Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tư Liệu Thánh Kinh (17): Địa dư Ít-ra-en

§ Vũ Văn An

Địa Dư Ít-ra-en

Lãnh thổ Ít-ra-en rất nhỏ. Từ bắc xuống nam, hay từ ‘Đan tới Bô-e-se-va” như Thánh Kinh thường nói, chưa đầy 230 cây số chiều dài. Cực bắc Biển Chết chỉ rộng 80 cây số, nhưng lại cách mặt biển đến 400m. Thế đất trông như chiếc mái nhà. Từ Địa Trung Hải, nó lên cao dần tới khoảng 1000m trên mặt biển, và rồi lại thoải dần sâu xuống về phía thung lũng Gio-đan. Ở đó, mặt đất nứt nẻ và dốc thẳng xuống tạo thành đường hào kéo dài tận Đông Phi Châu. Phía đông Gio-đan và bắc Ga-li-lê, núi cao dần đến độ cao gần 2000m tại Edom và gần 3000m tại Li-băng và Núi Khéc-môn ở phía bắc. Đối với các nước lân bang, dân Ít-ra-en giống như các bộ lạc người thượng. Các viên chức của Vua Ben-ha- đát từng nhận xét “Chúa người Ít-ra-en là chúa núi”. Trung tâm vương quốc của họ dựa vào dẫy núi chạy giữa bờ biển và vách lũng. Nhờ dẫy núi này, họ đã chống đỡ được nhiều cuộc tấn công của người Phi-li-tinh. Nhưng chính họ, thì chưa bao giờ thực sự chinh phục được các vùng duyên hải. Dần dà (nhất là dưới thời Đa-vít), họ mở mang bờ cõi qua Xi-ri ở phương bắc hay qua bên kia Gio-đan ở phía đông, nơi họ kiểm soát được Mô-áp và Ê-đom. Nhưng đồi núi Giu-đê là căn cứ địa trước nhất và sau hết của họ.

Địa Chất Học: Về phương diện địa chất, phần lớn các chất liệu tạo nên lãnh thổ này tương đối mới mẻ. Đá vôi hay đá phấn chiếm phần lớn bề mặt. Cấu trúc rất quan trọng giúp ta hiểu Thánh Kinh.

Bất cứ nơi nào có đá vôi, ta đều thấy những nét đặc trưng về phong cảnh đất đai. Nước thấm qua chúng nên ít có hệ thống thoát nước trên mặt đất. Nhưng thường có những giòng nước sâu dưới mặt đất và người ta có thể lấy nước lên qua các giếng đào. Đá vôi cũng tạo nên nhiều hang động. Và trên mặt đất, chúng thường tạo nên những đường viền bằng đá, khiến cho việc cấy cày trở nên khó khăn và chỉ chừa lại những mảnh đất nhỏ nhoi. Những đặc điểm này có ở khắp vùng đồi Pa-lét-tin và thường đọc thấy trong các trình thuật Thánh Kinh.

Khí hậu sa mạc cũng tác động đối với phong cảnh và cấu trúc đất đai. Ở vùng sa mạc, mặt đất thường có cát, đá lửa và muối. Phần lớn đất đai phía nam thường có những loại chất không mầu mỡ này. Gió và nước là những sức mạnh tạo ra hình dáng đá sa mạc. Gió chà xát các tảng đá thành những hình thù rất lạ. Nước còn mạnh hơn xẻ ra những thung lũng thẳng đứng và những khối đá lởm chởm chơ vơ. Thỉnh thoảng vẫn có những trận lụt chớp nhoáng tràn ngập thung lũng khô cằn trong vòng mấy phút.

