Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 2/07

§ Một Đan Sĩ

Thứ Năm đầu tháng 01/02/07

ĐỂ TRỞ THÀNH GIA ĐÌNH TÔNG ĐỒ

“Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6,7-13)

Suy niệm: Tại trại hè quốc tế với chủ đề loan báo Tin Mừng, cô gái đến từ Phi Châu đã trình bày một phương cách gây ấn tượng nhất cho các tham dự viên qua kinh nghiệm sau đây: “Khi muốn rao giảng Kitô giáo cho một làng ngoại giáo, các Kitô hữu tại nước tôi không gởi đến đó sách báo hay các nhà thừa sai, nhưng cử đến làng một gia đình Kitô hữu tốt lành. Gương sáng của gia đình ấy sẽ cải hoá cả làng”. Đời sống thuận hoà yêu thương giữa vợ-chồng và cha mẹ-con cái, đặc biệt sự hoà hợp giữa hai con tim trong gia đình Kitô giáo luôn là dấu ấn cho các gia đình chung quanh. Nếu mỗi Kitô hữu là một tông đồ với sứ mạng đem Chúa Kitô đến cho người khác, thì mỗi gia đình Công giáo cũng phải là tổ ấm tông đồ tỏa lan ánh sáng Giêsu, là muối, là men Tin Mừng cho các gia đình hàng xóm lân cận.

Mời Bạn: “Hãy truyền đạo đức lại cho con cái bạn, chỉ có đạo đức mới làm chúng sung sướng, chứ không phải tiền bạc” (nhạc sĩ Beethoven). Nền tảng đem lại hạnh phúc cho gia đình là yêu thương quên mình và đạo đức, chứ không phải tiền bạc và tiện nghi hưởng thụ. Đó cũng là phương cách hữu hiệu để loan báo Tin Mừng cho người hôm nay.

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi sẽ hoạch định một phương cách cụ thể giới thiệu Chúa Giêsu cho các gia đình lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo Hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa. Amen (Rabbouni).

Thứ Sáu đầu tháng 02/02/07

Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

SỐNG TRỌN VẸN SỰ THUỘC VỀ

“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét” (Lc 2,22-40)

Suy niệm: Tại vài lễ hội ở Việt Nam, khách thập phương có thể “thuê” những heo sữa quay để dâng cúng. Sau khi cúng bái, họ sẽ trả lại cho chủ, để chúng tiếp tục được khách khác “thuê” lại. Thật là giả dối và là thứ nghi lễ nặng tính hình thức, bởi vì việc dâng cúng lúc nào cũng phải bao hàm một ý nghĩa thuộc về, thuộc về thần thánh, thuộc về Trời Phật. Trẻ Giêsu được dâng hiến cho Chúa, và vì thế, thuộc về Thiên Chúa. Thuộc về Thiên Chúa không có nghĩa là luôn sống trong Đền Thánh, bởi vì sau đó, hai ông bà đưa trẻ Giêsu về sống giữa gia đình, với bà con chòm xóm Na-da-rét. Tuy nhiên, điều quan trọng là Đức Giêsu thuộc về Chúa khi luôn để Chúa Cha chiếm hữu và chi phối toàn bộ cuộc sống mình, khi vui vẻ vâng ý Cha mọi đàng.

Mời Bạn: “Con đường của tình yêu chân thật chẳng bao giờ bằng phẳng cả” (Shakespeare). Thuộc về nhau là dấu chứng của một tình yêu chân thật. Nếu sống đời tu, quả tim bạn phải trọn vẹn thuộc về Chúa và người bạn phục vụ. Nếu sống đời gia đình, quả tim bạn phải thuộc về Chúa và người bạn đời. Bậc sống nào cũng đòi bạn phải chiến đấu.

Sống Lời Chúa: Xem lại những đòi hỏi sự thuộc về của bậc sống mình, và có những từ bỏ thích hợp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan, để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Amen (Theo Rabbouni).

Thứ Bảy đầu tháng 03/02/07

NHIỆT TÌNH SỨ MẠNG

“’Anh em hãy lánh riêng ra… mà nghỉ ngơi đôi chút’. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ để ăn uống nữa… Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương… và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6,30-34)

Suy niệm: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu…” Lời ca khúc ấy nghe nao lòng. Và Tin Mừng hôm nay – nói về nhiệt tình sứ mạng của Đức Giêsu – cũng làm ta nao lòng như vậy. Đức Giêsu là một nhà thừa sai cần mẫn hay lam hay làm, quên mình và chỉ quan tâm lo lắng cho người khác. Dầu không có một thời biểu chặt chẽ, Người vẫn chú ý ‘lên lịch’ cho các môn đệ: sau một đợt làm việc căng thẳng thì cần “nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ‘lịch’ ấy thường xuyên bị xáo trộn. Thầy trò tránh đám đông để tìm chút nghỉ ngơi, nhưng đám đông nhanh chân hơn, đã ‘đón lỏng’ thầy trò! Thế là lại phải mau mắn đáp ứng, không phải vì ‘may nhờ rủi chịu’, mà bởi vì Đức Giêsu CHẠNH LÒNG THƯƠNG!

Mời Bạn: Hãy chiêm ngắm một Giêsu như bị vắt kiệt bởi nhiệt tình sứ mạng. Chúng ta được khuyến khích có lịch làm việc; nhưng lịch ấy có cứng quá đến nỗi nhiều khi biến ta thành những kẻ vô tâm và bất nhẫn không?

Chia sẻ: Làm sao để học bài học “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu để đón nhận những người tìm đến với mình – thay vì là quạu quọ bực bội?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần cảm thấy bị quấy rầy và muốn nổi cáu với ai đó, ta nhớ đến Đức-Giêsu-chạnh-lòng-thương!

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an. Xin cho con biết chấp nhận xáo trộn chương trình của mình, vì yêu thương người. Amen.

Chúa Nhật V TN 04/02/07

BÀI HỌC RA KHƠI

“Người bảo ông Simon: ‘Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.’ Ông Simon trả lời: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”(Lc 5,1-11)

Suy niệm: Ngư dân giàu kinh nghiệm thường nắm rất rõ về khí hậu, con nước, địa điểm, thời gian… Thế mà nhiều khi chẳng bắt được gì! Simon hôm nay tưởng phải nếm một đêm trắng tay như thế, nhưng cuối cùng ông được một mẻ cá thật to. Điều thú vị là thành công này không do kinh nghiệm nghề biển của ông, mà do ông sẵn sàng vâng lời Đức Giêsu – một bác thợ mộc (có lẽ không biết gì nhiều về chuyện đánh cá!) Câu chuyện cho thấy rõ: đành rằng kinh nghiệm là một chìa khóa quan trọng của thành công, nhưng đức tin còn quan trọng hơn kinh nghiệm nhiều. Đức tin có thể làm nên phép lạ!

Mời Bạn: Đời Kitô hữu là một chuyến ra khơi chài lưới người. Những kiến thức, kỹ năng, ‘ngón nghề’ có thể rất ích lợi cho chuyến ra khơi này, và ta được khuyến khích trang bị. Song đừng quên rằng cái ta cần nhất là đức tin. Thiếu một đức tin đủ mạnh, tất cả kiến thức và kinh nghiệm của ta đều trở thành thừa. Chính Đức Giêsu xác nhận: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Chia sẻ: Nền tảng thứ nhất của việc sống đạo là sống với Thiên Chúa Ba Ngôi (x. HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2006, số 2). Tại sao?

