Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-lip-phê

§ Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

1. Thành lập giáo đoàn Phi-líp-phê

Phi-líp-phê ngày nay là một nơi hoang tàn, nhưng xưa kia là một thành phố sầm uất, nằm ở chân dãy núi Pangée (Păng-giê), cách biển chừng 12 cây số. Ngày đó, Phi-líp-phê ở vị trí bao quát một khu đồng bằng trù phú, với những mỏ vàng mỏ bạc.. Khi sáp nhập miền ấy vào xứ Ma-kê-đô-ni-a, vua Phi-líp-phê II, thân phụ của A-lê-xăng-đê đại đế sau này, đã cho xây lại thành phố, phòng thủ chắc chắn và lấy tên mình đặt cho thành phố ấy. Năm 31 trước Công Nguyên, hoàng đế Au-gút-tô dành cho thành phố này nhiều đặc ân và biến thành thuộc địa của đế quốc Rô-ma, đưa nhiều cựu chiến binh đến đây lập nghiệp.

Thánh Phao-lô đã đến thành phố này trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, vào khoảng năm 49-50, có các ông Si-la, Ti-mô-thêu và có lẽ cả Lu-ca đi theo, vì sách Công vụ Tông đồ bắt đầu dùng đại danh từ chúng tôi từ giai đoạn này (Cv 16,10). Đây là lần đầu tiên thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng cho Âu châu. Người Do thái ở đây không đông. Họ không có hội đường nên chỉ họp nhau ở cửa thành phố hay bên bờ sông suối. Thánh Phao-lô đã rửa tội cho mấy người, trong số đó có bà Lydia (Ly-đi-a), một nhà buôn len cánh kiến. Bà mời thánh Phao-lô đến trú ngụ tại nhà bà. Nhưng rồi các khó khăn xảy đến: thánh Phao-lô bị hành hung và phải ngồi tù, cuối cùng phải bỏ thành phố, để lại một cộng đoàn nhỏ gồm phần lớn những người gốc lương dân mới vào đạo.

2. Hoàn cảnh viết thư này

Thánh Phao-lô tha thiết với giáo đoàn này cách đặc biệt, Ngài thường xuyên tiếp xúc với họ. Chỉ có họ là đuợc ngài nhận quà biếu (4,15; 2 Cr 11,8-9), tuy vẫn chủ trương rao giảng Tin Mừng không công (2 Cr 11,7; x 1 Th 2,9; 2 Th 3,7-9; 1 Cr 4,12; 9,15 2 Cr 11,9). Vậy, nếu ngài đã xử khác với người Phi-líp-phê, thì có lẽ vì ngài có cảm tình đặc biệt với họ. Họ đã giúp ngài lần đầu tiên khi ngài rời Ma-kê-đô-ni-a đi Hy lạp. Về sau khi nghe tin ngài bị tù và lâm cảnh ngặt nghèo, họ đã thu góp tặng vật và cử anh Ê-pa-phô-đi-tô đem đến cho ngài những thứ đó và ở lại giúp ngài. Chẳng may, anh này ngã bệnh phải trở về. Thánh Phao-lô cho anh về và gửi một bức thư cám ơn những người đã giúp đỡ ngài, đưa cho họ một vài tin tức, báo cho họ biết đôi điều đự định và khuyên họ sống sao cho tốt. Ngoài thư gửi cho ông Phi-lê-mon, không có thư nào lời lẽ thân mật và tình nghĩa như thư này.

3. Thánh Phao-lô bị giam giữ

Khi viết thư này, thánh Phao-lô đang ở trong tù. Ngài không rõ số phận mình rồi sẽ ra sao. Thư này thường được xếp vào lọai các thư viết khi ngài bị giam giữ (Ep, Pl, Cr, Plm). Theo sách Công vụ Tông đồ thì ngoài lần bị giam giữ ở Phi-lí-phê ra, thánh Phao-lô còn bị giam giữ một lần nữa ở Kai-sa-ri-a (Césarée) trên đường đi Rô-ma.. Vì trong thư có nói đến phủ đường và gia thuộc của Hoàng đế (4,22), nên tự nhiên ai cũng nghĩ thư này được viết tại Rô-ma (Cv 28,16.30-31). Nếu nhận như vậy thì dễ giải thích tại sao thánh Phao-lô có những tâm tình thắm thiết và khoan dung (1,15), coi thường khốn nguy và cái chết (1,21). Lý do là vì khi đó ngài đã già rồi.

Nhưng ngày nay phần đông các nhà chú giải lại cho rằng thư này đã đuợc viết ở Ê-phê-xô đồng thời với hai thư Co-rin-tô. Sở dĩ như vậy vì sách Công vụ chỉ kể lại một số sự kiện đặc biệt trong đời các Tông đồ. Công vụ không cho biết nhiều về thời gian hơn hai năm thánh Phao-lô sống ở Ê-phê-xô. Thánh Phao-lô đã nhiều lần bị tù (2 Cr 11,23 và gặp rất nhiều nguy hiểm ở đây (1 Cr 15,32; 2 Cr 1,8; 2 Cr 4,8-10; 6.9).

Giáo đoàn Phi-líp-phê cử Ê-pa-phô-đi-tô đi; thánh Phao-lô cho anh ấy về. Môn đệ Ti-mô-thêu cùng đi để mang tin tức lại. Chính thánh Phao-lô, nếu được thả, có lẽ sẽ cùng đi Phi-líp-phê. Việc nói đến phủ đường không nhất thiết minh chứng thư này được viết ở Rô-ma, vì thời đó, phủ đường có nghĩa là một văn phòng tại một tổng trấn, nơi có tòa án và nhà tù. Đó là trường hợp ở Ê-phê-xô. Còn chữ gia thuộc của hoàng đế thì không bó buộc phải hiểu về những người trong hoàng tộc, mà có thể đó chỉ là đám nô lệ hay bọn người đã được giải phóng. Ở Ê-phê-xô vào thời ấy, có rất đông loại người này. Rất có thể nhìều người trong số họ đã theo đạo và thường liên lạc với thánh Phao-lô.

