Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Bênêđíctô XVI: Từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới Tới Hành Trình Đức Tin Trẻ Em

§ Vũ Văn An

Dịp nghỉ hè tại Đại chủng viện Bressanone, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI có dành cho các linh mục, phó tế, đại chủng sinh của Giáo Phận một buổi hỏi thưa với nội dung sau đây:

1. Ngày Giới Trẻ Thế Giới:

Michael Horrer, chủng sinh: Kính thưa Đức Thánh Cha, tên con là Michael Horrer và con là một đại chủng sinh. Dịp Ngày Thế Giới XIX tại Sydney, Úc Châu, trong đó con có tham dự với các người trẻ khác của giáo phận chúng con, Đức Thánh Cha luôn tái khẳng định với 400,000 người trẻ hiện diện ở đó tầm quan trọng của công trình Chúa Thánh Thần nơi người trẻ chúng con và nơi Giáo Hội. Chủ đề của Ngày ấy là “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng con và chúng con sẽ là nhân chứng của Ta” (Cv 1:8).

Giới trẻ chúng con nay đã về nhà, về giáo phận và về với cuộc sống hàng ngày, sau khi được Chúa Thánh Thần và lời Người tăng sức mạnh.

Kính thưa Đức Thánh Cha, làm thế nào chúng con sống được các ơn phúc của Chúa Thánh Thần trong thực hành, tại đây ngay trong lòng xứ sở của chúng con và trong cuộc sống hàng ngày của chúng con, cách nào đó để thân nhân, bạn hữu và người quen thuộc cảm nhận được sức mạnh của Người, và làm thế nào chúng con thi hành được sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa Kitô? Đức Thánh Cha sẽ khuyên dạy chúng con điều gì để bảo đảm rằng giáo phận chúng con tươi trẻ mãi, bất chấp hàng giáo sĩ đang ra già nua, ngõ hầu giáo phận chúng con luôn mở lòng cho Chúa Thánh Thần, Đấng hằng hướng dẫn Giáo Hội?

Đức Benedict XVI: Cám ơn con về câu hỏi của con. Cha vui mừng được gặp một đại chủng sinh, một ứng viên linh mục của giáo phận này mà theo một nghĩa nào đó trên khuôn mặt con, cha có thể khám phá ra khuôn mặt trẻ trung của giáo phận. Và Cha cũng vui mừng được nghe việc con đã cùng nhiều người khác có mặt tại

Đối với người Úc cũng thế, đó là một kinh nghiệm quan trọng. Thoạt đầu, họ nhìn Ngày Giới Trẻ Thế Giới với thật nhiều hoài nghi vì hiển nhiên nó có thể gây ra nhiều phiền hà và bất tiện cho cuộc sống hàng ngày, như nạn kẹt xe chẳng hạn v.v…

Tuy nhiên, kết cục, như chúng ta đã thấy trên truyền thông, các thiên kiến của họ dần dần bị đánh tan, mọi người đều cảm thấy mình tham dự vào bầu không khí đầy hân hoan và đức tin đó; họ thấy giới trẻ đến nhưng không gây ra vấn đề an ninh nào hay bất cứ vấn đề nào khác, trái lại chỉ tụ tập hân hoan lại với nhau mà thôi.

Họ thấy rằng đức tin ngày nay là một sức mạnh đang hiện diện, một sức mạnh có thể đem lại cho con người định hướng đúng đắn. Đó là lý do có những lúc chúng ta thực sự cảm nhận được ngọn gió Chúa Thánh Thần, Đấng đã quét sạch hết thiên kiến, Đấng làm con người hiểu ra rằng vâng, ở đây chúng tôi khám phá ra điều ảnh hưởng tới chúng tôi một cách gần gũi, đó là hướng chúng tôi phải đi; và chúng tôi có thể sống cách đó, tương lai có thể triển nở cách đó.

Con nói đúng: việc trên quả là giây phút mạnh mẽ mà ta có thể đem về nhà một chút tia sáng nào đó.Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là trong thực hành, khó khăn hơn nhiều mới nhận thức được hành động của Chúa Thánh Thần hay cả việc để bản thân mình thành một phương thế làm cho Người hiện diện, bảo đảm cho sự hiện diện của ngọn gió ấy có thể quét sạch hết các thiên kiến của thời đại, sự hiện diện tạo ra ánh sáng cho đêm tối và làm chúng ta không những cảm nhận được sự kiện đức tin có tương lai mà đức tin còn là chính tương lai nữa

Chúng ta làm sao làm được điều đó? Dĩ nhiên, tự sức mình, chúng ta không thể làm được điều đó.Tựu chung, chính Chúa giúp chúng ta nhưng ta phải sẵn sàng làm khí cụ của Người. Cha chỉ muốn nói: không ai có thể cho điều chính bản thân họ không có; nói cách khác, chúng ta không thể chuyển giao Chúa Thánh Thần cách hữu hiệu hay làm người khác nhận thức được Người trừ khi chính chúng ta phải gần gũi với Người.

Đó là lý do tại sao Cha nghĩ: điều quan trọng nhất, có thể nói, là chính chúng ta phải ở lại trong đường kính cơn gió của Chúa Thánh Thần, phải tiếp xúc với Người. Chỉ khi nào nội tâm chúng ta được Chúa Thánh Thần đụng chạm tới, nghĩa là Người ngụ cư trong chúng ta, chúng ta mới có thể chuyển giao Người cho người khác.

Lúc ấy, Người sẽ ban cho ta óc tưởng tượng và các ý tưởng sáng tạo phải hành động ra sao, các ý tưởng không thể do ta đặt kế sách trước mà phải được phát sinh từ chính hoàn cảnh, vì chính ở đó, Chúa Thánh Thần ra tay hành động. Như thế, điểm đầu tiên là: chúng ta phải ở lại trong đường kính cơn gió của Chúa Thánh Thần.

Phúc âm Thánh Gioan cho ta hay rằng sau Phục Sinh, Chúa đi gặp các môn đệ, thổi hơi vào họ mà nói: “Các con hãy nhận Chúa Thánh Thần”. Điều này có thể so sánh với Sách Sáng Thế, trong đó, Thiên Chúa cũng hà hơi vào hợp chất Người đã nặn bằng bụi đất và nó trở nên có sự sống và thành người.

Rồi con người, vốn đen tối từ bên trong và nửa sống nửa chết, lại nhận được hơi thở của Chúa Kitô và đó là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở đem lại cho cuộc sống họ một chiều kích mới mẻ, chiều kích ban cho họ sự sống với Chúa Thánh Thần.

Cho nên chúng ta có thể nói: Chúa Thánh Thần chính là hơi thở của Chúa Giêsu Kitô và theo một nghĩa nào đó, chúng ta nên xin Chúa Kitô luôn thổi hơi thở của Người vào chúng ta, để hơi thở ấy trở nên sống động và mạnh mẽ và tác động trên thế giới. Điều ấy có nghĩa: chúng ta phải tiếp xúc gần gũi với Chúa Kitô.

Chúng ta làm việc trên nhờ suy niệm Lời Người. Ta biết rằng tác giả chính của Sách Thánh là Chúa Thánh Thần. Khi, nhờ Lời Người, ta nói với Thiên Chúa, khi ta không những đi tìm quá khứ mà thực sự đi tìm Chúa hiện diện trong đó và đang nói với ta, thì, như Cha từng nói ở Úc Châu, những khi ấy như thể ta đang đi dạo trong vườn Chúa Thánh Thần; truyện trò với Người và Người truyện trò với ta.

Ở đây, học hỏi để hiện hữu trong môi trường này, trong môi trường Lời Chúa, là điều hết sức quan trọng, một điều, theo một nghĩa nào đó, sẽ dẫn chúng ta vào hơi thở Thiên Chúa. Và rồi, một cách tự nhiên, ta phải biến đổi việc lắng nghe này, việc đi dạo trong môi trường Lời Chúa này thành một đáp ứng, một đáp ứng trong cầu nguyện, trong tiếp xúc với Chúa Kitô.

