Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ trong tư tưởng Thánh Maximillian Kolbe

§ Vũ Văn An

Đôi khi ta nghe người ta nói rằng các trước tác thiêng liêng ngày nay không phản ảnh trọn bộ tín lý về Chúa Thánh Thần. Nhiệm vụ của các nhà chuyên môn là phải suy niệm sâu xa hơn về công trình của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi và các trước tác thiêng liêng Kitô Giáo phải làm nổi bật hành động ban sự sống của Người. Các trước tác này phải đặc biệt đào sâu mối liên hệ kín nhiệm giữa Chúa Thánh Thần và Đức Trinh Nữ Thành Nadarét, và cho thấy ảnh hưởng của nó đối với Giáo Hội. Càng suy niệm thấu đáo các mầu nhiệm Đức Tin hơn bao nhiêu, lòng đạo đức của ta càng trở nên chủ yếu hơn bấy nhiêu (1).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết như thế trong thông điệp “Tôn Sùng Đức Mẹ” (Cultus Marialis) năm 1974. Điều Đức Thánh Cha có thể đã biết hay không biết là Thánh Maximillian Kolbe (1894-1941) đã dành phần lớn đời sống của ngài để khai triển ra một nền thần học về Đức Mẹ nói lên được mối liên hệ kín nhiệm giữa Thánh Thần Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Thành Nadarét; một nền thần học phong phú trong quán niệm, độc đáo trong phương thức, và góp phần vào lòng đạo đức mang lại nhiều sinh lực hơn cho các chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Trung thành với Thánh Truyền Công Giáo, Thánh Maximillian Kolbe tin rằng Đức Maria có một vị thế hết sức trổi vượt trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa; là người cộng tác đầy ý thức vào mọi ơn thánh Chúa ban cho con người. Tuy nhiên, trong khi Thánh Truyền, qua các nhà trước tác như Thánh Louis de Montfort, hay nhấn mạnh tới Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ, coi như đó là nền tảng giáo huấn của mình, thì Thánh Kolbe lại cho rằng tư cách trung gian phổ quát các ơn thánh của Đức Mẹ chủ yếu liên hệ với và được dẫn khởi từ mối liên hệ thân mật và kín nhiệm với Chúa Thánh Thần.

Vị thánh người Ba Lan này cho rằng mọi ơn thánh cuối cùng đều đến với chúng ta từ Đức Chúa Cha, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Con một của Người, và được Chúa Thánh Thần phân phối; và, khi phân phối các ơn thánh ấy, Chúa Thánh Thần luôn hành động trong và qua Đức Mẹ, không phải vì Người bắt buộc phải làm như vậy, nhưng chỉ vì, trong kế hoạch cứu rỗi của mình, Thiên Chúa muốn làm như thế. Và sở dĩ Thiên Chúa muốn làm như thế là vì một lý do: Chúa Giêsu, nguồn mọi ơn thánh, đã đến với chúng ta qua Đức Mẹ nhờ công trình của Chúa Thánh Thần; bởi thế, quả thật mọi ơn thánh đều đến với chúng ta qua Đức Mẹ, nhờ công trình của Chúa Thánh Thần.

Mặt khác, Thánh Kolbe còn nói rằng con đường, qua đó, ơn thánh của Chúa đến với chúng ta, tức từ Đức Chúa Cha, qua Đức Chúa Con và nhờ Đức Chúa Thánh Thần, là nghịch đảo với con đường ta trở lại với Chúa. Con đường ta trở lại với Chúa, tức việc ta yêu thương đáp trả tình yêu và ơn thánh của Người, tiến từ Đức Chúa Thánh Thần (Đấng luôn hành động qua Đức Mẹ), qua Đức Chúa Con và về cùng Đức Chúa Cha (2).

