Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 5/08

§ Một Đan Sĩ

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS | Mt 13,54-58

01/05/08 Th. Giuse thợ
LAO ĐỘNG TRONG TIN YÊU
Dân chúng sửng sốt nói: “Ông ấy không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)

Suy niệm: Bác sĩ B. Richner, đứng đầu một tổ chức chăm sóc sức khoẻ trẻ em ở Campuchia, đã từ chối số tiền 91 ngàn đô la thu được từ việc bán đấu giá hình khoả thân của bà Carla, phu nhân tổng thống Pháp. Ông cho biết lý do: “Quyết định của tôi phát xuất từ sự tôn trọng các bệnh nhi và phụ huynh các em. Nhận khoản tiền từ việc lợi dụng thân thể phụ nữ là sự sỉ nhục.” Kiếm tiền trong thời buổi kinh tế khủng hoảng hiện nay là một điều khó. Kiếm đồng tiền sạch lại càng khó hơn. Người kitô hữu không chỉ chấp nhận những đồng tiền sạch, nhưng còn đi xa hơn khi coi lao động là nơi mình (1) thực thi nhiệm vụ chăm sóc quản lý trái đất; (2) chu toàn bổn phận chăm sóc người khác (cha mẹ, con cái, người nghèo…); (3) chia sẻ sự thiện hảo và quan phòng của Chúa.

Mời Bạn: Cách lượng giá thông thường của con người: “Thời gian không đo bằng năm tháng, mà bằng những gì ta làm được” (I. Carlson). Còn cách lượng giá của Thiên Chúa thì khác hẳn. Ngài không đo công trạng bạn bằng những gì bạn làm được, nhưng qua cách bạn làm: làm với đôi tay chăm chỉ, với trái tim yêu mến, với khối óc sáng kiến, với lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa là Cha yêu thương.

Chia sẻ: Môi trường lao động đã là nơi bạn sống niềm tin kitô giáo chưa?

Sống Lời Chúa: Xét mình xem bạn đã thực hiện ba chiều kích của lao động được nêu trên đây chưa, và tìm cách thực thi trọn vẹn hơn.

Cầu nguyện: Lạy Cha, trái đất và tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ và yêu thương. (Rabbouni)

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS | Ga 16,20-23a

02/05/08 Th. Athanaxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
NIỀM VUI KHÔNG TÀN PHAI
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,21)

Suy niệm: ‘Măng chua nấu với ngạnh nguồn, sự đời đắp đổi khi buồn khi vui.’ Cuộc sống con người buồn vui chen lẫn, cần biết thế để luôn giữ được cái tâm thanh thản đứng trước mọi nghịch cảnh. Như Chúa Giêsu báo trước, các môn đệ buồn sầu đau đớn khi chứng kiến cuộc thương khó của ngài, nhưng họ sẽ vui mừng khi Ngài sống lại. Môn đệ Chúa cũng sống với cái buồn vui lẫn lộn. Nhưng có điều là nỗi buồn của họ sẽ biến thành niềm vui. Và niềm vui đó là niềm vui trong Chúa Kitô phục sinh, niềm vui chiến thắng sự chết, niềm vui được tái tạo trong đời sống mới. Niềm vui của họ chỉ có Chúa mới ban cho và không gì cướp mất đi được.

Mời Bạn: Chúa Kitô đã chết, đã sống lại và còn đang sống giữa chúng ta hôm nay. Ngài đang cùng chúng ta thi hành sứ vụ cứu thế trong một xã hội toàn cầu hóa nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, sâu rộng. Chúng ta được kêu mời để sống và chia sẻ niềm vui phục sinh ngay trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, đau đớn nhất của đời sống cá nhân và xã hội. Không kitô hữu nào cho phép mình sống trong tâm trạng thất vọng về tương lai của mình và người khác.

Chia sẻ: Chúng tôi có quan tâm luôn khám phá sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa không?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: Bình an và niềm vui đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tôi xa tránh những gì làm tôi xa Chúa.

Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giêsu! Chúa đã ở trong mộ, nay Chúa đã sống lại. Xin Chúa luôn ở lại với chúng con. Xin Chúa chiếm hữu và làm cho chúng con thuộc về Chúa để chúng con vui luôn trong Chúa. Amen.

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 6 PS | Ga 14,6-14

03/05/08 Th. Philípphê và Giacôbê, tông đồ
ĐI ĐƯỜNG HẸP MANG TÊN GIÊSU
Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống.” (Ga 14,6)

Suy niệm: Dọc kênh Tàu Hủ, đường Bến Bình Đông dẫn vào “xóm Đập Bao” (xi măng) ở khu Gò Mã, quận 8, Sài Gòn, lúc nào cũng mờ mịt đám bụi dày. Một người dân ví von: “Mình làm nghề giũ bụi nên phận mình cũng như những đám bụi kia, chẳng biết bay về đâu. Cứ vật vờ xoay vòng mà sống.” Đó cũng là cảm nghiệm của rất nhiều người về cuộc sống, một cuộc sống vật vờ, xoay vòng, chẳng biết sống để làm gì, đời mình sẽ đi về đâu giữa bốn phương trời tám phương đất vô định của thế giới này. Chúa Giêsu đến để cho thấy cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, có hướng đi rõ ràng: đi về hạnh phúc đời đời. Hạnh phúc đời đời chính là đi con đường mang tên Giêsu, con đường hẹp, đường thập giá của bậc sống, đòi hỏi phải nỗ lực hết mình để tiến bước.

Mời Bạn: “Chúa Giêsu một tay chỉ đường, một tay dắt bạn theo Ngài” (W. Mason). Ngài đồng hành với bạn, giúp bạn đi đến nơi đến chốn, chứ không vạch đường chỉ lối suông. Ngài ban Mình và Máu Thánh Ngài làm lương thực nuôi dưỡng bạn trong cuộc hành trình, dùng Lời Hằng Sống của Ngài hướng dẫn bạn trong từng ngày sống.

Chia sẻ: Tôi, gia đình, đoàn thể làm gì để thấy Chúa đang đồng hành với mình?

Sống Lời Chúa: Nhìn lại lối sống của mình, để thấy mình đang đi trên đường Giêsu hay đã trệch đường. Nếu đúng, tạ ơn Chúa và quyết tâm theo sát Ngài hơn; nếu trệch, xin Chúa giúp điều chỉnh lại lối sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa dẫn đường đưa lối cho chúng con trên hành trình về Nước Trời. Xin giúp chúng con luôn nắm chắc tay Chúa, sống trong Chúa, sống theo Lời Chúa, để không bao giờ lạc lối trên đường đời.

CHÚA NHẬT 7 PS - A | Mt 28,16-20

04/05/08 CHÚA THĂNG THIÊN
NHẬT LỆNH CHO NGƯỜI Ở LẠI
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19)

Suy niệm: Những gì người ta trao cho nhau trong giây phút cuối cùng trước khi chia tay, nhất là để ra đi vĩnh viễn bao giờ cũng quan trọng. Cho nên lời trối, bản di chúc luôn là kỷ vật quí giá, đáng trân trọng nhất, vì đó là tâm nguyện của người đã khuất mà những người ở lại cố gắng thực hiện để người quá cố được “mát lòng nơi chín suối”. Chúa chúng ta “lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” để rồi “ngày tận thế, lại đến trong vinh quang”. Lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về trời còn quan trọng hơn cả bản di chúc; đó là nhật lệnh hành động để tiếp nối sứ mạng Ngài đã khởi đầu, nay giao lại cho chúng ta thực hiện hoàn tất cho tới khi Ngài lại đến. Vì thế, truyền giáo luôn là sứ mạng hàng đầu của Giáo hội, của mọi kitô hữu.

Mời Bạn: Theo nhật lệnh của Chúa, để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” thì phải ra đi rao giảng Tin Mừng. Mời bạn xét xem, cuộc sống kitô hữu của chúng ta đã là một lời rao giảng sống động chưa? Các nguồn lực trong cộng đoàn (nghi lễ phụng vụ, đoàn thể, việc bác ái, truyền thông, v.v…) đã được huy động vào việc rao giảng Tin Mừng chưa?

