Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ trong tư tưởng Thánh Maximillian Kolbe (2)

§ Vũ Văn An

Một cách khác để xem xét ơn thánh đặc thù đã ban cho Đức Mẹ là so sánh nó với ơn thánh bí tích vốn tạo nên dấu ấn không thể tẩy xóa trong linh hồn ta, và do đó tác động tới các sức mạnh của linh hồn ta. Phép Rửa làm chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và giúp ta gia nhập Nước của Người; Phép Truyền Chức làm các ứng viên chia sẻ chức linh mục đời đời của Chúa Kitô, đồng hình đồng dạng các ngài với Chúa Kitô và cho phép các ngài thừa hành ba chức năng tư tế là giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Cũng trong cách đó, ơn đặc thù ban cho Đức Mẹ vào lúc ngài được tượng thai làm ngài nên một và đồng hình đồng dạng một cách đặc biệt không sao diễn tả nổi với Chúa Thánh Thần, và ơn thánh đặc thù ấy lên sức mạnh cho ngài hay làm ngài có khả năng phản ảnh ngay trong linh hồn ngài chính thuộc tính có tính yếu tính nhất vốn gán cho Chúa Thánh Thần, đó là sức mạnh thần thánh của tình yêu mang nhiều hoa trái.

Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu bằng Ngôi Vị; Tình Yêu vừa tiếp nhận vừa mang nhiều hoa trái. Chúa Thánh Thần hoàn toàn thu nhận tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, và Người làm cho tình yêu ấy sinh hoa trái bằng cách đổ tràn, đáp trả một cách vô cùng bội hậu tình yêu Người đã tiếp nhận. Sự tiếp nhận của Đức Mẹ được tỏ hiện sau này trong lời “Xin Vâng” đầy ý chí tự do, nhờ đó ngài đã mở trọn con người của ngài cho tình yêu sáng tạo của Chúa Thánh Thần và do đó đã mang lại hoa trái hết sức bội hậu: ngài được trở thành Mẹ Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô; và trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, ngài dự phần vào việc phân phát mọi ơn thánh do Con của Ngài lập được nhờ công nghiệp của mình.

Một cách chủ yếu, Đức Piô IX đã dạy chân lý trên trong tông hiến Ineffabilis Deus khi ngài viết rằng Đức Mẹ “thánh thiện một cách đặc biệt và hết sức trong trắng trong linh hồn và thân xác… là người duy nhất đã trở nên nơi mọi ơn thánh của Chúa Thánh Thần chí thánh cư ngụ” (19). Còn Thánh Kolbe thì phát biểu chân lý cao cả ấy cách rõ ràng trong trước tác của mình như sau: Chúa Thánh Thần làm cho ngài mang nhiều hoa trái ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên trong đời, mọi giây phút ngài hiện hữu và mãi mãi đời đời. Đấng Tượng Thai Vô Nhiễm đời đời này (tức Chúa Thánh Thần) sản sinh ra (hay đúng hơn: tượng thai?) một cách hết sức vô nhiễm chính sự sống thần linh trong ‘dạ’ linh hồn Đức Mẹ, làm ngài trở thành Tượng Thai Vô Nhiễm, hay Tượng Thai Vô Nhiễm nhân bản. Và dạ đồng trinh của thân xác Đức Mẹ đã được giữ luôn thánh thiêng cho Người; chính ở đó, trong thời gian, Người đã tượng thai sự sống nhân bản của Thiên Chúa làm người (20).

