Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Lý Về Đức Maria Hồn Xác Về Trời

§ Lm FX Nguyễn Hùng Oánh

1. Đức Maria có chết không ?

Công Đồng Vatican II không bàn tới Đức Mẹ có chết hay không vì muốn để cho các nhà thần học nghiên cứu, bàn cãi nhiều nữa, mặc dầu đã có chiều hướng công nhận.

Immaculate_Conception6.jpg

Từ xa xưa, các giáo phụ, các nhà thần học, và ngay cả lãnh vực Phụng vụ nữa, đều công nhận. Còn nơi, ngày, hoàn cảnh Đức Mẹ chết không được rõ ràng, thêm vào đó các sách ngụy thư thêu dệt, bịa đặt nầy kia nên không thể biết chính xác.

Origène (in Jean 2,12; fragm.31), Thánh Ephrem (Hymne 15,2), Sévérien de Gabala (De mundi creatione or 6,10), Thánh Hiêrônimô (Adv. Ruf 2,5), Thánh Augustinô (In Jean tr.8,9) đều nói về cái chết của Đức Maria.

Thánh Ephan cố gắng làm sáng tỏ chuỗi ngày cuối cùng của Đức Maria thế nào, nhưng Ngài phải thú nhận “không biết”.

Một câu hỏi không có giải đáp rằng Đức Maria qua đời cách tự nhiên hoặc phải chịu chết đau khổ vì theo Thánh Luca, “Mũi gươm sẽ đâm thấu tâm linh nơi chính mình Bà” (Lc 2,35), còn sách Khải Huyền : “Bà được hai cánh đại bàng chở vào sa mạc, nơi dành cho Bà” (Kh 12,14).

Đức Giáo Hoàng Hadrien I đã gửi cho hoàng đế Charlemagne (784-794) quyển Sách Các Phép Grêgoriô có lời nguyện về Đức Maria qua đời chứng tỏ quyền giáo huấn thông thường cũng đã chấp nhận sự kiện Đức Maria qua đời (Veneranda nobis, Domine, hujus est dei festivitas, in qua Sancta Dei Genitrix mortem subiit temporalem, nec tamen mortis nexibus deprimi potuit, quae Filium tuum Dominum nostrum de se genuit incarnatum… Lạy Chúa, trong ngày lễ mừng kính này, chúng con kính Đấng thánh Mẹ Thiên Chúa nhận cái chết trần gian, nhưng cái chết không chôn vùi thân xác trong lòng đất vì Ngài đã sinh ra Con Chúa, Chúa chúng tôi làm người…).

Nhưng cũng có người cho rằng Đức Maria không phải chết.

Tác giả vô danh của một bài giảng lấy tên là Timôtê, linh mục Giêrusalem (thuộc thế kỷ 6-7) đưa ra ý kiến rằng : “Đức Trinh Nữ được bất tử (nghĩa là không chết) vì Đấng đã ngự trong lòng Ngài đã mang Ngài về trời” (orat, in Symeonem).

Cái chết ở trong phạm vi một hình phạt, hình phạt vì tội lỗi mà Đức Maria được miễn khỏi tội nguyên tổ và không vướng mắc mọi tội riêng nên Ngài không phải chết. Tuy nhiên, xác chết là một định luật tự nhiên và phổ quát, lại nữa để giống như Chúa Kitô đã chịu chết nên xác Đức Maria chết nghĩa là Đức Maria lãnh nhận cái chết là một điều dễ hiểu.

2. Đức Maria hồn xác về trời

a. Lịch sử tín điều

Không có một câu Kinh Thánh nào trực tiếp nói tới hồn xác Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời.

Tuy nhiên, có đôi câu Kinh Thánh có thể gợi ý để người ta suy nghĩ : Matthêu 27,52-53 :

“Mồ mả mở toang ra, xác của nhiều vị thánh xưa kia sống lại. Họ ra khỏi mồ. Sau khi Chúa sống lại, họ vào thành thánh, hiện ra cho nhiều người”.

Như vậy, đã có thể thân xác sống lại hưởng vinh quang trên trời nhờ cái chết của Chúa Kitô trước khi Ngài quang lâm trong ngày tận thế. Một khi đã có như vậy, tại sao xác của Mẹ Chúa không hưởng được hạnh phúc đó ? Thắc mắc nầy đã được đặt ra trước thế kỷ 7. Những truyện hoang đường trong Phúc âm ngụy thư sáng tác ở Ai Cập, ở Syri không có giá trị về lịch sử nhưng ít ra cũng cho ta biết được lòng tôn sùng Đức Mẹ của giáo dân thời ấy : vấn đề xác Đức Mẹ lên trời đã được đặt ra.