Đối với Thánh Kolbe, vai trò hết sức nổi bật của Đức Mẹ trong sự sắp xếp (ordo) này của Chúa, tức việc ơn thánh và tình yêu từ Chúa đến với con người, và tình yêu từ con người đáp trả lại Thiên Chúa, đặc biệt phát sinh từ việc ngài hợp nhất một cách độc đáo và hết sức thân mật với Chúa Thánh Thần. Thánh nhân cho rằng Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn Đức Mẹ một cách khôn tả đến độ vượt quá và sâu sắc hơn cả sự hợp nhất giữa Chúa Thánh Thần và linh hồn ta nhờ ơn thánh hóa của Bí Tích Rửa Tội (3).

Để soi sáng phần nào sự kết hợp mật thiết giữa Đức Mẹ và Ngôi Ba Thiên Chúa, Thánh Kolbe đã mô phỏng Thánh Truyền mà gọi Đức Mẹ là ‘người phối ngẫu” của Chúa Thánh Thần (4). Nhưng ngài cũng cho rằng thuật ngữ này không thoả đáng hoàn toàn, không lột tả trọn vẹn mối liên hệ mật thiết và hết sức huyền nhiệm này. Vì trong hôn nhân, người đàn ông và người đàn bà, nhờ ơn thánh bí tích, được hợp nhất thành “một thân xác”. Nhưng sự kết hợp giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần mật thiết hơn nhiều sự kết hợp trong hôn nhân. Đã đành, trong các loài thụ tạo do Chúa dựng nên, sự kết hợp giữa vợ chồng là sự kết hợp mật thiết hơn hết. Nhưng Chúa Thánh Thần sống ngay trong linh hồn Đấng Vô Nhiễm, trong thẳm cung chính con người của ngài (5).

Điều gì đáng kể nhất trong mối liên hệ đặc biệt của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần? Thánh Kolbe cho hay đó chính là việc ngài được vô nhiễm nguyên tội từ lúc tượng thai, một việc sở dĩ có được là nhờ công trình trực tiếp của Chúa Thánh Thần. Nhờ Đức Mẹ được Vô Nhiễm Thai, nên Chúa Cha và Chúa Con muốn rằng Đức Mẹ sẽ kết hợp nên một với Thánh Thần Yêu Thương chung của cả hai ngôi vị, một cách gần gũi và mật thiết đến có thể cho phép Chúa Thánh Thần thực hiện được việc Nhập Thể của Ngôi Lời ngay trong lòng Đức Mẹ, khiến ngài trở nên Mẹ Thiên Chúa; và mặt khác, sự kết hợp này phải cho phép Đức Mẹ trở thành dụng cụ hay máng chuyển qua đó Chúa Thánh Thần sẽ phân phát mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được. Thánh Kolbe nhấn mạnh rằng ý nghĩa chính xác của tước hiệu “Vô Nhiễm Thai” là một mầu nhiệm lớn, quá sâu sắc và huyền nhiệm đến độ không thể nào hiểu thấu.

