Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cùng đi với Thánh Phaolô

§ Vũ Văn An

Ngày 28 tháng Sáu năm 2008 vừa qua, Giáo Hội chính thức khai mạc Năm Thánh kỷ niệm vị Tông Đồ Vĩ Đại của dân ngoại, tức Thánh Phaolô. Không phải là một năm kỷ niệm bình thường mà là một Năm Thánh, cùng tầm cỡ với Năm Thánh 2000 kỷ niệm năm bắt đầu Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Đây là lần đầu tiên, Giáo Hội dành trọn một Năm Thánh cho một vị thánh đặc thù. Sự kiện có một không hai này đủ cho thấy tầm quan trọng của vị Thánh mà cho đến nay, người ta vẫn chưa nắm hết được mọi khía cạnh linh hứng từ con người và trước tác của Ngài.

Khi khai mạc Năm Thánh Thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khuyên ta hãy bắt chước Thánh Phaolô. Điều đặc biệt, chính Thánh Nhân cũng khuyên ta như vậy. Dường như trong lịch sử các thánh từ xưa đến nay, chưa có vị thánh nào khuyên như thế, ngoại trừ Thánh Phaolô. Mà không phải Ngài chỉ khuyên ta có một lần mà thôi. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Ngài khuyên, đúng ra là năn nỉ, ta đến hai lần: “Hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô” (1 Cor 11:1; 4:16. Xin cũng xem 2 Tx 3:7, 9; Dt 13:7).

Điều ấy cho thấy cũng như trong sáng thế, vinh quang Chúa được phản ảnh nhiều cách. Có những vị thánh phản ảnh một khía cạnh nào đó, được một số người nhận dạng với. Nhưng cũng có những vị thánh phản ảnh nhiều khía cạnh hơn, và do đó được nhiều người nhận dạng hơn. Hans Urs von Balthasar gọi những vị thánh ấy là “thánh phổ quát”. Và ngài liệt kê các đấng này vào “Chòm Sao Kitô Học” (Christological Constellation) (xem The Office of Peter and the Structure of the Church). Thực ra, nếu các thánh đều là các vì sao trên trời, thì “các thánh phổ quát” phải là những hành tinh chói sáng xoay rất gần quanh Mặt Trời Chúa Con (trong tiếng Anh, Son đọc như Sun). Thánh Gioan Baotixita, Thánh Phêrô, Thánh Gioan Tông Đồ và dĩ nhiên Thánh Phaolô hẳn phải là những vị ấy. Bước chân theo các ngài, quả là những bước đi vững chắc dẫn ta tới Chúa Con.

Ta sẽ cùng bước với Thánh Phaolô bẩy bước để gặp gỡ Chúa Kitô.

1) Lớn lên trong tình yêu.

Bước này nghe ra có vẻ đơn giản, nhưng nó là một trong các đặc điểm không thể nào miễn chước được của cuộc sống Kitô hữu. Đúng hơn, nó là lối sống trọn vẹn hiến thân mà Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta bằng cái chết trên Thánh Giá. Nó cũng là trọng tâm của Thông Điệp đầu hết của Đức Bênêđíctô XV “Deus Caritas Est” (Thiên Chúa Là Tình Yêu) và là sợi chỉ hồng xuyên suốt mọi lá thư của Thánh Phaolô. Ta hãy xem một số điển hình:

“Tình yêu phải chân thực” (Rom. 12:9)

“Hãy biến tình yêu thành mục tiêu của anh em” (1 Cor. 14:1)

“Tình yêu Chúa Kitô kiểm soát chúng ta” (2 Cor. 5:14)

“Hoa trái Chúa Thánh Thần là tình yêu…” (Gal. 5:22)

“Hãy bước đi trong tình yêu” (Eph. 5:2)

“[Có] cùng một tình yêu, hoàn toàn hòa hợp và một tâm một trí” (Phil 2:2)

“Trên hết mọi sự ấy, hãy mặc lấy tình yêu, là thứ sẽ nối kết mọi sự với nhau” (Col 3:14)

“Xin Chúa làm anh chị em gia tăng và phong phú trong tình yêu” (1 Thess. 3:12)

“Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em yêu mến Chúa” (2 Thess. 3:5)

“Mục tiêu lời truyền của chúng ta là đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch” (1 Tim. 1:5)

“Vì Thiên Chúa không ban cho ta một tinh thần nhút nhát mà là một tinh thần mạnh mẽ và đầy yêu thương” (2 Tim 1:7)

“Hãy chào hỏi những người yêu thương chúng ta trong đức tin” (Titus 3:15)

“Tôi từng nhận được nhiều hân hoan và phấn khởi nhờ tình yêu thương của anh chị em” (Phil. 7)

“Ta hãy xem sét cách làm sao khích lệ lẫn nhau để yêu thương và làm các việc tốt” (Heb 10:24).

