Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao giáo phận Phan Thiết

§ Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Ngày 08.12.2008, Giáo hội kính trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ TàPao, Giáo Phận Phan thiết tổ chức đại lễ khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ TàPao. ĐGM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cùng đồng tế với 80 linh trong và ngoài giáo phận. Đông đảo tu sĩ chủng sinh và khoảng 30 ngàn khách hành hương cùng hiệp thông thánh lễ và chung lời tôn vinh Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Tapao07-014.jpg

Thánh tượng Đức Mẹ TàPao là một trong năm thánh tượng Đức Mẹ được đặt rải rác từ miền Trung vào miền Nam và cao nguyên trung phần vào năm 1959. Ngày 8.12.1958 Đức Cha Marcello Piquet, Giám Mục Giáo phận Nha trang đã cử hành lễ Cung hiến và Khánh thành tượng đài Đức Mẹ TàPao, với sự hiện của đông đảo linh mục, tu sĩ và hàng chục ngàn tín hữu. Từ đó TàPao đã là một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Do chiến tranh nên từ năm 1964 ít ai dám lui tới, TàPao dường như bị lãng quên. Sau 40 năm, khách hành hương từ mọi miền đất nước và những kiều bào trở lại kính viếng Mẹ TàPao. Mười năm trở lại đây Tà Pao thay da đổi thịt từng ngày và đã trở nên trung tâm hành hương.

Từ một địa danh trước đây chẳng mấy ai biết tới, nay Tượng đài Đức Mẹ TàPao, như mong ước của hai Đức Giám Mục Nicolas và Phaolô cùng toàn thể Giáo phận Phan thiết cũng như hàng triệu khách hành hương trong và ngoài nước, trong tương lai gần nhất có thể hội đủ điều kiện và yếu tố để trở thành một trong những Trung Tâm Thánh Mẫu ở Việt Nam.

Trong tiết trời se lạnh cuối thu sang đông, chan hoà dưới ánh nắng ấm áp ban mai của núi rừng TàPao, đoàn đồng tế tiến lên lễ đài trên núi cao. Đoạn đường dài chừng cây số băng qua khu ruộng mới gặt đi lên triền núi có 1.200 gia trưởng và 500 huynh trưởng cùng khách hành hương đứng hai bên đón chào. Đội kèn giáo họ Vũ Hoà đi trước tấu vang những giai điệu ngợi khen tán tụng. Ca đoàn tổng hợp với 1.000 ca viên tuyển chọn từ các ca đoàn trong giáo phận cùng cộng đoàn Dân Chúa hoà vang bài ca nhập lễ tôn vinh Đức Mẹ “Cung chúc Trinh Vương không hề nhiễm tội truyền”. Lễ đài mới xây trên trên núi, mọi người ngước nhìn lên trời cao xanh để thấy hồn mình cũng thênh thang theo, nâng cao lên với Đức Mẹ.

Mở đầu thánh lễ, cha Giuse Bùi Ngọc Báu, trưởng ban tổ chức công bố “Sắc Lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao”.

TOÀ ÂN GIẢI TỐI CAO
Prot.N.523/08/I

SẮC LỆNH

Toà Ân Giải Tối Cao, để thêm lòng đạo đức cho các tín hữu và ơn cứu rỗi cho các linh hồn, do quyền hạn đã được ban một cách rất đặc biệt trong Chúa Kitô là Cha và là Chúa chúng ta, cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, do sự quan phòng của Thiên Chúa, qua thỉnh nguyện mới đệ đạt của Đức Giám Mục đáng kính Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết, nay quyết định mở kho tàng Giáo Hội trên trời mà sẵn lòng ban Ơn Toàn Xá, với những điều kiện thông thường ( xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng ) theo như lễ nghi đã chỉ định cho các tín hữu thật lòng thống hối tại chính Trung Tâm Thánh Mẫu TàPao, Ơn Toàn Xá này cũng có thể chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ sốt sắng tham dự việc cử hành Năm Toàn Xá này hoặc làm các việc đạo đức kính Đức Trinh Nữ Maria TàPao hoặc ít ra trong thời gian thích hợp, họ dục lòng đạo dức mà đọc Kinh lạy Cha, kinh Tin Kính theo công thức hợp pháp nào đó và khẩn cầu cùng Đức Mẹ TàPao:

