Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ðổi Mới Con Người

§ Lm Nguyễn Công Ðoan, SJ

Xã hội loài người thời nào cũng cho ta thấy vấn đề xung đột giữa "cũ và mới". Giữa hai thái độ cực đoan của con người thủ cựu và kẻ chạy theo cái mới là một chuỗi những thái độ thiên về thủ cựu hoặc nghinh tân khác nào giải mầu sắc cầu vồng. Có những người đã thấy cái đã có sẵn từ trước là quí, chỉ thấy an toàn trong những gì mình thừa hưởng của đời trước giống như đứa trẻ chỉ thấy an toàn trong vòng tay của mẹ hiền. Họ không muốn thấy thay đổi hoặc sợ thay đổi trong cách sống, cách làm, cách nghĩ; thậm chí cả những đồ dùng đã cũ họ cũng không muốn thay chỉ vì "đã quen với họ rồi". Thái độ thủ cựu này có khi là hiện thân của một cái nhìn bi quan về cuộc sống như ta gặp thấy trong câu châm ngôn Latinh: "Không có gì mới dưới ánh mặt trời", hoặc trong câu chữ Hán: "Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi" (mảnh đất tôi đang ngồi hôm nay, người xưa đã ngồi đó trước tôi rồi). Nhưng ngay trong nền tư tưởng được truyền đạt bằng chữ Hán cũng đã có bộc lộ một thái độ dung hòa: "Ôn cố nhi tri tân" (ôn chuyện xưa để hiểu chuyện nay), (tuy nghe vẫn có vẻ đề cao cái cũ hơn!), coi cái cũ như một kinh nghiệm về cuộc sống của con người, phản ảnh những nét chung của con người, của cuộc sống qua mọi thời đại; tuy hình thức có đổi thay nhưng những năng lực và động lực vẫn giống nhau. Chính những cái giống nhau đó làm cho người ta có thể ôn chuyện xưa để hiểu chuyện nay. Chúa Giêsu cũng dạy phải biết lấy "cả cái mới và cái cũ" mới là người khôn ngoan. Nhưng đâu là nguyên lý, là tiêu chuẩn cuối cùng để con người chọn lựa cái mới và cái cũ trong cuộc sống làm người?

Ở đây chỉ nêu vấn đề về cuộc sống làm người, vì nó là nhu cầu bức thiết nhất và cao cả nhất của con người. Do đó nó cũng là động lực và tiêu chuẩn cuối cùng cho mọi chọn lựa cũ mới khác liên hệ tới từng mặt của cuộc sống con người.

I. ÐỔI MỚI LÀ QUI LUẬT CỦA CUỘC SỐNG

Sự sống, dù ở cấp sơ đẳng nhất, cũng luôn luôn là một tiến trình đổi mới. Một cơ thể sống bao giờ cũng phải tiếp nhận dinh dưỡng để duy trì và phát triển sự sống của nó. Và mỗi sinh vật thực hiện tiến trình đổi mới theo những quy luật riêng của chủng loại mình: chủng loại sinh vật càng cao thì tiến trình đổi mới càng phức tạp. Trong bậc thang sinh vật trên mặt hành tinh chúng ta thì con người ở mức độ cao nhất và do đó cũng có một tiến trình đổi mới cực kỳ phức tạp về thể chất, tinh thần, xã hội...

a) Ta hãy nhìn vào quá trình đổi mới liên quan tới sự sống thể chất. Con người cần thức ăn, nước, và không khí để nuôi cơ thể. Thiếu một trong ba thứ này là sự sống không thể tiếp tục trong cơ thể con người. Ba chức năng tiêu hóa, hô hấp và tuần hoàn làm cho cơ thể luôn tiếp thu được những chất liệu mới để thay thế, đổi mới, nuôi dưỡng sự sống.

