Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

6 Bài suy tư 'Năm Linh Mục': Đi theo Thầy Giêsu trong Thánh Thần

§ Lm Lê Công Đức

ĐI THEO THẦY GIÊSU TRONG THÁNH THẦN
(6 bài gợi ý suy tư - cầu nguyện)

Bài 1: Ngươi Ở Đâu?

Điểm nhắm: Nhìn lại chính mình. Mô tả con người mình hiện nay. Đặt con người mình trong viễn tượng cả hành trình cuộc đời – để thấy cần làm gì với chính mình.

1. Một minh hoạ: Đám này là đám nào?

- Giác ngộ - Thầy nói - có nghĩa là bất cứ lúc nào bạn cũng biết chính xác mình đang ở đâu. Một điều không hề dễ dàng!

Rồi Thầy kể về một ông bạn của Thầy tuy đã gần 90 tuổi nhưng rất được người ta mến mộ và mời mọc tham dự các đám tiệc của họ. Có lần, tại một buổi tiệc, có người hỏi ông ta tham dự bao nhiêu bữa tiệc nội trong buổi tối hôm ấy.

- Sáu đám! Ông ta vừa trả lời vừa dán chặt đôi mắt vào cuốn sổ tay.
- Cụ xem gì thế? Cụ kiểm tra thử sau đám này sẽ tới đám nào phải không?
- Không - ông trả lời - Tôi kiểm tra để xem đám này là đám nào.
(A. de Mello, Một Phút Tầm Phào)

Ông cụ phải mở sổ tay để kiểm tra xem đám tiệc mà ông đang dự là đám nào!

- Nghĩa là, có thể ông ăn uống rất tích cực, nói cười rất sôi nổi, hiện diện xem chừng rất năng động ở đó, song ông không biết ông đang ở đâu!

- Nghĩa là, thực ra, ý thức ông không đang ở đó: ý thức của ông về thực tại xung quanh, và ý thức của ông về chính mình.

- Nghĩa là, những gì gọi là ‘năng động’ nơi ông thực ra chỉ là những phản xạ có điều kiện, hoàn toàn máy móc.

- Nghĩa là, trông có vẻ ông ở đó mà kỳ thực ông không đang sống ở đó. Ông đang sống ở một chỗ nào khác, hoặc ông không đang sống chỗ nào cả.

- Cũng Cha de Mello, trong một tác phẩm khác, quyển Thức Tỉnh, mô tả những con người “không đang sống ở đó” là những “người chết.” Ngài nói: “Tôi đề cập đến tình trạng người ta đang mê ngủ, đang chết. Người chết đang điều khiển chính quyền, người chết đang điều khiển các công việc kinh doanh, người chết đang giáo dục những người khác...”

- Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người Việt Nam được kể vào số các nhà linh đạo nổi tiếng nhất của thế giới hiện đại – và linh đạo của Nhất Hạnh chứa đựng trong chỉ một từ: “ý thức” (mindfulness: tình trạng hoàn toàn nhận thức được thực tại đang diễn ra, chính mình và xung quanh mình, nghĩa là tình trạng hoàn toàn sống ở đây và lúc này).

Xem thế, hình ảnh Ađam và Eva chui trong bụi tuy thật đáng tiếc nhưng không hẳn là quá tệ. Hai ông bà ý thức: ý thức về sự trần truồng của mình; và hai ông bà biết rõ mình đang ở đâu khi nghe Thiên Chúa hỏi: “Ngươi ở đâu?”

2. Ngươi ở đâu?

Đây là câu hỏi đầu tiên, một trong những câu hỏi lớn nhất qua mọi thời đại. Câu hỏi mà Thiên Chúa hỏi con người ở đầu Sách Sáng Thế (3,9). Ađam và Eva, sau khi bất tuân phục Thiên Chúa, đã chui vào trong bụi để lẩn tránh Ngài. Thiên Chúa đi dạo trong vườn, gọi con người và hỏi “Ngươi ở đâu?” Ađam thưa: “Con nghe tiếng Ngài, và con sợ hãi, vì con trần truồng.” Thiên Chúa hỏi: “Làm sao ngươi biết là ngươi trần truồng?”

Câu chuyện lạ lùng này trong trình thuật sáng tạo không chỉ là câu chuyện của Ađam và Eva. Đây thực sự là câu chuyện của mỗi người chúng ta. Đây là một mạc khải cho biết chúng ta đang ở đâu. Vẫn câu hỏi “ngươi ở đâu?” ấy được đặt ra cho mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi người. Vào mọi khoảnh khắc trong đời mình, Thiên Chúa vẫn không ngừng hỏi chúng ta: “Ngươi ở đâu? Tại sao ngươi lẩn tránh?”

Tất cả những câu hỏi nền tảng nhất liên quan đến hạnh phúc của con người sẽ bật lên khi chúng ta bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi cào cứa này: Tôi đang ở đâu? Tôi đang ở đâu trong liên hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác? Đây chắc chắn là câu hỏi cốt thiết nhất của cuộc nhân sinh.

Cha Thomas Keating, dòng Xitô, cho thấy sự tương đồng nào đó giữa câu chuyện trên với một câu chuyện khác trong truyền thống Hồi giáo:

Ông thầy không thể vào nhà vì đã đánh mất chìa khoá cửa. Ông gập mình bò trên đám cỏ trước sân nhà, vạch từng bụi cỏ để tìm chiếc chìa khoá. Một nhóm đệ tử bước tới. Thấy cảnh tượng ấy, họ hỏi:

- Có chuyện gì vậy, thưa thầy?
- À, ta đang tìm chiếc chìa khoá, để vào nhà. Ông thầy đáp.
- Để chúng con giúp cùng tìm với thầy.
- Được lắm. Ông thầy gật đầu.

Thế là cả nhóm đệ tử sà xuống, bò lê trên đám cỏ, lùng sục từng centimét. Thầy trò cứ thế cặm cụi mò tìm, dưới cái nắng mỗi lúc một gay gắt hơn. Một đệ tử lên tiếng hỏi:

- Nè, thầy có nhớ chính xác thầy đã đánh mất chìa khoá ở chỗ nào không?
Ông thầy ngước lên, trả lời:
- Đương nhiên là ta nhớ chứ. Ta đã đánh mất nó ở trong nhà.
Cả đám đệ tử cùng trố mắt ngạc nhiên:
- Ủa, vậy sao thầy lại chúi mũi kiếm nó ở ngoài này?
- Vì ở đây sáng sủa, dễ tìm hơn.

Ông thầy ở đây sẽ được mô tả là: điên, khùng, ngốc, ngớ ngẩn...!

Tất cả chúng ta đều đã lạc mất chìa khoá vào nhà. Chúng ta không còn sống trong ngôi nhà của mình nữa. Chúng ta không kinh nghiệm Thiên Chúa ở trong mình. Chúng ta không ở trong sự thân mật với Thiên Chúa mà Ađam và Eva đã từng kinh nghiệm trong vườn Êđen, sự thân mật mà ông thầy trong câu chuyện trên kia từng kinh nghiệm trước khi ông đánh mất chìa khoá cửa. Ngôi nhà ấy tượng trưng cho hạnh phúc – và hạnh phúc là sự thân mật với Thiên Chúa, là kinh nghiệm về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa. Không có kinh nghiệm này, mọi sự khác đều bế tắc. Có kinh nghiệm này, mọi sự đều được khai thông.

Đó là thân phận con người. Ta không biết đâu là nguồn hạnh phúc đích thực; hoặc giả có biết, ta cũng đã đánh mất chìa khoá để mở cánh cửa hạnh phúc ấy. Ta vô vọng kiếm tìm hạnh phúc nơi mà hạnh phúc chẳng thể được tìm thấy. Chìa khoá không rơi mất ngoài đám cỏ. Nó không rơi mất bên ngoài ta. Nó lạc mất đâu đó bên trong ta; và ta cần phải tìm kiếm nó bên trong chính mình.

Một cách để đặc tả thân phận con người, đó là: Ai cũng loay hoay kiếm tìm chìa khoá mà chẳng ai biết nó ở đâu. Thân phận con người, vì thế, vô cùng đớn đau. Và nếu bạn cần sự giúp đỡ trong khi bạn đang tìm chìa khoá ở nơi không hề có nó, thì sự giúp đỡ có đầy cho bạn đấy. Bởi vì mọi người cũng đang tìm nó ở nơi không hề có nó: Nơi sáng sủa hơn, vui thú hơn, an toàn hơn, có nhiều sự dễ chịu hơn, và có nhiều sự chấp nhận của người khác hơn. Người ta gắn bó với nhau trong cuộc kiếm tìm mà chẳng có dấu hiệu gì để hy vọng sẽ gặp được điều mình tìm kiếm.

Thân phận con người là thân phận lạc mất. Theo Augustinô, sự lạc mất đầu tiên ấy để lại 3 hậu quả là mê lầm, dục vọng và yếu nhược: (1) mê lầm: Ta không biết hạnh phúc nằm ở đâu; (2) dục vọng: Ta tìm hạnh phúc ở những nơi không thực sự có nó; và (3) yếu nhược: Hoặc giả ta nhận ra được đâu là nơi có hạnh phúc đích thực, thì ý chí của ta cũng quá yếu ớt và ta không đủ sức theo đuổi.

3. Tôi đang ở đâu?

Trong 3 chiều không gian và một chiều thời gian, thật không khó để xác định gần như chính xác tuyệt đối tôi đang ở đâu. Wikimapia hoặc Google Map có thể giúp chỉ ra chính xác tôi đang ở kinh tuyến và vĩ tuyến nào trên bề mặt địa cầu này.

Và câu trả lời ấy đúng cho tất cả mọi người đang có mặt với tôi ở đây.

Nhưng khi vấn đề đặt ra là tôi đang ở đâu trong quan hệ với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, thì câu trả lời không thể “xài chung” được nữa. Mỗi người sẽ dừng lại, nhắm con mắt thể lý, mở con mắt tâm hồn ra, nhìn quanh, xác định những dấu mốc, để nhận ra chính xác mình đang ở đâu.

Một năm, một tháng, một tuần qua, tôi có những chuyển hoá nào? Tôi thêm kiến thức, thêm kỹ năng, thêm các mối quan hệ... và phải chăng tôi cũng thêm tin, yêu, tự do và hạnh phúc?

Đã có những thay đổi nào trong thói quen, trong tầm nhìn, trong đánh giá, trong cách phản ứng của tôi?

Thời gian đã giúp tôi trở nên phong phú hơn, hay tôi đã hoá ra nghèo nàn hơn?

- Hệ trục toạ độ:

- Với Thiên Chúa: Đức Tin, Cậy, Mến của tôi? Đời sống cầu nguyện của tôi? Việc cử hành phụng vụ, bí tích? Chỗ đứng của Lời Chúa trong đời sống của tôi?

- Với chính mình: Tôi đã làm gì với thời gian của mình? Sức khoẻ của mình? Tiền bạc của mình? Các khả năng mà Thiên Chúa ban cho mình?

- Với người khác: Tôi có thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại? Tôi có chịu đựng và tha thứ ? Tôi có yêu thương? (cf. Cl 3,12-14)

Tóm lại, tôi đang ở đâu? Tôi đang ở trong bụi rậm nào khi Chúa đến gọi tôi lúc này? Sự thật nào nơi mình làm cho tôi thấy mình trần truồng và xấu hổ?

Ý thức trần truồng và sự xấu hổ, thật ra, không phải là cái gì quá tệ hại. Trái lại, đó là điều kiện cho sự chữa lành, sự cứu độ (salvation). Tôi thậm chí cần phải xin ơn cho được ý thức về sự trần truồng của mình, xin ơn cho được cảm thấy xấu hổ về sự trần truồng ấy – và xin ơn để chui ra đối diện với Chúa, để nhận trách nhiệm về tất cả sự thật của mình trước mặt Ngài, và để được Ngài nâng đỡ mà bắt đầu lại từ chính sự thật ấy.

Nhìn lui rồi nhìn tới – tôi cũng nên nhìn tới tương lai một chút (coi như một cách để chia trí!) Tôi dừng lại chiêm ngắm tấm bia mộ sẽ mang tên tôi:

Bài 2: Thầy Ở Đâu? (Ga 1,38)

Điểm nhắm: Hỏi “Thầy ở đâu?” là một cách thăm dò tinh tế để điều tra cho một dấu hỏi căn bản hơn: “Thầy là ai?” Hai môn đệ đầu tiên đến chỗ của Thầy và ở lại với Thầy hôm ấy, như chính thức bắt đầu một hành trình khám phá Đức Giêsu sẽ còn tiếp tục mãi, không cùng. Đức Giêsu là một con người quá kỳ lạ. Không gì ngớ ngẩn cho bằng giả thiết rằng mình đã ‘nắm’ Ngài. Và, nhiều khi, thái độ lý tưởng là tháo gỡ hết mọi tiên kiến, mọi quan niệm có sẵn về Ngài – để tiếp xúc với Ngài như thể mới phút đầu gặp gỡ...