Lũng Sâu: Đường nứt thẳng và dài của Thung Lũng Gio-đan, chạy sâu về phía Biển Chết, là một trong nhưữg dấu hiệu cho thấy mặt đất ở đấy không ổn định. Các hoạt động của núi lửa và những thay đổi cấu trúc vẫn đang tiếp diễn. Vách sâu Gio-đan lún sâu giữa hai phay (faults) chạy song song, tạo ra lõm sâu tự nhiên được coi là sâu nhất trên thế giới. Bờ Biển Ga-li-lê ở dưới mặt biển 200m. Chỗ sâu nhất ở Biển Chết sâu hơn 800m so với mặt biển, dù sông Gio-đan đã đổ vào rất nhiều quặng chất suốt mấy ngàn năm. Những suối nước nóng cũng như những phiến đá chứa nhiều khóang chất cho thấy vùng này vẫn còn sôi động về phương diện địa chất học.

Khí Hậu: Lãnh thổ phía bờ Địa Trung Hải có khí hậu giữa ôn hòa và nhiệt đới. Mùa Đông thì ướt át, giống như các nước phía bắc. Mùa Hạ thì nóng và khô do ảnh hưởng bởi sa mạc nhiệt đới vốn nằm bên kia bờ nam của biển. Nhờ sự trái ngược theo mùa này, ta có tuyết trên các ngọn núi bờ biển nhưng trái cây nhiệt đới lại chín mọng tại đồng bằng. Khí hậu khá thay đổi tại các vùng khác nhau của Trung Đông, nhưng ít có những mẫu số chung.

Lượng Mưa: Lượng nước mưa thường tùy thuộc độ cao so với mặt biển. Miền núi thường nưa nhiều hơn vùng hạ nguyên. Núi cũng có khuynh hướng cản những cơn gió mang mưa tới, không cho chúng thổi vào nội địa. Tại Ít-ra-en/Xi-ri, kết quả là mưa nhiều ở vùng núi cao phía bắc Ga-li-lê (trung bình hằng năm từ 750mm tới 1,500mm) hơn là vùng đồi Giu-đê (từ 500mm tới 750mm mỗi năm). Lượng nước mưa tổng cộng giảm rất nhanh về phía nam. Đến Bô-e-se-va thì chỉ còn chừng 200mm mỗi năm. Xa hơn nữa về phía nam, điều kiện sa mạc áp dụng tới tận bán đảo Xi-nai. Việc giảm lượng mưa xẩy ra còn nhanh hơn nữa cả về phía nội địa lẫn phía Thung lũng Gio-đan. Tại Giê-ru-sa-lem, lượng nước mưa trung bình là 500mm, trong khi tại Giê-ri-khô, tức 25Cây số về hướng đông nhưng sâu hơn 1000m, lượng ấy chỉ là 100mm. Lượng ấy lại tăng lên ở phía đông Gio-đan trên một sa mạc hình lưỡi kéo dài từ Biển Chết lên tận Thung lũng Gio-đan, một sa mạc đồi núi dầm mưa trải dài về phía nam trên bờ phía đông của Gio-đan bao gồm từ Li-băng tới Ê- đom.Thành ra không ngạc nhiên khi gần ba chi tộc ban đầu cho rằng đất ở phía đông Gio-đan cũng tốt cho chiên bò của họ như đất phía tây và lên tiếng xin được định cư ngay tại đó, thay vì phải vượt qua sông tới đất Chúa hứa (Ds 32).

Nhiều năm sau, lãnh thổ ấy, tức đất Ga-la-át, trở thành nổi tiếng nhờ sự mầu mỡ của nó. Đồi núi của nó nhận được nhiều nước mưa y như đồi núi Giu-đê, là vùng gần bờ biển hơn nhưng không cao bằng. Mặc dù phía bắc Pa-lét-tin xem ra có lượng mưa tốt, nhưng tính trung bình thì lại khác. Thực vậy, có sự thay đổi lớn tính theo tổng số từ năm này qua năm khác. Trong thế kỷ vừa qua, tại Giê-ru-sa-lem, nơi trung bình là 500mm, nhưng có năm chỉ được chừng 250mm, lại có năm lên đến 1,075mm. Điều này có nghĩa là biên tế sa mạc không nhất định. Một số năm, biên tế này tăng lên ở đông và nam. Có năm, nó lại giảm đi khiến gây ra hạn hán và đói kém.Hiện tượng cực kỳ ướt và cực kỳ khô này đóng một vai trò quan trọng trong trình thuật Thánh Kinh. Chúng không ngừng nhắc cho dân Chúa biết họ phải trông cậy vào Người không ngơi.

