Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chia sẻ nhân Ngày Vì Sự Sống trong Năm Linh Mục

§ Lm Giuse Trần Quốc Tuyến

SỰ TRUNG THÀNH CỦA LINH MỤC
TRONG SỨ MỆNH LOAN BÁO TIN MỪNG SỰ SỐNG

Với chủ đề: sự trung thành của Chúa Kitô, sự trung thành của linh mục, Năm Linh Mục là thời gian mời gọi các linh mục nỗ lực thánh hoá bản thân trong tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu: "trong thời gian này, qua các buổi suy niệm đạo đức, hay bằng các việc lành thánh, những sáng kiến khác thích hợp khác, các linh mục càng ngày càng được kiên vững trong việc trung thành với Chúa Kitô" [1]. Đây cũng là cơ hội thuận tiện cho tất cả các tín hữu đào sâu học hiểu, cầu nguyện cho các linh mục nên thánh thiện, noi gương cha thánh Gioan Maria Vianney hiến thân phục vụ trong thiên chức cao trọng mà Chúa đã trao ban. Theo tinh thần ấy, bài chia sẻ này xin được đề cập đến sự trung thành của linh mục trong sứ mệnh hiến thân làm chứng cho Tin mừng sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Sứ mệnh ấy được thực hiện theo căn tính và thừa tác vụ của linh mục, gắn liền với "bản tính sâu xa nhất của Hội Thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: loan báo lời của Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, và thi hành tác vụ bác ái. Những nhiệm vụ này bao hàm lẫn nhau và không thể tách rời" [2].

1. Loan báo Tin mừng sự sống

Chúa Giêsu Kitô đã đến thế gian để cho muôn người được ơn tha tội, được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Đây là một niềm vui lớn và là niềm vui cho muôn dân cần phải được loan báo cho hết thảy mọi người (x. Lc 2,10-11). Nhiệm vụ ấy cũng được uỷ thác cho các linh mục là những người được thánh hiến và được sai đi "loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19). Bởi thế, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hoạt động mục vụ là "Tin mừng sự sống phải được can đảm và trung thành loan báo, như một tin vui cho con người ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hoá"[3].

1.1. Tình trạng xúc phạm sự sống hiện nay

Trong một xã hội bị tục hoá, cùng với sự lan tràn của nền văn hoá sự chết, nhân loại đang phải đối diện với một “cơ cấu của tội lỗi” chống lại sự sống con người: "Chúng ta đứng trước một đe dọa rất lớn chống lại sự sống không nguyên sự sống của các cá nhân, nhưng còn là của toàn bộ nền văn minh"[4]. Dường như khoa học càng phát triển thì xã hội lại càng xuất hiện thêm nhiều hình thức mới tấn công sự sống con người như: tạo sinh vô tính, thụ thai nhân tạo, sử dụng phôi thai người như là “vật tư sinh học” để nghiên cứu, hoặc sử dụng như kẻ cho các cơ phận, hay cho mô để cấy ghép nhằm chữa trị một số bệnh nan y. Tiếp đến, là tình trạng đáng báo động về phẩm giá con người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, việc buôn bán cơ phận con người và việc giết người êm dịu nữa. Giữa tất cả các hình thức và tội ác chống lại sự sống con người ấy, vấn đề nạo phá thai đang ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng hơn cả, đến nỗi nhiều bệnh viện hay các trung tâm y tế ngày nay đã trở thành những trung tâm phá thai hay những lò sát sinh. Nguy hiểm hơn nữa là lối suy nghĩ của không ít người trẻ hiện nay, phá thai trở thành chuyện thường ngày, chứ không còn bị coi là tội ác giết người nữa! Đối với họ, con cái nhiều khi không còn được coi là phúc lộc của tổ tiên hay là kết quả của tình yêu hôn nhân nữa, mà là hậu quả ngoài ý muốn từ những quan hệ xác thịt, nên trở thành gánh nặng cho lối sống hưởng lạc vị kỷ thấp hèn của cha mẹ chúng. Khi ấy, nếu một sự sống mới thành hình sẽ "trở thành kẻ thù phải tuyệt đối tránh xa; và phá thai trở nên giải đáp duy nhất có thể và phương cách xử lý trong trường hợp bị vỡ kế hoạch"[5].

Quả thật, tình trạng xúc phạm đến sự sống nói chung, và vấn đề nạo phá thai nói riêng, vẫn còn đang là tiếng kêu thấu trời và hết sức khẩn thiết đối với lương tri của nhân loại. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại đang muốn hợp pháp hoá và khuyến khích việc giết người vô tội này để đạt cho bằng được các mục tiêu của họ. "Ngày nay, trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của nó đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai nơi tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi có liên quan đến quyền cơ bản về sự sống"[6]. Theo thống kê của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới (WHO), mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu đến 60 triệu ca phá thai, một con số tương đương với dân số của một quốc gia trung bình trên thế giới [7]. Riêng tại Việt Nam, tình trạng còn nghiêm trọng hơn khi mỗi năm có khoảng gần hai triệu ca phá thai, tương đương với dân số của một tỉnh. Hơn nữa, số đông các trường hợp phá thai lại xảy ra nơi những người trẻ vị thành niên và chưa kết hôn. Xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng và tuổi phá thai ngoài ý muốn đang hạ thấp, nghĩa là rơi vào lớp trẻ. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Giới tính, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED - Centre for Gender, Family and Environment in Development), thì Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, với 25% phụ nữ nạo phá thai chưa lập gia đình, số ca nạo thai đang trong tuổi vị thành niên chiếm 20%. Điều đáng báo động hơn nữa là số trẻ em bị giết đi thường lớn hơn số các em được sinh ra. Chẳng hạn, chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Thành Phố cho biết: năm 2003 có 114.002 ca phá thai và chỉ có 112.426 bé được sinh ra, năm 2004 con số vụ phá thai là 108.193 trong khi số các trẻ được chào đời là 107.314 em [8]. Đây chỉ là những con số thống kê chính thức được thực hiện từ các trung tâm y tế công cộng, con số thực tế chắc hẳn còn lớn hơn nhiều nếu như người ta có thể tính được cả những trường hợp phá thai lén lút tại các phòng khám tư nhân hay các cơ sở phá thai chui mà người ta không thể kiểm soát và thống kê được. "Những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan" [9].

1.2. Đặc tính thánh thiêng sự sống con người

Trước những hình thái xúc phạm nghiêm trọng đến sự sống con người, Giáo huấn Công Giáo luôn khẳng định đặc tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người. Đây là lệnh truyền của Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh: “ngươi chớ giết người”. Điều Răn Thứ Năm này đòi hỏi tất cả mọi người phải tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc còn trong dạ mẹ cho đến khi chết tự nhiên. Vì thế, "tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn con người, như cưa cắt huỷ hoại một phần cơ thể, tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người (infrahumain), tuỳ nghi giam tù, lưu đầy viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần tuý để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, vừa làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những ai phải gánh chịu những điều ấy, và chúng xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hoá" [10].

Vượt trên những cuộc tranh luận y-sinh học, Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo luôn luôn giảng dạy rằng sự sống con người, từ khoảnh khắc đầu tiên trong hiện hữu cho đến khi chết tự nhiên phải được tôn trọng vô điều kiện, trong tính đơn nhất thể xác cũng như tinh thần: "Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ khi được thụ thai, và ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận nơi nó những quyền của ngôi vị, trong đó đứng hàng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi con người vô tội" [11]. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa, duy một mình Thiên Chúa là chủ tể tối cao của sự sống con người, không một ai, không một tổ chức nào được phép tiếm quyền Thiên Chúa để quyết định trên sinh mạng của một người vô tội: "Sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Ðấng dò xét và thấu biết tất cả, là Ðấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đếm và ơn gọi đã được ghi vào “Sách sự sống” (Tv 139/138,1.13-16)" [12]. Mỗi người dù bé nhỏ, yếu đuối đến đâu thì vẫn là đối tượng của tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Ngài vẫn hằng nâng niu chăm sóc cho từng người và cho tất cả mọi người. Thực vậy, "con người dù đẹp hay xấu, dù thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên và được Ngài yêu thương. Sự sống của người ấy nằm trong tay Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã chết trên thập giá cho người ấy. Do đó, những can thiệp của khoa học nhằm lựa chọn giới tính, những hành vi giết người như phá thai, làm chết êm dịu... đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa, vì chúng biến con người thành một thứ hàng hóa hay một sản phẩm thay vì là một sinh linh cao quý mang hình ảnh của Đấng Tối Cao" [13].

