Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (5)

§ Vũ Văn An

V. Hình Phạt Khủng Khiếp (Mc 15:21-47)

Ngay trung tâm Hạ Uy Di là đảo Molokai. Ngày nay nó là một thiên đàng, nhưng trong thập niên 1800, nó là đảo kinh hoàng: đảo hủi! Năm 1848, một dịch hủi, có lẽ từ Trung Hoa tràn tới, đã xẩy ra tại Hạ Uy Di và đến thập niên 1860, dịch hủi trở thành một đại họa, không phương ngăn chặn. Chính phủ Hạ Uy Di ruồng bố những ai mắc bệnh, phân ly cha con chồng vợ, đem họ nhốt tại Molokai, tại bán đảo Kalaupapa, tách biệt với các phần khác của Molokai bằng một ngọn núi thẳng đứng cao 1,600 bộ. Các bệnh nhân phải bơi qua eo biển mà lên bờ. Nhiều người chết đuối hay chết nắng sau đó. Chính phủ không cung cấp nhà ở, nước uống cũng như bất cứ phương tiện gì. Ai sống sót phải ở trong hang hốc hay những chòi tự dựng lấy. Thỉnh thoảng lắm mới có một tầu tiếp tế đến ngoài khơi, liệng những thùng đồ xuống biển, trôi dạt theo nước thủy triều. May thì tới bờ. Không may thì muốn đi đâu thì đi.

Số phận những người hủi này tệ hơn số phận những người hủi trong Thánh Kinh. Họ là những người bị kết án và không còn một chút hy vọng. Nhưng một con người đã cuơng quyết đem lại cho họ niềm hy vọng, đó là Cha Damien de Veuster, một linh mục Công Giáo người Bỉ, mới 33 tuổi đời, lên đảo năm 1873, tình nguyện đến với họ. Ngài biết làm mộc (làm nhà, làm nhà thờ, và làm hòm) và y khoa (chữa các vết thương, băng bó các vết sưng, và cưa những chân tay ung thối). Ngài sống giữa họ, dạy họ tay nghề, dựng nhà cửa, săn sóc người sống, chôn cất người chết, khích lệ họ qua cầu nguyện và giảng giải. Một ngày kia, quên pha nước lạnh, ngài để thẳng chân vào nước sôi, nhưng không thấy đau. Bệnh cùi bắt đầu hủy diệt thần kinh và 1ấy đi cảm giác đau khỏi ngài. Đó là năm 1885, sau khi cha sống 12 năm với người cùi. Chúa nhật sau đó, ngài bắt đầu bài giảng của mình với câu “chúng ta, những người cùi” (We lepers). Bốn năm sau, ngài qua đời, mới 49 tuổi.

Cuộc đời cha Đamiêng nhắc ta nhớ đến cuộc đời Đấng đến giữa chúng ta khi ta bị cách li kết án vì tội, bị đầy ải hết đường hy vọng. Người đến như thợ mộc, như thầy lang chữa bệnh, và như thầy dạy dỗ. Người khích lệ ta bằng cầu nguyện và giảng giải. Và cuối cùng, Người mang lấy bệnh tật của ta vào thân, hy sinh mạng sống mình vì ta. Người là Đấng Isaia (53: 4-6) đã viết về như sau:

“Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta”.

Những lời trên quả đã ứng nghiệm từng nét nơi Chúa Giêsu. Ước mong ta đọc đoạn phúc âm Máccô sau với lòng tôn kính tột độ trước sự thánh thiêng của việc Người chịu hy sinh cho chúng ta.

1. Rồi Họ Đóng Đinh Người

Trình thuật đóng đinh trong Phúc âm Máccô khác về cung giọng và chi tiết so với các phúc âm khác. Máccô bỏ qua khá nhiều chi tiết. Thí dụ Máccô chỉ ghi lại một lời duy nhất Chúa nói, trong khi các phúc âm khác ghi lại tổng số 7 lời. Máccô cũng chỉ kể lại các hành vi và lời nói của Chúa trong 3 đoạn ngắn.