Ðể đáp ứng yêu cầu vật chất này, con người phải kiếm thức ăn, tức là phải lao động. Con vật cũng phải kiếm ăn, nhưng nó chỉ hành động theo bản năng. Mỗi loài vật có một cách kiếm ăn riêng nhiều khi rất tinh vi, kỳ diệu, làm ta phải thán phục, nhưng nó không cải tiến được cách kiếm ăn bẩm sinh. Con người thì khác, nhờ có khả năng văn hóa tức là khả năng tự cải tiến, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, nên con người có sáng tạo trong lao động: cải tiến, đổi mới công cụ và phương pháp lao động để kiếm ăn, tìm và chế biến những nguồn thức ăn mới. Con người càng tiến bộ thì nhu cầu đổi mới trong lao động càng tăng. Từ chỗ ăn trái cây và thịt sống, con người hôm nay đã chế ra bao nhiêu món ăn và đang tiến rất nhanh trong lãnh vực này. Từ chỗ lấy lá cây, da thú che thân để chống lạnh, con người đã chế ra biết bao thứ vải và bao nhiêu kiểu quần áo. Khả năng văn hóa làm cho con người đưa nhu cầu ăn và mặc lên một cấp nữa là ăn NGON và mặc ÐẸP. Con vật tỏ ra cũng thích cái NGON, cái ÐẸP, nhưng không có khả năng làm ra cái NGON và cái ÐẸP. Chỉ có con người với khả năng văn hóa mới biết làm ra cái NGON và cái ÐẸP, và luôn đổi mới cả cái NGON và cái ÐẸP. Con chim biết làm tổ, con vật biết làm ổ, nhưng loài nào cũng có một kiểu riêng và cứ thế mà làm từ đời này qua đời khác. Chỉ có con người đã tiến từ chỗ ở trong hang động đến chỗ biết làm nhà. Có những loài vật biết trang điểm chổ ở, nhưng cũng theo một mẫu nhất định, chỉ có con người biết làm đẹp chỗ ở của mình bằng nhiều cách, tùy thời kỳ và vị trí địa dư, biết tìm ra những vật liệu mới kiểu cách mới.

Trong các lãnh vực ĂN, MẶC và Ở này, ta thấy con người có một nhu cầu đổi mới không ngừng, không những chỉ để đáp ứng yêu cầu NO, ẤM và CHẮC mà còn nhằm đáp ứng cả yêu cầu NGON và ÐẸP nữa. NGON và ÐẸP ở đây vừa biểu lộ khả năng văn hóa của con người, vừa làm cho cái ĂN, cái MẶC và chỗ Ở xứng đáng hơn với phẩm giá CON NGƯỜI. Vậy thì tiêu chuẩn cuối cùng cho NGON và ÐẸP ở đây là CON NGƯỜI. NGON và ÐẸP là sản phẩm của con người để phục vụ con người, nên thước đo của nó cũng chính là con người. Cả phương tiện và cách thức làm ra cái ngon cái đẹp cũng phải đo bằng CON NGƯỜI.

b) Nói đến NGON và ÐẸP với KHẢ NĂNG VĂN HÓA là ta đã chạm tới đời sống tinh thần của con người rồi. Ðời sống tinh thần là khả năng của con người để thưởng thức, cảm nhận và bộc lộ tình cảm, đem trí tuệ và khả năng lao động chinh phục thế giới vật chất để bắt nó phục vụ con người.