Cách tiếp cận của Thánh Kolbe, nhất là việc ngài nhấn mạnh tới mối liên hệ giữa ơn Vô Nhiễm Thai của Đức Mẹ với tư cách làm trung gian phổ quát mọi ơn thánh của ngài, đã tìm được sự ủng hộ trong thông điệp Marialis Cultus (Tôn Sùng Đức Mẹ) và nhiều trước tác khác của Thánh Truyền. Trong Marialis Cultus, Đức Giáo Hoàng Phoalô VI nói rằng cùng với xu hướng Kitô học trong lòng sùng kính đối với Đức Thánh Nữ Trinh, quả là thích hợp nếu ta làm “nổi bật thêm lòng sùng kính này bằng một trong những sự kiện chủ yếu của Đức Tin đó là Ngôi Vị và công trình của Chúa Thánh Thần”. Cùng trong đoạn văn ấy, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI còn cho hay: cả suy tư thần học lẫn phụng vụ đều nhấn mạnh đến việc: sự can thiệp đầy thánh hóa của Chúa Thánh Thần nơi Đức Mẹ là giờ phút tuyệt đỉnh cho hành động của Người trong lịch sử cứu rỗi. Tỉ dụ, một số giáo phụ và nhà văn của Giáo Hội vốn kể sự thánh thiện tinh nguyên của Đức Mẹ là công trình của Chúa Thánh Thần; như thể Đức Mẹ “được Chúa Thánh Thần nhào nặn để trở thành một thứ vật chất mới và một thụ tạo mới”. Trong mối liên hệ đầy mầu nhiệm giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ, các vị này thấy ra một khía cạnh gợi người ta nhớ tới hôn nhân… và các vị gọi Đức Mẹ là “Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, một biểu thức muốn nhấn mạnh tới tư cách thánh thiêng của Đức Trinh Nữ, nay đã trở thành nơi ngự thường trực của Thánh Thần Thiên Chúa. Đào sâu hơn nữa học lý về Đấng Phù Trợ, các vị thấy rằng từ Người, giống như từ một suối nguồn, sự viên mãn của ơn thánh (xem Lc 1:28) và sự dư thừa hồng phúc đã tuôn trào ra để trang sức cho Đức Mẹ… Và trên hết, các vị đã chạy đến xin Đức Nữ Trinh cầu bầu ngõ hầu được Chúa Thánh Thần ban cho khả năng có thể ‘phát sinh’ ra Chúa Kitô trong linh hồn mình, như lời Thánh Ildephonsus từng cầu nguyện trong câu kinh bất hủ: “Ôi Nữ Trinh rất thánh, con van xin Mẹ cho con có được Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng mà nhờ Người Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu…Ước chi con yêu mến Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, Đấng mà trong Người Mẹ từng thờ lạy Chúa Giêsu là Chúa và ngắm nhìn Người như Con Mẹ” (6).

Trong suốt cuộc sống trưởng thành của mình, Thánh Kolbe luôn cố gắng đào sâu mối liên hệ độc đáo và kín nhiệm của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần. Một cách đặc biệt, ngài coi các lời Đức Mẹ nói với Thánh Bernadette tại Lộ Đức: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai” có một ý nghĩa mạc khải quan trọng về phương diện này. Ta có thể nói: các lời Đức Mẹ nói với Thánh Bernadette luôn luẩn quẩn trong đầu Thánh Kolbe; vì lúc nào ngài cũng cố gắng nắm được tốt hơn mầu nhiệm sâu sắc ẩn sâu bên dưới. Ngài cho hay những lời trên không những cho ta thấy sự kiện Đức Mẹ được tượng thai mà không vướng tội, mà còn cho thấy cách thế đặc ân ấy thuộc về ngài nữa. Nó không phải là một điều tùy thể (accident), mà là một điều gì đó thuộc về chính bản tính của ngài. Vì ngài quả tình là Vô Nhiễm Thai bằng người” (7).

Trong trước tác sau cùng, viết vài giờ trước khi bị Quốc Xã bắt giữ vào ngày 17 tháng Hai năm 1941, Thánh Maximillian đạt tới một thông tuệ sâu sắc, không những giúp ta hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần mà còn giúp ta hiểu rõ hơn việc Người là Ngôi Vị Thiên Chúa đã tự đời đời từ Chúa Cha và Chúa Con ‘mà ra’, cũng như nắm vững hơn vai trò của Đức Mẹ trong việc phân phát mọi ơn thánh của Chúa cho con người trong kế hoạch cứu rỗi của Người.