Thánh Phaolô diện đối diện với Tình Yêu trên đường đi Đamát và sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Trong cuốn “Ca tụng Thánh Phaolô” của mình, Thánh Chrysostom viết như sau: “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với ngài là ngài biết Chúa Kitô yêu ngài”. Có lẽ Đức Bênêđíctô XVI có đọc qua câu vừa trích, cho nên trong bài giảng ngày 28 tháng Sáu, ngài nói: “Điều thúc đẩy ngài [Thánh Phaolô] cách sâu xa hơn cả chính là sự kiện được Chúa Giêsu Kitô yêu thương và ý muốn được thông truyền tình yêu ấy cho người khác. Thánh Phaolô là người có khả năng yêu thương, và mọi lao nhọc và đau khổ của ngài chỉ có thể giải thích nhờ cái cốt lõi đó”.

Một trong phương thế đo lường mức tăng trưởng tình yêu của ta là dùng chương 13 của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô để “xét mình” hàng tuần. Ai cũng biết rõ chương này “tình yêu thì nhẫn nhục và hiền hậu; tình yêu không ghen tương hay khoác lác”… Điều cơ bản là thay chữ “tình yêu” ở mỗi mệnh đề bằng chính tên của bạn. Thí dụ “Tâm không tự đắc hay làm điều bất chánh; Loan không tìm điều tư lợi; Bỉnh không nóng giận hay nuôi hận thù” (1Cor 13:5). Điều ấy có thể làm bạn buồn cười lúc đầu, nhưng nếu ta thật tình muốn biến “tình yêu thành mục tiêu” trong Năm Thánh kính Thánh Phaolô, việc ấy sẽ là chất xúc tác dẫn tới xoay chiều, hồi tâm, trở lại. Thánh Phaolô từng cầu nguyện cho giáo hội ở Êphêsô để Chúa Kitô ngự trong tâm hồn họ bằng đức tin và họ được bén rễ và đặt cơ sở trên tình yêu (Eph 3:17). Chúng tôi nghĩ Ngài không bao giờ lại hết cầu xin như thế cho Giáo hội và mọi người chúng ta ngày nay, nhất là trong Năm Thánh kỷ niệm Ngài.

2) Gia tăng biên tế tiên tri.

Nhiều người chỉ hiểu tiên tri theo nghĩa tiên đoán tương lai. Dù nghĩa này không hẳn sai, nhưng Thánh Phaolô, qua lời nói và việc làm, sẽ giúp ta hiểu tiên tri có nghĩa gì đối với Giáo Hội. Các suy nghĩ của Đức Bênêđíctô XVI về Thánh Phaolô cũng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn.

Nguyên ngữ Hi-bá-lai nabi, chỉ tiên tri, có nghĩa “người được kêu gọi để lên tiếng”. Ta lên tiếng ra sao trong Giáo Hội? Theo Huấn Quyền, mọi tín hữu đã rửa tội đều được kêu gọi tham dự thừa tác vụ tiên tri của chính Chúa Giêsu (Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo các số 783-785). Ở tâm điểm chức vụ tiên tri Kitô giáo là việc làm chứng nhân cho Chúa Kitô giữa thế gian. Thánh Phaolô làm gương cho ta trong vai trò chứng nhân hết sức can đảm của Ngài cho Chúa Kitô, bất chấp bách hại đau đớn không tài nào tưởng tượng nổi. Ngài nêu gương một chứng nhân triệt để, một lòng can đảm đầy tính tiên tri mà thế giới ngày nay hết sức cần tới. Về gương sáng đó, Đức Bênêđíctô nói rằng: “Anh chị em thân mến, cũng như trước đây, cả ngày nay nữa, Chúa Kitô đang cần những tông đồ sẵn sàng biết hy sinh bản thân mình. Ngài cần các chứng nhân và tử đạo như Thánh Phaolô. Thánh Phaolô, trước đó vốn là một người bách hại Kitô hữu một cách cuồng bạo, nhưng khi ngã xuống đất và bị choáng ngợp bởi ánh sáng thiên giới trên đường tới Đamát, đã không ngần ngại đứng về phía Đấng Chịu Đóng Đinh và bước theo Người không một chút suy tính. Ngài sống và làm việc cho Chúa Kitô, Ngài chịu đau khổ và chết vì Người. Gương sáng của Ngài còn hợp thời xiết bao!”. Bởi thế, để “gia tăng biên tế tiên tri”, việc đầu tiên phải làm là xin ơn thánh để ta trở thành chứng nhân can đảm trong nền văn hóa và phát ngôn công cộng. Ta phải trở thành quán quân của nền văn minh tình yêu trong nền văn hóa sự chết.

