Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (4)

§ Vũ Văn An

 IV. Chúa Giêsu và Các Nhà Cai Trị (Mc 15:1-20)

Năm 26 CN, Hoàng đế La Mã Tiberius Caesar cử Pôngxiô Philatô làm tổng trấn Giuđêa. Dân Do Thái ghét La Mã và đặc biệt ghét Philatô vì ông ta nổi tiếng khinh mạn dân Do Thái và tôn giáo của họ. Lc 13: 1 kể lại vụ ông ra lệnh thảm sát người Do Thái Galilê đến dâng của lễ tại Đền Thờ Giêrusalem rồi lấy máu của họ hoà lẫn với máu vật dâng trên bàn thờ. Sau này có lần ông ra lệnh treo cờ có hình hoàng đế La Mã khắp nơi tại Giêrusalem. Hình ảnh này luật Môsê cấm trưng bầy. Nên dân Do Thái phản đối. Ông dọa giết hết mọi người nếu không chịu treo cờ. Dân bằng lòng dơ cổ cho lính chém. Thấy thế, Philatô phải nhường bước. Dù sao ông cũng là người thực tiễn. Làm dân nổi loạn chỉ tổ vạch áo cho hoàng đế xem cái lưng bất tài. Ông ra lệnh kéo cờ xuống. Con người khinh mạn, tàn ác và thực tiễn đó là người sẽ giáp mặt với vị rabbi nhà quê, chuyên chu du giảng dạy dân. Dù ông biết rõ vị rabbi này vô tội, không như lời tố cáo của các lãnh tụ Do Thái giáo, ông vẫn trao cho họ mang đi đóng đinh. Chỉ vì con người thực tiễn là con người bao giờ cũng để tư lợi lên trên hết thẩy.

1. Câu Truyện Đàng Sau Một Câu Truyện

1.1 Sắp đến hồi kết thúc câu truyện về Người Thống Trị phục dịch trong phúc âm Máccô. Mc 15 kể cho ta nghe việc Chúa Giêsu ra trước Philatô, tổng trấn La Mã. Các phúc âm gia không chỉ kể truyện về các biến cố quanh thánh giá. Muốn hiểu thế thì cũng được, nhưng bạn sẽ không thấy gì khác ngoài câu truyện tầm thường về một người tốt bị xử oan. Trái lại, nếu bạn đọc cách cẩn thận và có suy nghĩ sâu xa, bạn sẽ thấy nhiều sức mạnh lạ lùng và kỳ thú hoạt động bên dưới câu truyện này. Thực thế, truyện thánh giá là truyện triệt để, kỳ diệu và có tính cách mạng, đem lại một sức biến cải rất mạnh.

1.2 Trong 1 Cor 2:7-8, Thánh Phaolô nói rằng ngài tuyên xưng “sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan được dấu kín, được Chúa dành cho vinh quang của ta từ trước khi có thời gian. Không một nhà cai trị nào ở đời này hiểu được nó, bởi nếu hiểu, họ đã không đóng đinh Chúa của vinh quang”. Thành ra, có một cái gì sâu xa đang xẩy ra phía sau trong trình thuật này, mà nếu chịu đọc cẩn thận ta sẽ thấy đôi nét.

1.3 Trong bài trước, ta thấy Chúa Giêsu bị các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo xử án. Bây giờ, Người bị quan tòa ngoại giáo, tổng trấn La Mã, xử. Tuy nhiên vấn đề lại là vấn đề Do Thái: Chúa Giêsu có phải là vua Do Thái hay không. Sự quan tâm của viên tổng trấn La Mã về vấn đề này cho thấy có một điều gì đó sâu xa hơn, một điều gì đó mầu nhiệm nằm trong sợi chỉ xuyên suốt của câu truyện. Thiết tưởng, ta nên nghĩ đến 4 câu hỏi chủ yếu trong trình thuật này. Tại sao Philatô ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu im lặng; tại sao dân chọn Baraba chứ không chọn Chúa Giêsu; tại sao Philatô ra lệnh đánh Chúa Giêsu trước khi đóng đinh; tại sao lính La mã chế diễu Chúa Giêsu các độc ác.

