Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 3/08

§ Một Đan Sĩ

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 | MC Lc 18,9-14

01/03/08
KHẢ NĂNG NHÌN LẠI MÌNH
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)

Suy niệm: Đức cha Fulton J. Sheen đã có nhận xét rất sâu sắc về con người rằng, trong các loài Thiên Chúa tạo dựng, chỉ có con người có khả năng nhìn lại chính mình. Như các loài vật khác, con người biết nhìn cảnh vật chung quanh; trổi vượt hơn các loài vật khác, con người có thể nhìn bản thân mình như là đối tượng, có khả năng nhìn thấu tâm hồn và nhận ra con người thật của mình. Tuy nhiên, mấy ai sử dụng khả năng đó! Người Pha-ri-sêu hôm nay đã không sử dụng khả năng trổi vượt này, khả năng làm cho ông khác với các loài khác. Ông lấy những thành tích trong quá khứ để đánh bóng cho hiện tại, không dám nhìn nhận những lầm lỗi của quá khứ, cũng không can đảm thấy mình hôm nay. Trái lại, người thu thuế biết sử dụng khả năng của con người. Ông dám nhìn vào tâm hồn và can đảm nhặt ra hết những yếu đuối lẫn tội lỗi. Đáng kinh ngạc hơn, trong sâu thẳm của tâm hồn, ông khám phá Thiên Chúa là Đấng thấu suốt và chữa lành, nên đã nối lại mối tương quan với Thiên Chúa.

Mời Bạn: Lời Chúa kêu gọi mọi người “xé lòng”, “thống hối”, cũng là lời mời hãy sống như là con người. Tại sao chúng mình không dám nhìn nhận sự thật nơi chính mình, một sự thật như được phơi bày trước mắt Thiên Chúa?

Chia sẻ: Nhìn nhận con người thật của mình, dễ hay khó? Vì sao?

Sống Lời Chúa: Dành thì giờ xét mình và quyết định đến với bí tích Hòa Giải.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC - A | Ga 9,1-41

02/03/08
BIẾT MÌNH
Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây.” (Ga 9,9)

Suy niệm: Một người sinh ra đã mù nay được sáng mắt cách lạ lùng. Thấy sự kiện này, người khác cho là một ai đó chứ không phải là anh mù bẩm sinh kia. Nhưng anh mù thì một mực quả quyết: “Chính tôi đây!” Lời nói này khởi đầu cho chứng từ sống động và linh hoạt của anh về những gì Thiên Chúa đã làm cho anh bất chấp những lao đao khổ lụy. Anh được khỏi một trật mù lòa thể lý và mù lòa thiêng liêng nhờ khám phá ra Đức Kitô và để ngài hành động. Trong khi đó những người sáng mắt lại trở nên mù loà vì không nhận ra được việc Chúa làm cho một người anh em để vui mừng với anh và tin vào Đấng Chúa sai đến.

Mời Bạn: Bệnh mù loà tinh thần và thiêng liêng làm cho người ta chỉ nghĩ, chỉ ôm ấp, chỉ chấp nhận những gì trong tầm suy nghĩ nông cạn của mình và không nhận ra hoạt động hay Thánh Ý Thiên Chúa. Họ tưởng họ biết mà kỳ thực là không biết hay biết thiếu, biết sai. Đời sống họ đóng kín, luôn bất an, sợ sệt và lúc nào cũng tìm cách biện minh cho mình.

Chia sẻ: Chúng tôi có biết thảo luận bàn hỏi, chia sẻ suy nghĩ chung với nhau về một vấn đề và tìm cách giải quyết chung với nhau không?

Sống Lời Chúa: Để xóa mù tâm linh, tôi biết cởi mở lắng nghe, đối thoại, học hỏi, thấy cái hay cái đẹp nơi người khác. Cương quyết tránh mọi thái độ cực đoan, độc đoán, suy nghĩ hời hợt, nông cạn. Tránh ảo tưởng về chính mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban ánh sáng cho kẻ mù lòa. Xin ban cho chúng con biết suy nghĩ và hành động không theo ý riêng con mà luôn theo Thánh Ý Chúa mà thôi.

THỨ HAI TUẦN 4 MC | Ga 4,43-54

03/03/08
LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG
Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Viên sĩ quan tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Văn hào Pháp Pascal cho rằng: “Con người là một cây sậy biết suy nghĩ.” Đứng trên bình diện siêu nhiên, cha Karl Rahner định nghĩa: “Con người là một sinh vật biết nghe Lời” (“Hearer of the Word”). Định nghĩa này nghiệm đúng từng lời vào viên sĩ quan Rôma: ông đã nghe và tin vào mọi Lời miệng Chúa Giêsu phán ra. Dù Ngài chỉ hứa với ông một lời xem ra không có gì bảo đảm, nhưng ông vẫn tin và đã chứng nghiệm tức khắc, ngay sau khi Lời ấy phán ra: “Vào đúng giờ đó, Đức Giêsu nói: “Con ông sống.” Lời Chúa chỉ có giá trị, đem lại sự sống đời đời cho ai biết thực hiện đúng bản chất con người: trân trọng, lắng nghe và vâng nghe Lời ấy, tựa như hạt giống gieo vào đất tốt.

Mời Bạn: Người xưa bảo rằng: “Cơm tặng nguời đói; lời nói tặng người tri âm.” Lời Chúa đi tìm bạn tri âm nơi cánh đồng tâm hồn con người. Lắng nghe, vâng nghe Lời Chúa cho thấy mối quan hệ có tính đối thoại giữa Chúa và bạn. Cuộc đối thoại này không chỉ diễn ra trong những lúc cầu nguyện chính thức, mà còn kéo dài trong mọi giây mọi phút giữa Chúa và người tri âm là bạn.

Chia sẻ: Tôi có phải là người bạn tri âm của Chúa hay không?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu mỗi ngày sống bằng cách nhớ đến một câu Lời Chúa dạy bạn sám hối hay sống bác ái trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm gương cho chúng con khi luôn lắng nghe và vâng nghe Lời Chúa Cha. Xin giúp chúng con trở thành bạn tri âm của Chúa, qua việc sống mối tương giao đậm chất đối thoại với Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen.

THỨ BA TUẦN 4 MC | Ga 5,1-3a.5-16

04/03/08 Th. Caximia
GẶP ĐỨC KITÔ, BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI
Chúa Giêsu nói: “Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và bước đi!” (Ga 5,7)

Suy niệm: Phép lạ xảy ra cho người bệnh-ba-mươi-tám-năm này là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Suốt bấy nhiêu năm, bệnh nhân này chờ một phép lạ; nhưng một phép lạ gắn liền với một hiện tượng bên ngoài là nước hồ bị khuấy động đã không bao giờ xảy đến cho anh ta. Nằm ngay bên hồ nước, nhưng anh ta tỏ ra thụ động đến nỗi không có một động thái tích cực nào để được lành bệnh. Cả khi được Chúa hỏi anh có muốn lành bệnh không, anh cũng đáp lại một cách hững hờ và qui lỗi cho những người khác đã bỏ rơi anh. Chúa Giêsu đã biến đổi anh bằng một phép lạ đòi anh phải đóng góp tích cực: chỗi dậy, vác chõng và bước đi.

Mời Bạn: Frédo Krumnov, một tông đồ giáo dân, một vài tuần trước khi chết đã chia sẻ tâm tư của một người bệnh sắp chết như sau: “Người còn khoẻ mạnh không thể nào hiểu được tâm hồn người bệnh nặng sẵn sàng cởi mở đón Chúa như thế nào đâu...”. Mời bạn so sánh thái độ sẵn sàng của Krumnov với sự cứng cỏi của người bệnh kia. Bạn đã sẵn sàng để được Chúa biến đổi chưa?

Chia sẻ: Chắn Bạn đã từng gặp bao nhiêu cảnh ngộ đau thương và muốn giúp một tay, nhưng lại không thực hiện được. Bạn có thể cho biết lý do không ?