Truyền thống Hội Thánh vẫn luôn luôn định nghĩa phá thai là tội ác giết chết những con người yếu đuối vô tội: "phá thai do cố ý gây ra, dù được thực hiện bằng cách nào đi nữa, là việc giết chết, có suy nghĩ và trực tiếp, một con người trong giai đoạn đầu cuộc đời của nó, ở giữa sự thụ thai và sự sinh ra" [14]. Là người của Hội Thánh, linh mục không ngừng lặp lại tiếng nói của Giáo Hội lên án phá thai như là tội ác man rợ vì là giết chết những con người tuyệt đối vô tội, yếu đuối, không khả năng phòng vệ, ngay cả đến sự khẩn nài bằng tiếng kêu khóc lóc cũng không có. Mỗi thai nhi đều hoàn toàn lệ thuộc vào sự bảo vệ và chăm sóc của người mẹ đang cưu mang trong lòng. Ấy thế mà đôi khi chính người mẹ ấy lại rũ bỏ trách nhiệm và đang tâm giết chết đứa con của mình trước khi có thể cất tiếng khóc chào đời. Với đặc tính nghiêm trọng như thế, nên Giáo lý Công giáo ngay từ thời các kitô hữu đầu tiên đã lên án việc phá thai: "Ngươi không được giết con trẻ bằng việc phá thai và không được làm chết nó sau khi nó sinh ra" [15]. Thực vậy, phá thai là giết người, hơn nữa "chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay là người ta hủy diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. Cái phải trở thành một con người thì đó là con người rồi" [16]. Trải qua lịch sử hai ngàn năm, Giáo lý Công giáo về phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người vẫn được kiên trì giảng dạy, không bao giờ do dự hay có sự thay đổi nào đối với việc kết án tính phi luân của hành vi huỷ hoại mạng sống của người vô tội: "sự sống phải được bảo vệ với một chăm sóc tột độ từ lúc thụ thai: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm" [17]. Vì vậy, với uy quyền Chúa Kitô đã trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, trong sự hiệp thông với các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng xác nhận rằng: "việc trực tiếp và cố ý giết một người vô tội luôn luôn là điều vô luân nghiêm trọng" [18]. Cách cụ thể hơn đối với vấn đề phá thai, ngài tuyên bố rằng: "việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế, luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội" [19].

2. Cử hành Tin mừng sự sống

Sự sống có một giá trị thánh thiêng và tôn giáo, nên trong việc tôn trọng và bảo vệ sự sống, nhiệm vụ rất quan trọng đối với các linh mục là cử hành việc tôn dương Tin mừng sự sống. Cử hành mầu nhiệm sự sống là việc tôn vinh đích thực dành cho Thiên Chúa và là chính công việc loan truyền sứ điệp Tin mừng sự sống của Chúa Giêsu Kitô: "con người và sự sống con người không chỉ xuất hiện như một trong những điều kỳ diệu lớn nhất trong công trình sáng tạo, nhưng Thiên Chúa còn ban cho con người một phẩm giá gần như là thần thiêng (x. Tv 8,6-7). Trong từng em bé sinh ra hay từng con người đang sống hay đang chết, chúng ta đều nhận ra hình ảnh của vinh quang Thiên Chúa: ta tôn dương vinh quang ấy nơi mọi người là dấu chỉ của Thiên Chúa hằng sống, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô" [20].

2.1. Mầu nhiệm cứu độ, mầu nhiệm sự sống

Trong bối cảnh những thách đố và những đe doạ đối với sự sống, việc cử hành mầu nhiệm cứu độ trở nên một cuộc tôn dương Tin mừng sự sống nhằm giúp cho con người thời nay chân nhận phẩm giá cao quý của sự sống do Thiên Chúa ban tặng. Việc cử hành phụng vụ sự sống liên kết chặt chẽ tất cả các ngày lễ, tuần lễ hay Mùa Phụng Vụ với những chủ đề liên quan đến sự sống và phẩm giá cao quý của con người đã được cứu chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô. Hội Thánh cử hành phụng vụ với mầu nhiệm trọng tâm là cuộc vượt qua của Chúa Giêsu Kitô như nguồn mạch của sự sống: "Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống" [21]. Nhờ việc cử hành phụng vụ như mầu nhiệm sự sống, Hội Thánh dẫn đưa người tín hữu vào sự sống mới trong tình hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với cộng đoàn những người được tham dự vào sự sống viên mãn của Ngài [22]. Thực vậy, toàn thể Năm Phụng Vụ được cử hành theo ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô, nơi Ngài dòng máu cứu độ tuôn trào sự sống vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.

Năm Phụng Vụ khởi đầu với Mùa Vọng và Giáng Sinh, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến thế gian mang lấy thân phận con người và nâng cao phẩm giá của họ: Thiên Chúa đã trở thành con của loài người để con người được làm con của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã mang lấy thân phận con người đơn sơ yếu đuối để chia sẻ thân phận thấp hèn của con người. Ngài là tác giả của sự sống và đã nhận làm của mình chính thực tại sự sống của con người đang "ở trung tâm của cuộc chiến lớn giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối" [23]. Chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng thơ ngây bé nhỏ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ của hang đá bò lừa giữa đêm đông giá lạnh tại Bêlem xưa kia (x. Lc 2,1-7), giúp con người thời nay biết tôn trọng phẩm giá tôn quý của mọi sinh linh bé bỏng yếu ớt và đang bị đe doạ, bị chà đạp, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội và không có nơi nào để nương tựa. Chính trong thân phận con người mà "Chúa Kitô tiếp tục tự mạc khải và đi vào mối hiệp thông với chúng ta, đến mức độ mà vứt bỏ sự sống của con người dưới những hình thức khác nhau cũng chính là vứt bỏ Chúa Kitô" [24].

Cử hành Mùa Chay và Phục Sinh, người linh mục chiêm ngắm và giương cao thánh giá của Chúa Giêsu Kitô, để lôi kéo mọi người lên cùng trái tim rộng mở của Người và hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng [25]. Trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô con người được biến đổi nhờ dòng máu thần linh tuôn chảy từ cạnh sườn của Đấng chịu đâm thâu, và được thánh hoá trong sức mạnh ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao lại Thần Khí sự sống cho nhân loại (x. Ga 19,30). Ngài đã chết thật trong thân phận của con người giống như mọi người, nhưng Ngài đã phục sinh và hằng sống để thi ân giáng phúc, giúp nhân loại thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và chiến thắng quyền lực của sự chết. Như vậy, qua mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu cho thấy ý nghĩa sự sống và sự chết của mỗi con người: chính Ngài đã chiến thắng sự chết và trở nên nguyên lý của sự sống và mở đường cho toàn thể nhân loại bước vào sự sống mới. Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã mở ra cho con người chính là hồng ân sự sống và là sự phục sinh cả về thể xác lẫn linh hồn. Trên thập giá, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn chảy chan hoà trên mặt đất, tẩy sạch mọi tội lỗi, chữa lành bản tính nhân loại bị tổn thương do nguyên tội, và ban sự sống bất diệt cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại: vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện trên thập giá! Cây thập giá trở thành cây sự sống trổ sinh hoa trái của sự sống, và là cây vinh quang làm phát sinh và triển nở một dân tộc vì sự sống. Hơn nữa, nhờ được đón nhận hơi thở của Chúa Phục Sinh, các môn đệ của Người được tham dự vào đời sống thần linh để thấu hiểu ý nghĩa của sự sống, của đau khổ và của sự chết. Vì thế, sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, người linh mục bước đi theo Ngài trên con đường thập giá, con đường của sự hy sinh vâng phục, nhưng cũng là con đường vượt lên trên thân phận thấp hèn để sống sự sống viên mãn. Theo gương Chúa Giêsu người linh mục cũng "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và trao nộp mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người" (Mc 10,45). Vì thế, cuộc đời linh mục là một cuộc hành trình hiến mình phục vụ sự sống của anh chị em đồng loại. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã đạt đỉnh cao của tình yêu khi hiến mình chịu chết cho chúng ta khi ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8). "Bằng cách này, Ngài tuyên bố rằng sự sống đạt tới tâm điểm tới ý nghĩa và độ sung mãn khi nó được trao ban" [26].