2. Chúa Giêsu Im Lặng

2.1 Câu hỏi đầu tiên. Mc 15:1-5: Thượng hội đồng trao nạp Chúa Giêsu cho Philatô. Câu hỏi đầu tiên của Philatô ”ông có phải vua dân Do Thái không?” được Chúa trả lời khẳng định. Nhưng khi hỏi về phản ứng đối với các lời Thượng hội đồng tố cáo, thì Chúa im lặng.

2.2 Ta biết Thượng hội đồng họp ban đêm và đã lên án bất hợp pháp. Bởi thế, sáng sớm (cho hợp lệ), họ họp nữa rồi trao nạp Chúa Giêsu cho Philatô. Họ biết bản án của họ vô giá trị đối với tổng trấn La Mã. Tội xưng mình là Con Thiên Chúa đối với Philatô không có nghĩa gì cả, dù dưới luật Do Thái, tội ấy đáng chết. Nên họ phải tố cáo Người dưới luật La Mã. Theo phúc âm Luca, họ tố Người ba tội: gây rối đất nước qua việc khích lệ kẻ gây rối, tạo phản; khích lệ người ta không đóng thuế; và sau cùng, muốn xưng vua chống lại xê-da. Philatô coi lời tố cáo thứ ba là quan trọng. Bởi thế ông mới hỏi câu đầu tiên: ông có phải là vua dân Do Thái không?

2.3 Câu Chúa trả lời làm nhiều người bỡ ngỡ. Người không nói: tôi là Vua dân Do Thái, mà nói: “Chính ngài nói đó”. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, câu trả lời của Chúa không xác nhận cũng không phủ nhận, dường như muốn nói: “Đó là điều ngài nói. Tôi có phải vua Do Thái hay không? Theo cách nghĩ của ngài, chắc hẳn ngài coi tôi là vua dân Do Thái”. Tại sao Người không trả lời rõ ràng? Phúc âm Gioan (18:36-37) có thể giúp ta hiểu phần nào: Nước tôi không thuộc thế gian này… mà thuộc nơi khác. Theo nghĩa này, tôi quả là Vua. Vua sự thật.

2.4 Philatô hiểu ra với nghĩa này, Chúa Giêsu không là một đe doạ đối với La Mã. Ông ta tin Chúa Giêsu và thấy nhẹ nhõm, không còn sợ như lời tố cáo của thượng hội đồng Do Thái. Hẳn các nhà lãnh đạo tôn giáo này thấy vụ án của mình có cơ xụp đổ. Quả có thế, vì theo Máccô, Philatô nhận ra ngay rằng các lãnh tụ này chẳng qua ghen tị với Chúa Giêsu mà thôi (Mc 15:10). Ghen điều gì? Dĩ nhiên là ghen cái sức thuyết phục và thế giá của Người đối với dân, như vệ binh đền thờ có lần nói về Người: “không ai nói như người này nói” (Ga 7:46). Và vì thế, họ ráng thuyết phục Philatô bằng cách tố cáo Người nhiều điều nữa. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời các lời tố cáo này. Khiến Philatô ngạc nhiên, ra lời khích lệ Người lên tiếng bênh vực mình. Chúa vẫn im lặng. Sao vậy?

2.5 Ta thấy sau này, lúc đã bị đóng đinh, các thượng tế và luật sĩ nhạo báng Người rằng: “hắn đã cứu nhiều người, mà lại không cứu được mình.” (Mc 15:31). Người muốn cứu mình lắm chứ, theo bản tính loài người. Người cũng muốn thuyết phục Philatô thả tự do lắm chứ. Người biết rõ Philatô tin rằng Người vô tội, không những thế còn tìm cách thả tự do cho Người. Cho nên bất cứ trả lời ra sao, Philatô cũng căn cứ vào đó mà tha bổng Chúa Giêsu. Thành thử Người làm sao hợp tác với Philatô cho được. Sự im lặng của Người vì thế khiến Người cứ thế tiến về thập giá, điều mà Người đã nhất quyết làm theo ý Chúa Cha.

