Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chân Dung Cha Sở Họ Ars: Thánh Jean Marie Vianney

§ +GH Benedictô XVI

Anh Chị Em thân mến,

Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn được duyệt lại một cách ngắn gọn cuộc sống của vị Cha Sở Thánh họ Ars, nhấn mạnh đến một vài đặc điểm, cũng có thể là mẫu gương cho các Linh Mục trong thời đại chúng ta, dĩ nhiên là khác với thời đại lúc ngài đang sống, nhưng thời đại chúng ta cũng được đánh dấu, dưới nhiều khiá cạnh, bằng những thử thách căn bản cho đời sống con người và cuộc sống thiêng liêng.

Chính hôm qua là giáp 150 năm ngày ngài được sinh ra trên Trời: đúng vậy đó là lúc hai giờ sáng ngày 04 tháng 8 năm 1859, khi Thánh Jean Marie Vianney, kết thúc xong dòng cuộc sống trần thế của ngài, đã đi đến gặp Cha Thiên Quốc để nhận lãnh di sản Nước Trời, đã được dọn sẵn cho ngài từ thuở tạo thiên lập địa cho những ai trung thành tuân theo các giáo huấn của Người (cfr. Mt 25, 34).

Không biết lễ trọng thể đón rước nào trên Thiên Đàng phải có đã dành cho một vị chủ chăn tận tâm hết nghị lực như vậy!

Không biết cuộc đón rước nào phải được dành riêng cho ngài, của đoàn thể đông đảo những đứa con được làm hoà lạ với Cha, nhờ công trình Cha Sở và Cha giải tội của ngài !

Tôi muốn được nhân dịp nhắc lại lần giáp (150) năm nầy để thiết lập Năm Dành Cho Linh Mục, với chủ đề Trung thành của Chúa Ki Tô, trung thành của vị Linh Mục, như chúng ta biết.

1- Thánh Jean Marie Vianney sinh ra trong một thôm xóm nhỏ bé ở Dardilly, ngày 08 tháng 5 năm 1786, trong một gia đình nông dân, vật chất khó nghèo, nhưng sung mãn về tình thương người và đức tin.

Được nhận Phép Rửa, như thói quen thời đó, cùng một ngày với ngày được sinh ra, cậu Jean chuyên cần suốt những năm tháng của thời trai trẻ vào việc đồng án và chăn nuôi súc vật, đến nỗi mà cả đến lúc lên mười bảy tuổi anh Jean vẫn còn mù chữ.

Nhưng anh nhớ thuộc lòng các lời kinh được người mẹ nhân đức dạy cho và được nuôi dưỡng trong bầu không khí đầy ý nghĩa tôn giáo mà mọi người được thở trong gia đình. Các nhà viết tiểu sử thuật lại rằng, ngay từ lúc còn trẻ, anh Jean luôn tìm sống vâng theo thánh ý Chúa, ngay cả khi làm những việc khiêm tốn nhứt.

Anh Jean nuôi dưỡng trong tâm hồn lòng khao khát muốn trở thành Linh Mục, nhưng không phải anh có được những điều kiện dễ dàng để thực hiên được.

Thật vậy, anh đạt đến được Phép Truyền Chức Linh Mục sau khi trải qua không ít những chướng ngại, khó khăn và hiểu lầm, nhờ được sự giúp đỡ của các Linh Mục khôn ngoan, không dừng lại nhận xét phán đoán các giới hạn con người của anh, nhưng các vị còn biết nhìn qua bên kia, bằng sự cảm nhận được chân trời thánh đức đang được triển nở nơi người thanh niên thật sự độc đáo đó.

Như vậy, ngày 23 tháng 6 năm 1815, anh Jean được phong chức Phó Tế và, ngày 13 tháng 8 kế tiếp, được thụ phong Linh Mục. Sau cùng, vào lúc được 29 tuổi, sau nhiều yếu tố không chắc chắn, không phải ít thất bại và bao nhiêu nước măt, Cha Jean có thể bước lên đến bàn thờ Chúa và thực hiện được ước mơ của đời mình.