-Trong những ngày 8/12/2008 và 2009 khi long trọng cử hành lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Toàn Xá;
-Trong các ngày 13 mỗi tháng;
-Trong mọi nghi thức phụng tự kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria.

Các người già, các bệnh nhân và mọi người có lý do quan trọng không thể ra khỏi nhà được vẫn có thể lãnh Ơn Toàn Xá này miễn là có lòng thống hối tội lỗi và quyết tâm thi hành trong thời gian sớm nhất ba điều kiện thông thường, nếu họ hiệp thông một cách thiêng liêng vào các việc cử hành Năm Toàn Xá và vào các cuộc hành hương, trong khi dâng lời nguyện và những nỗi khổ đau, những sự khó khăn trong cuộc sống riêng của họ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Mẹ Maria.
Sắc lệnh này chỉ có hiệu lực một lần. Triệt tiêu hoàn toàn mọi cản trở.

Ban hành tại Rôma do Toà Ân Giải Tối Cao ngày 28 tháng 7 năm 2008.
JACOBUS FRANCISCUS S.R.E. Hồng Y STAFFORD,
Paenitentiarius Maior.
Joannes Franciscus Girotti, O.F.M. Conv.
Ep. Tit. Metensis, Regens.
(Ấn ký)
(bản dịch của LM Phêrô Nguyễn Hữu Đăng).

Bấm vào hình để xem toàn tập
81208TaPaoKM00.jpg

Cả biển người vỗ tay không ngớt bày tỏ tấm lòng biết ơn Đức Thánh Cha và Toà Ân Giải qua Sắc lệnh vừa đựơc công bố.

Đức cha Phaolô gợi lên những tâm tình trong ngày lễ trọng đại của Giáo phận, tạ ơn Chúa, tri ân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, hiệp ý cầu nguyện cho công lý và hoà bình trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Trong bài giảng lễ, ngài đã suy niệm về con đường mới của đức tin theo mẫu gương Mẹ Maria.

Lời “xin vâng” là một quyết định từ niềm tin sâu xa của Đức Mẹ. Từ đó cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn gắn bó với cuộc đời Đức Giêsu, con Mẹ. Chính con Mẹ sẽ dẫn Mẹ đi vào con đường mới của Đức Tin: Con đường yêu thương cho đến cùng, con đường vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập tự, con đường cứu độ, đem cả nhân loại đi vào thế giới mới.

Đây là con đường vĩ đại, con đường phải trả bằng giá máu. Con đường ấy có nhiều gian truân thách đố có thể làm cho Đức tin chao đảo lung lay. Đức Mẹ cùng con song hành trong suốt cuộc đời, và Mẹ mãi còn hành trình với Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử cho đến ngày tận thế trên đường mới của Đức Tin.

Đức Tin thì không mới, nhưng con đường biểu lộ Đức Tin đó thì hoàn toàn mới. Đức Mẹ là tinh hoa của truyền thống niềm tin của Cựu ước. Đó là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa quyền năng như ta thường thấy diễn tả trong các thánh vịnh, một niềm tin với tâm hồn khiêm tốn, khó nghèo, trân trọng tuyệt đối vào lòng thương và thánh ý của Thiên Chúa. Niềm tin này chính Chúa Giêsu đã chia sẽ khi ta nghe Ngài đọc thánh vịnh 22 trên thập giá: “Chúa ơi, Chúa ơi sao Người bỏ con”. Cận kề cái chết khổ nhục, Ngài vẫn tin Thiên Chúa Cha không bỏ rơi mình.