Giả như có một vài chỉ dẫn khác về thời gian thánh Phao-lô bị giam giữ ở Ê-phê-xô, chắc chắn người ta sẽ biết rõ thư này được viết ở đây, một thời gian sau, trước khi viết hai thư Co-rin-tô. Nhưng trong tình thế hiện thời không thể nào biết đích xác được. Nếu viết ở Ê-phê-xô thì chắc chắn phải vào khoảng năm 56 hay 57. Và lúc đó thánh Phao-lô chưa già. Như vậy, ta dễ hiểu vì sao tư tưởng trong thư này cũng rất gần với thư Rô-ma và hai thư Co-rin-tô

4. Thư Ê-phê-xô có bao gồm nhiều tư tưởng trong các thư khác không ?

Thánh Phao-lô là tác giả thư Ê-phê-xô. Không ai nghi ngờ gì về điều này. Nhưng có người nghĩ rằng đó không phải là một thư mà là nhiều thư gộp lại. Có thể những thư ấy đều là của thánh Phao-lô gủi cho giáo đoàn Phi-líp-phê. Người thì bảo thư này gồm một thư cám ơn (1,1-3; 4,10-23) và một thư khuyên nên đề phòng phe Do thái (3,2-4,9. Quả thật, giữa 3,1 và 3,2, tư tưởng thay đổi quá đột ngột, nhưng cũng có thể hiểu được, nếu thánh Phao-lô đọc cho người ta viết và đọc trong nhiều lần khác nhau. Người khác đề nghị chia thư thành nhiều mảng. Nhưng chẳng giả thuyết nào có giá trị chắc chắn, vì ý tưởng hân hoan thấy rải rác trong khắp thư và bốn chương có vẻ thật duy nhất chứ không phải chỉ là một bức tranh ghép lại bằng nhiều mảng.

5. Dòng tư tưởng trong thư

Thư này không phải là một thiên khảo luận có dàn bài chặt chẽ, nhưng người ta vẫn có thể theo dõi được dòng tư tưởng một cách dễ dàng.

Tuy ở xa, nhưng thánh Phao-lô vẫn gần gũi người thân. Ngay từ đầu thư đã thấy gợi lên tình huynh đệ đằm thắm trong Đức Ki-tô. Lúc bấy giờ thánh Phao-lô đang bị giam giữ và chưa biết số phận mình sẽ ra sao. Nhưng dù xẩy ra thế nào đi nữa, thì ngài vẫn tin rằng Tin mừng được củng cố và chắc chắn Đức Ki-tô sẽ thắng. Thánh Phao-lô ước ao được tiếp tục giảng đạo và khuyên các tín hữu nên bền tâm vững chí. Nhưng phải khiêm nhường và cẩn thận giữ gìn sự hiệp nhất và tinh thần phục vụ, Nhằm khuyến khích tín hữu, thánh Phao-lô trích một đoạn văn rất quan trọng. Đó là bài ca người tôi trung đau khổ của Đức Chúa. Hiệp thông với Đức Ki-tô toàn thắng, cộng đoàn phải mạnh mẽ và kiên trì làm chứng cho Người. Rồi thánh Phao-lô cho môn đệ Ti-mô-thêu và anh Ê-pa-phô-đi-tô biết các dự tính của mình.

Ở đầu chương 3, bỗng nhiên thánh Phao-lô bảo độc giả phải cảnh giác với phe Do thái. Lập trường sai lạc của họ cũng giống như đã nói trong thư Ga-lát. Tín hữu Phi-líp-phê đã bị họ tuyên truyền chưa ? Không chắc vì đầu thư không thấy nói gì. Có lẽ tác giả chỉ muốn để phòng vậy thôi, bởi thấy họ đã gieo tai hại ở nhiều nơi. Thánh Phao-lô nhắc lại kinh nghiệm ngài đã gặp Đức Ki-tô. Cuộc gặp gỡ này đã có ảnh hưởng quyết định đối với ngài, khiến ngài từ bỏ tất cả để chiếm lãnh cho kỳ được Đức Ki-tô. Sau đó, ngài khuyên mọi người sống bình an, vui vẻ, hòa hợp và cám ơn những ai đã giúp đỡ ngài. Trong tất cả các thư, thư Ê-phê-xô và thư gửi cho ông Phi-lê-môn có giọng điệu thư từ hơn cả. Từ đầu đến cuối, bức thư có đệm những câu tâm sự và lời nhắn nhủ bên cạnh những đề tài thần học quan trọng.

Kết luận

Trong thư Phi-líp-phê có một đoạn rất tiêu biểu về con người của Đức Ki-tô, Người vốn dĩ ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ địa vị cao sang đó, làm cho mình hóa ra như không, mặc lấy thân nô lệ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người lên, trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu, khiến mọi loài phải bái quì, xưng tụng Người là Đức Chúa. Đó là lời xưng tụng tuyệt vời và là bài học hùng hồn về điều xem ra như nghịch lý của Tin Mừng: mất đi để được lại, chết để được sống, làm cho mình hóa ra không để cuối cùng được vinh hiển muôn đời.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris trang 2833-2835)

Lm Anrê Đỗ Xuân Quế, OP

Đọc nhiều nhất Bản in 17.03.2009. 16:30