Cách thứ hai để “gia tăng biên tế tiên tri” trong Năm Thánh kính Thánh Phaolô là thực hành khía cạnh thứ hai của thừa tác vụ tiên tri. Thánh Phaolô cho ta biết khía cạnh thứ hai này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Ngài. Chương 13 thư ấy có lẽ là suy nghĩ mạnh mẽ và đáng nhớ nhất trong các thư của Thánh Phaolô. Đó là chương của Ngài nói về tình yêu, ơn phúc trổi vượt nhất của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên ít ai biết điều Thánh Nhân khuyên ta như ơn phúc thứ hai quan trọng nhất đến độ ta phải “hết sức khát khao” (1 Cor 14:1). Đó chính là ơn làm tiên tri. Đối với Thánh Phaolô, vai trò tiên tri trong Giáo Hội có khác với điều ta tưởng tượng. Theo Ngài, chúng ta thi hành vai trò tiên tri, khi ta nói với Giáo Hội để “xây dựng, khích lệ và an ủi” Giáo Hội (1 Cor 14:3). Tiên tri như thế là tiên tri của lòng hy vọng (chủ đề Thông Điệp khác của Đức Bênêđíctô XVI). Bởi thế, phần đầu của ơn gọi tiên tri là can đảm làm chứng nhân cho Chúa Kitô trước mặt thế gian, phần hai là đem Chúa Kitô đến với Hiền Thê của Người bằng lời nói và việc làm luôn xây dựng, khích lệ và an ủi. Ba đặc tính đó nằm ngay trung tâm các thư biến cải của Thánh Phaolô gửi cho các cộng đoàn Kitô giáo non trẻ thời Ngài. Dù Ngài có thách thức hay trách cứ họ đi chăng nữa, nhưng nhiệm vụ hàng đầu của Ngài vẫn chỉ là xây dựng, khích lệ và an ủi. Thực vậy, thư thứ nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô khuyên họ không nên “phổng mũi” kiêu hãnh mà đúng ra phải “xây dựng” lẫn nhau bằng hành vi yêu thương và tự hiến. Trong các câu đầu của thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Ngài sẽ tiếp tục nhắc họ nhớ rằng an ủi là trách vụ hỗ tương của họ. Khi một cộng đoàn đặc thù nào đó sống thực ơn gọi tiên tri này, họ đều được Ngài ngợi khen và khích lệ. Ngài viết cho người Thê-xa-lô-ni-ca: “Cho nên hãy khích lệ nhau và xây dựng lẫn nhau, như anh chị em đang làm” (1 Thess. 5:11).

Các nguyên tắc tiên tri ấy (Làm nhân chứng giữa trần gian và làm nguồn an ủi cho nhau) là hai lời mời quan trọng gửi tới chúng ta trong thời đại này. Hơn lúc nào khác, chúng ta đang cần các nhân chứng can đảm và các chi thể biết xây dựng. Hãy tưởng tượng xem trong một thế hệ thôi, thế giới sẽ biến đổi ra sao nếu tất cả chúng ta đều hoàn thành được sứ mệnh tiên tri làm chứng nhân can đảm truớc mặt thế gian. Hãy tưởng tượng xem Giáo Hội sẽ mạnh mẽ và hiệp nhất xiết bao nếu mọi chi thể biết bỏ qua một bên các nghị trình, các tư thế và chỉ trích cá nhân và thay vào đó thực thi ơn gọi làm tiên tri hy vọng. Thánh Phaolô viết rất hay trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Đừng để những lời độc ác thoát ra từ cửa miệng anh chị em, nhưng chỉ là các lời tốt đẹp để xây dựng, hợp lúc, để chúng đem lại ơn thánh cho người nghe” (Eph 4:29).

3) Viết thư.

Bước thứ ba để theo chân Thánh Phaolô trong Năm Thánh của Ngài xem ra có vẻ thường quá, nhưng thật sự lại là một thực hành khá mạnh mẽ, đó là việc viết thư. Khoảng một phần ba Tân Ước là các thư của Thánh Phaolô và một vài vị khác. Các thư này đã đem lại những tác động như thế nào, ai trong chúng ta cũng đã biết.

