Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (2)

§ Vũ Văn An

II. Đánh Người Chăn (Mc 14:26-52)

Nhập Đề: Thời nội Chiến Mỹ, Tướng miền Nam là Richard S. Ewell một ngày kia thấy một viên sĩ quan kỵ binh của Miền Bắc lạc vào phía mình. Thấy viên sĩ quan gan dạ, bình thản gom quân, ông ra lệnh cho thuộc hạ không được bắn chết anh ta. Nghe chuyện này, tướng chỉ huy của ông là T.J. “Stonewall” Jackson trách cứ, cho hay sĩ quan địch càng gan dạ ta càng cần phải giết bỏ khiến những sĩ quan nhát đảm của chúng phải tháo chạy. Không biết tướng Jackson, khi nói câu ấy, có biết nguyên tắc đã được nói tiên tri trong Thánh Kinh không: “đánh người chăn, đoàn chiên sẽ tan tác”. Đây cũng là điều Đức Kitô nhắc lại trong những giờ phút sau cùng cuộc sống dương thế của Người.

1. Chúa Giêsu Biết Chương Trình Thiên Chúa

1.1. Thánh Vịnh 23, thường được gọi là Thánh Vịnh Chúa Chiên Lành, chắc chắn là thánh vịnh được yêu chuộng nhất. Không ai trong chúng ta không được bồi dưỡng bằng những lời ở đầu Thánh Vịn này: “Chúa là Chúa Chiên tôi, tôi chẳng còn thiếu thốn gì”. Ý niệm coi Chúa như mục tử dân Người, luôn chăm sóc, gìn giữ đoàn chiên, dẫn chúng tới đồng cỏ tươi xanh an ủi hết thẩy chúng ta một cách sâu sắc. Thiển nghĩ khi Chúa Giêsu tụ tập các môn đệ lại Phòng Trên Lầu, chắc chắn Người nghĩ đến sự kiện này là, lúc Người phó sự sống Người cho đoàn chiên mình, Người đang chuẩn bị để thánh vịnh kia nên trọn. Ta tiếp tục đọc trình thuật tiếp theo của Mc 14:26-31. Các con sẽ vấp ngã như đã tiên báo. Gà chưa gáy 2 lần, con sẽ chối thầy ba lần. Các tông đồ quả quyết: chuyện đó không bao giờ có!

1.2 Hai điều nên để ý:

(1) Đoạn này cho thấy Chúa Giêsu biết trước mọi sự sẽ xẩy ra cho Người. Người hoàn toàn hiểu thấu chương trình Thiên Chúa. Người còn dự ứng trước, và cả xếp đặt nó nữa. Vì Người thấu hiểu Thánh Kinh, suy niệm về các biến cố được tiên báo, cầu nguyện cho các biến cố ấy trước mặt Chúa Cha. Mọi sự trở nên rõ ràng đối với Người.

Thánh vịnh Chúa cùng các môn đệ hát vào cuối bữa tiệc ly là các thánh vịnh Hallel (tiếng Do Thái có nghĩa là “Hãy Ngợi Khen Chúa”) tức các thánh vịnh 114-117. Các thánh vịnh này được hát trong ba lễ hành hương, khi dân Do Thái dâng hy lễ tại Đền Thờ Giêrusalem. Hát xong các thánh vịnh này, Chúa cùng các môn đệ rời Phòng Trên Lầu qua Núi Cây Dầu (Ôliu). Trên đường, Người trích dẫn Thánh Kinh để nói về sự vấp phạm của môn đệ và cảnh tan tác của họ. Người trích Dacaria 13:7 “Ta sẽ đánh người chăn, và đoàn chiên sẽ tan rã”.

Nguyên văn của Dacaria là “hãy đánh người chăn”, Chúa Giêsu đổi thành “Ta sẽ đánh người chăn.” Ta đây ám chỉ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đánh Chúa Giêsu và kết quả là đoàn chiên tan tác. Tiên tri Dacaria muốn nhắc đến Vườn Diệtsimani. Việc Chúa Giêsu buồn sầu lo âu giằng kéo trong vườn này đã được tiên tri báo trước: Thiên Chúa đang đánh Chúa Giêsu. Hậu quả đoàn chiên tan tác được kể lại trong Mc 14:50: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết”.

