Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trung Tâm Hành Hương Mẹ Tàpao 2007

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

• Xem Album Trung Tâm Hành Hương Mẹ Tapao tháng 5/2007

Tapao07-014.jpg

Hôm nay ngày 13.05 tháng hoa, tháng dành riêng để bày tỏ tâm tình yêu mến - tôn sùng - biết ơn Mẹ Maria.

Hôm nay Giáo hội hân hoan kỷ niệm 90 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima.

Hôm nay tại nhiều quốc gia trên thế giới mừng ngày các bà mẹ (mothers' day).

Hôm nay Chúa nhật VI Phục Sinh, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức thánh lễ tạ ơn, khánh thành công trình hành hương Mẹ Tàpao.

Những cơn mưa đầu mùa tầm tả suốt nhiều ngày không cản được bước chân những đoàn hành hương từ nhiều miền đất nước đến linh địa Tàpao. Với sự tham gia nhiệt thành, tích cực của các giới giáo hạt Đức tánh: 1.000 gia trưởng lo trật tự, 500 giáo lý viên hướng dẫn, 500 bà mẹ lo phục vụ ẩm thực, công việc tổ chức-phục vụ đã làm hài lòng mọi người.

Ai ai cũng đều cảm nhận được tình thương đặc biệt của Mẹ Tàpao trong 2 ngày cao điểm. Một lượng người rất đông mà vẫn trang nghiêm sốt sắng và bình an.Từ chiều đến 10g30 ngày 12, trời rất đẹp, mọi người lên núi cầu nguyện với Mẹ rồi cùng tham dự sốt mến phần canh thức, sau đó lại mưa rả rích suốt đêm.

Ngày 13, trời nắng nhẹ, gió thoáng mát thuận lợi cho mọi người tham dự thánh lễ tạ ơn. Ban chiều trời lại đổ mưa tầm tả.

Ngày 12.5

Từ sáng sớm từng đoàn người leo núi cầu nguyện với Mẹ tại linh đài. Mỗi nhóm chỉ có 3 phút trước tượng Mẹ rồi xuống núi để nhường cho nhóm sau lên. Lần lượt như thế suốt ngày đêm. Ban chiều từ 4 giờ, mọi người quy tụ tại khu vực lễ đài tham dự canh thức cho đến suốt đêm.

Chủ đề canh thức “cùng Mẹ ra khơi” được chia làm ba phần,với sự tham dự sốt mến của hàng chục ngàn người. Chủng viện Thánh Nicolas Phan thiết và Dòng Mến Thánh Giá Phan thiết đảm trách phần diễn nguyện.

Mở đầu là phần suy niệm 14 chặng Đường Thánh Giá theo chân Mẹ Maria.

Phần diễn nguyện là hình thức cầu nguyện bằng Tin mừng, trình bày bốn mầu nhiệm Kinh Mân Côi: vui, thương, mừng, sáng bằng những vũ điệu và hoạt cảnh linh động cuốn hút người xem.

Tiếng trống Lạc Hồng dồn dập, với hoạt cảnh “Con Rồng Cháu Tiên” do các Thầy trình diễn mang ý nghĩa tìm về cội nguồn đồng bào Việt nam, cùng với nhóm đồng bào K ho hát vui nhộn bài ca “chúng con về nơi đây” bằng hai thứ tiếng K ho và Việt khai mạc phần diễn nguyện.

Các Nữ Tu Mến Thánh Giá Phan Thiết diễn nguyện Năm Sự Sáng và Năm Sự Mừng. Các Thầy Chủng Viện Nicolas diễn nguyện Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng.

Kết thúc phần thứ hai, ngàn ngàn người cùng hát vang bài ca “Cùng Mẹ ra khơi”, các Thầy và các Nữ Tu múa phụ hoạ trong tâm tình dâng 26 Giáo phận Giáo hội Việt nam cho Đức Mẹ.

Phần thứ ba là tĩnh nguyện trong đêm khuya. Mọi người trở về “lều trại” theo từng đoàn hành hương. Theo gợi ý để lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện riêng tư với Mẹ. Từng đoàn người vẫn nối theo nhau lên núi viếng Mẹ suốt đêm. Lời kinh nguyện át tiếng mưa vang vọng suốt đêm đến sáng.

