Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Linh mục nên thánh nhờ cầu nguyện, phục vụ và hy sinh

§ +GM Stêphanô Tri Bửu Thiên

Lễ Truyền Dầu 2010 tại Sóc Trăng 30.3.2010

Kính thưa cộng đoàn,

Thánh Lễ Truyền Dầu cho thấy trong Kitô giáo, dầu rất thường được dùng trong phụng vụ thánh. Thời Cựu Ước dầu thường được dùng cho việc phong vương, cho việc hiến thánh các tư tế, cho việc tuyển chọn các tiên tri, hiến thánh các đồ vật được dành riêng cho việc tế tự. Bài đọc thứ nhất kể lại việc Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hóa tiên tri Isaia bằng việc xức dầu tấn phong để sai ông đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo. Bài Tin Mừng Thánh Luca kể lại việc Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần cho Đức Kitô để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Để việc loan báo Tin Mừng này được tiếp tục mãi cho đến tận thế, ngay từ giây phút đầu của việc công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã quan tâm trước tiên đến việc tuyển chọn, huấn luyện và thánh hóa các Tông Đồ. Những vị này, sau khi được tràn đầy Thánh Thần, đã mạnh dạn rao giảng Phúc Âm, quy tụ muôn dân vào một đoàn chiên, thánh hóa và cai quản họ. Đến lượt mình, các Tông Đồ, và những người kế vị các Tông Đồ, cũng đã chọn những người phụ tá, qua việc đặt tay và xức dầu thánh, để thánh hóa và sai họ đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người, ở mọi thời và ở mọi nơi. Ngày nay, các linh mục chính là những sứ giả Tin Mừng, được Thiên Chúa tuyển chọn qua việc đặt tay và xức dầu thánh hiến, các linh mục cũng phải là và luôn cố gắng để trở thành những vị thánh.

Có 3 yếu tố làm nên sự thánh thiện của linh mục.

1. Yếu tố đầu tiên giúp cho các linh mục nên thánh chính là việc cầu nguyện

Nhờ cầu nguyện linh mục thường xuyên sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, để Thiên Chúa biến đổi mình dần dần. Nhờ cầu nguyện, linh mục thực sự trở thành chuyên gia về Thiên Chúa, tin thực sự vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương và rồi có thể chia sẻ niềm tin và những cảm nghiệm sâu sắc và thấm thía về sự hiện hữu của Thiên Chúa, về tình yêu thương của Thiên Chúa cho nhân lọai, cho mọi người. Việc cầu nguyện còn đem lại cho linh mục sức sống và sức mạnh thiêng liêng giúp linh mục vượt thắng những trở ngại, những thử thách trong cuộc đời. Để có thể cầu nguyện thật tốt, các linh mục cần phải học trước tiên nơi trường cầu nguyện của Chúa Giêsu. Linh mục không chỉ nghe Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện mà nhất là nhìn xem Người cầu nguyện và bắt chước Người. Trong suốt quãng đời trần thế, việc cầu nguyện đã trở thành công việc nền tảng cố định trong đời sống của Đức Giêsu: cầu nguyện để thỉnh ý Cha.

Đối với Đức Giêsu ý muốn của Chúa Cha là trên hết. Để biết rõ ý Cha, Đức Giêsu đã thường xuyên cầu nguyện. Chính trong giây phút cầu nguyện, Người thỉnh ý Cha và chia sẻ tâm tình con thảo với Cha. Xem ra càng có nhiều công việc, thì Chúa Giêsu càng để dành thời giờ cho việc cầu nguyện nhiều hơn. Noi gương Đức Kitô, linh mục cũng phải siêng năng cầu nguyện để hiểu rõ thánh ý Chúa Cha.