Chia sẻ: Có những người lương dân nhưng họ vẫn sống theo những giá trị Tin Mừng. Karl Rahner gọi họ là những “kitô hữu vô danh”. Để có thêm những “kitô hữu vô danh” ấy phải chăng cũng là việc truyền giáo? Bạn có thể làm gì cho công cuộc này?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm sức cho con để con luôn nhiệt tâm trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Amen.

THỨ HAI TUẦN 7 PS | Ga 16,29-33

05/05/08
CON KHÔNG CÒN CÔ ĐƠN
“Anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” (Ga 16,32)

Suy niệm: Đau khổ và cái chết là những điều đáng sợ nhất mà ai ai cũng phải trải qua. Càng bi đát hơn khi phải gánh chịu những sự ấy trong cô đơn. Trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng run sợ khi đối diện với nỗi cô đơn trong cuộc khổ nạn. Ngài đã chẳng mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu đó sao? Trong Tin Mừng của thánh Gioan, cơn ác mộng ấy còn tiếp diễn suốt con đường thập giá. Dù vậy, trong cơn bĩ cực, Ngài vẫn một niềm vâng phục phó thác trong tay Chúa Cha, vì Ngài xác tín rằng Chúa Cha luôn ở với Ngài, không để Ngài cô độc. Ngay cả lúc Ngài kêu lên hầu như tuyệt vọng: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” Ngài vẫn trung thành chu toàn thánh ý Chúa cho đến khi “mọi sự đã hoàn tất.”

Mời Bạn: Có những người cả một đời tin theo Chúa, thế nhưng, “đốn củi ba năm, thiêu rụi một giờ,” khi đối diện với đau khổ và sự chết, họ gặp cám dỗ, thử thách khiến niềm tin, niềm cậy trông bị chao đảo lung lay. Lời Chúa hôm nay là một dịp cho bạn và tôi suy nghĩ và khẳng định lại niềm tin của mình vào Chúa Giêsu, Đấng đã trải qua những giờ phút đen tối nhất trong cuộc đời mà vẫn giữ được lòng tin.

Chia sẻ: Giáo xứ bạn có tổ chức gì để chăm sóc người già yếu bệnh tật không?

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng hiện diện nâng đỡ cầu nguyện cho người thân, người hàng xóm láng giềng để họ không phải chống chọi một mình trong cơn bệnh hoạn và trong giờ hấp hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con can đảm đón nhận đau khổ và cả sự chết, để con được diễm phúc chia sẻ những đau khổ Chúa chịu để cứu độ con.

THỨ BA TUẦN 7 PS | Ga 17,1-11a

06/05/08
TÔN VINH TÌNH YÊU
“Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha.” (Ga 17,1)

Suy niệm: Một linh mục già khi về hưu đã viết câu Phúc Âm này để trên bàn giấy của ngài: “Lạy Cha, giờ đã đến!” Vị linh mục này tâm sự, “giờ” mà Chúa dành cho ngài không phải là ngày thụ phong linh mục với những nghi lễ long trọng, cũng không phải là những thành công rực rỡ trong quãng đời dài mục vụ. “Giờ đã đến” là lúc này; những bước cuối cùng của cuộc đời “vác thập giá mà theo Chúa” chính là lúc này; chính lúc này là “giờ Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 13,31). Phải chăng vị linh mục này đang học lại tâm tình của Đức Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm của Chúa Cha trong những giây phút sắp sửa bước vào cuộc Thương Khó? Chúa Cha được tôn vinh khi Con Một Ngài hiến thân chịu chết để hoàn thành chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha. Chúa Con được tôn vinh khi đánh bại tử thần và phục sinh vinh hiển. Như thế, Thập Giá Đức Kitô chính là bệ ngai tôn vinh Tình Yêu, Tình Yêu Thiên Chúa.

Mời Bạn: Người ta thường đề cao, tôn vinh tình yêu, nhưng lắm khi chỉ là thứ tình yêu giả hiệu: tình yêu thương mại, tình yêu nhục dục, tình yêu ích kỷ… Chúa Giêsu cho biết tình yêu đích thực là tình yêu dám “thí mạng sống mình vì người mình yêu.” Chúa đang mời bạn tôn vinh tình yêu ngay trong cuộc sống hiện tại. Đó là hãy yêu như Chúa yêu. Yêu trong hy sinh, quảng đại trao ban và kính trọng.

Chia sẻ: Thảo luận cách áp dụng nguyên tắc tình yêu này trong gia đình, trong môi trường nghề nghiệp của bạn.

Sống Lời Chúa: Khi quyết định công việc, nghĩ đến quyền lợi người khác trước.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu Chúa và yêu mọi người.

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 PS | Ga 17,11b-19

07/05/08
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” (Ga 17,17)

Suy niệm: Truyện thánh Pacôm kể rằng, khi còn ngoại đạo, đã đăng lính trong đạo binh Rôma. Ngày kia, các binh sĩ trong đơn vị của ngài, đã kiệt sức vì đói và khát sau khi đi bộ qua sa mạc dưới cái nóng chết người, thất thểu vào thành Thebes (Tê-bes) ở Ai Cập. Thấy cảnh tượng đó, có nhiều người chạy lại bên họ, cho họ ăn uống, cùng chăm sóc họ chu đáo, tận tình. Pacôm ngạc nhiên hỏi những người tốt lành này là ai và được trả lời rằng: “Họ là các kitô hữu.” Ngài thốt lên: “Một tôn giáo dạy người ta cứu giúp những kẻ khốn khổ hoàn toàn xa lạ với mình là một tôn giáo chỉ có thể đến từ vị Chúa chân thật.” Sau biến cố này, Pacôm, trở lại đạo Công giáo và trở thành một vị sáng lập các đan viện, sống cộng đoàn bác ái huynh đệ. Philatô đã từng hỏi: “Sự Thật là gì?” nhưng không thể hiểu được, còn Pacôm tin nhận Thiên Chúa là Sự Thật nhờ những người kitô hữu ở Thebes đã làm chứng bằng hành động bác ái.

Mời Bạn: Người kitô hữu được “thánh hiến trong sự thật” nên sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật. Sự thật về Chúa Giêsu chỉ có thể được tỏ hiện qua cái chết tự hiến vì yêu thương trên thập giá: “Ông này quả thật là Con Thiên Chúa.” Noi gương Chúa Kitô, người kitô hữu không chỉ làm chứng nhân bằng việc tử đạo mà còn làm chứng cho sự thật bằng chứng từ bác ái nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng nhân cho Chúa Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lãnh nhận sự thật từ Chúa để thuộc trọn về Chúa, từ suy nghĩ thật đến hành động thật, để được sống hạnh phúc thật trước mặt Chúa và tha nhân.

THỨ NĂM TUẦN 7 PS | Ga 17,20-26

08/05/08
HIỆP NHẤT TRONG CHÚA
“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23)

Suy niệm: Xung đột quyền bính là “chuyện thường ngày ở huyện” từ những cộng đoàn nhỏ bé nhất như gia đình cho đến những phạm vi rộng lớn hơn như quốc gia, quốc tế. Nhân danh sự hiệp nhất, đoàn kết, người trên dùng quyền đòi buộc thuộc hạ chấp hành mệnh lệnh; người dưới khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình nhân danh phán quyết của lương tâm. Ai cũng muốn khẳng định mình là giường mối của sự hiệp nhất hay sự hiệp nhất chỉ có khi mọi người vâng theo ý kiến của tôi. Thế là xung đột xảy ra. Đối với Chúa Giêsu, mọi quyền bính đã được Chúa Cha trao cho Ngài và Ngài cũng có tự do để hành sử quyền bính ấy, nhưng với tình yêu tự nguyện và để làm vinh danh Cha và để ý Cha được thể hiện. Với Ngài, trong Chúa Cha, tất cả được hiệp nhất với nhau. Như thế, sự hiệp nhất đích thực và trọn vẹn chỉ có được khi cả bề trên lẫn bề dưới cùng hành động phù hợp với Tin Mừng và vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Là người có quyền bính, bạn sử dụng quyền bính để qui mọi người về với Thiên Chúa hay qui về bạn? Là người có tự do, bạn hành sử sự tự do của bạn làm vinh danh Thiên Chúa hay để thoả mãn tính kiêu căng của bạn? Tất cả chúng mình cần nhìn lại và định hướng theo khuôn mẫu Chúa Giêsu để xây dựng sự hiệp nhất.