Cha Sở Thánh họ Ars luôn luôn tỏ ra đánh giá rất trong đại ơn phúc mình nhận được. Cha xác nhận:

- "Ôi ! Chức Linh Muc cao cả biết bao ! Chúng ta sẽ không biết được hết rằng trên Trời..., nếu dưới đất chúng ta hiểu được, có lẽ chúng ta sẽ chết mất, không phải vì khiếp đảm mà vì tình yêu thương!" (Abbé Monnin, Esprit du Curé d'Ars, p. 113).

Còn nữa, lúc còn trẻ cậu đã thân tình bày tỏ với mẹ:

- "Giá con được làm Linh Mục, con muốn chinh phục nhiều linh hồn" (Abbé Monnin, Procès de l'ordinaire, p. 1064).

Và điều đó đã được thực hiện.

Trong công tác mục vụ, càng đơn sơ bao nhiêu thì càng đạt được kết quả phi thường bấy nhiêu, vị Linh Mục vô danh của một thôn làng hẻo lánh đó của miền Nam nước Pháp đã thực sự thành công bằng cách đồng hoá mình với phận vụ của mình, đến nỗi trở nên, ai cũng thấy được và đều nhận ra được ngài là "Alter Christus" (một Đấng Ki Tô khác), hình ảnh của người Mục Tử Nhân Lành, khác với người làm thuê, hy sinh mạng sống cho chính đoàn chiên của mình (cfr. Jn 10, 11).

Theo gương người Mục Tử Nhân Lành, ngài đã hy sinh đời sống mình hàng mấy chục năm cho phân vụ phục vụ linh mục của mình.

Cuộc sống của ngài đã trở thành một bài giáo lý sống, trở thành hiệu lực hết sức đặc biệt khi dân chúng thấy ngài cử hành Thánh Lễ, thấy ngài dừng lại thờ phượng Chúa trước nhà tạm hay trải qua bao nhiêu giờ trong toà cáo giải.

2- Như vậy, trung tâm điểm của cuộc sống ngài là Phép Thánh Thể, mà ngài cử hành và thờ phượng với lòng ngưỡng mộ và tôn kính.

Một đặc tính căn bản khác của hình ảnh Linh Mục phi thường nầy là lòng cần mẫn trong phận vụ cáo giải.

Trên thực tế, ngài nhận thức được rằng Bi Tích Giải Tội là điều thực hiện hoàn hảo hữu lý và tự nhiên của phận vụ tông đồ Linh Mục, bằng cách vâng theo chỉ thị của Chúa Ki Tô:

- "Anh em tha tội cho ai, thì người ấy đươc tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Jn 20, 23).

Bởi đó Thánh Jean MarieVianney được mọi người biết đến như là Cha giải tội tuyệt diệu, không biết mệt và là một vị thầy linh hướng.

"Chỉ với một động tác nội tâm duy nhứt, từ bàn thờ đến toà cáo giải", nơi ngài trải qua phần lớn thời gian trong ngày của mình, nói một cách nào đó, bằng lời giảng dạy và bằng các lời khuyên lơn có tính cách thuyết phục, ngài tìm cách giúp cho các tín hữu trong họ đạo hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp của Bí Tích Cáo Giải, cho họ biết rằng Bí Tích Cáo Giải là nhu cầu thấm thiết (intima) cho Phép Thánh Thể hiện diện (cfr. Lettera ai sacerdoti per l'Anno Sacerdotale).

Các phương thức mục vụ của Thánh Jean Marie Vianney có thể xem ra không thích hợp cho các hoàn cảnh xã hội và văn hoá hiện tại. Thật vậy làm sao ngày nay một Linh Mục có thể bắt chước được ngài, trong một thế giới đã có quá nhiều thay đổi ?