Bây giờ ta có thể nắm vững cách rõ ràng hơn điều Thánh Kolbe muốn nói khi ngài gọi Chúa Thánh Thần là sự Tượng Thai Vô Nhiễm Không Phải Là Thụ Tạo, và gọi Đức Mẹ là sự Tượng Thai Vô Nhiễm Thụ Tạo. Chúa Thánh Thần đã sản sinh hay “tượng thai” cách vô nhiễm trong linh hồn Đức Mẹ, lúc ngài được tượng thai, ơn thánh đặc thù vốn gìn giữ ngài khỏi mọi tì vết của Nguyên Tội; và hơn nữa, qua ơn thánh đặc thù này, Người kết hợp Đức Mẹ với Người một cách khôn tả và thông truyền cho ngài, một thụ tạo, khả năng trở thành “nơi cư ngụ của mọi ơn thánh [của Người]”, như lời Đức Piô từng nói. Ơn thánh đặc thù vốn kết hợp Đức Mẹ một cách mật thiết với Chúa Thánh Thần này giúp ngài có thể phản ảnh ngay trong linh hồn ngài (qua sự hợp tác đầy ý chí tự do của ngài) chính thuộc tính có tính yếu tính nhất của Chúa Thánh Thần, đó là tình yêu mang hoa trái một cách hết sức bội hậu. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ơn thánh đặc thù của tình yêu thần thánh này mang hoa trái lại cho Đức Mẹ, trong lòng dạ ngài, là việc Nhập Thể; và trong việc ngài hợp tác với Chúa Thánh Thần để phân phát mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được nhờ công nghiệp của Người. Như chính Thánh Kolbe từng nói: “Người làm cho Đức Mẹ mang hoa trái, ngay từ giây phút đầu tiên ngài hiện hữu, trong cuộc đời ngài và muôn đời muôn kiếp, thiên thu vạn đại”

Việc Tượng Thai Vô Nhiễm sự sống thần linh và tình yêu mang hoa trái này trong linh hồn Đức Mẹ được thực hiện nhờ hành động yêu thương, một hành động thuộc ý chí mà Thánh Tôma vốn mô tả như một “thúc đẩy và chuyển dịch hướng về một đối tượng”. Như thế, vị thánh người Ba Lan này có khả năng đi từ một tạo vật là Đức Mẹ tới Thiên Chúa Thánh Thần, và gọi cả hai vị là “Tượng Thai Vô Nhiễm”: Hành vi của ý chí hay tình yêu thần linh nơi Chúa Thánh Thần vốn sản sinh hay “tượng thai” ơn thánh đặc thù trong Đức Mẹ nhờ đó Đức Mẹ được tượng thai (sinh hạ) mà không vương Nguyên Tội và được biến thành hiền thê nhiều hoa trái của Người; và hành vi của ý chí hay tình yêu thần linh phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con vốn sản sinh hay “tượng thai” sự phát sinh ra Tình Yêu nơi Thiên Chúa Ba Ngôi (mà Thánh Tôma gọi là sự phà hơi tích cực).

Đàng khác, Thánh Kolbe còn viết rằng Chúa Thánh Thần “sản sinh [tượng thai] một cách vô nhiễm chính sự sống thần linh ngay trong thẩm cung linh hồn Đức Mẹ, qua đó biến Đức Mẹ thành sự Tượng Thai Vô Nhiễm nhân bản”. Như thế, đối với Thánh Kolbe, sự Tượng Thai Vô Nhiễm (nơi Đức Mẹ) có ý nói tới cả hành vi yêu thương thần thánh của Chúa Thánh Thần, hành vi vốn “tượng thai” ơn thánh đặc thù trong linh hồn Đức Mẹ để kết hợp Đức Mẹ với Người; lẫn chính ơn thánh đặc thù, ơn thánh mà Đức Mẹ đã minh nhiên đồng hóa với chính con người của ngài đến nỗi đã có thể định nghĩa đúng về mình mà cho rằng “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai”. Và vì Chúa Thánh Thần vốn phát sinh, hay được “tượng thai” một cách vô nhiễm, từ tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con, nên ta có thể gọi Người bằng tên riêng là Đấng Vô Nhiễm Thai Không Được Dựng Nên Nhưng Đã Có Từ Đời Đời.

Thánh Maximillian Kolbe dùng chính lời Đức Mẹ nói tại Lộ Đức không với mục đích để khai triển ra một nền thần học Ba Ngôi về Chúa Thánh Thần. Đây chỉ là một phương tiện nhằm tới một mục đích. Mục đích tối hậu của thánh nhân là để hiểu Đức Mẹ rõ hơn dưới ánh sáng những lời đẹp đẽ Đức Mẹ phán với Thánh Nữ Bernadette, và để cố gắng giải đáp câu hỏi từng khiến thánh nhân cầu nguyện và suy niệm lâu ngày: “Ôi lạy Đấng Vô Nhiễm Thai, vậy Mẹ là ai?”.