Sống Lời Chúa: - trung thành với giờ cầu nguyện là phương thế gặp gỡ Chúa Kitô; - thăm viếng bệnh nhân để giúp họ cũng gặp được Chúa Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn gặp gỡ để biến đổi chúng con. Cho dù con khô khan cứng cỏi, xin cứ lôi kéo con đến với Chúa, để thánh hoá con trong tình yêu Chúa.

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC | Ga 5,17-30

05/03/08
NGHE – TIN – LÀM, CON ĐƯỜNG ĐÂU PHẢI LÀ NGẮN!
 “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.” (Ga 5,24)

Suy niệm: Để có thể “từ cõi chết bước vào cõi sống” chỉ cần nghe lời Chúa – tin vào Chúa Cha và làm theo lời Chúa dạy. Chúng ta từng nghe lời Chúa đã nhiều, và không ai dám bảo chúng ta thiếu niềm tin. Nhưng sao con đường từ lỗ tai, con tim đến đôi tay không quá vài ba chục cen-ti-mét mà làm, mà đi suốt một đời người vẫn chưa tới đích! Thế mới hay con người yếu đuối, mỏng manh, tin một đàng làm một nẻo. Có khi đi dần về cuối đời mới thấy mình tri hành lạc điệu; có khi nhìn lại mình mà giận với chính mình.

Mời Bạn: Khi nói đến “bị xét xử” ai mà không lo sợ. Điều đó chứng minh chúng ta đã chưa làm tốt hay đã bỏ những điều phải thi hành. May thay Chúa sẵn sàng tha thứ và luôn mời gọi mỗi người nhìn lại con đường mình đang theo để xem đâu là khúc rẽ cần phải bước để trở về đường ngay nẻo chính. Mời bạn đối chiếu những gì mình tin với những việc mình làm xem chúng tương hợp đến mức nào.

Sống Lời Chúa: Đừng coi Lời Chúa hoặc giáo huấn nào của Hội Thánh là tầm thường chỉ vì mình đã “thuộc lòng”! Trái lại, cẩn trọng tuân thủ những điều bình thường, ấy là bạn đang làm những việc phi thường đấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con học được nơi Chúa tình mến mà Chúa đã dành trọn vẹn cho Chúa Cha khi Chúa cam kết “này con xin đến để thực thi ý Ngài,” để chúng con đem ra thực hành những điều chúng con nghe và tin hầu nhận được ơn cứu rỗi của Chúa. Amen.

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC | Ga 5,31-47

06/03/08
LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
“Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.”
(Ga 5,34)

Suy niệm: “Không có một sứ mệnh nào của nhà báo có thể cao cả hơn là tìm kiếm và công bố sự thật. Chỉ trong một xã hội tiến bộ, các nhà báo mới có thể tiếp cận tốt hơn với sự thật. Và trong một xã hội mà nhân dân có cơ may tiếp cận với càng nhiều sự thật, xã hội ấy sẽ càng nhân bản hơn” (Huy Đức-Internet). Là môn đệ Chúa Kitô, ta không chờ xã hội tiến bộ, có cơ hội dễ dãi mới sống và làm chứng cho sự thật, nhưng phải luôn sống sự thật, nói sự thật và rao truyền sự thật ở mọi thời và mọi nơi, cho dù gặp đau khổ, bắt bớ, và hy sinh mạng sống như Gioan Tẩy Giả. Vì Chúa Kitô chính là Sự Thật. Ngài đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Chúa (Ga 18,37).

Mời Bạn: Người ta thường nói vui: “thật thà thường thua thiệt”. Còn dối trá, lươn lẹo lắm khi được coi là khôn ngoan. Chính lòng háo danh, ham lợi đã tạo điều kiện cho sự dối trá hoành hành (x. Thư Chung HĐGM/VN 2007, số 11). Sự Thật là giá trị sống cao đẹp của con người, là niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu. Để sống theo sự thật cần có lòng can đảm: Dám nói thật, sống thật dù chung quanh mình biết bao người vẫn thản nhiên gian dối, dù có phải thiệt thòi về lợi lộc hay danh vọng.

Chia sẻ: Điều gì đã giúp bạn sống được sự thật nơi môi trường sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Luôn nói không với sự gian dối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, miệng lưỡi con cưu mang Lời Chúa, trái tim con phản ánh tình thương Chúa. Xin cho con ý thức con thuộc về Chúa, để biết cộng tác với Chúa làm cho sự thật và tình yêu Chúa thống trị thế giới này.

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC | Ga 7,1-2.10.25-30

07/03/08 Th. Pepêtua và th. Phêlixita, tử đạo
BIẾT CHÚA
“Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ?” (Ga 7,28)

Suy niệm: Từ chìa khóa trong đoạn Tin Mừng này là động từ “biết” được lặp lại cả thảy sáu lần. Trong Thánh Kinh, động từ biết vừa có nghĩa là hiểu biết, nhận thức của lý trí, đồng thời, còn có nghĩa là kết hiệp, thông hiệp nên một, như đôi vợ chồng “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”, như khi nói “Ađam biết Eva vợ mình, và bà mang thai” (Kn 4,1). Những người biệt phái, luật sĩ tưởng mình biết Đức Kitô, nhưng sự hiểu biết của họ hạn hẹp ở nghĩa thông thường, chưa kể là họ biết sai về Chúa nữa. Chúa Giêsu nhắm đến nghĩa sâu xa của sự hiểu biết khi nói: “Tôi, tôi biết Chúa Cha, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (c.29).

Mời Bạn: Chúng ta có khi tự hào rằng mình đã biết Chúa nhiều; trong khi thật ra, sự hiểu biết của chúng ta về Chúa còn hời hợt, nông cạn, và có khi hiểu sai nữa là đàng khác nữa. Mùa Chay là “nhịp mạnh” của đời kitô hữu để ta đào sâu hơn sự hiểu biết Chúa, từ lý trí đến ý chí: từ nhận biết đến yêu mến, và để ta kết hiệp nên một với Chúa bằng một tình yêu nồng nàn hơn, cao độ hơn.

Chia sẻ: Bạn đã làm gì để tìm hiểu về giáo lý, Thánh Kinh và những kiến thức đó giúp bạn hoán cải cuộc sống thế nào?

Sống Lời Chúa: Để biết Chúa hơn, mến Chúa hơn, hôm nay tôi nghe, đọc, suy niệm Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể với sự chú ý cầm trí và tâm tình sốt sắng.

Cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu mến Chúa...” (Th Augustinô). Xin cho sự hiểu biết đưa con đến chỗ yêu mến, gắn bó với Chúa nhiều hơn, nhất là trong Tuần Thương Khó sắp đến. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 4 MC | Ga 7,40-53

08/03/08 Th. Gioan Thiên Chúa
LÊN TIẾNG BÊNH VỰC SỰ THẬT
Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,45)

Suy niệm: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”. Chỉ vài lời ngắn ngủi ấy thôi, nhưng không phải dễ dàng để nói lên sự thật đó cách công khai. Khi được phái đi theo dõi Chúa Giê-su, các vệ binh hiểu rằng nhiệm vụ được giao không phải tìm sự thật, nhưng là bới lông tìm vết những lời Chúa Giêsu nói để qui chụp cho Ngài một tội nào đó để có cớ bắt điệu Ngài về cho các thượng tế và người Pharisêu. Điều này cũng có nghĩa họ sẽ phải trả giá đắt không chỉ cho họ mà còn cả gia đình một khi không thực hiện ý đồ đen tối của cấp trên. Tuy biết rõ những hậu quả, các vệ binh vẫn lựa chọn sống đúng lương tâm, đứng về phía sự thật và lên tiếng bênh vực cho sự thật. Đối với họ, sự thật không phải là cái lợi trước mắt, mà là những những giá trị nơi con người họ gặp gỡ. Dù chỉ là người lính vệ binh, nhưng vì là con người, họ chọn sống cho ra con người.

Mời Bạn: Các vệ binh cho chúng mình bài học làm người: hành động theo sự thật, lên tiếng bênh vực sự thật. Họ như là những Ki-tô hữu vô danh theo Chúa Giê-su, Đấng là Sự Thật. Bạn dám sống trung thực, ngay thẳng như một câu trả lời cho những ai muốn xuyên tạc sứ vụ của Chúa Kitô không?

