Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (7)

§ Vũ Văn An

VII. Sống Mãi! (Mc 16:9-20)

Ta bước vào đoạn kết phúc âm Máccô. Chủ đề của nó là tin. Đây là chủ điểm lớn của toàn bộ phúc âm này, vì như ta đã thấy, phúc âm này không nhằm trình bày cuộc đời người tử đạo bị đóng đinh. Mà nhấn mạnh đến việc cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô là một cái gì cần phải tin. Như đã nói, người ta cho rằng đoạn này gồm các câu 16:9-20 không có trong các thủ bản (manuscripts) cổ xưa nhất. Do đó, một số học giả thắc mắc không biết thực ra những câu này có thuộc phúc âm Máccô hay không. Tuy nhiên, phần lớn các thủ bản Hy Lạp khác đều có đoạn này. Mặt khác, hai trong số các giáo phụ đầu thế kỷ thứ hai có trích dẫn đoạn này. Và Giáo hội luôn nhìn nhận đoạn này là lời linh hứng của Thiên Chúa.

Lý do khiến một số học giả nghĩ như trên vì có sự thay đổi rõ rệt so với toàn bộ phúc âm Máccô: nó không được trình bày dưới hình thức thuật truyện. Cho đến đoạn này, thánh Máccô kể lại các biến cố tuần tự xẩy ra cho Chúa Giêsu. Đột nhiên đến đoạn này, ngài không kể nữa mà tóm tắt lại các biến cố xẩy ra trong khoảng 40 ngày. Việc đột nhiên đổi ra hình thức tóm tắt này cho thấy ai đó, chứ không phải Thánh Máccô, đã viết ra nó. Ta cũng nên nhớ rằng, tác giả nhân loại của đoạn này là điều không quan trọng. Nếu Chúa là tác giả của 16:9-20, thì đó là lời Chúa, bất kể người nào cầm ngọn bút. Đoạn này được chia thành 3 phần:

Phần 1: Căn Bản Niềm Tin Tông Đồ (Mc 19:9-14)
Phần 2: Ơn Gọi Rao Giảng Tông Đồ (Mc 16:15-16)
Phần 3: Lời Chứng Tông Đồ Được Củng Cố (Mc 16:17-20)

1. Căn Bản Niềm Tin Tông Đồ (Mc 16:9-14)

1.1 Xem Mc 16:9-11: ngày đầu tuần, Chúa hiện ra trước hết với Maria Mađalêna. Bà đi loan báo cho các môn đệ khác đang rầu rĩ khóc than. Nhưng họ không tin.

1.2 Rồi Máccô nhắc lại việc Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Xem 16: 12-13: Hai môn đệ này về kể lại cho các môn đệ kia, nhưng họ cũng không tin.

1.3 Chúa phải dùng phương thức khác. Xem Mc 16:14. Chính Chúa hiện ra với 11 tông đồ khi các ông đang ăn, trách cứ các ông không chịu tin chứng cớ của các anh chị em mình “thiếu đức tin, khăng khăng từ khước không tin”.

Tác giả các dòng trên muốn ta hiểu cái bầu khí cố chấp không tin kia nơi các tông đồ sau khi Chúa Phục Sinh. Bất chấp biết bao lời tiên tri và tiên đoán chính Chúa thốt ra về cái chết và việc sống lại của Người, 11 tông đồ vẫn thấy khó chấp nhận việc Người sống lại và đang sống giữa họ. Điều ý nghĩa là Chúa Giêsu muốn các ông tin, dù họ không thấy. Người muốn các ông tin lời kể lại của những nhân chứng thấy tận mắt việc Người sống lại. Họ là những người đáng tin và chỉ thuật lại điều chính họ cảm nghiệm. Sau những điều lạ lùng chính họ thấy Chúa làm, sau những điều chính Người dạy họ, thì những lời kể lại kia phải đủ sức thuyết phục các ông tin rằng Chúa quả đã sống lại. Người quan tâm đến việc họ không tin này đến nỗi đã trách cứ họ, như đã từng trách cứ họ nhiều lần lúc còn sinh hoạt bên cạnh họ. Khi trách cứ họ, Người nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nhân chứng và sự đáng tin của họ. Tầm quan trọng này cũng thấy lúc Người trách cứ Tông đồ Tôma. Vị tông đồ thiếu lòng tin này đòi có chứng cớ thể lý.

Nhưng Chúa Giêsu biết rằng đức tin Kitô giáo và Giáo hội Kitô giáo sẽ không bao giờ đặt căn bản trên chứng cớ thể lý. Chúng được xây dựng trên niềm tin, không phải là niềm tin mù quáng, mà niềm tin vào những lời đáng tin của các nhân chứng đáng tin. “Phúc cho những kẻ không thấy mà tin” (Ga 20:29).