Sống Lời Chúa: Tập buông ‘khí giới’ của mình xuống - đó là những chống chế dựa trên kinh nghiệm và khôn ngoan thuần túy con người - để mau mắn đáp trả các gợi ý của Chúa trong đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rõ lòng tin nơi con yếu nhược. Xin rứt con ra khỏi thái độ tự mãn và cứng cỏi. Xin cho con biết tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa nhiều hơn. Amen.

Thứ Hai 05/02/07 Th. Agata

ĐƯỢC CHẠM VÀO CHÚA

“Người ta […] xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6,53-56)

Suy niệm: Sau hội nghị APEC mới đây, những chiếc xe do các yếu nhân sử dụng đã được niêm phong rồi đem bán đấu giá với giá đặc biệt cao. Bởi vì nhiều người ước mong được ngồi vào chỗ mà Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Úc… đã ngồi! Chắc hẳn còn có nhiều người hơn nữa muốn được đụng chạm trực tiếp đến các vị ấy. Nhưng nói cho cùng, dù ngồi vào chiếc ghế của một ông lớn, hay được đụng chạm vào người ông, thì cũng chẳng bổ béo thêm chút gì. Tin Mừng hôm nay kể chuyện nhiều người muốn được đụng chạm đến Đức Giêsu, với một động lực và niềm xác tín khác hẳn: Họ biết mình có bệnh, họ cần được chữa lành, và họ tin rằng sự đụng chạm ấy sẽ đem lại sự chữa lành cho họ. Họ tin Đức Giêsu là vị Thần Y. Và họ đã nhận được sự chữa trị mà họ cần. Thật hạnh phúc, vì cuộc đời họ biến đổi từ đây. Họ như đã chết mà nay được sống lại. Đây đúng là một sự đụng chạm của đức tin, đụng chạm chính tình yêu và ân sủng.

Mời Bạn: Đức Giêsu có thể được đụng chạm đến không chỉ bởi những người đương thời của Người, mà cả bởi chính bạn hôm nay. Người vẫn có mặt đó, đặc biệt trong Lời của Người và trong Thánh Thể. Ta không chỉ chạm vào Người, mà ta thực sự ăn và uống Người. Phải chăng chỉ vì ta chưa đủ tin yêu, nên chưa được năng lực của Người biến đổi?

Chia sẻ: một kinh nghiệm được biến đổi do ‘đụng chạm’ đến Chúa Giêsu.

Sống Lời Chúa: Ta sẽ đến với Chúa Giêsu, trong Lời Chúa và trong Thánh Thể, với một đức tin chân thành.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin Chúa củng cố đức tin cho con, để con nhận được năng lực chữa trị của Chúa. Amen.

Thứ Ba 06/02/07

Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo

GIỮ ĐIỀU CỐT YẾU

“’Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta’ … Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7, 1-13)

Suy niệm: Lời Chúa Giêsu hôm nay đặt ta trước câu hỏi hết sức quan trọng nhưng cũng rất dễ bị lãng quên: Đâu là điều cốt yếu nhất? Điều cốt yếu nhất là dáng vẻ bên ngoài hay thái độ bên trong? Đọc thật nhiều kinh và dâng cúng nhà thờ thật nhiều tiền hay một đời sống yêu thương đích thực và chân thành chia sẻ? Lễ hội hoành tráng và kiệu rước, hành hương linh đình hay một tấm lòng dành trọn cho Chúa và cho tha nhân? Những người Pharisêu và nhóm kinh sư chăm chú giữ những tập tục truyền thống (rất rườm rà) do con người đặt ra, mà quên mất chính lời Thiên Chúa dạy. Đức Giêsu đã tuyên bố rõ ràng rằng như vậy là VÔ ÍCH!

Mời Bạn: Nhìn người lại ngẫm đến ta. Lối sống đạo của ta hôm nay có nhiễm men Pharisêu không? Ta tập trung nhiều quan tâm nhất cho những điều gì? Đó có thực sự là những điều cốt yếu nhất không? Hội Đồng Giám Mục VN định hướng ‘sống đạo hôm nay’ là sống yêu thương và phục vụ. Ta đang dành bao nhiêu quan tâm cho việc thực hành yêu thương và phục vụ?

Chia sẻ: Theo bạn, những cái bên ngoài nào đang thu hút nhiều năng lực và sự quan tâm của chúng ta, làm cho ta lạc ra khỏi những điều cốt yếu nhất?

Sống Lời Chúa: Tập đưa vào những phút xét mình hằng ngày câu tự vấn sau đây: Ngày hôm nay tôi đã yêu thương và phục vụ như thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Amen.

Thứ Tư 07/02/07

BỐI CẢNH MỚI, CON NGƯỜI MỚI

“Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngọai tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”. (Mc 7,14-23)

Suy niệm: Sau một thời gian gia nhập WTO, không ít quốc gia ghi nhận rằng mức sống của nhiều người dân vẫn không tiến triển, có khi còn sa sút hơn. Một lý do được ghi nhận, đó là thiếu sự chuẩn bị về con người. Từ năng lực cho đến cung cách làm việc đều bất cập, không ráp được vào với môi trường mới ấy. Quả thực, yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định. Nhìn vào đời sống của Giáo Hội địa phương, nhiều người tự hỏi khi Việt Nam vào WTO, liệu bối cảnh kinh tế xã hội mới – đặc trưng bởi trào lưu thực dụng, hưởng thụ và duy vật thực tiễn – có sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm thức sứ mạng của người Kitô hữu không. Và ở đây, việc chuẩn bị con người cũng là yếu tố quyết định. Hội Thánh cần những cá nhân và những gia đình ngôn sứ trước đợt sóng mới này. Việc đào tạo người Kitô hữu cho bối cảnh mới, vì thế, thật hết sức khẩn cấp. Bối cảnh mới cần những con người mới.

Mời Bạn: Lượng định tình hình đời sống đạo trong xã hội Việt Nam vào những năm sắp tới, bạn có những chuẩn bị cụ thể ngay từ bây giờ để không chỉ đứng được mà còn làm sứ mạng được trong bối cảnh mới.

Chia sẻ: Giáo xứ và gia đình của bạn đã có chương trình nào để đào tạo người Kitô hữu cho bối cảnh mới chưa?

Sống Lời Chúa: Thúc đẩy mọi người trong xứ đạo của bạn quan tâm đến việc đào tạo Kitô hữu trưởng thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa giao Hội Thánh cho chúng con như thể tùy thuộc chúng con. Xin cho con biết rằng, con chỉ làm được việc khi tùy thuộc vào Chúa.