Chia sẻ: Kể cho nhau nghe những mẫu gương tôn trọng sự thật.

Sống Lời Chúa: Dốc lòng sống theo sự thật, nói không với dối trá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đường để con biết hướng đi; Chúa là Sự Thật để con không sợ sai lầm; Chúa là Sự Sống để con có can đảm sống theo đường Chân Lý. Xin nâng đỡ con.

CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC - A | Ga 11,1-45

09/03/08
PHÉP LẠ CHỮA LÀNH HỒN XÁC
“Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11,4)

Suy niệm: Căn bệnh “thập tử nhất sinh” của anh La-da-rô được Chúa Giê-su coi là dịp để vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ. Quả thật, nhiều người đã tôn vinh Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su qua việc Ngài phục sinh anh La-da-rô. Mặt khác, Đức Giê-su chỉ yêu cầu Mát-ta một điều, đó là “tin”. Mát-ta đã tin và tuyên tín: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Như vậy, phép lạ được thực hiện là để tôn vinh Thiên Chúa và để củng cố đức tin cho người ta. Đồng thời, phép lạ cũng đòi hỏi thái độ tin của người cầu xin.

Mời Bạn: Khi chữa lành, làm cho La-da-rô sống lại, Đức Giê-su cũng đã chữa lành, phục sinh tâm hồn những người khác, vì nhờ phép lạ, họ đã tin vào Ngài. Chớ gì chúng mình đừng tìm kiếm phép lạ chỉ vì nó lạ và mang lại lợi lộc phần xác, nhưng hãy tìm kiếm những gì sinh ích lợi cho đức tin và để cho vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Ngay cả bệnh tật, khổ đau, nghịch cảnh cũng là những dịp để Thiên Chúa được tôn vinh: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.

Chia sẻ: Thuật lại một trường hợp bệnh phần xác hay phần hồn của bạn đã trở nên dịp để Thiên Chúa được tôn vinh.

Sống Lời Chúa: Trong mọi hoàn cảnh, bạn lặp lại lời tuyên tín của Mátta: “Con tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành hồn xác con để con luôn biết tôn vinh và sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày. Amen.

THỨ HAI TUẦN 5 MC | Ga 8,1-11

10/03/08
PHÚT THINH LẶNG CỦA CHÚA
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném người này trước đi.” (Ga 8,7)

Suy niệm: Nhóm luật sĩ và Pharisêu hùng hổ đem người phụ nữ ngoại tình đến hỏi xem Chúa Giêsu xử thế nào dựa vào luật Môsê. Để dẹp tan bầu khí náo động của họ, Chúa Giêsu chỉ im lặng, cúi xuống, viết lên đất điều gì đó, ngẩng đầu lên Ngài nói: “Ai không có tội thì hãy ném đá người này trước đi” và Ngài tiếp tục thinh lặng… Chúng ta chiêm ngắm những giây phút thinh lặng này. Sự thinh lặng của Chúa khiến những lời tố cáo ầm ĩ của họ trở thành lố bịch; sự thinh lặng của Chúa đòi buộc họ phải trầm lắng lại để nhìn vào sâu thẳm tâm hồn họ, nơi mà họ nhận ra mình cũng là người tội lỗi; trong thinh lặng họ hiểu rằng họ không được dồn người khác vào ngõ cụt, cũng không có quyền kết án anh chị em mình. Và rồi họ lặng lẽ rút lui.

Mời Bạn: Sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra mình và tội lỗi của mình. Đó là tiền đề cho việc thống hối. Trong mùa Chay, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta giữ chay bằng thinh lặng: “chay tịnh trong Âm Thanh và Hình Ảnh” để chúng ta có những giây phút thinh lặng cả bên trong lẫn bên ngoài. Một ngày có 1,440 phút, tôi thinh lặng được bao nhiêu phút để nhìn lại mình trong tương quan với Chúa và anh chị em mình?

Chia sẻ một kinh nghiệm nhờ thinh lặng mà bạn gặp được Chúa và hoán cải.

Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến cỡ nào đi nữa, mỗi ngày bạn dành ít phút thinh lặng để chiêm ngắm Chúa và kiểm điểm đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa. thế giới ngày nay thật là ồn ào và náo nhiệt bởi muôn vàn phương tiện. Xin cho con biết hãm mình, biết từ chối trước lời mời hấp dẫn, biết giành những giây phút riêng tư cho Chúa trong thinh lặng.

THỨ BA TUẦN 5 MC | Ga 8,21-30

11/03/08
CHÚA Ở VỚI TÔI, TÔI Ở CÙNG CHÚA
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” (Ga 8,29)

Suy niệm: Giáo Hội tại Á Châu chỉ là thiểu số giữa một đại lục đông dân và có nhiều tôn giáo lâu đời. Trong bối cảnh đó, để loan báo Tin Mừng cho các dân tộc ở Á Châu, Giáo Hội mời gọi các Ki-tô hữu dùng đời sống của mình để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì khi nhìn vào gương mẫu của nhà truyền giáo thứ nhất là Chúa Giêsu, Giáo Hội học được rằng Chúa Giê-su rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại, đồng thời Ngài sống mối hiệp thông với Chúa Cha cách trọn vẹn, bằng cách luôn tìm và làm điều đẹp ý Chúa Cha, như người con yêu dấu vâng lời cha. Kinh nghiệm này trở nên đề tài truyền giáo và trở nên bằng chứng rõ ràng cho mọi lời rao giảng: sống với Chúa Cha và được Chúa Cha luôn ở cùng. Kinh nghiệm này cũng giúp cho Chúa Giê-su đi đến tận cùng sứ mệnh, đó là chấp nhận thánh giá và những hệ quả của nó, nhưng vẫn tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa Cha.

Mời Bạn: Bạn được mời gọi dùng đời sống mình trình bày kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa yêu bạn và yêu mọi người. Bạn có kinh nghiệm đó không?

Chia sẻ: Tại sao công cuộc truyền giáo lại cần những chứng nhân?

Sống Lời Chúa: Kể cho người khác những kinh nghiệm về lòng thương của Thiên Chúa dành cho bạn hay gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con đang chuẩn bị tâm hồn để sống tâm tình và kinh nghiệm của Chúa trong Tuần Thánh. Xin cho con gặt hái được nhiều kết quả thiêng liêng, nhất là biết sống với xác tín rằng Chúa Cha luôn ở với con, không để con cô độc trên đường đời và đường truyền giáo.

THỨ TƯ TUẦN 5 MC | Ga 8,31-42

12/03/08
SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT TA
“Nếu các ông ở lại trong Lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ông.” (Ga 8,31-32)

Suy niệm: Hiện nay, hiện tượng tham nhũng và dối trá đang thâm nhập và hoành hành khắp nơi trong xã hội. Vì ham muốn một cuộc sống hưởng thụ dễ dãi với nhiều của cải, quyền lợi và lạc thú, người ta dễ để mình bị trói buộc trong cuộc sống gian dối. Những vụ việc tham nhũng, thâm lạm, giả mạo, v.v… bị phát hiện và đưa ra trước vành móng ngựa chỉ là phần nổi của tảng băng, không đủ sức bẻ gẫy xiềng xích của sự gian dối đang trói buộc con người. Lời Chúa hôm nay chỉ cho ta cách giải thoát toàn vẹn và hoàn hảo nhất. Chỉ khi sống theo Lời Chúa, con người mới thoát khỏi sự trói buộc của đam mê dục vọng và đến được Thiên Chúa là nguồn mạch Sự Thật và Sự Sống. Lúc đó con người thực sự được giải phóng, được tự do.

Mời Bạn: Bà Lê Hiền Đức, 77 tuổi, khi nhận giải thưởng Liêm Chính 2007 của tổ chức Minh Bạch Thế Giới nhờ những hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, bà nói: “Cả cuộc đời tôi vẫn luôn tâm đắc: làm việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào tôi. Tôi mong hành động liêm chính này trở thành điều bình thường trong cuộc sống”. Là môn đệ Chúa Giêsu, ta đã có ý chí mạnh mẽ để sống sự thật và làm cho sự thật lớn lên trong môi trường mình đang sống, để “hành động liêm chính trở thành điều bình thường trong cuộc sống” không?