Các suy niệm của Thánh Kolbe giúp ta hiểu rõ hơn việc Đức Mẹ đứng làm trung gian phổ quát các ơn thánh. Như chính thánh nhân đã khẳng định: “Việc Đức Mẹ làm trung gian là hệ luận từ tín điều Vô Nhiễm Thai của ngài” (21). Ơn thánh đặc thù ban cho Đức Mẹ lúc ngài được tượng thai gìn giữ ngài khỏi mọi tì vết của Nguyên Tội và kết hợp ngài một cách kín nhiệm với Chúa Thánh Thần, Đấng, theo vị thánh người Ba Lan này, đã làm Đức Mẹ “mang hoa trái từ giây phút hiện hữu đầu tiên, trong suốt đời ngài và mãi mãi thiên thu vạn đại”. Những lời này vang vọng lại lời của Thánh Louis de Montfort, là người từng nói rằng Chúa Thánh Thần “đã quyết định dùng Rất Thánh Đức Mẹ, dù Người tuyệt đối không cần tới Đức Mẹ, ngõ hầu có thể trở nên đấng mang nhiều hoa trái tích cực trong việc sản sinh ra Chúa Giêsu Kitô và các chi thể của Người trong Đức Mẹ và qua Đức Mẹ” (22). Thánh de Montfort cũng là người từng nói rằng cũng một Chúa Thánh Thần ấy đã chọn Đức Mẹ làm “đấng ban phát mọi sự Người có, đến độ Đức Mẹ muốn phân phát các hồng ơn và ơn thánh của Người cho ai, bao nhiêu, cách nào và khi nào tùy thích” (23). Hai vị đại thánh của Đức Mẹ này nhất trí rằng Đức Mẹ là Đấng Trung Gian (Mediatrix) mọi ơn thánh Chúa Kitô tạo lập được nhờ công nghiệp của Người. Hai vị, trong yếu tính, cũng nhất trí về các lý do khiến Đức Mẹ có vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa: Ngài là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và là hiền thê hay dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Hai vị chỉ khác nhau đôi chút trong nhấn mạnh mà thôi. Thánh de Montfort (và đa số các nhà văn trong Thánh Truyền) thì nhấn mạnh tới chức làm mẹ của Đức Mẹ, trong khi Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ thân mật của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần, một liên hệ phát sinh từ việc Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài.

Ta có thể thử đưa ra một tổng hợp cho cả hai cách nhấn mạnh trên: ơn thánh và đặc ơn đặc biệt ban cho Đức Mẹ, từng kết hợp ngài một cách khôn tả với Chúa Thánh Thần và có được là do công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được sắp xếp cho mục đích kép sau đây: thứ nhất, Đức Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa, và qua ngài, Chúa Giêsu Kitô sẽ đến, Đấng vốn là Suối Nguồn mọi ơn thánh; và thứ hai, Đức Mẹ sẽ là dụng cụ nhân bản sống động của Chúa Thánh Thần qua đó Chúa Thánh Thần sẽ phân phát mọi ơn thánh mà Chúa Kitô đã tạo lập được bằng công nghiệp của Người. Dĩ nhiên, mục đích sau được thực hiện trong và nhờ mục đích trước.

Ta có thể phát biểu chân lý trên một cách khác: Sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Thánh Nữ Trinh Maria được sắp xếp hướng về việc Nhập Thể của Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu Kitô thế nào, thì sự kết hợp huyền nhiệm giữa Đức Mẹ và Chúa Thánh Thần, khởi từ lúc ngài được Tượng Thai Vô Nhiễm, cũng tìm được ý nghĩa và mục đích tối hậu như thế khi Chúa Thánh Thần tạo thịt xương cho Ngôi Lời Vĩnh Hằng trong dạ tinh sạch của Đức Mẹ. Nhưng vì Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ và sự kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần của ngài, vai trò của Đức Mẹ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa không chấm dứt với việc Nhập Thể mà còn đi xa hơn thế, để bao hàm cả việc ngài hợp tác một cách có ý thức và đầy ý chí tự do với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu chuộc và cứu rỗi dưới chân Thánh Giá, trong những ngày ngài còn sống trên dương thế và nay ở trên trời.