Lẽ dĩ nhiên, trước hết phải là đáp ứng đối với bí tích cực trọng Thánh Thể trong đó Người đến với chúng ta và bước vào trong ta và hiệp nhất với ta, như người ta thường nói. Tuy nhiên, còn là với bí tích thống hối nữa, là bí tích thanh tẩy ta, rửa sạch mọi cáu bẩn mà cuộc sống hàng ngày đã tích tụ trong ta.

Nói tóm lại, đó là sống với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, trong Lời Chúa và trong hiệp thông Giáo Hội, trong cộng đồng Giáo Hội. Thánh Augustinô viết: “Nếu các bạn ước muốn Chúa Thánh Thần, các bạn phải ở trong Thân Thể Chúa Kitô”. Thần Trí Chúa Kitô, vì thế, sống động trong Nhiệm Thể Người.

Tất cả các điều trên phải xác định ra khuôn hình cho ngày sống của ta để ngày sống ấy trở thành cơ cấu, ngày sống trong đó Thiên Chúa có thể lui tới với chúng ta bất cứ lúc nào, trong đó, ta luôn tiếp xúc với Chúa Kitô và trong đó, vì chính lý do ấy, ta liên tục nhận được hơi thở của Chúa Thánh Thần.

Nếu ta chịu làm thế, nếu ta không quá lười biếng, vô kỷ luật hay uể oải, thì việc này sẽ xẩy đến cho ta: ngày ấy sẽ nhận được hình dạng, và trong ngày ấy cuộc sống ta sẽ nhận được hình dạng và ánh sáng này sẽ từ ta tỏa chiếu ra mà không cần phải suy tư nhiều hay phải chủ trương lối hành động “duy tuyên truyền”, có thể nói được như thế. Nó tự động xẩy tới vì nó chỉ phản chiếu linh hồn ta mà thôi. Đối với điều trên Cha cũng xin thêm chiều kích thứ hai vốn liên hệ một cách hợp luận lý với chiều kích thứ nhất: nếu ta sống với Chúa Kitô, ta cũng sẽ thành công trong các chuyện nhân bản.

Thực vậy, đức tin không chỉ liên quan đến khía cạnh siêu nhiên mà thôi, nó cũng xây đắp con người, đem con người trở lại với nhân tính của họ, như hai đoạn song hành giữa Sách Sáng Thế và Chương 20 Phúc Âm Gioan đã chứng tỏ: Đức tin đặt căn bản trên các nhân đức nhân bản: trung thực, hân hoan, sẵn sàng lắng nghe người lân cận, khả năng biết tha thứ, lòng đại lượng, lòng tốt và tình thân hữu giữa mọi người.

Các nhân đức nhân bản này cho thấy: đức tin hiện hữu thực sự, ta thực sự hiện hữu với Chúa Kitô và Cha tin rằng ta nên chú ý nhiều đến cả việc này nữa, việc cũng liên quan đến chính chúng ta: là khai triển một nhân tính chân chính trong chính chúng ta vì đức tin hệ ở việc thể hiện trọn vẹn hữu thể nhân bản, nhân tính trọn vẹn.

Ta nên chú ý tới việc thực thi các trách vụ nhân bản một cách tốt đẹp và chính xác, trong nghề nghiệp, đối với người lân cận, tỏ lòng quan tâm đối với họ, cũng là cách tốt nhất quan tâm đến chính chúng ta: Thực vậy, “hiện hữu” vì người lân cận của ta là cách tốt nhất để ta “hiện hữu” vì chính bản thân mình.

Điều trên, do đó, đã phát sinh ra nhiều sáng kiến không thể nào lên chương trình trước được: các cộng đoàn cầu nguyện, các cộng đoàn đọc Thánh Kinh với nhau hay các cộng đoàn cung cấp các trợ giúp hữu hiệu cho người túng thiếu, những người cần đến nó, những người đang nằm ngoài lề cuộc sống, cho người bệnh, cho người khuyết tật và nhiều người khác nữa. Đó là lúc mắt ta mở ra để nhận ra các kỹ năng bản thân của mình, để đảm nhiệm các sáng kiến tương xứng và để giúp người khác có can đảm làm cùng một điều như thế. Và chính vì những vấn đề nhân bản này tăng sức mạnh cho ta, nên nó cũng đồng thời giúp ta tiếp xúc như mới với Thánh Thần Thiên Chúa.

Vị đứng đầu Dòng Hiệp Sĩ Malta tại Rôma cho Cha hay: dịp Lễ Giáng Sinh, ngài cùng một số thanh thiếu niên tới một nhà ga kia để đem ít quà Giáng Sinh tặng người vô gia cư. Vừa quay đi, ngài nghe một thanh niên nói với đồng bạn: “Việc này chì hơn buổi disco nhiều. Ở đây thật tuyệt diệu vì tôi có thể làm được điều gì đó cho người khác!”. Đó chính là những sáng kiến được Chúa Thánh Thần đánh động nơi ta. Chỉ bằng những lời ít ỏi như thế, chúng cũng giúp ta cảm nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần, khiến chúng ta biết chăm chú đối với Chúa Kitô.

Hình như lúc này, Cha chưa nói được nhiều điều thực tiễn, nhưng Cha tin rằng điều quan trọng nhất là: cuộc sống ta, trước hết, phải quy hướng về Chúa Thánh Thần, vì chúng ta sống trong môi trường Thần Khí, trong thân thể Chúa Kitô, và nhờ thế, ta cảm nhận được diễn trình nhân bản hóa, ta nuôi dưỡng được các nhân đức hoàn toàn có tính nhân bản và như thế học tập để trở nên tốt theo nghĩa rộng rãi nhất của từ ngữ. Nhờ thế, ta thủ đắc được sự nhậy cảm đối với các sáng kiến tốt, là các sáng kiến dĩ nhiên sẽ khai triển được sức mạnh truyền giáo sau này và theo một nghĩa nào đó, sẽ chuẩn bị cơ sở cho giây phút trong đó việc nói về Chúa Giêsu và về đức tin được người ta coi là hợp lý và dễ hiểu.

2.Cái chân và cái mỹ

Cha Willibald Hopfgartner, OFM: Kính thưa Đức Thánh Cha, con thuộc Dòng Phanxicô và làm việc tại một trường học và tại nhiều khu vực dưới sự hướng dẫn của Dòng con. Trong bài diễn văn tại Regensburg, Đức Thánh Cha có nhấn mạnh tới sợi dây nối kết chủ yếu giữa Thần Trí Thiên Chúa và lý trí nhân bản.

Đàng khác, Đức Thánh Cha cũng luôn nhấn mạnh đến sự quan trọng của nghệ thuật và cái đẹp, của thẩm mỹ. Vậy há không nên không ngừng tái khẳng định kinh nghiệm thẩm mỹ của đức tin trong bối cảnh Giáo Hội, đối với việc công bố (Lời Chúa) và phụng vụ, song song với việc đối thoại bằng ý niệm về Thiên Chúa (tức thần học) hay sao?

Đức Benecdict XVI: Cám ơn cha. Vâng tôi nghĩ: hai điều này luôn tay trong tay với nhau: lý lẽ, sự chính xác, sự trung thực trong suy tư chân lý, và cái đẹp. Lý lẽ nào tự ý vứt bỏ cái đẹp cũng chỉ là lý lẽ nửa vời, có thể chỉ là lý lẽ mù quáng. Chỉ khi nào chúng kết hợp với nhau, hai điều trên mới tạo thành một toàn bộ, và sự kết hợp đó hết sức quan trọng đối với chính đức tin. Trong thời đại này, đức tin phải không ngừng đối diện với các thách đố của tư tưởng, để nó hết còn bị coi là một truyện dã sử phi lý mà chúng ta duy trì cho sống động nhưng thực sự là một giải đáp cho nhiều câu hỏi vĩ đại, không phải chỉ là một thói quen nhưng là chân lý, như Tertullian từng nói.