2. Yếu tố thứ hai làm nên sự thánh thiện của linh mục là phục vụ

Lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng đòi hỏi linh mục phải có một tình yêu đặc biệt dành cho Giáo Hội của Đức Kitô và cho con người. Noi gương Đức Kitô, linh mục cũng phải dám xả thân, dám cống hiến trọn cuộc đời mình cho Giáo Hội và cho các tâm hồn. Một khi đã được tình yêu của chính Đức Kitô soi chiếu và thúc đẩy, linh mục sẽ biết chú tâm, ứng xử nhẹ nhàng, đón tiếp với một con tim rộng mở, biết lưu tâm đến những vấn đề của người khác. Cũng giống như Đức Kitô, linh mục phải thực sự là con người của tình thương, phải làm chứng về tình thương đối với mọi người bằng việc phục vụ mọi người, trong khả năng và điệu kiện cho phép. Linh mục phải là những người anh em của tất cả, phải mang trong mình tinh thần của Giáo Hội, một Giáo Hội phổ quát hướng mở đến mọi người, đến với mọi dân tộc, đến với toàn thể nhân loại và đặc biệt đến với những người bé nhỏ nhất và nghèo khổ nhất (Tông Huấn Giáo Hội tại Á châu, số 34). Tuy nhiên, phải công nhận rằng, cho dù có tập luyện công phu đến đâu đi nữa, thì đức ái vẫn không phải là một đức tính tự nhiên. Đức ái là một nhân đức đối thần và là ân sủng của Thiên Chúa . Vì là một ân sủng, nên chúng ta cần phải liên tục cầu xin Chúa ban cho. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho các linh mục chính Trái Tim của Chúa. Nhờ đời sống độc thân, linh mục có thể dành trọn con tim, lòng nhiệt thành, khả năng để phục vụ và yêu thương dân Chúa. Mối quan hệ nội tại giữa sự độc thân linh mục và sự phục vụ không chỉ là đặc tính của một con người đạo đức, thánh thiện, nhưng nó còn là một dấu chỉ chắc chắn về sự đáng tin cậy của con người đó. Đức khiết tịnh trong đời linh mục cũng thường đi đôi với đức khó nghèo. Một linh mục thánh thiện cũng là một linh mục không dính bén đến của cải vật chất. Dù ở thời đại nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, linh mục luôn được kêu gọi từ bỏ mình và sống giản dị. Sự giản dị của cuộc sống cũng là một giá trị đạo đức đáng khích lệ và noi theo. Khi sống trên trần gian, Đức Giêsu đã chọn cho mình lối sống này và Ngài đã làm gương cho chúng ta.

3. Hy sinh chính là yếu tố thứ 3 làm nên sự thánh thiện của linh mục

Để việc phục vụ mang lại kết quả thật tốt, linh mục cần luôn sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên mình. Trong thư thứ II gởi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết: “Tôi rất vui lòng tiêu hao tiền của, tiêu hao cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em”. Các linh mục của Đức Kitô hôm nay cũng phải là những con người hăng say và sẵn sàng dấn thân, chấp nhận mọi gian khổ và cả đến hiểm nguy để chu toàn sứ vụ được trao ban. Không dám hy sinh, không chấp nhận hy sinh, sợ gian khổ, sợ vất vả… linh mục khó có thể sống tốt và hoàn thành sứ vụ được trao. Chỉ với tinh thần hy sinh cao độ, linh mục mới sẵn sàng cống hiến thời giờ, khả năng, sức lực… và tất cả những gì mình có để phục vụ Nước Chúa, phục vụ mọi người. Ngày nay, khi thời giờ được coi là quý báu như vàng, như bạc, thì linh mục cần biết dành thời giờ để chăm sóc đàn chiên, sống với đàn chiên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của đàn chiên, năng thăm viếng và tiếp cận với đàn chiên, đặc biệt với những con người nghèo hèn, khốn khổ. Ngoài ra, cũng rất hữu ích, nếu linh mục biết dành thời giờ cho việc đọc sách thiêng liêng, đọc và nghiên cứu Thánh Kinh, nghiên cứu thần học… để có thể luôn cập nhật về một nền thần học vững chắc. Linh mục cũng cần phải quan tâm trau dồi những kiến thức phổ thông căn bản cần thiết cho đời sống mục vụ, nhờ đó có thể đối thoại và giúp ích nhiều cho đàn chiên, bởi lẽ, con người ngày nay, ở khắp nơi, đang chiến đấu chống lại sự thất học, dốt nát và một số lớn dân chúng, nhất là thế hệ trẻ, đang tranh thủ cho họ có được một nền học vấn ngày càng cao hơn. Không gì quý hơn đối với linh mục, nếu các ngài biết quan tâm dành thời giờ cho việc giảng dạy giáo lý cho trẻ em, cho các tân tòng, cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình, cho những người đang gặp khủng hoảng về đức tin. Những người này rất cần được linh mục giúp đỡ, giải đáp thỏa đáng những thắc mắc liên quan đến đức tin và việc sống đạo.

Trong Năm thánh của Giáo Hội Việt Nam và năm Linh mục, chúng ta cùng cầu xin Chúa thương thánh hóa mọi người và thánh hóa cách đặc biệt các giám mục, các linh mục, các tu si nam nữ của Chúa. Chúng ta cũng cầu xin cho mỗi người chúng ta biết tận dụng tất cả những ơn lành Chúa thương ban trong Năm thánh này để nên hoàn thiện và thánh hóa mình mỗi ngày một hơn. Amen.

+ Stêphanô Tri Bửu Thiên
Giám mục phó giáo phận Cần Thơ

+ GM Stêphanô Tri Bửu Thiên

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.04.2010. 10:38