Trong thời đại của “nhắn tin” (text messages), của “nhắn tiếng” (voice-mails) và điện thư (e-mails) này, quả là vui khi nhận được một lá thư viết tay có dán tem do người ta yêu gửi tới. Thành thử năm nay quả là lúc thuận tiện để tái lập nghệ thuật viết thư xem ra đang mai một đi. Thực vậy, viết thư là bước tuyệt hảo để bổ túc cho hai bước đầu tiên trong việc theo chân Thánh Phaolô. Bởi nó là phương tiện tuyệt hảo để biểu lộ tình yêu và trở thành “tiên tri” bằng cách làm chứng cho Chúa Kitô và khích lệ lẫn nhau. Việc thực hành này cũng là cách rất hay để hiến mình cho người khác (vốn là cách tuyệt hảo để bước chân theo Thánh Phaolô).

Trước nhất, bạn có thể viết thư cho những người lớn tuổi hơn bạn. Hãy viết những bức thư có suy nghĩ, duyên dáng cho cha mẹ hay một vị dìu dắt nào đó vốn có ảnh hưởng lớn trong đời bạn. Có lẽ chưa bao giờ bạn có thì giờ để nói với họ bằng lời về tầm quan trọng của các ngài đối với bạn. Hãy cố gắng tìm một câu Sách Thánh có thể nói lên các ý nghĩ của bạn và miêu tả được các đặc điểm của các ngài. Có thể bạn cần làm hòa với vị nào đó, thì một lá thư viết tay có thể mở được cánh cửa tha thứ. Còn nếu vị đó làm bạn phật lòng, thì đi bước đầu có thể sẽ khởi diễn được tiến trình hàn gắn.

Thứ hai, hãy nghĩ đến việc viết một lá thư cho người trẻ hơn bạn, người mà bạn có thể dìu dắt về phương diện tâm linh. Hãy nghĩ tới các bài học sống nào đó bạn từng học được và nghĩ ra cách hay nhất để có thể thông truyền một cách đơn sơ và rõ ràng các bài học đó đến với họ. Trong một thế giới đang mất đi các nhà dìu dắt (mentors), thì lá thư này sẽ là món quà vô giá đối với một người trẻ (con hay cháu bạn).

Thứ ba, hãy viết thư cho người cùng trang lứa với bạn. Thánh Phaolô là vị Tông Đồ vĩ đại, một phần, vì người cùng trang lứa với Ngài là Banaba đã dám ‘cả gan’ mà ủng hộ người tín hữu mới này của Chúa Kitô. Hãy nghĩ đến việc viết một lá thư cho một người bạn cho họ hay họ quan trọng với bạn ra sao. Dĩ nhiên, bạn cũng nên gồm trong đó một câu Sách Thánh nào đó xem ra thích hợp. Và không chỉ câu Sách Thánh mà thôi, nhưng còn một vài suy nghĩ của bạn về họ nữa. Nói cách khác, hãy chia sẻ hoa trái cuộc sống cầu nguyện hay Đọc Lời Chúa (Lectio Divina) của bạn với họ.

Nếu bạn có con hay có cháu, thì lại càng cần phải là quán quân đối với nghệ thuật viết thư nay đang mất dần đi này. Hãy thường xuyên viết cho chúng và khi chúng ở với bạn, bạn hãy giúp chúng soạn một bức thư gửi cho người chúng yêu thương. Rất có thể đấy là thói quen quan trọng nhất bạn truyền cho chúng.

Cuối cùng, điều quan trọng là phải chứng tỏ sự thật trong ngôn từ của ta bằng các hành động cụ thể. Hãy tưởng tượng cảnh một ông chồng phản bội công khai viết thư ‘tình’ cho vợ. Điều ấy chỉ mang lại đau đớn chứ không giúp được gì, vì hành động của ông ta không đi đôi với các lời phát biểu trong thư. Dĩ nhiên, đây chỉ là một thí dụ quá đáng, tuy nhiên, chắc bạn nhận ra ý nghĩa của nó. Cuộc sống ta phải là các bức thư sống động của yêu thương luôn đi đôi với lời viết tay. Thánh Phaolô nói rất hay về điểm này với tín hữu Côrintô. Khi người khác đặt nghi vấn về “tư cách” của Ngài, Ngài lấy đoàn chiên của mình ra làm chứng minh chắc chắn nhất cho sự chân chính của mình. Cuộc sống của họ đã trở nên những lá thư sống động minh chứng rằng Thánh Phaolô quả đã truyền thông được Chúa Kitô cho họ qua lời nói và việc làm. Ngài hân hoan công bố: “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên “những tấm bia bằng đá”, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2Cor 3:2-3).