Sống Lời Chúa: Xét mình: - Bạn có lắng nghe ý kiến của người khác và nhận thấy những điểm hay và hợp lý trong đó không? - Bạn phản ứng thế nào khi người khác không theo ý kiến của bạn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

THỨ SÁU TUẦN 7 PS | Ga 21,15-19

09/05/08
BA LẦN KHẲNG ĐỊNH TÌNH YÊU
Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Hôm nay Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phêrô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phêrô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phêrô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giêsu. Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Kitô đến độ say mê như thế mà thôi.

Mời Bạn: Phêrô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Bạn đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Trái lại, hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường bạn đang sống và làm việc.

Sống Lời Chúa: Đặt mình trước mặt Chúa và lắng nghe Chúa hỏi mình: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Mỗi lần như thế bạn hãy lặp lại với tất cả niềm say mê và quả quyết: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết con yêu mến Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con biết yêu mến Chúa trong anh chị em con để con luôn sống xứng đáng là con của Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 7 PS | Ga 21,20-25

10/05/08
PHẦN BẠN, HÃY THEO CHÚA
“Giả như Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22)

Suy niệm: Thói xấu “trâu cột ghét trâu ăn” đã ăn sâu vào tâm thức con người đến độ các môn đệ dù đã được Chúa Giêsu huấn luyện ba năm, dù đã chứng kiến Ngài sống lại, vẫn chưa gột rửa được. Câu chuyện xì xèo chung quanh “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” ấy do chính Phêrô là người “đầu têu” khơi dậy qua câu hỏi ngụ ý ghen tỵ: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Phải chăng Phêrô quên rằng chính mình vừa được Thầy rộng lượng “xí xoá” vụ chối Thầy ba lần rồi lại “đặc cách” giao cho sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa đó sao? Chúa kêu gọi mỗi người mỗi cách ban ơn riêng phù hợp để mỗi người chu toàn sứ mạng của mình trong sự hoà hợp với nhau để xây dựng Hội Thánh. Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của Phêrô, nhưng Ngài nhắc nhở ông hãy lo chu toàn sứ mạng của mình thay vì dòm ngó người khác bằng cặp mắt ghen tỵ: “Việc gì đến anh? Phần anh hãy theo Thầy.”

Mời Bạn: Mỗi người chúng ta đều được Chúa giao cho sứ mạng riêng. Thế nhưng chúng ta vẫn hay “lấn sân”, tò mò người này, xem xét người kia, phê bình thế này, chỉ trích thế nọ, không phải với thiện chí xây dựng mà chỉ vì động cơ ghen tức… Bạn nhớ mình cũng là “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” và Ngài cũng hỏi bạn “có yêu mến Ngài không”. Khi bạn dành tất cả của bạn cho Ngài, trong lòng bạn, bạn sẽ chỉ còn bận tâm một điều: “Phần con, cứ theo Thầy.”

Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm việc bổn phận cách cẩn thận, trong tâm tình vui vẻ hoà hợp với anh chị em.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết ý thức được sứ mạng của con trong bất kỳ công việc hay lãnh vực nào để từ đó con luôn nỗ lực chu toàn cách tốt đẹp hơn.

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - A | Ga 20,19-23

11/05/08
NGỌN LỬA CỦA THÁNH THẦN
“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22)

Suy niệm: Trong buổi trò chuyện thân mật vào giờ dạy cuối năm của khoá sinh viên sắp ra trường, một sinh viên đã hỏi thầy điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Người thầy chậm rãi nói: “Cuộc sống phía trước của các em sẽ rất phong phú và đầy bất ngờ, không thể dự báo… Nếu biết trước mọi thứ thì cuộc sống sẽ không còn thú vị nữa. Nhưng, có một điều quan trọng mà mỗi người cần luôn gìn giữ, đó là lửa, đừng bao giờ để lửa tắt trong tâm hồn các em.” Trong ngày Phục sinh, Chúa Giêsu thổi hơi thông ban Thánh Thần cho các tông đồ. Làn hơi đó đã thổi bùng lên ngọn lửa của ngày lễ Ngũ Tuần. Chính Chúa Thánh Thần là ngọn lửa không thể tắt làm sống mãi lòng say mê nhiệt thành của các tông đồ và của mọi tín hữu: công cuộc loan báo Tin Mừng, các cử hành phụng vụ bí tích, và tất cả mọi hoạt động của Giáo hội đều luôn luôn có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần.

Mời Bạn: Mỗi người kitô hữu đều đã được thắp lên ngọn lửa Thánh Thần trong ngày Rửa tội. Bạn có cảm nghiệm được sức nóng của ngọn lửa ấy hun đúc bạn sống yêu thương phục vụ làm chứng nhân Tin Mừng không? Ngọn lửa của bạn có bị leo lét vì thiếu khí do lối sống hưởng thụ ích kỷ chạy theo dục vọng? Hoặc bạn có đang che dấu ngọn lửa của bạn dưới đáy thùng vì sợ sệt không dám mạnh dạn làm chứng nhân Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, dành một phút cầu nguyện, xin ơn Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lên trong lòng mọi người tín hữu chúng con ngọn lửa mến của Ngài, để chúng con biết cộng tác với nhau xây dựng Giáo hội hiệp nhất và phục vụ con người trong thế giới hôm nay.

THỨ HAI TUẦN 6 TN | Mc 8,11-13

12/05/08 Th. Nêrêô và Akilêô tử đạo. Th. Păngraxiô, tử đạo
CHÚA VẪN CÒN LÀM PHÉP LẠ
“Những người Pharisêu kéo ra…, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người.” (Mc 8,11)

Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Máccô đặt tranh luận này ngay sau phép lạ bánh lần thứ hai. Bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ ấy, các ông Pharisêu không chấp nhận như là dấu lạ. Họ đòi một dấu lạ từ trời. Ngày xưa trong sa mạc, Chúa cho manna từ trời mưa xuống, nhưng dân Do Thái cũng đâu có coi đó là dấu lạ: họ vẫn kêu trách và tưởng nhớ đến “nồi thịt” khi còn làm nô lệ bên Ai Cập. Hoá ra dấu lạ vẫn có đó, nhưng có một khiếm khuyết về phía họ khiến họ không thể nhận ra. Khiếm khuyết đó chính là sự nghi ngờ: nghi ngờ quyền năng và tình yêu thương của Ngài. Vì nghi ngờ nên thử thách Chúa, đặt điều kiện và đòi Chúa thực hiện theo ý muốn của mình. Khiếm khuyết đó khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến.

Mời Bạn: Chúng ta hay than phiền là ngày nay không được may mắn chứng kiến những phép lạ như thời xưa. Phải chăng chúng ta quên rằng phép lạ bánh vẫn diễn ra hằng ngày qua bí tích Thánh Thể? Phải chăng chúng ta giống như người Pharisêu đòi một dấu lạ khác từ trời để thử Chúa? Bạn ơi, đừng nghi ngờ quyền năng và tình yêu thương của Ngài dành cho bạn nữa. Mời bạn nhìn vào dấu chỉ bánh và rượu, như các môn đệ trong nhà Tiệc Ly, như ở Emmau, để nhận ra chính Ngài đang hiện diện đó, và để bạn kết hiệp nên một với Ngài.

Chia sẻ: Bạn có nhận thấy dấu lạ của Chúa trong đời thường của bạn không?