Ngày 13.5

Từ sáng sớm các ngã đường đổ về Núi Tàpao đều chật cứng.

7 giờ, đoàn kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ Đồng kho đến Lễ đài chỉ dài hơn cây số nhưng phải di chuyển đến một tiếng rưỡi đồng hồ.

8 giờ 30, đoàn đồng tế tiến về lễ đài trong tiếng kèn tiếng nhạc hân hoan. Ca đoàn Chủng sinh và Nữ tu hát ca nhập lễ. Đoàn thiếu nhi dâng hoa trước tượng Mẹ Tàpao.

9 giờ, Đức cha Phao lô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Phan thiết chủ sự thánh lễ. Có khoảng gần 100.000 người tham dự.

Mở đầu, ngài ngỏ lời với cộng đoàn.

Kính thưa quý vị, cùng anh chị em thân mến,

Trước hết, chúng tôi trân trọng kính chào, chúc sức khỏe và bình an của Thiên Chúa cho mọi người đang tham dự Thánh lễ Tạ ơn và tôn vinh Đức Mẹ Tàpao hôm nay. Nhờ tình thương của Mẹ, Mẹ Chúa Giêsu cũng là Mẹ của mọi con cái Giáo hội, luôn luôn quan tâm đến đoàn con đang vượt biển trần ai đi về quê hương Nước Trời. Mẹ đã chọn danh địa Tàpao này làm nơi thực hiện tình yêu thương của chính Thiên Chúa cho những ai gánh nặng đường đời, cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn, gặp được bình an nơi Mẹ.

Kitô giáo không phải là một tôn giáo uỷ mỵ, tình cảm yếu hèn, nhưng là niềm tin, tin vào tình thương của Thiên Chúa toàn năng và là Cha muôn thuở của nhân loại. Ngài đã bày tỏ tình thương đó qua Đức Giêsu. Và ngày nay để thưởng công Mẹ đã dày công hiệp thông cùng Chúa Giêsu thực hành kế hoạch thập giá cứu độ của Ngài, Thiên Chúa đã dành cho Mẹ quyền năng chữa lành mọi vết thương đau của nhân loại.

Tại Tàpao này, từ bảy năm qua, mặc dầu tượng đài đã được xây dựng từ 8/12/59, từ bảy năm qua đã hình thành từ từ một địa điểm hành hương quan trọng. Càng lâu càng có nhiều người về viếng Mẹ tại đây, đã nhận ra sự hiện diện linh thiêng của Người và đã được nhiều ơn lành của Người như lòng mong ước.

Hôm nay được sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh và địa phương, chúng tôi xây dựng và hoàn thành một con đường đi lên đài 230m2, với 430 bậc cấp, thuận lợi để khách hành hương đi tới Mẹ dễ dàng hơn.

Thánh lễ được cử hành trong niềm hân hoan tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Và qua Thánh lễ này, chúng tôi cùng dâng lời nguyện xin Chúa ban mọi phước lành cho tất cả cá nhân cũng như tập thể những ai đã góp công, góp của, góp sức vào công trình này.

Tapao07-c02.jpg

Phần giảng lễ, Đức cha đã suy niệm Tin Mừng Ga 14,23-29

Quan điểm Kitô giáo

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. (Ga 14,23)

Lời mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay vô cùng quan trọng, vì nó xác định người Kitô giáo tôn thờ ai, tin vào ai, đặt vận mệnh của mình trong tay ai, niềm tin ấy đem cuộc sống của họ đi về đâu?

Ba năm rao giảng, Đức Giêsu đã giải thích bằng nhiều cách Tin Mừng cứu độ của Ngài cho quần chúng Do Thái. Nhưng đêm cuối cùng, đêm Ngài từ giã các môn đồ yêu quý để tự nguyện hy sinh trên thập giá theo chương trình Thiên Chúa hoạch định. Ngài đang tóm kết lại những gì quan trọng nhất của Đạo Ngài thiết lập, để các ông ghi tạc vào lòng và sống trung thành với các giáo huấn của Ngài cho đến ngày Ngài sẽ trở lại trong vinh quang. Nhờ đó giáo huấn của Ngài qua hai ngàn năm vẫn còn trong sáng nguyên vẹn.