Thứ Năm 08/02/07

TOÀN CẦU HÓA SỨ MẠNG

“Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Chúa Giêsu, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-Lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” (Mc 7, 24-30)

Suy niệm: Chia sẻ tâm thức chung của người Do Thái, ban đầu Đức Giêsu dường như nghĩ rằng sứ mạng thừa sai của Người chỉ giới hạn nơi dân tộc Ít-ra-en thôi. Nhưng rồi trong thực tế Người đã nhận ra rằng sứ mạng của Người không biên giới. Câu chuyện Đức Giêsu trừ quỉ cho con gái người đàn bà xứ Phê-ni-xi hôm nay là một câu chuyện kinh điển minh họa điều nói trên. Đức Giêsu có một sứ mạng phổ quát, vì ơn cứu độ mà Người mang đến là dành cho hết mọi người. Người ‘tòan cầu hóa’ sứ mạng, bởi ở đâu cũng có nghèo túng, bệnh tật, khổ đau và bế tắc. Một người con gái đang bị quỷ ám; một người mẹ đang cần Vị Cứu Tinh cho con mình, cũng là Đấng cất khỏi mình những khổ đau năm tháng; một người trí thức đang bên bờ tuyệt vọng khi nhìn về tương lai; một người giàu có đang đứng trước ngõ cụt khi khám phá rằng vật chất và quyền thế không phải là tất cả; một người nghèo đang vật lộn với cuộc sống; một gia đình đang khốn đốn vì nguy cơ tan vỡ rình rập; một bệnh nhân đang mất dần niềm tin vì cơn bệnh dai dẳng, vv. Tất cả đang cần được cứu.

Mời Bạn: Nhìn xa hơn hàng rào nhà bạn để thấy người hàng xóm đang cần đến Chúa.

Sống Lời Chúa: Bước đến tận nhà một người khốn khổ để thi hành sứ mạng.

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về việc ‘bước đến tận nhà’.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám nhìn xa hơn và dám bước đến với những người đang cần Chúa. Con là người của Chúa, xin cứ sai con đi.

Thứ Sáu 09/02/07

ĐẾN VỚI CHÚA

“Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh…Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lai. Anh ta nói được rõ ràng.” (Mc 7,31-37)

Suy niệm: Một người vừa điếc vừa ngọng nhiều năm, nay được chữa lành cả tai lẫn miệng: Thật tuyệt vời và sung sướng! Từ đây, anh ta có thể giao tiếp dễ dàng với mọi người – và nhất là anh có thể nghe Lời Chúa và loan báo điều kỳ diệu Chúa đã làm cho anh. Nhưng trước hết, để nhận được món quà tuyệt vời ấy, anh đã cần có những người tốt bụng giúp đưa anh đến gặp Đức Giêsu.

Mời Bạn: Nhớ lại lời Mẹ Têrêxa Cancutta: “Nếu bạn cho người nghèo tất cả, mà chưa ‘cho’ họ chính Chúa, thì kể như bạn chưa cho chi cả.” Rất nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta không thể tự mình đứng dậy đến với Chúa được; ta cần một bàn tay dìu dắt, một lời nói khích lệ, một cú ‘hích’ cách nào đó. Đến lượt mình, ta cũng được mời gọi đưa ra một bàn tay, trao một lời nói thúc đẩy anh em mình đến với Chúa để được chữa lành.

Chia sẻ: Trong kinh nghiệm thực tế của mình, bạn thấy nhờ ai bạn đã đến gần Chúa hơn? Nhờ bạn ai đã đến gần Chúa hơn?

Sống Lời Chúa: Ta đừng rao giảng Lời Chúa bằng lời nói suông, nhưng hãy giúp mang người khác đến với Chúa bằng chính hành động yêu thương cụ thể của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mang Chúa đến cho người khác không phải dễ, mang người khác đến với Chúa càng khó khăn hơn. Nhưng xin Chúa giúp con không ngại khó, để luôn nhiệt tình làm nhịp cầu kết nối Chúa và anh chị em.

Thứ Bảy 10/02/07 Th. Côláttica

PHÉP LẠ DO LÒNG YÊU THƯƠNG

“Thầy chạnh lòng thương dân chúng” (Mc 8,1-10)

Suy niệm: “Cháu thương các bạn nghèo”. “Bé Kin Kin gửi quà đến các bạn nghèo”. “Là sinh viên nghèo, nhưng cũng có thể ủng hộ một chút cho người nghèo”. “Mong Tết này nhà nào cũng có bánh chưng”. “Một chút tiền. Một chút tình”. “Sống là để yêu thương”. “Tôi ước mơ về một nước Việt không còn ai nghèo khó”... Đó là một vài thông điệp yêu thương, gửi kèm với mỗi thông điệp là 15 ngàn đồng, như những “chiếc bánh, con cá nhỏ” của hơn 448.000 tin nhắn (tương đương gần 7 tỉ đồng) dành cho người nghèo, trong chương trình “Nối vòng tay lớn”, tối 31/12/2006, đã góp phần làm nên “phép lạ” do lòng yêu thương giữa cuộc sống hôm nay. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta về phép lạ trong Tin Mừng hôm nay: do lòng chạnh thương, Chúa Giêsu đã biến bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ của các môn đệ cho khoảng bốn ngàn người ăn no nê mà còn thừa được bảy giỏ đầy.

Mời Bạn: Đức Giêsu vẫn tiếp tục nuôi chúng ta hằng ngày hôm nay trong Thánh Thể. Một chút bánh và rượu, kết quả từ lao công của con người, được Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Người để nên nguồn sức sống cho ta.

Chia sẻ: Có thể bạn là một trong những người đã gửi tin nhắn nói trên? Bạn có thể nghĩ ra một vài sáng kiến khác để thể hiện yêu thương và chia sẻ không?

Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống mỗi ngày, Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống Mầu Nhiệm Thánh Thể là hy sinh, góp phần để cho cơm bánh được nhân lên chia sẻ cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con dâng lời cảm tạ Chúa đã nuôi con mỗi ngày. Xin Chúa ban cho con quả tim biết xót thương trước những thiếu thốn của anh chị em. Amen.

Chúa Nhật VI TN 11/02/07

“NGHÈO KHÓ” HAY “KHÓ NGHÈO”

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em.” (Lc 6,17.20-26)

Suy niệm: Thiên Chúa đâu muốn cho con cái của mình phải nghèo khổ thiếu thốn. Bằng chứng là chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin cho có lương thực hằng ngày; Người còn xác nhận: “Ta đến cho chiên được sống dồi dào!” (Ga 10,10). Tuy nhiên, Người cũng cho chúng ta biết rằng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền tài được” (Mt 6,24). Mối phúc ‘nghèo khó’, vì thế, nhằm tuyên bố sự thực rằng Chúa ưu tiên đứng về phía người nghèo, để bênh vực và nâng đỡ họ. Nghèo mà siêu thoát và biết tín thác vào Chúa, thì đó là mối phúc. Và thật sự ‘vô phúc’ cho những ai dành hết tâm lực của cuộc sống này chỉ để chuyên chăm chạy theo tiền của.

Mời Bạn: Nhớ rằng đời này hữu hạn, và ta không thể mang bất cứ gì vào đời sống vĩnh cửu, ngoại trừ tình yêu. Chúng ta đừng chỉ cố thêm một con số KHÔNG vào tài khoản ngân hàng (tức tăng nó lên gấp 10 lần, song vẫn chỉ là một số KHÔNG), mà quên tích lũy một kho tàng vĩnh cữu ở trên trời.

Chia sẻ: Trong xã hội tiêu thụ và thực dụng của chúng ta hôm nay, chứng tá khó nghèo theo Tin Mừng có tầm quan trọng như thế nào?

Sống Lời Chúa: Hãy biết bằng lòng với những gì mình có, để có được một cuộc sống vui vẻ thảnh thơi. Hãy nhìn xuống để thấy rằng biết bao người còn thiếu thốn hơn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng giàu có nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó, để làm cho chúng con nên giàu có. Xin dạy chúng con tinh thần siêu thoát, yêu thương và chia sẻ của Chúa. Amen.