1. Nhân danh Đức Giêsu Kitô!!!

Bộ phim Jesus của đạo diễn Roger Young bắt đầu bằng một cảnh cực kỳ gây sốc nhưng cũng là một cảnh đầy lịch sử tính: Trên màn hình là một con người bị trói hai tay và bị treo hẫng trên giàn hoả thiêu; lửa được châm và bùng lên thiêu đốt người ấy, trong khi đó một vị (không rõ là giáo hoàng hay giám mục) với phẩm phục và mũ gậy đầy đủ, đứng bên cạnh dõng dạc tuyên bố:

“Nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Vâng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ở trên trời, ta xử tử ngươi vì ngươi làm chứng điều sai trái, vì người tin những điều sai trái, vì ngươi nói những lời sai trái, và vì ngươi làm ố danh của Chúa Giêsu Kitô!”

Thật khó có gì mỉa mai hơn! Người xem phim bất chợt tự hỏi: Ai thực sự đang làm ố danh Đức Giêsu Kitô, kẻ bị thiêu sống hay là kẻ đang thiêu sống người khác? Không có gì dễ cho bằng nhân danh Đức Giêsu. Nhưng liệu khi nhân danh Ngài như vậy, ta đã thực sự hiểu về Ngài? Ở đây lộ ra một vấn đề căn bản nhất: Đức Giêsu bị hiểu lầm, hoặc thậm chí bị cố tình ép nặn cho vừa với cái khuôn suy nghĩ của người ta. Và ta đừng quên, đây là bi kịch trong Giáo Hội và do Giáo Hội, đã từng kéo dài trong một thời.

Mới đây, Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, OP., có ra một quyển sách nhỏ mang tựa đề “Những Căn Bệnh Trầm Kha trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam.” Tác giả liệt kê 5 căn bệnh trầm kha, gọi là 5 thứ ‘đạo’: đạo sinh hoạt, đạo hiếu kính, đạo thiêng liêng, đạo luân lý và đạo thực dụng. Các tên gọi này thoạt nghe không đến nỗi ‘vấn đề’ gì lắm, nhưng thực ra đó là những ‘đạo’ rất là có ‘vấn đề’, rất là xa lạ với đạo đích thật của Đức Giêsu – và do đó cũng rất xa lạ với chính Đức Giêsu! Sau đây là những dòng tác giả viết trong lời ngỏ:

“Tôi nghe kể: có một người kia, rất giàu có và có những 18 bà vợ. Mỗi bà vợ đều có cơ ngơi riêng, cuộc sống tương đối an nhàn. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được rửa tội...

Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!

Những nhận định kiểu như thế ta có thể thấy khá nhiều. Và nếu vậy, thì những người Công Giáo đạo gốc đã không được ‘hên’ như thế, vì họ phải biết đạo sớm, phải lo giữ đạo cả một cuộc đời mà không chắc có được lên thiên đàng hay không.

Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một gánh nặng phải mang vác để đổi lấy cuộc sống thiên đàng mai sau. Quả thật, nói chung, những cộng đoàn Kitô giáo vẫn chưa có mấy dấu hiệu khá lên về đời sống bác ái; tổ chức quản trị trong Giáo Hội ít biểu lộ một thái độ tôn trọng tín hữu, nhất là những người bé mọn; sinh hoạt trong Giáo Hội ít triển nở thành thái độ có tâm huyết với cuộc đời.

Trong nhân cách Kitô hữu, nói chung, chúng ta cũng ít thấy biểu lộ một sự trưởng thành và triển nở phong phú vì được làm con cái Chúa. Thái độ người Kitô hữu ít diễn tả được sự tự do của con cái Chúa, nhưng thường là một thái độ dúm dó, sợ hãi, nệ luật, lách luật, hình thức, và ấu trĩ...”

Rồi tác giả tự hỏi:

“Làm thế nào để người Kitô hữu có được sự gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu nhiều hơn, chứ không chỉ tham dự sinh hoạt tôn giáo? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận ra một Đức Giêsu là Bạn và là người Anh, là Đấng có thể chia sẻ cả những tội lỗi yếu đuối của mình? Làm thế nào để người Kitô hữu tìm thấy niềm vui chân thật, chứ không phải chỉ còng lưng ‘đóng thuế’ cho một thế giới thiêng liêng nào đó? Làm thế nào để người Kitô hữu nhận được tình thương cứu độ của Đức Giêsu chứ không phải chỉ là nỗ lực luân lý nhằm tu sửa một cách khó nhọc? Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ được chính Chúa và được biến đổi chứ không phải chỉ xoay sở và thu gom những công phúc cho cá nhân? Làm thế nào để thái độ trung tín với một Đức Giêsu chịu chết và phục sinh cũng chính là lời loan báo Tin Mừng như một giải pháp cho cuộc sống nhân sinh hôm nay?”

Chúng ta sẽ làm thế nào để trả lời những câu hỏi “làm thế nào” đó đây, nếu không phải trước hết là quay lại với Đức Giêsu Kitô, để hỏi “Thầy, Thầy ở đâu?” – để đến ở với Thầy và khám phá Thầy.

2. Quay lại với Đức Giêsu Kitô

Cha Joseph Girzone, 79 tuổi, dòng Cát Minh ở New York, là một tác giả Mỹ ‘best-selling.’ Ngài thành lập tổ chức Joshua Foundation, nhằm mục đích giúp cho người ta hiểu Đức Giêsu nhiều hơn. Khoảng hai chục quyển sách của ngài, bán rất chạy, đều viết về Đức Giêsu, thuộc nhiều thể loại. Trong quyển Chân Dung Đức Giêsu, ngài viết:

“Phải một thời gian lâu lắm tôi mới ý thức rằng còn có cái gì thiếu sót trong lối hành đạo của chúng ta, và điều này làm cho tôi rất ái ngại. Chúng ta ai cũng nhạy cảm đối với phong tục tập quán của Giáo Hội mình. Các giáo sĩ lo bảo vệ đức tin của tín đồ và lo sao cho họ trung thành với nhà thờ hay hội đường của mình. Điều này không có gì sai. Nhưng một ngày nọ tôi cảm thấy rằng chúng ta chỉ quan tâm đến Giáo Hội và nhà thờ của mình mà ít quan tâm đến điều Thiên Chúa muốn... (bản tiếng Việt, tr.3-4). Tôi cảm nghiệm rằng mặc dù chúng ta hăng say hoạt động cho Giáo Hội, nhưng điều Đức Giêsu muốn thì lại không phải là động lực của chúng ta. Đối với những người lãnh đạo trong Kitô giáo thì điều Đức Giêsu muốn phải đứng hàng đầu, nhưng Giáo Hội, thần học và giáo luật lại là động lực căn bản! Vì thế nhiều vị trong khi hành sự không quan tâm đến điều Đức Giêsu muốn (tr. 6). Khi đi giảng về đời sống và về điều Đức Giêsu dạy, tôi phải ngạc nhiên khi nghe dân chúng nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói về đời sống của Đức Giêsu. Một linh mục rất thánh thiện mà tôi kính yêu từ lâu nói rằng ông rất đỗi ngạc nhiên vì làm sao tôi có thể nói về Đức Giêsu suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi tôi hỏi tại sao ông ngạc nhiên thì ông bảo rằng trong ĐCV không có dạy về Đức Giêsu. Người ta chỉ dạy Kitô học, Kinh Thánh, giáo luật và một số môn học khác, nhưng không ai dạy môn học về con người Giêsu, về điều Giêsu nghĩ và tầm nhìn của Ngài.

Tôi cũng gặp một chuyện tương tự khác. Một sinh viên muốn mời tôi đến chủng viện của anh để nói về Đức Giêsu. Tôi bảo anh nên dàn xếp với phân khoa gửi giấy mời cho tôi. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị anh yêu cầu một giáo sư thần học trong ban giáo sư để dạy về Đức Giêsu. Anh trả lời rằng anh và các sinh viên khác đã đề nghị với một giáo sư thần học nổi tiếng, nhưng ông ta trả lời rằng người ta thuê ông dạy thần học chứ không phải dạy về Đức Giêsu.” (tr. 7-8).

Với quyển “Giôsua, Dụ Ngôn Cho Thời Nay,” Cha J. Girzone đã viết một tiểu thuyết hẳn hoi, trong đó ngài cho Đức Giêsu xuất hiện trở lại trong thế giới hiện đại, và Giêsu hiện đại này đã gây nhiều bất ngờ, đồng thời cũng gặp nhiều phiền phức, thậm chí do chính Giáo Hội!

Thế đấy, Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ!

3. Đức Giêsu được mô tả thế nào trong các sách Tin Mừng?

Đức Giêsu là một nhân vật kỳ lạ. Và nói theo ngôn ngữ của Cha Albert Nolan, dòng Đa Minh, thì Đức Giêsu là một con người bị đánh giá thấp quá. Bị đánh giá thấp không chỉ bởi những con người chỉ nhận thấy nơi Ngài một bậc thầy tôn giáo, mà còn cả bởi những con người quá nhấn mạnh thần tính của Ngài, khiến Ngài không còn là một con người với đầy đủ nhân tính nữa. Khi người ta để Đức Giêsu tự nói về thân thế, khi người ta thử tìm hiểu Ngài với một đầu óc không định kiến, trong khung cảnh của thời đại Ngài đang sống, thì người ta sẽ nhận thấy một cái gì lộ rõ lên, đó là hình ảnh của một người có tư cách độc lập phi thường, có đức tính dũng cảm tuyệt vời, có thái độ trung thực vô song, một con người mà không ai giải thích nổi bản lĩnh. Tước đoạt nhân tính ở một con người như thế, tức là tước đoạt mất sự cao cả của Ngài.

Chúng ta khó hình dung được Đức Giêsu đã là một con người như thế nào mà khác tất cả những nhân vật có trước cũng như các người đồng thời cách triệt để đến thế. Tri thức to lớn của giới ký lục đã không làm cho người nao núng. Ngài không ngần ngại tách xa khỏi họ, mặc dù họ xem ra rất thông thạo hơn Ngài về các chi tiết lề luật và về cách giải thích lề luật theo cổ truyền. Đối với Ngài không có một truyền thống nào quá thiêng liêng đến không thể làm ngược lại, không có điều gì chắc chắn căn bản đến không thể biến đổi được.

Nhưng Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không đối lập với thiên hạ vì đầu óc chống báng hay vì muốn bộc lộ sự bực bội sâu sắc đối với mọi người. Suốt cả cuộc đời, Ngài đã để lại cho chúng ta ấn tượng về một con người dám nói dám làm theo những quan niệm của mình, một con người độc lập đối với mọi người.

Nơi Đức Giêsu, không hề có một dấu vết sợ hãi. Không sợ gây gương xấu, không sợ mất tiếng tốt, không sợ ngay cả mất mạng sống của mình. Tất cả những con người tôn giáo, ngay cả Gioan Tẩy Giả, đều sửng sốt khi thấy Ngài hoà mình với những người tội lỗi, khi thấy Ngài vui thích bầu bạn với họ, khi thấy Ngài tự do đối với lề luật, khi thấy Ngài có vẻ như chẳng quan tâm mấy đến sự nghiêm trọng của tội lỗi, và khi thấy Ngài tương giao với Thiên Chúa một cách thật thoải mái. Đức Giêsu đã sớm tự chuốc lấy điều mà chúng ta có thể gọi là tiếng xấu: “Một kẻ háu ăn và nghiện rượu.” Chính Ngài đã thuật lại lời đàm tiếu ấy có pha một chút dí dỏm (Mt 11,16-19). Nói theo cách suy diễn, sự thân cận với những người tội lỗi khiến thiên hạ liệt Ngài vào hạng người tội lỗi (Mt 11,19; Ga 9,24). Và vào một thời mà sự đánh bạn với một phụ nữ không họ hàng gì với mình chỉ gây nên ngờ vực, dị nghị, thì việc Ngài giao thiệp với đàn bà, trong đó có những người mãi dâm, đã đủ làm cho Ngài mất hết danh giá (Lc 7,39; Ga 4,27). Đức Giêsu đã chẳng cần làm gì cả và chẳng cần thoả hiệp với ai để giữ lấy dù chỉ là một chút danh giá trước mắt người đời. Ngài đã không tìm kiếm sự tán thành, dù của “người lớn nhất trong số những kẻ được đàn bà sinh ra” – tức là Gioan Tẩy Giả.