Trong thứ thứ nhất của mình, Thánh Phêrô viết câu sau đây được các thần học gia thời Trung Cổ, vì muốn hợp thức hóa nó, đã nhận làm trách nhiệm cho trách vụ thần học của mình: “Anh chị em phải luôn sẵn sàng để tự bênh vực mình chống bất cứ ai đòi anh chị em phải trả lẽ cho niềm hy vọng của anh chị em”, tức phải hộ giáo, bênh vực cho lời hy vọng, nghĩa là phải biến đổi lời lẽ, lý lẽ hy vọng thành khoa hộ giáo, để trả lời cho người đời.

Hiển nhiên là ngài xác tín được sự kiện này: đức tin là lời lẽ (logos), là lý lẽ, là ánh sáng phát xuất từ Lý Trí sáng tạo chứ không phải chỉ là một pha chế kỳ diệu, một hoa trái của tư tưởng ta. Và đó là lý do tại sao nó phổ quát và vì vậy được thông truyền cho mọi người.

Ấy thế nhưng, chính vì lời lẽ sáng tạo này không phải chỉ là lời lẽ kỹ thuật (ta sẽ trở lại khía cạnh này với câu trả lời khác nữa), nên nó rất rộng, nó là lời lẽ của yêu thương, nên phải được diễn tả như thế trong sự mỹ và trong sự thiện.

Lại nữa, tôi cũng đã có lần nói rằng đối với tôi, nghệ thuật và các thánh là hai nhà hộ giáo vĩ đại nhất cho đức tin của ta. Các luận chứng do lý lẽ đóng góp hiển nhiên rất quan trọng và không thể thiếu được, nhưng ta thấy luôn có bất đồng ở nhiều nơi.

Đàng khác, nếu ta nhìn lên các thánh, tức con đường sáng láng vĩ đại mà Thiên Chúa hằng bước qua khắp trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng thực sự có một sức mạnh của sự thiện từng chống chọi suốt mấy ngàn năm qua; thực sự có thứ ánh sáng trên các ánh sáng. Cũng thế, nếu ta ngắm nhìn các vẻ đẹp do đức tin tạo ra, tôi dám nói, ta thấy chúng quả là các bằng chứng sống động của đức tin.

Khi tôi nhìn vào ngôi nhà thờ chính tòa đẹp đẽ này, (tôi thấy) nó quả là một công bố sống động! Nó tự nói về chính nó với ta, và trên căn bản cái đẹp của ngôi nhà thờ chính tòa này, ta sẽ thành công trong việc công bố Thiên Chúa, công bố Chúa Kitô và mọi mầu nhiệm của Người một cách hữu hình: Ở đây, chúng đã thủ đắc được một hình dạng và nhìn vào chúng ta.

Mọi công trình nghệ thuật vĩ đại, các nhà thờ chính tòa, những ngôi nhà thờ chính toà kiểu Gô-tích và những ngôi thánh đường kiểu Ba-rốc lộng lẫy, thẩy đều là các dấu chỉ sáng láng của Thiên Chúa và do đó thực là các biểu hiện hay hiển linh của Chúa. Và trong Kitô giáo, đây chính là thực chất của sự hiển linh này: trước đây, Thiên Chúa trở nên Hiển Linh dấu ẩn, nhưng nay Người xuất hiện rực rỡ sáng láng.

Chúng ta vừa được nghe tiếng đàn organ hết sức thánh thót. Tôi nghĩ nền âm nhạc vĩ đại phát sinh trong Giáo Hội đã làm cho chân lý đức tin của ta trở thành nghe được và nhận thức được: từ nhạc bình ca tới nhạc nhà thờ chính tòa, từ Palestrina và thời đại ông, tới Bach và từ đó tới Mozart và Bruckner và vân vân. Nghe tất cả các công trình ấy: Cuộc Khổ Nạn của Bach, Thánh Lễ giọng Si giáng của ông, và các sáng tác thiêng liêng của đa âm thế kỷ 16, của trường phái Vienna, của mọi loại âm nhạc, ngay cả các sáng tác của các nhà soạn nhạc ít nổi danh, ta đều bỗng hiểu được: nó quả đúng!

Bất cứ nơi nào phát sinh ra chúng, Chân lý cũng đều có mặt ở đấy. Nếu không có thứ trực giác từng khám phá ra tâm điểm sáng tạo thực sự của thế giới này, vẻ đẹp như thế không tài nào phát sinh được.

Chính vì thế, tôi nghĩ ta nên luôn luôn bảo đảm để hai điều trên đi đôi với nhau, ta nên đem chúng lại với nhau.

Trong thời đại ta, khi thảo luận tính hợp lý của đức tin, chính là lúc ta thảo luận sự kiện này: lý lẽ không ngừng ở chỗ ngừng của các khám phá thực nghiệm, nó không chấm dứt ở chủ nghĩa duy nghiệm; thuyết biến hóa nhìn ra sự thật nhưng chỉ nhìn ra một nửa sự thật: Nó không thấy rằng đàng sau nó là Thần Trí sáng tạo. Chúng ta tranh đấu để mở rộng lý lẽ, và do đó, tranh đấu vì một lý lẽ, lý lẽ ấy chính là mở cửa cho cái đẹp và không gạt cái đẹp ấy ra một bên giống như một điều gì khác hẳn và vô lý.

Nghệ thuật Kitô giáo là một nghệ thuật hữu lý, ta hãy nghĩ tới nghệ thuật Gô-tích hay âm nhạc vĩ đại hay ngay cả nghệ thuật Ba-rốc của chính chúng ta, nhưng nó chính là việc phát biểu bằng nghệ thuật các lý lẽ đã được mở rộng một cách lớn lao, trong đó trái tim và lý trí gặp nhau. Đó mới là trọng điểm. tôi tin rằng, theo một cách thế nào đó, đây mới chính là minh chứng cho đức tin Kitô giáo: trái tim và lý trí gặp nhau, cái mỹ và cái chân hội tụ về một nơi, và ta càng thành công trong việc sống bằng cái đẹp của chân lý thì đức tin càng có khả năng trở thành sáng tạo một lần nữa cả trong thời đại chúng ta, và sẽ tự phát biểu mình ra dưới một hình thức nghệ thuật đầy thuyết phục.

Cho nên, thưa cha Hopfgartner, cám ơn cha về câu hỏi của cha; ta hãy tìm cách bảo đảm rằng hai phạm trù thẩm mỹ và nhận thức (noetic) được kết hợp với nhau và chính trong cái rộng dài này, tính toàn diện và tính sâu sắc trong đức tin của ta được tỏ hiện.

3. Tính cứu rỗi của đau khổ

Cha Willi Fusaro: Kính thưa Đức Thánh Cha, con năm nay 42 tuổi và mắc bệnh từ ngày mới chịu chức linh mục. Con chịu chức năm 1991; rồi tháng 9 cùng năm, con bị khám nghiệm mắc chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis). Con cùng trông coi Giáo xứ Corpus Domini tại Bolzano. Con hết sức ngưỡng phục Đức Gioan Phaolô II, nhất là trong phần cuối triều đại giáo hoàng của ngài, lúc ngài chịu đựng sự yếu đuối nhân bản một cách can đảm và khiêm nhu trước mặt toàn thế giới.