Trong trước tác này, Thánh Kolbe nói rằng: trong khi Đức Mẹ là một thụ tạo Vô Nhiễm Thai, được dựng nên nhờ tình yêu của Thiên Chúa và nhờ công trình của Chúa Thánh Thần để trở thành một thụ tạo duy nhất được tràn đầy ơn thánh và được chỉ định làm Mẹ Thiên Chúa, thì Chúa Thánh Thần là đấng Vô Nhiễm Thai từ thuở đời đời và không phải là tạo vật, Đấng ‘đã được tượng thai’ bằng tình yêu tự đời đời diễn ra giữa Chúa Cha và Chúa Con; một tình yêu hoàn hảo đến độ đã được ngôi vị hóa. Bởi thế, Thánh Kolbe nói rằng Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Thai được dựng nên; và ngài được như thế là nhờ công trình trực tiếp của Đấng Vô Nhiễm Thai không phải là thụ tạo. Cả hai sự ‘tượng thai’ này đều là hoa trái tình yêu của Chúa; sự tượng thai đầu là thụ tạo và được thực hiện trong thời gian; sự tượng thai sau không phải là thụ tạo và là từ thuở đời đời. Một cách đầy ý nghĩa, chính ở đây, trong những chữ viết cuối cùng của ngài, Thánh Kolbe đã tặng danh xưng “Đấng Vô Nhiễm Thai Không Được Dựng Nên” (Uncreated Immaculate Conception)" cho Chúa Thánh Thần để phân biệt với Đức Mẹ, vốn là “Đấng Vô Nhiễm Thai Được Dưng Nên” (Created Immaculate Conception).

Rõ ràng là, trong các trước tác của mình, Thánh Kolbe đã nắm rất vững nền thần học của Thánh Tôma Tiến Sĩ. Ngài biết rằng ta chỉ có thể đặt tên cho Thiên Chúa bằng các thụ tạo mà thôi; vì Thánh Tôma Aquinô, trong phần đầu cuốn Summa Theologiae (Tổng Luận Thần Học), từng nói rằng lời nói là dấu chỉ các ý niệm, và ý niệm là tương hợp (similitude) của sự vật… Hệ luận là ta có thể đặt tên cho sự vật bao lâu ta hiểu rõ chúng. Ta biết Thiên Chúa nhờ các thụ tạo như là nguyên lý của chúng. Bởi thế, theo cách đó, Người có thể được chúng ta đặt tên nhờ các tạo vật, nhưng lẽ dĩ nhiên cái tên chỉ về Người không phát biểu được chính yếu tính thần linh của Người (8).

Thánh Kolbe cũng biết rằng Thánh Tôma không đặt tên riêng cho đấng thứ hai được phát sinh ra (procession) từ Ba Ngôi Thiên Chúa, vì nơi thụ tạo, việc sinh ra (generation) là nguyên lý thứ nhất của sự thông truyền bản tính (communication of nature), và việc sinh ra chỉ có thể gán cho việc phát sinh ra trí hiểu của Thiên Chúa (Ngôi Lời); chứ không thể áp dụng cho việc phát sinh ra ý chí (Tình Yêu). Bởi thế, việc phát sinh mà không phải là sinh ra, vì không có tên riêng, nên được gọi là “phà hơi” (spiration), tức việc phát sinh ra Thánh Thần (9). Đàng khác, Thánh Tôma còn nói rằng vì việc phát sinh ra Tình Yêu nơi Thiên Chúa không có tên riêng, nên Ngôi Vị phát sinh ra cách đó cũng không có tên riêng (10), mặc dù sau đó, thánh nhân vẫn dành cho Ngôi Vị này những tên riêng như “Tình Yêu” (11) và “Hồng Ân” (Gift) (12) trong khi nhận rằng làm thế chỉ vì “nghèo nàn trong ngôn từ”.

Trong trước tác sau cùng của mình, Thánh Kolbe viết tiếp rằng: Mọi sự hiện hữu, bên ngoài chính Thiên Chúa, vì từ Thiên Chúa mà ra và luôn luôn tùy thuộc vào Người, nên mang nét hao hao phần nào đó giống như Đấng Dựng Nên mình… bởi vì mọi loài thụ tạo đều là hậu quả của Đệ Nhất Nguyên Nhân.

