Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tư Liệu Thánh Kinh (13): Ai Cập

§ Vũ Văn An

Sa mạc Sahara bao la chạy dài suốt bắc Phi Châu từ vùng núi Morocco phía tây kéo dài tới Biển Đỏ ở phía đông. Từ các hồ và cao nguyên của Đông Phi nhiệt đới, Sông Nin chẩy theo hướng bắc xuyên qua các sa mạc khô cằn đến tận Địa Trung Hải. Suốt 600 dặm cuối cùng, Sông uốn khúc qua một thung lũng sừng sững vách đá dựng đứng hai bên. Rồi cách biển 100 dặm, nó chia thành hai ngành bọc lấy một khu tam giác đất bằng có tên Đồng Bằng Sông Nin, vì hình thù nó giống y hệt mẫu tự delta của Hy Lạp.

Lũ Sông Nin: Hằng năm, mưa nhiệt đới miền Đông Phi Châu làm nước sông tràn các bờ, đem theo đất phù sa vào đồng ruộng dọc khắp khu tam giác là khu tạo thành hoàn toàn nhờ chất phù sa này. Ai Cập là như thế đó: những đồng lúa xanh phì nhiêu trên đất đen dọc theo dải bọc gồm thung lũng và sông nước suốt Khu Tam Giác rộng. Hai bên, các sa mạc mầu nâu vàng chạy dài quá bên kia vách đá. Ngày nay, các đập lớn đã được xây để điều hòa lượng lũ Sông Nin, và giữ lại các chất bùn của sông. Thời xưa, mặc tình lũ lụt xẩy ra. Lượng lũ quá nhỏ có nghĩa là không đủ nước cho mùa màng, và thế là đói kém xẩy ra. Lượng lũ quá lớn có nghĩa là làng mạc, hoa mầu và thú vật đều bị cuốn đi. Để trải đều nước càng xa càng tốt, người Ai Cập thời xưa đào những con kênh và những đường dẫn thủy nhập điền dẫn nước vào ruộng.

Vận Tải: Người Ai Cập mau chóng học được nghề đóng thuyền. Thoạt đầu, họ chế tạo những chiếc xuồng bằng sậy (papyrus-reeds), sau đó mới làm được những con thuyền bằng gỗ. Nhờ những phát minh này, họ có thể ung dung du hành dọc Sông Nin, khắp vùng thung lũng hay khắp vùng Đồng Bằng. Đi lên Bắc, họ chỉ cần chèo theo giòng. Xuống phía nam, gió bấc sẽ căng phồng các lá buồm của họ giúp thuyền phom phom ngược giòng mà đi. Cho nên, Sông Nin luôn luôn là ‘lộ lưu thông chính’ của họ. Các vùng khác của xứ sở cũng rất quan trọng. Các sa mạc và bán đảo Xi-nai chứa nhiều kim loại qúi giá (đồng, vàng) và đá dùng cho việc xây những kim tự tháp vĩ đại và những ngôi đền khắp vùng Thung Lũng Sông Nin.

Một Mảnh Đất Lịch Sử: Để bắt đầu, ta nên nhớ tại Ai Cập, có hai vương quốc: Thung Lũng Sông Nin (Thượng Ai Cập) và Đồng Bằng Sông Nin (Hạ Ai Cập). Nhưng trước năm 3000 trước CN, một ông vua vùng Thung Lũng đã đánh bại ông vua của vùng Đồng Bằng, trở thành vua của toàn cõi Ai Cập. Để cai trị khắp nước, ông cho xây thủ đô tại Mem-phít, tại địa điểm nơi thung lũng kia mở rộng ra thành Đồng Bằng. Ông vua đầu tiên ấy chính là Mê-nét, người đã khởi xướng ra giòng vua ‘Pha-ra-ô’. Suốt 3000 năm sau, 30 triều đại các giòng vua này thay nhau cai trị Ai Cập. Trong thời gian ấy, Ai Cập trải qua 3 thời kỳ phát triển rực rỡ.

Thời Kim Tự Tháp: Thời kỳ vĩ đại đầu tiên của Ai Cập là thời ‘Vương Quốc Xưa’ (khoảng 2600 đến 2200 trước CN) hay ‘Thời Kim Tự Tháp’, gọi theo những ngôi mộ khổng lồ bằng đá nhọn đầu do chính nhà Vua xây cất. Sau đời các vua hùng mạnh của Thời Kim Tự Tháp, Ai Cập trở nên nghèo hơn do những ông vua kém khả năng. Một lần nữa, các ông vua thù nghịch nhau nổi lên khắp từ bắc chí nam tranh quyền lẫn nhau. Phải đợi đến lúc ông hoàng Tê-bét xuất hiện mới tái thống nhất được Ai Cập.