Vì sự gần gũi của Đức Thánh Cha với vị tiền nhiệm qúy yêu và dựa trên kinh nghiệm bản thân của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha sẽ nói gì với con và với mọi người chúng ta làm sao thực sự giúp đỡ cách hữu hiệu các linh mục già nua và ốm đau để các ngài sống ơn gọi linh mục của mình cách tốt đẹp và có hiệu quả trong hàng ngũ linh mục và trong cộng đồng Giáo Hội? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Benedict XVI: Cám ơn cha, thưa cha đáng kính. Tôi dám nói rằng, đối với tôi, cả hai phần trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đều quan trọng cả. Trong phần đầu, ta thấy Ngài như vị khổng lồ của đức tin: với một lòng can đảm phi thường, một sức mạnh ngoại hạng, một niềm vui thực sự trong đức tin và một óc sáng suốt cao độ, Ngài đã mang sứ điệp Phúc Âm đến tận cùng trái đất.

Ngài nói với mọi người, Ngài thăm dò các nẻo đường mới với các phong trào, với đối thoại liên tôn, với các cuộc gặp gỡ đại kết,với việc sâu sắc hóa phương cách lắng nghe Lời Chúa, với mọi sự…với tình yêu của Ngài dành cho phụng vụ thánh. Ta có thể nói, Ngài đã hạ các bức tường Giêricô xuống, nhưng là các bức tường phân chia hai thế giới, bằng sức mạnh đức tin riêng của Ngài. Chứng tá của Ngài tiếp tục sống, không thể nào quên được, và tiếp tục là ánh sáng cho thiên niên kỷ này.

Tuy nhiên, tôi phải nói rằng nhờ chứng tá khiêm nhu trong cuộc “khổ nạn” của Ngài, đối với tâm trí tôi, các năm cuối cùng trong triều giáo hoàng của Ngài cũng không kém phần quan trọng; như việc Ngài vác thánh giá của Chúa trước mặt chúng ta và đem vào thực hành lời của chính Chúa: “Hãy theo Ta, hãy vác thánh giá với Ta và bước theo bước chân Ta!”.

Với đức khiêm nhu và lòng nhẫn nại như thế, Ngài đã chấp nhận một điều mà trên thực tế quả đang hủy diệt thân xác Ngài và đang đưa Ngài dần vào chỗ không còn nói năng được nữa, trong khi Ngài là bậc thầy của khoa ăn nói. Đối với tôi, điều ấy đủ cho thấy chân lý sâu sắc này là Chúa cứu vớt ta bằng thánh giá của Người, bằng cuộc khổ nạn của Người, như một hành vi tận cùng của tình yêu. Ngài cho ta thấy: đau khổ không phải chỉ là lời nói “không”, một cái gì tiêu cực, việc thiếu một cái gì đó, mà là một thực tại tích cực. Ngài cho ta thấy: đau khổ khi được chấp nhận vì tình yêu Chúa Kitô, vì tình yêu Chúa và yêu tha nhân chính là một sức mạnh cứu rỗi, sức mạnh yêu thương, không kém mạnh mẽ hơn các công trình vĩ đại Ngài từng hoàn thành ở phần đầu triều đại giáo hoàng của Ngài.

Ngài dạy chúng ta thứ tình yêu mới đối với những ai đang chịu đau khổ và làm ta hiểu được ý nghĩa của “thánh giá và nhờ thánh giá mà ta được cứu rỗi”.

Ta cũng thấy hai khía cạnh đó trong cuộc đời của Chúa. Ở phần đầu, Chúa dạy ta niềm vui của Nước Thiên Chúa, đem ơn phúc đến cho mọi người; ở phần hai, Người dìm mình vào cuộc Khổ Nạn cho đến hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Chính bằng cách đó, Người đã dạy cho ta biết Thiên Chúa là ai, Thiên Chúa chính là tình yêu và qua việc đồng hóa với các đau đớn của con người nhân bản chúng ta, Người đã ôm chúng ta vào lòng và dìm chúng ta vào tình yêu của Người và một mình tình yêu này đã tắm gội chúng ta bằng ơn cứu chuộc, ơn thanh tẩy và ơn tái sinh.

Bởi thế, tôi nghĩ: tất cả chúng ta phải học biết chân lý tình yêu, một tình yêu đã trở thành “khổ nạn” và nhờ thế đã cứu rỗi con người và kết hợp họ với Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu. Điều ấy mỗi ngày ta càng phải học hỏi nhiều hơn, vì ta đang sống trong một thế giới hết sức phát đạt về tranh đấu, về tuổi trẻ, về việc phải trẻ trung, phải mạnh phải đẹp, phải thành công trong những công trình lớn lao.

Cho nên, tôi muốn cám ơn tất cả những ai biết chấp nhận đau khổ, những ai đang đau khổ vì Chúa, và xin khuyến khích tất cả chúng ta nên có một trái tim biết mở rộng đối với người đau khổ và người già cả; biết hiểu rằng cuộc “khổ nạn” của họ tự nó là một nguồn suối canh tân cho nhân loại, một tình yêu sáng tạo trong ta và kết hợp ta với Chúa. Ấy thế nhưng, tựu chung, đau khổ luôn luôn vẫn là điều khó khăn. Tôi nhớ đến người chị của Đức Hồng Y Mayer. Bà bệnh rất nặng và khi bà mất kiên nhẫn, Đức Hồng Y nói với bà: “Chị thấy đó, giờ đây chị đang ở cùng Chúa”. Bà thưa lại: “Đối với em, nói như thế thì quá dễ vì em là người khỏe mạnh, còn chị, chị đang phải chịu ‘khổ nạn’ đấy em ơi”. Qủa thực, trong cuộc “khổ nạn” thực sự, người ta trở nên càng khó kết hợp đúng nghĩa với Chúa và duy trì được thiên hướng kết hợp với Chúa đau khổ.

Bởi thế, ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người đang đau khổ và làm hết sức để giúp đỡ họ, để tỏ lòng biết ơn của ta đối với các đau khổ của họ và hiện diện bên họ bao nhiêu có thể, cho đến giây phút cuối cùng. Đó là sứ điệp nền tảng của Kitô giáo, một sứ điệp vốn phát sinh từ nền thần học Thánh Giá: sự kiện đau khổ và khổ nạn hiện diện trong tình yêu của Chúa Kitô là một thách đố để chúng ta kết hiệp với cuộc khổ nạn của Người.

Ta phải yêu thương những ai đang đau khổ, yêu thương không những bằng lời mà còn bằng mọi hành động và cam kết của ta. Tôi nghĩ: chỉ bằng cách đó, ta mới thực sự là Kitô hữu. Trong thông điệp “Spe Salvi” (Được cứu rỗi nhờ Đức Cậy), tôi có viết rằng: khả năng chấp nhận đau khổ và những ai đang đau khổ chính là thước đo nhân tính ta có được. Khi thiếu khả năng này, con người bị thu nhỏ và và bị định nghĩa cách khác rồi. Cho nên, ta hãy cầu xin để Chúa giúp ta trong cơn đau đớn và dẫn ta tới gần gũi với mọi người đang đau khổ trên thế giới này.

4. Sáng thế và Cứu thế

Cha Karl Golser: Kính thưa Đức Thánh Cha, tên con là Karl Golser, con là giáo sư thần học luân lý tại đây, tại Bressanone này, và cũng là giám đốc Viện Công Lý, Hòa Bình và Bảo Tồn Sáng Thế; con cũng là một kinh sĩ. Con rất vui nhớ lại thời kỳ được làm việc với Đức Thánh Cha tại Thánh Bộ Giáo Thuyết Đức Tin.

Như Đức Thánh Cha biết, Giáo Hội Công Giáo đã một cách sâu sắc tạo ra lịch sử và nền văn hóa của xứ sở chúng con. Tuy nhiên, ngày nay, đôi khi chúng con có cảm tưởng là trong tư cách Giáo Hội, hình như chúng ta đang lui dần vào phòng mặc áo lễ (sacristy). Các tuyên bố của huấn quyền giáo hoàng về các vấn đề xã hội quan trọng không tìm được đáp ứng đúng đắn nơi các giáo xứ và cộng đoàn giáo hội.