Đức Mẹ: Hiền Thê của Chúa Thánh Thần

Trong hai lối giải thích việc Đức Mẹ làm trung gian các ơn (chức làm Mẹ Chúa Kitô hay việc kết hợp huyền nhiệm với Chúa Thánh Thần), xem ra các suy tư của Thánh Maximillian Kolbe có vẻ có sức thuyết phục hơn. Vì, nếu việc phân phát các ơn thánh do cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô đem lại là công trình đặc thù của Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, thì vai trò làm Đấng Trung Gian mọi ơn thánh của Đức Mẹ phải là hiển nhiên, xét vì tình kết hợp của ngài với Chúa Thánh Thần (thực hiện trong và qua sự Tượng Thai Vô Nhiễm của ngài). Thánh Kolbe tóm tắt điều ấy khi ngài viết: “Trong tư cách Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc của nhân loại; trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ tham dự vào việc phân phát mọi ơn thánh” (24). Như thế, ta có thể thấy rằng việc Thánh Kolbe nhấn mạnh tới mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần để giải thích việc ngài làm trung gian phổ quát các ơn thánh của Chúa Kitô vừa bổ túc vừa cung cấp một cái hiểu trọn vẹn hơn đối với phương thức của Thánh Truyền Giáo Hội, như đã được Thánh de Montfort và các vị khác đề xướng.

Hiểu đúng đắn vai trò của Đức Mẹ trong việc phân phát mọi ơn thánh, đặc biệt, theo quan điểm mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp rất nhiều cho cuộc đối thoại đại kết với anh chị em không Công Giáo, liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội về Đức Mẹ. Truyền Thống Công Giáo vốn dạy rằng ta đến “với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”. Dù câu đó hoàn toàn đúng, nhưng ta cần phải giải thích nó cách đúng đắn để mọi người hiểu nó cách chính xác.

Thánh Kolbe rất đúng khi nhấn mạnh rằng mọi ơn thánh, xét cho cùng, đều từ Chúa Cha mà có, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, và được Chúa Thánh Thần phân phát. Đáp trả của chúng ta đối với tình yêu và ơn thánh tự ý ban phát của Chúa hệ ở tình yêu; và việc chúng ta trở về với Chúa cũng đi theo cùng một thứ tự ấy, tuy có đảo ngược: Qua Chúa Thánh Thần, ta đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu ta đến với Chúa Cha. Trong trình tự (Ordo) do Chúa thiết lập, Chúa Giêsu đến với ta và tiếp tục đến với ta qua sự hợp tác đầy ý chí tự do của Rất Thánh Nữ Trinh Maria; đàng khác, khi phân phát ơn thánh của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần sử dụng Đức Mẹ làm “dụng cụ nhân bản sống động” của mình vì các lý do đã trình bày trên đây. Theo nghĩa hướng này, thật là đúng khi nói rằng mọi ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được đều đến với chúng ta qua Đức Mẹ, qua sự giúp đỡ và cầu bầu đầy tình mẫu tử của ngài.

Cũng thế, ta đáp trả tình yêu và ơn thánh của Chúa và đến với Chúa Cha bằng cách đi theo cùng một trình tự thần linh kia: đến với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần; và vì, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã chọn hành động qua hiền thê của Người, nên ta đúng là đến với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ.

Cho nên, khi người ta (cả Công Giáo lẫn không Công Giáo) phản đối giáo huấn cho rằng ta đến với “Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, xét theo một nghĩa nào đó, lời phản đối của họ có giá trị. Chỉ có điều nó không đúng chỗ. Thực vậy, lời phản đối của họ thường dựa trên ý niệm sai lầm này là giáo huấn trên làm giảm đi sự trung gian của Chúa Kitô. Đúng ra, lời phản đối của họ nên như thế này: câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” có xu hướng bỏ qua hay làm tối tăm vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc phân phát các ơn do Chúa Kitô tạo lập được. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đã hiểu rõ sự kết hợp khôn tả giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ, thì cả câu “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ” lẫn giáo huấn chứa đựng trong câu ấy đều không có vấn đề gì cả. Bởi vì, như Thánh Maximillian Kolbe đã viết, khi ta nói “[đến] với Chúa Giêsu qua Đức Mẹ”, trong yếu tính, ta muốn nói cùng một điều này là “[đến] với Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần”. Tại sao thế? Vì Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua hiền thê yêu qúy của mình, một hiền thê được Người kết hợp một cách hết sức mật thiết nhờ sự Tượng Thai Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Như Thánh Maximillian đã chính xác nhấn mạnh, Chúa Thánh Thần biểu lộ sự đóng góp của Người vào công trình Cứu Chuộc qua Nữ Trinh Vô Nhiễm, Đấng, dù là một nhân vật hoàn toàn khác với Người, nhưng đã liên kết với Người một cách mật thiết đến độ trí khôn ta không thể hiểu thấu. Như thế, dù sự kết hợp của hai vị không cùng một bình diện như cuộc kết hợp nhị tính (hypostatic union) từng kết hợp hai bản tính nhân loại và Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, ta vẫn có thể nói một cách đúng sự thật là hành động của Đức Mẹ cũng chính là hành động của Chúa Thánh Thần. Vì, trong tư cách hiền thê của Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ được nâng lên một cao độ hoàn hảo trên hết mọi thụ tạo đến độ ngài có thể thể hiện trong mọi sự chính ý muốn của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn ngự trong Đức Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên lúc ngài được tượng thai (25).