Theo Máccô (rồi Mt và Lc cũng thế), thì cho đến cả những kẻ thù của Đức Giêsu cũng phải công nhận Ngài là một người ngay thật, chẳng sợ ai: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là một người chân thật và Thầy không sợ bất cứ ai; Thầy không quan tâm đến địa vị xã hội, nhưng Thầy dạy đường lối của Thiên Chúa theo sự thật” (Mc 12,14).

Mặc dù họ nói thế để gài một cái bẫy, nhưng câu nói ấy cũng cho chúng ta ý niệm về ấn tượng mà Đức Giêsu đã in sâu vào tâm trí dân chúng. Gia đình có lần nghĩ Ngài là kẻ mất trí (Mt 3,21). Những người Pharisêu thì bảo Ngài là một kẻ bị quỉ ám (Mc 3,22). Họ tố cáo Ngài là một kẻ say rượu, một kẻ tham ăn, một kẻ tội lỗi, một kẻ phạm sự thánh, nhưng không ai có thể cho Ngài là một kẻ gian dối hay giả hình, không ai có thể trách rằng Ngài sợ những gì thiên hạ có thể nói về Ngài, hoặc sợ những gì người ta có thể làm để chống lại Ngài.

4. Đề nghị vài hướng để khám phá Đức Giêsu

-Theo bạn, đâu là điểm khác biệt căn bản giữa Đức Giêsu và các vị sáng lập các tôn giáo như Đức Phật, Mahomet, Khổng Tử, Lão Tử? Các vị ấy có thể dạy yêu thương, nhưng các vị ấy có khẳng định tình yêu của mình đối với các tín đồ và đòi các tín đồ yêu mình không? Bạn hãy hình dung tâm trạng của Đức Giêsu khi Ngài nói “Này là mình Thầy... / Này là máu Thầy...”, khi Ngài quì xuống rửa chân cho các môn đệ, hay khi Ngài nói những lời này: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

-Bạn có thể thử nhắm mắt lại, ‘nhìn’ Chúa Giêsu, và hỏi Ngài “Thầy ở đâu?” một cách nóng bỏng, mới tinh, một cách đầy đủ tính thời sự không?

-Bạn cho rằng Kitô hữu là người có Đức Kitô, người mang Đức Kitô hay là người không ngừng khám phá Đức Kitô?

-Mahatma Gandhi, một người Ấn giáo, đã ‘mê’ Đức Giêsu trong các Sách Tin Mừng. Còn chúng ta, đọc Tin Mừng hoài, nhưng chưa chắc đã say mê Ngài như ông ấy. Bạn nghĩ trong việc khám phá Đức Giêsu thì đâu là điểm thuận lợi của Mahatma Gandhi so với nhiều Kitô hữu chúng ta? Nhưng Gandhi đã không bao giờ trở thành Kitô hữu... Bạn thử giải thích trường hợp này. [Liên hệ đến câu chuyện Gandhi bị từ chối, không cho phép bước vào một nhà thờ để tham dự Thánh Lễ - vì đó là ‘chỗ của người da trắng’, còn Gandhi lại là một người da đen.]

-Bạn hãy tưởng tượng Đức Giêsu đến làm người lần nữa, lần này Ngài sinh ra và lớn lên tại Việt Nam... Và bạn đi tìm gặp Ngài, thì nhiều khả năng bạn sẽ gặp Ngài đang làm gì, ở đâu? Bạn sẽ thấy Ngài yêu gì, ghét gì? Gặp rắc rối với những ai? Được thông cảm và ủng hộ bởi những ai?

-Hoặc bạn hình dung kiểu khác: Nếu kê ra danh sách 10 người hay 5 người được biết đến nhiều của thế giới trong 100 năm hay 50 năm trở lại đây, và đó là những người giống với Đức Giêsu như được trình bày trong các Sách Tin Mừng nhất – bạn sẽ đưa những tên tuổi nào vào danh sách? Tại sao?

Bài 3: Thần Khí Của Đức Chúa Ngự Trên Tôi...

-Điểm nhắm: Nếu Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, thì đó là tình yêu vừa phổ quát, vừa thiên vị: Ngài ưu tiên yêu thương những người nghèo, những người bất hạnh, những người tội lỗi, bị loại trừ, bị áp bức... Nhìn Đức Giêsu trong sứ vụ công khai của Ngài, ta thấy Ngài là một nhà chữa trị, nhà giải phóng.

1. Hôm nay, những lời ấy của ngôn sứ Isaia được ứng nghiệm

Sau 30 năm sống ở Nadarét, Đức Giêsu lên đường rao giảng một sứ điệp mà Ngài gọi là Tin Mừng. Ở hội đường Nadarét, Ngài cầm cuộn Kinh Thánh người ta trao cho và đọc lớn tiếng: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ngài đã sai tôi đi công bố kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người mù sẽ được thấy, người bị áp bức sẽ được tự do, và công bố năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)

Kẻ bị giam cầm sẽ được giải phóng, người bị áp bức sẽ được tự do! Đấy không phải là nói đến sự thống trị của La Mã, nhưng là của tôn giáo. Dân chúng phải giữ hết luật này đến luật khác, xác định từng chi tiết của đời sống thường nhật. Ngoài những luật lệ đàn áp do người La Mã, còn có một bộ luật Do Thái cả về dân sự lẫn tôn giáo. Riêng về luật tôn giáo, không chỉ có 10 Điều Răn. Còn có 631 giới răn và 365 điều cấm kỵ và hàng trăm lệnh phải tuân giữ. Dân chúng nếu không giữ nổi hết các luật ấy thì bị các vị lãnh đạo tôn giáo tuyệt thông, không cho phép đi lại với những người ngay lành khác trong xã hội. Thánh Phaolô nói rằng lề luật là “gánh nặng mà con người không mang nổi.”

Và Đức Giêsu, đã trịnh trọng tuyên bố rằng “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” Khi Đức Giêsu nói về chính mình, Ngài tự mô tả Ngài là một người được sai đến. Ngài nói rằng Ngài được Cha sai đến để làm một việc gì đó. Ngài không cung cấp cho các môn đệ hay bạn hữu của Ngài nhiều thông tin về đời sống bên trong của Ngài, về tính cách, hay về những yếu tố mà chúng ta vẫn thường gắn với nhân cách của một con người. Nhân cách của Đức Giêsu bộc lộ chính là qua sứ mạng mà Ngài đảm nhận, được đồng hoá với chính sứ mạng ấy. Đối với Đức Giêsu, sứ mạng không chỉ là một chức năng, một công tác hay một nghề nghiệp; đúng hơn, sứ mạng bao trùm và thấm nhập toàn thể hiện hữu và sự sống của Ngài.

Trong các Tin Mừng nhất lãm, Đức Giêsu không nói nhiều về chính mình – vì thế, những trường hợp ít ỏi mà Ngài tự bạch thật đáng để ta chú ý: “Nào chúng ta hãy đi đến những làng khác nữa, để ta cũng sẽ rao giảng Tin Mừng ở đó. Vì chính để làm công việc này mà ta được sai đến.” (Mc 1,38). Tin Mừng thứ tư, trái lại, hướng sự chú ý của ta vào con người Đức Giêsu. Và trong bản văn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc đến sứ mạng của Ngài không dưới 40 lần. Những động từ “đến” và “sai đến” xuất hiện trùng trùng. Đây là hai ví dụ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài. Phần tôi, tôi biết Ngài, bởi vì tôi từ Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai tôi.” (Ga 7,28-29); “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17,18).

Về sau này, khi các Tông Đồ và các tác giả Tân Ước muốn đúc kết toàn bộ câu chuyện cách ngắn gọn, họ cũng đã không dùng những từ nào khác: “Khi đã đến thời ấn định, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến...” (Gl 4,4); “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống.” (1 Ga 4,9).

Rất thường, khi Tân Ước đề cập chuyên biệt về sứ mạng thì đó là đề cập đến nguồn gốc và hướng đích của sứ mạng ấy. Nguồn gốc của sứ mạng là Chúa Cha, Đấng sai Đức Giêsu đến. Và hướng đích của sứ mạng được kể trước hết là những kẻ nghèo hèn, những kẻ bị giam cầm, những người mù, những người bị áp bức... như chính Đức Giêsu xác nhận: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe.” (Lc 4,21).

Thật vậy, trong các sách Tin Mừng, những người dành được sự đặc biệt quan tâm của Đức Giêsu là những người nghèo, mù loà, què quặt, phung hủi, những người đói khát, đau khổ, những người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, những kẻ bị quỉ ám, những người bị áp bức, bị chà đạp, bị giam cầm, những người vất vả khó nhọc và gánh nặng, những người ngu dốt không biết lề luật, những đám đông vô danh, những người bé mọn, thấp hèn, những con chiên lạc khốn khổ của nhà It-ra-en. Những con người ấy, không thể lẫn với những người khác, được Đức Giêsu gọi chung là những người nghèo hay những người bé mọn – còn những người Pharisêu thì gọi những người đó là những kẻ tội lỗi. Cha Noland nói rằng người ta có thể hiểu Napoleon mà không cần hiểu đám đông khốn khổ trong thời của ông, nhưng chắc chắn sẽ không thể hiểu Đức Giêsu nếu không đặt Ngài trong bối cảnh những người khốn khổ vào thời của Ngài.

2. Đức Giêsu có thánh thiện không?

Một câu hỏi đặc biệt giúp rọi ánh sáng trên sứ mạng của Đức Giêsu, đó là: Đức Giêsu có thánh thiện không? Cứ theo sự trình bày của các sách Tin Mừng thì câu trả lời là Có và Không. Ngài không thánh thiện theo quan niệm thông thường của người đương thời về sự thánh thiện. Sự bỡ ngỡ của những người đồng hương của Ngài là bằng chứng cho điều này: “Anh ấy học những điều đó ở đâu? Anh ấy không phải là con bác thợ mộc, lớn lên giữa chúng ta đây sao?” Đó là một câu hỏi rất chính đáng. Thật ngỡ ngàng đối với những người cùng lớn lên với Giêsu và quen biết Ngài trong nhiều năm nhưng chưa từng thấy gì thánh thiện nơi Ngài. Bạn hãy tự hỏi mình “làm sao Đức Giêsu sống nơi làng mạc đó lâu năm mà không lộ bản tính của mình?” Rồi một câu hỏi nữa được đặt ra: “Làm sao Con Thiên Chúa, hiện thân của Thượng Đế Giao Ước, sống nơi làng mạc đó bao năm mà dân chúng không thắc mắc, đừng nói chi đến thiên tính của Ngài?”

Thời ấy, thánh thiện có nghĩa là tỉ mỉ tuân giữ lề luật – trung thành với truyền thống và phong tục được xem là biểu thị đời sống đạo đức của Do Thái. Hình như Đức Giêsu không nghĩ vậy. Hình như Ngài có một ý niệm khác hẳn về sự thánh thiện. Hình như, thậm chí, thánh thiện theo quan niệm của Ngài thì chẳng thánh thiện gì theo quan niệm của người Do Thái thời ấy và có thể cả của chúng ta hôm nay.

Những người quen biết Đức Giêsu chỉ thấy Ngài là người thường như mọi người. Ngài không làm ra vẻ thánh thiện. Hơi lạ là không nơi nào trong các sách Phúc Âm nói rằng Ngài đạo đức, nhưng lại thường nói Ngài đi đó đây làm việc thiện. Dường như đối với Đức Giêsu thì thánh thiện thật là sống hoàn toàn như một con người, một con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thế thôi!

Dân chúng thấy gì nơi Đức Giêsu? Đây là điều quan trọng, bởi vì Đức Giêsu sống cách nào thì đó cũng là điều chúng ta phải noi theo. Ngài là “đường, sự thật, và sự sống” của chúng ta mà! Xem ra Đức Giêsu sống cách bình thường như mọi người trong làng. Ngài yêu mến mọi loài, từ Thiên Chúa đến loài bé nhỏ nhất, như đọc thấy trong các sách Phúc Âm. Ngài vừa đơn sơ vừa khôn khéo, điều mà Ngài khuyên các môn đệ trong một dịp nào đó. Ngài rất thông minh, cẩn mật, thận trọng, nhìn xa, hiền lành và nhân hậu, can đảm và không sợ tự vệ khi bị tấn công, như Ngài thường làm khi đương đầu với các kinh sư và nhóm Pharisêu. Ngài rất dễ mến và lịch thiệp, không hay nổi giận, không làm ra vẻ ‘ta đây’, nhưng thành thực, khiêm tốn và cảm thông mọi người. Chắc chắn Đức Giêsu cũng rất tinh tế hài hước – điều này chỉ thấy được khi chúng ta hiểu những ẩn ý trong các sách Phúc Âm. Nói tắt, dân chúng thấy nơi Đức Giêsu một con người rất quân bình, sống thật là người và rất dễ gần. Đó là thánh thiện theo như Đức Giêsu nghĩ.