Ở đây, ở tại Alto Adige này, chẳng hạn, các thẩm quyền và nhiều hiệp hội đã mạnh mẽ kêu gọi người ta chú ý tới các vấn đề môi sinh, nhất là việc thay đổi khí hậu. Các luận điểm chính yếu là: các đá băng hóa nước, núi non lở đất, các vấn đề chi phí về điện năng, lưu thông, và việc bầu khí quyển ô nhiễm. Hiện có khá nhiều sáng kiến để bảo vệ môi sinh.

Tuy nhiên, trong ý thức trung bình của người Kitô hữu chúng ta, tất cả các vấn đề ấy rất ít liên quan tới đức tin. Ta có thể làm gì để gia tăng cảm thức trách nhiệm đối với sáng thế trong đời sống các cộng đồng Kitô giáo? Ta có thể làm gì để nhìn ra Sáng Thế và Cứu Thế kết hợp gần gũi với nhau hơn? Ta có thể sống lối sống Kitô giáo cách gương mẫu ra sao để nó sống còn lâu dài? Và làm thế nào ta có thể kết hợp lối sống ấy với phẩm tính sự sống khiến nó trở thành hấp dẫn đối với mọi người trên thế giới?

Đức Benedict XVI: Cám ơn cha nhiều, thưa Giáo sư Golser thân mến. Chắc chắn cha có khả năng hơn tôi trong việc giải đáp các câu hỏi này, nhưng tôi cũng xin cố gắng nói đôi điều. Như thế là cha đã đụng tới chủ đề Sáng Thế và Cứu Thế và tôi nghĩ ta nên dành cho mối liên kết không thể hủy tiêu này một chỗ đứng nổi bật mới.

Trong mấy thập niên gần đây, giáo thuyết về Sáng Thế gần như đã biến mất khỏi thần học, nó gần như không còn được ai nhận ra nữa. Ngày nay, ta biết rõ các tác hại do việc biến mất ấy tạo ra. Đấng Cứu Thế cũng là Đấng Sáng Thế và nếu ta không tuyên xưng Thiên Chúa trong vẻ cao cả đầy đủ của Người, vừa là Đấng Sáng Thế vừa là Đấng Cứu Thế, ta cũng sẽ giảm thiểu giá trị của Cứu Thế.

Thực vậy, nếu Thiên Chúa không có vai trò gì trong Sáng Thế, nếu Người bị hạ xuống hàng đồng văn lịch sử, thì làm sao Người thực sự hiểu được toàn bộ cuộc sống ta? Thì làm sao Người có khả năng đem ơn cứu độ lại cho con người trong cái toàn diện của họ và cho thế giới trong cái toàn bộ của nó?

Đối với tôi, đó là lý do tại sao việc canh tân học thuyết về Sáng Thế và việc hiểu biết mới về tính bất phân giữa Sáng Thế và Cứu Thế có tầm hết sức quan trọng. Ta phải nhìn nhận một lần nữa rằng Người là Thần Trí Sáng Thế, là Lý Trí hiện hữu từ nguyên thủy, nhờ Lý Trí ấy muôn vật được sinh ra và lý trí ta chỉ là tia nhỏ phát sinh từ Lý Trí ấy.

Và chính Người, chính Đấng Sáng Thế, đã bước vào và có thể bước vào lịch sử và hành động trong đó, (sở dĩ như thế) chính là bởi vì Người là Thiên Chúa của toàn bộ chứ không phải chỉ của từng phần. Nếu ta nhìn nhận điều ấy, hệ luận hiển nhiên sẽ là Cứu Thế, làm Kitô hữu, (mang) niềm tin Kitô giáo, cũng có nghĩa là nhận trách nhiệm bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào đối với sáng thế.

Hai mươi ba năm trước đây, Kitô hữu bị tố cáo, một tố cáo tôi không rõ hiện còn được duy trì hay không, là phải chịu trách nhiệm đối với việc hủy diệt sáng thế chỉ vì mấy chữ trong sách Sáng Thế: “hãy thống trị mặt đất”, những lời mà người ta cho là đã dẫn tới thái độ ngạo mạn đối với sáng thế mà ngày nay ta đang phải lãnh các hậu quả của thái độ ấy.

Tôi nghĩ ta cần phải học một lần nữa để hiểu lời tố cáo kia trong mọi nét sai lầm của nó: Bao lâu trái đất được quan niệm như sáng thế của Chúa, thì nhiệm vụ “thống trị” nó không bao giờ có nghĩa như một lệnh truyền phải nô lệ hóa nó, nhưng đúng hơn phải là nhiệm vụ làm người trông coi sáng thế và khai triển các quà phúc của nó; nhiệm vụ tích cực cộng tác vào công trình của Chúa, vào sự biến hóa Người vốn xếp đặt trong thế giới, ngõ hầu các quà phúc của sáng thế được trân qúy chứ không bị chà đạp và hủy diệt.

Nếu ta chịu quan sát những điều xẩy ra quanh các đan viện, ở những nơi ấy biết bao tiểu địa đàng, ốc đảo của sáng thế đã và còn đang tiếp tục được sinh hạ, thì điều hiển nhiên là những thực tại ấy đâu phải chỉ là lời lẽ xuông. Đúng hơn, bất kể ở đâu, nếu lời Đấng Sáng Thế được hiểu đúng đắn, thì ở đấy sự sống được sống với Đấng Sáng Thế cứu thế, và con người tìm cách cứu vớt sáng thế chứ không hủy diệt nó.

Chương 8 Thư gửi tín hữu Rôma cũng rất thích hợp trong bối cảnh này. Chương này nói rằng toàn bộ sáng thế đang rên la trong cơn đau đẻ vì cảnh nô lệ nó đang gánh chịu, trong lúc mong chờ ơn mạc khải của con cái Chúa: Nó sẽ thấy mình được giải thoát khi các tạo vật, đàn ông lẫn đàn bà vốn là con cái Thiên Chúa, đối xử với nó theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Tôi tin rằng ngày nay ta có thể thiết dựng chính điều đó làm thực tại. Sáng Thế đang rên la, ta nhận ra nó, ta gần như nghe được tiếng nó, và đang mong chờ các hữu thể nhân bản duy trì nó theo kế hoạch Thiên Chúa. Việc tàn nhẫn tiêu thụ sáng thế bắt đầu tại nơi nào Thiên Chúa không hiện diện, nơi chỉ có vật thể [matter] là vật liệu duy nhất đối với chúng ta, nơi chính chúng ta trở thành đòi hỏi tối hậu, nơi cái toàn bộ chỉ còn là sở hữu của ta và ta tiêu thụ nó cho một mình ta mà thôi.

Và việc phí phạm sáng thế bắt đầu khi ta không còn nhìn nhận bất cứ nhu cầu nào cao hơn nhu cầu của ta, mà chỉ thấy chính chúng ta mà thôi. Nó bắt đầu khi không còn quan niệm nào về sự sống sau khi chết nữa, khi ở đời này ta phải nắm được mọi sự và sở hữu được cuộc sống cao độ bao nhiêu có thể, khi ta phải sở hữu được bất cứ điều gì có thể sở hữu được.

Cho nên, tôi nghĩ, các sáng kiến chân thực và hữu hiệu nhằm ngăn ngừa việc phí phạm và hủy diệt sáng thế chỉ có thể được thi hành và khai triển, được hiểu và sống khi nào sáng thế được coi như do Chúa mà có; khi sự sống được coi như bắt đầu với Chúa và có những chiều kích lớn lao hơn, trong trách nhiệm đối với Chúa, và một ngày kia sẽ được Chúa ban cho viên mãn và không bị lấy mất khỏi chúng ta: ta tiếp nhận được sự sống bằng cách trao ban nó đi.

Như thế, tôi tin rằng bằng mọi cách ta phải trình bày đức tin nơi công cộng, nhất là ở những chỗ vốn nhậy cảm đối với nó.