1.1 Đoạn đầu tiên là Mc 15:22-24: Chúa Giêsu được đem tới Gôngôta, nghĩa là Núi Sọ. Ở đấy họ đưa cho người rượu nho pha mộc dược, nhưng Người không uống. Rồi họ đóng đinh Người. Có dịp tới Giêrusalem, bạn sẽ thấy ngoài cổng Damascus của tường phía bắc cổ thành, có một ngọn đồi trông giống như sọ người. Các học giả tin rằng đó là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trước khi đóng đinh, binh lính đưa cho Người rượu nho pha với mộc dược (myrrh). Mt 27:34 thì nói là rượu nho pha mật đắng. Thực ra nguyên bản Hy Lạp gọi mật đắng là chole, chỉ bất cứ chất đắng nào. Chất đấng ấy được Máccô cho là mộc dược, một thứ nhựa cây đăng đắng, có hiệu quả như thuốc mê (narcotic), mà người La Mã quen dùng giúp các nạn nhân bị đóng đinh giảm cơn đau khi bị đinh đóng thâu qua bàn chân và bàn tay. Chúa Giêsu từ chối không uống để chứng tỏ là Người không có ý định làm trở ngại công việc của các người thi hành bản án. Đây là điều chứng tỏ cho thấy Người sẵn sàng chấp nhận hình phạt và hiến mạng sống Người cho ta. Rồi soạn giả vỏn vẹn thêm 5 chữ: Rồi họ đóng đinh Người. Các tác giả phúc âm rất dè dặt khi diễn tả việc đóng đinh. Họ tránh không nói đến việc nện những chiếc đinh vào chân tay Chúa cũng như cái thống khổ Chúa phải chịu. Cái kinh hãi không thể tưởng tượng nổi của hình phạt này được tóm gọn vỏn vẹn 5 chữ trên. Máccô bỏ qua gần hết 3 giờ thống khổ trên thánh giá.

1.2 Đoạn thứ hai là đoạn Mc 15:33-34: giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ. Giờ thứ chín, Chúa la lớn: Eloi, Eloi, lama sabachthani (lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?).

1.3 Và đọan ba, đoạn cuối cùng. Xem Mc 15: 37-38: Chúa thở hơi cuối cùng. Màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.

Một trình thuật đơn giản và ngắn gọn. Thiển nghĩ vì thánh Máccô không muốn nói nhiều đến những điều đám đông thấy khi ngước trông lên thánh giá, mà là điều Chúa Giêsu thấy khi từ thánh giá nhìn xuống đám đông. Ta sẽ xem sét cái nhìn ấy.

2. Nhìn Từ Thánh Giá

Dưới chân thánh giá, có khá nhiều cá nhân và nhóm. Máccô chú ý đến từng người, cho thấy phản ứng của họ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu. Ngài muốn đặt tương phản giữa việc làm mầu nhiệm của Thiên Chúa và lối suy nghĩ phàm nhân. Nếu Chúa Giêsu bị đóng đinh ngày nay, cái đám đông tụ tập quanh thánh giá chắc cũng y hệt với từng ấy tính tình, nhân cách, thái độ, hành vi, lời nói.

2.1 Ta nên duyệt lại từ đầu, sau khi Chúa bị Philatô xử án. Trên đường lên Núi Sọ, Chúa bị té nhiều lần. Nên lính La Mã bắt một người từ đám đông vác đỡ thánh giá Chúa. Xem Mc 15:21. Ông ta người Xi-rê-nê, tên Simong, cha của Alexander và Rufus, đang trên đường từ miền quê lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Ông ta đâu ngờ gặp cảnh đóng đinh này. Chỉ vì tò mò mà lách đám đông vào coi con người tả tơi dưới sức nặng của đòn vọt và thập giá. Nhưng rồi bỗng thánh giá trên lưng, ông bị buộc bước ra khỏi thành. Không thấy dấu hiệu gì là ông bực tức hay phản đối. Nhưng chắc ông chả vui tí nào vì việc này phá ngang thời khóa biểu cũng như dự tính của ông. Về điều này, ta thấy ta giống ông ta: nhiều khi thánh giá bỗng từ đâu “rơi xuống” làm đảo lộn mọi sự khiến ta không vui.