Hiểu đúng đắn mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, và mối liên hệ của ngài với Chúa Thánh Thần trong “kế hoạch áp dụng sự cứu chuộc” của Thiên Chúa (nghĩa là trong việc phân phát các ơn thánh do Chúa Kitô tạo lập được) sẽ giúp cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo thấy rằng ta không cầu xin Đức Mẹ để đến với Chúa Giêsu, nhưng cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu, và qua Chúa Giêsu mà đến với Chúa Cha. Và dưới ánh sáng những điều đã nói trên đây về việc Đức Mẹ là “dụng cụ nhân bản sống động” của Chúa Thánh Thần, ta hiểu ra rằng khi ta cầu xin qua Đức Mẹ mà đến với Chúa Giêsu thì thực ra ta đang cầu xin qua Chúa Thánh Thần (và Đức Mẹ) mà đến với Chúa Giêsu vậy. Hơn nữa, với cái khung và việc nhấn mạnh thần học của Thánh Kolbe đối với mối liên hệ của Đức Mẹ với Chúa Thánh Thần như lý do giải thích việc ngài là Đấng Trung Gian mọi ơn thánh, thì sự cần thiết giả thiết phải đi qua Đức Mẹ đã trở nên rõ ràng rất nhiều: nếu ta biết rằng ơn thánh của Chúa Kitô đến với chúng ta qua Chúa Thánh Thần và ta phải đáp trả ơn thánh của Chúa bằng cách qua Chúa Thánh Thần mà đến với Chúa Giêsu, và nếu ta đồng thời biết rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong và qua Đức Mẹ, hiền thê yêu qúy của Người, thì ta sẽ nhận ra sự cần thiết giả thiết phải chạy đến với Rất Thánh Nữ Trinh.

Điều ấy khiến ta đặt câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa lại hành xử theo lối trên? Thiên Chúa của ta vốn là Thiên Chúa của lý lẽ, và các hành động của Người đều có một nền tảng trong lý lẽ. Vậy tại sao Thiên Chúa lại truyền dạy rằng Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua Rất Thánh Nữ Trinh trong việc phân phát mọi ơn thánh? Thánh Kolbe đưa ra lời giải thích như sau: như Chúa Con đã trở nên người phàm ra sao để chứng tỏ cho ta thấy tình yêu của Người vĩ đại như thế nào, Ngôi Ba, Thiên Chúa Tình Yêu (God-who-is-Love), cũng vậy, Người cũng muốn biểu lộ sự trung gian của Người trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Con bằng một dấu chỉ cụ thể như thế. Dấu chỉ ấy chính là trái tim của Trinh Nữ Vô Nhiễm, theo điều các thánh vốn nói với ta, nhất là các vị thích coi Đức Mẹ là hiền thê của Chúa Thánh Thần. Đó là kết luận đã được Thánh Louis de Montfort rút ra, phù hợp với lời dạy của Chúa Cha… Kể từ cái chết của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần chỉ hành động trong ta qua Đức Mẹ (26).