Trong các cử hành phụng vụ Mùa Thường Niên, các môn đệ Chúa Giêsu sống theo mẫu gương của Thầy chí thánh và theo nhịp đập của trái tim Người. "Trong tinh thần thờ phượng thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), việc tôn dương Tin Mừng sự sống nên thực hiện cốt yếu là trong cuộc sống hằng ngày, được sống trong tình yêu tha nhân và trong sự trao hiến bản thân. Chính cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên sự tiếp nhận chân thực và đầy trách nhiệm ân ban sự sống, đồng thời cũng trở nên bài ca chân thành biết ơn Thiên Chúa, Đấng trao ban cho chúng ta qùa tặng này. Đó chính là điều đang xảy ra trong biết bao hành vi phước thiện, thường khiêm tốn và ẩn kín, được nhiều người nam nữ, trẻ em người lớn, người trẻ người già, đau ốm hay mạnh khoẻ thực hiện" [27]. Việc cử hành mầu nhiệm sự sống cũng được thể hiện cách đặc biệt theo các biến cố của lịch sử cứu độ được đặt trọng tâm và xoay quanh hiến tế Thánh Thể. Vì vậy, cử hành Tin mừng sự sống chính là cử hành Thiên Chúa của sự sống, và chu kỳ phụng vụ sự sống tuần hoàn giống như chính dòng máu chảy trong thân thể Chúa Giêsu. Cũng vậy, việc cử hành phụng vụ chảy theo dòng máu của Chúa Giêsu, như chính Chúa Giêsu đang cử hành mầu nhiệm Phục Sinh của Người. Thật vậy, cử hành mầu nhiệm máu thánh Chúa Giêsu đổ ra là cử hành những ngày lễ của sự sống được hiến thánh. Bởi vì, khi thân xác Chúa Giêsu bị giết chết, chính là lúc Đấng là tác giả sự sống làm phát sinh sự sống dồi dào hơn nơi các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài.

Tất cả các cử hành về Tin mừng sự sống đều luôn gắn liền với lời cầu nguyện thường ngày, chung cũng như riêng: "tiếng kêu than của chúng ta, như tiếng kêu của Đức Giêsu trên Thánh giá, là cách thức sâu xa và triệt để nhất để khẳng định đức tin của chúng ta vào quyền năng tối cao của Người" [28]. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và toàn thể Hội Thánh đều có chung một bổn phận dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cao quý là sự sống Ngài ban tặng. Khẩn thiết hơn nữa, các linh mục có một nghĩa vụ lớn lao trong lời cầu nguyện của Hội Thánh dành cho sự sống trên khắp hoàn cầu và cho từng biến cố của đời sống, như niềm vui về một sự sống đang bắt đầu, tôn trọng và bảo vệ sự sống toàn vẹn, quan tâm đến những người đang gặp khó khăn đau khổ, gần gũi đối với người già yếu, cô đơn và hấp hối, chia sẻ nỗi đau của người gặp tang chế, niềm hy vọng và khát khao cõi sống vĩnh hằng. Khi cầu nguyện nhân danh Hội Thánh, các linh mục khẩn cầu cùng Thiên Chúa hằng sống, xin Ngài soi sáng, hướng dẫn, và thêm sức mạnh giúp cho mỗi người tín hữu can đảm đối diện với những hoàn cảnh khác nhau. Để dù gặp khó khăn thử thách, đau khổ bệnh tật họ vẫn không bao giờ đánh mất niềm hy vọng. "Trong kinh nguyện hằng ngày, cá nhân hay cộng đoàn, chúng ta ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã dệt nên chúng ta trong lòng mẹ, Đấng đã thấy chúng ta và yêu thương chúng ta khi chúng ta chưa được hoàn chỉnh hình hài (x. Tv 139/138, 13-16)" [29]. Kết hợp với lời cầu nguyện, truyền thống Hội Thánh vẫn đề cao tinh thần chay tịnh theo gương Chúa Giêsu (x. Mt 4,1-11; Mc 9,29). Lời cầu nguyện đi đôi với tinh thần chay tịnh phát xuất tự thâm tâm của các vị mục tử luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và yêu thương sự sống con người.

2.2. Các Bí tích trao ban sự sống

Linh mục là người của Thiên Chúa, để phụng sự Thiên Chúa, người được chính Chúa Giêsu chọn từ giữa loài người để tiếp tục công cuộc cứu độ của Ngài cho đến ngày cánh chung. Các linh mục nhân danh Chúa Kitô cử hành chính mầu nhiệm vượt qua của Ngài để chuyển thông sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa cho nhân loại. Chính trong Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần hoạt động khơi nguồn ơn cứu độ trào dâng và ban sự sống sung mãn cho toàn thể thế giới. "Nhờ sự tái khám phá đích thực ý nghĩa các nghi thức, và nhờ việc đặt đúng giá trị của các nghi thức ấy, các cử hành phụng vụ, nhất là cử hành Bí tích, sẽ luôn luôn có thể diễn tả tất cả sự thật về việc sinh ra đời, về sự sống, về sự đau khổ và sự chết, trong khi giúp ta sống những điều ấy, như một sự tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô đã chết và phục sinh" [30]. Dòng máu cứu độ của Đức Giêsu Kitô vẫn tuôn đổ trên thế gian qua các Bí tích, và trở nên trung gian khẩn cầu dâng lên Thiên Chúa sự sống cùng với máu của Abel và tất cả những người công chính đã và sẽ "đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội" (Mt 26,28). "Quả vậy, máu Chúa Kitô kêu lên và đòi một “công lý” sâu sắc hơn, nhưng nhất là khẩn cầu lòng thương xót, máu ấy cầu bầu với Cha cho các anh em của Chúa Kitô (x. Dt 7,25), máu ấy là nguồn cứu chuộc hoàn hảo và là ơn ban sự sống mới" [31]. Máu Chúa Kitô, mặc khải sự cao cả của tình yêu thương của Chúa Cha, đã bộc lộ rằng con người là rất quý trước mặt Thiên Chúa và giá trị của sự sống con người được cứu chuộc bằng chính giá máu Chúa Kitô. Cũng chính "trong máu Chúa Kitô, tất cả mọi người cũng múc được sức mạnh để dấn thân phục vụ sự sống. Máu Chúa Kitô chính là lý do mạnh nhất để hy vọng và là nền tảng cho niềm xác tín tuyệt đối rằng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, sự sống sẽ giành được chiến thắng" [32].