Nhưng chắc một điều, biến cố này thay đổi trọn cuộc đời người Xirênê này. Như thấy ám chỉ trong Tông đồ Công Vụ (2:10). Thánh Máccô ghi chú rõ ông là cha Alexander và Rufus, những người chắc chắn rất quen thuộc với người tân tòng gốc dân ngoại, những người Thánh Máccô viết phúc âm này cho. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (16:13) cũng nhắc đến một người tên Rufus mà ngài rất quen biết. Có thể đó cũng chính là Rufus, con ông Simong. Bởi thế có dấu chỉ cho thấy ông trở nên một Kitô hữu nhờ biến cố bất ngờ trên.

2.2 Binh Lính và Trộm Cướp: Binh lính La Mã rất quen thuộc với cảnh đóng đinh. Lịch sử kể lại, trước khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, họ từng lùng bắt 2,000 người Do Thái chống đối và đem đóng đinh hết. Bởi thế họ khá nhẫn tâm. Vừa đóng đinh Chúa và dựng thánh giá lên, là họ tụ tập nhau dưới chân thánh giá ấy và mở cuộc đỏ đen chia áo sống Người. Đau khổ của nạn nhân nằm ngoài tâm tư họ. Sự nhửng nhưng truớc đau khổ của con người ấy đối với chúng ta ngày nay là điều không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có những người chỉ biết vui chơi bài bạc mà quên khuấy cả ý nghĩa thánh giá cuộc đời… Sau đó, Thánh Máccô cho ta nghe truyện hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Xem Mc 15: 27. Một tên bên trái, một tên bên phải.

Dưới chút nữa (câu 32), Thánh Máccô cho hay hai tên trộm cũng xỉ vả Chúa. Tất nhiên họ không ưa con người trước đây mấy ngày được chào đón như vị cứu tinh, nay cũng ủ rũ trên thập giá như họ! Chả làm gì thay đổi số phận của họ. Phúc âm Máccô không ghi sự kiện kế tiếp như phúc âm Luca (Lc 23:39-43), là phúc âm kể lại việc một trong hai tên trộm ấy, cuối cùng, đã ăn năn hối lỗi về sự nhục mạ của mình với Chúa Giêsu. Và qua đó, đã tìm ra chân lý: Chúa Giêsu quả là Vua sắp bước vào vương quốc với đầy đủ uy và thẩm quyền. Nhờ đâu anh ta tìm ra như thế? Phúc âm không nói rõ. Nhưng nhìn cách Chúa Giêsu đối diện với cái chết đã đủ sức thay đổi tâm hồn tên cướp này. Hơn thế nữa, nó còn khiến anh trở lại, ngay trên thánh giá, cạnh Chúa Giêsu. Ta bảo thật, hôm nay, anh sẽ cùng ta trên Thiên Đàng!

2.3 Những Kẻ Nhạo Báng, Các Tư Tế và Những Người Hiếu Kỳ. Xem Mc 15: 29-30. Người qua đường nhục mạ Người: phá đổ đền thờ rồi xây lại trong ba ngày, thì xuống khỏi thập giá đi, tự cứu lấy mình đi. Trong đó, hình như có cái gì chua chát, có thể vì thất vọng khi nhớ lại cách đó mấy hôm, ông này có vẻ “người lớn”. Thánh Máccô cho thấy điểm đó khi nhấn mạnh: họ lắc đầu. Điều oái oăm là Người đang làm trọn những lời họ đang ném vào mặt Người: Đền thờ mà Người có ý nói sắp sửa bị phá sập trước mắt họ. Còn những điểm khác cũng sẽ nên trọn vào ngày thứ ba.