Thứ Hai 12/02/07

DẤU LẠ Ở ĐÂU?

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả…”(Mc 8, 11-13)

Suy niệm: Một giảng viên triết hỏi một sinh viên Kitô giáo: “Bạn tin Thiên Chúa sáng tạo mọi sự, làm được mọi điều. Vậy Người có thể tạo một khối đá cực lớn mà Người không thể nhấc nổi không?” Cậu sinh viên ấp úng không trả lời được, vì anh không nhận ra ngay đó là một ngụy biện (fallacy). Nhiều người trẻ hôm nay bị lúng túng trong những trường hợp tương tự như thế. Con người đã chinh phục vũ trụ, và những nhà du hành hô lên: “Chúng tôi không thấy Chúa, không thấy Thiên Đàng.” Nhiều khi ta thấy mình quá lớn, nghĩ rằng mình đã nắm hiểu hết và kiểm soát hết tất cả! Thật ra, hoàn toàn không phải thế. Những thảm họa thiên nhiên thỉnh thoảng ập đến, nhắc ta rằng mình quá bé nhỏ. Năm rồi, ta thấy trước những cơn bão như Xangsane, Durian… và dự báo được về đường đi của chúng, về ngày giờ và nơi chốn chúng đổ bộ, nhưng ta bất lực không thể đánh tan, chặn đường, hay bẻ hướng chúng, để cứu cho hàng vạn ngôi nhà khỏi sụp đổ và hàng mấy trăm con người khỏi thiệt mạng. Chúng ta thực sự rất bé nhỏ!

Mời Bạn: Thay vì tìm cách lập luận chứng minh cho người khác rằng có Thiên Chúa, bạn hãy chỉ cho họ thấy Chúa qua đời sống và công việc mình làm: yêu thương, chia sẻ, cảm thông, nhẫn nại, tha thứ…

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn có thể cung cấp cho những người bất hạnh xung quanh một dấu lạ nho nhỏ của tình yêu không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở thành chứng nhân đích thực của tình yêu Chúa, để giúp cho anh chị em xung quanh đời mình nhận ra Chúa nhiều hơn. Amen.

Thứ Ba 13/02/07

THIÊN CHÚA, ĐẤNG THI ÂN

“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu, chưa thấu sao.” (Mc 8, 14-21)

Suy niệm: Một cuộc điều tra của UNESCO nhằm tìm hiểu xem dân chúng thế giới khao khát những gì ngoài những cái họ đang có. Các bảng câu hỏi được gởi đến mọi thành phần, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, địa vị. Khi tổng kết, người ta nhận thấy rằng chính những người giàu cũng mơ ước mức sống của mình tăng 20%! Xem ra con người không bao giờ hài lòng với những gì đang có. Chắc hẳn 20 năm sau, khi mức sống (theo dự báo) tăng 50% nữa, thì con người sẽ vẫn lo, vẫn thấy mình thiếu thốn.

Tin Mừng hôm nay là lời Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy tin tưởng vào Người, và tránh men nghi ngờ, cứng tin của những người Pharisêu.

Mời Bạn: Bao điều tốt đẹp Chúa làm cho ta, nhiều khi sờ sờ ra đó. Thế nhưng cũng rất nhiều khi chúng ta không nhìn, không thấy, không nhận ra, hay không nhớ. Và vì thế ta vẫn cứ lo lắng, nghi nan, không chắc về tình thương và sự quan phòng săn sóc của Chúa. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta cần biết nhìn lại phía sau để hiểu điều phía trước: Chúa đã làm việc trên cuộc đời ta, trên thế giới này, Ngài vẫn đang làm việc và Ngài sẽ vẫn tiếp tục làm việc như thế.

Chia sẻ: Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa thi ân, nhưng lại luôn ẩn mình. Vậy chúng ta phải làm gì để danh Thiên Chúa được rạng sáng và được mọi người biết đến?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ lòng con cho khỏi sự cứng cỏi và kém tin, xin cho con luôn biết nhìn thấy bàn tay Chúa hành động trong cuộc đời con, qua những con người, qua những biến cố hằng ngày, để con luôn vững tin vào Chúa. Amen.

Thứ Tư 14/02/07 Th. Syrilô và Th. Mêtôđiô

CHÚA CHỮA MỘT NGƯỜI MÙ

“Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn.” (Mc 8. 22-26)

Suy niệm: Khi làm phép lạ, thường Chúa chỉ phán một lời hay chỉ chạm đến bệnh nhân một lần, thì người ấy được khỏi. Tại sao lần này phải hai lần như thế, anh mù mới được trông thấy rõ ràng? Chúng ta nghĩ đến sự tiệm tiến của cái nhìn đức tin. Thế giới và con người thay đổi luôn luôn. Hôm nay chúng ta khác với hôm qua. Có lúc ta "hụt hẫng" khi đức tin bị thử thách, hoặc "chưng hửng" về cách xử sự của một linh mục chẳng hạn, hay "thất vọng" vì Giáo Hội không như ta tưởng. Ta đặt lại vấn đề. Đó chẳng khác nào anh mù mới nhìn thấy sự vật cách lờ mờ. Đến khi xem xét mọi sự dưới ánh sáng mầu nhiệm mạc khải: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, ta mới thấy mọi sự rõ hơn. Khi biết nhìn các "thời điềm" dưới ánh mắt đức tin (vd. vai trò của giáo dân được đề cao, sự bình đẳng nam nữ, sự hội nhập của Giáo Hội trong xã hội, quyền lợi của tín hữu được tôn trọng...), ta sẽ hiểu và chấp nhận mọi "trái khoáy". Đức tin không biến đổi, nhưng được đào sâu và kiên vững hơn. Đó cũng như thể anh mù được thấy rõ rệt mọi sự sau khi Chúa đặt tay lên mắt anh một lần nữa.

Chia sẻ: Mời bạn ngồi lại với nhau, mổ xẻ một vấn đề thời sự của Giáo Hội dưới ánh sáng đức tin, để nhận ra Thiên Chúa Tình Yêu vẫn đang hoạt động và dẫn dắt Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: "Lời Chúa đến sáng thế, đất trời muôn trăng sao… Lời Chúa tạo thế giới, sáng soi khắp muôn dân, đưa dẫn văn minh sử xanh loài người" (lời một bài thánh ca)

Cầu nguyện: Bàn tay Chúa vẫn luôn làm việc trong mỗi biến cố. Xin cho chúng con biết để Chúa thực hiện nơi chúng con điều Chúa muốn, như anh mù trong Tin Mừng hôm nay. Amen.

Thứ Năm 15/02/07

ĐỐI VỚI BẠN ĐỨC GIÊSU LÀ AI?

“Người ta nói Thầy là ai?”- “Thầy là Đấng Kitô… Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục cùng kinh sư loại bỏ, giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc. 8,27-33)

Suy niệm: Anh em bảo Thầy là ai? Đối với chúng ta ngày hôm nay, câu hỏi ấy của Chúa xem ra không khó trả lời lắm. Nhưng nội dung của nó vẫn mãi còn thách đố, cho bạn và tôi. Thật vậy, để đưa ra một câu trả lời trọn vẹn, chúng ta phải trả giá, không phải bằng tiền bạc mà là bằng một cuộc sống đóng ấn những hy sinh, gian khổ – vì chính Thầy của chúng ta đã đi con đường “đau khổ nhiều, bị các kỳ mục cùng kinh sư loại bỏ, giết chết…” Lịch sử sứ mạng thừa sai của Hội thánh tại Việt Nam là một minh chứng hùng hồn: hàng trăm ngàn Kitô hữu phải chịu đau đớn và chết vì đức tin vào Chúa Kitô và vào Tin mừng của Ngài.