Trong Bí tích Thánh Thể linh mục được chia sẻ và hiệp thông trọn vẹn với chính tình yêu và sự sống của Chúa Kitô, được cùng với Ngài hiến dâng toàn thân mình cùng với lễ tế của Chúa Giêsu để ca tụng tôn vinh Thiên Chúa Cha và chuyển thông ơn cứu độ đến cho muôn người. Khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, được thông hiệp với mình và máu Chúa Kitô, nhờ Người, với Người và trong Người, linh mục kín múc nguồn ân sủng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần: "Thánh Thể là cội rễ của mọi hình thức thánh thiện, và mỗi người chúng ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần" [33]. Hiệp nhất với hy tế Thánh Thể, linh mục sẵn sàng trở nên như tấm bánh bẻ ra vì sự sống của anh chị em mình, nhờ đó khích lệ được tất cả mọi người dấn thân phục vụ sự sống và phẩm giá của những người khác. Như vậy, người tín hữu nhờ ăn thịt và uống máu Chúa, được ở lại trong Ngài, "được lôi cuốn vào sức năng động của tình yêu Ngài và vào ơn ban sự sống của Ngài để đưa tới sức sung mãn chính ơn gọi đầu tiên hướng tới tình yêu, là ơn gọi của mọi người (x. St 1,27; 2,18-24)" [34]. Những ân huệ của bí tích Thánh Thể đối với sự sống được hiện thực nhờ Bí tích Rửa Tội. Vì được tham dự vào cuộc khổ hình và sống lại của Chúa Kitô, người tín hữu được tái sinh để sống một cuộc sống viên mãn trong Ngài. Trong Bí tích Thêm Sức, Thánh Thần là nguyên lý sự sống làm lan toả dòng máu thần linh của Chúa Kitô giúp người tín hữu sống can trường theo chân Chúa Giêsu Kitô là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Hơn nữa, nhờ sức mạnh của bảy nguồn ân huệ Thánh Linh, các tín hữu sống sung mãn và biết khôn ngoan lựa chọn cách thế phù hợp cho con đường bảo vệ sự sống trong mọi cảnh huống. Khi cử hành Bí tích Hoà Giải người linh mục trở nên thừa tác viên của lòng thương xót. Trong toà giải tội, linh mục rao giảng Tin mừng sự sống, đồng thời kêu mời tội nhân sám hối về những xúc phạm đến sự sống để đón nhận hồng ân tha thứ của triều đại Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,15). Thiên Chúa gớm ghét tội lỗi, nhưng luôn yêu thương tội nhân nên sứ vụ của người linh mục là giang rộng vòng tay yêu thương đón tiếp, nâng đỡ cho những người tội lỗi tìm được ánh sáng và an bình trong sự canh tân và biến đổi tận tâm can để bước đi trên con đường sự sống. Trong Bí tích Xức dầu bệnh nhân, linh mục an ủi người tín hữu trong cơn đau bệnh, khích lệ họ kết hiệp với cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh và chịu chết vì tội lỗi của nhân loại. Nhờ được xức dầu bệnh nhân, người tín hữu nhận được suối ngưồn sự sống và sức mạnh nơi Chúa Giêsu, Đấng là "lương y chữa lành thân xác và linh hồn" [35]. Linh mục giúp cho người tín hữu kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô chịu đóng đinh, can đảm chấp nhận những đớn đau thể xác để hoàn tất cuộc thương khó nơi các chi thể của Ngài (x. Cl 1,24). Khi kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, người tín hữu ý thức rằng sự sống thể lý trên trần gian hữu hạn chỉ đạt được cùng đích trên thiên quốc, nơi mà con người sống sự hiệp nhất trọn vẹn với Đấng là nguyên uỷ của sự sống [36]. Với Bí tích Hôn Nhân, tình yêu của vợ chồng được thánh hoá theo mẫu gương của tình yêu giữa Chúa Giêsu là lang quân và Hội Thánh, hiền thê của Ngài (x. Ep 5,25). Đời sống vợ chồng đòi hỏi một tình yêu nhẫn nại, hy sinh hiến mình vì nhau đến nỗi đổ máu như chính Chúa Giêsu đã hiến mình vì Hội Thánh và toàn thể nhân loại (x Lc 22,44; 1Cr 15,31). Qua Bí tích Hôn nhân, linh mục giúp cho các cặp vợ chồng lãnh nhân ơn Chúa để xây dựng gia đình họ thành cái nôi của sự sống, và chu toàn bổn phận làm vợ/chồng, cha/mẹ, nhà giáo dục/sứ giả của sự sống tại gia đình, đồng thời là những người bảo vệ giá trị cao quý của sự sống trong xã hội. Trong Bí tích Truyền chức thánh, qua việc đặt tay, Chúa Thánh Thần bao phủ trên người thụ phong, tháp nhập họ vào sứ vụ của Chúa Kitô thượng tế đởi đời, đã trở thành chiên vượt qua chịu sát tế thông ban sự sống và dẫn đưa mọi người tới nguồn mạch sự sống vĩnh cửu (x. Ga 1,29; Kh 5,6; 7,17).

Tóm lại, khi cử hành mầu nhiệm sự sống, linh mục nhân danh Hội Thánh hướng dẫn con người thời đại đến nguồn mạch sự sống đích thực nhờ được kết hiệp với Chúa Kitô. Với mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, sự sống của Thiên Chúa đã trở thành sự sống của con người. Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô, sự sống của con người được thánh hoá và tìm lại được ý nghĩa nguyên thuỷ. Như vậy, "giá trị sự sống không chỉ gắn liền với nguồn cội của nó, theo như nó được trao ban từ Thiên Chúa, mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là hiệp thông với Thiên Chúa, để nhận biết và yêu mến Ngài" [37]. Quả thật, cuộc sống của con người biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa và toả sáng ánh quang rạng ngời của Ngài: Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống, nhưng sự sống của con người chính là được hưởng kiến Thiên Chúa [38]. Vì thế, con người luôn khát vọng hướng về trời cao và hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn nơi Thiên Chúa: "Lạy Chúa, Chúa tác thành chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải cho mãi tới khi được nghỉ yên trong Ngài" [39].

3. Phục vụ Tin mừng sự sống

Dấn thân phục vụ Tin mừng sự sống là lời mời gọi của Giáo Hội đối với tất cả mọi người thành tâm thiện chí. Đương nhiên, đây cũng là bổn phận thiêng liêng của mọi kitô hữu và cách riêng đối với các linh mục. Vì vậy, các linh mục phải đặc biệt ưu tiên cho việc phục vụ sự sống con người, như nhiệm vụ hàng đầu trong các hoạt động mục vụ của mình. Quả thật, dấn thân phục vụ Tin mừng sự sống chính là hiến thân phục vụ Chúa Kitô là đường là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6; 11,25). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: "ai làm cho một người bé nhỏ nhất của ta đây là làm cho chính ta vậy" (Mt 25,45). Khi phục vụ sự sống, người linh mục gắn kết mật thiết với Chúa Kitô là sự sống thật, Đấng đến thế gian để cho mọi người được sống. Khi bước đi trên con đường phục vụ sự sống, người linh mục ở trong lộ trình hướng tới Đức Kitô và làm lan tỏa ánh hào quang của Tin mừng sự sống cho thế gian tăm tối bởi bóng tối sự chết. Chính vì vậy, phục vụ sự sống là phục vụ chính Chúa Giêsu, và khước từ phục vụ sự sống là khước từ phục vụ chính Chúa.

3.1. Mục vụ gia đình

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá lan rộng, cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khiến cho đời sống gia đình đang gặp phải biến đổi tận gốc rễ. Các hình mẫu gia đình truyền thống (traditional family) đang dần dần bị thay thế bằng hình thức gia đình hiện đại hay gia đình hạt nhân (nuclear family). Những khủng hoảng trong các sinh hoạt gia đình khiến cho những giá trị cao đẹp của truyền thống ngàn đời phải đối diện với nguy cơ bị xói mòn và mai một. "Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người". Thực vậy, những mâu thuẫn và khủng hoảng trong đời sống gia đình, khiến cho sự sống con người bị lâm nguy, con cái thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của chính cha mẹ chúng. Bởi đó, "gia đình bị tổn thương đến chết được và bị uế tạp trong bản chất cộng đồng tình yêu của nó và trong ơn gọi làm thành cung thánh của sự sống" [40].