Đức Giêsu đã sống hoàn toàn như một con người. Và đó là một con người không lãnh đạm, không an phận, không hài lòng với cái ‘status quo’ của thế giới mà mình đang sống. Con người đó đã đương đầu với các cơ cấu tội lỗi nơi xã hội Do Thái và nơi nhân loại nói chung. Được sai đến với thế giới có nghĩa là được sai đến để đương đầu với các cơ cấu tội lỗi làm nô lệ hoá con người. Sự thánh thiện của Đức Giêsu có liên hệ mật thiết với cuộc đương đầu của Ngài đối với các cơ cấu tội lỗi này.

3. Đức Giêsu rất có thể đã nói gì với Cha?

Cha Girzone đã dệt nên lời tâm sự sau đây của Đức Giêsu với Chúa Cha. Tâm sự khá dài, có lẽ vào một đêm nào đó Ngài thức trắng:

Lạy Cha, con rất vui mừng được ở với Cha đêm nay. Con có rất nhiều chuyện để thưa. Khi con bắt đầu sứ mạng của con, dân chúng tuốn đến với con. Họ rất cảm phục thấy con chữa bệnh và an ủi họ. Họ rất cảm xúc nghe lời con nói. Con nhìn họ và thấy nước mắt trên mắt họ, nhất là khi con nói về Cha. Họ rất ngạc nhiên khi con bảo họ Cha rất hiền lành và nhân hậu và thông cảm sự yếu đuối của họ và gánh nặng mà họ phải gánh. Dân chúng đến mỗi ngày mỗi đông. Nhưng gần đây, hình như có thay đổi. Khi con nói, con thấy mặt họ ngơ ngác như không muốn tin. Khi con nói về Nước Trời, họ nghĩ đó là vương quốc của Đavít và các trận chiến với các đoàn binh La Mã. Con biết họ muốn con làm vị cứu tinh và một ngày kia con sẽ đứng lên dẫn họ đi chiến đấu. Giờ đây họ thấy con không thích những ước vọng trần thế của họ, và những phồn vinh vật chất của họ trong ngàn năm qua. Khi con nói phải tích trữ kho tàng trên trời, họ nghĩ đó là vàng bạc tiền của trong các ngân hàng. Họ nhìn con với cặp mắt buồn bã. Lạy Cha, ngày kia con chuẩn bị họ chia sẻ đời sống của chúng ta. Con hoá bánh và cá ra nhiều để họ ăn. Họ thán phục lắm, thưa Cha. Thực ra họ muốn bắt con làm vua. Giuđa đã làm sẵn mũ vua. Nhưng con trốn chạy lên núi. Con bảo các môn đệ qua bên kia hồ, đi xa dân chúng. Con biết rằng Cha biết hết rồi, nhưng con cũng phải nói lên để Cha thông cảm và để nói với Cha những điều con đang trải qua. Con phải nói lên vì con là con người và con cần phải chia sẻ với người mà con yêu.

Ngày hôm sau khi gặp đám dân ấy trên bờ bên kia, con thách thức họ hãy nhìn thẳng vào bản thân mình. Con hứa sẽ hiến thân cho họ để làm thức ăn cho tâm hồn họ. Khi con nói sẽ hiến thân con làm thức ăn, họ nhìn con rất ngạc nhiên, không tin điều con nói. Khi họ hỏi lại, con quả quyết điều con nói là đúng. “Nếu các anh chị không ăn thịt tôi và uống máu tôi, các anh chị không có sự sống.” Họ lẩm bẩm với nhau: “Khó tin quá, ai mà tin được?” Rồi họ bỏ đi. Giuđa cũng không tin. Con thấy ma quỉ nhập vào nó. Nó vỡ mộng.

Lạy Cha, gần đây con cũng để ý thấy những người Sađuxê và người Hêrốt nhập bọn với nhóm Pharisêu. Họ là những kẻ thù không đội trời chung với nhau.Bây giờ họ lại thân nhau. Con biết họ đang âm mưu giết con. Con thấy như vậy. Con sợ lắm, thưa Cha. Con biết không nên sợ, nhưng con đã bỏ đi thiên tính của con và giờ đây con rất yếu đuối. Con thật sự sợ hãi. Con biết rồi sẽ kết cục ra sao. Dân chúng cũng đến thưa dần, vì họ thấy bề trên không hài lòng với con hay với những gì con nói. Dân chúng sợ các giáo sĩ và các người lãnh đạo của họ. Họ tránh né con, trừ khi họ mang những người bệnh, những người tàn tật và sắp chết đến để con chữa. Lạy Cha, con chữa cho họ mặc dầu con biết nhiều người trong họ không dám dấn thân với con vì sợ các giáo sĩ trừng phạt.

Lạy Cha, khi con khởi sự sứ mạng, con có rất nhiều ước mơ, có rất nhiều việc con muốn làm cho Cha. Con nghĩ là con hiểu được bản tính nhân loại và có thể chinh phục dân chúng trở về với Cha. Nhưng con không làm được. Không dễ dàng tí nào. Họ không hết lòng nghe con. Đối với họ, con là người thiếu thực tế quá. Họ muốn có một quốc gia trần thế; nhưng con chỉ có đem đến cho họ chân lý và thiện mỹ của Cha và hứa với họ rằng một ngày kia họ sẽ mãi mãi sống với Cha trong nhà Cha. Con nghĩ rằng con có thể đem họ trở về với Cha, và giành lại toàn thế giới khỏi tay Satan mà dâng cho Cha. Nhưng bây giờ con biết con không làm được. Con nghĩ rằng con thất bại. Con chưa bao giờ thất bại. Giờ đây con hiểu được thế nào là đau khổ khi con người thất bại, khi họ thất bại trong hôn nhân, thất bại trong việc lo cho gia đình, và thất bại trong việc bảo vệ con cái của họ. Con thông cảm những tâm trạng ê chề của họ. Con biết con không hẳn thất bại về những việc con đã định thi hành khi đến đây, đó là cứu rỗi thế gian bằng đau khổ và cái chết của con – nhưng còn nhiều việc con muốn thực hiện cho Cha. Giờ đây con thấy những việc này quá sức con. Con không thể làm mất tự do của con người và ép họ phải theo mệnh lệnh của con. Có lẽ với thời gian họ sẽ hiểu, nhưng phải lâu sau khi con ra đi. Con ước chi có thể làm nhiều cho Cha. Con không thể dập tắt những cảm nghĩ không tốt đẹp đó. Con sợ hãi quá. Xin Cha ở với con.

Con biết Cha luôn luôn ở bên con. Đôi khi con không cảm thấy điều đó. Con thấy rõ ràng những gì sẽ xảy ra ở Giêrusalem. Con thấy chúng đến lẹ quá. Con biết Cha luôn ở bên con và nhờ đó con cảm thấy mạnh mẽ. Lạy Cha, Cha là sức mạnh của con. Xin giúp con và ở bên con vì ngày cuối cùng sắp đến. Con cần Cha hơn bao giờ hết. Xin Cha cũng giúp mẹ con. Bà sẽ đau khổ khi thấy con đau khổ. Bà thật là tốt đẹp. Cha không thể cho con một người mẹ tốt lành hơn. Xin Cha cũng nâng đỡ các môn đệ của con. Họ yếu đuối lắm. Đôi khi họ làm con lo lắng. Xin giúp họ qua mọi thử thách này. Lạy Cha, xin tha tội cho Giuđa. Con biết hắn sẽ làm gì. Con biết hắn không đến nỗi tệ lắm, nhưng vì hắn say mê tiền bạc và cảm thấy mình quan trọng. Chào Cha. Con xin vâng ý Cha. Con đây, Cha muốn dùng làm gì tuỳ ý Cha, nhưng xin ở bên con mà nâng đỡ con.

4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện

-Bạn nhìn lại hoàn cảnh của thế giới hiện nay, và Giáo Hội ở trong đó; bạn nhìn lại hoàn cảnh của đất nước hiện nay, và Giáo Hội Việt Nam ở trong đó... Bạn thấy sứ mạng của Chúa Giêsu đang được đảm nhận như thế nào? Nhận định riêng của bạn về những sự kiện xảy ra ít lâu nay xung quanh vụ toà khâm sứ cũ và vụ Thái Hà ở Hà Nội? Hiện nay dư luận đang xôn xao về việc nhà nước Việt Nam khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Bạn nghĩ gì?

-“Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo”, “Giáo Hội của người nghèo” – đó là chọn lựa của Giáo Hội ngày nay, cách riêng ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Á Châu. Sự chọn lựa này đã được hiện thực hoá như thế nào, theo bạn đánh giá? Sự chọn lựa này đã được thể hiện như thế nào tại giáo xứ, cộng đoàn của bạn?

-Lời của Đức Cha Dom Helder Camara: “Khi tôi cung cấp nhà ở cho người nghèo, người ta nói tôi là một vị thánh. Khi tôi hỏi tại sao họ phải nghèo như thế, người ta bảo tôi là một tay phản động!” Bạn đoán xem vị giám mục này mang tâm trạng ra sao khi ngài thốt lên lời ấy? Việc “cung cấp nhà ở cho người nghèo” và việc “hỏi tại sao họ nghèo” khác nhau làm sao?

-Bạn có thể kể tên 10 người nghèo đáng ghi nhận nhất trong vòng những người quen biết của bạn không? [dĩ nhiên đây là những người nghèo theo nghĩa bao hàm trong các Sách Tin Mừng].

Bài 4: Ai Là Người Thân Cận Của Tôi? (Lc 10, 29-37)

Điểm nhắm: Câu chuyện người Samari nhân hậu là một trong những dụ ngôn tầm cỡ nhất chuyên chở giáo huấn của Đức Giêsu. Và đó cũng là một câu chuyện rất cách mạng – nếu không muốn nói là rất ‘phản động’! Điều ít được để ý, đó là khi kể xong câu chuyện, Đức Giêsu không hỏi: “Nạn nhân là người thân cận của ai trong 3 người ấy?” – nhưng Ngài hỏi: “Trong 3 người ấy, ai là người thân cận của nạn nhân?”Rốt cục, hành động sẽ xác nhận tương quan, chứ không ngược lại.. Giáo Hội thời hiện đại có câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero – một con người cũng đứng trước những anh chị em ‘bị đập đến dở sống dở chết’ của mình, đã quyết định dấn thân bảo vệ đến cùng những anh chị em ấy, và đã trả cái giá đắt nhất nhưng cũng là đẹp nhất.

1. Oscar Romero, một cuộc đời

6 giờ 30 chiều ngày 24.3.1980, một cái chết đã làm chấn động cả Giáo Hội và thế giới: Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của tổng giáo phận San Salvador bị bắn gục khi đang dâng Thánh Lễ tại nguyện đường trong khuôn viên bệnh viện Chúa Quan Phòng. Cái chết này là điểm tới của một cuộc đấu tranh cho nhân quyền và công lý đầy căng thẳng từ ngót 3 năm trước đó. Và ba năm sau biến cố bi thảm này, Đức Gioan Phaolô II, trong chuyến công du, đã đến úp mặt trên mộ của Oscar Romero và khóc thổn thức. Những giọt nước mắt vừa của niềm yêu mến cảm phục vừa của niềm ân hận... Đã ngót 30 năm, từ đó đến nay, dân chúng El Salvador khi nhắc đến vị tổng giám mục này vẫn luôn gọi ngài là San Romero – Thánh Romero – một cách tự hào và trìu mến. Vậy Oscar Romero là ai vậy?

Chào đời vào năm 1917 trong một gia đình miền núi hẻo lánh phía đông El Salvador, một quốc gia nhỏ bé nằm nép bên phía Thái Bình Dương ngay chỗ eo nối giữa Bắc và Nam Mỹ, Oscar Romero bắt đầu làm việc tại một xưởng mộc năm 12 tuổi, rồi năm sau, cậu vào tiểu chủng viện để theo đuổi ơn gọi linh mục. Hai mươi tuổi, Romero được gửi đi học thần học ở Đại Học Gregoriana, Rôma, và đã được truyền chức linh mục tại đó vào năm 1942. Trở về El Salvador năm 1943, linh mục Romero hăng hái phục vụ trong vai trò cha sở giáo xứ Chính Toà giáo phận San Miguel cho đến năm 1967. Ngài được biết đến nhiều nhờ khả năng giảng thuyết, làm báo và tổ chức các hoạt động khác nhau của giáo phận. Nhưng đồng thời Romero cũng gây bực bội cho một số người, kể cả một số giáo sĩ, bởi tính cách khắt khe và đôi khi bất nhẫn của mình.