Đúng là những ngôn từ ta dùng để nói về các thực tại thụ tạo chỉ nói lên sự hoàn hảo của Chúa một cách ngập ngừng, có giới hạn và loại suy (analogical) mà thôi. Chúng chỉ là những tiếng vang ít nhiều từ xa vọng lại nói về các phẩm tính của chính Thiên Chúa, cũng như các thực tại thụ tạo mà chúng đứng thay cho.

Nhưng há “tượng thai” không phải là một luật trừ hay sao? Không; không bao giờ có luật trừ nào cả (13). Đứng trên quan điểm của trường phái Tôma, điều vị thánh người Ba Lan này viết trong trước tác sau cùng của ngài quả là sáng chói. Ngài biết rằng tại Lộ Đức, Đức Mẹ tự định nghĩa ngài là sự Tượng Thai Vô Nhiễm. Mặc dù không hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa thuật ngữ này khi áp dụng vào Đức Mẹ, nhưng ngài hiểu tạm đủ nó muốn nói Đức Mẹ chính là sự Tượng Thai Vô Nhiễm; ta cũng có thể nói: sự Tượng Thai Vô Nhiễm nằm ngay trong “chính bản tính của Đức Mẹ”. Trong các câu chữ sau cùng, sau khi viết rằng Chúa Cha sinh hạ (begets) từ thuở đời đời và Chúa Con được hạ sinh (begotten) từ thuở đời đời, Thánh Kolbe đã áp dụng ý niệm hay cái tên mà Đức Mẹ, trong tư cách thụ tạo, đã dùng để tự định nghĩa về mình, cho Thiên Chúa; nhất là cho Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là ai? Là sự đơm bông tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nếu hoa trái của tình yêu thụ tạo là sự tượng thai thụ tạo, thì hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, vố là nguyên mẫu của mọi tình yêu thụ tạo, nhất thiết phải là sự “tượng thai” Thiên Chúa. Bởi thế, Chúa Thánh Thần chính là “sự tượng thai không được dựng nên nhưng có tính đời đời”, là nguyên mẫu của mọi sự tượng thai vốn nhân thừa sự sống suốt tận cùng vũ trụ (14).

Thánh Kolbe nhận định rằng: về phương diện phát sinh của Thiên Chúa, tượng thai có thể có hai nghĩa. Thứ nhất, nó có nghĩa như một hành vi của tri thức qua đó người ta “tượng thai” một ý niệm nghĩa là một khái niệm (concept); và đó là cách Thánh Tôma dùng để mô tả việc Ngôi Lời đã phát sinh ra sao từ Chúa Cha (15). Thứ hai, nó có nghĩa như một hành vi của ý chí, mà Thánh Tôma vốn mô tả như một “thúc đẩy và chuyển dịch hướng về một đối tượng” (16). Thánh Tôma nói rằng “việc phát sinh ra ý chí (tức Tình Yêu trong Chúa Ba Ngôi) được thực hiện… bằng một thúc đẩy và chuyển dịch hướng về một đối tượng”. Như thế, ta có thể nói rằng tình yêu được “tượng thai” giữa hai chủ thể. Đó chính là cách Thánh Kolbe dùng hạn từ ấy để mô tả việc phát sinh ra Tình Yêu nơi Chúa Ba Ngôi. Ngài nói rằng ta có thể đặt tên riêng cho việc phát sinh ấy là sự (hay Đấng) Tượng Thai Vô Nhiễm Không Được Tạo Dựng Nhưng Có Tính Đời Đời”, một cái tên có thể mô tả được hành vi yêu thương (tức hành vi của ý chí) phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Hơn nữa, tận cùng hay cùng đích của hành vi yêu thương phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con kia, một tình yêu hoàn hảo vì có tính Thiên Chúa, có thể được ngôi vị hóa. Thánh Kolbe gọi Ngôi Vị ấy, một Ngôi Vị vốn là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, bằng tên riêng là sự Tượng Thai Vô Nhiễm Không Được Dựng Nên Nhưng Có Tính Đời Đời.