Đối diện với những khủng hoảng và biến đổi của gia đình như thế, việc giáo dục gia đình có một vị trí hết sức quan trọng vì gia đình là nơi đón nhận, bảo vệ và gìn giữ hồng ân sự sống do Thiên Chúa ban tặng. Là người của Thiên Chúa, linh mục nỗ lực xây dựng một nền văn hoá của sự sống và nền văn minh của tình thương, nhưng công việc này phải được khởi đi từ chính gia đình như là những tế bào của Giáo Hội và xã hội. "Chúa Kitô đã muốn xây dựng nhiệm thể Ngài bằng những tế bào gia đình; Hội Thánh có thể thay đổi đường lối tông đồ, thay đổi các hội đoàn, nhưng Hội Thánh luôn luôn phát triển nhở các gia đình. Đức tin được thông truyền qua các tế bào sống động và lành mạnh ấy" [41]. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã khẩn thiết kêu gọi các linh mục chăm lo việc giáo dục cho các gia đình: "Các linh mục rất thân mến, thiên chức đã đặt các con làm cố vấn và làm người hướng dẫn thiêng liêng của cá nhân cũng như của các gia đình. Giờ đây, cha đặt tất cả lòng tin tưởng nơi các con. Nhiệm vụ đầu tiên của các con, nhất là những người phụ trách giảng dạy khoa luân lý thần học, là thẳng thắn trình bày nền giáo huấn của Giáo hội liên quan đến hôn nhân" [42]. Đây cũng là đòi hỏi của Bộ Giáo Sĩ đối với các linh mục: "là thầy dạy và là nhà giáo dục đức tin, linh mục lo sao cho việc dạy giáo lý chiếm một địa vị ưu tiên trong nền giáo dục Kitô giáo tại gia đình, trong trường công giáo, trong việc huấn luyện các phong trào tông đồ" [43]. Cách cụ thể, cần phải quan tâm đặc biệt đến việc giảng dạy giáo lý hôn nhân, qua đó giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ giáo huấn của Hội Thánh về vấn đề điều hoà sinh sản và về tính thánh thiêng của sự sống con người. Đồng thời, cũng cần có các hình thức mục vụ tiền/hậu hôn nhân nhằm nâng đỡ các gia đình trong bổn phận làm cha mẹ có trách nhiệm cũng như bổn phận yêu thương và tôn trọng sự sống. Nhờ đó, gia đình thực sự diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh, đồng thời trở thành nơi "gìn giữ, biểu lộ và thông truyền tình yêu" [44]. Qua việc giảng dạy và các hình thức viếng thăm mục vụ, các linh mục đồng hành, hướng dẫn và động viên các gia đình mở rộng lòng đón nhận sự sống, và trung thành với giáo huấn của Hội Thánh hết lòng yêu thương chăm sóc và bảo vệ sự sống. "Khi gặp các gian nan thử thách, chớ gì các đôi vợ chồng luôn tìm được nơi tâm hồn và tiếng nói của linh mục, hình ảnh và tiếng vang của tình yêu cũng như lời nói của Chúa Cứu Chuộc" [45].

Để xây dựng nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình thương, thì mỗi gia đình phải trở thành cái nôi của tình yêu và sự sống, nơi đó các phần tử được nhìn nhận, được kính trọng và chăm sóc từ lúc sinh ra cho tới khi qua đời. Như một Giáo Hội thu nhỏ, vai trò căn bản và ơn gọi thánh thiêng của gia đình là phục vụ sự sống con người; như Giáo Hội tại gia, gia đình cũng có sứ vụ cử hành, loan báo và tôn dương Tin mừng sự sống. Vì thế, trách nhiệm của các linh mục là "phải nỗ lực về phương diện giáo lý cũng như mục vụ để làm cho các gia đình công giáo xác tín về sức mạnh của họ. Họ sẽ khám phá ra họ không phải là thành phần thụ hưởng, chỉ biết lãnh nhận giáo lý, lãnh nhận Bí tích, lãnh nhận ơn Chúa, mà họ cũng là thành phần hoạt động tông đồ" [46]. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội hôm nay, với bao nhiêu khó khăn và xúc phạm đến sự sống con người, gia đình lại càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc đón nhận, bảo vệ, nuôi dưỡng và giáo dục đúng phẩm giá. Vì thế, sứ mạng của linh mục và của cả Hội Thánh là phải chăm sóc cho các gia đình luôn là "cung thánh của sự sống [...] nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa ban, có thể được đón nhận cách xứng hợp và bảo hộ chống lại nhiều sự tấn công mà nó phải thường hứng chịu; nơi mà sự sống có thể phát triển theo những nhu cầu tăng trưởng chính thức của con người" [47]. Theo ý định của Thiên Chúa, gia đình có một giá trị riêng trong chương trình của Thiên Chúa, nơi mà con người được cộng tác với Thiên Chúa tiếp tục công trình tạo dựng, để thông ban sự sống mình đã nhận cho các thế hệ kế tiếp. Thực vậy, "sự sống của con người là một ơn được tiếp nhận, để rồi đến lượt mình nó lại trao ban. Trong việc tạo nên một sự sống mới, cha mẹ ý thức rằng đứa con là kết quả của việc họ tự hiến cho nhau trong tình yêu, thì đến lượt nó, nó sẽ trở nên một hồng ân cho cả hai người: một hồng ân phát sinh từ một hồng ân" [48]. Vì thế, việc mở lòng đón nhận sự sống mới và giáo dục con cái nên người đòi hỏi các bậc vợ chồng ý thức được bổn phận làm cha làm mẹ có trách nhiệm: trách nhiệm kiến tạo một gia đình yêu thương đầm ấm, trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái. Trách nhiệm này đòi hỏi các cặp vợ chồng lãnh lấy thiên chức làm cha làm mẹ mà Thiên Chúa đã uỷ thác qua Bí tích Hôn Nhân, nhờ đó họ đón nhận con cái trong tình yêu, và tình yêu của Thiên Chúa thì luôn luôn muốn tạo dựng nên những con người mới. Bên cạnh đó, linh mục cần giúp cho các bậc làm cha mẹ ý thức trách nhiệm của họ trước mặt Chúa đối với con cái và giáo dục chúng nên người và nên con cái Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, các cặp vợ chồng phải được hướng dẫn trong tinh thần hy sinh, tìm vinh danh Thiên Chúa và đón nhận thánh ý của Ngài để quyết định số con mà họ sẽ sinh ra, và sinh con vào thời gian và hoàn cảnh thích hợp nhất. Quyết định số con cái trong mỗi gia đình là quyền và nghĩa vụ của cả hai vợ chồng chứ không phải của một phía hay của quyền bính bên ngoài: "bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng" [49]. Vì thế, vợ chồng "trở thành cha mẹ có trách nhiệm nghĩa là: biết cân nhắc suy nghĩ để rồi sẵn sàng làm cho gia đình mình tăng thêm nhân số, hoặc để rồi căn cứ vào những lý do xác đáng, và trong tinh thần tôn trọng lề luật luân lý quyết định tạm ngưng việc sinh sản trong một thời gian ngắn hay vô hạn định" [50]. Trong việc quyết định quan trọng này vợ chồng phải đồng tâm hiệp lực với nhau trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa để có được phán đoán ngay thẳng, "phán đoán ấy, chính đôi vợ chồng phải chọn lựa lấy trước mặt Thiên Chúa" [51].