Ở đây, Thánh Kolbe cho ta một thông tuệ sâu sắc về việc tại sao Thiên Chúa lại truyền lệnh để Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua Rất Thánh Nữ Trinh mà thôi, bằng cách sử dụng loại suy của Nhập Thể trong công trình cứu chuộc. Thiên Chúa rất có thể truyền lệnh để việc cứu chuộc kia xẩy ra mà không cần tới việc Con Một của Người phải nhập thể và chết trên Thánh Giá. Nhưng bởi vì mọi nhận thức của ta đều từ giác quan mà có, nên Thiên Chúa có thể mạc khải tốt hơn cho ta Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu nhân hậu của Người đối với ta qua việc Nhập Thể, qua sự kiện “Ngôi Lời trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Cùng một cách loại suy như thế, Thiên Chúa có thể mạc khải cách tốt hơn cho ta Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tức Thiên Chúa Tình Yêu, và mạc khải cho ta thấy Ngôi này phân phát ra sao các ơn thánh do công nghiệp Chúa Kitô tạo lập được, bằng một dấu chỉ cụ thể, khả giác, tức một hữu thể nhân bản; và hữu thể nhân bản đó chính là Rất Thánh Nữ Trinh Maria.

Dù rất thận trọng khi nhấn mạnh rằng sự kết hợp giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ “không cùng một bình diện như sự kết hợp nhị tính [hypostatic union] từng liên kết hai bản tính nhân loại và thần linh nơi Chúa Kitô”, Thánh Kolbe vẫn đã viết, dưới hình thức công thức, bằng tiếng Latinh như sau: "Filius incarnatus est: Jesus Christus. Spiritus Sanctus quasi incarnatus est: Immaculata. "(Chúa Con nhập thể: [chính là] Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần gần như nhập thể: [chính là] Đấng Vô Nhiễm) (27). Trong cuốn Immaculate Conception and the Holy Spirit (Tượng Thai Vô Nhiễm và Chúa Thánh Thần), Cha H. M. Manteau-Bonamy, O.P., đã đưa ra lời bình luận nhiều ý tưởng sau đây về lối dùng thuật ngữ “gần như nhập thể” (quasi incarnatus) của Thánh Kolbe: Những ngôn từ quả táo bạo! Nhưng trước câu Đức Mẹ phán tại Lộ Đức “Ta là sự Tượng Thai Vô Nhiễm”, thì thực ra chả còn gì khác để nói, ngoại trừ ta muốn giả thiết rằng Đức Mẹ chỉ muốn tự tặng cho mình một danh hiệu có tính tượng trưng. Hơn nữa, những ngôn từ táo bạo này vốn là các ngôn từ của một thần học gia lão luyện; ngài sử dụng câu giới hạn cần thiết, "quasi incarnatus", là câu buộc tâm trí tín hữu phải mở cửa đón nhận mầu nhiệm, dù không khuấy động niềm tin. Trước sau như một, ngài vẫn chủ trương rằng chỉ một mình Chúa Con là thực sự thành phàm nhân, chứ không phải Chúa Thánh Thần. Trách vụ của thần học gia không phải là chứng minh điều khôn tả (the ineffable), nhưng là cố gắng phát biểu điều khôn tả ấy ra, nếu có thể được, bằng những ngôn từ có khả năng thúc đẩy tâm hồn tín hữu đi quá điều trí khôn họ có thể hiểu. Chúa Thánh Thần “gần như nhập thể”, một cách đặc biệt nào đó, chứ không thực sự nhập thể theo nghĩa hẹp; vì Đức Mẹ, Đấng Vô Nhiễm, hiểu đúng nghĩa, đã được Chúa Thánh Thần tiếp nhận trọn cả hữu thể, trong tư cách một người đàn bà và một người mẹ (28).

Mặc dù câu Đức Mẹ phán với Thánh Nữ Bernadette ở Lộ Đức, vốn là một mạc khải tư, không có được sức mạnh thuyết phục đối với người không Công Giáo, nhưng các nhận định trên đây của Cha Manteau-Bonamy về ý nghĩa của thuật ngữ “gần như nhập thể” có thể giúp ta hiểu rõ hơn tại sao Thiên Chúa lại truyền lệnh để Chúa Thánh Thần chỉ hành động qua hiền thê của Người là Rất Thánh Nữ Trinh.