Sương: Ở những nơi không đủ mưa, sương đóng một vai trò quan trọng trong việc làm ướt đất đai. Phần lớn những khu vực có nhiều sương là vùng duyên hải. Độ ẩm từ Địa Trung Hải đem tới trong mùa Hè rồi nhờ khí lạnh ban đêm tụ thành sương rơi xuống đất. Một số vùng duyên hải có sương rơi đến 200 đêm mỗi năm. Bởi thế dễ hiểu tại sao sương lại quan trọng đến thế trong cuộc sống của người dân Cựu Ước. Như tiên tri Ê-li-a chẳng hạn, khi tiên đoán trận hạn hán, đã nói rằng: “sẽ không có sương cũng như mưa rơi” (1V 17:1).

Mưa Đông: Ở vùng Cận Đông và bắc Phi Châu, mưa trong năm phần lớn xẩy ra vào mùa Đông. Giữa khoảng trung tuần tháng 6 và tháng 9, khó mà có mưa. Thời tiết tương đối ổn định và dễ đoán, phần lớn có gió đông thổi tới. Như tại Tel Aviv, vùng duyên hải, trong suốt 30 năm, không bao giờ ghi được một cơn mưa nào trong tháng 6, tháng 7 hay tháng 8. Sau một mùa Hè khô héo như thế, thì những cơn mưa quả là quan trọng đối với nhà nông. Người ta mong mưa rơi khoảng trung tuần tháng 9, nhưng có khi mưa đến trễ hơn. Vì vậy mà nhà nông không đủ thì giờ cầy bừa, những chiếc giếng cũng chậm đầy nước sau những ngày khô nóng mùa Hè.

Bởi thế Thánh Kinh từng vẽ ra hình ảnh người nông phu trông ngóng mưa thu (Gc 5:7) để khởi công làm ăn. Khi mưa đã thực sự bắt đầu, thì những tháng mùa Đông quả là ướt át. Tháng 12 hay tháng Giêng có mưa nhiều hơn cả. Mưa thổi từ Địa Trung Hải mưa vào, mỗi lần kéo dài cả hai, ba ngày. Sau đó lại nắng ráo. Mẫu mực ấy cứ thế tiếp diễn cho đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, thì khí hậu mùa khô bắt đầu ló dạng. Nhưng đây lại là thời gian rất quan trọng đối với nông dân. Cây trồng bắt đầu lớn lên sau những ngày giá lạnh mùa Đông. Điều sinh tử là mưa phải tiếp tục qua Xuân đủ để tưới gội cho mùa màng đang độ triển nở. Vì thế nông dân thường mong mưa “muộn” vào tháng 4, cũng như mưa “sớm” vào tháng 10.

Nhiệt Độ: Nhiệt độ thay đổi thường rất đáng kể tại các vùng mưa theo mùa. Như ở vùng Biển Chết, vào mùa Hè, nhiệt độ lên tới 40 độ bách phân là chuyện thường, nhưng cách đó mấy trăm dặm, tại vùng Thượng Ga-li-lê, thì vào mùa Đông, mưa lạnh lại làm người ta tê cóng. Thời tiết mùa Đông ở vùng thượng du rất khó chịu. Tại Giê-ru-sa-lem, mỗi năm thường có 45-60 ngày có mưa, và thường có tuyết rơi vào mùa Đông. Thay đổi ngay trong ngày thường xẩy ra ở vùng đất thấp.