Mời Bạn: Nói chuyện đau thương và chết chóc giữa thời buổi toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hôm nay có thể sẽ không hợp thời chăng? Phải chăng thời cấm cách đã qua rồi? Thế nhưng vẫn còn đó những rào cản mà khi giũ bỏ nó để sống cho Đức Kitô ta vẫn phải đau như “cắt ruột.” Đó là những đam mê bất chính, những tội lỗi trong ta và quanh ta nhiều khi trở thành một “cái mốt!”

Chia sẻ: Bạn có thực sự muốn đi theo Chúa trên con đường thập giá không? Hình ảnh Chúa Giêsu chịu đau khổ có nhắc bạn giũ bỏ những việc làm và tư tưởng đen tối để thực sự sống cho Tin Mừng của Ngài không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết luôn tâm niệm một điều là muốn sống cho Chúa và cho anh chị em mình, thì con phải chịu phải chấp nhận từ bỏ những nhỏ nhen, ích kỷ, cũng như phải mang vào thân những phiền toái do sức nặng của thập giá mà Chúa gởi đến cho con.

Thứ Sáu 16/02/07

ĐỨC KITÔ NÀO?

“Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của con người.” (Mc 8, 27-33)

Suy niệm: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các môn đệ trả lời được một phần tư, và Phêrô, vị tông đồ trưởng, trả lời được một nửa. Tại sao? Hãy bắt đầu từ Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”. Đức Giêsu không bảo rằng đó là câu trả lời hoàn hảo, và Người đã dạy cho các ông biết phần còn lại: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” Phêrô không hiểu gì cả, hay đúng hơn là không muốn hiểu, không muốn chấp nhận điều Thầy mạc khải. Ông trách Thầy, và bị Thầy mắng rất nặng: “Sa-tan!” Như vậy, Phêrô chỉ trả lời được một nửa: Thầy là Đấng Kitô, nhưng là Kitô theo cung cách nào thì ông không biết. Hay đúng hơn, ông muốn Thầy làm Đấng Kitô theo cung cách ông nghĩ. Còn về phần các môn đệ khác, họ chỉ nói theo những gì họ nghe được từ những người khác. Điều nghịch thường đối với con người hóa ra lại là sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều, mà người Do Thái coi là ô nhục, và sự khôn ngoan của dân ngoại coi là điên rồ” (cf. 1Cr 19-25). Không ai có thể biết Chúa là ai, chỉ có Chúa mới có thể nói với ta về chính Ngài.

Mời Bạn: Chúng ta có chịu lắng nghe Lời Chúa hay không, hay là chúng ta đang để tâm hồn mình theo những tưởng tượng vẽ vời tự do của mình về Thiên Chúa?

Chia sẻ: Chúng ta có đủ can đảm đi theo Chúa không? Và nhất là chúng ta đang đi theo Chúa hay là bắt Chúa đi theo mình?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con hiểu và chấp nhận đường lối Chúa.

Thứ Bảy 17/02/07 Mồng Một Tết Đinh Hợi

LỜI CHÚC BÌNH AN CỦA CHÚA

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” (Ga 14,23-27)

Suy niệm: Viện Gallup vừa công bố kết quả thăm dò tại 53 quốc gia cho biết dân Việt Nam thuộc loại lạc quan nhất thế giới với 94% tin rằng năm 2007 sẽ tốt hơn năm cũ (Báo Tuổi Trẻ ngày 02/01/2007). Lý giải điều đó, người ta bảo rằng nhờ Việt Nam bây giờ là một đất nước hoà bình, chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển. Quả thật, an cư lạc nghiệp chính là điều mà ai cũng mong mỏi. Trong ngày đầu năm mới, Chúa gửi lời chúc bình an cho chúng ta. Bình an của Chúa “không như thế gian ban tặng”, mà là bình an giáng sinh: cùng với Chúa trở nên nghèo khó, để chia sẻ với mọi người khó nghèo; đó là bình an trên thập giá: cùng với Chúa hy sinh quên mình phục vụ người thân cận, chỉ nhắm mắt yên nghỉ khi đã hoàn thành sứ mạng với tất cả tinh thần trách nhiệm; đó là bình an phục sinh: cùng với Chúa sống niềm vui và hy vọng, loan báo Tin Mừng cho mọi nhà: “Vào bất cứ nhà nào trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’” (Lc 10,5).

Mời Bạn: Trong dịp Tết, người người chúc nhau những điều tốt đẹp. Để tinh thần lạc quan của dân Việt không là “lạc quan tếu”, để lời chúc của bạn không trở thành “sáo ngữ”, mời bạn suy gẫm ba lời chúc bình an của Chúa và xin cho mình cảm nghiệm được sự bình an ấy trong tâm hồn để ở đâu có mặt bạn, ở đó người khác cũng được bình an.

Sống Lời Chúa: Khi chúc tết nhau, khi chúc bình an trong Thánh Lễ, bạn hãy có tâm tình yêu thương hoà giải thực sự và thật lòng cầu mong điều tốt đẹp cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Hoàng Tử Hoà Bình, xin ở với con để con luôn bình an và để con là sứ giả bình an của Chúa.

Chúa Nhật VII TN 18/02/07

Mồng Hai Tết

ĐẠO HIẾU

“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử.” (Mt 15,1-6)

Suy niệm: Đạo hiếu, một nét đẹp truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Ai trong chúng ta lại không thuộc làu câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Hiếu với mẹ cha, với ông bà tổ tiên là nguồn gốc của mình, và nhất là hiếu thảo với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi nguồn gốc. Lời Chúa nhắc nhở người làm con: “Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành. Công ơn ấy con sẽ lấy gì đáp đền cho cân xứng.” (Hc 7,27.28). Và đặc biệt trong Tin Mừng Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại cho ta lệnh truyền của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 6,4a).

Mời Bạn: Trong bầu khí những ngày đầu năm mới, đạo hiếu càng được lưu tâm: gia đình sum họp, cháu con mừng tuổi ông bà cha mẹ, nhà nhà tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng hai tết để kính nhớ tiên nhân. Bạn hãy làm một điều gì đó để đem lại niềm vui cho ông bà, cha mẹ bạn, và thành tâm cầu nguyện cho thân bằng quyến thuộc đã qua đời.

Sống Lời Chúa: “Hãy thờ cha kính mẹ.” Ta ghi khắc lệnh truyền đó của Chúa trong tim mình, và thể hiện qua việc làm: yêu thương phục vụ ông bà cha mẹ khi còn sống cũng như lúc qua đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày đầu xuân, nguyện xin Chúa thương ban phúc lành và niềm vui cho cha mẹ con. Xin Chúa cũng thương đến những người trong gia tộc con đã khuất. Xin cho các ngài được hưởng mùa xuân bất diệt trước nhan thánh Chúa. Amen.