Phần các tư tế và luật sĩ, những người âm mưu giết Người, cũng có mặt dưới chân thánh giá. Xem Mc 15: 31-32: hắn cứu người khác, nhưng lại cứu mình không được. Hỡi cái ông Kitô kia, cái ông Vua Israel kia, hãy xuống khỏi thánh giá đi, để bọn tao thấy mà tin. Họ vốn khiếp sợ thế giá đức Kitô, nhưng giờ đây, họ đã đánh đập được Người, đem án tử đến cho Người. Họ thấy hả hê chiến thắng, có quyền lên tiếng chế nhạo Người, không còn e dè như trước. Chúng tôi thấy nhiều tính biểu tượng trong câu nói của tư tế áp dụng vào thời nay. Bởi người thời nay cũng muốn Chúa Giêsu bước xuống thánh giá để họ thấy mà tin. Nghĩa là Người nên tách mình ra khỏi thánh giá. Họ sẵn sàng tin một Kitô giáo không thánh giá. Rất nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng nhất định từ chối thánh giá, thánh giá cho bản thân mình và cả thánh giá cho tôn giáo mình. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi thứ khác, nhưng thánh giá thì không. Một thứ phúc âm được Thánh Phaolô gọi là một “phúc âm khác”, một thứ ghê tởm bị Thiên Chúa loại trừ (xem thư Galát 1:6-9). Thánh giá là tâm điểm Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Người không thể xuống khỏi thập giá!

Cả cái người vô danh dưới chân thánh giá nữa. Xem Mc 15: 35-36. Khi nghe Chúa la: Eloi, Eloi, lama sabachthani, nhiều người tưởng Chúa gọi Êlia, nên người vô danh kia chạy đi lấy dấm chua đưa lên cho Người mà nói: để xem Êlia có đến đưa hắn xuống không. Nhưng Chúa Giêsu hô một tiếng lớn và tắt thở. Anh chàng vô danh ấy cũng chế nhạo Người nốt. Ta gọi anh ta là kẻ bàng quang hiếu kỳ. Xã hội ta không thiếu những kẻ bàng quang hiếu kỳ như thế, vào hùa với số đông chế nhạo chân lý, chế nhạo điều hay lẽ phải, vào hùa với điện ảnh, thưởng ngoạn hết the last temptation tới the da Vinci Code, ngấu nghiến cuốn sách cùng tên hay những cuốn như Phúc Âm Giuđa.

2.4 Viên Bách Quản, Các Phụ Nữ và Người Môn Đệ Không Nêu Danh: Đến đây, Chúa hô to và tắt thở. Nhưng câu truyện của Máccô chưa chấm dứt. Xem Mc 15: 39. Sau khi Người thở hơi thở cuối cùng, không còn người nhạo báng, hạ nhục, nguyền rủa. Chỉ còn lại người ngưỡng phục.Viên bách quản nghe tiếng kêu và thấy cách Người qua đời, bèn nói: Người này quả là Con Thiên Chúa. Viên sĩ quan này vốn ngoại đạo, hẳn biết khá nhiều thần minh, nhưng mầu nhiệm thánh giá đã đem lại cho ông ý niệm rõ nét về thực tại tối hậu, nhờ được xem cách Người qua đời. Cách nào? Cách đầy phẩm giá, cao thượng, đầy sức mạnh của một nhân cách vượt quá lãnh vực thuần nhân bản. Đến đây, hẳn không ai không nhớ đến cái chết đầy phẩm giá của Giáo Hoàng Cả Gioan Phaolô II, một cái chết đã đem những kẻ thù vốn không đội trời chung ngồi lại bên nhau, tay bắt mặt mừng chúc “bình an” cho nhau, một cái chết ít khi thấy trong lịch sử con người.