3.2. Phục vụ trong đức ái

Do Bí tích Truyền Chức thánh, linh mục được tham dự vào sứ vụ lãnh đạo với vai trò làm đầu của chính Chúa Giêsu. Theo gương Chúa Giêsu đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20), linh mục thực thi sứ mệnh đã được uỷ thác trong tinh thần yêu thương, khiêm tốn và hiến thân phục vụ mọi người như một tôi tớ (x. Mt 20,26-28). Đương nhiên, sự phục vụ ấy phải được dành ưu tiên cho những ngưởi nhỏ bé, yếu thế, bất hạnh, đang gặp thử thách bách hại và cần đến sự bảo vệ đỡ nâng. "Bằng việc tham dự vào sứ mệnh vương giả của Chúa Kitô, sự nâng đỡ và thăng tiến sự sống con người cần được thi hành bằng việc phục vụ của đức ái, thể hiện qua chứng từ cá nhân, qua nhiều hình thức thiện nguyện, qua việc vận động xã hội và sự cam kết chính trị. Đó là một đòi buộc đặc biệt cấp bách trong thời điểm hiện tại, lúc mà “nền văn hoá sự chết” đang kịch liệt chống đối và thường thường xem ra lấn lướt “nền văn hoá sự sống”" [52].

Mang lấy nơi mình chính sứ mạng của Chúa Kitô, người linh mục nỗ lực dấn thân phục vụ sự sống con người trong sự yêu mến và trung thành với Giáo huấn của Hội Thánh Người. "Hình thức bác ái cao siêu hơn cả là đừng tìm cách dấu diếm giáo lý của Chúa Kitô" [53]. Vì vậy, người linh mục phải tạo điều kiện cho anh chị em mình được học hiểu thấu đáo về lập trường của Giáo Hội và giáo huấn luân lý Kitô giáo về sự sống để họ có thể áp dụng vào trong những hoàn cảnh cụ thể thường nhật. Nhờ việc trung thành trình bày giáo lý của Hội Thánh về sự sống, linh mục làm triển nở nơi cộng đoàn mình phục vụ một bầu khí tôn quý sự sống, đồng thời tạo nên tình liên đới và sẵn sàng hiến dâng cho người khác bằng "một tình yêu vô vị lợi, tình yêu này tỏ bày chính mình là một văn hoá của sự sống bằng chính ước muốn “liều mất mạng sống mình” (x. Lc 17,33) cho kẻ khác" [54]. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, các linh mục trở nên người thân cận của mọi người (x. Lc 10,29-37). Đời sống và sứ vụ của linh mục diễn tả tình yêu đối với chính Chúa Giêsu còn đang bị bỏ rơi nơi những anh chị em đau khổ trên khắp thế giới. Yêu thương chăm sóc cho những người nhỏ bé bất hạnh, coi trọng phẩm giá cuả họ như một nhân vị là trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho các linh mục trong chức thánh. Quả vậy, "bác ái không phải là một thứ hoạt động trợ giúp xã hội mà ta cũng có thể để lại cho người khác làm, nhưng thuộc về bản tính của Hội Thánh, một lối diễn tả không thể thiếu của bản chất Hội Thánh" [55]. Chính trong cộng đoàn đầy tình yêu huynh đệ phổ quát của Chúa Kitô mà người linh mục khơi dậy sức mạnh phi thường của đức ái. Sức mạnh của tình thương ấy có thể "biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa" [56].

Bằng hoạt động mục vụ bác ái xã hội đa dạng, linh mục cùng với anh chị em mình vận dụng những hình thức hợp lý và hữu hiệu để hỗ trợ và bảo vệ sự sống mới sinh ra, chăm sóc những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội, an ủi nâng đỡ những người đang đau khổ, đặc biệt trong giai đoạn sau cùng. Công việc phục vụ của đức ái đối với sự sống cần phải đi đến tận chính gốc rễ của sự sống và của tình yêu, không phân biệt kỳ thị, bởi vì "sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong mọi giai đoạn, trong mọi hoàn cảnh; sự sống ấy là một điều thiện không thể chia tách được. Vậy cần phải chăm sóc cho mọi sự sống và sự sống của mọi người" [57]. Một cách cụ thể, linh mục có thể góp phần tích cực cứu vớt sự sống người vô tội bằng việc xây dựng những cơ sở phục vụ sự sống: "những trung tâm tương trợ sự sống và những nhà hoặc trung tâm tiếp nhận sự sống luôn sẵn sàng phục vụ sự sống mới sinh ra. Nhờ hoạt động của những cơ sở đó, rất nhiều bà mẹ độc thân và rất nhiều cặp vợ chồng đang gặp khó khăn tìm lại được lẽ sống và niềm tin khi có được sự trợ giúp và nâng đỡ để vượt qua khó khăn và sợ hãi trước việc đón nhận một sự sống sắp sinh ra hoặc vừa mới chào đời" [58]. Mặt khác, nơi các xứ đạo cần thành lập thêm các nhóm tông đồ bảo vệ sự sống, công việc của họ là tìm gặp và giải thích cho những người muốn phá thai đừng giết chính những đứa con của mình, đồng thời săn sàng đón nhận những đứa con họ sinh ra và trao cho những gia đình đạo đức nuôi dưỡng. Đã có nhiều nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân đang gắng công thực hiện những việc làm cụ thể và đầy nghĩa tình, như bảo trợ cho những người mẹ chưa kết hôn, nuôi dạy các trẻ mồ côi, mở lớp tình thương cho trẻ khuyết tật, lập viện dưỡng lão... Hiện nay, hằng ngày vẫn có các tín hữu âm thầm đến các bệnh viện, phòng khám để xin các thai nhi bị phá về mai táng. Nhiều nơi đã lập thành những khu nghĩa trang anh hài dành cho các thai nhi bị phá bỏ với hàng chục ngàn ngôi mộ nhỏ. Công việc này góp phần làm cho mọi người nhìn nhận phẩm giá và quyền được sống của các trẻ em chưa được sinh ra, qua đó gióng lên tiếng kêu thay cho những người không có tiếng nói và là tiếng chuông thức tỉnh lòng người, báo động về những tội ác xúc phạm đến sự sống con người [59].

Kết luận

Nhờ việc rao giảng, đối thoại và phục vụ sự sống, các linh mục kiên trì giáo dục cho các tín hữu và cho tất cả mọi người có một lương tâm ngay chính giúp họ biết yêu quý sự sống và tôn trọng phẩm giá con người. Mọi hình thức bảo vệ sự sống con người cũng như tất cả các công việc phục vụ dành cho sự sống đều dẫn đến việc thờ phượng trong Thần Khí ban sự sống. Thực vậy, việc dấn thân phục vụ Tin mừng sự sống "dù tiếp nhận từ đức tin một ánh sáng và một sức mạnh ngoại thường, thì nó vẫn thuộc về mọi lương tâm con người khát vọng chân lý và chăm chú ưu tư với vận mệnh nhân loại" [60]. Bổn phận tôn trọng và bảo vệ sự sống con người không chỉ giới hạn riêng cho người kitô hữu hay các linh mục, nhưng phải được mở ra cho hết mọi người thuộc mọi thời đại. Trong việc tôn dương Tin mừng sự sống, bất cứ ai thành tâm thiện chí hiến mình phục vụ sự sống con người đều thuộc về Đức Kitô và nhận được sự sống của Ngài (x. Mc 9,40-41). Ai đứng lên bảo vệ sự sống con người thì đã là một kitô hữu rồi! Họ trở thành kitô hữu qua việc làm chứng cho Tin mừng sự sống bằng cách sống theo các tiêu chuẩn của Kitô giáo, cũng như qua việc thực hành niềm tin cậy mến bằng những hành động cụ thể trong đời sống thường ngày. Vì thế, "các linh mục hãy nhờ các lời cầu nguyện và các việc lành mà khẩn nài Chúa Kitô Vị Linh Mục tối cao đời đời để có thể làm chiếu tỏa Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái, cũng như các nhân đức khác, và qua đời sống cũng như cung cách bên ngoài để hoàn toàn hiến thân lo cho ích lợi thiêng liêng của đoàn dân; đó là điều Giáo Hội hằng tâm niệm lo lắng trên hết" [61].