Kitô giáo thờ ai? Trước hết và trên hết người Kitô giáo tin và thờ một Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Người tạo dựng và Người còn điểu khiển mọi hoạt động và sự sống của cả vũ hoàn. Đấng ấy dân gian quen gọi là ông Trời, người có tri thức hơn gọi là Thượng Đế. Nhưng một phát giác vô cùng quan trọng trong Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng, đó là Vì Thiên Chúa cao sang nhiệm mầu ấy, Đấng cao xanh vời vợi mà con người không thể nào tiếp cận được ấy, lại là một người Cha vô cùng nhân ái, vô cùng gần gũi, người Cha hằng quan tâm đến nhân loại chúng ta hằng ngày bằng một tình yêu khôn tả. Sự sống của Ngài hoàn toàn là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Tin Mừng xác nhận điều đó.

Người tin Đạo là tin và đón nhận tình yêu ấy và không ngừng đồng hóa đời mình với Tình yêu, làm cho tình yêu trở thành cuộc sống, trở thành dấu chỉ tôn giáo, trở thành hạnh phúc vốn là niềm khao khát bất tận nơi lòng người.

Để tỏ mình từ Thiên Chúa Cha đầy yên thương mà đến, Đức Giêsu đã lấy cả cuộc đời mình làm chứng từ của tình yêu, từ cách sống hết sức yêu thương chia sẻ nỗi đau khổ con người, đến những lời rao giảng cổ vũ cho tình yêu huynh đệ phổ quát, đã làm những dấu lạ cứu người vì tình yêu và cuối cùng hy sinh trên thập tự vì tình yêu.

Cuộc hy sinh của Ngài cùng không ngoài mục đích đưa dẫn thân phận của con người từ mặt đất đầy gian truân đau khổ đi vào huyền sử, đi vào cõi trời tình yêu và hạnh phúc khôn lường của Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Trở về trong tình yêu thương của Cha, con người nhận được sự sống đời đời.

Ý nghĩa Tin Mừng: “Lời Thầy”

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”, chỉ câu nói vắn vỏi đó thôi đã chứa chất bao nhiêu bài học quan trọng, từ lý thuyết đến thực hành.

Trước hết ta thấy Chúa đang vạch ra, con đường yêu thương nhằm về hai hướng, hướng đi lên là yêu mến Thiên Chúa, hướng về đồng loại là yêu thương anh em tha nhân như chính mình.

“Ai yêu mến Thầy…”. Đây là một lời kêu gọi, một lời đề nghị con người biết tự nguyện đón nhận và thực hành lời Ngài. Vì tình yêu thì không áp đặt, không chiếm đoạt, không làm mất tự do, không làm mất phẩm giá con người. Thiên Chúa chỉ muốn cho tự do và phẩm giá đó được thăng tiến. Cho nên Ngài giới thiệu và đề nghị, mời gọi chúng ta tham dự vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Ngài giơ tay trao cả mạng sống mình cho con người mà không sợ mất mát gì cả.

“Giữ Lời Thầy”: “giữ” là thực hành; “Lời” là lý tưởng yêu thương như chính Thầy đã yêu thương phục vụ. Ở đây, Tình yêu không chú trọng vào tình cảm, mặc dầu tình cảm rất cần nâng đỡ những hoạt động cho mục đích tình yêu, nhưng Chúa muốn nhấn mạnh đến ý chí và thực hành của chúng ta, nhấn mạnh đến tính thực tiễn của Tin Mừng.

Chúa đã từng dạy: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn ngoan xây nhà trên đá tảng… Còn ai nghe những lời Thầy nói đây mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát…” (Mt 7,24). Đó là tính thực tiễn của Tin Mừng.

Mặt khác, với ba tiếng “giữ Lời Thầy”, Chúa chỉ muốn, chỉ ao ước cho chúng ta tham dự vào hạnh phúc vô biên của Ngài. Trong tình yêu mạnh hơn sự chết của Ngài, Ngài ao ước đi đến chỗ Ngài với ta trở nên một. Trở nên một từ lòng trí đến con tim, trở nên một từ tư tưởng đến hành động. Mà quả thực Ngài đi bước trước trong một hành động không ngờ, Ngài đã yêu thương nhân loại cho đến độ hy sinh trên thập tự làm lễ vật cho tình yêu đó. Ngài chết để trở thành con người mới linh thiêng để có thể đến ở giữa cõi lòng chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận tình yêu và thực hành tình yêu như Ngài đã yêu thương.