Và tôi nghĩ rằng cái cảm giác cho rằng thế giới đang tuột dốc, vì chính chúng ta đang xua đuổi nó, và cái cảm tưởng bị các vấn đề sáng thế đè nén, thực ra đem lại cho chúng ta cơ hội thích hợp để đức tin của ta có thể lên tiếng công khai và làm cho người ta cảm thấy nó như một sáng kiến đề nghị.

Thực thế, đây không phải chỉ là vấn đề khám phá ra các kỹ thuật học nhằm ngăn ngừa các tác hại, mặc dù, trong nhiều điều cần làm, điều quan trọng vẫn là phải tìm ra các nguồn năng lượng thay thế.

Ấy thế nhưng, không một điều nào như thế đã đủ, ngoại trừ phải tìm cho được lối sống mới, một kỷ luật biết hy sinh, một kỷ luật biết nhìn nhận người khác, những người mà sáng thế vốn thuộc về chẳng kém gì thuộc về ta, những người rất có thể biết cách sử dụng nó cách dễ dàng hơn nhiều; một kỷ luật biết nhận trách nhiệm liên quan đến tương lai người khác và tương lai của chính chúng ta, vì nó là trách nhiệm dưới con mắt của Đấng vốn là Quan Tòa của ta và trong tư cách ấy cũng là Đấng Cứu Thế, nhưng quả Người cũng là Quan Tòa của ta.

Thành thử ra, tôi nghĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hai chiều kích kia, chiều kích Sáng Thế và chiều kích Cứu Thế, cuộc sống trần thế và cuộc sống đời đời, trách nhiệm đối với sáng thế và trách nhiệm đối với người khác và đối với tương lai, nên được đặt kề nhau. Tôi cũng nghĩ: nhiệm vụ của chúng ta là phải can thiệp rõ ràng và một cách đầy quyết tâm vào ý kiến công chúng. Để họ lắng nghe, ta phải cùng một lúc dùng gương sáng và lối sống của mình mà chứng tỏ rằng chúng ta đang nói về một sứ điệp mà chính chúng ta tin tưởng và người ta có thể sống theo được.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp tất cả chúng ta biết sống thực đức tin và trách nhiệm đức tin của mình một cách thế nào đấy cho lối sống của ta trở nên chứng tá; và sau đó biết nói sao đó để việc làm của chúng ta có thể chuyên chở được đức tin làm phương hướng cho thời đại mình.

5. Toàn bộ và từng phần

Cha Franz Pixner, quản hạt Kastelruth: Kính thưa Đức Thánh Cha, con là Franz Pixner và con là mục tử của hai giáo xứ lớn. Con cũng như nhiều đồng nghiệp và giáo dân rất quan tâm đến gánh nặng ngày một gia tăng phải chăm sóc mục vụ do các đơn vị mục vụ đang được tạo ra gây nên: áp lực nặng nề của công việc, thiếu được thừa nhận, nhiều khó khăn liên quan đến Huấn Quyền, cô đơn lẻ loi, con số linh mục giảm đi và cả con số các cộng đoàn tín hữu nữa. Nhiều người thắc mắc Chúa đang đòi hỏi gì nơi chúng con trong hoàn cảnh này và Chúa Thánh Thần muốn khích lệ chúng con ra sao?

Trong bối cảnh ấy, nẩy sinh các vấn nạn liên quan tới các việc như độc thân của linh mục, việc phong chức linh mục những người đã có gia đình (viri probati), việc can dự của các đặc sủng, nhất là các đặc sủng của nữ giới, vào việc chăm sóc mục vụ, biến những người đàn ông và đàn bà thành các cộng tác viên được huấn luyện về thần học đủ để chịu trách nhiệm cử hành Phép Rửa và giảng lời Chúa.

Câu hỏi cũng được đặt ra là linh mục chúng con, khi đối đầu với các thách đố mới, có thể giúp đỡ nhau ra sao trong một cộng đồng huynh đệ, ở nhiều bình diện khác nhau của giáo phận, trong hàng ngũ phó tế và đơn vị mục vụ và giáo xứ.

Kính thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin Đức Thánh Cha cho chúng con ý kiến tốt đẹp về tất cả các vấn đề ấy. Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha!

Đức Benedict XVI: Thưa cha quản hạt, cha đã mở ra một loạt các câu hỏi hiện đang làm các mục tử và mọi người chúng ta bận tâm và quan tâm, và chắc cha biết là ở đây, tôi không thể trả lời mọi câu hỏi ấy được. Tôi tưởng tượng rằng cha sẽ có nhiều dịp để cùng với đức giám mục của cha xem sét chúng và chúng tôi, chúng tôi sẽ đề cập đến chúng trong Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều cần cuộc đối thoại này với nhau, cuộc đối thoại về đức tin và trách nhiệm, để tìm thấy nẻo đường hẹp thẳng tắp trong thời đại này, đầy những viễn ảnh khó khăn của đức tin và trách nhiệm đối với linh mục. Không một ai có được thứ thực đơn ăn liền, tất cả chúng ta phải cùng nhau tìm ra. Với sự dè dặt ấy, tôi thấy mình đang cùng tất cả qúy vị đứng giữa diễn trình lao nhọc và chiến đấu lao đao nội tâm này, tôi sẽ cố gắng nói ít điều, chỉ như một phần của cuộc đối thoại rộng lớn hơn mà thôi.

Để trả lời, tôi muốn khảo sát hai khía cạnh căn bản: một đàng, là việc không thể thay thế các linh mục, ý nghĩa và phương cách của thừa tác vụ linh mục ngày nay; đàng khác, và điều này nay càng hiển nhiên hơn bao giờ hết, đó là tính đa dạng của các đặc sủng và sự kiện này nữa tất cả các đặc sủng ấy cùng nhau đều là Giáo Hội cả, chúng xây đắp nên Giáo Hội và vì thế, ta phải ráng làm sống dậy các đặc sủng. Ta phải cổ vũ cái toàn bộ sống động này là cái toàn bộ đến lượt nó cũng sẽ hỗ trợ vị linh mục. Ngài hỗ trợ người khác, người khác hỗ trợ ngài và chỉ trong cái toàn bộ phức tạp và đa dạng này, Giáo Hội mới có thể phát triển trong lúc này và hướng về tương lai.

Đàng khác, ta luôn luôn cần có linh mục, một người hiến toàn thân cho Chúa và do đó hiến toàn thân cho nhân loại. Trong Cựu Ước, có lời kêu gọi ‘thánh hóa’, một lời kêu gọi tương ứng với điều nay ta gọi là ‘tận hiến’ (consecration) hay ngay cả ‘thụ phong linh mục’: một điều gì đó được dành riêng ra cho Thiên Chúa và do đó được tách ra khỏi lãnh vực thông thường, một điều gì đó được dâng cho Chúa. Ấy thế nhưng, điều ấy ngày nay lại có nghĩa: nó sẵn sàng có đó cho mọi người.

Vì nó được tách ra và dâng lên cho Chúa, nên chính vì lẽ đó, nay nó không còn bị cô lập vì đã được nâng từ “cho” lên “cho mọi người”. Tôi nghĩ ta có thể nói cùng một điều ấy về chức linh mục của Giáo Hội. Một đàng chức linh mục ấy có nghĩa là chúng ta được ký thác cho Chúa, tách biệt khỏi cuộc sống tầm thường, nhưng mặt khác, ta được ký thác cho Người vì bằng cách đó ta có thể thuộc trọn về Người và thuộc trọn về người khác.

Tôi tin chúng ta phải liên tục tìm cách chứng tỏ điều ấy cho giới trẻ, cho những nhà lý tưởng nào muốn làm một cái gì đó cho toàn bộ, chứng tỏ cho họ thấy chính việc “được tách ra khỏi cái thông thường” có nghĩa là để “ký thác cho cái toàn bộ” và đó là cách quan trọng, cách quan trọng nhất, để phục vụ anh em mình.