Tình cảm con người xung quanh hai đối cực YÊU và GHÉT. Tấn kịch của cuộc đời mỗi con người cũng như lịch sử loài người từ đầu đến cuối đều do YÊU và GHÉT làm động lực và đầu mối triển khai. Hoặc con người làm chủ được YÊU và GHÉT hoặc bị xoay tít bởi lực YÊU-GHÉT mà vạch nên cuộc đời lịch sử. Cũng như vũ trụ quay mãi theo sức chuyển động của tinh vân nguyên thủy thì con người cũng chuyển mãi theo sức đẩy của YÊU-GHÉT và luôn đi tới những khoảng không mới, bộc lộ dưới những hình thức mới qua những đối tượng mới. Mỗi con người, mỗi thế hệ sống cái YÊU và GHÉT theo cách của mình và nhiều khi gần như ảo tưởng rằng chỉ có mình quay cuồng trong cái vòng YÊU-GHÉT đó. Và từ khi có con người để biết yêu và ghét thì con người ấy đã bắt đầu tìm những cách thức biểu lộ YÊU-GHÉT: lời nói, cử chỉ, quà tặng. Phương thế biểu lộ thì vẫn có bấy nhiêu; nhưng hình thức thì lại phải luôn luôn đổi mới. Ai cũng muốn người yêu của mình bộc lộ bằng những hình thức độc đáo, càng độc đáo thì lại càng dễ cho là chân thành (mặc dù Ðông Gioăng hay Sở Khanh nhiều khi còn độc đáo hơn!). Có những chuyện YÊU-GHÉT và những cách biểu lộ đã trở thành mẫu mực. Từ những chuyện thần thoại trong các nền văn hóa cổ xưa đến Roméo Julietts, Lan và Ðiệp... mỗi thời đại, mỗi dân tộc đã tìm những hình thức nghệ thuật để diễn tả, cô đọng kinh nghiệm, quan niệm YÊU-GHÉT của mình. Mỗi con người trong cuộc sống của mình, mỗi thế hệ trong thời đại của mình, đều cảm thấy phải luôn đổi mới tình cảm và cách biểu lộ tình cảm của mình, vừa khám phá sức mạnh của YÊU và GHÉT, vừa tìm xem YÊU và GHÉT như thế nào cho đúng là con người.

Ði vào lãnh vực của trí tuệ, ta lại càng thấy chóng ngợp trước nhu cầu và khả năng đổi mới. Sự hiểu biết của con người về mình, về vũ trụ, về cuộc sống phải đổi mới không ngừng, khi sự hiểu biết của một người, một xã hội ngừng lại thì chính là con người ấy, xã hội ấy đã bắt đầu suy vong. Lịch sử cho chúng ta thấy quá rõ điều ấy. Các chế độ thực dân, phong kiến, độc tài đều lấy ngu dân làm sách lược cai trị. Ngược lại sự mở mang trí tuệ bao giờ cũng đưa tới sự tiến bộ của xã hội. Người chỉ có chút ít hiểu biết và tự thỏa mãn với sự hiểu biết cỏn con ấy bao giờ cũng trở thành gàn dở, làm trì trệ cuộc sống bản thân và xã hội, bởi vì họ đã bóp chết khả năng hiểu biết của người khác. Thảm họa mất nước của chúng ta ở thế kỷ trước cũng bởi thói gàn dở và chính sách ngu dân của bọn vua quan nhà Nguyễn gây nên đó. Họ không tin rằng ngoài Trung Quốc ra còn có cái gì khác đáng học hỏi trên mặt đất này, và cũng không tin rằng ngoài họ ra còn có người Việt Nam nào khác đủ sức hiểu biết để đem lại hạnh phúc cho Dân Tộc này. Chính vì khuyên ta: "Ði ngày đàng học một sàng khôn"; "Ði cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn" và khuyên ta đừng thẹn hỏi người dưới (bất sỉ hạ vấn). Còn kẻ tự mãn với cái hiểu biết cỏn con của mình thì cha ông đã ví như "ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung".

c) Ðời sống vật chất và tinh thần của con người không thể tách rời khỏi đời sống xã hội, vì bản chất con người là sinh vật xã hội. Tính xã hội vừa là hệ quả vừa là yêu cầu sinh tồn của đời sống vật chất và tinh thần của con người. Con người sinh ra và lớn lên, con người lao động kiếm sống, con người yêu ghét, con người hiểu biết... đều do đó làm nẩy sinh quan hệ xã hội, đồng thời nhờ quan hệ xã hội mà phát triển lao động, tình cảm, hiểu biết. Chính do quan hệ hai chiều này mà đời sống xã hội cũng phải luôn đổi mới theo sự đổi mới vật chất và tinh thần của con người và để phục vụ cho sự đổi mới ấy, phục vụ con người. Con người vừa làm nên thời đại của mình vừa do thời đại của mình tạo nên.