Chúa Giêsu biết trước mọi sự sẽ xẩy ra tại Diệtsimani. Nhưng qua cái đêm đen khủng khiếp ấy, Người cũng đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, ánh sáng rạng rỡ của phục sinh. “Sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đi trước các con tới Galilê”. Đấng Chăn Chiên lại tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Người. Người không bao giờ nói với các ông về thánh giá mà đồng thời không nói đến phục sinh. Ấy thế nhưng các ông không nắm được. Không sao, sau này họ sẽ nhớ.

(2) Hăng tiết vịt của Phêrô và các môn đệ: dù ai có vấp phạm thì vấp, chứ không có con! Chúa biết Phêrô rõ hơn ông, bởi Phêrô tin vào sức mạnh ý chí con người. Hôm nay, đêm nay, trước khi gà gáy 2 lần, con sẽ chối thầy 3 lần. Nên để ý: càng ngày Chúa càng nói rõ thời giờ hơn: đêm nay, vâng đêm nay! 3 điều hết sức cụ thể Chúa nói rất rõ ở đây: hôm nay, đêm nay, trước khi gà gáy 2 lần. Nói cách khác, Chúa muốn bảo Phêrô, chỉ còn vài giờ nữa, cái hăng tiết vịt của con sẽ tan ra mây khói, con sẽ sa ngã, vấp phạm… đến Thầy.

Cũng nên để ý đến tính biểu tượng trong câu nói của Chúa. Người dùng hình ảnh gà trống (rooster). Ai khóac lác, thường người ta hay bảo: lại gáy nữa! Gáy đây là gà trống gáy, to lắm, nhưng chẳng có gì. Buồn một cái là Phêrô vẫn tiếp tục gáy: đâu có thầy, dù có chết, con cũng không chối thầy! Chúng ta cũng thế thôi, quá tin vào sức ý chí riêng mình.

2. Kiếm Bổ; Người Chăn Bị Đánh

2.1 Rồi Máccô diễn tả cảnh Chúa và các môn đệ trong Vười Diệtsimani. Xem Mc 14:32-36. Linh hồn thầy buồn đến chết được. Ngồi đây và canh thức. Lạy Cha, nếu có thể, hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha. Đây chính là lúc khởi đầu diễn trình Dacaria đã nói tiên tri (Dcr13:7).

Trong Dacaria, dụng cụ để đánh là gươm. Mà gươm thì được dùng chủ yếu để bổ, để phanh, để xẻ. Trong cái biểu tượng xẻ rẽ đó, ta thấy sự phân cách (separation) với Chúa Cha như lời Chúa Giêsu thưa: “đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha”. Từ đầu, ta thấy Chúa Giêsu biết trước Người phải gặp thánh giá, nhưng đây là lần đầu ta thấy Người không muốn thánh giá. Xưa nay Người vẫn nói về nó, cho biết nó bao gồm những gì, nhưng chưa có dấu hiệu nào Người do dự không tiến tới nó, cho đến lúc này. Bỗng nhiên, xem ra Người không muốn làm điều Chúa Cha muốn Người làm. Có một cảm thức gì đó về cách xa, chia cách. Chính trong lúc đó, những điều Người phải thi hành xem ra như không chịu đựng nổi. Nên Người cầu xin Chúa Cha cất chén này đi.

2.2 Nhưng chén đây là cái gì? Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho là cơn đau buồn tại Diệtsimani. Nhưng trong phúc âm Gioan, khi Phêrô tuốt gươm ra để bảo vệ Chúa Giêsu, Người bảo ông: “Cất gươm đi! Há ta chẳng phải uống chén Cha ta trao cho hay sao?” (Ga 18:11). Rõ ràng chén chưa đến. Chén này chính là cơn hấp hối và bị bỏ rơi trên thánh giá. Nhiều Kitô hữu cho rằng không thể có chuyện Chúa Giêsu không muốn thi hành ý Chúa Cha. Họ cho rằng Chúa Giêsu hoàn toàn tự ý tuân phục ý Chúa Cha. Điều đó đúng, không thể chối cãi được. Ai cũng biết Chúa Giêsu muốn làm theo ý Chúa Cha và thực sự Người đã làm như thế. Nhưng Thánh Kinh sẽ vô nghĩa nếu bạn không nhìn nhận sự chống chọi mãnh liệt bên trong do các câu chữ này tạo nên: “Đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha”.