Hơn nữa, một phần của việc ấy thực sự làm ta trở nên sẵn sàng có đó cho Chúa trong cái viên mãn của hữu thể mình và do đó, thấy mình hoàn toàn sẵn sàng có đó cho mọi người. Tôi nghĩ việc độc thân từ căn bản diễn tả chính tính toàn diện ấy và vì thế, là một quy chiếu quan trọng trên thế gian này vì nó chỉ có nghĩa nếu ta thực sự tin vào cuộc sống trường sinh và nếu ta tin thật rằng Thiên Chúa cần có ta và ta có thể thuộc về Người.

Cho nên, chức linh mục là tối cần thiết vì Giáo Hội đã được xây dựng trong chính Phép Thánh Thể, một phép từ Chúa phát sinh ra; trong Bí Tích Thống Hối, ta được trao ban sự thanh tẩy; trong Bí Tích, chức linh mục đúng là một can dự vào cái “cho” (for) của Chúa Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, tôi biết việc đó ngày nay rất khó, khi một linh mục thấy mình phải điều khiển không những một giáo xứ dễ quản trị mà là nhiều giáo xứ và đơn vị mục vụ; khi ngài phải sẵn sàng có đó để đưa ra ý kiến này hay ý kiến nọ, v.v…sống cuộc sống như thế khó khăn xiết bao. Tôi tin rằng trong hoàn cảnh như thế, điều quan trọng là phải có can đảm tự giới hạn mình và phải rõ rệt xác định ra các ưu tiên.

Ưu tiên nền tảng của đời sống linh mục là ở với Chúa và như thế phải có thì giờ để cầu nguyện. Thánh Charles Borromeo luôn hay nói: “Bạn sẽ không thể chăm sóc linh hồn người khác nếu bạn để cho chính linh hồn bạn phải hư đi.Cuối cùng, bạn cũng chả làm được bất cứ việc gì cho người khác. Bạn phải luôn dành thì giờ ở với Chúa”.

Cho nên, tôi muốn nhấn mạnh điều này: dù bất cứ yêu cầu nào xuất hiện, ưu tiên thực sự là mỗi ngày, tôi dám nói thế, phải tìm ra một giờ để im lặng dành cho Chúa và ở với Chúa, như Giáo Hội khuyên ta phải đọc sách nguyện, với kinh nguyện hàng ngày, ngõ hầu ta liên tục phong phú hóa chính ta từ bên trong, và, như tôi đã nói khi trả lời câu hỏi thứ nhất, có thể trở vào trong tầm tới của hơi thở Chúa Thánh Thần. Và để sắp xếp ưu tiên trên căn bản này: tôi phải học biết nhận ra điều gì thực sự chính yếu, nơi mà sự hiện diện trong tư cách linh mục của tôi là tối thiết không thể miễn chước được và là nơi tôi không thể ủy trách nhiệm cho bất cứ ai khác. Và đồng thời, tôi phải khiêm nhường chấp nhận có những lúc có nhiều việc tôi nên làm và đòi sự hiện diện của tôi nhưng tôi không làm sao xoay sở được vì tôi biết các giới hạn của mình. Tôi nghĩ ai cũng hiểu sự khiêm nhường này.

Và giờ đây, tôi phải liên kết một khía cạnh nữa vào đó: là phải biết cách ủy quyền, biết cách làm cho người khác hợp tác với mình. Tôi có cảm tưởng người ta sẵn sàng hiểu và biết lượng giá điều ấy khi một linh mục ở với Chúa, khi ngài quan tâm đến chức vụ mình là người cầu nguyện cho người khác: họ sẽ nói “chúng con không thể cầu nguyện nhiều như thế được, cha phải cầu nguyện cho chúng con: xét trong căn bản, đó là việc của cha, vì việc của cha là làm người cầu nguyện cho chúng con”.

Họ muốn có một vị linh mục thực tâm cố gắng sống với Chúa và rồi sẵn sàng có đó (available) cho mọi người, người đau khổ, người ốm đau, trẻ em, người trẻ (tôi dám nói họ là các ưu tiên của ta), và là người biết phân biệt được những việc người khác có thể làm tốt hơn ngài, cho nên ngài phải sẵn sàng dành chỗ cho những tài năng ấy.

Tôi nghĩ tới các Phong Trào và rất nhiều hình thức cộng tác trong giáo xứ. Ước chi tất cả những việc ấy đều được phản ảnh trên bình diện giáo phận, nên tạo ra các hình thức cộng tác mới và khích lệ các trao đổi hỗ tương.

Cha nói rất đúng rằng về điểm này, điều quan trọng là phải biết nhìn quá giáo xứ tới cộng đồng giáo phận, và thực ra, còn tới cả cộng đồng Giáo Hội phổ quát nữa. Đến lượt mình, Giáo hội phổ quát này phải hướng tầm nhìn của mình để nhận ra những gì đang xẩy ra cho giáo xứ và hậu quả nào xẩy tới cho cá nhân linh mục.

Rồi cha còn đề cập tới một điểm nữa, theo tôi rất quan trọng: các linh mục, ngay cả lúc sống cách biệt nhau vẫn là một cộng đoàn huynh đệ thực sự, một cộng đoàn yểm trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Để đừng rơi vào cô lập, vào cô đơn với những sầu buồn của nó, điều quan trọng đối với chúng ta là phải thường xuyên gặp gỡ nhau.

Giáo phận phải có trách nhiệm lập ra phương cách tổ chức tốt nhất các buổi gặp gỡ của các linh mục, ngày nay chúng ta có xe hơi nên việc đi lại dễ dàng hơn nhiều, để cảm nghiệm có nhau mãi mãi được tươi mới, học hỏi lẫn nhau, sửa chữa cho nhau và giúp đỡ nhau, động viên nhau và khích lệ nhau ngõ hầu trong sự hiệp thông của hàng ngũ linh mục này, cùng với vị giám mục, chúng ta có thể tiến hành được việc phục vụ giáo hội địa phương. Chính là điểm này: không linh mục nào là linh mục một mình được; chúng ta là hàng ngũ linh mục và chỉ trong hiệp thông với giám mục này, mỗi người mới có thể tiến hành việc phục vụ của mình được.

Bây giờ, sự hiệp thông đẹp đẽ vốn được mọi người nhìn nhận trên bình diện thần học này, cũng phải được phát biểu ra bằng hành động theo cách thế được giáo hội địa phương nhận diện ra, và sự hiệp thông đó cần được mở rộng vì không một vị giám mục nào là giám mục một mình nhưng là một giám mục trong đoàn giám mục (college), trong hiệp thông vĩ đại các giám mục khắp nơi. Đó là sự hiệp thông ta luôn phải ráng đạt tới.

Và tôi nghĩ: đây là khía cạnh đẹp đẽ một cách đặc biệt của Đạo Công Giáo: nhờ tính Tối Thượng (Primacy), vốn không phải là một thứ quân quyền tuyệt đối mà là một phục vụ cho hiệp thông, chúng ta chắc chắn sẽ có được sự hiệp nhất kia. Như thế, trong một cộng đồng rộng lớn có nhiều tiếng nói, tất cả chúng ta cùng nhau tạo nên bản nhạc đức tin vĩ đại vang vang khắp mặt địa cầu.

Ta hãy cầu xin Chúa khích lệ chúng ta khi chúng ta nghĩ mình không thể xoay sở hơn nữa: chúng ta hãy nâng đỡ nhau, rồi Chúa sẽ giúp chúng ta cùng nhau tìm ra nẻo đường đi đúng đắn.