Ðến đây ta có thể nói rằng mọi sự đổi mới cuối cùng đều hướng về sự đổi mới con người như một cùng đích và xuất phát từ sự đổi mới con người như nguồn mạch. Tất cả mọi thực tại trần gian này đều để phục vụ con người: "Chúa đã đặt mọi sự dưới chân con người" (TV 8) và truyền cho con người phải "làm chủ mặt đất". "Mọi sự thuộc về anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa" (1 Cor 3,22-23). Cả đến việc Con Thiên Chúa sinh xuống làm người cũng là "vì loài người chúng tôi".

Nhưng tại sao lại phải đổi mới con người? Ðâu là mẫu mực, là tiêu chuẩn cuối cùng để đổi mới con người? Ðổi mới như thế nào? Nhờ đâu?

II. ÐỔI MỚI CON NGƯỜI

a) Tại sao phải đổi mới con người

Ðã nói tới mới tức là phải có cái gì là cũ mà ta cần phải bỏ đi, thay thế. Nói đổi mới con người tức là có con người cũ phải bỏ đi. Thánh Phaolô đã giải thích rộng rãi cho chúng ta về con người cũ và con người mới trong các thư của ngài. Con người cũ là con người sống, yêu ghét, suy nghĩ và hành động theo sự thúc đẩy của tội lỗi, con người bị tội lỗi thống trị. Có con người cũ chính là vì tội lỗi đã xâm nhập và thống trị trong con người, khiến con người không cưỡng nổi quyền lực của nó. Chính tội lỗi làm cho con người không còn là con người nữa, nó làm cho con người trở thành con thú đáng sợ hơn mọi con thú, vì nó làm cho con người vận dụng mọi khả năng thể xác, tình cảm, trí tuệ và cả tính xã hội để phục vụ cho thú tính. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa không phải vì Thiên Chúa có khuôn mặt nào để con người tô vẽ làm mẫu, nhưng vì Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ, con người được thông dự vào Chân Thiện Mỹ, và được mời gọi vươn tới không ngừng để ngày càng thể hiện Chân Thiện Mỹ. Con người có khả năng yêu thương và hiểu biết để cảm nhận và vươn tới Chân Thiện Mỹ. Thiên Chúa là Tình yêu đã dựng nên con người biết yêu. Thiên Chúa là trí tuệ tuyệt đối đã dựng nên con người có trí tuệ để hiểu biết thế giới thọ tạo và hiểu biết Thiên Chúa. Con người giống hình ảnh Thiên Chúa là ở đó. Tội lỗi đảo lộn tất cả. Nó làm cho con người lấy cái xấu xa, giả dối thay Chân Thiện Mỹ, ghét cái đáng yêu và yêu cái đáng ghét: thay vì hiểu biết để vươn lên thì lại dùng trí tuệ để thi thố những gì làm cho con mình gần con vật hơn. Thảm kịch của con người bị tội lỗi thống trị đã được thánh Phaolô mô tả sinh động trong Roma 7 và kết thúc bằng một câu hỏi bi đát: "Ai sẽ cứu tôi...", để trả lời hân hoan: "Tạ ơn Thiên Chúa vì có Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta".

Quả vậy, đã nô lệ thì cần được giải phóng mà tự mình không giải phóng được thì cần có người giải phóng cho: Con người chỉ có thể thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi trong bản thân mình nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đã ban trong Ðức Giêsu Kitô. Thế là tội lỗi đã làm cho con người thành con người cũ và Ðức Giêsu Kitô giúp con người có khả năng trở thành con người mới. Nhưng cũng cần nói thêm rằng con người mới là con người "được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện đích thực" (Ep 4,24), tức là con người theo đúng ý định của Thiên Chúa khi cho con người xuất hiện, con người giống hình ảnh Thiên Chúa Chân Thiện Mỹ và có khả năng nhận biết và hướng về Chân Thiện Mỹ. Vậy thì chỉ có một con người phải vượt từ tình trạng bị tội lỗi thống trị sang tình trạng được Thánh Thần dẫn dắt. Chính bước vượt ấy là ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, vì nhờ Ðức Kitô ta nhận được Thánh Thần như một nguyên lý sống mới. Nhưng ta phải đón nhận và để cho Thánh Thần dẫn dắt, phải chiến đấu với những lôi kéo của tội lỗi để sống theo Thánh Thần. Ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho ta nhờ Bửu Huyết Ðức Kitô phải thành tựu bằng máu của ta trong cuộc đấu tranh với bản thân và với tất cả những sức lôi kéo của tội lỗi trong ta và quanh ta (x Gal 5; Ep 4; Col 3).