Thứ Hai 19/02/07 Mồng Ba Tết

THÁNH HÓA VIỆC LÀM

“Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén…” (Mt 25,14-20)

Suy niệm: Ngày tết, hình như cả bài Tin Mừng cũng nói chuyện… tiền (chuyện giao các nén bạc)! Nhưng chuyện tiền ở đây thực ra là chuyện lao động, chuyện công việc làm ăn. Trong bối cảnh xã hội hội nhập kinh tế toàn cầu của chúng ta hôm nay, chắc hẳn là thừa việc kêu gọi người ta siêng năng làm ăn. Cả một xã hội với tất cả hệ thống truyền thông đại chúng của nó không đang chuyên chăm thúc đẩy làm ăn đó sao? Đối với người Kitô hữu, một điều chắc chắn không bao giờ thừa, đó là quan tâm để liệu sao mình luôn làm ăn trong Chúa, hay nói cách khác: thánh hóa công ăn việc làm! Tại sao? Bởi vì dù số nén bạc của mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả chúng ta đều nhận các nén bạc ấy từ nơi Chúa (tức ông chủ trong dụ ngôn), và được mời gọi góp phần mình, cộng tác với Chúa, để làm cho thế giới này - trong đó có cuộc sống của chính mình - nên phong phú hơn.

Mời Bạn: Ý thức rằng ta làm việc không chỉ để nuôi thân, mà đó còn là cùng sáng tạo với Đấng Tạo Hóa vốn không ngừng sáng tạo. Đây là một hồng ân ta không dám mơ nhưng lại đang có, rất thực.

Chia sẻ: Bạn nghĩ giá trị của chúng ta có phải tùy ở số nén bạc mình có không? Nếu không thì tùy ở đâu?

Sống Lời Chúa: Ta quyết tâm năm nay: chuyên cần làm việc trong ý thức mình là cộng tác viên của Chúa; không phung phí thời giờ, tiền bạc, sức lực vào những điều vô bổ; trái lại, biết quảng đại ‘đầu tư’ vào các công cuộc bác ái, tông đồ – cho sáng danh Chúa!

Cầu nguyện: “Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm…”

Thứ Ba 20/02/07

YÊU THƯƠNG & PHỤC VỤ

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,30-37)

Suy niệm: “Người Việt Nam nào cũng có một ông quan trong bụng.” Câu nói khá phổ biến này ám chỉ tính ưa chuộng chức quyền, địa vị cao sang của người mình. Nhận xét này đúng hay sai, ta không biết. Tuy nhiên nếu áp dụng câu này cho nhóm Mười Hai của Đức Giêsu thì có lẽ không sai lệch bao nhiêu. Trong khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Người, các ông không tỏ dấu đồng cảm nào, trái lại còn tranh luận xem ai sẽ làm lớn hơn trong ‘chính phu’ũ mà các ông tưởng lầm là Người sắp thiết lập. Nhân đây, Đức Giêsu chỉ cho các ông biết tinh thần mà các môn đệ của Người phải có: đó là sự khiêm tốn phục vụ, và quí trọng những người bé nhỏ.

Mời Bạn: Canh tân bản thân, dấn thân phục vụ và góp phần xây dựng một xã hội công bằng là ba định hướng chính yếu cho việc ‘sống đạo hôm nay’ theo Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2006. Bức thư nói: “Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ.” Bức thư nhấn mạnh đến việc liên đới và yêu thương phục vụ “những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương nghèo niềm hi vọng, nghèo hạnh phúc” (số 6).

Chia sẻ: Có những anh chị em, những gia đình gặp những chuyện không may trong dịp Tết. Ta có thể làm gì để ủi an nâng đỡ họ không?

Sống Lời Chúa: Tập quan tâm đến những người nhỏ bé, nghèo khổ, và tập làm những việc nhỏ mọn âm thầm để giúp đỡ ho.

Cầu nguyện: Hát “Bài Ca Phục Vụ”.

Thứ Tư Lễ Tro 21/02/07

MÙA TẬP LUYỆN THIÊNG LIÊNG

“Khi ăn chay đừng để ai thấy là anh em ăn chay ngoại trừ cha của anh em...Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,1-6.16-18)

Suy niệm: Hôm nay chúng ta bỏ tro trên đầu tỏ lòng sám hối vì ý thức mình tội lỗi. Chút tro ấy cũng nhắc ta nhớ đến kiếp người mong manh. Ta bước vào mùa tập luyện thiêng liêng: ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức - để diễn tả nỗi cồn cào khát khao Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu và là nguồn ơn cứu độ, và để hàn gắn lại những rạn nứt, đổ vỡ mà mình đã vô tình hay hữu ý gây ra.

Mời Bạn: Việc nhịn hẳn bữa điểm tâm hay việc bớt khẩu phần của bữa trưa hay bữa tối hôm nay có thể khiến bạn cảm thấy một chút xáo trộn, không thoải mái. Dù sao, nói cho cùng, ‘ăn chay’ như vậy là quá dễ! (Biết bao người ăn chay nghiêm ngặt và thường xuyên hơn ta nhiều, chẳng hạn, các anh chị em Phật giáo, Hồi giáo; chưa kể những người ăn chay chỉ để ‘giảm cân,’ để ‘làm đẹp’!) ‘Ăn chay’ trong ý nghĩ, trong lời nói, trong điều mình ước muốn, trong tâm tình, trong cách phản ứng, trong thái độ và hành vi… mới là khó và mới thật đáng kể. Đằng sau việc ‘ăn chay’ đích thực phải là nỗi đói khát chính Thiên Chúa và nỗi đam mê yêu thương phục vụ con người.

Chia sẻ: Người Việt Nam ta có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.” Tại sao?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tiếp sức cho con trong mùa tập luyện thiêng liêng này, để con biết làm những việc lành phúc đức một cách âm thầm; và chính trong thinh lặng con sẽ nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Chúa, cũng như được Chúa bồi dưỡng năng lực thiêng liêng cho con. Amen.

Thứ Năm 22/02/07

Lập Tòa Thánh Phêrô

TÔI CHỌN GIÊSU!

“Ông Simon Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 13-19).

Suy niệm: Báo chí cho biết bảy tuyển thủ quốc gia – nghĩa là 3/4 đội tuyển - phải ra tòa vì vụ cá độ bóng đá tại SEA Games 23. Họ đã chọn tiền bạc (20 triệu đồng/một người) thay vì danh dự quốc gia, sự nghiệp bóng đá của mình, để lại bao nhiêu nuối tiếc đau xót trong lòng người tâm huyết với các tài năng trẻ và tương lai nền bóng đá Việt Nam. Niềm tin đặt để nơi đâu, người ta sống và hành động theo hướng đó! Ta tin vào Chúa, đó là ơn huệ Chúa ban nhưng cũng là một chọn lựa với ý thức và tự do cá nhân để sống theo điều mình xác tín. Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống. Tuy có lúc Phêrô yếu đuối đến chạy trốn và chối Thầy, nhưng ông biết sám hối quay về với Thầy chí thánh và trung thành phụng sự Người đến cùng.

Mời Bạn: Năm mới Đinh Hợi mở ra cho ta một thời gian mới để sống niềm tin của mình. Mỗi ngày đều có những cơ hội để ta nói lên mình chọn lựa ai, lấy cái gì làm lý tưởng cho đời mình. Sống niềm tin của mình cách triệt để, đó cũng là cách thuyết phục nhất để loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay.