Giê-ri-khô có nhiệt độ trung bình trong tháng Giêng khoảng 15 độ bách phân. Nhưng đó là tính trung bình từ nhiệt độ nóng như thiêu ban ngày và nhiệt độ lạnh cóng ban đêm. Nhiệt độ vào mùa Hè tại vùng duyên hải và vùng thượng du trung bình là 22 tới 25 độ bách phân, rất dễ chịu, nhờ cao độ so với mặt biển và đôi khi có gió. Lúc ban ngày, vào mùa Hè, gió hiu hiu từ Địa Trung Hải thổi vào làm cho hơi nóng dịu đi nhiều lắm. Nhưng hiệu quả của gió hamsin thì không dễ chịu chút nào. Thứ gió cực nóng và khô này từ hướng nam Arabia thổi tới, đem theo cái nóng hừng hực của sa mạc mà đến cả vùng duyên hải người ta vẫn còn cảm thấy. Loại gió này ai sống tại Ít-ra-en đều biết. Chúa Giê-su từng phán: “Khi các ngươi thấy gió phương nam thổi tới, các ngươi bảo rằng trời sắp nóng, và quả thực như thế” (Lc 12:55). Khí hậu ngày nay xem ra cũng không khác thời dân Ít-ra-en chiếm đóng Đất Hứa, hay thời Chúa Giê-su còn sinh tiền, bao nhiêu. Phong cảnh đất đai chắc chắn có thay đổi, nhưng không hẳn do thay đổi nhiệt độ.

Cây Cối: Những vùng có loại khí hậu này, tính từ trung tâm sa mạc đi ra duyên hải và lên vùng núi, thường có những loại cây cối sau đây: cây bụi sa mạc, thảo nguyên với những bụi rậm và cây cỏ, đồng cỏ, rừng tạm và rừng cao cấp. Những vùng này cũng thường có những loại cây cỏ đặc biệt thích ứng cho việc trữ nước trong mùa ướt dành cho mùa khô, tức những loại cây có lá bóng, mịn, không bốc hơi. Trên thực tế, tất cả những loại cây cối trên đều hiện diện trên lãnh thổ Cựu Ước và vùng lân cận, từ rừng Li-băng lên phía bắc, từ bụi cây trơ trọi của sa mạc xuống phía nam. Thảo nguyên và đồng cỏ tạo thành một dải hẹp chạy quanh thượng du Giu-đê và phía bắc Gio-đan. Tuy nhiên, ở những sườn thoải phía duyên hải, phần lớn các đồng cỏ nguyên thủy đã được khai phá thành đất canh tác. Và một số sa mạc đã được canh tác nhờ có nền nông nghiệp dẫn thủy nhập điền từ thời đế quốc La Mã, cũng như thời Ít-ra-en hiện đại.

Các Biến Đổi: Nhưng qua nhiều thế kỷ, đã có những biến đổi lớn. Khi người Do Thái vào Đất Hứa, phần lớn vùng thượng du có rừng bao phủ. Trong Cựu Ước ta thấy có nhắc đến nhiều loại gỗ cứng cũng như mềm, nhưng người La Mã đã cho khai quang nhiều vùng rừng rậm. Ngày nay, phong cảnh đất đai đã khác xa trước đây và hầu hết rừng rậm và rừng cây đều đã biến mất.