Ta còn có thể nói: chân lý sâu sắc này, tức chân lý cho rằng Đức Mẹ là “hình tượng nhân bản sống động” (hay nói theo Thánh Kolbe, là “gần như nhập thể) của Chúa Thánh Thần, đã được mạc khải trong Thánh Kinh, qua chính lời Đức Mẹ nói: “Linh hồn tôi tán dương Chúa” (Lc 1:46). Linh hồn Đức Mẹ khuếch đại hóa (magnificat) Thiên Chúa; nhất là Ngôi Ba Thiên Chúa, vì Đức Mẹ (nói theo Thánh Kolbe) là Tượng Thai Vô Nhiễm được dựng nên, được tạo hình nhờ quyền năng của Tượng Thai Vô Nhiễm Không Được Dựng Nên. Là một thụ tạo, nhờ Đấng Hóa Công, Đức Mẹ là biểu thức hoàn hảo nhất của tình yêu thụ tạo đầy hoa trái, được Người chỉ định phản ảnh hay họa ảnh lại Ngôi Vị Thiên Chúa vốn là Tình Yêu Không Được Dựng Nên, là Hoa Trái của tình yêu phát sinh từ thuở đời đời giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Chú Thích

1. Đức GH Phoalô VI, Marialis Cultus (Tông Huấn về Thứ Bậc và Việc Phát Triển Đúng Lòng Tôn Sùng Rất Thánh Nữ Trinh Maria) (Tháng Hai, năm 1974) số 27.

2. Cha H. M. Manteau-Bonamy, O.P., Immaculate Conception and the Holy Spirit (Kenosha, Wisc.: Prow Books/Franciscan Marytown Press, 1977), 3-5, từ cuốn Final Sketch của Thánh Maximillian Kolbe, ngày 17 tháng Hai, năm 1941. Sách này đã được nhà Ignatius Press mới tái bản gần đây.

3. Sách đã dẫn., 52, từ Conference của Thánh Kolbe, 9 tháng Tư, 1938.

4. Trong Marialis Cultus, số 26, Đức Phaolô VI viết: “Các giáo phụ và văn sĩ của Giáo Hội… khi khảo sát sâu xa hơn mầu nhiệm Nhập Thể, đã thấy trong mối liên hệ đầy mầu nhiệm giữa Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ có một khía cạnh khiến người ta nhớ tới hôn nhân, được Prudentius thơ mộng mô tả như sau: ‘Trinh Nữ chưa kết hôn đã được Chúa Thánh Thần kết hôn”

5. Manteau-Bonamy, 57, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

6. Marialis Cultus, số. 25.

7. Manteau-Bonamy, 7, trích từ Letter by Kolbe from Nagasaki to the Youth of the Franciscan Order (Thư Cha Kolbe từ Nagasaki gửi Giới Trẻ Dòng Phanxicô), 28 tháng Hai, 1933.

8. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 13, a. 1

9. Sách đã dẫn, q. 27, a. 4, ad. 6.

10. Sách đã dẫn, q. 36, a. 1.

11. Sách đã dẫn, q. 37, a. 1.

12. Sách đã dẫn, q. 38, a. 2.

13. Manteau-Bonamy, 2-3, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

14. Sách đã dẫn, 3, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

15. Summa Theologiae, I, q. 27, a. 1 and a. 3.

16. Sách đã dẫn, q. 27, a. 4.

17. Đã dẫn

18. Manteau-Bonamy, 6, trích từ Letter to Fr. Anthony Vivoda (Thư gửi Cha Anthony Vivoda) của cha Kolbe, ngày 4 tháng Tư, 1933.

19. Đức Piô IX, Ineffabilis Deus (Tông hiến định nghĩa Tín Điều Vô Nhiễm Thai) (8 tháng Mười Hai, 1854) (Boston: Daughters of St. Paul), 17.

20. Manteau-Bonamy, 4, trích từ Final Sketch của Thánh Kolbe.

21. Sách đã dẫn, 90, trích từ Miles Immaculatae, I, của Thánh Kolbe, 1938.

22. de Montfort, True Devotion (Lòng Sùng Kính Chân Thật), số 21, 8.

23. Sách đã dẫn, số 25, 9.

24. Bonamy, 97, trích từ Sketch của Thánh Kolbe, 1940.

25. Sách đã dẫn, 91, trích từ Miles Immaculatae, I, của Thánh Kolbe, 1938.

26. Sách đã dẫn, 90-91.

27. Sách đã dẫn, 63, trích Thánh Kolbe.

28. Sách đã dẫn, 63-64.

Theo Dwight P. Campbell, 1993 Catholic Polls, Inc.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.05.2009. 18:37