4) Chấp nhận sức mạnh cứu rỗi của đau khổ.

Ý niệm cho rằng các đau khổ của ta có thể kết hợp với các đau khổ của Chúa Kitô và gây hiệu quả cứu chuộc trong thế gian, là ý niệm được các trước tác của Thánh Phaolô nhắc đến đầu tiên. Đây quả là một ý niệm cách mạng: đau khổ không phải là điều ta phải tránh bằng mọi giá, nhưng đúng hơn nó chứa đầy ý nghĩa và còn đem lại cả sức sống nữa.

Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, Thánh Phaolô viết về giáo huấn ấy một cách đơn giản rằng: “Tôi vui mừng vì các đau khổ tôi chịu vì anh em, và bằng thân xác tôi, tôi hoàn tất điều còn thiếu trong nỗi thống khổ mà Chúa Kitô phải chịu vì nhiệm thể Người, tức Giáo Hội” (Cl 1:24). Thánh Phaolô không tuyên bố rằng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu không đầy đủ nhưng cho thấy một điều hết sức đẹp. Qua việc Nhập Thể của Người, Chúa Giêsu Kitô đã mở ra một khả thể ‘làm ăn hùn hạp’ (partnership) với chúng ta. Người muốn những ai thụ hưởng công trình cứu rỗi của Người dự phần vào đó.

Ta hãy dùng cuộc đời và các lá thư của Ngài để nhìn kỹ hơn cái ơn phúc huyền nhiệm này. Đau khổ có liên hệ với ơn gọi của Thánh Phaolô ngay từ đầu. Sau khi thuật lại cuộc gặp gỡ làm Ngài mù mắt trên đường tới Đamát, Thánh Luca nói với ta rằng Chúa Giêsu hiện ra với người môn đệ trung thành tên là Ananias để thông báo cho ông một tin tức ít ai tin được: ông có nhiệm vụ đi tìm Saulô, kẻ bách hại Kitô hữu, và chữa lành cho ông ta. Thấy Ananias ngần ngại, Chúa Giêsu cho ông hay: “Con phải đi, vì người này là dụng cụ đã được chọn để đem tên Ta tới Dân Ngoại, vua chúa và con cái Israel; vì Ta sẽ chỉ cho người này biết phải đau khổ ra sao vì danh Ta” (Cv 9:15-16). Ít người trong chúng ta có được ơn trở lại đầy cảm kích như Thánh Phaolô, nhưng tất cả chúng ta đều chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm nhân chứng cho Chúa trước mặt mọi dân nước (hãy nhớ lại việc gia tăng biên tế ‘tiên tri’), và tất cả chúng ta đều được mời gọi chia sẽ Thánh Giá.

Không những việc kếp hợp với Thánh Giá Chúa Kitô nằm ngay trung tâm sứ mệnh của Thánh Phaolô, nó còn là yếu tính sứ điệp của ngài. Tuy là một trong những người có học nhất thời ngài, nhưng thánh nhân vẫn nói với tín hữu Côrintô rằng: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô mà là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1 Cor 2:2).

Việc Thánh Phaolô chấp nhận Thánh Giá sẽ còn vượt quá bên kia sứ mệnh và sứ điệp của ngài mà đụng tới chính sự sống của ngài nữa. Như các tiên tri ngày xưa, ngài sẽ nhập thân sứ điệp của ngài vào chính bản thân mình. “Tôi từng chịu đóng đinh với Chúa Kitô; không còn là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi; và sự sống tôi đang sống bây giờ trong xác thịt tôi, tôi sống bằng đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã thương yêu tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20). Thánh Paholô coi các đau khổ của ngài như một đáp trả đối với Chúa kitô, Đấng đã yêu thương ngài và hiến thân cho ngài trên Thánh Giá. Đền đáp tình yêu ấy bằng một hiến thân tương tự đã trở thành mục tiêu của Thánh Phaolô. Chính trong hành vi đau khổ, ngài yêu thương lại Chúa Kitô và kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, “để tôi có thể biết Người và sức mạnh phục sinh của Người, và chia sẻ được các đau khổ của Người” (Pl 3:10). Rõ ràng là Thánh Phaolô chịu nhiều đau khổ vì Thánh Giá, nhưng ngài được nâng đỡ nhờ điều đang chờ ngài ở cuối đường, “Chúng ta là…người đồng thừa tự với Chúa Kitô, nhờ chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Tôi nghĩ rằng các đau khổ ở đời này chẳng đáng chi sánh với vinh quang sắp được mạc khải cho ta” (Rm 8:17-18). Chính niềm hy vọng Phục Sinh đã đem lại bối cảnh rộng lớn hơn cho nỗi đau khổ của Người và của cả chúng ta nữa. Đó chính là điều đã nâng đỡ Chúa Kitô trên Thánh Giá. Hãy nghe thư Do Thái 12:2: “Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin của ta, Đấng đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Không có nhân đức hy vọng, đau khổ mãi mãi vẫn chỉ là một mầu nhiệm không thể hiểu thấu. Hy vọng phải được kết hợp với đau khổ và cứu rỗi của ta. “Chúng ta được cứu rỗi nhờ đức cậy” (Rm 8:24) chính là dòng mở đầu thông điệp mới đây của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Ta phải mang lấy nhân đức này cách đặc biệt trong Năm Thánh mừng Thánh Phaolô, nhất là vì ta muốn đi sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Giêsu cứu chuộc và các đau khổ bản thân của ta.