Sống Lời Chúa: Sống thành thật, không quanh co che đậy, không đứng về cái xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ con ở lại trong Lời Chúa, để con biết thắng vượt chính mình và đừng để con sa bẫy cám dỗ.

THỨ NĂM TUẦN 5 MC | Ga 8,51-59

13/03/08
VÌ TIN ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA
Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.” (Ga 8,54)

Suy niệm: Cuộc tranh luận với người Do thái là cơ hội để Chúa Giêsu tuyên bố bản chất và vinh quang của Ngài. Bản chất và vinh quang đó là đích thực, chứ không do mạo nhận, hoặc “tôn phong” của con người. Nguồn gốc và địa vị của Ngài không phải từ loài người mà là từ Thiên Chúa, vì Ngài là Con Thiên Chúa: Đấng mà họ gọi là Thiên Chúa lại chính là Cha của Ngài. Đó không phải là một thứ kiến thức tin cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Trái lại, sứ điệp mà Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta là một sự thật gắn liền với hạnh phúc con người: ai tin và tuân giữ lời Ngài sẽ không bao giờ phải chết (c. 51).

Mời Bạn: Đức Kitô là ai trong cuộc đời bạn: Là một kitô hữu, bạn có tôn thờ Ngài như chính Ngài là, hay theo quan điểm riêng tư của bạn? Khi tin nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa, bạn được mời gọi phải sống tương hợp với niềm tin ấy. Bạn có cảm thấy bình an và hạnh phúc khi tin vào Ngài không?

Chia sẻ: Người ta có thể chối bỏ niềm tin kitô không phải bằng cách phủ nhận sự hiện hữu của Đức Giêsu trong lịch sử nhưng bằng cách coi Ngài chỉ như một siêu nhân và những lời dạy của Ngài có giá trị chỉ như một giáo huấn mang tính xã hội, nhân đạo. Cách bạn thực hiện lời Chúa dạy có thể hiện rõ bạn tuân thủ mệnh lệnh tuyệt đối của Đấng mà bạn tin chắc chắn là Thiên Chúa không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, nhắc lại khẩu hiệu: Vì tôi tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (x. Ga 11,27).

THỨ SÁU TUẦN 5 MC | Ga 10,31-42

14/03/08
TIN HAY KHÔNG TIN?
“Nếu tôi làm các việc (của Cha tôi), thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc tôi làm.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Cuộc đấu khẩu giữa Chúa Giêsu và biệt phái, kinh sư mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta mấy ngày nay đã lên đến cao độ. Chúa Giêsu sắp bị khai tử chung quy cũng chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa. Còn nước còn tát, Chúa Giêsu trưng dẫn những dấu lạ Ngài làm như bằng chứng để thuyết phục họ. Nhưng kết cục thật bi thảm, họ vẫn không tin. Nghịch lý thay! Kẻ thông thái am tường Kinh Thánh thì không tin, còn kẻ bình dân ít học thì lại tin vì “những lời Gioan nói về Ngài đều đúng” (c. 41). Đức tin là một ơn nhưng không, Chúa ban thì con người mới có được. Về phía con người, Chúa chỉ đòi họ tấm lòng thành, điều mà các kinh sư và biệt phái không có.

Mời Bạn: Ý thức đức tin mà bạn đang có hôm nay là do Chúa thương ban, và hết sức gìn giữ đức tin đến cùng, noi gương thánh Phaolô : “Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7).

Chia sẻ: Cùng những người trong gia đình/nhóm của bạn rà soát lại niềm tin của mình. Điểm mặt những cạm bẫy đang hòng lôi kéo bạn ra khỏi niềm tin, để đề phòng kẻo vấp ngã.

Sống Lời Chúa: Thư gửi tín hữu Do thái đoạn 11 nói đến những mẫu gương đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy...” Mời bạn đọc tiếp để xin Chúa ban cho đức tin của bạn thêm xác tín và vững mạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Xin cho con thành tâm tin tưởng, quyết bảo vệ đức tin đến cùng, biết thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể, và luôn kiên vững trong niềm tin vào Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 5 MC | Mt 1,16.18-21.24a

15/03/08 Th. Giuse, bạn trăm năm Đức Maria
NÊN MỘT TRONG THÁNH Ý CHÚA
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,23)

Suy niệm: Đôi bạn trăm năm Giu-se và Maria có nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất, các ngài đều không hiểu về chương trình của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi các ngài tham dự. Mẹ Maria thì thắc mắc việc ấy xảy ra thế nào; thánh Giu-se thì hoang mang định tâm lìa bỏ Maria. Điểm thứ hai, cả hai đều được sứ thần cho biết chương trình của Thiên Chúa. Với Maria, sứ mạng là cưu mang Giê-su, Con Thiên Chúa; với Giu-se, sứ mạng là đón nhận Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Điểm thứ ba, sau khi nhận ra ý Chúa, các ngài đều xin vâng và sẵn sàng đón nhận sứ mạng. Mẹ “xin vâng” không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa, dù có thể phải chịu sự lìa bỏ của Giu-se. Mẹ im tiếng để suy nghĩ trong lòng về chương trình Thiên Chúa. Về phần thánh Giu-se, sự ưng thuận của ngài bày tỏ cụ thể qua việc nhận Maria và Giê-su trong lòng. Và cũng như Maria, ngài vừa im tiếng trước ý muốn của Thiên Chúa, vừa suy gẫm để khám phá thánh ý Chúa. Trên đỉnh cao của núi thánh, họ gặp gỡ nhau và ý hợp tâm đầu.

Mời Bạn: Những bất hòa, chia rẽ xảy ra trong nhóm, trong gia đình, trong cộng đoàn, phải chăng do chúng mình không nhìn lên để thấy ý Chúa trong nhóm, gia đình và cộng đoàn của mình?

Chia sẻ: Cùng khám phá ý muốn của Thiên Chúa khi đặt các bạn bên nhau.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho gia đình, nhóm và cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy thánh cả Giu-se, xin giúp con biết khám phá chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời con và phù giúp con xây dựng lại gia đình và cộng đoàn con.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ - A | Mt 21,1-11

16/03/08 Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
VINH QUANG CỦA THẬP GIÁ
“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời!” (Mt 21,9)

Suy niệm: Trong trong đám người đang rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tiếng tung hô dồn dập và đầy phấn khích ấy, ít ai nghĩ rằng ngày hôm sau họ sẽ trở mặt. Họ vội thay lòng đổi dạ vì ảo tưởng của họ về một Đấng Mêsia theo kiểu trần tục đã sớm tan vỡ. Chúa vào thành, không với những nghi vệ oai nghiêm của một Vị Vua Vũ Trụ, nhưng đơn sơ trên một con lừa con. Những lời tung hô kia đối với Chúa có một ý nghĩa khác: chúng khai mào một chặng mới trên con đường khổ giá mà Chúa sẽ đi đến cùng. Ít ngày nữa, Ngài sẽ nộp mình, chịu khổ nạn và chịu chết. Chết thật chứ không phải chết giả. Để rồi cuộc phục sinh của Ngài sẽ đem lại sự sống thật cho những ai tin vào Ngài.

Mời Bạn: Chúa không cần chúng ta hoan hô bởi vì lời reo hò của chúng ta không thêm gì cho vinh quang Chúa. Trái lại, nếu có mặt trong đám đông hôm đó, bạn có chắc rằng, ngày hôm sau mình sẽ không cùng với họ để đả đảo Chúa? Những nghi thức đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và trong suốt Tuần Thánh sắp tới hẳn sẽ giống như tiếng tung hô của dân thành Giêrusalem chỉ đem lại những tâm tình phù du nếu như chúng ta không mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu và cùng với Ngài đi đến cùng con đường thập giá của chúng ta.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về vai trò của những lễ lạt linh đình trong đời sống đạo?

Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự Thánh Lễ và tất cả mọi nghi thức của Tuần Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng mau chóng thay lòng đổi dạ, xin ban cho con một lòng kiên vững để biết đi đến cùng trên con đường Chúa muốn.