Nếu thật sự thời gian và nhiều ân sủng cá biệt cho con người đã thay đổi, bởi vậy không có thể tái diễn được, tuy nhiên một khuôn mẫu sống và lòng ước muốn nên tảng (sống đó), mọi người chúng ta đều được mời gọi vung trồng.

Nhìn kỹ ra, điều làm cho Cha Sở họ Ars trở nên thánh đó là lòng khiêm nhường trung thành của ngài với sứ mạng, mà Thiên Chúa mời gọi ngài; chính sự bền tâm phó thác, đầy tin tưởng của ngài vào bàn tay Quang Phòng của Chúa Cha có sức đánh động được con tim dân chúng, không phải nhờ năng lực các tài năng nhân tính của con người, cũng không phải dựa vào ý chí dấn thân của mình, mặc dầu cũng là điều đáng được ngưỡng mộ. Ngài chinh phục được các linh hồn, cả những linh hồn trở nên cằn cỗi, bằng cách thông ban, chia xẻ cho họ điều mà ngài sống thân thiết trong nội tâm, nghĩa là tình thân hữu của ngài với Chúa Ki Tô.

Ngài đã "si tình" (innamorato) đối với Chúa Ki Tô, và bí quyết của sự thành công mục vụ của ngài đó là tình thương mà ngài dành cho Bí Tích Thánh Thể mà ngài rao giảng, cử hành và sống.

Tình yêu thương đó trở thành tình thương yêu đối với đoàn chiên của Chúa Ki Tô, các tín hữu Chúa Ki Tô và tất cả những ai tìm đến Chúa.

Anh Chị Em thân mến, mỗi người được nhận Phép Rửa, và càng hơn nữa đối với vị Linh Mục, Phép Thánh Thể "không phải chỉ là biến cố liên quan đến hai nhân vật chính, là một cuộc đối thoại giữa Chúa và tôi. Sự thông hiệp Thánh Thể nhằm chuyển đổi chính đời sống mình. Với mãnh lực, Thánh Thể mở rộng cả "bản thân tôi" của con người và tạo dựng nên một "chúng tôi mới" (Joseph Ratzinger, La Comunione nella Chiesa, p. 80).

Như vậy, thay vì giảm thiểu diện mạo của Thánh Jean Marie Vianney

- thành một mẫu gương, mặc dầu là mẫu gương đáng thán phục,

- thành một phương thức sống thiêng liêng sùng kính của thế kỷ mười tám,

thì trái lại chúng ta cần đón nhận lấy mãnh lực ngôn sứ đã ghi dấu chứng lên ngài như là con người và như là Linh Mục có giá trị hiện đại rất cao cả.

Ở Pháp sau thời Cách Mạng, có kinh nghiệm một loại "độc tài lý trị luận" (dittatura del razionalismo), nhằm loại trừ sự hiện diện của các linh mục và Giáo Hội trong xã hội, cậu Jean đã sống trước đó - trong những năm còn trẻ - một thời gian lén lút một cách anh hùng, bằng cách phải di chuyển ban đêm hằng mấy cây số để được tham dự Thánh Lễ.

Kế đến - với chức vị Linh Mục - Cha Jean được nổi bật bằng sáng kiến mục vụ khác thường và sung mãn, thích ứng để chứng minh rằng học thuyết lý trí chủ nghĩa (razionalismo), lúc đó đang ngự trị, trên thực tế còn xa mới thoả mãn được các nhu cầu chính đáng của con người và như vậy, nói một cách dứt khoát, là lý thuyết không thể sống được.

3- Anh Chị Em thân mến, sau 150 năm từ ngày Thánh Cha Sở họ Ars chết đi, các thử thách của xã hội ngày nay không kém phần quyết liệt, trái lại có những yếu tố còn phức tạp hơn nữa.

Nếu lúc đó có "độc tài lý trí chủ nghĩa", trong thời đại hiện nay, chúng ta có thể ghi nhận ở nhiều môi trường có một loại "độc tài tương đối chủ nghĩa" (dittatura del relativismo).