6. Trẻ em: hành trình và giáo lý

Cha Paolo Rizzi, cha xứ và giảng sư thần học tại Viện Cao Đẳng Khoa Học Tôn Giáo: Kính thưa Đức Thánh Cha, con là cha xứ và giảng sư thần học tại Viện Cao Đẳng Khoa Học Tôn Giáo. Chúng con muốn được nghe ý kiến mục vụ của Đức Thánh Cha về hoàn cảnh liên quan đến các Bí Tích Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức. Luôn có hiện tượng ngày càng có nhiều trẻ em, cả trai lẫn gái, lúc dọn mình lãnh nhận hai Bí Tích này thì cam kết dự các buổi giáo lý nhưng không chịu tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, nên có người đã thắc mắc: làm thế có ích lợi gì? Đôi lúc chúng con muốn bảo họ: “Thà cứ ở nhà còn hơn”.

Tuy nhiên, chúng con vẫn tiếp tục tiếp nhận họ như bao giờ hết, vì tin rằng dù sao cũng tốt hơn là dập tắt cái bấc vẫn còn đang leo lét kia. Nghĩa là chúng con tin rằng dù sao ơn Chúa Thánh Thần vẫn có thể gây hiệu quả quá điều chúng con có thể thấy và trong một thời đại có tính chuyển tiếp như thế này, khôn ngoan nhất là đừng đưa ra những quyết định có tính quyết liệt.

Nói tổng quát hơn, cách nay 35 năm, con nghĩ rằng chúng ta đang bắt đầu trở thành một đoàn chiên nhỏ, một cộng đồng thiểu số, ít nhiều ở khắp nơi tại Âu Châu; bởi thế, chúng ta chỉ nên ban các bí tích cho những ai thực sự cam kết sống cuộc sống Kitô hữu mà thôi. Nhưng rồi, một phần nhờ phong cách của Triều Đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, con lại đã có suy nghĩ khác. Nếu có thể tiên đoán được tương lai, Đức Thánh Cha sẽ nghĩ sao? Đức Thánh Cha sẽ gợi ý cho chúng con các phương thức mục vụ nào? Con xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Benedictô XVI: Đồng ý, (nhưng) ở đây tôi không thể đưa ra được câu trả lời hoàn toàn đúng, tôi chỉ ráng trả lời theo cái nhìn của tôi thôi. Tôi phải nói ngay: tôi cũng theo một lối tương tự như của cha.

Khi còn trẻ, tôi khá nghiêm khắc. Tôi bảo: bí tích là bí tích đức tin, nên ở đâu không có đức tin, không có việc thực hành đức tin, thì không thể ban Bí Tích được.

Và rồi, khi đã làm tổng giám mục Munich, tôi thường nói với cha xứ của tôi: cả ở đây nữa vẫn có hai phe, một phe nghiêm khắc và một phe cởi mở. Rồi với thời gian, tôi mới hiểu ra rằng đúng hơn ta phải theo gương Chúa chúng ta, Đấng luôn luôn cởi mở cả với những người ở bên lề xã hội Israel lúc ấy. Người là Chúa của cảm thương, và, theo nhận định của nhiều thẩm quyền chính thức, Người cũng cởi mở cả với người tội lỗi nữa, chào đón họ và để họ mời mình dùng bữa, lôi kéo họ vào hiệp thông với mình.

Cho nên, tôi muốn nói một cách chắc chắn rằng các bí tích đương nhiên là các bí tích đức tin: khi không có tí yếu tố đức tin nào, khi Rước Lễ Lần Đầu chỉ là bữa ăn trưa thịnh soạn không hơn không kém, với quần áo đẹp và quà tặng hậu hĩnh, thì nó không còn là bí tích đức tin nữa.

Ấy thế nhưng, mặt khác, nếu ta vẫn còn nhận ra một đốm lửa nhỏ nào đó, muốn được rước lễ trong đức tin, một ý muốn ngay nơi trẻ em, muốn được bước vào hiệp thông với Chúa Giêsu, thì với tôi, xem ra ta phải có thái độ cởi mở mới đúng.

Lẽ dĩ nhiên, một mục đích trong giáo lý của ta là giúp trẻ em hiểu rằng Rước Lễ, Rước Lễ Lần Đầu không phải là một biến cố “cố định”, nhưng đòi có sự liên tục trong tình bạn với Chúa Giêsu, đòi phải cùng đồng hành với Chúa Giêsu. Tôi biết: trẻ em thường có ý định và ước muốn được đi Lễ Chúa Nhật nhưng chính cha mẹ các em đã không giúp làm cho ước muốn ấy có thể thực hiện được.

Nếu ta thấy trẻ em muốn điều ấy, muốn đi lễ, thì với tôi điều ấy gần như đã là bí tích bằng ước muốn rồi, là “ý chí” muốn tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Theo nghĩa này, lẽ đương nhiên, trong bối cảnh chuẩn bị lãnh nhận bí tích, ta phải làm hết cách để bắt tay với cả cha mẹ các em nữa, và như thế, có thể nói, ta đã đánh thức trong họ sự nhậy cảm đối với diễn trình mà con em họ đang can dự vào.

Họ nên giúp con cái họ để chúng tuân theo ý muốn riêng của chúng mà bước vào tình bạn với Chúa Giêsu. Tình bạn này vốn là một hình thức sống, một dạng thái tương lai. Nếu cha mẹ muốn con cái mình có khả năng Rước Lễ Lần Đầu, thì ý muốn nặng tính xã hội này có thể phát triển thành ý muốn có tính tôn giáo, giúp cho cuộc đồng hành với Chúa Giêsu trở nên có thể thực hiện được.

Cho nên, tôi muốn nói rằng trong bối cảnh dạy giáo lý cho trẻ em, công tác với cha mẹ các em là điều hết sức quan trọng. Và chính đây là một trong các dịp may để tiếp xúc với các cha mẹ, làm cho đời sống đức cũng hiện hữu đối với người trưởng thành, vì, theo tôi, cả họ nữa, họ cũng có thể nhờ con cái mà học tập lại đức tin và hiểu được rằng dịp long trọng này chỉ có nghĩa, chỉ đúng đắn và xác thực nếu được cử hành trong bối cảnh đồng hành với Chúa Giêsu, trong bối cảnh đời sống đức tin mà thôi.

Như thế, ta nên ráng, qua các trẻ em, mà thuyết phục các cha mẹ xác tín được nhu cầu phải có cuộc hành trình chuẩn bị, một cuộc hành trình được diễn tả qua việc tham dự vào các mầu nhiệm, một hành trình bắt đầu bằng việc làm cho các mầu nhiệm này được yêu mến.

Tôi muốn nói: chắc chắn đây không phải là lời giải đáp hoàn toàn thỏa đáng, nhưng sư phạm đức tin luôn là một hành trình và ta phải chấp nhận hoàn cảnh thời nay. Ấy thế nhưng, ta cũng phải mở rộng những hoàn cảnh ấy tới từng con người nhiều hơn, để kết quả lâu dài không phải chỉ là ký ức bề ngoài về sự vật mà lòng các em được thực sự đánh động.

Giây phút ta xác tín được là trái tim đã được đánh động, lúc nó cảm nhận được chút ít tình yêu Chúa Giêsu, cảm nhận được chút ít ý muốn được tiến bước trên các ngả đường của hướng đi này, thì đó là giây phút, theo tôi, ta có thể nói được rằng ta đã thực hiện được bài giáo lý đúng nghĩa. Thực vậy, ý nghĩa đúng đắn của giáo lý phải như thế này: đem ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu, dù hết sức leo lét, đến với tâm hồn trẻ em, và qua các em tới cha mẹ chúng, nhờ thế mà mở lại được nhiều ngả đức tin cho thời đại ta.

Theo bản tiếng Anh của tờ L’Osservatore Romano 13-20 tháng Tám 2008

(*) Sydney nơi có cử hành lớn mà trong đó chúng ta cùng cảm nghiệm được sự kiện này là Giáo Hội vẫn trẻ trung.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2008. 09:03