THỨ HAI TUẦN THÁNH | Ga 12,1-11

17/03/08
SỨC MẠNH CỦA LÒNG MẾN
“Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
(Ga 12,8)

Suy niệm: Trước bao nhiêu con mắt dồn về phía mình, cô Maria đã không ngại ngùng hay sợ hãi lấy một cân dầu cam tùng hảo hạng – mà theo Giuđa thì trị giá lên tới ba trăm đồng – để xức chân Chúa rồi lấy tóc mà lau. Một hành động vừa lãng mạn vừa khiêm tốn biểu lộ tình yêu mãnh liệt của cô đối với Thầy Chí Thánh: tình yêu đích thực không ngại hiến dâng tất cả những gì quý báu nhất, cũng không ngại phải bày tỏ bằng cách thức mạnh mẽ nhất. Đây mới chính là điều làm Chúa vui lòng nhất. Câu trả lời của Chúa cho Giuđa vạch rõ bộ mặt thật của người quản lý bất trung này: mượn cớ lo cho người nghèo để che giấu con tim tham lam và tình yêu đã khô cằn của mình. Một cách vô tình, hành động yêu thương của cô Maria đã tiên báo và tôn vinh tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài (Mc 14,3-9; Mt 26,6-13).

Mời Bạn: Chiêm ngắm tình yêu của chị Maria đối với Chúa Giêsu để cũng biết can đảm bày tỏ lòng yêu mến của mình với Chúa. Mời bạn kiểm điểm lại tương quan giữa mình với Chúa: Tôi có thật sự yêu mến Chúa không? Tôi đã làm gì để chứng minh rằng tôi yêu Chúa? Tôi có đặt Chúa vào chỗ nhất trong đời tôi chưa? Và tôi có can đảm, không ngại ngùng để tỏ lộ lòng yêu mến đó?

Sống Lời Chúa: Tự nguyện làm một việc hy sinh, bác ái dù mình không buộc phải làm việc đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương con, Chúa đã không ngại hiến thân chịu chết trên thập giá. Xin cho con biết một lòng đáp trả tình thương ấy qua những can đảm hy sinh của cuộc sống thường ngày.

THỨ BA TUẦN THÁNH | Ga 13,21-33.36-38

18/03/08
MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. (Ga 13,23)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay tường thuật bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ. Gioan nằm tựa đầu vào lòng Đức Giêsu. Giây phút đó chắc chắn Gioan đã cảm nhận sâu xa tình yêu riêng tư và sâu thẳm của Vị Thiên-Chúa-Làm-Người. Lúc này hơn lúc nào hết, Gioan cảm nhận được mình là “người được Thầy yêu”. Người môn đệ được Chúa yêu đó đại diện cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu cũng yêu từng người bằng một tình yêu riêng tư và sâu thẳm như thế đó. Ai trong chúng ta cũng quí giá và đáng yêu dưới ánh mắt Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ và rước lễ, chúng ta cũng được tựa đầu vào lòng Đức Giêsu như Gioan thuở xưa, và được nên một với Chúa: “Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa.”

Mời Bạn: Trong cái nhìn của Chúa, bạn cũng như tôi hết sức đặc biệt. Được Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trao ban chính Thân Mình Ngài cho bạn, Ngài yêu bạn và ở trong bạn. Hãy đáp trả lại tình yêu của Chúa Giêsu bằng sự siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể bạn nhé.

Chia sẻ: Mời Bạn chia sẻ tâm tình của bạn khi tham dự Thánh Lễ và rước lễ.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày để viếng Thánh Thể và tâm sự với Chúa Giêsu đang ngự trong nhà Tạm và nhất là Ngài đang ở trong tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con xác tín rằng Chúa luôn yêu con, và ban cho con muôn hồng ân. Con cảm tạ Chúa muôn vàn và nguyện yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết tâm hồn. Amen.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH | Mt 26,14-25

19/03/08
ĐỪNG VỘI TRÁCH GIUĐA!
Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,25)

Suy niệm: Bằng một câu hỏi, Giuđa đã lừa dối anh em, lừa dối Chúa Giêsu và lừa dối chính bản thân mình. Qua bao năm tháng đồng lao cộng khổ, vậy mà giờ đây Giuđa đã trở mặt phản bội thầy, chối bỏ anh em, làm ngơ trước tiếng nói của lương tâm. Vì sao? Chắc chắn ba mươi đồng bạc không phải là lý do, nhưng đó chỉ là ngưỡng cuối cùng của một tình yêu đã bị lịm tắt. Khi trái tim con người không còn nhạy cảm để đón nhận và sống tình thương của Thiên Chúa, thì chính lúc đó “bóng tối” sẽ hoàn toàn chế ngự tâm hồn để cho tội lỗi mặc sức hoành hành!

Mời Bạn: Bên cạnh một vài mặt nổi về kinh tế, những mặt “nổi cộm” khác cũng thật đáng lo ngại đang bùng phát: nạn nạo phá thai kỷ lục, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, tệ nạn tham nhũng lan tràn, trò đánh thầy, cô giáo đánh trẻ một cách bạo lực (Việt báo 17-1-08). Khi lửa tình yêu dành cho Thiên Chúa không còn, trái tim con người trở nên “chai cứng” để đối xử “lạnh lùng” với tha nhân. Hình ảnh Giuđa không thiếu trong trong xã hội ngày nay và, biết đâu, cả trong bạn, trong mỗi người chúng ta nữa!

Chia sẻ: Để chữa trị căn bệnh dối trá, bất trung và xây dựng nền văn minh tình thương, mời bạn sử dụng phương thuốc “Ba Thật”: nói thật, sống thật và bảo vệ sự thật.

Sống Lời Chúa: Năng tâm niệm bài hát quen thuộc: “Hãy trở về, trở về với Cha nhân từ. Hãy trở về, trở về để sớm hồi sinh...”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu tử nạn, xin dạy con biết yêu người như Chúa yêu, để con sống trọn tình vẹn nghĩa với Ngài và với anh chị em chung quanh. Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH | Ga 13,1-15

20/03/08 Thánh lễ Tiệc Ly
BÀI HỌC KHIÊM TỐN PHỤC VỤ
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)

Suy niệm: Mạnh Tử thưở nhỏ nhà ở gần chợ, thấy người ta buôn bán, cũng bắt chước buôn bán. Mẹ Mạnh Tử dời nhà đến cạnh nghĩa trang. Mạnh Tử thấy cảnh chôn cất khóc lóc cũng bắt chước khóc lóc. Mẹ ông một lần nữa dời nhà đến cạnh trường học. Mạnh Tử bấy giờ chí thú học hành, và trở thành một đại hiền triết. Phần Chúa Giêsu, suốt ba năm ròng, đã không ngừng dạy các môn đệ bài học khiêm tốn phục vụ. Nhưng xem ra Ngài không thành công bằng bà mẹ Mạnh Tử. Hay nói đúng hơn, bài học phục vụ quả là ‘khó nuốt’. Ngay trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa báo tin Ngài sắp phải “ra đi”, các môn đệ vẫn còn “cãi nhau sôi nổi” xem ai là người lớn nhất (x. Lc 22,24). Chúa Giêsu phải dùng một hành động thật mạnh, thậm chí gây sốc, làm mẫu mực, để khắc sâu bài học phục vụ: Ngài quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Bài học không chỉ để hiểu mà phải được thực hành: “Anh em có hiểu việc Thầy làm không?... Vậy, anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Mời Bạn: Nhà giáo dục được gọi là nhà “mô phạm” (nghĩa là khuôn mẫu) bởi vì không thể có giáo dục đúng nghĩa nếu người dạy không đồng thời làm gương mẫu về những điều mình dạy. Muốn làm chứng cho Đức Kitô, muốn dạy dỗ con em sống tinh thần phục vụ, trước tiên những bậc phụ huynh phải sống một đời sống phục vụ gương mẫu.