Vốn đầy tâm huyết đối với Giáo Hội ngay từ thuở nhỏ, Romero rất quan tâm theo dõi Công Đồng Vatican II, diễn ra từ 1962 đến 1965, một Công Đồng nhằm làm cho Giáo Hội Công Giáo đáp ứng được những nhu cầu của thời đại. Trở về với cội nguồn Giáo Hội, Công Đồng nhấn mạnh rằng tự căn bản Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, chứ không chủ yếu là một hình thức cơ chế mà Giáo Hội đã đạt được qua bao thế kỷ. Công Đồng nhắc nhở các giáo sĩ và hàng giáo phẩm rằng họ phải là những đầy tớ của dân chúng, chứ không phải là một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Chính bản thân Giáo Hội phải là đầy tớ của thế giới, là khí cụ chuyển trao ơn cứu độ cho mọi con người.

Năm 1967, vào tuổi 50, Cha Romero được bổ nhiệm làm thư ký Hội Đồng Giám Mục – và ngài đã chuyển tới San Salvador, thành phố thủ đô. Năm 1970, ngài trở thành giám mục phụ tá của tổng giáo phận San Salvador. Trong cương vị mới này, có những thời gian ngài kiêm nhiệm giám đốc đại chủng viện và chủ bút tờ tuần báo Công Giáo, bên cạnh các hoạt động giảng thuyết và cử hành phụng vụ.

Romero nhậm chức tổng giám mục San Salvador vào năm 1977. Đó là giai đoạn xáo trộn nhất trong lịch sử đất nước. Chính lễ nhậm chức của ngài cũng đã diễn ra một cách đơn sơ và vội vã, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử 20 tháng 2, trong đó ứng cử viên tổng thống của chính phủ, Carlos Humberto Romero, được tuyên bố là người chiến thắng, bất chấp những chứng cứ về sự gian lận trắng trợn. Những cuộc phản đối càng bùng lên thì sự đàn áp càng khốc liệt, như vụ tàn sát những người biểu tình tại quảng trường Libertad vào ngày 28 tháng 2.

Đó cũng là thời gian mà sự đàn áp được chĩa thẳng vào Giáo Hội. Một số linh mục vừa mới bị quản thúc, bị đe doạ, hay bị trục xuất. Hai linh mục người Mỹ bị tống ra khỏi biên giới cách thô bạo chỉ hai ngày trước khi Romero nhậm chức. Cũng chính ngày hôm ấy, một số linh mục khác bị từ chối chiếu khán tái nhập cư vào El Salvador. Và chưa đầy một tháng sau khi Romero trở thành tổng giám mục, thì người bạn rất thân tín của ngài là Cha Rutilio Grande, dòng Tên, bị sát hại một cách dã man, cùng với một nông dân và một cậu bé quá giang trên xe của ngài.

Vụ tàn sát này làm chấn động cả nước. Đã từ lâu rồi, chính quyền, quân đội và công an ưu tiên phục vụ giới địa chủ giàu có, bằng những cuộc trấn áp thẳng tay đối với mọi dấu hiệu phản kháng của nông dân. Mọi người đều biết rõ chính giới địa chủ và giới cầm quyền đứng phía sau vụ tàn sát này. Đã đến lúc cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận muốn một phản ứng kiên quyết từ tổng giáo phận và từ vị tổng giám mục mới của mình.

Sau khi suy nghĩ kỹ, Romero quyết định áp dụng biện pháp đã được đề nghị trong cuộc họp kéo dài một ngày của hội đồng linh mục San Salvador. Ngài cho đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo trong 3 ngày để để tang cho các nạn nhân bị sát hại, và để mọi người đào sâu suy nghĩ về tình hình đất nước. Lễ an táng Cha Grande được cử hành tại quảng trường trước nhà thờ Chính Toà, với đông đảo dân chúng tham dự, và bài giảng của Romero, như thường lệ, được truyền đi khắp nơi trong nước qua làn sóng phát thanh. Vị tổng giám mục ra lệnh rằng vào ngày Chủ Nhật tiếp sau lễ an táng Cha Grande, trong toàn tổng giáo phận sẽ chỉ có một Thánh Lễ duy nhất tại nhà thờ Chính Toà. Biến cố này đã trở thành một hành động lên tiếng của Giáo Hội cách ấn tượng chưa từng có trong lịch sử El Salvador. Và đối với nhiều người, đó là một kinh nghiệm đức tin rất sâu sắc. Nhưng, đồng thời, đó cũng là nguyên nhân của một sự xung khắc nghiêm trọng giữa Tổng Giám Mục Romero và vị khâm sứ toà thánh – vì vị khâm sứ không tán thành biện pháp “một Thánh Lễ,” cho rằng như vậy là quá khiêu khích chính quyền!

Trong suốt 3 năm sau đó, Romero là trung tâm của các xung đột. Thất vọng với thái độ của vị tổng giám mục này, chính quyền quân sự và giới tài phiệt ra mặt chống lại ngài – thậm chí họ áp dụng cả biện pháp cho quân đội chiếm đóng nhà thờ Chính Toà của tổng giáo phận. Về phần mình, Romero không nao núng; ngài giữ vững con đường ngài đã chọn. Ngài nhận được sự ủng hộ của dân chúng, và ngài tin rằng mình đang thi hành sứ vụ được giao cho mình, như được thấy rõ trong Tin Mừng và trong giáo huấn của Giáo Hội. Thêm 5 linh mục bị giết sau Cha Grande nội trong 3 năm ấy; Romero sẽ là người thứ sáu. Và vô số giáo dân, thành viên của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản, tiếp tục bị giết hại bởi bàn tay của quân đội hoặc công an.

Một số giám mục trong Hội Đồng Giám Mục El Salvador, vì những lý do nào đó, đã phủ nhận các thực tế đang diễn ra và đã chống lại cuộc đấu tranh của Romero. Chính Đức Thánh Cha, dựa vào các báo cáo của vị khâm sứ và của một số giám mục, cũng tỏ ra lãnh đạm và ngay cả trấn áp Romero. Câu chuyện càng phức tạp hơn khi một số linh mục, vì quá bức xúc trước những nỗi đau của dân chúng, đã chọn con đường trực tiếp ủng hộ các nhóm du kích, phiến quân. Sự việc này đặt Tổng Giám Mục Romero vào một tình thế đầy căng thẳng. Nhưng ngài không ấm ớ; tiếng nói của ngài luôn xoáy thẳng vào những bi kịch đang diễn ra từng ngày ở El Salvador.

Romero vốn là một nhà giảng thuyết tên tuổi. Ngài vốn từng có nhiều dịp phát biểu trên đài phát thanh. Tuy nhiên, khi trở thành tổng giám mục, phong cách giảng thuyết độc đáo của ngài mang thêm một nét mới. Vì hệ thống truyền thông của chính phủ ít khi tường thuật, và thường bóp méo những tin tức liên quan đến các tổ chức quần chúng của Giáo Hội, và hầu như không bao giờ trình bày sự thật về những vụ chà đạp nhân quyền đang diễn ra tràn lan trên khắp đất nước, vị tổng giám mục đã tự đảm nhận công việc thông tin những gì đang diễn ra cho một công chúng luôn mong mỏi nắm biết.

Theo các cuộc thăm dò cho biết, 73% dân chúng các vùng nông thôn và 47% cư dân thành phố đã thường xuyên theo dõi Thánh Lễ trực tiếp truyền thanh từ Nhà Thờ Chính Toà, để nghe bài giảng, mỗi lần như vậy không dưới một tiếng rưỡi. Phần “điểm lại các biến cố trong tuần” của Romero bao gồm cả những tin vui lẫn những tin tồi tệ. Ngài lược thuật cả những nỗ lực loan báo Tin Mừng giải phóng lẫn những sự bóp nghẹt Tin Mừng này. Và cùng với các ngôn sứ trong lịch sử, ngài tố cáo những sự dữ đang diễn ra.

Các bài giảng lễ Chủ Nhật của ngài được truyền thanh toàn quốc trên làn sóng của đài phát thanh YSAX của Giáo Hội – chỉ gián đoạn khoảng 5 tuần lễ, khi đài này bị ném bom đổ sụp. Song đài được tái lập và trở lại hoạt động vào ngày 23.3.1980; đó cũng là lần cuối cùng YSAX truyền đi tiếng nói của Romero trước khi ngài bị bắn chết vào hôm sau, 24.3. Vị tổng giám mục đã bị bắn chết ngay tại bàn thờ, khi đang dâng Thánh Lễ với một cộng đoàn nữ tu. Trước đó, ngài đã từng bị đe doạ; và ngài cho biết ngài cũng sợ chết như bất cứ ai. Song có một cái gì đó còn lớn hơn nỗi sợ chết nơi con người mục tử này. Ngài tiếp tục đương đầu với những thế lực áp bức một cách không nao núng. Như lời ngài nói trước đó ít lâu: “Người ta đe doạ giết tôi. Nhưng nếu tôi chết, tôi sẽ sống lại trong lòng người dân El Salvador.”

2. Gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện

- Nếu được, bạn nên xem bộ phim ROMERO (của đạo diễn John Duigan).
- Ghi nhận bối cảnh xã hội El Salvador thập niên 1970 (dân nghèo bị áp bức...) – liên tưởng hoàn cảnh tại các nước Trung, Nam Mỹ nói chung, và liên tưởng đến sự chọn lựa của các giám mục Mỹ Latinh (Medellin, 1968): Giáo Hội ưu tiên chọn lựa người nghèo! Giáo Hội của người nghèo!

- Bạn cảm nhận gì về:
-lối sống và nhân cách của Romero?
-tinh thần ngôn sứ của Romero?
-sự dũng cảm dấn thân triệt để của Romero?
-sự khôn ngoan sáng suốt, đúng mực của Romero trước các chủ trương giải phóng quá khích?
-thái độ kiên trung với Tin Mừng giải phóng của Romero (bao dung, hoà giải, phi bạo lực)?
-Romero, con người mục tử: sống chết cho đoàn chiên?

Bài phụ trương: AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT? (Lc 9, 46-48)

Điểm nhắm: Thử thách lớn nhất mà người tông đồ có thể phải chịu, có lẽ đó không phải là đau khổ cho Giáo Hội mà là đau khổ do Giáo Hội! Làm sao để vẫn trung thành và yêu mến Giáo Hội ngay khi thấy mình đứng trước loại thử thách này? Câu chuyện Tổng giám mục Oscar Romero có một khía cạnh có thể giúp soi sáng cho ta câu trả lời...

Vụ án phong chân phước cho Tổng giám mục Romero đang được xúc tiến. Nội tạng của ngài, được thu lại và được chôn ngay sau khi ngài chết và trước khi xác ngài được xử lý bằng hoá chất, hiện nay vẫn còn nguyên một cách lạ lùng. Dịp thượng hội đồng giám mục châu Mỹ Latinh ở Rôma, Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, giám mục phụ tá tổng giáo phận San Salvador, đã có một bài tưởng niệm gây xúc động sâu sắc cho mọi người. Chúng tôi quyết định hỏi giám mục Rosa Chávez, người đã trải qua nhiều năm bên cạnh Romero, về một giai đoạn khủng hoảng cao độ không chỉ của Giáo Hội ở Salvador mà là của toàn thể Giáo Hội châu Mỹ Latinh. Chúng tôi thảo luận về nhân cách của Romero và về những sự kiện đã dẫn tới cái chết tuẫn đạo của ngài.

-Vụ án phong chân phước cho Đức Tổng giám mục Oscar Romero nay đã tới giai đoạn nào rồi, thưa Đức Cha?

Rosa Chávez: - Thủ tục ở giáo phận đã chính thức kết thúc hôm 1.11.1996. Các kết quả và các dữ kiện thu thập được đã được trình cho Rôma. Nói chung, Rôma có một đánh giá tích cực; tuy nhiên vẫn yêu cầu thêm những chi tiết về các sử liệu, chẳng hạn bối cảnh trong đó Romero được gọi để thi hành sứ vụ của mình, và về những hoàn cảnh xung quanh cái chết của ngài, về lý do tại sao ngài bị giết.

-Vậy phải chăng tiến trình phải khựng lại một mức nào đó?

