kể lại câu truyện tại một chủng viện bên Pháp kia, vốn bãi bỏ việc Chầu Thánh Thể đã hơn 20 năm nay, vị bị coi là quá ‘sùng kính’, các chủng sinh trẻ phải đấu tranh vất vả lắm mới tái lập được việc đạo đức ấy. Nhưng việc tái lập ấy lại khiến một số giáo sư bất bình, đe doạ từ chức, vì họ coi việc ấy là ‘quay về quá khứ’; nhượng bộ các chủng sinh trẻ bị họ coi như phải từ bỏ điều mà họ vốn tranh đấu cả đời mới đạt được.

Để kết luận, Đức TGM Bruguès cho rằng các vị giám đốc chủng viện phải nhẹ nhàng chuyển dịch từ lối giải thích Công Đồng Vatican II này qua lối giải thích khác, và nếu có thể, từ mô thức Giáo Hội này qua mô thức Giáo Hội kia. Việc ấy khá tế nhị nhưng là điều tuyệt đối chủ yếu đối với Giáo Hội.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.06.2009. 01:59