Thánh Tôma vốn cho rằng: “Ta chỉ có thể đặt tên cho Thiên Chúa từ các thụ tạo. Vì nơi thụ tạo, việc hạ sinh là nguyên lý duy nhất của việc thông truyền bản tính, nên việc phát sinh nơi Thiên Chúa không có tên riêng hay tên đặc thù, ngoài chính việc hạ sinh. Bởi thế, việc phát sinh mà không phải là hạ sinh mãi mãi không có tên đặc thù” (17). Nhưng việc Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Mẹ nhận diện không những cách thức ngài được tượng thai (chỉ một hành động); tên ấy còn nhận diện chính con người của ngài nữa. Như Thánh Kolbe từng nói, sự Tượng Thai Vô Nhiễm “không phải là một cái gì tùy thể [accidental]; nó là một cái gì thuộc về chính bản tính của ngài. Vì ngài là chính sự Tượng Thai Vô Nhiễm bằng người”.

Thánh Kolbe chính xác muốn nói gì khi ngài viết rằng sự Tượng Thai Vô Nhiễm “thuộc về chính bản nhiên của ngài” tức Đức Mẹ? Chính thánh nhân, khi xem sét chủ đề này, cũng phải nhìn nhận rằng ta đang giáp mặt với một mầu nhiệm khôn tả. Ngay từ năm 1933, ngài từng viết rằng: “Đấng Vô Nhiễm là đấng nào và có nghĩa là gì? Ai có thể hiểu ngài một cách hoàn toàn được?... Mọi người chúng ta có thể hiểu “mẹ” có nghĩa gì; nhưng “Mẹ Thiên Chúa” thì là một điều gì đó mà lý trí của ta cũng như trí khôn hữu hạn của ta không thể nào thực sự nắm bắt được. Cũng thế, chỉ có Thiên Chúa mới thực sự hiểu được “vô nhiễm” nghĩa là gì mà thôi. Cùng lắm, ta chỉ có thể phỏng đoán là “được thụ thai mà không mang tội”; nhưng “Tuợng Thai Vô Nhiễm” là một biểu thức có rất nhiều trong các mầu nhiệm của Đạo (18). Và trong trước tác cuối cùng vào ngày 17 tháng Hai năm 1941, Thánh Kolbe một lần nữa đặt câu hỏi: “Ôi lạy Đấng Tượng Thai Vô Nhiễm, vậy Mẹ là ai?”.

Có lẽ trước hết, ta nên xem sét điều Thánh Kolbe không đề cập tới trong lời phát biểu của ngài rằng việc Tượng Thai Vô Nhiễm “thuộc về chính bản tính của Đức Mẹ”. Rõ ràng, ngài không nói: Đức Mẹ không có một bản tính nhân loại do việc hạ sinh nhân bản đem lại. Đức Mẹ hoàn toàn là nhân bản. Ngài tiếp nhận bản tính nhân loại của mình từ cha mẹ tự nhiên của ngài qua việc hạ sinh nhân bản. Thiển nghĩ, Thánh Kolbe cũng không có ý nói Đức Mẹ có một bản tính “siêu nhân” hay lúc ngài được Tượng Thai Vô Nhiễm, một sự gì đó đã “được thêm vào” cho bản tính nhân loại của ngài. Hiệu quả của việc thêm thắt này khiến ngài trở thành điều gì đó khác với hữu thể nhân bản. Không; trong yếu tính, Đức Mẹ là nhân bản trọn vẹn, giống như chúng ta vậy. Điểm dị biệt giữa Đức Mẹ và mọi thành viên khác trong gia đình nhân loại liên quan tới ơn thánh; nó nằm trong sự kiện này là ngay giây phút đầu tiên ngài được tạo dựng hay tượng thai, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, ngài được ban một ơn thánh hay một đặc ân đặc biệt, ơn mà Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX, trong thông điệp dùng để định nghĩa Tượng Thai Vô Nhiễm, tức thông điệp Ineffabilis Deus (Thiên Chúa Khôn Tả), đã cho rằng luôn gìn giữ Đức Mẹ khỏi mọi vết nhơ của Nguyên Tội.