Đốn cây làm nhà cũng như làm củi và khai quang đất đai để trồng trọt khiến đất bị sói mòn. Điều này có nghĩa là cây mới không mọc lên nổi và do đó rừng rậm dần biến thành những bụi bờ gai góc (maquis) thường thấy nơi các lãnh thổ được định cư từ lâu đời tại vùng Địa Trung Hải. Những bụi bờ này phủ đầy mặt đất khiến đất trở nên vô dụng, đến làm nhà cũng không xong. Vừa ít có cây cùng cỡ lại làm mồi cho những trận cháy mùa Hè, ngày nay chỉ còn là những vang bóng một thời của những cánh rừng huy hoàng ngày trước. Ở Ít-ra-en, cũng có việc phá rừng vì các cuộc chiến liên miên cũng như do kỹ nghệ chăn nuôi vô tổ chức. Việc ấy đã xẩy ra cho khu vực nay là đồi núi trọc lóc của Mô- áp, phía đông Gio-đan, ngày xưa vốn là một vùng rừng cây có nhiều dân cư sinh sống. Chỉ nửa bán thế kỷ 20 gần đây, người ta mới bắt đầu đảo ngược diễn trình phá rừng kể trên. Việc đảo ngược ấy đến đúng lúc để cứu được một ít rừng gỗ tuyết tùng quí giá của Li-băng cũng như một số rừng trên núi phía bắc. Những thay đổi về phong cảnh đất đai trong cùng thời gian này còn rõ ràng hơn nữa, vì chúng xẩy ra một cách nhanh chóng hơn hẳn những thay đổi trong thời gian phá hoại lâu dài kể trên. Các đầm lầy đã được vét cạn để cày cấy. Các rừng trái cây đã thay thế cho những khu rừng sồi ngày trước. Và việc dẫn thủy được mở rộng đến tận sa mạc, kể cả những khu trước đây từng được khai khẩn dưới quyền cai trị của người La Mã thời Chúa Giê-su. Người ta biết rõ có những khu sa mạc trở thành mầu mỡ khi được tưới tắm cẩn thận. Và vùng ranh giới phía nam, cùng với vùng hạ Thung Lũng Gio-đan, nay là khu canh tác ốc đảo.

Tài nguyên đất đai: Chúa hứa ban cho Ít-ra-en đất đai mầu mỡ. Thêm vào đó, “đá của chúng có sắt, và bạn có thể đào thấy đồng nơi các đồi núi của chúng” (Đnl 8:9). Đồng đã được đào rất sớm. Việc đào mỏ sắt xẩy ra muộn hơn, sau khi người Khết biết cách ngửi ra chúng. Người Phi-li-tinh đem theo kỹ năng này với họ. Nhưng mãi đến thời Đa-vít và Sa-lô-môn, người Do Thái mới biết chế ra các dụng cụ bằng sắt. Thời Sa-lô-môn, các mỏ đồng ở ngay phía bắc Vịnh Aqaba đã được khai thác triệt để. Tài nguyên chính khác của xứ này là đá xây nhà, hắc ín, cát và đất sét, với một số muối hóa học tại khu vực Biển Chết, nơi muối đóng thành từng tầng sau khi nước biển bốc hơi. Ngày nay, đá phốt-phát được khai thác rộng lớn và nước của Biển Chết sản xuất ra bồ-tạt, brom (bromine) và magiê (magnesium).

Các vùng tại Ít-ra-en: Thời Chúa Giê-su, người Do Thái có ý niệm rất chính xác đâu là “lãnh thổ”, đâu không phải là lãnh thổ. “Vùng địa dư” của họ dựa trên một bậc thang đi từ thánh thiêng nhất tới ít thánh thiêng nhất. Nơi Cực Thánh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem là khu cao trọng nhất, và ngược lại, ngay việc đụng tới bụi đất ở những khu vực bên kia “lãnh thổ” cũng bị coi là ra nhơ nhuốc. Trung tâm xứ sở bao gồm Giu-đê và Ga-li-lê về phía tây Gio-đan, bị phân cách bởi Sa-ma-ri (bị coi là ngoại lai) nhưng được nối kết với nhau nhờ Peraea ở phía đông. Con đường nối liền nam bắc được chấp nhận mà không phải rời khỏi “lãnh thổ” (nghĩa là tránh được Sa-ma-ri), là phải vượt Gio-đan hai lần. Quanh khu trung tâm này là một vòng đai nội địa trước đây vốn thuộc Ít-ra-en. Chúng không bị coi là nhơ nhuốc như đất ngoại giáo, là đất hoàn toàn nằm bên ngoài biên giới. Tuy thế, địa dư thông thường nhìn nhận có 7 vùng địa dư chính.