Rồi các phục nữ. Xem Mc 15: 40-41. Họ là những người từng đi theo Chúa từ hồi còn ở Galilê. Một số mới theo Người từ Giêrusalem. Còn mấy người đàn ông đâu hết? Nhất là các môn đệ, kể cả Phêrô? Phúc âm Máccô không trả lời. Nhưng phúc âm Gioan (19:26-27) cho hay có người môn đệ yêu dấu đứng dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria. Gioan không kể tên người môn đệ yêu dấu ấy, nhưng ai cũng hiểu người đó chính là Gioan. Ông được Chúa Giêsu phó thác người mẹ thân yêu, người nay trở thành góa bụa, một người mất hết quyền lợi trong xã hội Do Thái. Như thế, đối với Máccô, không có người đàn ông nào cạnh Chúa lúc Người hấp hối. Chỉ có những người đàn bà kia, họ đã yêu thì yêu đến cùng, bất chấp sợ sệt, khủng bố. Người ta vẫn cho đây là điểm son sáng ngời nói lên điểm mạnh của người đàn bà. Họ không mong đợi gì đâu, họ không có ý niệm gì về phục sinh, họ không mong Thiên Chúa hành động cách đặc biệt dẫn đưa họ qua cơn thất vọng. Nhưng họ đã yêu, thì họ yêu đến cùng, dù cả niềm tin lẫn hy vọng đều đã tiêu tan.

Và sau cùng là người môn đệ trong bóng tối, ông Giuse thành Arimatêa. Xem Mc 15:42-47. Ông vốn là thành viên có hạng của Thượng Hội Đồng, giờ đây “mạnh dạn” đến xin xác Chúa Giêsu. Ông tẩm liệm rồi đặt xác Người trong huyệt đá mới. Có hai người đàn bà trông chừng. Là thành viên Thượng Hội Đồng, nhưng không thấy ông lên tiếng bênh vực Chúa. Dù chờ mong Nước Thiên Chúa, nhưng không có dấu chỉ gì là ông tuyên xưng niềm tin vào đức Kitô. Phải chăng đến tận lúc thấy xác Người thiểu não trên thánh giá, tâm hồn ông mới thay đổi hoàn toàn, giống như viên sĩ quan bách quản? Cuối cùng thì mầu nhiệm đóng đinh đã đánh động toàn bộ con người ông, khiến ông “mạnh dạn” hành động. Phần lớn chúng ta giống Giuse Arimatêa, bình thường thì xìu xìu ển ển, lắm lúc tìm cách che dấu cả bản sắc Công giáo của mình. Nhưng cũng có lúc Chúa mang đến thử thách quyết định khiến chúng ta hoặc tỏ mình ra hoặc phải công khai bác bỏ. Ước mong chúng ta cũng kết cục như Giuse, “mạnh dạn” hành động như môn đệ đức Kitô dù có lúc hèn hạ che dấu bản sắc mình.

3. Hãy Đến

Cuối trình thuật của Máccô, ta được đối diện với ba biến cố sâu sắc và lớn lao, ba sợi chỉ dệt nên sợi dây cứng cáp chân lý.

3.1 Trong ba giờ cuối cùng cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu, một bóng tối mầu nhiệm và đáng sợ trùm phủ cả khu vực. Cuối bóng tối đó xẩy ra điều được gọi là “tiếng kêu mồ côi của Đấng Emmanuel”: “Lạy Chúa, Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?” (Eloi, Eloi, lama sabachthanai?)

3.2 Liền sau tiếng kêu đó, Chúa trút hơi thở cuối cùng. Ta cần hiểu rằng Người không chỉ qua đời mà là trút hơi thở, đúng hơn trút tinh thần [tiếng Anh: dismisses his spirit. Tiếng Latinh theo bản Nova Vulgata do đức Phaolô chuẩn phê theo quyết định của Công đồng Vatican II và do đức Gioan Phaolô II công bố ngày 25 tháng 4 năm 1979: exspiravit (Máccô), emisit spiritum (Mátthêu), exspiravit (Luca), tradidit spiritum (Gioan)]. Người thí mạng sống mình. Cái chết của Người là cái chết có ý thức và tự ý. Người không phải là nạn nhân. Người là hy lễ.

3.3 Cách đó nửa dặm, trong đền thờ Giêrusalem, ngay nơi cực thánh, một hiện tượng lạ lùng xẩy ra. Chiếc màn lớn ngăn nơi cực thánh bị cắt ra làm hai, từ trên xuống (Nova Vulgata: scissum est. Scissum là cắt như cắt bằng kéo. Chữ scissors của Anh do chữ này mà ra). Chiếc màn này vốn là ranh giới chỉ thầy cả thượng phẩm mới được phép vượt qua mỗi năm một lần. Nay bức màn ấy bị cắt ra làm đôi, như bởi một bàn tay nhiệm mầu.