Thời Trung Vương Quốc: Gia đình Vua này và gia đình sau đó (Triều đại thứ 12) được gọi là ‘Trung Vương Quốc’ (vào khoảng 2060-1786 trước CN). Các Pha-ra-ô mới và hùng mạnh này chiếm cứ vùng sông và thung lũng cũng như sa mạc Nu-bi-a, phía nam Ai Cập để khai thác vàng và nhiều sản phẩm khác của Phi Châu. Nhờ biết cải tiến phương pháp sử dụng nước Sông Nin vào nông nghiệp, các vị vua này đã gia tăng lượng lúa trồng, và sự thịnh vượng cho dân. Có lẽ vào thời này, Áp-ra-ham đã qua Ai Cập khi nạn đói xẩy ra tại Ca-na-an. Nhiều người khác như ông đã làm như vậy. Một số ở lại, được thăng quan tiến chức trong guồng máy cai trị của Ai Cập, số khác, kém may mắn hơn, trở thành đầy tớ hay nô lệ.

Sau Triều đại thứ 12, từ khoảng năm 1780 đến 1550 trước CN, các vua yếu kém hơn đã lên cầm quyền. Đây có lẽ là lúc Giu-se bị bán qua Ai Cập làm nô lệ và sau đó ít năm gia đình ông đã qua theo. Trong số những người ngoại quốc sinh sống ở phía đông khu Đồng Bằng, nhiều ông hoàng đã nổi lên hùng cứ một phương rồi sau đó trở thành vua cả nước Ai Cập. Họ được gọi là Hyksos, tức Triều Đại Thứ Mười Lăm. Nhưng sau đó không lâu, các hoàng tử thuộc dòng Tê-bét chính tông Ai Cập từ phương nam bắc tiến xua đuổi các ông vua Hyksos để tái thống nhất đất nước.

Thời Đế Quốc: Các Pha-ra-ô này còn chiếm được cả quyền kiểm soát đất Ca-na-an về phía bắc Ai Cập cũng như đất Nu-bi-a về phía nam. Thời ‘Vương Quốc Mới’ này đôi khi còn được gọi là ‘Thời Đế Quốc’, gồm các Triều Đại từ 18 đến 20, từ khoảng năm 1500 tới 1070 trước CN. Các vị Vua thời này đánh nhiều trận tại Ca-na-an và Xy-ri. Còn tại Ai Cập, họ xây nhiều ngôi đền đồ sộ, mà đồ sộ nhất là ngôi đền tại Mem-phít (thủ đô) và tại Tê-bét (thánh địa).

Trong khi đó, người Khết ở cực bắc xâm chiếm một phần đế quốc Ai Cập tại Xy-ri. Một dòng Pha-ra-ô mới cố gắng dành lại các tỉnh đã mất, nhất là các vua Xê-thốt Đệ Nhất và Ram-xết Đệ Nhị (Triều đại thứ 19, thế kỷ 13 trước CN). Các vua này là những vua xây cất lớn. Là dòng tộc của Đồng Bằng, họ xây một hoàng thành mới Pi-Ramesse, dòng tộc Ram-xết thời Xuất Hành, ở phía đông. Đây chính là tột điểm ‘áp bức’ đối với người Do Thái, là những người bị sử dụng làm nhân công nô lệ cho Pha-ra-ô, và là lúc Mô-sê được sai đến lãnh đạo người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập (Xuất Hành). Trước năm 1200 trước CN không lâu, một Pha-ra-ô khác là Mơ-ren-pơ-ta phái quân đội tới Ca-na-an và đánh bại nhiều sắc dân tại đó, trong đó có dân Ít-ra-en, là những người hiển nhiên đã có mặt tại đây lâu rồi. Sau năm 1200 trước CN không lâu, thế giới cổ thời bị khuấy động. Những ’giống dân biển’ và các giống dân khác lật đổ đế quốc Khết-và phần lớn các vương quốc Xy-ri và Ca-na-an. Ram-xết Đệ Tam cố gắng đẩy lui những kẻ xâm lăng này ra khỏi biên giới Ai Cập trong hai trận chiến dữ dội cả trên bộ lẫn dưới biển. Một trong các giống dân này chính là quân Phi-li-tinh. Sau Ram-xết Đệ Tam, Triều Đại 20 và đế quốc mất hẳn quyền lực dưới thời các vua yếu kém. Họ cai trị rất tồi và vùng hạ lưu Sông Nin bị đói kém.