Chú thích:

[1] TOÀ ÂN GIẢI TỐI CAO, Sắc lệnh ban ơn xá trong Năm Linh Mục (25/4/2009). "Chúng ta phải sống cho người khác, chúng ta phải sống với Dân Chúa bằng tình yêu thánh thiện và thần linh. Rõ ràng tình yêu này làm nên sự phong phú của đời độc thân thánh thiện. Tình yêu này đòi buộc chúng ta sống liên đới thực sự với những người đau khổ và những ai đang sống trong nhiều hình thái nghèo khổ khác nhau" (BỘ GIÁO SĨ, Thư gửi các linh mục, ngày 11/6/2009).
[2] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est (25/12/2005), số 25a.
[3] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người (25/03/1995), số 1. Tin mừng sự sống phải được loan báo cho mọi người, vào tận trong những ngõ ngách sâu kín nhất của toàn xã hội: "Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em được hiệp thông với chúng tôi" (1Ga 1,3).
[4] GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các gia đình Gratissimun sane (2/2/1994), số 21; Thông điệp Evangelium vitae, số 59: "Chúng ta đứng trước những gì có thể được định nghĩa như là một “cơ cấu của tội lỗi” chống lại sự sống con người chưa sinh ra".
[5] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 13. "Làm sao còn nói được tới phẩm giá của nhân vị, khi người ta giết những kẻ yếu nhất và vô tội nhất? Nhân danh công lý nào mà người ta thực hiện sự kỳ thị tối bất công giữa những con người như thế, bằng cách tuyên bố rằng một số những kẻ này đáng được bảo vệ, còn những kẻ kia bị từ chối quyền sống?" (GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho các tham dự viên cuộc hội luận về "Quyền sống và Âu châu" ngày 18/12/1987).
[6] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 58.. Đức Thánh Cha Piô XII thì nhận xét: "tội của con người thời nay là đánh mất cảm thức về tội lỗi" (Sứ điệp truyền thanh gửi Đại hội Giáo lý toàn quốc Hoa Kỳ, ngày 26/10/1946).
[7] X. M. A. PEETERS, "The post abortion syndrome", in J. VIAL CORREA – E. SGRECCIA (a cura di), La causa della vita, LEV, Città del Vaticano 1995, 159.
[8] X. VU HOANG NGAN, "La planification familiare", in Y. CHARBIT – C. SCORNET, Société et politique de population au Vietnam, L’Harmattan, Paris 2002, 105-140. Xem thêm các bài: Trẻ nạo phá thai: tương lai dằn vặt (Tuổi Trẻ Online, Thứ Hai, 08/08/2005); Tỷ lệ nạo phá thai của Việt Nam cao hơn các nước khác (Tiền Phong Online, Thứ Sáu, 17/04/2009).
[9] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư mục vụ 2008, số 10.
[10] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, số 27.
[11] BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Donum vitae (22/2/1987), I, số 1; Vì thế, "không bao giờ một trường hợp nào, một mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể làm cho trở thành hợp pháp một hành động vốn thực chất là không hợp pháp, bởi vì trái với lề luật của Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người mà ta có thể phân biệt nhờ chính lý trí, và đã được Giáo Hội công bố" (GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 62).
[12] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 61. "Sự sống là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi từ ban đầu trong lòng người, trong lương tâm con người" (số 40).
[13] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Thư mục vụ 2008, số 18; x. ATHENAGORE, Lời thỉnh cầu cho các Kitô hữu, số 35.
[14] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 58. Theo định nghĩa này, phải phân biệt rõ ràng giữa việc ngừa thai và phá thai. Không thể gọi là ngừa thai hay tránh thai đối với các loại vòng xoắn đặt vào cổ tử cung và các loại thuốc ngăn chặn quá trình làm tổ của phôi thai, hay là giết chết bào thai ngay từ trong bụng mẹ.
[15] Didachè V,2. Điều 1398 trong Bộ Giáo Luật hiện nay vẫn tiếp nối truyền thống này: "phá thai mà có hiệu quả, thì tức khắc bị vạ tuyệt thông". Bằng sự xác nhận hình phạt ấy, Giáo Hội chỉ rõ tội ác này như một trong những tội ác nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, đồng thời kêu gọi họ hoán cải và đền tội thích đáng.
[16] TERTULIANÔ, Minh giáo, IX,8. "Thực tại con người, trong suốt cuộc sống của nó, cả trước và sau khi sinh, không cho phép ta khẳng định một sự thay đổi bản tính, cũng không cho phép khẳng định một sự biến thiên dần về giá trị luân lý, vì nó có một phẩm chất nhân học và luân lý đầy đủ. Bởi thế, phôi người, ngay từ ban đầu, có một phẩm giá riêng của nhân vị" (BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Huấn thị Dignitas personae, số 5).
[17] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, số 51; Sự sống con người là thánh thiêng, vì "ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa". x. PIÔ XI, Thông điệp Casti connubii, (31/21/1930), II; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et magistra (15/5/1961).
[18] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 57.
[19] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 62. Ðức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã tuyên bố trước đó rằng giáo huấn này không bao giờ thay đổi và là bất di bất dịch (x. Thông điệp Humanae vitae, số 14). Giáo huấn ấy đã được nói rõ tại các số 2270-2273 trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Mới đây Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng khẳng định lại rằng: Giáo huấn Công giáo về vấn đề phá thai chưa hề thay đổi và cũng không thể nào thay đổi (L’Osservatore Romano, 11/7/2009).
[20] X. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 84.
[21] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế Sacrosantum concilium, số 5. Phụng vụ "giúp các tín hữu, qua cuộc sống mình, diễn tả cho người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính" (số 2).
[22] X. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1071.
[23] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 104.
[24] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 104. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hoá với những người bé nhỏ nhất: "ai đón tiếp một bé thơ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón Thầy" (Mt 18,5), và "những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các con đã làm cho chính mình Ta" (Mt 25,40).
[25] X. SÁCH LỄ RÔMA, Lời tiền tụng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
[26] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 51. Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha trong mọi sự: "khi vào trần gian Chúa Giêsu đã nói: này con đến để thi hành thánh ý Cha" (Dt 10,9). Ngài đã hiến mình chịu chết "vì Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1). Chính Ngài đã khẳng định: "không ai có tình yêu nào lớn hơn tình yêu này: hiến mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15,13).
[27] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 86. "Những nghĩa cử này là việc tôn dương Tin Mừng sự sống cách trọng đại nhất, bởi vì chúng công bố Tin Mừng bằng chính việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình, chúng là biểu hiện rực rỡ của mức độ cao cả nhất của tình yêu: trao hiến mạng sống mình vì người mình yêu (x. Ga 15,13); chúng là sự hiệp thông vào mầu nhiệm Thập Giá, trên Thập Giá Chúa Giêsu mặc khải cho ta thấy tất cả giá trị mà sự sống của con người có được đối với Ngài và sự sống này được thực hiện cách tràn đầy trong việc trao hiến trọn vẹn bản thân mình như thế nào".
[28] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 38. Đây là lúc phải tái khẳng định tầm quan trọng của lời cầu nguyện khi đối diện với chủ nghĩa duy hoạt động và chủ nghĩa tục hoá đang lớn mạnh nơi nhiều kitô hữu đang dấn thân trong công việc bác ái. "Lời cầu nguyện, như một phương thế múc nguồn sức mạnh mới từ Đức Kitô, trở thành một sự cấp bách hoàn toàn cụ thể. Con người cầu nguyện thì không bỏ phí thời giờ, cho dù hoàn cảnh xem ra tuyệt vọng và có vẻ chỉ đòi hỏi hành động" (số 36).
[29] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 84.