Cả hai học thuyết đều cho thấy là những câu trả lời không thoả đáng cho câu hỏi chính đáng của con người là làm thế nào để xử dụng hoàn hảo lý trí của mình như là yếu tố xác định và xây dựng căn tính (identità) của chính mình.

Chủ thuyết lý trí luận không đáp ứng thoả đáng, bởi vì không lưu tâm đến các giới hạn của con người và từ đó tự phụ, tự đắc nhắc một mình lý trí lên để đo lường tất cả mọi việc, biến lý trí thành nữ thần.

Tương đối chủ nghĩa hiện tại làm giảm thiểu lý trí, bởi vì trên thực tế đưa đến quả quyết cho rằng con người không thể chắc chắn biết được gì khác, ngoài ra lãnh vực khoa học thực nghiệm (campo scientifico positivo).

Nhưng ngày nay, cũng như trong quá khứ, con người "kẻ ăn xin ý nghĩa và sự thực hiện hoàn thành" vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm những lời giải đáp thoả đáng cho các câu hỏi căn bản mà mình vẫn không ngừng đặt lên.

Các Thượng Phụ Công Đồng Vatican II đã ý thức được tình trạng "khao khát sự thật", đang cháy nóng trong tim của mỗi con người, khi các vị xác nhận rằng phận vụ của các Linh Mục,

- "với tư cách là những nhà giáo dục đức tin", - và với phận vụ hành xử như "một người mẹ thực sự" đối với họ, bằng cách

* Là cấu tạo nên "một công đồng Ki Tô giáo đích thực", có khả năng mở ra "cho mọi người con đường dẫn đến Chúa Ki Tô",

* Chỉ dẫn hay tạo dễ dàng cho những ai không tin "con đường dẫn đến Chúa Ki Tô và đến Giáo Hội của Người",

* Tạo nên cho những ai đã tin "sự kích thích, thức ăn và sự nâng đở để chiến đấu tinh thần" (cfr. Presbyterium ordinis, 6).

Các lời giảng dạy như vừa kể, Thánh Cha Sở họ Ars vẫn tiếp tục chuyển đến chúng ta, đó là ở tận nền tảng của việc dấn thân mục vụ như vừa kể, vị Linh Mục phải đặt trên đó sự thông hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô, cần phải được vun trồng và triển nở thêm ngày qua ngày. Chỉ có khi nào yêu Chúa Ki -tô, vị Linh Mục mới có thể dạy được cho tất cả sự hội nhập này, tình thân hữu thân thiết với vị Thầy là Thiên Chúa, mới có thể đánh động được tâm hồn của dân chúng và làm cho các con tim đó mở ra cho tình thương yêu nhân hậu của Chúa.

Chỉ có như vậy, từ đó, vị Linh Mục mới có thể tạo nên hứng khởi và niềm sống động thiêng liêng cho cộng đồng mà Chúa giao phó cho mình.

Chúng ta hãy cầu nguyện, nhờ lời cầu bầu của Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-an-nêy, xin Chúa ban cho Giáo Hội của Người các vị Linh Mục thánh, và xin Chúa làm cho nẩy sinh nơi các tín hữu lòng ao ước nâng đỡ và cộng tác với các Linh Mục trong phận vụ của các ngài.

Chúng ta hãy tin tưởng ủy thác cho Mẹ Ma-ri-a ý hướng này, mà hôm nay chúng ta đang nguyện cầu với Mẹ như là Đức Mẹ Tuyết Rơi (Madonna della Neve). (Lời người dịch: ở Rô-ma, để kỷ niệm biến cố, dân chúng đã xây cất Đại Thánh Đường Đức Bà Cả (Basilica di Santa Maria Maggiore).

Điện Tông Đồ Castel Gandolfo, 05.08.2009
Giáo Hoàng Benedictus XVI

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý ngữ : Nguyễn Học Tập
(Thông tấn <famigliacristiana.it>, 05.08.2009)

+GH Benedictô XVI

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.08.2009. 21:15