Sống Lời Chúa: Rước Thánh Thể mỗi khi có thể và luôn dành thêm ít phút cầu nguyện để cám ơn sau khi rước lễ.

Cầu nguyện: Dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể những tâm tình tha thiết nhất của bạn.

THỨ BA TUẦN 6 TN | Mc 8,14-21

13/05/08 Đức Mẹ Fatima
“MEN” NÀO CHO TA “SAY”?
“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.” (Mc 8,15)

Suy niệm: Từ thời Ai Cập cổ đại, người ta đã dùng men để làm bánh mì, làm rượu. Mãi đến năm 1857 nhà khoa học Louis Pasteur (Lu-y Pá-xtơ) mới khám phá ra rằng men thực ra là một thứ vi sinh vật thuộc loài nấm, âm thầm mọc rễ đâm chồi bên trong các chất hữu cơ và biến chất chúng. Có những loài men hữu ích loài người biết được và sử dụng, nhưng cũng có hàng ngàn thứ men có hại như men chua, men thối làm hư hỏng thức ăn, thậm chí gây nhiễm độc chết người. Chúa Giêsu cho biết về mặt thiêng liêng cũng có những thứ “men.” Có thứ “men Nước Trời” mà người môn đệ Kitô đem thấm nhập vào trong thúng bột thế giới và âm thầm làm nó dậy men. Cũng có thứ men mà Chúa cảnh giác các môn đệ phải coi chừng, loại bỏ: men Pharisêu và men Hêrôđê.

Mời Bạn: Men Pharisêu và men Hêrôđê vẫn còn đâm chồi mọc rễ đến tận thời đại chúng ta. Đó là thói kiêu căng giả hình, đánh mất lòng nhân nghĩa. Đó là nếp sống thực dụng, nặng về tiền bạc và vật chất, nếp sống hưởng thụ và ích kỷ, chất men dâm ô, qua sách báo phim ảnh xấu khiến cho chúng ta vì đam mê chúng mà trở nên lãnh đạm thù nghịch với tình yêu Chúa Kitô và ơn cứu độ của Ngài. Bạn đang “say” thứ men nào, “men trần tục” hay “men Kitô”?

Sống Lời Chúa: Cổ võ trong cộng đoàn bạn một chiến dịch loại bỏ “men” xấu (phim ảnh xấu, gương xấu…) và “cấy men” tốt (việc làm gương sáng…).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giao cho con sứ mạng làm men để biến đổi trần gian nên thánh. Xin Lời Chúa và Thánh Thể Chúa gìn giữ con khỏi men xấu và giúp con sống thánh thiện giữa đời.

THỨ TƯ TUẦN 6 TN | Ga 15,9-17

14/05/08 Th. Mátthia, tông đồ
CHÍNH CHÚA CHỌN
“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.” (Ga 15,16)

Suy niệm: Đọc bài sách Công vụ về việc chọn Mátthia (Cv 1,15-26), ta tự hỏi: phải chăng các tông đồ đã áp dụng một cách thế khá liều lĩnh để chọn một người thế chỗ Giuđa? Cho đến nay, người ta vẫn dùng cách rút thăm và chấp nhận điều như thể là tình cờ hay may rủi. Nhưng ở đây, chúng ta thấy các tông đồ làm việc rút thăm với một đức tin và niềm phó thác, sau khi đã cầu nguyện (c.24). Các ngài tin chính Chúa biểu lộ ý của Ngài qua việc rút thăm (“xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai”). Như thế không còn là một sự tình cờ may rủi nữa, mà là một hành động của đức tin. Chúa quyền năng có thể dùng một sự tưởng như tình cờ hay may rủi để nói lên ý Người. Mátthia đã được liệt vào hàng ngũ các tông đồ, bởi chính Chúa đã chọn ông, như đã chọn các tông đồ khác.

Mời Bạn: Người đời thường tin rằng mọi sự có hên-xui, may-rủi. Còn người tín hữu thì tin rằng Chúa hướng dẫn điều khiển mọi sự, dù mắt ta không nhận ra điều ấy. Với con mắt đức tin, bạn sẽ chấp nhận mọi sự, kể cả việc tưởng như tình cờ, là ý Chúa. Chính Chúa cũng nói rằng: “Không một con chim sẻ nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em... ngay cả tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,29-30). Chả có gì là tình cờ hay ngẫu nhiên đâu!

Chia sẻ: Nhìn lại một biến cố xảy ra trong cộng đoàn để khám phá ý Chúa trong đó.

Sống Lời Chúa: Dâng một lời nguyện, một cử chỉ bày tỏ sự vâng phục ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con phó trót mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha... (Charles de Foucauld)

THỨ NĂM TUẦN 6 TN | Mc 8,27-33

15/05/08
ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?
Chúa Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,28-29)

Suy niệm: Nền giáo dục nước nhà trong mấy thập niên gần đây được cải đi cách lại không biết bao nhiêu lần, thế nhưng xem ra vẫn không vực lại được chất lượng giáo dục trên đà xuống dốc. Giải pháp để chấn hưng giáo dục không phải là phát triển đến mức bất thường mỗi tuần có thêm một trường đại học hay cao đẳng mới như hiện nay, mà là đổi mới phương pháp dạy và học: không phải là lối học từ chương theo đề cương bài mẫu mà là phương pháp khuyến khích người học tư duy độc lập, nghĩa là chính họ hiểu vấn đề thế nào và giải quyết nó ra sao. Giáo dục kitô giáo đi theo phương pháp sư phạm của Thầy Giêsu. Ngài đặt câu hỏi. Những câu trả lời theo đáp án có sẵn do người khác “mớm” cho đều bị điểm dưới trung bình. Để đạt điểm “10”, câu trả lời cho Thầy Giêsu phải phát xuất từ niềm xác tín và tình yêu cao độ, từ một cuộc sống quan hệ thân thiết với Ngài.

Mời Bạn: Những kiến thức giáo lý hẳn là cũng cần thiết nhưng chưa đủ. Khi Thầy Giêsu hỏi bạn: “Còn bạn, bạn nói Thầy là ai?” Ngài chờ nơi bạn một lời tuyên xưng như của Phêrô. Khi có người hỏi bạn “Theo bạn, Đức Giêsu là ai?” họ muốn nghe bạn làm chứng về niềm tin của bạn vào Đức Giêsu đó bạn.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút thật thinh lặng để lắng nghe Chúa hỏi bạn. Bạn hãy trả lời Ngài thật chân thành với niềm tin yêu phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng Chúa yêu con và luôn nâng đỡ đời con. Nhưng xin gia tăng niềm cậy trông và mến yêu của con, để con luôn trung thành với Chúa trong mọi nghịch cảnh.

THỨ SÁU TUẦN 6 TN | Mc 8,34-9,1

16/05/08
LIỀU MẠNG?
“Còn ai liều mất mạng sống vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8,35)

Suy niệm: Một nghệ sĩ xiếc nhào lộn trên dây giữa tiếng trầm trồ của đám đông. Nghệ sĩ bèn hỏi: “Có ai muốn lên đây đi với tôi không?” Không ai dám liều cả. Giữa im lặng tuyệt đối, một em bé bước lên. Em nắm tay người đàn ông đi từ đầu này qua đầu kia. Khi em xuống, mọi người đặt câu hỏi: “Em rất can đảm. Nhưng tại sao em dám liều vậy?” Câu trả lời thật đơn sơ và dễ thương: “Vì ông ấy là cha tôi!” Câu chuyện giúp chúng ta suy nghĩ: Em bé không phải là người anh hùng can đảm, cũng không phải là kẻ mất trí liều mạng. Em làm như vậy vì em trao phó sự an nguy của mình cho cha em, người mà em hoàn toàn tin tưởng. Cũng vậy, khi hoàn toàn đặt đời mình vào tình yêu của Cha trên trời, dám liều mất mạng vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng nhưng thì sẽ không mất nó mà lại có được sự sống đời đời.