Rosa Chávez: - Nếu tiến trình phải khựng lại, thì theo quan điểm của tôi, những người đáng trách chính là chúng ta, những người Salvador. Các thù địch lớn nhất của vụ án phong chân phước cho Romero nằm ở chính Salvador. Chính những con người đã cản mũi Romero khi còn sống, chính những con người đã viết thư nặc danh tố cáo Romero là một tên cộng sản... nay vẫn còn tiếp tục chống lại Romero.

-Quả là Tổng Giám Mục Romero đã có những đối thủ ngay trong hội đồng giám mục quốc gia. Một trong các giám mục ấy đã đi xa đến mức tố cáo Romero trước mặt giáo hoàng (trong chuyến công du thứ hai của giáo hoàng tới Salvador vào năm 1996) rằng Romero phải chịu trách nhiệm về cái chết của 70.000 người Salvador!

Rosa Chávez: - Đó là lý do tại sao cần phải trả lời thoả đáng cho yêu cầu thứ nhất của toà thánh, tức làm rõ bối cảnh lịch sử trong đó Romero đã phục vụ.

-Bối cảnh lịch sử, tại sao?

Rosa Chávez: - Tình hình lúc bấy giờ rất là phân cực, và thật khó mà không rơi vào một dạng ý thức hệ nào đó. Một số khó khăn mà Romero kinh nghiệm với vị khâm sứ và với một số giám mục đồng sự phải được nhìn trong bối cảnh này. Tình hình thậm chí dẫn đến chỗ các giám mục Salvador đã không hội họp với nhau suốt một thời gian dài, và điều này làm khổ tâm vị tổng giám mục rất nhiều, như chúng ta thấy ngài trung thành ghi lại trong nhật ký.

-Cũng phải truy vấn các lý do dẫn đến cái chết của Romero nữa. Theo quan điểm của Đức Cha thì tại sao Tổng giám mục Romero bị giết?

Rosa Chávez: - Thì cũng giống như hỏi tại sao người ta đã giết Đức Giêsu Kitô vậy. Vụ giết hại Romero cũng giống như vụ giết hại Đức Giêsu. Người ta cũng nói về Đức Giêsu rằng Ngài bị giết vì các lý do chính trị. Các thế lực chắc chắn có cách để biện minh cho mình, nhắm che lấp tội của họ.

-Đức Cha đã sống gần ngài trong thời gian dài. Đức Cha nhớ điều gì về ngài?

Rosa Chávez: - Tôi gặp ngài lần đầu tiên khi tôi còn là một cậu bé, lúc đó ngài đã là linh mục. Chúng tôi sinh ra trong cùng một giáo phận. Tôi vào chủng viện năm 14 tuổi. Romero lúc ấy là một linh mục của San Miguel, thành phố lớn thứ ba của Salvador. Đó là một nơi yên tĩnh, thân thiện, và hầu như mọi người đều biết nhau. Năm 1965, ngài được yêu cầu trông coi một tiểu chủng viện. Romero là một linh mục rất giản dị, có đời sống tâm linh sâu sắc, chính thống trong giáo thuyết và đặc biệt yêu thương người nghèo. Nhưng ban đầu, ngài không ấn tượng lắm, ngay cả dường như phản đối, đối với các văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh ở Medellin hồi năm 1968. Ngài cho rằng các vă kiện ấy có quá nhiều tính chính trị. Nhưng ngài đã thay đổi quan điểm khi ngài chuyển đến San Salvador, trước hết trong tư cách giám mục phụ tá, rồi sau đó trong tư cách tổng giám mục.

-Ngài vừa mới được bổ nhiệm tổng giám mục San salvador thì một linh mục bạn của ngài bị thảm sát, đó là Cha Rutilio Grande, dòng Tên. Một số người nói rằng chính cái chết ấy đã thay đổi Romero, đến nỗi có người nói về một cuộc “hoán cải” từ bảo thủ sang đối đầu với chế độ... Điều đó có đúng không, thưa Đức Cha?

Rosa Chávez: - Cha Grande là một người bạn tri kỷ của Romero. Cha là chưởng nghi của lễ tấn phong giám mục cho Romero. Cha bị giết vào ngày 12 tháng 3 năm 1977, chỉ ít tuần sau khi Romero trở thành tổng giám mục San Salvador. Cuối tháng 5 năm ấy, biệt đội tử thần đã giết một linh mục khác, đó là Cha Alfonso Navarro. Đó là hoàn cảnh mà Romero phải đối diện khi ngài thuyên chuyển đến thủ đô. Và kể từ đó, những lời nói và hành động của ngài nhằm bênh vực người nghèo và chống lại nhà cầm quyền trở nên ngày càng dứt khoát. Có lần trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, tôi đã hỏi ngài: “Thưa Đức Cha, người ta nói rằng Đức Cha đã ‘thay đổi hẳn’”. Và ngài trả lời: “Tôi không muốn nói là ‘thay đổi’ mà muốn nói là ‘cách mạng’ – người ta không thể nhắm mắt trước những gì đang diễn ra.” Tôi cho rằng Romero đúng. Đức tin của ngài, linh đạo và giáo thuyết chính thống vững vàng của ngài thì vẫn như thế. Chính hoàn cảnh trong đó ngài làm việc đã thay đổi. Từ một tỉnh lẻ thân quen, ngài đã chuyển đến thủ đô San Salvador. Ở đó, trực tiếp đối diện với trung tâm quyền lực kinh tế chính trị của đất nước, ngài đích thân nhìn thấy tội ác xã hội, sự bất công có tính cơ cấu, sự hình thành những biệt đội tử thần. Có những tuần lễ trong đó hàng trăm người bị các biệt đội tử thần hành quyết. Các xác chết không toàn thây bị treo lủng lẳng trên các cành cây trong thành phố và tại những nơi nhiều người qua lại, nhằm mục đích khủng bố tinh thần người ta. Romero nói: “Dường như ơn gọi của tôi là đi thu lượm các xác chết.”

- Hành động bênh vực người nghèo của Romero trở nên quyết liệt đến nỗi tám ngày trước khi chết, ngài đã thẳng thắn lên án chế độ quân phiệt, quân đội, và nhóm cầm quyền đã toa rập với các quyền lợi của Bắc Mỹ. Ngài tuyên bố rằng “Carter tiếp tục gửi cho họ mọi sự trợ giúp”...

Rosa Chávez: - Thậm chí ngài đã viết một thư không niêm gửi tổng thống Hoa Kỳ trong đó ngài yêu cầu ông ta ngưng chở vũ khí đến Salvador. Ngài vô cùng khổ tâm vì nhận thấy rằng cơ cấu bất công và những quyền lợi của các giới lãnh đạo các quốc gia đang dẫn tới chiến tranh, một cuộc chiến tranh hiển nhiên không thể tránh khỏi. Romero ý thức rất rõ cái khoảnh khắc lịch sử chính trị mà Salvador đang trải qua, và không duy chỉ là Salvador. Việc gán cho ngài cái nhãn “kích động, lôi kéo quần chúng” chỉ là một âm mưu bẩn thỉu. Trong hy vọng cứu vãn tình hình khỏi bùng nổ bạo lực, Romero đã ủng hộ mọi cơ hội khả dĩ đem lại đối thoại. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm 1979, các tướng lãnh trẻ đã chiếm chính quyền và yêu câu ngài ủng hộ cuộc đảo chánh. Cùng với nhau, chúng tôi đã soạn thảo một văn bản phổ biến trên toàn quốc, kêu gọi mọi người đừng nóng vội đánh giá nhóm quân đội này liên quan đến các cố gắng tái lập công bằng và trật tự xã hội của họ. Romero nói: “Diễn biến này may đâu có thể cứu dân chúng khỏi nhiều đau khổ. Chúng ta phải biết chờ đợi và phán xét theo các kết quả, để xem thử người ta có giữ các lời hứa hay không.”

-Chủ yếu người ta trách cứ rằng Romero đã biến mình thành một công cụ của cánh tả...

Rosa Chávez: - Bình luận về cuộc họp với vị khâm sứ ở Costa Rica được toà thánh gửi đến giải quyết vấn đề bất đồng giữa các giám mục. Tỏng giám mục Romero nói rõ trong nhật ký của ngài rằng: “Việc tôi ủng hộ sự tổ chức quần chúng không hề có nghĩa rằng tôi thiên tả, cũng chẳng có nghĩa rằng tôi không nhìn thấy mối nguy hiểm của sự thâm nhập của phe tả, vì đấy là điều tôi hiểu rất rõ – nhưng tôi cũng thấy rằng chống cộng rất thường là lá bài để các thế lực chính trị kinh tế sử dụng nhằm duy trì những bất công chính trị và xã hội của họ.” Tổng giám mục Romero có một cái nhìn rất rõ về hoàn cảnh thực tế. Người kế nhiệm của ngài, Tổng giám mục Arturo Rivera Damas, đã chỉ ra ba nguyên nhân chính của tình trạng bạo lực ở Salvador. Ngoài tình trạng bất công và các ý thức hệ thiên hữu và thiên tả, thì cái ngòi nổ bạo lực chính là các tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia đang diễn ra tại quốc gia Salvador bé nhỏ của chúng ta. Trong một bối cảnh phân cực, thì những con người quyết bảo vệ dân nghèo như Romero bị qui chụp là theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, trong khi hành động của ngài xuất phát không phải từ sự say mê các ý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ đơn giản là từ sự trung thành đối với ơn gọi của mình... Tổng giám mục Romero là một con người rất truyền thống trong những vấn đề liên quan đến giáo lý và đức tin, nhưng rất cởi mở trong những vấn đề xã hội. Ngài minh chứng cho giáo huấn của Truyền Thống rằng: khi người ta sống gắn chặt với đức tin của các Tông Đồ thì người ta sẽ dũng cảm trong việc bảo vệ người nghèo và lên án những bất công...

-Romero đã gặp Đức Phaolô VI vào năm 1978 tại Rôma, và gặp Đức Gioan Phaolô II vào năm 1979...

Rosa Chávez: - Romero rất ngưỡng mộ Đức Phaolô VI. Bình luận về chuyến viếng thăm Rôma của mình năm 1978, Romero nói về Đức Phaolô VI với đầy niềm cảm kích và tri ân sâu sắc. Chắc chắn vị tổng giám mục đã nhận được sự cảm thông và sự nâng đỡ huynh đệ từ người kế vị Thánh Phêrô. Còn chuyến thăm Đức Gioan Phaolô II vào năm sau, vị giáo hoàng đã nhắc ngài nhớ đến tình hình ở Ba Lan, và huấn dụ ngài rằng “hãy chỉ bám chặt vào các nguyên tắc.” Romero đã kể lại với đầy cảm hứng về một số cuộc gặp gỡ các chức sắc ở Rôma trong chuyến viếng thăm này; nhưng người ta có ấn tượng rằng Romero cảm thấy thoải mái với chuyến đi Rôma hồi năm trước hơn là lần này. Trong một bối cảnh mà ý thức hệ xâm nhập mọi nơi, thì mối quan tâm của vị tổng giám mục đối với người nghèo và đối với dân chúng đã bị hiểu lầm và bị ngáng trở.

-Các mối quan hệ giữa ngài với Đức Gioan Phaolô II thế nào?

Rosa Chávez: - Đức Gioan Phaolô II được bầu làm giáo hoàng chỉ được ít lâu thì Romero chết; vì thế hai người không có mấy dịp gặp gỡ tiếp xúc. Tôi là người trực tiếp chuẩn bị cho hai chuyến công du của Đức Gioan Phaô II đến Salvador – và tôi có thể làm chứng rằng cả hai lần đó đều có sự phản đối việc đức giáo hoàng viếng thăm mộ của Romero. Và cả hai lần, chính Rôma yêu cầu phải dàn xếp để có cuộc viếng thăm mộ vị tổng giám mục. Theo tôi thấy thì đức giáo hoàng xác tín rằng Romero là một vị tuẫn đạo của Giáo Hội, ngài mô tả Romero là “một vị mục tử hết lòng với đoàn chiên và đã thí mạng cho đoàn chiên.” Nhưng vị giáo hoàng cũng e ngại rằng các nhóm chính trị đã sử dụng tên tuổi của Tổng giám mục Romero cho mục đích tuyên truyền của mình. Vì thế, trong bài diễn văn năm 1993 ở Salvador, đức giáo hoàng đã yêu cầu rằng hồi ức về vị tổng giám mục phải được tôn trọng, vị mục tử này phải được tôn trọng.

-Cuối cùng, thưa Đức Cha, Đức Cha có những hy vọng gì về tiến trình phong chân phước cho Romero?