Ngài tỏ ý ao ước mối tình này, mối tình đồng hóa hai người nên một, bằng cách đem ra một dụ ngôn: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…” (Ga 15,5). Hoa trái đây là các nhân đức, nhất là đức bác ái, và là sự sống kỳ diệu trong tương lai.

Cho nên đời sống người tín hữu hay môn đệ, cần đi vào thực hành Lời Chúa, đặc biệt là giới răn yêu thương và phục vụ. Lời Chúa là Lời Hằng sống, là lời tiên tri của Thần khí cho mọi thời đại. Tình yêu thật cũ, nhưng cũng luôn mới. Không thời đại nào mà tình yêu lại không cần cho sự sống con người vốn luôn luôn là nạn nhân của bao tai ương đau khổ trên mặt đất này, có khi là chính con người thù hận gây ra cho nhau.

Lời Chúa mở ra bao nhiêu là hoạt động và kích cỡ của tình yêu. Từ một ly nước lạnh cho người khát uống, cho đến những hành động hy sinh anh hùng vì tình yêu tha nhân. Và trong Giáo hội đã có biết bao vị thánh đã hiến thân, đã đem cả cuộc đời để yêu thương phục vụ. Thời đại chúng ta đã chứng kiến những chứng nhân vĩ đại của Giáo hội như Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II và mẹ Têrêsa Calcutta, các ngài đã đốt lên ngọn lửa tình yêu soi sáng cùng thế giới.

Thời đại chúng ta đang cần biết bao những chứng nhân tình yêu như vậy. Đây là thời đại mà khoa học kỹ thuật phát triển đến cao điểm, kinh tế và đời sống có những bước tiến đầy ngoạn mục. Nhưng cũng là thời đại người đói nghèo vẫn dầy dẫy, bệnh tật tăng thêm không ngừng, những tệ nạn xã hội lan tràn, nhất là nạn phá thai, buôn bán phụ nữ và trẻ em là những xúc phạm trầm trọng đến nhân phẩm con người. Môi trường sống thì đang bị đe dọa và kể chi xiết những lâm nguy người ta phải đối diện. Đó là những thách đố đối với xã hội dân sự và cả với Giáo hội. Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” là một tiếng gọi lớn cho toàn Giáo hội – Giáo hội vừa loan báo Tin Mừng, vừa cử hành các Bí tích, vừa làm việc Bác ái.

Người Kitô hữu phải sẵn sàng trong mọi lúc để giúp đỡ lẫn nhau và những người anh em bất kỳ từ đâu đó đang cần đến ta hỗ trợ. Riêng những anh chị em đang dâng hiến đời mình để làm chứng nhân cho Tin Mừng cần phải biết tỏ ra xuất sắc trong mọi hoạt động bác ái xã hội.

Đẹp thay những anh chị em tu sĩ đang dấn thân giúp đỡ những người nghiền ma tuý, những người bị HIV giai đoạn cuối, hoặc trong những trường câm điếc, những trung tâm khuyết tật trong phong trào chống phá thai, xây dựng nhà tình thương, cung cấp sữa tươi cho trẻ em suy dinh dưỡng, học bổng, nhà trọ cho học sinh nghèo, xóa đói giảm nghèo, .v.v.

Những hoạt động bác ái xã hội như vậy rất thích hợp với người tu sĩ hôm nay. Ngay tại các Giáo phận, hoạt động bác ái xã hội cũng đang được cổ vũ mạnh mẽ. Giáo hội đang được trẻ trung hóa nhờ những hoạt động bác ái đang cần thiết đó.

Ai là mẹ Ta?