[30] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 84. "Nhờ Bí tích của Giáo Hội - mà máu cùng nước từ cạnh sườn Chúa Kitô là biểu tượng - được luôn luôn thông ban cho con cái Thiên Chúa, nhờ đấy họ trở nên dân của Giao Ước mới. Từ nơi Thánh Giá, là nguồn sống, phát sinh và phát triển “dân của sự sống”" (số 51).
[31] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 25. Trong bài ca Exultet đêm vọng Phục Sinh, Giáo Hội ca lên rằng: "Ôi! Giá trị của con người lớn biết bao trước mặt Đấng Tạo Hoá, tới độ đã xứng đáng được một Đấng Cứu Chuộc rất vĩ đại và đáng kính tôn". Phẩm giá con người cao quý tới độ "Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài để con người khỏi hư mất, nhưng được sự sống đời đời!" (Ga 3,16). X. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemtor hominis (04/03/1979), số 10.
[32] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 25. "Sẽ chẳng còn chết chóc nữa!" (Kh 21,4), nhưng "sự chết đã bị chôn vùi trong chiến thắng. Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi đâu? Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi đâu?" (1Cr 15,54-55).
[33] BÊNÊĐICTÔ XVI, Tông huấn Sacramentum caritatis (22/02/2007), số 94. Trong sự thông hiệp mật thiết của linh mục với Thánh Thể, chúng ta hiểu rõ hơn lời của Mẹ Têrêsa Calcutta nhắn nhủ các linh mục còn được ghi lại nơi phòng thánh của nhà nguyện bên phần mộ của Mẹ: “Hỡi linh mục của Thiên Chúa, xin cha dâng thánh lễ này như thánh lễ mở tay, như thánh lễ sau cùng và như thánh lễ duy nhất trong đời”.
[34] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 25.
[35] INHAXIÔ ANTIÔKIA, Thư gửi tín hữu Êphêsô 7,2; x. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 47.
[36] SÁCH LỄ RÔMA, Lời Tiền Tụng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
[37] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 38.
[38] X. IRÊNÊ LYON, Chống lạc giáo, IV, 20,7.
[39] AUGUSTINÔ, Tự thuật, I,1.
[40] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 59. Trong gia đình truyền thống, ông bà nội ngoại cũng có vai trò giáo dục quan trọng, nhất là khi cha mẹ không thể thường xuyên hiện diện ở nhà bên cạnh con cái lúc chúng đang tuổi lớn khôn (x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Huấn từ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 26/7/2009).
[41] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 495.
[42] PHAOLÔ VI, Thông điệp Humanae vitae (25/07/1968), số 28.
[43] BỘ GIÁO SĨ, Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục (31/1/1994), số 47. 36. Trong hoàn cảnh của Giáo Hội Việt Nam hôm nay thì việc giáo dục trong bầu khí gia đình lại càng phải chú tâm hơn nữa vì Giáo Hội chưa thể thâm nhập vào được các môi trường giáo dục học đường, các Hội tông đồ cũng hoạt động rất hạn chế.
[44] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Familiaris consortio (22/11/1981), số 17. Về giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến các vấn đề gia đình, xem thêm: Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2214-2233; Tông thư Mulieris dignitatem (15/8/1988); Thư gửi các gia đình Gratissimun sane (2/2/1994); Thư gửi các phụ nữ (29/6/1995).
[45] PHAOLÔ VI, Thông điệp Humanae vitae (25/07/1968), số 29. Vững tin nơi Chúa Thánh Linh, các linh mục "dạy cho các cặp vợ chồng con đường thiết yếu của lời cầu nguyện, hãy chuẩn bị tập luyện giúp họ thường xuyên và tin tưởng tìm đến các Phép Bí tích Thánh thể và Giải tội, và đừng có bao giờ thất vọng trước sự yếu đuối của con người".
[46] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 481. Trong số 462 Đức Hồng Y Thuận cũng thể hiện một thao thức cho vấn đề giáo dục gia đình: "Chuẩn bị làm linh mục có chủng viện, chuẩn bị làm tu sĩ có đệ tử viện và tập viện, chuẩn bị làm cha mẹ có gì? Không có gì cả! Thật là một thiếu sót lớn lao trên thế giới. Lúc này tạm có lớp dự bị hôn nhân nhưng chưa đi đến đâu. Bao nhiêu người sẽ là nạn nhân cho cuộc phiêu lưu của các con".
[47] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus annus (1/5/1991), số 39; Thông điệp Evangelium vitae cũng đã nhiều lần lặp lại khái niệm này về gia đình trong các số 6. 11. 59. 88. 92. 94.
[48] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 92.
[49] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et spes, số 50: Khi thi hành bổn phận vợ chồng, họ được "cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa tạo hoá và như trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài".
[50] PHAOLÔ VI, Thông điệp Humanae vitae, số 10. "Trong lãnh vực lưu truyền sự sống, họ không có quyền tự do hành động theo sở thích, tự ý lựa chọn những phương pháp cho là chính đáng, trái lại, phải hướng hành động mình theo đúng thánh ý tạo dựng của Thiên Chúa, thánh ý đó được biểu hiện bằng chính bản chất và các hành vi của hôn nhân cũng như bằng các lời giáo huấn liên tục của Giáo hội".
[51] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 50.
[52] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 87. Các linh mục không trực tiếp tham gia vào các hoạt động chính trị (x. Bộ Giáo Luật, 285; 287), nhưng các ngài có thể định hướng hỗ trợ các nhà chính trị hoạch định chính sách phù hợp và dấn thân hoạt động bảo vệ sự sống con người.
[53] PHAOLÔ VI, Thông điệp Humanae vitae (25/07/1968), số 29. trong việc này, ta cần phải giữ đức nhẫn nại và nhân từ như chính Chúa đã làm gương trong cách đối xử với người đồng thời. Chúa đã đến không phải để xét đoán, nhưng để cứu rỗi (Ga 3,17): Chúa đã giữ thái độ quyết liệt đối với sự dữ, nhưng trái lại, đã tỏ lòng nhân từ đối với con người. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 87.
[54] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 30b. "Thêm vào việc đào tạo chuyên môn cần thiết, những người làm bác ái cần được “đào tạo con tim”: họ cần được dẫn tới gặp Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng thức tỉnh tình yêu của họ và mở lòng họ ra cho kẻ khác" (số 31).
[55] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus caritas est (25/12/2005), số 25a; Sống đức bác ái, linh mục "phải là món quà trong tay Chúa, sẵn sàng để Chúa tặng cho bất kỳ ai, một món quà mà ai cũng quý yêu thèm muốn" (NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 768).
[56] NGUYỄN VĂN THUẬN, Đường hy vọng, số 801.
[57] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 87. Chính trong lúc trợ giúp kẻ đói khát, người xa lạ, kẻ mình trần thân trụi, bệnh tật hay tù đày - cũng như sự trợ giúp em bé sắp sinh, người già nua đau ốm hay gần kề cửa tử thần - mà chúng ta được gọi phụng sự Chúa Giêsu, như chính Ngài đã nói: "Những gì các con đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các con đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).
[58] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 88: "Còn có những tổ chức khác như các cộng đồng phục hồi người nghiện ngập, cộng đồng tiếp nhận vị thành niên hay bệnh nhân tâm thần, trung tâm chăm sóc và tiếp nhận bệnh nhân SIDA, nhất là hiệp hội tương trợ người tàn tật, tất cả đều là tiếng nói hùng hồn của đức ái". Cũng vậy, "chính đức ái tìm ra những dạng thức thích hợp nhất hầu cho những người có tuổi, đặc biệt những người không thể sinh sống một mình và những bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối cùng có thể thọ hưởng một sự trợ giúp hết sức nhân đạo và nhận được những đáp ứng phù hợp với các nhu cầu của họ, nhất là với những gì liên quan đến nỗi lo âu và sự cô đơn của họ".
[59] Xem các bài: A Huê un cimitero per 30 mila bimbi abortiti (Asianews, 26/06/2006); Nghĩa trang của 31 vạn hài nhi bị bỏ rơi (Dantri.com.vn, 14/07/2008); Nghĩa trang thai nhi (Vhfonline.com, 14/03/2009).
[61] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium vitae, số 101.
[62] TOÀ ÂN GIẢI TỐI CAO, Sắc lệnh ban ơn xá trong Năm Linh Mục (25/4/2009).

Lm Giuse Trần Quốc Tuyến

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.02.2010. 23:55