Sống Lời Chúa: Nhắc nhở mọi người trong cộng đoàn ý thức sống công bằng, trung thực… để làm gương sáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi con chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh để cứu độ nhân loại, xin cho con cũng biết noi gương Chúa hiến thân phục vụ tha nhân.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH | Ga 18,1-19,42

21/03/08 Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
CÂY THÁNH GIÁ, NƠI TREO ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Bấy giờ, ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ mang đi đóng đinh vào thập giá.” (Ga 19,16)

Suy niệm: Cây Thánh Giá - nói theo ngôn ngữ thời nay - là biểu tượng, logo, hay “thương hiệu” của những người kitô hữu. Dấu chỉ cây Thánh Giá đã in sâu vào tâm thức của mọi người để rồi khi nhìn thấy cây Thánh Giá, mọi người đều biết rằng nơi đây, có sự hiện diện của người tín hữu kitô. Nhưng khác với cái nhìn thực dụng của đời thường, thương hiệu, hay logo là hình tượng để kích thích mua sắm, là lợi nhuận, là kêu mời hưởng thụ… cây thập giá được dương cao lên như một lời mời gọi mọi người hướng đến sự thiện, hướng về cõi tâm linh siêu việt. Cho dù giữa một thế giới đa nguyên đa diện, nhiều chính kiến, nhiều quan điểm như ngày hôm nay, cây Thánh Giá vẫn hiện diện như một lời chứng, một sự nhắc nhở cho mọi người - có niềm tin hay không niềm tin - về sự hiện hữu của một đời sống tâm linh siêu việt mà mọi người ai cũng được mời gọi vươn tới.

Mời Bạn cùng chiêm ngắm cây Thánh Giá để nhận ra sự hiện diện của Đấng cứu độ trần gian và học lấy nơi Người tinh thần của một người biết hiến trao điều quý giá nhất của mình - là chính sự sống - cho người khác

Chia sẻ: bạn cảm thấy “thấm thía” khi đọc câu Tin Mừng: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người chết cho người mình yêu” chưa?

Sống Lời Chúa: Làm một cử chỉ tôn kính Thánh Giá (cúi đầu, hôn…) và đọc: “Đây là cây Thánh Giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian, chúng ta hãy đến thờ lạy.”

Cầu nguyện: Chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa đã dùng Rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

22/03/08
SỐNG TRONG BUỔI GIAO THỜI
“Anh em phải nghĩ rằng: mình đã chết đi cho tội và đang sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. ” (Rm 6,11)

Suy niệm: Nữ tu Melanie Svobodia viết rằng: “Thứ Bảy Tuần Thánh là một trong những ngày tôi thích nhất trong năm.” Chị cho rằng mọi ngày đời ta cũng giống như ngày thứ Bảy Tuần Thánh ở chỗ đều là buổi giao thời giữa những cuộc chiến đấu trần gian và hạnh phúc vĩnh cửu chưa đạt tới. Bao lâu còn sống chúng ta được kêu mời để cùng chết đi với Chúa Kitô cho tội và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô. Cuộc sống chúng ta không đi từ ‘hư vô này đến hư vô khác,’ kiếp này sang kiếp khác không cùng, nhưng chúng ta có đích điểm vững chắc để hy vọng và vì niềm hy vọng đó chúng ta dám chấp nhận vượt qua mọi thử thách của cuộc sống trần gian.

Mời Bạn: Không thể sống đời kitô hữu nếu không vác thập giá theo Chúa Kitô. Tuy nhiên đường Thánh Giá không dừng lại ở Thánh Giá, cũng không bị chôn vùi vĩnh viễn trong mộ đá, nhưng dẫn tới vầng sáng huy hoàng của ngày phục sinh.

Chia sẻ: Đức tin của tôi là những tin tưởng mù mờ hay những xác tín mạnh mẽ? Chúng ta có hay dùng “lời lẽ đức tin mà an ủi nhau” không?

Sống Lời Chúa: Những khi buồn sầu đau khổ, lo lắng, tôi nhìn lên Chúa trên Thập Giá xin Người cho tôi tin tưởng vào tình yêu của ngài và can đảm dấn thân với niềm tin mạnh mẽ như thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Đấng đã chịu an táng trong mộ đá ba ngày, xin cho chúng con sức mạnh để chúng con mang niềm vui và hy vọng sống lại đến mọi nơi.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH - A | Ga 20,1-9

23/03/08
PHỤC SINH, NIỀM VUI VÀ HY VỌNG
Bấy giờ người môn đệ kia cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8)

Suy niệm: Nhận đề tài “Trình bày ý nghĩa cái chết thập giá của Đức Giêsu,” chàng sinh viên thần học nọ gật gật đầu đắc ý, rồi cặm cụi ‘gõ’ một mạch hai trang A4 và đúc kết bài làm bằng câu: “Cái chết của Đức Giêsu chỉ có thể hiểu được khi được nhìn từ nhãn giới cuộc Phục Sinh của Người.” Bài được chấm. Vị giáo sư vốn có tiếng khắt khe song đã không sửa một chỗ nào trong bài làm kia, trừ một từ cuối cùng! Ông gạch bỏ từ “cuộc Phục Sinh” của anh sinh viên và viết từ “sứ vụ” vào bên cạnh để thay thế. Và bài làm chỉ trục trặc có ‘tí xíu’ ấy đã nhận được đúng… điểm trung bình. Quan điểm ở đây là: Cái chết của Đức Giêsu chỉ có thể được hiểu trước hết khi nhìn từ nhãn giới sứ vụ của Người!

Mời Bạn: Biến cố Phục Sinh không phải là một câu chuyện tách rời. Nó là một phần của một câu chuyện duy nhất, là điểm tới của tất cả diễn biến trước đó. Nếu một cuộc đời như thế với một sứ vụ như thế mà đi đến một cái chết như thế, thì chết không thể là hết được. Ta không suy tôn Chúa Phục Sinh duy chỉ vì Chúa có tài có phép để chết rồi vẫn sống lại được. Ta suy tôn chiến thắng của Chúa trên ác thần và sự chết; ta suy tôn sứ vụ của Người; và ta vui vì cuộc Phục Sinh của Người trao cho ta niềm hy vọng.

Chia sẻ: Là Kitô hữu, bạn dựa vào đâu để vượt qua các thử thách, nhiều khi rất nghiệt ngã, trong đời sống của mình?

Sống Lời Chúa: Vui niềm vui Phục Sinh có nghĩa là không thấy gì bế tắc, ngay cả sự chết.

Cầu nguyện: Cùng vui niềm vui Phục Sinh với Đức Maria qua lời Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.”

THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS | Mt 28,8-15

24/03/08
MUA ĐỨT SỰ THẬT?
Họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi.” (Mt 28,12-13)

Suy niệm: Cuộc sống hôm nay như bị khuynh đảo tận gốc bởi đồng tiền. Có tiền, người ta mua đứt tất cả: chức tước, quyền lực, bằng cấp, cơ quan truyền thông, thậm chí mua vợ mua chồng, mua cả những gì vốn được xem là rất thiêng thánh nữa... Nhưng điều này không phải là mới. Hai ngàn năm trước, người ta giết Đức Giêsu, nhưng Người đã “chỗi dậy,” và họ cũng quyết định dùng tiền để mua đứt sự thật về cuộc Phục Sinh của Người. Điều kỳ lạ là dù họ có trong tay mọi thứ quyền lực: quân đội, cảnh sát, tiền bạc... nhưng họ đã không ém nhẹm được sự thật rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh. Tất cả những thứ đó không mua đứt nổi đức tin và nhiệt tình sứ mạng quá mãnh liệt của những người môn đệ Thầy Giêsu, những người mà từ nay tất cả lẽ sống của mình là loan báo Tin Mừng về cuộc Phục Sinh của Thầy.

Mời Bạn: Không nao núng trước mọi quyền lực sự dữ trong thế giới hôm nay. Không ái ngại vì thấy mình lọt thỏm giữa một môi trường hoàn toàn xa lạ với hay thậm chí chống lại Tin Mừng. Lịch sử cho thấy rằng nếu ta kiên trung sống đức tin vào Chúa Giêsu, thì Tin Mừng sẽ dần dần được người xung quanh mình đón nhận.