Cao Nguyên Trung Phần: Khu vực nòng cốt của các vương quốc Ít-ra-en nằm trên “xứ đồi” dọc theo đường phân rẽ, với thế đất thoải xuống duyên hải một bên, và bên kia thoải xuống Thung lũng Gio-đan. Điểm cao nhất thuộc vùng cao nguyên này, gần Khép-rôn, vào khoảng 1,000 thước. Sườn phía tây thoải ít hơn sườn phía đông. Cây rừng đã biến mất để lại một vùng toàn đá vôi và đất xấu. Chỉ cày cấy được tại các thửa đất tầng hay những thửa vườn rất nhỏ, kỳ dư thường dùng cho việc nuôi chiên cừu. Các thị trấn có pháo đài tại vùng cao nguyên này là những điểm phòng ngự thật tốt. Các thủ đô của hai vương quốc bắc và nam (tức Giu-đa và Ít-ra-en) đều nằm tại vùng này. Các vị vua phương bắc của Ít-ra-en sử dụng một số căn cứ địa trước khi xây dựng thủ đô của họ tại Sa-ma-ri.

Tại cực nam của vùng này, một số ngọn đồi lẻ loi nhìn xuống khu vực kế cận, tức Đồng Bằng Esdraelon. Nhưng xứ đồi tiếp tục theo hướng tây nam trải dài qua duyên hải thành mũi đất phình ra tại Núi Các-men. Mũi cao 600 thước này cắt đồng bằng duyên hải thành hai, tạo ra hai vùng nam bắc riêng biệt. Phía bắc Các-men có thành phố cảng tân thời là Haifa. Cho đến tận nay, “xứ đồi” vẫn ít đường xá ngoài xa lộ Khép-rôn-Giê-ru-sa-lem-Nablus (xưa là Si-khem). Các xa lộ chính của cả thế giới cổ và thế giới hiện nay đều chạy ở phía bắc vùng đồi núi hay chạy song song với các đồi núi này dọc theo duyên hải. Bởi thế, mặc dù vùng này có Giê-ru-sa-lem, nó vẫn là vùng ít được người ta qua lại hàng ngày.

Đồng Bằng Esdraelon: Vào sâu khỏi Địa Trung Hải một chút, các dẫy núi bắt đầu chạy theo một đường thẳng liên tục từ Li-băng tới Xi-nai. Nhưng có một gián đoạn quan trọng khi một phay ở lớp đá phía dưới làm cho một phần của dẫy núi tụt xuống một độ cao không quá 100 thước. Hiện tượng ấy tách cao nguyên trung phần ra khỏi Ga-li-lê và các dẫy núi phía bắc. Nó trải dài từ Vịnh Haifa, bắc Núi Các-men, tới thung lũng Kha-rốt, một phụ lưu của sông Gio-đan. Chính đường phân rẽ cũng bị cắt qua Thung lũng Gít-rơ-en. Đồng bằng chính gần như hình một tam giác, mỗi cạnh chừng 26 mét. Khởi thủy, bề mặt thung lũng là đầm lầy. Chính tại đây, Xi-xơ-ra mất các chiến xa của ông và phải chạy bộ mà trốn thoát (Tl 4:15).

Nhưng sau đó đầm lầy đã được vét cạn và hiện nay trở thành khu vực canh nông mầu mỡ nhất của Nước Do Thái hiện đại. Mặc dù đồng bằng không mầu mỡ trong nhiều thế kỷ trước khi người định cư Do Thái đòi lại nó năm 1911, nó luôn luôn quan trọng về chiến lược. Lộ chính nam bắc của cổ thời (mà người La Mã gọi là Via Maris = Hải Lộ) chạy qua nó trên đường từ Ai Cập đi Đa-mát và Lưỡng Hà. Nó là đường hiển nhiên cho thương mại và xâm lăng. Nó lên danh sách dài cho các trận chiến liên miên xẩy ra tại đồng bằng, tận cho đến thời nay trong cuộc chiến Ít-ra-en dành độc lập (1948). Mơ-gít-đô nằm ngay phía tây đồng bằng, bởi thế mà Đồi Mơ-gít-đô hay Ác-ma-gít-đô đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh lớn trong Khải Huyền 16.