Chia sẻ: Có gì đang cám dỗ tôi hay đang đe dọa niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu không?

Sống Lời Chúa: “Tôi chọn Giê-su” - câu hát này phải là câu tâm nguyện của tôi. Nghĩa là tôi lấy Chúa Giêsu làm gương mẫu, biến tinh thần và các mối quan tâm của Người thành của mình. Tôi nói “KHÔNG” với tất cả những gì kéo mình trệch khỏi con đường của Đức Giêsu.

Cầu nguyện: Hát: “Ngài là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống…”

Thứ Sáu 23/02/07

ĂN CHAY!

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9, 14-15)

Suy niệm: Ăn chay là một thực hành của mọi tôn giáo. Những người Pharisêu và các môn đệ Gioan đã ăn chay trong bối cảnh này. Và ý nghĩa sâu thẳm của ăn chay chính là diễn tả khát vọng được gặp Thiên Chúa, được có Đấng là sự lấp đầy mọi nỗi thiếu thốn sâu xa nhất của con người. Điều mà những người Do Thái không thể ngờ, đó là Đấng ấy đang có mặt ở giữa họ! Đức Giêsu đã dùng hình ảnh “chàng rể” để hé mở cho họ sự thực về chính Người.

Mời Bạn: Dù sao, cuộc tranh luận về ăn chay ở đây cũng giúp ta nhận thức lại ý nghĩa của việc ăn chay. Ăn chay không có ý nghĩa tự nơi chính nó, mà đúng hơn đó là một phương thế để diễn tả một nghĩa lý đằng sau nó. Thiết tưởng nhận thức này rất cần để chúng ta vãn hồi ý nghĩa của thực hành chay tịnh Kitô giáo; và ta sẽ không ăn chay chỉ vì luật buộc, ăn chay một cách vô hồn, máy móc!

Chia sẻ: Nếu ý nghĩa của ăn chay là để diễn tả lòng khao khát Thiên Chúa, thì việc thực hành ăn chay trong thực tế phải gắn liền với lòng khao khát yêu thương phục vụ con người. Vì sao?

Sống Lời Chúa: Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân, đồng thời cũng là những ngày đầu Mùa Chay. Thay vì tìm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ vật chất, bạn hãy hy sinh, bớt đi những khoản chi tiêu không cần thiết để chia sẻ cho một gia đình nghèo trong khu xóm của bạn. Thiết nghĩ “không ai nghèo đến độ không có gì để cho”.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình một cách sốt sắng và suy ngẫm câu kinh: “Đối với mọi gia đình chung quanh, xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng chia sẻ vật chất cũng như tinh thần …”

Thứ Bảy 24/02/07

BỎ MỌI SỰ THEO NGƯỜI

“Khi ấy, Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế tên là Lê vi đang ngồi ở bàn thu thưế, Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự, đứng dậy, đi theo Người.” (Lc 5,27-32)

Suy niệm: Chúa đã tự mình đến với tội nhân trước, gặp gỡ và sống thân tình với họ. Điều quan trọng là chính Chúa đã đến và gọi đích danh từng người. Chúa quan tâm tới hết mọi người, nhất là thành phần vô danh trong xã hội, hoặc bị xã hội lên án, ruồng bỏ hay coi thường. Chúa đã gọi ông Lêvi, và “ông liền bỏ mọi sự, đứng dậy, đi theo Người.” Làm sao có thể quyết định nhanh chóng như vậy, nếu tâm hồn ông không “sẵn sàng” như thửa đất được chuẩn bị tốt cho vụ mùa. Ông đã dứt khoát từ bỏ đường lối cũ một cách mau mắn, không đắn đo, không tính toán hơn thua; nghĩa là ông hoàn toàn phó thác, trông cậy Chúa, sống với Chúa và vì Chúa.

Mời Bạn: Đã bao lần trong đời, Chúa cũng đến tìm và gọi đích danh bạn bước theo Người. Người quan tâm, yêu thương bạn, kêu mời bạn giã từ nếp sống ươn lười, tội lỗi. Có khi, bạn trả lời “CÓ”, nhưng lại không “LÀM”. Hôm nay Chúa lại đến “đứng ngoài cửa mà gõ, giọt lệ Ngài tuôn đổ vì bạn, thân Ngài ướt đẫm suơng đêm”, Ngài vẫn chờ ở đó … mọi ngày, như người Cha nhân từ.

Sống Lời Chúa: Bước vào Mùa Chay của năm “Sống Đạo, Yêu Thương và Phục Vụ”, bạn hãy quyết tâm tham dự trọn vẹn một cuộc sám hối hoặc tĩnh tâm, để nhận ra con người thật của mình, nhiều yếu đuối và khuyết điểm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con, để con đủ nghị lực đi theo Chúa, can đảm sống điều Chúa truyền dạy. Tự sức mình, con không thể làm được gì, nhưng với ơn Chúa, con sẽ làm được. Amen.

Chúa Nhật I MC 25/02/07

SỰ SỐNG THẬT

“Đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,1-13)

Suy niệm: Con người không chỉ là thể xác, cũng không chỉ là tinh thần, nhưng là tinh thần nhập thể, với những nhu cầu thể xác lẫn tinh thần. Nhưng xem ra điều thu hút nhiều quan tâm hơn cả trong thực tế chính là chuyện cơm áo gạo tiền, còn những nhu cầu tinh thần thường chỉ được xếp vào hàng thứ yếu. Và để biện minh cho thái độ này, người ta nói: “có thực mới vực được đạo.” Đức Giêsu đã không ở trong lối nghĩ này, nên Người đã không thua cơn cám dỗ ‘hóa đá thành bánh’, dù Người đang trong cơn đói cồn cào. Nguyên tắc của Người được nêu rõ trong câu trả lời trước tên cám dỗ: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh!”

Mời Bạn: Bạn đang lo lắng tìm cho mình một công việc vừa phù hợp vừa đủ trang trải cho cuộc sống? Điều ấy bình thường thôi. Nhưng ta cũng phải lo lắng cho những nhu cầu tinh thần nữa. Và nếu xảy ra trường hợp phải ưu tiên chọn lựa, chúng ta phải dứt khoát dành ưu tiên cho các giá trị tinh thần căn bản (chẳng hạn, thà mất việc làm và phải tìm việc khác, hơn là dính vào những vụ phá thai hay buôn ma túy... !)

Chia sẻ: Khi gặp hoàn cảnh phải sống thiếu thốn trong cái ăn cái mặc, bạn cảm nghiệm được gì từ sự thiếu thốn ấy và có nhớ đến Lời Chúa hôm nay không ?

Sống Lời Chúa: Trong xã hội tiêu thụ, hưởng thụ và duy vật thực tiễn hôm nay, vật chất thường được đề cao cách quá đáng. Ta được mời gọi làm chứng rằng còn có những giá trị khác nữa, cao quí hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thêm sự khôn ngoan sáng suốt và sức mạnh cho con, để con luôn biết chọn Chúa trước mọi điều khác. Amen.