Hậu Thời Đại: Khoảng từ 1070 tới 330 trước CN, Ai Cập trải qua thời gọi là ‘Hậu Thời Đại’. Nước này sẽ không bao giờ còn hùng mạnh như trước nữa. Năm 925 trước CN, Sốt-xen-cơ Đệ Nhất (tức Sít-sắc) chinh phục Giu-đa của Rơ-kháp-am và Ít-ra-en của Gia-róp-am. Người Ai Cập ghi chép chiến thắng này tại đền thờ của họ ở Ca-nắc. Nhưng quyền lực của họ không bền: 200 năm sau, nên Tia-ha-ca không giúp các vua Do Thái chống lại được người Át-sua. Cả Hố-phơ-ra nữa, năm 588, cũng không giúp gì được Xít-ki-gia-hu chống lại người Ba-by-lon.

Từ năm 525 trước CN, giống như các lân bang khác, Ai Cập trở thành một phần của Đế Quốc Ba-tư. Có lúc nổi lên và dành được độc lập (Các Triều Đại 28-30), để cuối cùng bị A-lê-xan-đê Đại Đế chiếm đóng (332-323 trước CN). Sau A-lê-xan-đê, các vua dòng Pơ-tô-lê-mai Pơ-tô-lê-mai của Hy Lạp thay nhau cai trị Ai Cập cho đến lúc xuất hiện Đế Quốc La Mã. St 12:10-20; 37-50; Xh 1:11 vá các chương 1-14; 1V 14:25-27; 2V 17:4; 19:9ff; Gr 37:5-7 và 44:30.

Sinh Hoạt Tại Ai Cập Thời Xưa: Pha-ra-ô là người thống trị Ai Cập. Ông được các vĩ nhân trợ giúp, cả những vị thông thái khôn ngoan chuyên giải đoán mộng mị. Nước được chia thành nhiều tỉnh. Mỗi tỉnh có thủ phủ lo việc cai trị và tiếp liệu. Phần lớn dân Ai Cập làm nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, do đó lệ thuộc vào Sông Nin. Tất cả những yếu tố đó đều hiện diện trong các giấc mộng mà Pha-ra-ô yêu cầu Giu-se giải đoán. Mộng mị rất quan trọng đối với mọi tầng lớp (từ tù nhân tới vua chúa) và người Ai Cập còn viết cả sách giải mộng nữa.

Chữ viết của người Ai Cập khởi đầu có tính tượng hình (hieroglyphs), dùng ghi lại âm tiếng nói. Con cú là m, miệng là r, vân vân…Dùng trên giấy sậy (papyrus), loại giấy đầu tiên, hình thức thảo (hieratic, demotic) được sử dụng. Người Ai Câp viết sử ký, thi ca, sách khôn ngoan (giống như Sách Châm Ngôn), cũng như mọi vấn đề hàng ngày như danh sách, thư từ và sổ sách kế toán.

Cả người Ai Cập lẫn ngoại kiều đều phải làm việc như những lao công tại các công trình xây cất, nhất là làm gạch. Để chế ra gạch, rơm cần để trộn vào đất sét. Các bản giấy sậy có nhắc đến rơm và số lượng công việc cố định phải thực hiện. Giống Mô-sê, nhiều thanh niên ngoại kiều được nuôi dưỡng trong triều và được giáo dục cao, đảm nhận đủ mọi công việc. Giống như Mô-sê và người Do Thái nói chung, những người khác cũng muốn thoát khỏi Ai Cập. Các bản giấy sậy có nhắc đến các nô lệ trốn thoát tìm tự do. St 40 và 41; Xh 1-14. Xem Egyptian Religion.

Tôn Giáo Của Người Ai Cập: Người Ai Cập thờ nhiều thần. Một số thần phát nguyên từ thiên nhiên: Re, thần mặt trời; Thoth, Khons, các thần mặt trăng; Nut, nữ thần bầu trời; Geb, thần đất; Hapi, thần lũ Sông Nin; và Amun, thần các sinh lực tiềm ẩn trong thiên nhiên. Một số thần khác tượng trưng cho các ý niệm: Maat, nữ thần chân lý, công bình và trật tự; Thoth cũng là thần của học vấn và khôn ngoan. Ptah là thần của khéo tay. Phần đông người Ai Cập chạy đến với thần Osiris trong niềm hy vọng có cuộc sống đời sau. Người ta cho rằng Osiris bị anh giết và sau đó trở thành vua âm phủ.

Những con vật nổi tiếng nhờ những phẩm tính đặc biệt được coi như thánh thiêng đối với một số thần. Chúng là hình ảnh sống động của các vị thần đó. Bởi vậy, con bò Apis đối với Ptah, con cò quăm (ibis) đối với Thoth, con chim ưng đối với Horus, con mèo đối với nữ thần Bastet đều là thánh thiêng cả. Các thần thường được miêu tả mang cái đầu của con vật thiêng để dễ nhận dạng.