Chúa đặt một câu hỏi nghe hơi ngang khi người ta tin cho Chúa có mẹ và anh chị em Ngài đang tìm gặp Ngài (Mc 3,3). Thánh Luca ghi câu trả lời của Chúa thế này: “mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Thực ra, Mẹ chính là người đầu tiên và là người số một đã chia sẻ tình yêu thương cứu độ của Ngài. Từ ngày nói lên lời “xin vâng” ý Chúa mà Thiên thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ không ngừng bước đi theo con đường Chúa gọi. Mẹ đi theo Chúa cho đến tận dưới chân thập giá, để cùng Chúa dâng hiến lễ. Cho nên khi người ta tin cho Chúa: “Mẹ và anh em Ngài đang tìm Ngài” thì Chúa đặt một câu hỏi; “Ai là mẹ Ta?” làm người ta sửng sốt, nhưng đối với Mẹ vốn đã và đang chia sẻ tình yêu của Chúa khi Ngài đang quy tụ một gia đình mới, không bằng tình yêu huyết nhục, mà là tình yêu bác ái, gồm những người lấy tình yêu Tin Mừng làm lý tưởng. Mẹ rất vui, rất hãnh diện vì câu hỏi đó. Vì người mẹ gia đình đó chính là Đức Mẹ, Anh cả gia đình đó là Chúa Giêsu, những ai muốn sống Lời Chúa là anh chị em với nhau. Đó là một gia đình mà người này trở thành thiên đàng cho người kia qua tình yêu mới mẻ của Tin Mừng. Đời sống của các cộng đoàn sơ khởi chứng tỏ điều đó.

Chúa nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh chị em tôi – Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Ý muốn của Thiên Chúa là lấy tình yêu mà cứu độ thế giới này. Vì thế mà có thập giá, vì thế mà có điều răn mới: Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12).

Nếu hôm nay, tại núi Tàpao này, Đức Mẹ đang thiết lập cho chúng ta một Trung Tâm Bác ái, một thứ Bệnh viện tình thương của Thiên Chúa, một Bệnh viện chữa lành những vết thương thể xác lẫn tâm hồn, an ủi bao cõi lòng tan nát, đau khổ và tuyệt vọng, phục hồi những niềm tin đã chết đi từ lúc nào, thì vẫn là việc làm của Mẹ từ khi có Giáo hội cho đến bây giờ, việc làm từ tình yêu khôn tả mà Mẹ học được nơi Chúa Giêsu Con Mẹ – “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Ngày hôm nay ta cử hành lễ tạ ơn và tôn vinh Mẹ, cũng là tôn vinh tình yêu Thiên Chúa, tôn vinh cả phẩm giá con người mà Chúa đổ máu ra để cứu độ. Vì thế mà ta hãy cầu xin để biết sống tình yêu mà chính Chúa ban cho ta qua những ơn lành của Đức Mẹ – mỗi lần tạ ơn là quyết tâm yêu thương kẻ khác nhiều hơn.

Chúa đã từng dặn dò các môn đệ: “anh em đã nhận nhưng không hãy cho nhưng không” (Mt 10,8). Cho như vậy mà lại không mất mát gì. Tình yêu như ánh sáng phản hồi trong gương, vì Chúa đã nói: “Anh em hãy cho sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo của anh em. Vì anh em đã đong đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Chúa đang cổ vũ chúng ta xây dựng một xã hội đầy tình huynh đệ.

Tình yêu phải là tiếng nói cuối cùng của nhân loại, của lịch sử. Lời Chúa đang mời gọi ta lên đường dấn thân cho tình yêu - “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy”.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30. Mọi người ra về mang theo bình an của Chúa Phục Sinh, ơn lành của Mẹ Tàpao. Tất cả con cái Mẹ đều vui mừng, yêu mến, cậy tin nơi Mẹ hiền trinh nữ rất thánh.

Quả thật, linh địa Tàpao là nơi Mẹ chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, người ta được Mẹ mời gọi siêng năng lần chuỗi Mân Côi, cải thiện đời sống, tận hiến cho Mẹ, sống và loan bao Tin Mừng.

Đến với Mẹ Tàpao, thực hiện lời Mẹ dạy, sẽ không thất vọng bao giờ vì Mẹ Tàpao cũng là Mẹ Hằng cứu giúp.

• Xem Album Trung Tâm Hành Hương Mẹ Tapao tháng 5/2007

Gx Mẹ Vô Nhiễm, ngày 13.5.2007

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2007. 10:00