Rosa Chávez: - Tôi hy vọng rằng Romero được nhìn nhận là một vị tuẫn đạo. Và đó cũng là ước vọng của biết bao người đã yêu mến ngài và vẫn tiếp tục cảm mến ngài sâu sắc. Khi người ta đọc trang nhật ký về lời cầu nguyện với Chúa Giêsu mà ngài viết một tháng trước khi chết, người ta thấy hình ảnh của một sự sống được hiến dâng, trong ý thức về những hiểm nguy chực chờ gần kề. Ngài viết: “Thật cụ thể biết bao việc tôi phó dâng chính mình cho Trái Tim Chúa Giêsu, vốn luôn luôn là nguồn cảm hứng và là niềm vui của đời tôi. Vì thế, tôi đặt trọn sự sống mình trong vòng tay quan phòng yêu thương của Chúa; và trong niềm tin vào Ngài, tôi chấp nhận cái chết – dẫu sự chấp nhận này khó khăn đến mấy.”

Câu chuyện về cái chết của Romero vẫn còn làm tôi kinh ngạc cho tới hôm nay. Thánh Lễ cuối cùng của ngài trong nhà nguyện bệnh viện là một Thánh Lễ cầu cho người quá cố. Romero đã đọc bài Tin Mừng. Đó là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Tôi tự hỏi phải chăng lúc ấy vị tổng giám mục biết rằng mình sắp bị giết. Bài giảng của ngài dường như là một chứng từ, trong đó ngài tự so sánh mình với hạt lúa mì thối đi trong lòng đất để đem lại sự sống mới. Vì thế một số người nghĩ rằng trong khi ngài giảng, có thể ngài nhìn thấy kẻ sát nhân. Kết thúc bài giảng, cơ hồ ngài đang nói với kẻ sắp giết mình: ‘Hãy cho phép tôi chết khi tôi bước lại bàn thờ dâng của lễ, bạn nhé’ Và quả thật, ngài đã bị bắn chết khi bắt đầu dâng bánh rượu. Chính ngài đã trở thành lễ hy sinh. Hình ảnh ấy đáng quí biết bao – cả đời sống và cái chết của ngài có thể được nhìn trong ánh sáng của hình ảnh ấy. Ngài đã sống và đã chết như một linh mục, một mục tử với tình yêu nồng nàn hiến trao cho Đức Giêsu Kitô và cho đoàn chiên.

Một số lời của TGM. Romero được đưa vào phim:

-Tôi đến từ thế giới của sách vở. Đúng. Sách vở cho ta rất nhiều bài học. Nhưng tôi còn nhiều điều khác cũng phải học. Có nhiều biến động và chia rẽ đang diễn ra trên đất nước này. Có vài linh mục chấp nhận biểu lộ những tư tưởng căn bản một cách thật là hời hợt. Và không ai trong chúng ta có thể tự hào biết hết những giải pháp cho các vấn đề do thời cuộc đặt ra. Trong Giáo Hội, chúng ta phải luôn trung thành với nguồn Tin Mừng. Theo cách thức truyền thống, phải luôn kiếm tìm công lý.

-Nếu đây là một lễ an táng bình thường, thì tôi có thể nói về tình bạn của tôi với Cha Grande. Vào những lúc cao điểm trong cuộc sống của tôi, cha đã luôn có mặt, gần gũi. Và tôi sẽ không bao giờ quên những giờ phút đó. Thế nhưng bây giờ là lúc ta rút ra một sứ điệp từ những cái chết này. Tất cả chúng ta là những kẻ còn đang lữ hành. Sự giải thoát mà Cha Grande rao giảng là một sự giải thoát bén rễ sâu trong đức tin. Và bởi vậy, nó rất thường xuyên bị hiểu lầm. Chính vì nó mà Cha Grande đã chết. Biết đâu những kẻ sát nhân cũng đang nghe thấy những lời này. Vậy tôi xin nói với anh em: Hỡi người anh em sát nhân, chúng tôi yêu các anh, nài xin các anh hãy hối lỗi tận đáy lòng các anh.

-Hôm nay chúng ta đến đây để giành lại quyền làm chủ và sử dụng thánh đường này – đồng thời cũng để tăng sức cho tất cả những ai bị địch thù của Giáo Hội giày đạp. Anh em nên biết anh em không chịu khổ một mình. Anh em là Giáo Hội; anh em là cộng đoàn dân Chúa, là Đức Kitô. Đúng lúc này và ở đây, anh em đang chịu đóng đinh, xác thực như chính Ngài đã chịu đóng đinh 2000 năm về trước, trên ngọn đồi ở bên ngoài thành Giêrusalem. Anh em nên biết, khi chịu khổ và hy sinh giống như Ngài, là anh em góp phần lớn lao cho sự giải phóng El Salvador bằng ơn cứu độ.

Đức TGM. Romero ngồi tại toà giải tội, người xưng tội là một linh mục:

- Xin Chúa ban phép lành cho con!
- Xin Cha thương con, vì con là người tội lỗi. Con đã xưng tội cách nay được một tháng... Thưa Cha đã từ lâu con là đồ đệ trung thành của khoa thần học giải phóng và con đã năng nổ giúp quần chúng đấu tranh.
- Đó chưa phải là tội.
- Con cảm thấy rất khó chấp nhận một người. Chỉ có thế thôi.
- Đó cũng chưa phải là tội.
- Con cảm thấy bất bình với Đức Tổng Giám Mục. Người quá thận trọng. Người can đảm, nhưng bảo thủ. Làm sao con vâng phục người được? Con phải làm gì?
- Hãy cầu nguyện cho ngài. Đó cũng là việc đền tội của con... Cha tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
- Xin cám ơn Cha.
- Xin Cám Ơn Cha.

-Tôi là một người mục tử, đã cùng học hỏi với đàn chiên của mình, để biết chọn lựa một cách tốt đẹp, tuy rất khó khăn. Đức tin của chúng ta đòi buộc ta phải hoà nhập vào với trần thế. Tôi tin rằng sự bất công về kinh tế là nguyên nhân chính của mọi vấn đề – từ đó phát sinh mọi bạo lực. Giáo Hội cần thâm nhập sâu rộng nơi tất cả những ai đấu tranh vì tự do, để bảo vệ họ và chia sẻ những niềm đau bị bách hại.

Bài 5: Ai Muốn Theo Tôi, Phải Từ Bỏ Mình, Vác Thập Giá Mình Hằng Ngày Mà Theo (Lc 9,23)

Điểm nhắm:... Không thể nhìn ngắm và khám phá Đức Giêsu mà không thấy thập giá. Thập giá gắn liền với sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu – và do đó cũng gắn liền với sứ mạng và số phận của người môn đệ. Nhưng nếu thập giá đã là hòn đá vấp phạm cho người Do Thái, thì nó vẫn có thể còn là hòn đá vấp phạm cho con người hôm nay, kể cả cho các Kitô hữu. Vì thế, không bao giờ là thừa những cố gắng thâm nhập sâu hơn vào ý nghĩa của thập giá – để gạn đục khơi trong...

1. Thái độ của Đức Giêsu trước sự đau khổ và sự chết

Đau khổ là cái mà không ai có thể thực sự yêu được. Thập giá, nếu hiểu như là biểu tượng của đau khổ nói chung, thì sao? Jurgen Moltmann đã bắt đầu khảo luận nổi tiếng của mình về thần học thập giá, quyển The Crucified God, bằng những dòng này:

“Người ta không yêu và không thể yêu thập giá. Song chỉ có Đấng chịu đóng đinh mới có thể đem lại thứ tự do có sức thay đổi thế giới – vì nó không còn sợ hãi cái chết nữa. Vào thời của Ngài, Đức Kitô chịu đóng đinh được coi như một xì-căng-đan và một sự điên rồ. Ngày nay cũng vậy, người ta cho rằng thật lỗi thời việc đặt Ngài vào vị trí trung tâm của đức tin Kitô giáo và của thần học.”

Đức Giêsu nghĩ gì về ‘số phận’ của Ngài? Như mọi người công chính, Đức Giêsu cùng các môn đệ đều chắc rằng nỗi đau khổ sẽ đến với mình. Cũng như tất cả các ngôn sứ trước kia, ngài phải tính đến trường hợp bị giết chết. Và chỉ mới đây, trong thời của Ngài, hàng ngàn người Zêlốt đã bị đóng đinh vào thập giá – nên thập giá là một cái gì khá rõ trong viễn tượng của Đức Giêsu về chính mình.

Nhưng ở nơi Đức Giêsu, còn có một cái gì khác hẳn: Ngài đưa vào lời huấn dụ của Ngài một nguyên tố mới, theo đó sự đau khổ và sự chết đều gắn chặt với việc Nước Chúa đến: “Phúc cho những kẻ bị ngược đãi vì sự công chính. Nước Trời là của họ. Phúc cho các ngươi khi bị nhục mạ, khi bị ngược đãi và bị người ta vu cáo mọi sự dữ vì ta... Trước các ngươi, các tiên tri cũng đã bị ngược đãi như thế.”

Những lời chúc phúc trên đây được tuyên bố trước tiên cho những người nghèo và những người bị áp bức, lại tuần tự ứng dụng cho bản thân Đức Giêsu và các môn đệ – do bởi Ngài và các vị ấy có lòng thương xót những người bị đè nén và liên đới với họ. Các ngài đã trở nên những kẻ bị ngược đãi và bị ruồng rẫy, là điều không thể tránh được. Muốn vào nước của những người nghèo khổ, các ngài phải từ bỏ của cải, nhà cửa, gia đình, phải từ bỏ mọi kỳ vọng về danh dự, vị thế, về sự tôn kính trong xã hội. Nói cách khác, đó là chối bỏ chính mình và chuẩn bị sẵn sàng để chịu đau khổ.

Đây là điều nghịch lý của lòng thương xót. Sự đau khổ là điều duy nhất mà Đức Giêsu quết tâm muốn trừ diệt: sự đau khổ của người nghèo và người bị áp bức, sự đau khổ của những người bệnh tật, sự đau khổ do các tai ương... Phương thức duy nhất để có thể trừ diệt mọi đau khổ này là từ bỏ mọi giá trị của thế gian và chấp nhận các hậu quả của việc từ bỏ ấy. Chỉ có chấp nhận sự đau khổ mới thắng được sự đau khổ trên trần gian này.

Lòng thương xót tiêu diệt sự đau khổ bằng cách chia sẻ nỗi đau khổ của những người đang đau khổ, và nhân danh họ mà chia sẻ. Có thiện cảm với người nghèo mà không chịu chia sẻ nỗi đau khổ của họ, thì đó chỉ là một sự cảm động suông. Chúng ta không thể nào chia sẻ ân phúc Chúa ban cho người nghèo nếu không sẵn sàng chia sẻ nỗi đau khổ của họ.

Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa. Tính nghịch lý liên quan tới đau khổ nói trên còn được Ngài nới rộng cho đến cả sự chết. Một câu cách ngôn xuất phát từ lời rao giảng của Đức Giêsu và đã trở thành nổi tiếng trong nhiều truyền thuyết: “Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được nó.”

Câu ấy có thể mang ý nghĩa gì? Cứu lấy mạng sống mình tức là bám vào mạng sống mình, yêu mạng sống mình, giữ lấy mạng sống mình và do đó sợ chết. Liều mất mạng sống mình là để cho nó ra đi, để cho nó rời khỏi ta để ta sẵn sàng chết. Điều nghịch lý là con người sợ chết tức là đã chết. Còn ai không sợ chết thì, ngay lúc đó, bắt đầu sống. Một cuộc sống chỉ có thể đích thực và có giá trị khi người ta chấp nhận chết.

2. Nhưng chết để làm gì?

Những vị tuẫn đạo như Macabê đã chết để bảo vệ lề luật, những người Zêlốt đã chết để bảo vệ quyền tối thượng của Thiên Chúa Ít-ra-en, và bao nhiêu người khác xưa nay đã chết vì mọi thứ lý do. Còn Đức Giêsu, Ngài đã không chết cho một chủ nghĩa nào. Đối với Ngài, lý do duy nhất có thể đưa chúng ta đến chỗ hiến mạng sống mình, chính là lý do đã đưa chúng ta đến chỗ khinh thường của cải, uy danh, gia đình, quyền hành – nghĩa là: chết cho kẻ khác. Lòng trắc ẩn và tình yêu thương thúc đẩy con người dám làm mọi sự vì kẻ khác. Ai tự xưng là sống cho kẻ khác mà không nghĩ đến đau khổ, chịu chết vì họ, thì kẻ ấy là kẻ nói dối, một kẻ đã chết rồi. Đức Giêsu là một con người sống viên mãn vì Ngài sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết – không phải cho một chủ nghĩa nào nhưng là cho con người, cho mọi người.