Sự kiện Chúa Giêsu cho hay ý Người và ý Chúa Cha không phải là một cho ta hoàn toàn thấy rõ có sự phân cách giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và muốn vâng lời Người, nhưng con đường trước mặt hãi hùng quá. Nói cho ngay, nguyên cái hình khổ đối với thân xác mà thôi cũng làm chúng ta quay gót rồi. Ấy thế mà với Chúa Giêsu, sự khủng khiếp còn sâu hơn gấp bội: cái hố đen thiêng liêng quá tầm hiểu biết của con người. Cho nên, Người xin một đường thoát. Nhưng khi Chúa Cha im lặng, Người hiểu là không có đường nào khác, Người chấp nhận: “không theo ý Con mà là ý Cha”.

Nghĩ cho cùng tâm tư của Chúa Giêsu đứng trước thánh giá đem lại cho ta nhiều an ủi. Đoạn song hành trong Luca 22:44 cho ta hay: cơn thống khổ của Người mạnh đến độ “mồ hôi Người như những giọt máu chẩy xuống đất”. Thiển nghĩ đây là văn tả thực điều đã xẩy ra cho Chúa Giêsu. Thánh Phaolô trong thư Do Thái (5:7-9) cũng từng viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”

An ủi, vì người Chăn Chiên hiểu hơn ai hết thế nào là sự yếu đuối trong ta như thư Do Thái 4:15: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ phạm tội”. Người thấu hiểu có những lúc ý ta và ý Thiên Chúa cách xa nhau và nỗi thống khổ ta cảm thấy khi đứng trước cảnh não lòng này. Người biết, Người sẽ cứu giúp ta nói được như Người “xin theo ý Cha, không theo ý con”.

3. Kẻ Phản Bội Đến

3.1 Sau đó Máccô cho hay cái quyết tâm của Phêrô quả dễ dàng bị vượt qua. Xem Mc 14: 37-42. Vẫn còn ngủ sao? Thôi đủ rồi, kẻ phản bội Thầy đã tới. Satan quả chẳng vất vả chi trong việc vượt qua Phêrô, hắn chỉ cần làm cho Phêrô ngái ngủ quên cả cầu nguyện. Phêrô mềm yếu như con mèo con, vì ông ta thiếu sức mạnh của lời cầu nguyện. Thà chết chứ không bỏ thầy, vậy mà giờ này thầy sắp bị bắt, trò cứ ngáy pho pho! Chúa thắng vì Người cầu nguyện, cầu nguyện liên lỷ. Phêrô thua vì Phêrô không cầu nguyện. Ông ta tưởng chỉ cần tự tin là đủ. Thực ra phải có cả tự tin lẫn tin vào Chúa (self-confidence & God-confidence). Không Thiên Chúa, con người làm được chi?

3.2 Cầu nguyện là một hành vi đơn giản, nhưng có sức biến đổi mạnh mẽ đời ta. Nhiều lúc ta cảm thấy không thể làm theo ý Chúa. Nhưng với cầu nguyện, mọi sự đều trở thành có thể. Vì cầu nguyện cũng giống như giây nối điện (extension cord) trực tiếp cắm vào cái nguồn điện năng từng tạo ra thời gian, không gian, năng lực và vật chất. Sức mạnh đó Chúa Giêsu đã lấy được trong vườn Diệtsimani, khi Người thấy hết sức, khi mồ hôi Người chẩy xuống như những giọt máu. Nhờ cầu nguyện, Người đứng dậy và thực hành ý Chúa Cha.