2. Ơn Gọi Rao Giảng Tông Đồ

2.1 Sau khi trách cứ, Người trao cho các ông sứ mệnh lớn. Xem Mc 16:15-16: đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu rỗi. Ai không tin sẽ bị án phạt. Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh chú trọng đến chữ “đi” trong đoạn này, coi như lệnh truyền quan yếu nhất. Nhưng thật ra, chữ “giảng” mới chủ yếu. Chữ “đi” không hẳn là lệnh truyền, nó là một dữ kiện (a given), trong khi ra đi đó, việc quan trọng là giảng. Sự sai đi dĩ nhiên quan trọng, vì Giáo hội luôn là một sai đi không ngừng và trong khi ra đi như thế, Giáo hội rao giảng tin mừng Chúa Giêsu, tin mừng Người chịu chết và sống lại.

2.2 Tin mừng đó không phải là nguyên tắc lý thuyết phức tạp. Nó đơn giản chỉ là thánh giá và ngôi mồ trống. Nhưng tin mừng đó biến đổi cuộc sống ta. Tin mừng ấy cứu ta khỏi tội, sửa chữa cho ta và làm ta sống mãi. Nhiều người lầm tưởng, tưởng rằng tin mừng là thiên đàng chờ đón ta sau khi chết, hay những điều kỳ diệu nào khác. Tất cả những điều ấy rất tốt và đúng. Nhưng đấy không phải là tin mừng Chúa Giêsu truyền các tông đồ đi rao giảng. Đó không phải là tin mừng của thánh giá và phục sinh. Thiên đàng không phải là tin mừng, nó là hiệu quả của tin mừng. Tin mừng là quyền lực của tội đã bị thánh giá đánh cho tả tơi, và quyền lực sự chết đã bị đập nát bởi ngôi mộ trống. Chúa đang sống, và Người sống trong ta và qua ta, ban cho ta quyền lực sống cuộc sống chân thực. Tin mừng ta có nhiệm vụ rao giảng là tin mừng đó.

2.3 Nhiều người cho rằng tin mừng của Chúa Giêsu chỉ là yêu thương nhau. Bài học yêu thương quả là bài học hàng đầu của Chúa Giêsu. Nhưng tin mừng của Người đâu phải chỉ có thế. Tin mừng ấy trước nhất là sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Nhiều người cố ý nánh tré không nói đến thánh giá, vì thánh giá đẫm máu và khó coi quá. Nhiều người lại bỏ qua phục sinh, vì phục sinh huyền bí quá, khoa học không giải thích được. Tuy nhiên, Kitô giáo mà không thánh giá và ngôi mộ trống không phải là Kitô giáo. Nó chỉ là chất nuôi hy vọng trở nên người tốt hơn, một thứ giáo huấn luân lý. Người ta ít khi cần được giảng dạy phải làm gì về phương diện luân lý. Ai cũng biết ta cần sống trung thực, nhân từ, đầy yêu thương, trong sạch… Điều ta thiếu là năng lực thực hiện những điều tốt ấy. Ta cần sự biến đổi, chứ không hẳn giáo huấn luân lý. Ta cần sự thay đổi ngay trong cốt lõi bản thể mình để ta có thể làm điều chân thật, điều Thánh Kinh gọi là Cứu Rỗi. Bởi thế Chúa Giêsu dạy: “ai tin mà rửa tội thì được cứu rỗi. Ai không tin sẽ bị án phạt”.

2.4 Nhiều người bị lúng túng vì chữ “rửa” đến cái độ cực đoan mà cho rằng tin mà không rửa, không được cứu rỗi. Thực ra, như ta đã thấy có đến ba phép rửa mà phép rửa bằng nước là một, hai phép rửa kia là bằng ước muốn và bằng máu đào (tử đạo). Tên trộm lành được Chúa hứa thiên đàng lúc còn tòng teng trên thập giá (Lc 23:43) là thí dụ rõ nhất của phép rửa bằng ước muốn.

2.5 Lại có người thắc mắc về chữ “cứu”. Đối với họ, cứu có nghĩa là giúp mình qua cơn hoạn nạn, khó khăn. Thực ra Chúa Giêsu chịu chết không phải để cải thiện ta, làm ta trở nên tốt hơn. Mà thực sự Người chết để cứu sống ta, hệt như lúc ta chết đuối có người dơ tay ra cứu vậy

3. Lời Chứng Tông Đồ Được Củng Cố

3.1 Biến cố siêu nhiên này, tức việc phục sinh, bị xã hội bây giờ công kích dữ. Nhưng điều này không làm ta ngạc nhiên, vì thực ra nó bị công kích dữ ngay từ thế kỷ thứ nhất. Chúa biết rõ áp lực đó trên lời giảng của Tông đồ, nên sau đó, Người hứa ban cho các ông các dấu chỉ sẽ đi theo các ông và củng cố lời giảng của các ông. Xem Mc 16: 17-18. Nhân danh Thầy, người tin sẽ xua trừ ma qủi, nói tiếng lạ, lượm rắn mà không sao, uống thuốc độc cũng không hề hấn gì, và có thể chữa lành người bệnh.