Thứ Hai 26/02/07

CUỘC PHÁN XÉT CHUNG

“Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Aùc Quỷ và các sứ thần của nó.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn, Ta khát, các ngươi đã không cho uống...(Mt 25,31-46)

Suy niệm: Mùa Chay, thiết tưởng là rất tốt việc ta suy nghĩ về ngày chung cục của thế giới này. Ngày đó chắc chắn sẽ xảy đến. Và điều đáng lưu ý hơn cả chính là: các sự việc sẽ xảy ra lúc đó lại lệ thuộc trực tiếp vào cách sống NGÀY HÔM NAY của mỗi người chúng ta! Đấng xét xử sẽ không phán xét ta theo những thiện chí hay ước muốn suông, nhưng là căn cứ vào các hành động cụ thể của ta đối với những anh chị em đói nghèo, bất hạnh…

Mời Bạn: Đọc đi đọc lại và chú ý nghe kỹ để thấm giọng điệu của Lời Chúa trên đây. Thật kinh khủng nếu tôi vô phúc bị liệt vào số những kẻ bị kết án này! Đối với Chúa, yêu thương có nghĩa đơn giản là thăm viếng, chia sẻ, chăm sóc, đón tiếp, cho ăn, cho mặc đối với những người nghèo khổ thật sự. Chúa còn xác quyết rất rõ ràng rằng những anh chị em bất hạnh ấy chính là Ngài đó! Như vậy, không còn ngờ gì nữa: Trong ngày chung thẩm, mỗi người sẽ chỉ được phán xét dựa trên tình yêu thương đối với những con người sống bên cạnh mình hôm nay. Mỗi giây phút hiện tại, vì thế, sẽ làm nên vĩnh cửu - hoặc vĩnh cửu hạnh phúc, hoặc vĩnh cửu trầm luân!

Sống Lời Chúa: Tập luyệân cách nhìn và cách phản ứng của mình: Ngày hôm nay, bạn đừng bỏ qua một cơ hội để thực hành chia sẻ, dù chỉ là rất nhỏ.

Cầu nguyện: Xin Chúa dạy con biết lấy trang Tin Mừng căn bản hôm nay để phân định cách sống đạo của mình. Chúa đã muốn hiện thân nơi người nghèo khổ, xin cho con đừng từ chối họ. Amen.

Thứ Ba 27/02/07

CẦU NGUYỆN TRONG PHÓ THÁC

“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6, 7-15)

Suy niệm: Có bao giờ chúng ta xin Chúa ban cho ta có không khí, có ánh sáng mặt trời, có gió mát… ? Nhiều lúc chúng ta không ý thức để cầu xin những điều ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ và âm thầm ban cho ta vì đó là những điều cần thiết cho sự sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có những nhu cầu và ước muốn khác nhau, do đó lời cầu nguyện của mỗi người cũng thật đa dạng: khẩn khoản van nài hay biện minh, giải thích với Chúa… cho đến khi đạt được. Lời cầu nguyện chân thành nào cũng có giá trị trước mặt Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã dạy ta lời cầu nguyện lý tưởng nhất chính là Kinh Lạy Cha, và tâm tình đẹp lòng Chúa nhất chính là phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Chúa: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”.

Mời Bạn: Nhìn lại kinh nghiệm của mình về thời thơ ấu: luôn được cha mẹ che chở, bảo bọc và sắm sửa những thứ cần thiết dù khi chúng ta chưa nhận thấy và kêu xin. Thiên Chúa quan tâm và nhìn thấy những điều cần thiết cho chúng ta ở đời này và cả hạnh phúc đời sau. Chúng ta cứ an tâm dâng lời cầu xin cho sáng danh Chúa và cho thiện ích của tha nhân, hơn là chỉ dừng lại nơi những nhu cầu của bản thân mình. Tinh thần phó thác vào Chúa sẽ đem lại cho ta nhiều điều thật thú vị, bất ngờ.

Chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn khi nhận được một điều tốt lành và cần thiết mà bạn chưa dám xin hay tìm kiếm.

Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện một cách đơn sơ và để Chúa quyết định mọi việc xảy đến với ta theo ý Ngài.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha một cách chậm rãi và sốt sắng.

Thứ Tư 28/02/07

ĐỪNG BỎ MỒI BẮT BÓNG

“Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.” (Lc 11,29-32)

Suy niệm: Cha James F. Keenan, Dòng Tên, khai triển một luận đề luân lý rất thú vị rằng “người ta phạm tội vì họ quá mạnh chứ không phải vì họ quá yếu.” Nghịch lý này còn được thấy nơi nhiều trường hợp khác nữa. Thiếu, không phải vì thiếu, mà vì có quá nhiều. Như cá giữa đại dương mà loay hoay đi tìm… nước! Như người Việt Nam ta từng bị mang tiếng là ‘chết trên đống thuốc’ (có ý nói rất nhiều cây cỏ quen thuộc của chúng ta là những vị thuốc quí giá mà ta không ngờ!). Chung qui, vấn đề nằm ở chỗ hoặc do người ta vô minh, hoặc do bướng bỉnh, hoặc do cả hai. Đây cũng là vấn đề của những người Do Thái thời Đức Giêsu. Họ có điều quí nhất trong tầm tay, nhưng họ không nhận ra, và họ mải kiếm tìm những thứ khác thôi.

Mời Bạn: Nhìn lại những kinh nghiệm ‘bỏ mồi bắt bóng’ trong cuộc đời mình. Phải chăng chỉ khi sực tỉnh, ta mới thấy rõ rằng mình dại? Ta sẽ đi tìm ánh sáng và sự khôn ngoan đích thực ở đâu, nếu không phải nơi Lời Chúa vốn luôn trong tầm tay ta? Ta sẽ tìm sự sống và sức mạnh tinh thần ở đâu, nếu không phải là nơi Thịt Máu Chúa vốn được trao ban cho ta mỗi ngày?

Chia sẻ: Là Kitô hữu, bạn nghĩ thực ra chúng ta rất giàu hay rất nghèo? Vì sao?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, tiếp cận với Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, ta ý thức rằng mình đang có được điều quí nhất có thể có dưới gầm trời này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự lấp đầy mọi khát vọng của con. Amen.

Chương trình một giờ kinh tối

  1. Tìm một giờ thích hợp cho cả gia đình họp nhau đọc kinh tối trước khi đi ngủ trong khoảng 15 phút.
  2. Người hướng dẫn nêu ý cầu nguyện cho giờ kinh (... giỗ chạp, bổn mạng, sinh nhật, kỷ niệm ngày thành hôn, khi có người đau, đi xa, thi cử ....)
  3. Khai mạc giờ kinh: Đọc hoặc hát kinh Chúa thánh Thần
  4. Thinh lặng xét mình trong giây lát (cha mẹ có điều gì nhắc nhở con cái, vợ chồng con cái xin lỗi nhau ...) rồi đọc kinh thú nhận.
  5. Đọc một đoạn Lời Chúa và bài suy niệm (khuyến khích dùng “5ph/ngày cho Lời Chúa”)
  6. Xướng một mầu nhiệm Mân Côi và đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh rồi đọc: Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con... và kinh Lạy Nữ Vương.
  7. Đọc kinh Vực Sâu hoặc: Chúng con cậy vì danh Chúa ... để cầu cho người thân đã qua đời
  8. Hát kính Đức Mẹ hoặc Thánh Giuse (thứ 4)
  9. Kinh Trông Cậy và Bốn Câu Lạy.

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 1/07 | 12/06 | 11/06 | 10/06 | 9/06

Đọc nhiều nhất Bản in 02.02.2007. 06:42