Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Thử Thách Ghê Gớm Cho Lòng Tin

§ Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Ngày 8.8.2008, một tai nạn xe buýt khủng khiếp đã xảy ra tại Sherman (Houston) cho 55 khách hương Missouri (Carthage), trong đó 17 người chết và trên 30 người bị thương. Tai nạn này làm chấn động lòng người ở nhiều nơi trên thế giới. Tòa thánh Vatican đã gửi điện chia buồn. Đức Cha Phê-rô Nguyễn văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như Đức Cha Giu-se Ngô quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà nội cũng đều gửi điện phân ưu. Nhiều giáo dân Việt Nam ở Hoa kỳ, đặc biệt thuộc các nhà thờ La vang, Lộ đức, Các Thánh Tử Đạo đã chia buồn và cảm thông sâu sắc với gia đình các nạn nhân

Trong tai nạn này, ngoài cảnh thảm khốc và khủng khiếp của sự việc, lại còn có thể xảy ra một cơn cám dỗ mãnh liệt đe dọa lòng tin của nhiều người nữa. Giải thích làm sao về biến cố đau thương này, khi nạn nhân là những người có lòng tin, phần đông là hội viên Legio Mariae, một hội đạo đức có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt? Họ là những giáo dân sùng đạo, họat động tích cực trong công việc tông đồ và phục vụ Nhà Chúa. Bình thường mà nói, họ phải là những người được Chúa và Đức Mẹ yêu thương che chở chứ, sao Chúa lại để xảy ra tai nạn như thế này? Xua kia đã có người mỉa mai hỏi rằng: “Chúa ngươi ở nơi đâu?” (Tv 41,11) hay “Làm chi có Chúa Trời !” (Tv 13,1)

Những nhà văn hóa vô thần như Albert Camus đã cho là phi lý cái chết của một em bé hai tuổi bị bệnh dich trong tác phẩm La peste (Bệnh dịch) của ông, khi nhiều người đã hết sức cầu nguyện cho em khỏi chết.

Elie Wiesel, một thiếu niên Do thái, sống sót trong một trại tập trung Quốc xã, cũng đã viết trong tập sách La nuit (Đêm tối) như sau: “Chúc tụng danh Đấng cao cả hằng có đời đời” Tại sao, mà tại sao tôi lại phải chúc tụng Người. Tất cả mọi đường gân thớ thịt trong tôi đều nổi lên chống đối. Phải chăng, bởi vì Người đã để cho sáu cái lò hỏa thiêu hoạt động đêm ngày, cả ngày sa bát cũng như những ngày lễ. Phải chăng, bởi vì Người đã lấy quyền năng cao cả dựng lên các trại tập trung Auschwitz, Birkenau, Buna và biết bao nhà máy sát nhân khác? Tôi nói với Người thế nào được “Chúc tụng Đấng cao cả hằng có đời đời, Chủ tể vạn vật, Đấng đã chọn chúng tôi trong các dân tộc để bị hành hạ, tra tấn ngày đêm, để cha mẹ, anh em chúng tôi kết liễu cuộc đời trong các lò hỏa thiêu”? (Elie Wiesel, La nuit, Ed. de Minuit, Paris 1958 trg 60tt).

Rồi những tai ương hoạn nạn đủ thứ như sóng thần, động đất, bão tố, lụt lội, cháy nhà, cháy rừng v.v…Người ta bảo Chúa là tình yêu, là Đấng nhân lành. Trong những trường hợp nói trên thì Chúa nhân lành yêu thương ở chỗ nào? Hoàn cảnh những người chết và bị thương ngày 8.8.2008 ở Sherman trên đường đi hành hương lại càng khó hiễu, Thảm cảnh đó đã trở thành một thử thách ghê gớm cho lòng tin. Sau những nỗi bất hạnh bi thương như thế, liệu người ta còn tin Chúa được không? Thật là khó, khó theo lẽ thường đối với những người thường, và cả đối với những người có lòng tin. Trong những trường hợp như thế này, người ta có thể hồ nghi về tình thương và quyền năng của Thiên Chúa và từ đó đâm ra hoang mang.

Vì thế, trong những hoàn cảnh như vậy, mỗi người cần chuẩn bị và được chuần bị để đối phó với các cơn thử thách. Nhưng chuẩn bị bằng cách nào đây? Thưa: bằng cách cầu xin Chúa tăng thêm lòng tin như các Tông đồ đã cầu xin: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17,5). Ngoài ra là nghĩ lại. Nghĩ lại trường hợp của tổ phụ Áp-ra-ham, người đã hy vọng khi xem ra chẳng còn gì để hy vọng, người đã bị thử thách ghê gớm, khi được yêu cầu phải giết con một của mình làm lễ tế. (St 22, 1-19) Sau tổ phụ Áp-ra-ham là trưởng hợp ông Gióp. Ông cũng đã bị thử thách ghê gớm, khi bị tước đoạt tất cả, từ tài sản, con cái, bạn hữu đến sức khỏe. Thái độ nhẫn nhục và tin cậy của ông, cuối cùng đã được Thiên Chúa đền bù gấp bội: “Vậy Đức Chúa đã khôi phục tài sản cho ông Gióp, khi ông chuyển cầu cho các bạn hữu mình. Đức Chúa đã tăng gấp bội những gì ông Gióp đã có trước kia.” (G 42,10) Trong khi bị thử thách về lòng tin đên cực đô, ông đã không kêu trách hay lỗi phạm gì mà chỉ nghĩ rằng đường lối của Chúa không phải là đường lối của loải người và tư tưởng của Thiên Chúa cũng không phải là tư tưởng của phàm nhân, đúng như sau này Đức Giê-su nói với tông đồ trưởng Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thấy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16,20)

Sau hết, là con người của Đức Ki-tô. Người là Con chí ái, hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa. Thế mà Người cũng đã bị Cha mình thử thách ghê gớm đến nỗi Người đã phải kêu lên: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt 26,42)

Nói cho cùng, đau thương, rủi ro, họan nạn, thử thách dưới mọi hình thức là mầu nhiệm trong kế họach của Thiên Chúa; loài người không thể nào hiểu thấu và cũng không có cách nào giải thích nổi theo quan điểm trần gian. Vì vậy, chỉ còn phải lấy đức tin mà chấp nhận, một đức tin trong đêm tối, hoàn toàn xác tín mà không cần phải thấu cảm thấy gì cả, một đức tin đón nhận cả nghịch lý, nghịch lý của lòng tin.

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.08.2008. 15:08