Mời Bạn: Các vị thánh tử đạo, có những vị chỉ là những thiếu nhi, những người tận hiến cuộc đời để phục vụ Tin Mừng, các vị từ bỏ cuộc sống dễ dãi tiện nghi, từ bỏ cuộc đời thênh thang sự nghiệp, từ bỏ cả mạng sống để say mê thập giá Chúa Kitô, các vị làm chứng rằng dám liều mất mạng vì Chúa Kitô thì sẽ lấy lại được sự sống đời đời. Bạn cũng vậy, dù bạn chỉ là những người bình thường, nhỏ bé yếu đuối, bạn có dám liều mạng vì Chúa Kitô và vì Tin Mừng không?

Chia sẻ: Bạn hiểu thế nào là tử đạo của thời hiện đại?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tìm dịp thực hành một vài việc hy sinh, từ bỏ trong tuần này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra tình yêu của Chúa, để tìm thấy ý nghĩa đích thực cho những hy sinh của chúng con.

THỨ BẢY TUẦN 6 TN | Mc 9,2-13

17/05/08
HIẾN MÌNH ĐỂ BIẾN HÌNH
“Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)

Suy niệm: Hoạ sĩ Van Gogh nhận định: “Một tiều phu hay một thợ mỏ nghèo nhất cũng có những thoáng cảm hứng khiến anh ta cảm thấy gần như ở thiên đàng.” Thật vậy, ai cũng có những giây phút biến hình với những niềm vui bất ngờ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ba môn đệ được diễm phúc chứng kiến một thoáng biến hình ngắn ngủi của Thầy mình: khuôn mặt rực sáng vinh quang, y phục rực rỡ trắng tinh… Chính thái độ kiên quyết hiến mình cho Chúa Cha, đi trên con đường khổ nạn để cứu muôn người (x. Mc 8,31), đã đẹp lòng Chúa Cha, và Cha đã cho Con được biến hình trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi Con đã hoàn toàn hiến mình qua cuộc khổ nạn, Cha sẽ cho Con hoàn toàn biến hình trong vinh quang Phục Sinh.

Mời Bạn: “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabo, mà là trèo lên núi Canvê cùng với Chúa Giêsu” (th. Têrêxa Hài Đồng). Khuôn mặt, tâm hồn bạn bừng sáng hơn sau mỗi nghĩa cử hiến mình cho đồng loại, qua từng hành vi từ bỏ cái tôi ích kỷ, cầu an, để sống cho người và yêu Chúa hơn.

Chia sẻ: Tôi có cảm nhận mình được biến hình bừng sáng nhờ những cử chỉ hiến mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút soi lại trong tấm gương Lời Chúa xem khuôn mặt mình bừng sáng hay tăm tối hơn để điều chỉnh cho hợp với tư cách người con yêu dấu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi lần con nhìn Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe Lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp gỡ Chúa.

CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN - A | Ga 3,16-18

18/05/08 CHÚA BA NGÔI
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: “Vì lòng Chúa yêu ta rất mực, nên đã sai Con Một giáng trần trong thân phận phàm nhân tội lỗi” (Điệp ca, Kinh Sáng, lễ Truyền Tin). Vâng, vì yêu mà Chúa đã dựng nên ta; nhờ Tình Yêu là Ngài, mà Ngài đã cho chúng ta từ hư vô trở thành hiện hữu. Tình yêu khởi sự từ Cha, và chính Cha là Tình Yêu. Tình Yêu ấy lo lắng quan phòng mọi sự cho đời ta. Đã yêu thì yêu đến cùng, vì thế, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa vẫn yêu chúng ta, lo liệu để cứu chuộc ta qua Người Con được ban tặng làm lễ vật hy sinh đền và chuộc tội. Chưa hết, Ngài còn tặng ban cả Thánh Thần Tình Yêu để tiếp tục thánh hoá ta. Vì Tình Yêu, Ngài mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm: Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Quả thực Tình Yêu Chúa dành cho ta cao cả dường bao.

Mời Bạn: Thiên Chúa cao cả vô cùng nhưng vì là Tình Yêu, Ngài đã ban cho chúng ta một phương thế để đáp đền ơn Ngài cho cân xứng: đó là lấy tình yêu đáp đền Tình Yêu. Vậy chúng ta hãy đem hết tâm hồn để yêu mến, tôn thờ Chúa Ba Ngôi đang ngự trong sâu thẳm tâm hồn ta.

Sống Lời Chúa: Tình yêu đối với Chúa Ba Ngôi được diễn tả bằng tình bác ái huynh đệ. Hãy có những cử chỉ đẹp và những lời nói xây dựng để tạo bình an hiệp nhất trong gia đình và ngoài xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin gia tăng tình yêu Chúa trong con để con yêu Chúa hết lòng và yêu thương anh chị em con như Chúa đã yêu. Amen.

THỨ HAI TUẦN 7 TN | Mc 9,14-29

19/05/08
SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA LÒNG TIN
“Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin.” (Mc 9,23)

Suy niệm: Hầu như dân tộc nào cũng có những câu tục ngữ nói lên khả năng hầu như vô hạn của ý chí. Tây thì nói: “Muốn là được” (vouloir, c’est pouvoir). Còn Việt Nam ta thì thích dùng lối nói tượng hình hơn: “Có công mài sắt, có ngày nên kim.” Ý chí tự nhiên đã mạnh như thế, Chúa Giêsu cho biết sức mạnh của lòng tin còn lớn lao hơn bội phần: một đức tin bằng hạt cải có thể chuyển núi dời non, gọi người chết sống dậy, xua đuổi cả quỉ ma… Nói một cách triệt để: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin.” Thế nhưng để “kích hoạt” nguồn năng lực vô song đó chỉ cần một việc mà ngay cả một em bé cũng có thể làm được, đó là cầu nguyện.

Mời Bạn: Lời quả quyết trên đây của Chúa Giêsu là một sự thách thức đối với chúng ta. Khi nói: “mọi sự đều có thể” Chúa muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tuyệt đối của lòng tin. Tin vào Chúa là một hành động dám phó thác hoàn toàn vào tình yêu Chúa và quyền năng của Ngài, không mảy may do dự, Ngài là Đấng luôn luôn biến sự “không có thể” trở thành “có thể” cho chúng ta. Đức Maria, người nữ của lòng tin, được bà Êlisabét khen tặng là “người có phúc vì đã tin” (Lc 1,45) bởi vì Mẹ đã tin vào Lời Chúa qua lời của sứ thần: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Chia sẻ: Có bao giờ bạn cảm nghiệm được chữa lành (thể xác hay tâm hồn) nhờ lòng tin vào Chúa chưa? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay và dành ít phút tâm sự với Chúa bằng chính tâm tình của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa. Xin Chúa trợ giúp lòng tin yếu đuối của con.

THỨ BA TUẦN 7 TN | Mc 9,30-37

20/05/08 Th. Bênađinô Xiêna, linh mục
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9,35)

Suy niệm: Người ta bảo, ngay một kẻ phàm phu tục tử cũng có cái gì đó để tự hào: một thành tích nào đó, hay một “thời vàng son” được thêu dệt thêm ít nhiều, hay ít nữa là một niềm tự hào tập thể về một nhân vật lỗi lạc đồng tộc, đồng hương, để từ đó khẳng định địa vị, vai vế của mình trong cộng đồng, trong xã hội. Não trạng “quan lớn” đó làm sai lệch ý nghĩa và mục đích đích thực của chức vụ và trật tự trong cộng đồng và xã hội: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.” Chúa Giêsu không phá đổ trật tự xã hội; Ngài thiết lập trật tự mới của nền văn minh tình thương. Đó chính là sứ mạng của các kitô hữu theo gương Thầy Chí Thánh: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Mời Bạn: Có những cửa hàng treo bảng “phục vụ, dịch vụ” (service) nhưng thực chất là để “moi tiền” các “thượng đế”. Có những viên chức tự xưng là “đầy tớ” của dân lại là những người bắt dân phục dịch mình. Là môn đệ Đức Kitô bạn hãy trở thành người biết phục vụ một cách tự nguyện và vui vẻ. Đừng chờ đợi hay hứa hẹn sẽ phục vụ khi có thời gian, chức vụ hay tiền bạc, nhưng hãy bắt đầu ngay lúc này và hãy làm những gì có thể làm được. Nếu không, tất cả chỉ là nói dối!