Ba biến cố trên được cột chặt với nhau tạo nên một chân lý nhiều ý nghĩa. Tiếng kêu mồ côi trong bóng tối thánh giá, việc trút tinh thần của Chúa Giêsu và việc màn trong đền thờ bị cắt đôi được cột lại với nhau để ta hiểu trọn ý nghĩa của chúng. Khi Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi? Những người hiện diện ở đó hẳn nhớ đến những chữ mở đầu của thánh vịnh 22. Khi bạn đọc hết thánh vịnh này, bạn sẽ thấy như bạn đang đọc chính bản văn của Chúa Giêsu nói về viêc đóng đinh của mình. Không thể có câu trả lời thoả đáng nào cho câu Chúa Giêsu hỏi bằng lời thánh Phaolô viết trong 2 Cor: 5:21: “Thiên Chúa đã làm cho đấng vô tội trở thành tội vì ta, để trong Người, ta có thể trở nên công chính đối với Chúa”.

Thiển nghĩ ta khó có thể hiểu được cái thẳm sâu của sự phân cách và cô đơn Chúa Giêsu cảm thấy lúc Người trở thành tội vì ta. Ta không thể nắm được điều đó có nghĩa gì. Nhưng ta biết điều này: cái cảm thức khủng khiếp về đơn côi và tối tăm đã làm phát sinh ra tiếng kêu xé ruột trên từ cổ họng đức Kitô là chính là tương lai của chúng ta nếu Người không là Chúa và Cứu Chúa của ta. Người đã mang lấy hình phạt khủng khiếp mà chúng ta đã tạo nên do tội lỗi của mình.

Và Người trút tinh thần. Rồi màn đền thờ bị cắt đôi. Tại sao bị cắt đôi? Điều này hàm nghĩa việc thờ phượng trong đền thờ này trở thành hết cần thiết vì một lẽ đơn giản là hy lễ đời đời đã thay thế nó cách vĩnh viễn. Nhưng cũng hàm nghĩa Nơi Cực Thánh hết còn phân cách. Trái tim Chúa rộng mở cho hết mọi người. Bất cứ ai cần được cứu rỗi có thể bước vào tự do. Hình phạt đã được đền trả, cái giá của tội đã được thanh toán đầy đủ.

Os Guinness kể câu truyện về một người Nga gốc Do Thái, bị bắt cầm tù 15 năm vì tội chống chế độ Sô Viết. Trong thời gian ngồi tù, ông may mắn được một người bạn chia sẻ phúc âm và sau đó ông trở thành Kitô hữu. Từ đấy, hai điều giúp ông quyết tâm sống là đức tin vào Đức Kitô và niềm hy vọng nhìn lại đứa con trai duy nhất, mới chỉ lên 4 khi ông bị bắt. Hết hạn tù, ông được thả, niềm vui lớn nhất của ông dĩ nhiên là được nhìn lại đứa con trai ấy, lúc đó đã trở thành một thanh niên tuấn tú. Thấy con đeo cây thánh giá, ông mừng hết nói. Hỏi con đã trở thành Kitô hữu ra sao, ông rất ngạc nhiên thấy cậu chẳng hiểu ông muốn nói gì. Phải đợi ông chỉ vào cây thánh giá, cậu mới vỡ lẽ. À, không phải, con đeo cái này vì bây giờ ai cũng thích đeo nó!

Quả đáng buồn. Đối với chúng ta, nhiều khi thánh giá cũng chỉ là đồ trang sức. Tuy nhiên, đối với những người đã gặp gỡ Đức Kitô, thì thánh giá nói lên rất nhiều. Thánh Phaolô (1 Cor 1:18) dạy ta rằng:”Vì sứ điệp của thánh giá là khùng điên đối với những ai hư mất, nhưng đối với chúng ta, những người được cứu rỗi, nó là quyền lực của Thiên Chúa” Biểu tượng nhục hình đã trở nên khí cụ thánh thiêng của cuộc sống trường sinh.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 09.04.2009. 00:55