3.3 Ngược lại, người không cầu nguyện như Phêrô, khi thời điểm phản bội tới, họ trở nên cực kỳ yếu đuối và lúng túng chẳng biết phải làm gì. Xem Mc 14:43-50. Giuđa xuất hiện cùng một lũ lính với đầy đủ gươm giáo, chỉ điểm cho bọn chúng tra tay bắt Chúa Giêsu. Trước đó, có người rút gươm ra phòng vệ. Nhưng khi thấy Thầy bị bắt, mọi người đều bỏ rơi Thầy và tháo chạy. Ba hành động được nhấn mạnh ở đây:

(1) Cái hôn của Giuđa: Khởi đầu, Máccô dùng chữ “hôn” ở hình thức bình thường vốn dùng để chỉ cử chỉ yêu thương. Nhưng khi hắn thực hiện hành vi ấy, Máccô lại dùng một hình thức khác của động từ này để diễn tả cái hôn vùi, cái hôn của những người yêu nhau. Thiển nghĩ trong lịch sử phản bội, chưa có cái hôn nào đáng tởm bằng cái hôn giả tạo cố ý, kéo dài và lạnh lùng của Giuđa đối với thầy mình.

(2) Sự bảo vệ sai lầm của Phêrô: Dù Máccô không cho biết tên người tuốt gươm ra và chém đứt tai tên đầy tớ thầy cả thượng phẩm, nhưng phúc âm Gioan (18:10) nói rõ:”Lúc ấy Simong Phêrô, người có sẵn gươm, rút gươm ra và chém tên đầy tớ thầy cả thượng phẩm, làm anh ta đứt mất tai bên phải. (Tên người đầy tớ là Malchus). Phêrô vẫn cái thứ hăng tiết vịt ấy. Về phương diện phàm trần, cái chém ấy không đúng mục tiêu, vì đâu có đụng gì tới binh lính mà là đụng viên đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Luca (22:51) cho hay

Chúa Giêsu đưa tay ra chữa cho người đầy tớ ấy. Thái độ thiếu suy nghĩ, vọng động, của chúng ta từng làm đứt bao nhiêu cái tai thiên hạ và Chúa đã sửa lại cái lầm của chúng ta biết bao nhiêu lần. Mình đánh không đúng chỗ!

(3) Các môn đệ bỏ trốn. Họ bỏ rơi Chúa Giêsu. Sau ba năm cùng đi với Người, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ và chữa lành… đột nhiên họ chỉ thấy Người là tên tội phạm. Ai dính dáng tới người tội phạm này chắc chắn sẽ bị vạ lây. Người chăn bị đập, đoàn chiên quả tan tác.

4. Tái Bút Riêng Của Máccô

Máccô thêm một tái bút (postcript) cho câu truyện này, thiển nghĩ không nên bỏ qua, vì đây phải là một tái bút riêng của chính Máccô (14:51-52): “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khóac vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh ta. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng”. Các học giả Thánh Kinh tin rằng cậu thanh niên đó chính là Máccô. Một cách Máccô muốn cho hay: tôi có mặt ở đó đấy! Thiển nghĩ trong trình thuật ngắn ngủi này, Máccô muốn nói 2 điều

4.1 Máccô muốn đưa ra kết luận cho câu truyện về chàng thanh niên qúi phái đi tìm đường vào sự sống đời đời, kể tại Mc 10:17-22. Chúa bảo anh ta về bán mọi sự anh ta có và đến theo Chúa Giêsu. Nghe thấy thế, anh ta bỏ đi lòng buồn rười rượi, không từ bỏ được của cải mình có. Như đã thấy, nhiều chứng cớ cho thấy anh ta chính là Máccô. Dĩ nhiên chứng cớ không có chi đầy đủ để có thể kết luận, nhưng rất có thể có. Rất có thể về nhà suy nghĩ lại, anh ta đã đổi ý, đem bán hết tài sản, rồi theo Chúa Giêsu.

4.2 Dường như Máccô muốn cho ta hay làm thế nào ta đã nhận được trình thuật Vườn Diệtsimani. Không môn đệ nào biết được vì 8 ông thì nằm ngủ ở mãi góc vườn xa. Ba ông tuy gần Chúa nhưng cũng ngủ mê mệt không thể nghe thấy hết sự việc. Chỉ có thể là chàng thanh niên qúi phái đã bỏ mọi sự mà theo Chúa và giờ đây chỉ còn tấm vải gai cuối cùng trên người, rồi cũng mất hết. Chính chàng ghi lại truyện ấy để muôn đời thấy được Thiên Chúa làm người đã hành xử ra sao trong thử thách cùng cực của bản thân mình.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 06.04.2009. 12:25