3. Hãy Thả Baraba

3.1 Câu hỏi thứ hai: tại sao dân chọn Baraba? Ta biết rằng trước sự im lặng của Chúa Giêsu, phúc âm Luca (23:8-11) cho hay Philatô giải Chúa Giêsu tới Vua Hêrốt, người có tước hiệu hợp pháp làm vua dân Do Thái. Thấy Chúa Giêsu, Hêrốt vui lắm, chỉ muốn Người làm dăm ba phép lạ cho vui. Nhưng Người giữ im lặng, không nói gì. Hếrốt chỉ còn đường chế diễu Người. Hêrốt này chính là Hêrốt Antipa, người từng xử tử Gioan Tẩy Giả, một ông vua hẹp hòi, nhát đảm, vâng theo La Mã. Ông ta từng ngạc nhiên khi nghe người ta nói về Chúa Giêsu: Chả lẽ Gioan tái thế, người mà ta đã chặt đầu? (Mc 6:16), nên ông vẫn nể sợ cái tài làm phép lạ. Nay gặp tên tội phạm không biết thừa cơ hội làm vài phép lạ cho ông vui để ông tha tội, thậm chí đến mở lời tự bào chữa cho mình cũng không nốt. Quả là một tên khờ. Cái thứ người hời hợt như Hêrốt làm sao hiểu thấu lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa. Hêrốt theo phái duy lý, không tin có sống lại sau khi chết. Mặc cảm về cái chết của Gioan Tẩy Giả làm ông mất đi cái quan điểm duy lý một thời gian. Nhưng giờ đây, chủ nghĩa duy lý lại trở về với ông nguyên vẹn: chỉ thấy Chúa Giêsu là một người tầm thường, một người không năng lực, hết thời. Nhạo báng xong, hắn cho giải Chúa Giêsu trở lại cho Philatô.

3.2 Phúc âm Máccô không ghi lại việc giải giao cho Hêrốt, mà kể thẳng đến sự kiện ông ta “trưng cầu dân ý”. Xem Mc 15:6-15. Xem họ xin thả cho Baraba hay cho Chúa Giêsu. Họ chọn Baraba, một người thuộc phe nổi dậy. Phải làm gì với “vua dân Do Thái”? Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá. Một lần nữa Philatô ráng cứu Chúa Giêsu: Ông ta phạm tội gì? Đáp lại chỉ là lời yêu cầu: đóng đinh nó, đóng đinh nó. Để vừa lòng dân, ông thả Baraba rồi ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu và trao Người cho người ta đem đi đóng đinh.

3.3 Bốn phúc âm đều nói tới Baraba. Anh ta là một người nổ loạn ưa đổ máu, từng phạm tội giết người. Các phúc âm không cho biết chi tiết về cuộc đời của anh ta trước và sau biến cố này. Có điều là cái tên của anh ta lại có nghĩa là “con cha” (bar=con, abbas=cha). Ta cảm thấy có cái biểu tượng gì đâu đó trong cái tên này. Baraba là con cha, Chúa Giêsu là Con Chúa Cha. Anh “con cha” được điều khiển bởi hận thù, dùng bạo lực giải quyết mọi sự, sẵn sàng hy sinh ai cản đường. Con Chúa Cha sống bằng yêu thương, đạt mục tiêu bằng phục vụ, hy sinh mạng sống mình vì người khác. Dân chọn Baraba là chọn thù hận thay vì yêu thương.

3.4 Họ vẫn hy vọng Người giải thoát họ khỏi La-Mã, nên họ ra đón mừng Người, chỉ mấy hôm trước đây thôi. Nay thấy Người xuội lơ trước quyền lực La Mã. Có thể vì thế họ chọn Baraba. Ta có khi cũng hành động như họ: được dịp chọn Con Chúa Cha, ta đã không chọn, mà chọn Baraba chỉ vì thất vọng, không được như lòng mong muốn. Ta quên khuấy cả lời Isaia (55:8-9) đã nói xưa: “Tư tưởng Ta đâu phải tư tưởng các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối Ta… Trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như vậy”