Chia sẻ: Bạn sẽ nói gì nếu phải trao một chứng từ về đức tin của bạn?

Sống Lời Chúa: Luôn đứng về phía sự thật, dù phải chấp nhận thua thiệt - đó là cách ta sống Tin Mừng Phục Sinh trong xã hội mà sự gian dối đã trở thành được ‘bình thường hóa’ hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin giúp con luôn sống trong sự thật, vì Chúa là Sự Thật. Amen.

THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS | Ga 20,11-18

25/03/08
QUY LUẬT SỰ SỐNG
“Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20,13)

Suy niệm: Theo quan niệm Á Đông, âm-dương là hai yếu tố chi phối cả vũ trụ như: đêm-ngày, chết-sống, đau khổ-hạnh phúc… Âm dương thực ra không tách biệt hay đối nghịch, vì: “Trong âm có dương và trong dương có âm”. Đang đêm đã có dấu hiệu xuất hiện của ngày; đêm càng về khuya thì ngày càng gần đến và chính lúc trọn đêm thì ngày mới lại bắt đầu. Cũng vậy, chết-sống không là hai thực tại đối nghịch nhau, nhưng là hai nguyên lý của cùng một thực tại duy nhất. Đó là quy luật của Trời Đất, mà Đức Giê-su nhắc lại như là quy luật của chương trình cứu độ: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Bà Maria khóc khi đứng trước ngõ cụt là cái chết của Thầy mình. Đức Giêsu gọi bà: “Sao lại khóc?” để khai thông ngõ cụt để dẫn đến niềm tin vào thực tại mới: Ngài đã phục sinh.

Mời Bạn: Đức Giê-su là Đường, con đường đó tất yếu phải qua thập giá mới đến vinh quang. Vấn đề là chúng ta có muốn đến vinh quang không? Nếu có thì mỗi khi đối mặt với gian nan thử thách, sao lại khóc?

Chia sẻ: Nạn li dị, phá thai… hiện nay – đối với một số người – đã trở nên một thứ “quyền lợi” mà họ đang đòi pháp luật phải thừa nhận. Phải chăng đó là hậu quả của việc không chấp nhận thập giá?

Sống Lời Chúa: Thôi “khóc” trước những khó khăn hiện tại và nhìn đó như là những thử thách của thập giá.

Cầu nguyện: Lạy Cha là chủ tể trời đất, muôn loài Cha tạo thành luôn vận hành theo quy luật Cha đã đặt để. Xin cho con biết từ bỏ ý riêng mà chấp nhận cuộc sống như ý Cha đã định.

THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS | Lc 24,13-35

26/03/08
NHẬN RA CHÚA KHI NGÀI BẺ BÁNH
Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

Mời Bạn nhập vai hai môn đệ Emmau để chiêm ngắm. Họ chẳng xa lạ gì với những lời Kinh Thánh “từ Môsê đến các ngôn sứ”. Họ cũng biết rõ những điều xảy ra tại ngôi mộ trống do các bà thuật lại. Thế nhưng, những dữ kiện đó như một mớ rời rạc, vô nghĩa đối với họ, cho đến khi người khách đồng hành ấy giải thích Kinh Thánh làm lòng họ “bừng cháy lên”. Rồi người khách ấy đồng bàn dùng bữa tối với họ; và kìa, xem ông ấy bẻ bánh! Mọi sự bỗng trở nên mạch lạc, sáng tỏ: “Người lữ khách đó chính là Ngài!”

Bạn ơi, những chữ viết, chứng từ, bánh và rượu chỉ trở thành Lời, Thịt và Máu khi hoà quyện nên một nơi con người Giêsu “chỗi dậy từ cõi chết”. “Lời” không có ý nghĩa gì nếu không phát xuất từ Chúa Giêsu Kitô phục sinh bằng xương bằng thịt. Bạn không thể thấu hiểu được “Lời” nếu không kết hợp trong “Thịt và Máu” Ngài. Và bạn cũng không thể đến với “Thịt và Máu” Ngài nếu không được “Lời” Ngài làm “bừng cháy lên”. Các môn đệ Emmau đã “nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh” như thế đó.

Chia sẻ: Việc suy gẫm Lời Chúa có giúp bạn yêu mến Thánh Thể hơn không?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi suy gẫm Lời Chúa, bạn kết thúc bằng việc rước lễ thiêng liêng; và mỗi khi rước lễ, bạn dành ít phút để suy gẫm lại Lời Chúa bạn vừa nghe.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đáng mến, con khao khát Chúa. Xin làm sống lại trong con tình yêu mến Chúa. Xin làm cho lòng con bừng cháy lên ngọn lửa nhiệt thành phục vụ Chúa nơi tha nhân.

THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS | Lc 24,35-48

27/03/08
CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ SỐNG LẠI?
“Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân.” (Lc 24,46-47)

Suy niệm: Lời ấy của Đức Giêsu được Người nói lên hơn một lần, và được các tác giả Sách Thánh ghi lại nhiều lần. Lời ấy chất chứa một cái gì đó rất đặc trưng Kitô giáo, một cái gì đó trở thành qui luật sống của người môn đệ Đức Kitô: Để tới vinh quang, phải đi qua thập giá! Nhiều người ‘ngán’ Kitô giáo vì họ ‘dị ứng’ với hai tiếng “khổ hình.” Kitô giáo không dạy người ta đi đường tắt, không hứa hẹn đưa người ta đi từ vinh quang tới vinh quang. Nhiều người, nhất là người trẻ trong trào lưu hưởng thụ hôm nay, muốn chọn ‘Đức Kitô sống lại’ nhưng lại tìm mọi cách tránh né ‘Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá.’ Mấy tiếng ‘hy sinh’, ‘hãm mình’, ‘chịu khó’… dường như không còn gặp thấy trong ngôn ngữ của các bạn trẻ nữa.

Mời Bạn: Không ‘chết đi’ thì làm sao ‘sống lại’? Chúng ta cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ đã giúp làm cho cuộc sống con người được tiện nghi, dễ chịu hơn; nhưng chúng ta ý thức rằng ‘khổ hình’ vẫn mãi là một phần tất yếu của cuộc sống, nhất là cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô. Chúng ta không săn tìm đau khổ, nhưng chúng ta sẵn sàng đón nhận đau khổ và trao ý nghĩa cho đau khổ, như Đức Kitô đã làm gương mẫu cho chúng ta.

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về ‘thập giá nở hoa’ trong đời bạn.

Sống Lời Chúa: Bước theo Thầy Giêsu, chúng ta tích cực chấp nhận hy sinh, chịu khó, để phục vụ trong yêu thương.

Cầu nguyện: Đọc kinh của Thánh I-nhã: “Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng…” (xem toàn bài ở trang 64).

THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS | Ga 21,1-14

28/03/08
TÌNH THẦY GIÊSU
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa… Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21,9.12)

Suy niệm: Các môn đệ vất vả suốt đêm đánh cá, đâu có ngờ Thầy Giêsu chăm chú dõi theo và hỏi han ân cần: “Anh em không có gì ăn ư?” Chỉ vẽ cho các môn đệ kéo được một mẻ cá to rồi, Ngài còn dọn sẵn cho các ông một bữa ăn sáng thú vị: bánh mì ăn với cá nướng trong hơi sương se lạnh lúc bình minh trên bãi biển. Họ nhớ lại mẻ cá lạ lùng năm xưa đã khiến họ bỏ thuyền bỏ lưới mà theo Thầy (Lc 5,1-11). Ngài chia bánh và cá cho các ông: Khác nào trong lần hoá bánh ra nhiều hay trong bữa Tiệc Ly, từ cung cách cử chỉ đến lời lẽ đều cho thấy chính Thầy đó, không thể lầm với ai được. Và cũng không thể lầm được mối tình thâm của Thầy đã yêu các môn đệ thì Ngài yêu đến cùng: bữa Tiệc Ly nay được tiếp diễn trên bãi biển này. Chúa Kitô phục sinh lại càng quyến luyến gắn bó các môn đệ của Ngài hơn nữa vì giờ đây, nơi bí tích Thánh Thể, Thầy có thể ở cùng các môn đệ yêu dấu mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20).