Ga-li-lê: Về phía bắc Đồng bằng Esdraelon, dẫy cao nguyên lại tiếp tục. Chúng chạy về phương bắc, lên cao dần cho tới khi gặp các núi cao của Li-băng. Độ cao này xếp tầng rất đều, với vách đứng thường hướng về phía nam hay đông nam. Các tầng thấp hơn trong chiếc thang ấy có đất đai khá mầu mỡ, được phân cách với nhau bằng những đường đá vôi trần trụi. Thời Chúa Giê-su, những tầng này nổi tiếng nhờ lúa hạt, hoa quả và ô-liu. Chúng tạo thành một khu vực thịnh vượng, đông dân cư. Nhưng những tầng cao hơn là một cao nguyên tiêu điều, gió lộng. Nó trơ trụi, khô cằn và không có cả những cánh rừng cao cấp. Toàn bộ khu vực này tạo thành vùng Ga-li-lê, đôi khi chia thành Thượng và Hạ Ga-li-lê. Các sườn phía nam và phía đông của vùng này được định rất rõ, nhưng về phía bắc, thì nó lại lẫn vào núi.

Trong quá khứ, khu vực tại biên giới phía bắc này luôn được coi là một phần của “lãnh thổ” dù ảnh hưởng ngoại nhân hết sức mạnh mẽ. Dân Ít-ra-en ít khi thực sự kiểm soát được khu vực ấy. Và thương lộ lớn chạy qua nó đã du nhập rất nhiều ngoại nhân. Đây chính là nơi Chúa Giê-su đã sống qua thời niên thiếu. Đây là một khu vực náo nhiệt, người đi kẻ về tấp nập, với một cộng đồng hỗn tạp. Nhờ các thương lộ, nó trở thành điểm giao tiếp với thế giới bên ngoài, thu nhận nhiều ý niệm không phải là Do Thái. Nó sống nhờ những nông trại mầu mỡ và nghề chài lưới trên hồ. Và nó ý thức được các thực tại trong sinh hoạt của đế quốc Rô-ma nhiều hơn những người Do Thái sống cô lập tại Giê-ru-sa-lem là những người vốn khinh ghét người anh em phương bắc, coi họ như những củ khoai quê mùa và vì họ bị pha trộn về phương diện nòi giống.

Vùng Đồng bằng Duyên hải: Khi Ít-ra-en chiếm được Đất Hứa, họ chiếm lấy vùng cao nguyên trung phần và sau đó nhiều lần cố gắng mở rộng quyền kiểm soát xuống vùng duyên hải Địa Trung Hải. Nhưng vùng ấy do dân tộc hùng mạnh Phi-li-tinh chiếm cứ. Và mặc dù dưới sự lãnh đạo của Đa-vít, Ít-ra-en đã kiểm soát được vùng ấy một thời gian, nhưng nhiều giai đoạn trong lịch sử Ít-ra-en, người Phi-li-tinh từ năm thành thị của họ đã tạo áp lực mạnh lên vùng duyên hải và có khi cả vùng cao nguyên nữa.

Tuy nhiên, vùng duyên hải lúc đó không quyến rũ lắm. Nó chỉ gồm một vòng đai cát đụn, sau lưng là rừng cây, mấy hồ nước mặn và đầm lầy. Không có cả những hải cảng tự nhiên. Mà người Phi-li-tinh dù sao cũng không phải là dân đi biển. Hải cảng quan trọng đầu tiên tại vùng này chính là hải cảng nhân tạo do Hê-rô-đê Đại Đế xây không trước thời Chúa Giê-su sinh ra bao lâu. Phía nam Các-men, đồng bằng này được biết dưới tên là Đồng bằng Phi-lit-ti-a và Đồng bằng Sa-rôn. Phía bắc Các-men, nó trở thành Đồng bằng A-se. Chạy lên hướng bắc, nó hẹp dần, nhưng lại có nhiều hải cảng tự nhiên hơn.Chính từ đây, người Phê-ni-xi chuyên đi biển ra đi làm ăn buôn bán.