Với khá nhiều thần thánh kiểm soát thế giới của họ như thế, người Ai Cập buộc phải đặt mối liên hệ giữa các thần với nhau. Họ tạo ra các huyền thoại trong đó, các thần được gom lại thành ‘gia đình’, với đủ thần chủ làm chồng thần nữ làm vợ và những thần nam thần nữ nhỏ hơn làm con trai con gái.Thế kỷ thứ 14 trước CN, Pha-ra-ô Akhenaten cố gắng buộc chư dân của ông chỉ thờ thần mặt trời mà thôi nhưng ông đã thất bại, và sau khoảng 10 năm, người Ai Cập lại trở lại thờ bất cứ thần nào như trước đây. Thờ Phượng Tại Các Đền Thờ Lớn: Cuộc sống mà người Ai Cập tưởng tượng ra cho các thần của họ đã được mô phỏng theo chính cuộc sống hằng ngày của họ. Ngôi đền thờ bằng đá vĩ đại, ẩn phía sau những bức tường sừng sững chính là nơi ngự của thần minh. Các giáo sĩ là gia nhân của thần. Mỗi buổi sáng họ có nhiệm vụ đánh thức thần dậy bằng một bài thánh ca bình minh, tháo gỡ những niêm phong trên điện thờ, sửa sang lại hình tượng của thần, rồi dâng đồ ăn thức uống cho thần điểm tâm. Những của dâng này sau đó được đặt trước tượng tổ tiên của Pha-ra-ô và các vĩ nhân của Ai Cập trước khi được chính các giáo sĩ này hưởng dùng. Đến trưa, một buổi phụng tự và dâng lễ ngắn hơn làm buổi ăn trưa cho thần. Và vào buổi tối với lần dâng lễ thứ ba làm bữa ăn tối là bài thánh ca cuối cùng đưa thần vào giấc ngủ. Vào những ngày lễ đặc biệt, các tượng nhỏ của thần được rước từ đền này qua đền nọ. Đó là những ngày các thần ‘đi thăm’, đôi khi để kỷ niệm những biến cố đã được kể trong truyện tích về mình. Người ta tin rằng ‘hồn’ của thần sống trong hình tượng của ngài đặt trong đền thờ.

Trên lý thuyết, Pha-ra-ô là thầy cả thượng phẩm của tất cả các thần. Trên thực tế, đại biểu cho ông là các thầy cả thượng phẩm tại mỗi đền, được các thầy cả khác phụ tá. Chỉ có vua, các thầy cả và các viên chức cao cấp mới được tiến qua sân đền vừa được ánh sáng đầu tiên của mặt trời chiếu sáng để bước vào những căn phòng mờ mờ đầy hàng cột và vào bóng tối của nội điện thánh thiêng bên trong đền thờ. Tôn giáo thờ thần mặt trời của Akhenaten cũng làm tương tự như thế, nhưng diễn ra tại nơi khoảng khoát rộng mở. Có bài thánh ca nổi tiếng ca tụng Aten là đấng hóa công đã dưỡng nuôi thế gian. Có người so sánh bài thánh ca này với Thánh Vịnh 104. Nhưng không hề có mối liên hệ nào giữa bài thánh ca Ai Cập và Thánh Vịnh cả, hay với việc thờ phượng một Thiên Chúa chí thánh của người Do Thái.

Tôn Giáo của Người Dân: Pha-ra-ô là trung gian giữa các thần và thần dân. Qua các thầy cả là người thay mặt mình, vua dâng lễ vật lên các thần nhân danh thần dân để các thần thương đoái ban phát ơn lành xuống trên Ai Cập (Sông Nin tràn nước đúng mức, hoa mầu phong phú). Vua cũng hành xử như người thay mặt các thần nơi thần dân. Ông hướng dẫn việc xây cất và bảo trì các đền thờ là những tòa nhà luôn luôn được xây dựng nhân danh ông.