Vị thánh người Ba Lan này chắc chắn biết rõ: ơn thánh vốn xây trên bản nhiên. Nói rằng Tượng Thai Vô Nhiễm có ý nói tới điều gì đó có tính yếu tính nơi Đức Mẹ, như một phần trong chính bản tính nhân loại của ngài, hơn là một ơn thánh đặc thù nào đó, có thể đi ngược lại thông điệp của Đức Piô IX; vì nếu Đức Mẹ, trong chính bản tính, trong chính yếu tính, là sự Tượng Thai Vô Nhiễm, chả hóa ra ngài không cần đến bất cứ một ơn thánh đặc thù nào giúp ngài được như thế hay sao. Bởi thế, cần phải giải thích cặn kẽ các ngôn từ của Thánh Kolbe khi quả quyết rằng Tượng Thai Vô Nhiễm vốn thuộc về chính bản tính của Đức Mẹ; hẳn thánh nhân sử dụng kiểu nói ấy để chuyên chở ý nghĩa này: sự Tượng Thai Vô Nhiễm là một điều gì đó đã trở thành một phần của Đức Mẹ đến độ ngài có thể dùng nó để định nghĩa về chính mình.

Chính nhờ ơn thánh và đặc ân đặc thù đó, không ban cho bất cứ một hữu thể nhân bản nào khác ngoài Đức Mẹ, nên ngài mới nói được rằng “Ta là Đấng Tượng Thai Vô Nhiễm”. Ơn thánh đặc thù đó, một ơn thánh vốn kết hợp ngài một cách khôn tả với Chúa Thánh Thần và đã giúp ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, và là người hợp tác một cách tích cực và có ý thức vào mọi ơn thánh Chúa ban cho con người, đã được đồng hóa với chính con người Đức Mẹ một cách mật thiết đến độ ngài thật sự có thể đồng hóa ơn thánh đó với chính bản ngã, chính con người của mình.

Ở đây, có một loại suy có thể giúp ta hiểu điều trên. Chúa Giêsu Kitô có thể nói rất đúng rằng: “Ta là Linh Mục Đời Đời”. Người là Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời do sự kết hợp nhị tính (hypostatic union) qua đó Người, vốn là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tự kết hợp với một bản tính nhân loại, và do sự kiện này là Người tự dâng mình vừa như Linh Mục vừa như Của Lễ Hy Sinh trên Thánh Giá ở Đồi Canvariô. Không ai khác có thể tự hào như thế được (dù những người được thụ phong vào chức linh mục thừa tác, được chia sẻ chức linh mục của Chúa Kitô, có thể nói rằng “Tôi là một linh mục”). Cũng giống như thế, Đức Mẹ có thể nói rất đúng rằng: “Ta là sự Tượng Thai Vô Nhiễm (được dựng nên)” vì ơn thánh và đặc ân đặc thù này đã không được ban cho bất cứ thụ nào khác ngoài ngài ra. Như thể ngài muốn nhắn với ta: “Ta, và chỉ một mình ta, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi ngay ở giây phút ta được tượng thai. Chỉ có ta được kết hợp nên một với Chúa Thánh Thần, một cách dấu ẩn và mầu nhiệm mà thôi. Chỉ một mình ta là Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời trở thành Xác Thịt. Và chỉ một mình ta hợp tác với hết Trái Tim Vô Nhiễm của ta vào cái chết cứu chuộc của Con Trai ta, và nay đang hợp tác với Chúa Thánh Thần trong việc phân phát mọi ơn thánh do Chúa Giêsu tạo lập được nhờ công nghiệp của Người”.

(còn một kỳ)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.05.2009. 08:26