Đầu thế kỷ VIII, hoàng đế Mauritiô ra sắc lệnh truyền phải mừng lễ “Dormitio Beatae Mariae” (Đức Mẹ an nghỉ) trong toàn đế quốc của ông. Giáo hội Đông phương thường mừng lễ này vào ngày 15 tháng Tám ; có nơi tin tưởng “xác và hồn Đức Mẹ” đã được đưa về trờ, có nơi không.

Bên Tây phương, lời nguyện trong quyển Sách Các Phép Grêgoriô nói : “Nec tamen mortis nexibus deprimi potuit : nhưng cái chết không chôn vùi xác trong lòng đất” đã làm hứng khởi cho niềm tin sự phục sinh xác của Đức Maria.

Từ đó, niềm tin “Đức Trinh Nữ thăng thiên cả xác” được xem như một phẩm tính cốt yếu của chức Mẹ Thiên Chúa, dĩ nhiên được lan rộng ra nhiều nơi. Tuy nhiên, một số nhà tư tưởng đang chống lại ảnh hưởng của Phúc âm ngụy thư, buộc lòng phải dè dặt với vấn đề này.

Paschase Rabert năm 856 khuyên tín hữu dè dặt một chút về niềm tin “xác Đức Mẹ được thăng thiên”. Ông còn ngụy tạo một bức thư gán cho của Thánh Hiêrônimô viết trong đó tỏ ra hồ nghi và dè dặt về “Đức Maria được thăng thiên cả hồn cả xác”. Bức thư có ảnh hưởng lớn, ngay cả sách Phụng vụ Giờ kinh cũng trích dẫn, đến nỗi tới thế kỷ 16 mới khám phá được sự ngụy tạo. Tuy nhiên, đối với số đông giáo dân, tâm tình mộ mến Đức Mẹ đi đôi với niềm tin “xác Đức Mẹ thăng thiên” cứ tăng lên cao.

Khoảng thế kỷ 12, Đức Giám Mục Herbert de Losinge tại Norwich (qua đời 1118) đã phát biểu rõ ràng biểu lộ lập trường dứt khoát dựa trên niềm tin chung : “Impossbile erat eam carnem diuturna morte posse corrumpi ex qua Verbum caro factum est… Plena, fratres, et secura fide tenete quod… Anima et corpore immortalis facta… et dextris resideat Dei… : Không thể xảy ra cái chuyện xác thịt của đấng cho Ngôi Hai làm người lại tan nát do cái chết lâu dài được… Anh em thân mến, anh em hãy vững tin đầy đủ rằng… Đấng đã hưởng hồn xác bất tử đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.

Cũng thời đó xuất hiện một luận đề thần học mà người ta tưởng là của Thánh Augustinô, tác giả vô danh đã lý luận : “Nếu Chúa Giêsu đã muốn gìn giữ sự đồng trinh toàn vẹn của Mẹ mình thì sao lại không giữ Mẹ mình khỏi thối nát, một sự mục nát của mồ mả và sâu bọ là sự tủi nhục cho bản tính loài người”.

Qua thế kỷ XII, có Guilbert, tu viện trưởng tại Nogent và nhất là Đức Alexandre III đã góp một phần lớn trong sự khai triển thần học về niềm tin này.

Sang thế kỷ XIII, một số nhà thần học tỏ ra dè dặt kể cả Thánh Tôma Aquinô, mặc dầu các ngài vẫn công nhận “xác Đức Maria được thăng thiên” là pia opinio (dư luận hiếu kính tốt), trừ Thánh Albertô. Có thể nói thánh Albertô đã có công nhất trong việc Giáo hội công nhận chân lý Đức Maria hồn xác lên trời, Ngài viết : “His rationibus et auctoritatibus, et multis aliis, mafestum est quod beatissima Dei Mater in corpore est assumpta et hoc omnibus modis credimus esse verum : Do bởi những lý lẽ và thể giá này và nhiều thứ khác nữa chứng tỏ rõ ràng Mẹ Thiên Chúa rất diễm phúc được đưa về trời cả xác là điều mà chúng tôi tin tưởng là sự thật”.

Thế kỷ XIV, chân lý này được phổ biến rộng rãi hơn và một xác quyết có vẻ quyết liệt hơn đến nỗi Baldus de Ubaldar (chết năm 1400) coi việc từ chối Đức Mẹ hồn xác được lên trời như một “opinio proxima haeresi” (tư tưởng gần như lạc giáo).

Năm 1947, trường đại học Sorbonne tại Paris đã lên án Jean Morelle vì ông nầy dạy rằng từ chối chân lý Đức Mẹ hồn xác được lên trời không mắc tội nặng.