Chia sẻ: Việc bạn đang phục vụ trong cộng đoàn, bạn có làm với tinh thần khiêm tốn phục vụ như Chúa dạy không?

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sẵn sàng phục vụ, lấy phục vụ làm niềm vui và lẽ sống của cuộc đời.

THỨ TƯ TUẦN 7 TN | Mc 9,38-40

21/05/08 Th. Kitôphôrô Magalanê, linh mục và các bạn, tử đạo
NHÌN NHẬN VÀ TÔN TRỌNG THIỆN CHÍ CỦA NGƯỜI ANH EM
“Đừng ngăn cản người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,39a.40)

Suy niệm: Thị trường kinh tế tự do thúc đẩy sản xuất thật nhiều sản phẩm đa dạng. Thế nhưng đó cũng là chiến trường nơi những kẻ tham vọng muốn thâu tóm để độc quyền chiếm lĩnh. Mặt khác, người ta hô hào cổ võ tự do, thế nhưng lại rất không ưa những ai có ý kiến khác với mình. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi nếp nghĩ “độc quyền” đó, “cố ngăn cản” người khác nhân danh Thầy mình để trừ quỉ chỉ vì người ấy không theo chúng ta.” Nhưng lập trường của Chúa Giêsu thì khác. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Kêu gọi tông đồ, Chúa chỉ chọn có mười hai, nhưng ơn thánh thì Chúa ban cho tất cả mọi người, để những ai thành tâm thiện chí đều có thể tham gia vào cuộc chiến chống lại tội lỗi và sự ác.

Mời Bạn: Thánh Phêrô chia sẻ: “Nếu Thiên Chúa đã ban cho họ (dân ngoại) cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa” (x. Cv 11,1.17). Hãy ra khỏi vỏ ốc của phe nhóm, của chủng tộc, tôn giáo và mở rộng trái tim, đôi mắt để nhìn xem, để nhận biết những thiện chí, những nỗ lực của anh chị em đồng loại của mình.

Chia sẻ: Bạn hay nhóm của bạn có thái độ ganh tỵ, dèm pha các anh chị em khác, đoàn thể khác hoặc những anh chị em khác tôn giáo khi họ đã việc bác ái phục vụ tốt hơn mình hay không?

Sống Lời Chúa: Đừng ngăn cản, cũng đừng có thái độ dèm pha đối với những thiện chí, những đóng góp của người khác trong việc xây dựng và mang lại hạnh phúc cho anh chị em mình.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

THỨ NĂM TUẦN 7 PS | Mc 9,41-50

22/05/08 Th. Rita Casia, nữ tu
CHẤN CHỈNH GIÁO DỤC
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42)

Suy niệm: Từ năm 2005-2007, trung bình cứ mỗi tuần có thêm một trường đại học hay cao đẳng mới! Những tưởng như thế là nền quốc học phát triển; hóa ra, dưới mắt một số nhà giáo có uy tín, hệ thống giáo dục của ta “rất bất cập và lạc hậu,” yếu kém về lãnh đạo, quản lý, điều hành! (x. Tuổi Trẻ 11/04/2008 tr. 3). Những gì xảy ra trên bục giảng, trên ghế nhà trường đang là nằm dưới ống kính soi xét của những ai tâm huyết, thao thức với tiền đồ đất nước. Chúa Giêsu quí trọng tâm hồn đơn sơ trẻ thơ, ngài muốn trẻ em đến với ngài và kết án nghiêm khắc những ai làm gương mù gương xấu làm cho trẻ em phải hư đi. Thái độ của Ngài đối với trẻ thơ là nguyên tắc định hướng cho một nền giáo dục kitô giáo.

Mời Bạn: Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007 kêu gọi từng bước chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình, việc đào tạo giáo lý viên và các cơ sở giáo dục trong giáo xứ (số 38). Một mặt, đó là những phương thế có sẵn trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội, mặt khác đó là nền tảng vững chắc cho một nền giáo dục toàn diện và lâu bền.

Chia sẻ: ‘Trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi kitô hữu’ (số 26). Chúng ta có thể làm gì để chấn chỉnh lại việc giáo dục trong gia đình và giáo xứ của mình?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm bỏ một nết xấu, tập một tính tốt để tự giáo dục mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống yêu thương không chỉ bằng lời mà còn bằng mẫu gương hiến thân vì chúng con. Xin cho chúng con đừng nói suông mà còn biết nêu gương sáng bằng đời sống yêu thương.

THỨ SÁU TUẦN 7 TN | Mc 10,1-12

23/05/08
THỬ CHÚA
“Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi như thế là để thử Người. (Mc 10,2b)

Suy niệm: Trong cuộc sống ngày nay người ta thích thử: đồ ăn được thử, hàng hoá được dùng thử trong thời hạn cho phép và thậm chí nam nữ sống thử đã là một chuyện “xưa rồi Diễm ơi”. Thử cho biết độ ngon ngọt, thử cho biết hàng tốt-xấu, thử để biết tính tình của nhau, thử để biết quan niệm sống của nhau. Nhưng thử không phải chỉ để biết. Dân Do thái, và nói rộng ra, cả nhân loại thử Chúa vì nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỉ thử Chúa Giêsu để cám dỗ Ngài từ bỏ chương trình của Chúa Cha cứu độ nhân loại bằng thập giá. Cũng thế, các ông Pharisiêu thử để gài bẫy Chúa Giêsu để có lý do triệt hạ Ngài.

Mời Bạn: Có những lúc bạn bí lối như ông Gióp, sống công chính mà chịu biết bao tai ương dồn dập. Có những lúc bạn gặp khủng hoảng như Giêrêmia, miệt mài vì sứ mạng nhưng gặp toàn chống đối, thất bại, thấy ơn gọi của mình không còn ý nghĩa. Những lúc đó hẳn bạn cũng muốn “thử” Chúa, đòi Chúa một dấu lạ, một lời giải đáp cho những bế tắc của cuộc sống bạn. Nhưng bạn có biết không? Những lúc đó, Chúa cũng đang “thử” bạn đấy, xem bạn có trung thành, để tình yêu của bạn đối với Ngài như vàng được thử lửa, được thanh luyện ngày càng thêm trinh trong, son sắt.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn “ thử” Chúa chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy đặt mình trước mặt Chúa, nhìn lại những khó khăn bạn đang gánh chịu và bạn hãy để Ngài “thử” bạn. Dám không ?????

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thăm dò và thử thách con. Chúa biết rõ con khi con ngồi hay khi con đứng. Xin chớ để con khỏi sa chước cám dỗ, nhưng xin gìn giữ con luôn trung thành.

THỨ BẢY TUẦN 7 TN | Mc 10,13-16

24/05/08
TRỞ NÊN NHƯ TRẺ THƠ
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)

Suy niệm: Gần đây báo chí ngày càng đăng tải nhiều tin không lành về các trẻ em. Một đường dây mua bán trẻ sơ sinh ở phía Bắc. Một bảo mẫu hành hạ các em mẫu giáo ở Biên Hoà. Bé một ngày tuổi bị tử vong vì văng khỏi xe cứu thương trên đường đi cấp cứu do tài xế say xỉn. Một em gái giúp việc quán phở bị ông bà chủ đánh đập dã man suốt 10 năm. Một em gái khác bị “má nuôi” dội nước sôi vì không ăn xin đủ số tiền “sở hụi” một ngày. Thật đau lòng! Người lạc quan nhất thì tự an ủi rằng dù sao việc đưa tin như vậy cũng chứng tỏ trẻ em ngày nay được xã hội quan tâm bảo vệ hơn ngày xưa (dù sự quan tâm này mới chỉ mạnh trên lý thuyết). Nhìn vào Đức Giêsu và thái độ của Người đối với trẻ em, ta sẽ mãi còn bất ngờ thú vị. Thật vậy, đối với Đức Giêsu, trẻ em không chỉ là những con người bé bỏng cần được quan tâm bảo vệ, mà hơn thế, trẻ em còn là những kiểu mẫu để người ta học thái độ sống trong Nước Trời: “Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng.”