Quần chúng bình dân không được bước vào các đền thờ lớn của quốc gia. Họ chỉ được thấy các thần lớn trong những ngày lễ hội khi các ảnh tượng có phủ màn của các thần được các giáo sĩ rước đi trong những chiếc thuyền thánh. Thay vào đó, bá tánh bình dân thờ phượng các thần tại những ngôi đền nhỏ ở địa phương hay tại những nguyện đường ở cổng các đền lớn. Việc thờ phượng của họ chủ yếu là dâng lễ theo một số những nghi lễ nhất định. Người dân được phép vui chơi trong những ngày hội lớn. Đôi khi dân được nghỉ việc để thờ phượng các thần riêng của mình (đó là điều Mô-sê đã xin Pha-ra-ô cho phép làm: Xh 5:1,3). Khi gặp nạn như đau yếu chẳng hạn, người Ai Cập tin rằng đó là các thần trừng phạt vì mình làm trái. Thế là họ phải thú tội và cầu xin được lành bệnh và được trợ giúp. Nếu được lành, họ thường dựng những bảng khắc nhỏ với một bài thánh ca ngắn dâng lên thần để ghi lại lời tạ ơn của họ.

Giống như các dân tộc khác, người Ai Cập xưa có nhận thức luân lý về đúng sai. Giết người và trộm cắp là sai, giống như bây giờ. Nhưng ma thuật được sử dụng để bắt quyết quyền lực siêu nhiên. Ma thuật tốt hay ma thuật ‘trắng’ được dùng để trừ khử các rắc rối của đời sống. Những ma thuật xấu hay ma thuật ‘đen’ được coi là tội ác cần phải trừng phạt. Ma thuật thường có nghĩa là phải đọc y hệt các câu thần chú trên những mẫu ảnh hay tranh vẽ nhỏ có liên quan tới chủ thể ma thuật. Người ta thường đeo bùa may hay bùa chống họa. Biểu hiệu sự sống hay con bọ hung tượng trưng cho sự đổi mới được nhiều người dùng hơn cả.

Sự sống đời sau: Người Ai Cập ngày xưa chôn cất người chết của họ dọc theo bìa những sa mạc khô ráo chạy dài theo thung lũng Sông Nin. Cát khô và sức nóng mặt trời làm thân xác những người cổ xưa ấy khô nhờ thế mà bảo toàn được lâu trong những ngôi mộ nông sơ. Người Ai Cập tin rằng xác con người là nơi chứa linh hồn, và trong cuộc sống sau khi chết linh hồn ấy vẫn cần những đồ dùng cá nhân y như cuộc sống trên trần gian. Bởi thế khi huyệt mộ trở nên quá lớn và quá sâu khiến nắng mặt trời không chiếu thấu, họ đã nghĩ đến những phương thế nhân tạo khác. Như chèn xác với muối, ướp và bó xác (mummification). Xác ướp như thế sau đó được để trong áo quan và chôn trong mộ huyệt cùng với các vật dụng cá nhân khác. Ông Giu-se đã được tẩm niệm kiểu này, và chôn trong áo quan trên đất Ai Cập (St 50:26).

Phần lớn người Ai Cập hy vọng có được một cuộc sống tươi đẹp đời sau trong vương quốc của Osiris. Họ có sách bùa phép viết trên giấy sậy giúp họ qua khỏi cuộc phán xét dành cho người chết. Mà cuốn nổi tiếng nhất chính là cuốn Sách Người Chết. Linh hồn các vị vua quá cố sống đời sau với thần mặt trời, dùng thuyền qua lại bầu trời ban ngày. Còn ban đêm, họ vào vương quốc Osiris, chăm nom các thần dân của mình. Việc nhấn mạnh đến những vấn đề như ướp xác, bùa phép và trang trí lộng lẫy cho các ngôi mộ khiến người ta có những quan niệm hết sức duy vật chất về cuộc sống mai hậu.

Tôn giáo của Người Ai cập và Thánh Kinh: Tôn giáo của người Ai Cập rất khác với tôn giáo của người Do Thái. Thiên Chúa của Ít-ra-en liên hệ với dân Ngài trong lịch sử thực tại. Ngài đòi họ tuân theo luật công chính của Ngài hơn là nghi lễ hay dâng cúng (1 Sm 15:22). Nghi lễ mà không sống cho đúng là vô ích. (Người Ai Cập đôi khi cũng đồng ý như thế). Không như các thần Ai Cập (vốn cần ba bữa một ngày), Thiên Chúa của Ít-ra-en không cần ăn uống cũng như bất cứ những gì do bàn tay con người làm ra (xem Tv 50:11-13). Các nghi lễ của Ai Cập là các biểu tượng, các hành vi phù phép. Các nghi thức diễn ra trong nhà tạm và đền thờ Do Thái có mục đích giáo huấn dân về bản tính và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Các nghi thức Ai Cập phức tạp và chỉ dành cho một thiểu số đặc biệt. Trái lại, các nghi lễ Do Thái đơn giản hơn nhiều, mục đích phần lớn là để giáo hóa cả dân lẫn các giáo sĩ.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 19.02.2009. 16:42