3.5 Nhiều người dựa vào Origen mà cho là tên đầy đủ của Baraba là Giêsu Baraba. Còn trùng hợp và có tính biểu tượng hơn nữa. Vì quả trên đời này, có quá nhiều Giêsu. Từ thế kỷ thứ hai đã có Giêsu của phái ngộ đạo (gnostic), Giêsu của phái Manichaean. Thời này có Giêsu Phật giáo, Giêsu Hồi giáo, lại còn cả Giêsu Tân Đại (New Age) nữa! Nói đâu xa, gần ta có Giêsu của thần học Giải Phóng. Ta chọn Giêsu nào? Chỉ có một Giêsu thực, Giêsu của Tân Ước, Giêsu của Kinh Tin Kính, được dựng thai bởi Chúa Thánh Thần, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, chịu khổ hình thời Phônxiô Philatô, chịu đóng đinh, chết và táng xác, sống lại và vẫn sống với chúng ta bây giờ. Đó là Giêsu mà ta hoặc chấp nhận hoặc từ bỏ. Và nếu bạn chọn Giêsu này, hì phải bỏ Baraba.

4. Chúa Giêsu Chịu Đánh Đòn

4.1 Câu hỏi thứ ba: tại sao Philatô cho đánh đòn Chúa Giêsu trước khi đóng đinh Người?

Thiển nghĩ ông ta thất kinh khi thấy đám đông đòi đóng đinh Chúa Giệsu, người ông thấy vô tội và muốn thả tự do. Ông đã ráng đổ trách nhiệm cho Hêrốt mà không được. Luật La Mã lại không có cơ sở nào khiến Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vậy mà đám đông cứ nằng nặc đòi đóng đinh Người. Philatô vốn là người chiều theo ý đám đông. Nhưng tình thế này dám khiến luật La Mã phải nhường bước cho luật của đám đông lắm. Cần phải tìm ra cách để thoát khỏi cơn bí này. Có lẽ vì thế ông nghĩ đến việc đánh đòn.

4.2 Đánh đòn một tù nhân trước lúc đóng đinh không phải là việc thường làm, một tập tục. Thế mà Philatô lại ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu, người mà ông vốn tin là vô tội. Ai xem phim The Passion of Christ của Mel Gibson hẳn không thể quên được sự khủng khiếp của việc đánh đòn theo tập tục người La Mã: roi da dài có cẩn những cục sắt và xương. Khi dây da giáng xuống lưng nạn nhân, những cục sắt và xương ấy sẽ xé nát thịt da nạn nhân, để lại một vũng máu. Nếu Philatô tin Chúa Giêsu vô tội và ráng cứu Người khỏi thập giá, thì tại sao ông ta lại bắt Người phải chịu hình phạt khủng khiếp ấy? Chỉ có thể nói rằng: ông ta làm thế để mong cứu mạng Người. Có thể ông ta hy vọng rằng khi thấy con người đầy máu me và thương tích đầy mình ấy, đám đông sẽ mủi lòng mà từ bỏ yêu cầu đóng đinh Người. Nhưng ông lầm. Theo phúc âm Gioan (19:6), đám đông càng hô to hơn:” đóng đinh nó, đóng đinh nó”. Phúc âm này (19: 8) cũng thêm rằng lúc ấy Philatô sợ. Qủa tình là một con người không tư cách, bị thế lưỡng nan tràn ngập. Người đảm lược luôn biết phải làm gì trong lúc gặp lưỡng nan, vì họ luôn quyết định dựa vào các nguyên tắc đúng sai. Philatô biết điều sai điều trái, nhưng lại không hành động theo nhận thức ấy. Ông ta là người không có nguyên tắc, chỉ biết xây dựng sự nghiệp trên việc mị dân. Gặp lưỡng nan, không biết phải xử trí ra sao. Và vô tình làm những hành vi không những không phục vụ ai, mà còn làm người mình muốn giúp đỡ đau khổ hơn gấp bội. Chính cái hèn nhát, vô nguyên tắc của Philatô đã làm ông trở thành biếm họa trong lịch sử. Đây cũng là một mầu nhiệm của thánh giá trong việc lột mặt nạ cái hố thẳm đen tối trong trái tim con người, phơi bày cái khuynh hướng xấu xa của con người ra ánh sáng.