b) Tiêu chuẩn cuối cùng cho sự đổi mới con người

Trên đây, chúng ta đã nói con người đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và phải trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Cần lưu ý tới kiểu nói "giống hình ảnh Thiên Chúa". Tại sao không nói giống Thiên Chúa mà nói giống hình ảnh Thiên Chúa? Chỉ có Ðức Kitô mới là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Col 1,15), vì Ngài là Con Một của Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa tự phát biểu chính mình và nhờ Lời ấy vạn vật được tác thành, Ngài đồng bản tính với Ðức Chúa Cha. Con vạn vật nhờ Ngài mà được tác thành chỉ là phản ảnh vinh quang của Thiên Chúa, con người đứng đầu các tạo vật, được tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa với sứ mạng tiếp tục công trình tạo dựng, chinh phục mặt đất và làm cho nó trở nên xứng đáng với con người, nên con người được gọi là giống hình ảnh Thiên Chúa nhờ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, Con một của Thiên Chúa. Bởi vậy mà trong thư các Tông Ðồ ta thấy có hai kiểu nói: "Hãy noi gương bắt chước Thiên Chúa như những con cái yêu dấu của Người" (Ep 5,1) và: "Hãy sống như Ngài (Ðức Kitô) đã sống" (1 Ga 2,6).

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng dạy Dân Chúa phải bắt chước Ngài mà yêu thương anh em, bênh vực kẻ mồ côi, góa bụa cư ngụ, nghèo hèn, bị áp bức, vì xưa người ngụ cư bên Ai Cập và Ta đã bênh vực ngươi. Chúa Giêsu cũng dạy: "Hãy thương xót như Cha các con trên trời là Ðấng hay thương xót". Nhưng rõ ràng là trong Tân Ước, Chúa Giêsu thường được đặt làm kiểu mẫu cho chúng ta hơn. Tại sao?

Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng đã cứu chuộc con người bằng cách sai Con Một của Ngài, hình ảnh toàn hảo của Ngài sinh xuống làm người "giống như chúng ta mọi đàng". Là hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa nên Chúa Giêsu mới có thể nói: "Ai thấy Ta là đã thấy Chúa Cha rồi". Là người giống như chúng ta, "dãi dầu thử thách mọi bề giống như chúng ta nhưng không phạm tội". Ngài mới có thể kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, học với Ngài: "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng"; "hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con". Thiên Chúa thì chưa ai thấy, nhưng Con Một từ trong lòng Cha mà đến đã kể ra cho những người chứng được thấy vinh quang của Ngài là vinh quang của Con Một do Cha ban cho... Con Một của Thiên Chúa đã đến làm người để sống làm con Thiên Chúa trong thân phận con người, tất nhiên là kiểu mẫu cho những con người được mời gọi làm con Thiên Chúa biết sống làm con Thiên Chúa. Do đó mà Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ phải làm theo lời Ngài, phải bắt chước Ngài, còn các thánh Tông Ðồ thì luôn giảng dạy cho mọi người noi gương bắt chước Chúa Giêsu. Thánh Phaolô có những kiểu nói quyết liệt hơn: "Hãy khuôn theo Ðức Kitô", "hãy mặc lấy Ðức Kitô", và coi sứ mạng Tông Ðồ của Ngài là "chịu đau đớn để sinh anh em lại cho tới khi Ðức Kitô được thành hình trong anh em". Cũng chính vì thế mà các tín hữu ngay thế hệ đầu đã được gọi là "những người theo Ðức Kitô" (Kitô hữu).