Mời Bạn: Bạn nghĩ thế nào là nên giống nên giống như trẻ em? Phải chăng chúng ta không có được niềm vui và an bình của Nước Trời chỉ vì chúng ta quá “người lớn”, quá khôn lõi, quá tính toán so đo, quá tự mãn cố chấp, quá ưu tư lo lắng về những thứ bèo bọt…?

Chia sẻ: Gia đình, cộng đoàn bạn đang quan tâm chăm sóc trẻ em như thế nào?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi nhìn một em bé, bạn hãy tự nhắc mình rằng đó là gương mẫu để bạn học sống đơn sơ phó thác trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết đón nhận Nước Chúa như trẻ thơ.

CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN - A | Ga 6,51-58

25/05/08 Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
BÁNH TRƯỜNG SINH
“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,56)

Suy niệm: Qua các tôn giáo, con người ước mơ đạt đến cõi thần linh. Và bằng những phương pháp tu luyện, những món thuốc được cho là uống vào sẽ được trường sinh bất tử, họ tìm cách kết hợp với thần linh, thậm chí trở thành thần linh. Thiên Chúa cũng muốn con người đạt được ước mơ ấy, nhưng cách của Ngài thì khác. Thiên Chúa đã trở nên xác thịt qua cuộc nhập thể và từ thân xác ấy Ngài nói: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” Không thể hiểu “ăn thịt và uống máu Người” theo kiểu ‘ăn sống nuốt tươi’ như một số người vẫn nghĩ: “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Nhưng bằng dấu hiệu bánh và rượu qua bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa có thể ở lại trong những ai muốn kết hợp nên một với Người.

Mời Bạn: Thánh lễ là một bữa tiệc bao gồm hai phần: Lời Chúa và Thánh Thể. Trao đổi với chúng ta những lời đầy yêu thương chưa đủ, Chúa còn muốn “trao thân gửi phận” Ngài cho chúng ta nữa. Sẽ chưa trọn vẹn nếu chúng ta chỉ tham sự một phần của bàn tiệc ấy.

Chia sẻ: Làm sao để đến với Bí Tích Thánh Thể với tất cả tâm tình yêu thương chứ không chỉ là một việc miễn cưỡng vì bắt buộc?

Sống Lời Chúa: Bạn không kết thúc Thánh lễ với các nghi thức ‘trong nhà thờ’, nhưng kéo dài trong cuộc sống hằng ngày, và tiếp tục dâng cuộc sống đó trong thánh lễ, kết hợp với hy lễ của Chúa Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đến với con là một ân huệ nhưng không, xin biến cuộc gặp gỡ ấy thành sức mạnh để con đến với anh em con mỗi ngày. Amen.

THỨ HAI TUẦN 8 TN | Mc 10,17-27

26/05/08 Th. Philípphê Nêri, linh mục
CHIA SẺ ĐỂ CÙNG THĂNG TIẾN
Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,22)

Suy niệm: Để phóng tàu vũ trụ Apollo nặng cỡ 50 tấn lên mặt trăng, người ta phải dùng tên lửa ba tầng, cao trên 100m, nặng trên 3000 tấn có khả năng đẩy cả tên lửa lẫn tàu vũ trụ bay lên với vận tốc trên 16,7 km/giây để thoát ra khỏi sức hút của trái đất. Đã thế, phải đốt hết nhiên liệu khí ôxy và hydrô hoá lỏng chứa trong ba tầng tên lửa và chính chúng cũng bị tháo bỏ lại trong không gian mới có thể đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo. Có thể ví người thanh niên đáng yêu này với con tàu vũ trụ được chế tạo tuyệt mỹ – anh đã trung thành giữ các giới răn từ nhỏ, anh lại có một dàn tên lửa cực mạnh – vì anh rất giàu có. Tiếc thay anh đã không dám khai hoả tên lửa bằng cách “bán những gì anh có mà cho người nghèo,” và thế là con tàu vũ trụ là anh không thể cất cánh để bay lên “kho tàng trên trời” như anh mong ước.

Mời Bạn: Tiền của, tài nguyên trong thế giới này đã làm cho biết bao người trở nên trì trệ nặng nề, bởi vì tham lam cố bám víu lấy chúng để hưởng thụ ích kỷ. Cũng vì thế mà biết bao người phải sống trong nghèo đói bất công. Nhưng nếu chúng ta dùng chúng trong tinh thần liên đới, chia sẻ với anh chị em đồng loại, chúng sẽ trở thành lực đẩy mạnh mẽ giúp cả nhân loại thăng tiến.

Chia sẻ: Cả nhóm của bạn sắp xếp thời gian để học hỏi về tinh thần liên đới kitô giáo trong thế giới hôm nay (học thuyết xã hội của giáo hội).

Sống Lời Chúa: Thường xuyên trích một khoản trong số thu nhập để dành vào việc chia sẻ khi hữu sự.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám sống tinh thần khó nghèo chia sẻ để nâng cao phẩm giá những người nghèo, bị bỏ rơi.

THỨ BA TUẦN 7 TN | Mc 10,28-31

27/05/08 Th. Âutinh, giám mục Cantơbơri
VÌ THẦY VÀ VÌ TIN MỪNG
“Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.” (Mc 10,29-30)

Suy niệm: Các tông đồ đã bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cuộc sống êm ả ổn định, bỏ cả gia đình vợ con, theo Thầy “không có chỗ gối đầu”… mòn mỏi đã lâu mà vẫn chưa nên một sự nghiệp gì. Gioan Tẩy giả, vị tiền bối của họ, lại còn bỏ mạng vì lên tiếng bảo vệ sự thật… Và Thầy của họ đã hơn một lần tiên báo điều “xúi quẩy”: “Con Người sẽ bị nộp,… bị giết…” Phải chăng khi theo Thầy, đệ tử chỉ thấy toàn là sự thua thiệt, sự bách hại, sự ngược đãi? Chúa Giêsu không phủ nhận điều đó. Nhưng Ngài cam đoan những ai say mê dấn thân “vì Thầy và vì Tin Mừng,” sẽ nhận lại được “gấp trăm ngay ở đời này” và cả sự sống đời đời nữa.

Mời Bạn: Và hôm nay, có biết bao môn đệ của Thầy Giêsu quyết sống cho sự thật, lên án sự bất công, nói không với sự ác ... Họ cũng giống như Thầy mình: bị thế gian loại trừ, bị tước đoạt quyền lợi, bị mất chức, mất việc làm, gia đình rơi vào ngõ cụt… Nhưng họ lại nhận được gấp trăm ngay ở đời này khi được sống mối tình thân trong ngôi nhà chung Giáo Hội, hoà vào nhịp đập yêu thương từ hàng triệu trái tim của cha mẹ và của anh chị em mình. Và hạnh phúc hơn cả, họ gặp được Chúa Kitô Phục sinh đang hiện diện thật thẳm sâu, thật đầy ắp nơi chính cõi lòng mình.

Sống Lời Chúa: Can đảm nói “không” với những gì là dối trá, bất công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao vì Chúa và vì Tin Mừng, dám chịu mọi thua thiệt để sống cho công bằng và sự thật.