Ta cũng nên đọc thông điệp “Spe Salvi” trong Năm Thánh này để bồi đắp nhân đức trông cậy ngõ hầu có thể đứng vững trong những lúc gặp khó khăn, đau đớn hay đau khổ lớn lao và kết hợp các giờ phút ấy cách hoàn toàn hơn với Chúa Giêsu để cứu vớt thế gian.

5. Tái dấn thân phục vụ người nghèo.

Song song với việc rao giảng Phúc Âm, Thánh Phaolô cũng coi việc quyên góp của bố thí cho người nghèo, nhất là những người nghèo tại Giêrusalem, như một sứ mệnh của mình. Cũng như Chúa Kitô, Ngài muốn nuôi sống người ta cả phần hồn lẫn phần xác. Dù sao, thói quen gửi của bố thí qua Giêrusalem (Rm 15:26) đã kéo dài mãi đến ngày nay. Hàng năm các nhà thờ khắp thế giới Công Giáo vẫn có buổi lạc quyên đặc biệt cho giáo hội tại Giêrusalem. Thượng Phụ Giêrusalem đánh giá cao sự giúp đỡ này để duy trì sự hiện hữu của Kitô giáo tại đó, bất chấp các khó khăn chồng chất hiện nay. Năm Thánh mừng Thánh Phaolô này hẳn phải là lý do đặc biệt để ta gia tăng sự đóng góp đó cho anh em Kitô hữu tại Đất Thánh.

Khi ta giúp đỡ người nghèo, ta chứng tỏ lòng mến Chúa Kitô. Ta nói lên lòng mến đó một phần bằng cách bắt chước Người. Thừa tác vụ của Người được đánh dấu bằng tình thương đặc biệt đối với người bé nhỏ và người nghèo khó, và Thánh Giá của Người cho thấy Người sẵn sàng thực hiện sự hy sinh tối hậu cho người nghèo về phương diện thiêng liêng. Cho thêm hơn một chút trong năm nay, giữa thời buổi kinh tế khó khăn này, có thể là một hy sinh đấy, nhưng đó là một hy sinh ta sẽ được trả gấp trăm đời sau.

Thánh Phaolô dành hai chương trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô để nói về các nguyên tắc của việc cho. Ta hãy dành ít phút để cùng đọc hai chương tám và chín của thư ấy. Hãy xin Chúa biến ta thành “người cho một cách vui vẻ” trong Năm Thánh này. Ta hãy cầu xin Chúa ban cho ta cặp mắt để nhìn ra người nghèo ở quanh ta và cặp tai để nghe thấy tiếng kêu cứu của họ.

Khi nói đến người nghèo, không phải ta chỉ muốn nói đến người nghèo thể lý. Bên cạnh “Thương Xác Bẩy Mối” ta cũng có “Thương Linh Hồn Bẩy Mối” nữa. Dạy giáo lý cho các đối tượng khác nhau chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh này.

Sau cùng, tưởng cũng nên nhắc đến một số đoạn chủ yếu trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nói đến mối tương quan của Kitô hữu đối với người nghèo. Khi đọc những đoạn đó, ta hãy cố gắng lên khuôn một vài mục tiêu cụ thể đem lợi ích lại cho người nghèo trong Năm Thánh này. Trong các đoạn này, ta sẽ thấy ra động lực tham gia các công việc thế tục, mối liên hệ của người nghèo với Phép Thánh Thể, sự khôn ngoan giúp ta sống Ngày Của Chúa ra sao, người nghèo và Giáo Hội tại gia, sự hiện diện của Chúa Kitô nơi người nghèo, phục vụ người nghèo như một tham dự vào chức vụ Vương Giả của Chúa Kitô…(các số 2443-2449; 1397; 1939-1942; 2186; 2208; 1373, 786).