Như vậy ta có thể nói kiểu mẫu cuối cùng để đổi mới con người là chính Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vô hình đã bộc lộ hoàn toàn chính mình trong Con Một của Ngài mà Ngài đã sai đến thế gian làm người giống như chúng ta, nên kiểu mẫu gần ta nhất là Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, như các Tông Ðồ đã thấy và nghe và đã sờ được Người và đã làm chứng để chúng ta cũng được dự phần với các ngài (1 Ga 1,1-4; Hr 1,1-4).

c) Ðổi mới như thế nào?

Ðổi mới con người không phải là việc làm một lần là xong, nhưng là cả một tiến trình kéo dài suốt cuộc đời: "nhất nhật tân, hưu nhật tân" (mỗi ngày mỗi mới, càng ngày càng mới). Lý do là con người không bao giờ là một thực thể đã hoàn thành, mà luôn luôn trên đường phát triển, tiến tới thành toàn, thể hiện Chân Thiện Mỹ theo giòng thời gian. Ðó là qui luật phát triển của sự sống thọ tạo.

Khi chúng ta tiếp nhận sự sống mới mà Thiên Chúa ban cho qua đức tin và phép Rửa, thì đó mới chỉ là cái mầm, cái nguyên lý mới, khác nào một hạt mới nảy mầm (x Rm 6). Cái mầm ấy phải lớn lên mãi và sinh hoa kết trái tức là toàn bộ những biểu hiệu của sự sống: lời ăn tiếng nói, cách cư xử, suy nghĩ, hành động. Quá trình phát triển của sự sống này là một cuộc chiến đấu không ngừng, bởi vì con người cũ trong ta không bị trục xuất một lần cho xong, mà dai dẳng đeo theo mãi, giành đất với mầm sống mới khiến ta phải luôn vật lộn với nó như ta nhổ cỏ, bắt sâu để cây ta trồng lớn lên được mà sinh hoa trái. Chính vì thế mà thánh Phaolô nói rằng ta phải "lột bỏ con người cũ". Trong các thư của Tông Ðồ, nhất là của thánh Phaolô, ta thấy những lời giải thích tỉ mỉ về điều này ở phần huấn dụ (nhất là 1 Cr; Ep; Pl; Cl). "Lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới" cụ thể nghĩa là ta từ bỏ cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo "thế gian, xác thịt" để tập lấy cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo như Ðức Giêsu Kitô.

d) Nhờ đâu mà đổi mới được con người?

Sự sống là ân huệ của Thiên Chúa, sự sống mới lại càng là một ân huệ to lớn hơn. Nhưng sự sống lại phải do ta làm cho nảy nở. Vậy thì "có trời mà cũng có ta!" "Con người mới" vừa là ân huệ Thiên Chúa ban vừa là công trình của ta.

1. Ân huệ của Thiên Chúa là điểm khởi đầu của tất cả và cũng là cả quá trình phát triển nữa. Ðiểm khởi đầu là chính sự sống mới và kiểu mẫu con người mới Ngài ban cho ta trong Ðức Giêsu Kitô. Nhờ được kết hiệp với Ðức Kitô (qua lòng tin và phép Rửa) mà ta được quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,12). Sự sống ấy được tác thành trong ta do chính Thánh Thần mà ta nhận được: "Thiên Chúa đã gởi Thánh Thần của Con Ngài vào lòng chúng ta để kêu lên: "Cha ơi" (Gl 4,6). Và chính Thánh Thần là Ðấng dẫn dắt chúng ta sống làm con Thiên Chúa, làm cho mầm sống Thiên Chúa trong ta lớn lên và sinh hoa kết trái. Thánh Phaolô đã kể ra những hoa trái của xác thịt (con người cũ) đối chọi với những hoa trái của Thánh Thần (Gl 5,16-24) và căn dặn chúng ta: "Nếu anh em sống nhờ Thánh Thần thì hãy để cho Thánh Thần dẫn dắt" (Gl 5,25).