Mời Bạn đọc lại, nghiền ngẫm cả đoạn Tin Mừng hôm nay; và bạn nhắm mắt, thinh lặng để thấy mình cũng có chỗ bên cạnh Thầy Giêsu, cùng với “người môn đệ được Ngài thương mến”, để lòng bạn rộn lên, rung động vì hạnh phúc, vì tình yêu dạt dào mà Thầy Giêsu dành cho bạn. Và nếu bạn có nghe tiếng Ngài hỏi: “Con có mến Thầy hơn những người này không?” thì bạn đừng ngần ngại trả lời: “Thưa Thầy có. Thầy biết con mến Thầy.”

Sống Lời Chúa: Trong ngày, dành ít phút lặp lại những tâm tình bạn có trong phút cầu nguyện vừa qua.

Cầu nguyện: Dâng lên Thầy Giêsu những tâm tình của riêng bạn.

THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS | Mc 16,9-15

29/03/08
NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC SINH
Người khiển trách các ông vì không tin và cứng lòng. (Mc 16,14)

Suy niệm: Tin Mừng Mác-cô thuật lại các lần Chúa Giêsu hiện ra sau khi sống lại, nhưng tất cả các lần ấy các tông đồ đều cứng lòng không chịu tin. Thế nhưng, cám ơn các ngài, vì nhờ lòng cứng tin đó mà hôm nay chúng ta mới có thể tin. Một nghịch lý, nhưng đúng như vậy. Sau phút giây hoài nghi, các tông đồ được Chúa cho kiểm chứng bằng thấy tận mắt, sờ tận tay, nên các ngài đã tin, và tin vững đến độ chết để làm chứng cho đức tin. Các ngài không phải là những người cả tin, vì thế khi các ngài xác quyết Chúa Kitô đã phục sinh, lời xác quyết đó phải là điều xác thực. Nhờ tiến trình từ “không tin” đến “tin” của các ngài mà chúng ta là những kẻ hiện nay tuy không thấy nhưng lòng vẫn vững tin.

Mời Bạn: Con người thời đại chúng ta thường đòi phải kiểm chứng bằng thực nghiệm thì mới tin. Đó là khoa học kỹ thuật, không còn phải là tin nữa. Đức tin là siêu nghiệm; thực tại đức tin luôn vượt xa những gì chứng cứ có thể nói lên. Người quân bình tránh thái độ dễ tin, cả tin, cũng như thái độ cứng tin, không tin. Mời bạn kiểm điểm lại niềm tin hiện nay của mình.

Chia sẻ: Chúa Giêsu đã phải trách các môn đệ cứng lòng tin không chịu nghe lời các nhân chứng (c. 14). Phải chăng ngày hôm nay Người cũng trách chúng ta, những kẻ tự xưng là tín hữu, nhưng lòng tin đã lu mờ, lung lay, hay có khi đã sắp tắt thở mất rồi?

Sống Lời Chúa: Rèn luyện cặp mắt đức tin của mình bằng cách nhìn lại những biến cố xảy ra trong đời để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong đó.

Cầu nguyện: “Lạy Thầy, tôi tin, nhưng xin thêm đức tin cho tôi” (Mc 9,24).

CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS - A | Ga 20,19-31

30/03/08 Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa
CHÚA PHỤC SINH Ở GIỮA CỘNG ĐOÀN
Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông… (Ga 20,26)

Suy niệm: Xen giữa hai lần Chúa Giêsu phục sinh đến với các môn đệ – lần đầu vào buổi chiều ngày thứ nhất, lần thứ hai, tám ngày sau đó – là đoạn trình thuật việc Tôma đi vắng, trở về và tỏ thái độ thách thức trước lời chứng của các bạn. Phúc âm Gioan nhấn mạnh chi tiết tám ngày sau, khi Chúa đến, có Tôma ở đó cho thấy phải chăng Chúa đến lần này chỉ vì Tôma? Tôma có mặt ở đó với các bạn, nhưng trong cộng đoàn đã có sự rạn nứt, bất đồng. Chúa đến và dành cho Tôma đặc ân “xỏ ngón tay vào lỗ đinh” và “đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa” là để xây dựng lại sự hiệp thông trong cộng đoàn những người tin Chúa và làm chứng Ngài đã phục sinh.

Mời Bạn: Sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn là nguyên lý sự hiệp thông trong Hội Thánh. Đồng thời, lời loan báo Tin Mừng phục sinh sẽ không thuyết phục nếu thiếu lời chứng của một trong “những anh em cùng theo Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người sống giữa chúng ta” (x. Cv 2,21). Như thế, sự hoà thuận trong các gia đình kitô, sự hiệp nhất trong cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận… tự nó là một lời chứng có sức truyền giáo hữu hiệu.

Sống Lời Chúa: Việc truyền giáo của cộng đoàn chưa hữu hiệu ư? Hãy xét lại cách làm chứng của cộng đoàn. Trong cộng đoàn có rạn nứt bất đồng ư? Hãy họp nhau lại, có mặt cả những người bất đồng, xin Chúa Kitô phục sinh đến, ban bình an, và “thổi hơi ban Thánh Thần” để Ngài hàn gắn lại mối hiệp thông.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu Chúa.

THỨ HAI TUẦN 2 PS | Lc 1,26-38

31/03/08 Lễ Truyền Tin
HỌC “XIN VÂNG” NHƯ ĐỨC MARIA
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)

Suy niệm: Thánh Bênađô suy niệm về biến cố Truyền Tin đã nói lên những lời thật cảm động: “Lạy Đức Trinh Nữ diễm phúc, xin Mẹ mở tâm hồn để tin, mở miệng nói lên lời ưng thuận và mở lòng để đón Đấng tạo thành ra Mẹ. Này Đấng mọi dân tộc khao khát đang đứng bên ngoài và gõ cửa. Ôi nếu như vì Mẹ chần chừ mà Người đi qua mất, thì Mẹ lại phải khổ công tìm kiếm Đấng lòng Mẹ mến yêu!... Xin Mẹ chỗi dậy với lòng tin, chạy ra với lòng mến, và mở cửa với lòng ưng thuận. Đây Mẹ đã nói: ‘Vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Kinh Sách, Bài đọc 2, ngày 20/12). Không chỉ con người mà cả Thiên Chúa cũng chờ đợi lời xin vâng của Đức Maria. Phần Đức Maria, đại diện cho con người, thì cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa với tư cách một người tôi tớ khiêm tốn.

Mời Bạn: Trong những tháng qua, không mấy ai lại không biết, không quan tâm theo dõi việc giáo dân Hà Nội thắp nến cầu nguyện trước Toà Khâm Sứ cũ, mặc dù trong một thời gian khá lâu, không một thông tin chính thức nào của đạo cũng như đời lên tiếng về việc này. Thế rồi sau lá thư của hồng y Tarcisi Bertone gửi Đức cha Ngô Quang Kiệt và bức thư chung của Đức cha gửi cộng đoàn Dân Chúa, giáo dân vui vẻ tháo dỡ lều bạt, cung nghinh thánh giá về Toà Giám Mục. Sự kiện đó có thể làm chất liệu để bạn suy tư về cách bạn thực thi và vâng phục quyền bính trong Giáo Hội không?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm cách Mẹ thực hiện lời xin vâng trong cuộc sống (qua các biến cố giáng sinh, khổ nạn…).

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết xin vâng ý Chúa như Mẹ.

Kinh XIN ƠN SỐNG QUẢNG ĐẠI
của thánh Inhaxiô

Lạy Chúa,
xin dạy con biết sống quảng đại
Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng
Biết cho đi mà không cần tính toán
Biết chiến đấu mà không sợ thương tích
Biết làm việc mà không tìm an nghỉ
Biết hy sinh mà không chờ một phần thưởng nào khác
Ngoài sự nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi.
Amen.

Một Đan Sĩ

● Đọc tiếp: 5 Phút Mỗi Ngày: Suy Niệm Lời Chúa trong tháng 02/08 | 01/08 | 12/07 | 11/07 | 10/07

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.03.2008. 10:25