6. Sống với thái độ tạ ơn.

Thánh Phaolô là người được đào tạo trong Cựu Ước vốn thấm nhiễm tinh thần tạ ơn. Tạ ơn là một đáp trả hiệp đoàn trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ Salômôn (2Sb 7:3) và là lệnh chiến đấu của các thầy Lêvi, những người đi trước dẫn dân Do Thái lâm trận (2Sb 7:6). Ngoài việc đứng hàng đầu trong việc thờ phuợng tại đến thờ và chiến trận ra, tạ ơn cũng là lời cầu nguyện liên tục của thánh vịnh gia (7:17; 9:1; 28:7; 30:12; 54:6; 86:12; 109:30; 118:28…)

Thánh Phaolô cho rằng “tạ ơn” là một trong hai điều nhân loại tội lỗi đã từ chối không chịu dành cho Thiên Chúa (Rm 1:21). Đây là vấn đề công bằng (dành cho Chúa điều Chúa có quyền được hưởng), và là điều chủ yếu để nhân loại chúng ta nói lên lời tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Khi ta không làm việc đó, tâm trí ta bèn trở nên tối tăm. Ta bắt đầu đánh mất nhân tính của mình và hành động như thú vật.

Khi thực sự hiểu được ơn phúc của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, thì đáp trả duy nhất ta có thể làm được phải là liên tục tạ ơn. Thánh Phaolô nắm rất vững chân lý này, và đời sống Ngài được đánh dấu bằng tinh thần tạ ơn. Không những Ngài truyền cho Kitô hữu phải tạ ơn (Cl 1:12; 3:17; 1Tx 5:18) mà Ngài còn nêu gương việc đó trong đời sống và các thư từ của Ngài. Thực vậy, một trong những phần chủ yếu trong các lá thư của Thánh Phaolô đã được dùng để Ngài dâng lời cám ơn cả Thiên Chúa lẫn các tín hữu đồng đạo của mình (Rm 6:17; 7:25; 1Cor 1:4; 15:57; 2Cor 2:14; 9:15; 1Tx 1:3; 2Tx 2:13).

Trong Năm Thánh mừng Thánh Phaolô này, ta hãy đặc biệt cố gắng, cả bằng lời nói lẫn việc làm, trở thành người biết tạ ơn. Ngay khi mới thức dậy, lời đầu tiên ngỏ với Chúa phải là “con tạ ơn Chúa”. Cũng thế, lời cuối cùng khi vào giường ngủ cũng phải là “con tạ ơn Chúa”. Khởi đầu và kết thúc một ngày với lời tạ ơn như thế sẽ tạo ảnh hưởng đối với mọi thời khắc khác của một ngày sống, nhờ thế ta có thể dâng lên Chúa trọn ngày sống của ta như “của lễ tạ ơn”.

Sống cuộc sống tạ ơn cũng liên hệ với phụng vụ. Đàng sau từ ngữ tiếng Hy Lạp chỉ “tạ ơn” có một điều gì đó còn sâu sắc hơn là việc biết ơn đơn giản. Vì gốc Hy Lạp của chữ tạ ơn chính là eucharistia (Phép Thánh Thể, Phụng Vụ Thánh Thể). Thánh Giá đã trở thành của lễ tạ ơn tối hậu dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, được ta cử hành mỗi lần tụ họp dâng Thánh Lễ. Cho nên, một trong những cách sống cuộc sống tạ ơn sâu xa là năng tham dự tích cực hơn vào phụng vụ. Trong phụng vụ ấy, ta dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha, cùng với lời tạ ơn vì các công trình của Người. Hành vi yêu thương trên Thánh Giá làm tâm hồn Kitô hữu chúng ta vừa khiêm nhu vừa bạo dạn. Nó mời ta đáp trả yêu thương tương ứng vì “Người đã yêu ta trước” (1Ga 4:19). Ta trở thành dân thánh thể khi ta dâng mình cho Chúa như của lễ “tạ ơn” nhờ của lễ tạ ơn của Con Một Người.