3.2 Người ta rất dễ giải thích rằng bất cứ ai tin cũng được các dấu lạ này. Cái khó cho lối giải thích này là thế kỷ hai mươi chứng kiến bao nhiêu triệu cuộc trở lại Kitô giáo mà nào thấy chứng cớ các dấu lạ nào nơi họ! Dĩ nhiên dấu lạ vẫn xẩy ra đó đây, nhưng không phải xẩy ra với hết mọi tín hữu. Dấu lạ là chuyện hi hữu. Điều ấy muốn nói gì? Thứ nhất muốn nói ta hiểu sai đoạn phúc âm này của Máccô. Vì ta không nên tách đoạn này ra khỏi ngữ cảnh (context). Đây là lúc Chúa đang nói đến việc thiếu niềm tin nơi các tông đồ khi các nhân chứng kể lại cho họ biến cố phục sinh. Mấy câu cuối cùng này Chúa nói với chính các tông đồ thiếu niềm tin ấy.

3.3 Ta hãy lần lượt xem từng dấu chỉ Chúa nói đến.

3.3.1 Trừ qủi. Các tông đồ được quyền trục xuất qủi ra khỏi người ta, giải thoát họ khỏi ảnh hưởng của ma qủi.

3.3.2 Nói tiếng lạ. Các ông có năng lực ca tụng Thiên Chúa trong ngôn ngữ lạ. “Tiếng lạ” đây là nói thứ tiếng mình chưa học. Thánh Phaolô (1 Cor 14:2) viết: “Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa. Quả thế, không ai hiểu ông; ông nói những điều mầu nhiệm nhờ thần khí” Bởi thế hiểu theo nghĩa đen ơn này là không đúng. Cũng thế, không thể hiểu câu: rắn và thuốc độc không gây hại theo nghĩa đen được. Tin không ăn nhằm gì tới những màn ảo thuật hay phụ diễn mua vui (sideshow).

3.3.3 Dơ tay chữa người bệnh, và họ sẽ lành. Đây là cách chữa bệnh bằng việc đặt tay trên người bệnh. Việc này thường xẩy ra với các tông đồ. Cũng như các dấu lạ trên. Thánh Phaolô từng trục xuất qủi, nói tiếng lạ, bị rắn cắn mà không sao (Cv 28:5), và chữa lành bệnh nhân bằng cách đặt tay. Ngài làm nhiều lần như thế. Bởi thế trong 2 Cor 12:12, ngài viết: “Anh em đã thấy thực hiện nơi anh em những dấu chỉ của sứ vụ Tông đồ: nào là … nào là những dấu lạ điềm thiêng, nào là các phép lạ”.

3.4 Cho nên đó là các dấu chỉ của một tông đồ. Đó là những dấu chỉ kiểm nhận đi theo những người đầu tiên đi vào thế giới không tin và thù nghịch để rao giảng phúc âm của Chúa. Giải thích này được củng cố bằng hai câu kết thúc phúc âm Máccô. Xem Mc 16:19-20: sau khi nói như trên, Người được cất lên trời, ngồi bên hữu Thiên Chúa. Phần các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi. Chúa làm việc với họ và củng cố lời của Người bằng các dấu lạ kèm theo.

Thư Do Thái (2:3-4) cũng nhắc đến các dấu chỉ tông đồ như sau: “Làm sao chúng ta thoát khỏi, nếu chúng ta thờ ơ với ơn cứu độ cao qúi như thế? Ơn cứu độ đó, đầu tiên đã được Chúa rao giảng, rồi được những kẻ nghe cho chúng ta thấy là có hiệu lực, đồng thời được Thiên Chúa chứng thực bằng những dấu lạ điềm thiêng, bằng nhiều quyền năng khác nhau và bằng các ân huệ của Thánh Thần mà Người phân phát tùy ý muốn của Người”.

Như thế, phúc âm Máccô kết thúc với Chúa Giêsu lên trời. Không phải cái bầu trời không gian kia, mà là lãnh vực thiên đàng, cái chiều kích vô hình của đời sống ngay ở đây giữa chúng ta. Chúa Giêsu không ở đâu đó bên ngoài kia. Ngài đang ở đây, sống như Chúa trong lòng Giáo hội của Người, điều hướng các biến cố của nó, hoạch định các chiến lược của nó, đưa nó tới tận những chân trời xa nhất của thế giới. Vâng lời Người, các tông đồ đã toả lan ra khắp thế giới và rao giảng tin mừng của Người. Lời chứng của các ngài luôn được củng cố bởi các dấu lạ nói trên. Và thế là nền móng của điều thánh Phaolô gọi là giáo hội đã được đặt để. Ngôi nhà không làm bằng gỗ đá, ximăng nhưng bằng cuộc sống của Kitô hữu này đã trở thành nơi cư ngụ xinh đẹp của Thiên Chúa mãi mãi.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 12.04.2009. 23:14