THỨ TƯ TUẦN 8 TN | Mc 10,32-45

28/05/08
NGƯỜI LỚN NHẤT, NGƯỜI PHỤC VỤ
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ.” (Mc 10,45)

Suy niệm: Sự kiện một vị giám mục có tên trong bảng phân công rửa chén dọn bàn như bao thành viên khác ở toà giám mục thật sự là một cuộc cách mạng nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, trong nếp sống của Giáo Hội Việt Nam hiện nay. Chúng ta vốn quen nghĩ và nhìn thấy người lớn, người đứng đầu thì làm những việc to lớn hệ trọng, còn việc nhỏ thì dành cho những người nhỏ. Thế nhưng làm sao chúng ta có thể nghĩ mình là người lớn nhất như định nghĩa của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, khi mình lúc nào cũng được “phục vụ tận răng”? Người lớn nhất trong bậc sống gia đình cũng như trong đời tu phải là người phục vụ nhiều nhất, hăng say nhất, làm trước hết, nghỉ sau cùng. Người lớn nhất theo định nghĩa của Chúa Giêsu không phải là người chỉ tay năm ngón, nhưng là người đưa hai bàn tay ra để phục vụ; không dùng sức mạnh để áp đặt, nhưng dùng con tim để yêu thương.

Mời Bạn: “Đặt mình trên kẻ khác chính là tự buộc mình làm việc và phục vụ họ” (Bourdaloue). Bạn cũng được mời gọi trở thành người lớn nhất theo định nghĩa của Chúa Giêsu. Mời bạn nhìn mẫu gương phục vụ tận tuỵ của Ngài với các môn đệ, dân chúng, người đau ốm, và cả nhân loại, để rồi thay đổi quan niệm và cung cách phục vụ.

Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ tôi vốn coi thường để phục vụ người nhỏ bé hơn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con làm một cuộc cách mạng về lề lối làm người lớn nhất. Xin giúp chúng con thấy được nhưng cung cách, lề thói cũ đang cản trở và làm lu mờ hình ảnh người lớn nhất mà Chúa mong muốn nơi chúng con. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 8 TN | Mc 10,46-52

29/05/08
TIN THÌ ĐƯỢC
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy.” (Mc 10,51)

Suy niệm: Anh Báctimê bị mù nhưng anh lại “thấy” điều mà nhiều người mắt sáng không thấy. Anh “thấy” bằng đức tin: anh “thấy” vị Thầy Giêsu chính là “Con vua Đa-vít”, là Đấng Thiên Sai, có quyền năng chữa anh khỏi mù. Điều anh thấy” đó là một ân huệ quí giá “ngàn năm một thuở”, anh quyết không để nó vuột mất: anh không vì những lời quát nạt mà nín đi lời tha thiết kêu xin trong đức tin. Chính nhờ “thấy” bằng con mắt đức tin, anh đã được Chúa cho anh nhìn thấy bằng con mắt thể lý vốn đã bị mù xưa nay. Lời cầu nguyện xuất phát từ đức tin sẽ đưa đến đức tin lớn hơn: anh Báctimê đã tin, đã cầu xin và Chúa chữa anh khỏi mù, và sau khi sáng mắt, anh càng tin Chúa hơn và anh đã đi theo Ngài.

Bạn ơi, có một điều bạn xin Chúa và chắc chắn sẽ được, đó là xin Ngài cho bạn thấy được bằng cặp mắt đức tin. Và Chúa cũng đang chờ nơi bạn một lời cầu nguyện nhuần thấm đức tin, một lời cầu không do dự, Ngài sẽ thỏa mãn điều bạn đang trông đợi, và ban cho bạn cả những điều bạn không dám cầu xin.

Chia sẻ: Thư thánh Giacôbê (Gc 1,6-7) khuyên: “Anh em phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa.” Chúa nói với bạn điều gì qua lời khuyên này?

Sống Lời Chúa: Tập thói quen cầu nguyện vắn tắt trong mọi tình huống.

Cầu nguyện bằng chính Lời Tin Mừng: - Lạy Chúa con tin, nhưng xin Chúa trợ giúp lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24); - “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng con” (Lc 17,13); “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

THỨ SÁU TUẦN 8 TN | Mt 11,25-30

30/05/08 Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục
HỌC HIỀN LÀNH VỚI THẦY GIÊSU

“Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,29)

Suy niệm: Một cặp vợ chồng sống giang hồ, hành nghề móc túi chuyên nghiệp, dần dần được cảm hoá nhờ một chàng trai hiền lành đến độ ngây ngô tin rằng trên thế gian này không ai là người trộm cắp, đó là chủ đề bộ phim “Thiên hạ vô tặc.” Phải chăng đạo diễn Phùng Tiểu Cương muốn nói lên ước mơ dùng sự hiền lành để cải hoá thế giới đầy bạo lực này? Ước mơ đó không còn là viễn tưởng mà là hiện thực nơi lời dạy và hành động của Chúa Giêsu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Ngài “như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt chẳng mở miệng kêu ca” (x. Is 53,7), đón nhận cái chết trên thập giá để cứu độ nhân loại.

Mời Bạn: Trong giao tế hằng ngày, người ta thường thích làm bạn với người hiền lành, thích gần gũi với người khiêm tốn. Ở bên họ ta cảm thấy an tâm. Giữa một xã hội còn nhiều dối trá, bất công, bạo lực, người sống hiền lành và khiêm nhường thường bị coi là yếu đuối, nhát sợ. Thế nhưng hiền lành khiêm nhường lại là sức mạnh thâm trầm, là bản lãnh sâu xa cho một nhân cách. Là Kitô hữu, học hiền lành khiêm nhường Thầy Giêsu sẽ được tâm hồn an vui, không còn sợ hãi; sống hiền lành khiêm nhường như Thầy Giêsu để trở nên chứng tá sống động, góp phần loại trừ bạo lực, dối trá, bất công ra khỏi thế giới này.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút xét mình xem trong cách cư xử, lời nói của bạn còn biểu hiện sự nóng giận, hung dữ, kiêu căng không.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng xin uốn nắn lòng con nên như Rất Thánh Trái Tim Chúa.”

THỨ BẢY TUẦN 8 TN | Lc 1,39-56

31/05/08 Đức Maria thăm viếng bà Êlisabet
KIẾN THIỆN NHƯ BẤT CẬP
“Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.” (Lc 1,39-40)

Suy niệm: Sách chữ Nho có câu: “Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang,” nghĩa là: thấy điều thiện thì như chưa đạt tới - cho nên cố gắng để mau đạt tới; thấy điều không thiện thì như chạm phải nước sôi - cho nên vội vàng rụt tay lại, tránh xa. Việc Đức Maria “vội vã lên đường” diễn tả tâm trạng nao nức của Mẹ đứng trước điều thiện hảo: niềm vui của người chị họ mang thai trong lúc tuổi già, niềm vui Con Thiên Chúa làm người trong lòng mình. Niềm vui chưa trọn vẹn khi chưa được chia sẻ; điều thiện hảo đó thúc bách Mẹ “vội vã lên đường”. Kiến thiện như bất cập: điều thiện hảo là việc phải làm ngay, không được chậm trễ.

Mời Bạn: Chúng ta giống như đang mang trong mình một thứ “virút” làm ta tê liệt trước một số việc: dự lễ thì bận công chuyện làm ăn, đọc kinh, nghe giảng thì uể oải, buồn ngủ, làm việc bác ái, công ích thì cân nhắc chi li, đòi hỏi điều kiện này khác… Trái lại, “virút” ấy lại kích động chúng ta “xả láng” với một số việc khác: ăn uống vui chơi không ngại mệt, tiêu xài không ngại tốn phí… Theo gương Đức Maria, chúng ta hãy lên đường đến với tha nhân bằng tinh thần hăng say phục vụ, hăm hở làm việc tốt, không lề mề chậm trễ, cũng không cần chờ hội đủ những điều kiện.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu sống tinh thần của Đức Maria bằng việc phục vụ người trong gia đình, cộng đoàn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dùng Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con trong mọi hoàn cảnh và Mình Thánh Chúa là nguồn lương thực nuôi dưỡng tâm hồn con để con luôn hăm hở nhiệt thành làm điều thiện hảo cho anh chị em con.

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 04/08 | 03/08 | 02/08 | 01/08 | 12/07

Đọc nhiều nhất Bản in 28.04.2008. 14:00