Suarez (1548-1617) nhà thần học trứ danh đã viết về Đức Mẹ hồn xác về trời, tư tưởng của ông được Đức Piô XII lấy lại một phần trong Thông điệp tuyên bố tín điều. Ông viết : “Giáo thuyết này (Đức Mẹ hồn xác được lên trời !) chưa thuộc về Đức Tin vì chưa được Giáo hội định tín, hơn nữa, nó cũng không có chứng cớ Kinh Thánh hoặc Truyền thống đầy đủ nào để xây dựng thành một tín điều vô ngộ. Nhưng thời chúng ta, giáo thuyết đó được thừa nhận đến nỗi không một tín hữu Công giáo nào dám nghi ngờ nếu không do sự ngỗ ngáo… Muốn điều này được định tín, chỉ cần có một chân lý siêu nhiên nào trong Kinh Thánh hoặc trong Tông truyền chứa nó cách ẩn tàng rồi được tin tưởng chung của Giáo hội thêm lực cho, vì rằng nhờ sự trung gian của Giáo hội, Chúa Thánh Thần luôn luôn giải thích, truyền thông và soi sáng Kinh Thánh và sau cùng phải được Giáo hội xác quyết nhờ ơn vô ngộ của Chúa Thánh Thần phụ giúp, một xác quyết như thế đối với ta là một thứ mạc khải vậy”.

Thế kỷ 17, Giáo thuyết Đức Mẹ hồn xác lên trời được trình bày cách tinh vi hơn, thoát khỏi những thứ ngụy thư.

Công Đồng Vatican I, 197 nghị phụ thỉnh cầu Công Đồng định tín giáo thuyết Đức Mẹ hồn xác được lên trời, các Ngài viết : “Si enim a labe peccati fuit immunis, ista ejus ab ejus peccati paena, ideoque a corruptione carnis immunis esse debuit : vì nếu được miễn trừ khỏi dơ bẩn tội lỗi thì cũng được khỏi hình phạt của tội lỗi và vì thế thân xác Ngài cũng được miễn trừ khỏi hư nát”.

Từ đó, nhiều vị Giám mục, giáo sĩ, giáo dân cứ đều đều năm này qua năm khác gửi thư thỉnh nguyện Tòa Thánh tuyến tín Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Năm 1946, Tòa Thánh gửi thư cho toàn thể Giám mục trên khắp thế giới hỏi ý kiến như sau :

“Với sự khôn ngoan và sáng suốt của quý hiền huynh khả kính, quý hiền huynh có nghĩ rằng điều “Đức Trinh Nữ diễm phúc được lên trời cả phần xác” là điều đáng đề xướng lên và định tín như một điều buộc tin không ?”.

“Có phải quý hiền huynh, giáo sĩ và giáo dân của quý hiền huynh ao ước một sự định tín như thế không ?”.

Trong số 1191 lá thư gởi về Tòa Thánh Roma có 1169 tán thành định tín, còn 27 tỏ ý không đồng ý về nguyên tắc và xem việc định tín bây giờ không nên.

Ngày 1-11-1950, Đức Piô XII định tín Đức Maria lên trời cả xác hồn nhưng không giải quyết vấn đề Đức Maria có phải chịu chết về thân xác trước khi mông triệu không :

“… auctoritate Domini nostri Jesu Christi, beatorum apostolorum Petri et Pauli ac nostra pronuntiamus, declaramus et definimus divinitus revelatum dogma esse : immacultam Deiparam semper Viriginem Mariam, explata terrestris vitae cursu, fuisse corpore et animma ad caelestem gloriam assumptam : Do quyền Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quyền hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và quyền riêng của chúng tôi, chúng tôi tuyên giảng, công bố và định tín tín điều thuộc mạc khải thần linh là : Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm nguyên tội, sau khi làm toàn vẹn cuộc sống ở trần gian đã được đưa về trời cả hồn cả xác”.

Công đồng Vatican II đã ghi lại định tín Đức Mẹ Mông triệu của Đức Pio XII : Immaculata Virgo, expleto terrestris vitae cursu corpore et anima ad celestem gioriam assumpta est.

Câu định tín Đức Maria Mông triệu thật đơn giản và rõ ràng. Ở đây, người ta muốn yên lặng, không bàn tới vấn đề còn đang tranh luận về cái chết của Đức Maria. Ngay tiếng “assumpta” cũng chẳng ám chỉ một hình ảnh gì về không gian cả : nó có nghĩa là “mang theo với mình” và Kinh Thánh đã dùng từ ngữ đó với ý nghĩa được kết hiệp với Thiên Chúa (Sáng thế ký 5,24 ; Thánh vịnh 49,16 ; 73,24 : Người mang tôi vào ánh vinh quang).