Vì thế, ý chí tự do của Đức Giêsu chấp nhận chết cho mọi người là một sự phục vụ – cũng như bất cứ gì khác trong đời Ngài đều là để phục vụ: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mc 10,45).

Ở đây, ta có thể thấy rằng có những thái độ, tâm tình đạo đức nào đó duy chỉ quanh quẩn giữa mình với Chúa thôi, kiểu như “Lạy Chúa, Chúa yêu thương con biết bao, con biết Chúa yêu con nhiều lắm, con cũng muốn yêu Chúa nhiều, xin Chúa cho con yêu Chúa thật nhiều. Amen.” Nghe khá mùi mẫn, nhưng trớt quớt! Nếu chỉ loanh quanh có vậy thì sẽ thiếu một cái gì đó rất là căn bản. Những người nghèo, những người bất hạnh ở đâu rồi?

3. Thập Giá trong linh đạo linh mục

Một ý nghĩa được gán cho cái chết thập giá của Đức Giêsu, mà chúng ta vẫn còn nói hôm nay, đó là “để làm nguôi lòng Chúa Cha”! Cha Bernard Haring, trong quyển “Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào?” (Priesthood Imperiled), đã khẳng định rằng Ba Ngôi Vị – Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Độ và Đấng Hiệp Nhất – cấm giết người và nhất là cấm giết người nhân danh Thiên Chúa. Giết người là tội ác ghê tởm nhất. Nghĩa là Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn người Con nhập thể của Ngài bị giết như một nạn nhân để làm cho Ngài nguôi ngoai. Điều Thiên Chúa thật sự nhắm đến chính là sự hoà giải cho một nhân loại hoà bình và phi bạo lực – là thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí chấp nhận chết trên thập giá, nếu cần, để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và để cho con người thấy con đường hoà bình, chân lý và sự sống.

Chính trong viễn tượng ấy mà Đức Giêsu lên tiếng mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23). Đời sống của mọi Kitô hữu, vì thế, được thử bằng thập giá. Bởi vì mọi Kitô hữu đều được giả thiết là muốn theo Đức Giêsu. Người linh mục và các ứng viên linh mục lại càng phải được thử bằng thập giá. Cha Alex Rebello, một chuyên viên về đào tạo linh mục, đã xếp thập giá vào vị trí số một trong 6 yếu tố của linh đạo người linh mục. Bởi vì, ngài nói, thập giá gắn không rời với Đức Giêsu – ngay cả sau khi ngài sống lại vinh quang thì các dấu vết thương tích từ cuộc khổ nạn của Ngài vẫn không bị xoá nhoà. Vị linh mục này nói tiếp: “Cám dỗ thường xuyên nơi người linh mục là kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, là hình dung một thứ Kitô giáo dễ dãi nào đó, là khao khát một thứ Tin Mừng không khổ luỵ... Song nếu cố kiếm tìm một Đức Giêsu không có thập giá, người ta sẽ chỉ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu! Nói cho cùng, sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu một khi người ta đảm nhận nó và trực tiếp kinh nghiệm nó.”

4. Gợi ý suy tư – cầu nguyện:

-Đức Giêsu trước đau khổ của con người.
-Đâu là giá trị của hy sinh, khổ chế, tiết độ đối với con người ngày nay, nhất là người trẻ. Còn đối với chính tôi thì sao?
-Tôi có thể vừa vác thập giá theo Chúa (x. Lc 9,23), vừa sống dồi dào (x. Ga 10,10) được không?

Bài 6: Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần... (Ga 20,19-23)

Điểm nhắm: -Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta nên

MỪNG đến mức nào?

Thập giá là điểm đến của sứ mạng Đức Giêsu, và cũng là điểm đến của sứ mạng người môn đệ. Nhưng các môn đệ Đức Giêsu không đi vào với sứ mạng có một mình. Đức Giêsu trao sứ mạng, và Ngài cũng trao ban luôn Thánh Thần. Tin Mừng Gioan ghi lại:

“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!... Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’.”

1. Chúa Thánh Thần - Ngài là ai? Ngài làm gì?

-Chúa Thánh Thần là hoa quả của sứ mạng Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần là chìa khoá để hiểu Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần chính là ‘Thánh Thần của Đức Giêsu’! Có người nói rằng ngoài 4 sách Tin Mừng kia, còn có Tin Mừng thứ năm, Tin Mừng Chúa Thánh Thần, vẫn đang được tiếp tục viết, với mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay đang là những nhân vật trong đó... Chúa Thánh Thần là nhà thừa sai của Chúa Cha và Chúa Con, để – cùng với Giáo Hội – nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, cũng chính là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei).

-Nhưng xem ra Chúa Thánh Thần bị đối xử không công bằng. Ngài thường bị quên. Ngài thường bị lấn át (ta nghe nói: ông này, bà kia rất có lòng yêu mến thánh này, thánh nọ, nhưng chẳng mấy khi nghe nói ai đó có lòng yêu mến Chúa Thánh Thần!) Chúa Thánh Thần cũng bị né tránh (dường như các nhà giảng thuyết hay ngại giảng về Chúa Thánh Thần!) Và Chúa Thánh Thần có vẻ bị đối xử không đúng mức (lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống dường như chưa được mừng cho đúng tầm của lễ này, ít là xét về niềm vui bên trong!)

-Dù sao đi nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục không ngừng hoạt động, trong Giáo Hội và cả bên ngoài Giáo Hội – như chính Đức Giêsu xác nhận: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.” (Ga 3,8).

-Đặc biệt, Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân, đổi mới (cf. “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất!) Chúa Thánh Thần không chấp nhận dừng lại với hiện trạng (status quo). Vì thế, nếu người ta hài lòng với hiện trạng thì có nghĩa rằng người ta không cần đến Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, phải chăng Giáo Hội tại Á Châu này không cần một cách thức mới, thích hợp hơn, để loan báo Tin Mừng cho con người ở đây hôm nay? Phải chăng sinh hoạt của Giáo Hội chỉ cần loanh quanh với những ‘kỷ niệm’của quá khứ, kỷ niệm bách chu niên biến cố này, kỷ niệm ngũ thập chu niên sự kiện kia, vv. và vv....’?

-Có lẽ chúng ta nên nhìn lại và tự hỏi: nửa thế kỷ trở lại đây, Chúa Thánh Thần đã làm những gì? Sẽ không ai phủ nhận trước hết phải kể biến cố Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới thổi rất mạnh vào Giáo Hội. Rồi ở Á Châu, các giám mục đã miệt mài làm việc suốt gần 4 thập niên để đi đến xác nhận cuộc đối thoại 3 mặt (với người nghèo, với các nền văn hoá, và với các tôn giáo) như là phương thức loan báo Tin Mừng!

-Hoạt động của Chúa Thánh Thần được đo lường bằng chính hoa quả mà Ngài đem lại. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (như Thánh Phaolô xác nhận trong Gl 5,22-23). Muốn biết Thánh Thần đang hiện diện và hoạt động mức nào trong đời tôi, trong cộng đoàn tôi, thì cứ lấy những hoa quả ấy làm thước đo.

2. Một lời ngỏ (về Chúa Thánh Thần và sứ mạng của Giáo Hội tại Việt Nam - trích từ bản dịch Lễ Hiện Xuống Ở Á Châu của tác phẩm Pentecost in Asia của Thomas C. Fox):

Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.
Nhìn hàng cây xa lay động ta biết có gió.
Đức Giêsu ví Thánh Thần như cơn gió:
“Gió muốn thổi đâu thì thổi,
chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8).

Chúng ta chỉ thấy dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng chẳng thấy được chính Ngài,cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.

Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Thánh Thần, dù thực sự Ngài là Người Bạn, Người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Hơi thở là dấu hiệu của sự sống. Thiên Chúa thở hơi vào Ađam và cho ông sống.

Đức Giêsu Phục Sinh thở hơi trên các Tông Đồ để các ông nhận được sự sống mới hoàn toàn.

Lễ Hiện Xuống gần hai ngàn năm trước đã khai sinh một Hội Thánh thừa sai. Và đời Kitô hữu là đời thừa sai trong Thánh Thần.

Bên Đông hay bên Tây, hôm qua hay hôm nay, Vẫn một sứ điệp Tin Mừng, phải trao; một câu chuyện Giêsu, phải kể cho con người đang nhức óc vì ồn ào xao động...

... nhưng nhiều khi, câu chuyện kể sao nghe ngọng nghịu, sứ điệp trao sao thấy vụng về! Có gì đó trầy trật, bế tắc; có gì đó làm Tin Mừng hoá thành tin ‘không vui’...!

Ai đó nói rằng hơn ba chục năm nay có một Lễ Hiện Xuống mới tại Á Châu – một Luồng Gió mới, một Hơi Thở mới thổi rất mạnh trên Hội Thánh tại lục địa này, cuốn phăng những rào cản, mở một tầm nhìn, vạch những nẻo đi.

Lắng nghe Thánh Thần, chúng ta sẽ biết cách làm sao để bà con quanh ta hiểu và đón nhận Tin Mừng; làm sao để ta có thể loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng một thứ tiếng nói không còn xa lạ với họ (x. Cv 2,11).

Chúng ta sẽ biết cách làm sao sau bao năm tháng, hay bao thế kỷ ‘đi xa’, ta có thể trở về ngụp lặn trong ‘ao nhà’ – trong phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống, tình tự dân tộc...

Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt và hiểu điều họ nói. Ta cần một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, ngôn ngữ của Phục Vụ và Yêu Thương...

3. Quo vadis? / Thầy đi đâu vậy?

Thánh Thần được sai đến để đồng hành với các môn đệ Chúa Giêsu trong sứ mạng. Như thế là được trang bị ‘tận răng’ rồi. Nhưng chưa phải hết chuyện. Người ta có thể bướng bỉnh với Thánh Thần và làm ‘rách việc’. Và nếu ‘bộ đôi’Chúa Thánh Thần và Giáo Hội không ‘làm ăn’ gì được thì không chừng Chúa Giêsu phải trở lại vác thập giá để chịu đóng đinh một lần nữa, như trong một truyền thuyết gợi hứng cho câu chuyện Quo vadis? của Henryk Sienkiewicz:

Khi cơn bách hại Kitô giáo tại Rôma dâng cao, Tông Đồ Phêrô định bỏ chạy khỏi thành phố. Khi ông vừa ra khỏi thành, ông gặp Chúa Giê-su đi vào. Phêrô dùng câu hỏi, mà ông từng hỏi Chúa trong Phúc Âm Gioan 13:36, để hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Chúa Giê-su trả lời: “Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Nghe câu nói đó, Phêrô tỉnh ngộ, quay lại Rôma và chịu tuẫn đạo với các tín hữu tại đó.

“Vì ngươi bỏ dân ta nên ta vào Rôma để bị đóng đinh lần thứ hai.” Mỗi mục tử trong Giáo Hội cần thường xuyên nhìn lại coi thử đoàn chiên của mình có bị “bỏ” hay không.

4. Gợi ý suy tư - cầu nguyện:

-Tôi có kinh nghiệm nào về sự thật rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ngay cả bên ngoài Giáo Hội?
-“Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Cha J. J. Olier) hay “hạ khí giới xuống để cho Chúa Thánh Thần làm việc” (Thánh I-nhã)... nghĩa là gì?
-Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: yêu thương, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (cf. Gl 5,22-23). Lúc này, tôi đang cảm nhận các hoa quả ấy nơi mình ở mức nào?

Thư mục tham khảo:

-Nolan, Albert, OP. Jesus Before Christianity. Quezon City: Claretian Publications, 1999.
-Girzone, Joseph F., OCD. A Portrait of Jesus. New York: Image, 1999.
-Keating, Thomas. The Human Condition. New York: Paulist Press, 1999.
-Haring, Bernard, CSsR. Priesthood Imperiled. Manila: Divine Word Publications, 1989.
-Nguyễn Trọng Viễn, OP. Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin Công Giáo tại Việt Nam. T.P. Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2008.
-Moltmann, Jurgen. The Crucified God. New York: Harper & Row, 1974.
-Rebello, Alex. Spiritual Formation and Religious Traditions in Asia (trong Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới). Đại Chủng Viện Huế, lưu hành nội bộ, 2000.
-De Mello, Anthony, SJ. Awareness (J. Francis Stroud, ed.) New York: Doubleday, 1992.
-Hodgson, Irene B. Archbishop Oscar Romero – A Shepherd’s Diary. Cincinnati: St. Anthony Messenger Press, 1993.

Lm Lê Công Đức

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.06.2009. 13:04