Vùng Shephelah hay Piedmont: Giữa hai vùng duyên hải và cao nguyên, là một khu vực đồi thấp trước đây có nhiều rừng sung. Khi người Phi-li-tinh đánh nhau với dân Do Thái, những khu đồi này tạo thành một thứ lãnh thổ vô chủ, luôn xẩy ra những vụ phục kích. Để một bên có thể tấn công bên kia, điều cần là phải băng qua Shephelah. Và vì thế, phần lớn đường xá qua đó được phòng thủ rất cẩn mật. Ngày nay, phần lớn vùng này đã được canh tác.

Thung lũng Gio-đan: Sông Gio-đan dâng cao gần Núi Khéc-môn và chẩy về hướng nam qua Hồ Huleh (giờ đây hần như đã cạn), rồi chẩy vào Biển Ga-li-lê. Tại cực nam của Biển này, nó chẩy vào một thung lũng sâu tên là Ghor. Không những chính thung lũng này có vách đứng, nhưng con sông còn cắt ngay vào đáy của nó và tạo nên một thứ thung lũng trong một thung lũng, đầy một thứ cây xanh rậm rạp như rừng hoang. Điều này làm cho việc vượt qua sông trở nên rất khó khăn trước khi cây cầu tân thời đầu tiên được xây dựng. Thung lũng Gio-đan là một đường nứt địa chất. Hai bên chạy theo những phay song song ở vỏ trái đất. Những phay này tiếp tục chạy theo đường thung lũng xuống Biển Chết và quá bên kia, qua một chỗ lún sâu tên là A-ra-ba, là lún sâu cuối cùng dẫn tới Vịnh Aqaba. Những phay này chính là lý do đã làm thung lũng sâu đến thế. Bờ Biển Chết ở sâu dưới mặt biển khoảng 388 thước. Khoảng cách từ dẫy núi bên này thung lũng tới dẫy núi bên kia vào khoảng từ 15 đến 20 cây số. Nhưng không có con lộ chính nào chạy theo thung lũng. Một lý do là thế đất gập ghềnh và khó khăn do sông Gio-đan và các phụ lưu của nó tạo nên. Lý do khác nữa là sự kiện bên trong Ghor, nhiệt độ về mùa hè cao đến độ du khách rất vui khi băng từ phía này qua phía kia dẩy núi càng nhanh càng tốt.

Lãnh thổ phía đông Sông Gio-đan (Transjordan): Ở đây có hai thế đất dốc, giống như thế đất ở phía tây, nhưng cao hơn. Tuy nhiên, chúng được cung cấp nước đầy đủ và mang lại đồng cỏ xanh tươi cho những đoàn vật khổng lồ gồm đủ chiên dê và bò lừa trước đây vốn được nuôi tại Mô-áp. Có thời, Vua Mô-áp đã nạp cả 100,000 con chiên và len do 100,000 con cừu sản xuất cho Israel làm cống phẩm hàng năm (2V 3:4). Các ngọn núi ở đây cao từ 600/700 thước về phía đông Ga-li-lê tới gần 2,000 thước về phía nam và phía đông Biển Chết. Chúng thu hút được một lượng mưa rất lớn. Mà càng lên cao, lượng mưa này càng tăng, biến vùng này thành một giải đất phì nhiêu giữa thung lũng khô cằn ở một bên và bên kia là Sa Mạc Arabia.

Sự mầu mỡ ở nhiều phần trong vùng này, như Ba-san và Ga-la-át, sự thịnh vượng của các tay nuôi cừu tại Mô-áp và sự thành công của các lái buôn Ê-đom làm cho các khu vực này thành các địch thủ hùng cường của dân Do Thái phía tây Sông Gio-đan. Có lẽ chính vì Ít-ra-en mà Sông Gio-đan đã làm khó không để các dân tộc kia từ phía đông xâm nhập lãnh thổ của họ. Nó hầu như phân rẽ hoàn toàn hai vùng tương tự vốn nằm trong tầm mắt của nhau quá bên kia thung lũng.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 04.03.2009. 14:27