Những chữ cuối cùng của số này nói lên tước hiệu của Đức Maria là “Nữ vương vũ trụ” mà Đức Pio XII đã công khai tuyên bố năm 1964 (Universorum Regina a Domino exaltata, ut plenius conformaretur Filio suo, Domino dominantium (cf Apoc 16,19) ac peccati mortique victori). Tước hiệu Regina universorum (Nữ Vương vũ trụ) phải được hiểu theo nghĩa thần học như là một sự thông phần vào tước hiệu Vương đế của Chúa Giêsu (Jesus Christus Rex), một sự thông phần mà mọi Kitô hữu cũng được mời gọi tham dự. Nhưng Đức Maria vì đã được đồng hình đồng dạng trọn hảo với Đức Kitô nên Mẹ xứng đáng được tôn vinh bằng tước hiệu nầy ở cao độ trổi vượt (số 50).

b. Suy luận

Chúng ta sẽ nêu ra vài suy nghĩ để thấy sự hợp lý khi tìm hiểu tín điều Đức Maria lên trời cả xác hồn.

1/ Đức Maria liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô

Một dây liên kết bằng tình mẫu tử do huyết nhục với dây liên kết tình mẫu tử do lòng tin của Đức Mẹ dành trọn cho Chúa Kitô, một tình yêu mẫu tử giữa Đức Maria và Chúa Kitô theo tình Mẹ/ Con ở trần gian cũng đã bền chặt rồi, nơi Đức Mẹ và Chúa Kitô tình mẹ/ con mang tính cao cả và thiêng liêng, một tình mẫu tử tuyệt vời.

Có thể nói tình yêu mẫu tử đó là chặt chẽ cùng với công nghiệp của Chúa Kitô là mô thể để Đức Mẹ được những đặc ân : Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trọn đời, vô nhiễm nguyên tội v.v…

2/ Thể xác của Đức Maria trong quá trình nhập thể Cứu chuộc của Chúa Kitô.

Không có thể xác không thể hiện hữu trên mặt đất này, không có thể xác không thể nói đến mầu nhiệm nhập thể. Vậy, thể xác của Đức Maria làm cho có sự hiện hữu của Đức Maria và mới có nhập thể của Ngôi Hai trong cung lòng Đức Maria. Thể xác của Đức Maria đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc Ngôi Hai làm người, vì thế Thiên Chúa đã dành cho Đức Maria đặc ân trọn đời đồng trinh. Và chính thể xác Đức Maria là nơi thực hiện tình yêu mẫu tử cao cả và thiêng liêng giữa Đức Maria và con của Ngài là Đức Kitô.

Căn cứ vào những đặc ân Thiên Chúa dành cho Đức Maria nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, con Đức Maria và tình yêu mẫu tử cao cả và thiêng liêng nói trên, ta đặt vấn đề : thân xác Đức Maria có nên để cho tan nát trong mồ đến ngày tận thế sẽ sống lại như mọi người không ?

Theo Thánh Phaolô, bởi tội Adam, tội và sự chết đã nhập vào thế gian, chết là báo ứng của tội (Rm 5,13 ,6,23 ; 1Cr 15,26). Cuộc chiến thắng của Chúa Kitô sẽ hoàn toàn chỉ khi nào sự chết bị tiêu diệt (1Cr 15,26; 15,53-56) vì lúc đó “đồ mục nát này sẽ mặc lấy, cái thây chết này sẽ mặc lấy trường sinh bất tử” (1Cr 15,53). Đối với loài người, sự chiến thắng này của Chúa Kitô chỉ xảy ra trong ngày tận thế, nhưng đối với Chúa Kitô, nhân tính của Ngài đã đạt chiến thắng hoàn toàn đó trong ngày phục sinh.

Vậy, có nên quan niệm rằng Đức Mẹ với tư cách Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh trọn đời, không mắc tội nguyên tổ và không phạm một tội riêng nào phải chịu cảnh chiến thắng bất toàn tức là thân xác Mẹ bị tiêu tan trong lòng đất để chờ ngày tận thế xác Mẹ mới được hưởng sự chiến thắng hoàn toàn của Con mình không ?

Ngoài ra, những đặc ân miễn trừ khỏi tội nguyên tổ, khỏi tội riêng cũng phải đưa tới kết quả là được miễn trừ khỏi hư nát trong mồ (vì thân xác hư nát trong mồ là hình phạt của tội) nên Thiên Chúa đưa hồn xác Đức Mẹ về trời là điều hợp lý.

Ngoài ra, những đặc ân miễn trừ khỏi tội nguyên tổ, khỏi tội riêng cũng phải đưa tới kết quả là được miễn trừ khỏi hư nát trong mồ (vì thân xác hư nát trong mồ là hình phạt của tội) nên Thiên Chúa đưa hồn xác Đức Mẹ về trời là điều hợp lý.

Lm FX Nguyễn Hùng Oánh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.08.2008. 00:26