5. Kính Chào Vua Do Thái !

5.1 Câu hỏi thứ tư: Tại sao lính La Mã nhạo báng Chúa Giêsu cách tàn ác như thế? Xem Mc 15:16-20. Khoác áo choàng tím, đặt mão gai lên đầu Người, rồi nhạo: “kính chào vua Do Thái”, vừa nói vừa dùng gậy đập vào đầu Người rồi khạc nhổ, rồi qùy gối chế nhạo. Chán chê mới đem người đi đóng đinh. Việc nhạo báng này là chuyện lạ. Lính La Mã là những binh lính chuyên nghiệp có kỷ cương, rất ít khi hành hạ dã man các tù nhân. Họ nghiêm chỉnh thi hành các bản án. Nhưng không có cái khoái cảm bạo tàn (sadistic enjoyment) như đã áp dụng vào Chúa Giêsu: cả một đại đội tụ lại để chơi cái trò chơi bạo tàn này. Tại sao vậy?

5.2 Thiển nghĩ, câu trả lời nên tìm ngay trong câu họ nhạo báng Người: “Kính chào Vua Do Thái”. Họ chả có chi giận dữ đối với Chúa Giêsu. Vì họ có bao giờ gặp Chúa trước và biết rất ít về Người. Họ chỉ giận người Do Thái nói chung thôi, một dân bất trị đối với La Mã, với một tôn giáo không giống ai và một ý chí luôn tìm cách nổi loạn chống lại họ. Nên khi người DoThái là Chúa Giêsu lọt vào tay họ, mà lại là một ngưòi Do Thái muốn làm vua, thì cơn giận của họ hết kiềm chế nổi, nó trào dâng, trút hết lên đầu Chúa. Chúa trở thành mục tiêu của kỳ thị chủng tộc. Một lần nữa, ta thấy thánh giá đã lột mặt nạ nhiều điều vốn dấu ẩn.

5.3 Việc kỳ thị dân Chúa chọn còn tiếp diễn đến tận ngày nay, không phải chỉ đối với Israel, mà cón là và nhất là đối với Dân Mới, tức Giáo Hội, những người buớc theo Chúa Giêsu. Một trong những bách hại khủng khiếp nhất dành cho Israel trong thời Đệ Nhị Thế Chiến là biến cố diệt chủng Shoah do Đức Quốc Xã thi hành. Shoah không có chữ tương đương trong tiếng Việt, nó chỉ một đại họa, một hủy diệt không quan niệm được, sũng máu và nước mắt. Một phần ba dân Do Thái hoàn cầu đã bị giết trong biến cố này, trong đó có 80% học giả, thầy giáo, tư tế và sinh viên. Biến cố này tác động trên cuộc đời mọi người Do Thái, làm tâm hồn họ lên thẹo, làm niềm tin của họ vào Thiên Chúa và con người bị lung lay tận gốc. Dư vị giận dữ, sợ sệt và thất vọng của nó còn mãi trong họ. Việc bách hại người Kitô hữu đã xẩy ra từ những ngày đầu và tiếp diễn dọc dài suốt hơn hai mươi hế kỷ và đỉnh cao là thế kỷ 20, với man vàn người tuẫn tiết dưới thời Cộng Sản và thời Quốc xã, ai cũng đã rõ. Thiển nghĩ đây không phải chỉ là một lỗi lầm lịch sử, mà là một phần trong kế hoạch của Satan muốn phá tan kế hoạch của Thiên Chúa. Nó muốn hủy diệt mọi hình thức dân riêng của Chúa, bất kể đó là dân Israel hay Giáo hội.

Ta đã xét 4 câu hỏi chung quanh việc Chúa Giêsu chịu khổ hình trước khi bị đóng đinh. Bây giờ còn lại câu hỏi cuối cùng mà chỉ bạn mới trả lời được: Bạn sẽ làm gì với Chúa Giêsu? Ta đã thấy người khác làm gì với Người rồi. Giuđa đổi Người lấy tiền. Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái đã ráng làm Người câm miệng, không còn cơ hội phơi bày sự giả hình của họ nữa, và tống Người ra khỏi đời họ. Đám đông không muốn một Đấng Kitô như Người, nên đã chọn một Kitô khác, Baraba. Philatô ráng tìm thỏa hiệp giữa Người và những kẻ tố cáo Người, việc bất thành, không những chỉ đóng đinh mà còn đánh đòn Người. Vua Hêrốt chỉ muốn Người làm phép lạ, khi không được, đã nhạo báng Người. Còn bạn?

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 08.04.2009. 02:42