7. Bền đỗ đến cùng.

Thánh Phaolô dĩ nhiên là gương mẫu của ta về lòng bền đỗ đến cùng. Về cuối đời, Ngài suy nghĩ về chính cái chết của mình trong thư thứ hai gửi Timôtê. Những lời cuối cùng của một người sắp chết đáng ta chú ý cẩn thận, và các nhân vật thánh kinh thường để lại những lời sau hết rất quan trọng.Giacóp từng làm như thế (các chương sau hết của Sáng Thế), Môsen cũng vậy (cuối sách Đệ Nhị Luật), Thánh Phêrô trong các thư của Ngài (nhất là thư thứ 2) và chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá nữa.

Thư thứ hai gửi Timôtê có lẽ đã được viết từ nhà tù Mamertime ở Rôma nơi Thánh Phaolô chờ phúc tử đạo, cùng với Thánh Phêrô. Với viễn tượng chết trước mắt, Ngài viết rằng: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi”. Sau những lời ấy, Ngài thêm những lời thật đẹp như sau: “ Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm. 4:6-7). Liệu ta có thể thốt ra những lời tương tự như thế vào lúc cuối đời chăng? Liệu có ai dám nói như thế hay ghi như thế trước mộ phần chúng ta hay chăng?

Có thể Năm Thánh này là năm cuối cùng cuộc sống ta trên dương thế. Nghe ra có vẻ chết chóc bi quan, nhưng thực tế là ta phải chuẩn bị để gặp mặt sự chết bất cứ lúc nào…Cái chết có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Một giáo lý viên kia kể lại: ông ra đề tài cho học viên làm bài. Chủ đề như sau: “một nhà thần học nổi tiếng kia có lần nhận xét:nhiệm vụ khẩn trương nhất của ta trên đời là học để chết lành. Với nhận xét ấy, bạn chuẩn bị ra sao chính cái chết của bạn”. Một trong các học viên chăm chỉ của ông tự tay viết một bài trả lời với nhiều ý tưởng sâu sắc. Và vì là buổi học cuối cùng, nên cô gửi bài trả lời qua đường bưu điện. Giáo lý viên này chưa nhận được thư của cô, đã nghe tin cô bạo bệnh mà qua đời!

Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu đòi phải tỉnh táo, kiên tâm và sức mạnh thiêng liêng. Khi thảo luận lời xin cuối cùng trong Kinh Lạy Cha (xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ), Giáo Hội muốn nhắc ta nhớ tới nguồn ban các ơn sau cùng này, “Cuộc chiến đấu ấy và cuộc chiến thắng ấy chỉ có thể có được qua lời cầu nguyện. Chính qua lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ cám dỗ Người, cả ở buổi đầu sứ vụ công khai của Người lẫn trong cuộc chiến đấu tối hậu lúc Người hấp hối (Mt 4:1-11). Trong lời cầu xin với Cha trên trời của ta, Chúa Kitô kết hợp ta với cuộc chiến đấu và cuộc hấp hối của Người. Người thúc giục ta phải tỉnh táo trong tâm hồn mà hiệp thông với Người. Tỉnh táo là “người gìn giữ tâm hồn” và Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho ta: “Xin gìn giữ chúng trong danh Cha” (Ga 17:11). Chúa Thánh Thần luôn tìm cách làm chúng ta tỉnh táo mà canh thức (1Cor 16:13; Cl 4:2; 1Tx 5:6). Cuối cùng, lời cầu xin này có được ý nghĩa cảm kích của nó trong liên hệ với cơn cám dỗ cuối cùng trong cuộc chiến đấu trên trần gian của chúng ta; nó đòi ta phải kiên nhẫn đến cùng. “Này, Ta đến như kẻ trộm! Phúc cho ai tỉnh thức“ (Kh 16:15).

Về phương diện này, điều hữu ích là học thuộc lòng và hàng ngày đọc lời nguyện mà linh mục thường đọc sau khi cả cộng đoàn đã đọc xong Kinh Lạy Cha: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”.

Viết theo Thomas Smith (www.gen215.org). Thomas Smith trước đây là một mục sư Thệ Phản nhưng đã trở lại Công Giáo năm 1996. Hiện ông cộng tác với Đài Truyền Hình EWTN và nhiều đài phát thanh Công Giáo, đồng thời là một diễn giả được nhiều người mộ mến trong các tuần đại phúc cũng như hội nghị, và là nhà trình bầy quốc tế chương trình “ Great Adventure Bible Timeline”. Ông cũng là cựu giám đốc Trường Thánh Kinh Công Giáo Denver và Trường Giáo Lý Denver.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.09.2008. 07:39