2. Cuộc chiến đấu tốt đẹp đòi ta phải dấn thân như một vận động viên chạy đua trong thao trường. Ðó là hình ảnh mà chính thánh Phaolô đã dùng để nói về nổ lực bản thân của người Kitô hữu trong việc trở nên con Thiên Chúa, trở nên con người mới (1 Cr 9,24-27).

Vậy ta phải làm gì để được ơn của Chúa và để thể hiện nỗ lực bản thân, hợp tác với ơn Chúa, vì "Chúa dựng nên bạn không cần có bạn, nhưng Chúa không thể cứu chuộc bạn nếu không có bạn" (thánh Augustinô).

  1. Ðể được ơn Chúa, ta phải cảm tạ vì ơn đã được làm con Thiên Chúa và cầu xin ơn Chúa để ta lớn lên trên đường làm con Chúa, đó là điều cơ bản mà thánh Phaolô dạy ta bằng chính hành động của ngài là tạ ơn và cầu xin cho các tín hữu (x Ep; Cl).
  2. Chiêm ngắm khuôn mẫu Thiên Chúa ban là Chúa Giêsu: đọc và suy niệm Sách Thánh để biết phải sống thế nào.
  3. Kiểm điểm hành động, tình cảm, suy nghĩ, ngôn từ dưới ánh sáng Sách Thánh.
  4. Rèn luyện, tập tự chủ bằng những hình thức khổ hạnh giống như các vận động viên. tập cho mình biết làm chủ được bản năng trong sinh hoạt. Ăn chay, hãm mình là những phương thế quen thuộc của bất cứ ai muốn tự rèn luyện tánh tình, tu dưỡng bản thân. Ai quen buông thả theo bản năng và tình cảm tự nhiên thì sẽ luôn là nô lệ của những thôi thúc, xung động tự nhiên thuộc thú tính.

Cần nói thêm rằng trong cuộc sống con người, quan hệ giữa tư tưởng và hành động có tính hai chiều: hành động làm nảy sinh tình cảm và tư tưởng và ngược lại, tình cảm, tư tưởng điều khiển hành động. Ta còn nhỏ, cha mẹ dạy ta biết thưa, dạ, khoanh tay, cúi đầu chào, giữ vệ sinh, làm việc tốt... dần dần lớn lên, ta biết thế nào là đẹp, là tốt, là quí, là trong và ta gắng làm cho tốt, cho đẹp, rồi chính trong khi gắng thể hiện cái tốt cái đẹp ta lại càng hiểu rõ hơn và do đó càng cố gắng hơn. Ðứa trẻ lần đầu biết làm một điều cho cha mẹ, người khác vui và nhận thấy niềm vui đó sẽ cố gắng làm thêm lần nữa... và cứ thế suốt cuộc đời chúng ta lớn lên trên đường Chân Thiện Mỹ. Tính hỗ tương giữa tình cảm và tư tưởng với hành động là qui luật cần vận dụng trong cuộc nỗ lực trở thành con người mới.

Ðiểm cuối cùng có tính "kỹ thuật" là phải có trọng điểm. Muốn tập luyện môn thể dục thể thao nào cũng phải biết trọng điểm của nó và tổ chức các bài tập để đạt tới đó. trong mỗi con người đều có những ưu và khuyết điểm mang tính "chủ chốt", chi phối toàn bộ cách sống của người đó. Có người thì nhút nhát, người thì tự kiêu, người thì lười biếng... đến mức lúc nào ta cũng thấy những tính xấu ấy biểu lộ ra, hay nói cách khác lúc nào ta cũng có thể nói: "nó làm thế vì nhút nhát..., vì tự kiêu..., vì lười...". Như thế thì nếu người ấy thắng được tính nhút nhát là đã thắng được tính xấu chủ chốt của mình và thay đổi được rất nhiều. Bởi vậy thánh I-nhã khuyên nên tự kiểm xem mình có tính xấu nào là trọng điểm phải diệt và tính tốt nào là trọng điểm cần phát huy, và đặt một kế hoạch tự kiểm hằng ngày riêng về điểm đó.

Lm Nguyễn Công Ðoan, SJ

Đọc nhiều nhất Bản in 15.05.2006. 10:35