Trong những năm tháng rao giảng, Chúa Giêsu chỉ mong làm cho niềm tin đó thành niềm xác tín sâu xa nơi các môn đệ Ngài. Và Ngài đã tạo ra con đường mới, con đường của Tin Mừng tin yêu. Thánh Phaolô chiêm nghiệm con đường của Thầy để rồi xác quyết: “không có gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô”. Chúa đến với nhân loại trong thân phận con người con người và với trái tim Thiên Chúa. Vì thế Ngài đã yêu đến cùng.

Cần phải đọc hết các sách Tin Mừng thì mới nhận ra con đường mới của đức tin. Nhưng ở đây xin suy niệm một ít nét Đức Tin mà Đức Mẹ đã từng chia sẽ với Chúa Giêsu con Mẹ.

Khi truyền tin, sứ thần Gabriel đã nói với Mẹ “Con Mẹ là con Đấng Tối Cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Đavit, triều đại người sẽ vô tận”. Vậy mà Con Thiên Chúa Tối Cao lại là một con người với thân phận nghèo hèn, yếu đuối, làm con của một trinh nữ nhà quê thiếu thốn. Thiên Chúa quyền năng cao cả, Đấng sáng tạo đất trời sông biển núi non, Con của Người lại thành đứa bé sinh ra nơi chuồng bò lừa tồi tàn, đứa bé sống nhờ từng giọt sữa mẹ, nhờ tình yêu vỗ về của mẹ cho đến ngày khôn lớn.

Trong lòng bàn tay Mẹ, một vì Thiên Chúa để cho con Ngài bị tước đoạt uy danh khả tôn, khả úy, trở nên bé nhỏ mong manh. Mẹ dâng con vào đền thờ với lễ vật tạ ơn là cặp chim gáy, lễ vật của người dân quê nghèo nàn. Con Thiên Chúa có hơn chi ai.

Mẹ có nhận ra thần tính nơi em bé Giêsu được không? Khó mà trả lời, nhưng Mẹ luôn sẳn sàng đón nhận những mâu thuẩn đó để suy đi nghĩ lại trong lòng. Điều này thánh Luca ghi chú đến hai lần: Khi các mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Nhi (Lc 2,18) và khi Mẹ tìm gặp con trong đền thánh (Lc 2,51).

Một điều mâu thuẫn là lời tiên tri của Simêon khi bồng em bé Giêsu trong tay, ông không ngừng chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa và ca tụng em bé Giêsu là Hồng Ân cứu độ, là Ánh Sáng muôn dân, là vinh quang của Israen. Nhưng liền đó, ông lại nói đến tương lai quá bi đát: “Trẻ này đuợc đặt lên khiến cho nhiều người trong Israen phải sụp đổ hay đuợc đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối”.(Lc 2,34).Trong tâm trí Mẹ, Giêsu là con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh. Nhưng lời tiên tri cho Mẹ thấy những tình huống đau thương sẽ xảy đến cho con mình. Đó quả là một mầu nhiệm, một thách đố của niềm tin.

Cuộc đời Mẹ ra sao? Ai lại không mong một cuộc sống bình an vô sự. Ai không mong tuổi già của mình sẽ được nương nhờ con cái. Vậy mà lời tiên tri như sét đánh bên tai Mẹ: “Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…”(Lc 2,35).

Mẹ đã nhận lấy lưỡi gươm đâm thâu trái tim mình theo thánh ý Thiên Chúa. Lời tiên tri đã ứng nghiệm khi lưỡi gươm đâm sâu vào trái tim Chúa Giêsu. Mẹ đứng đó dưới chân thập giá chứng kiến cái chết nhục hình của người con yêu quý. Mẹ đứng đó, Mẹ không khóc, không than, không ngất xỉu. Mẹ chia sẽ mọi nổi oan khiến nhục nhã của người con chí thánh. Dung mạo của Mẹ dưới chân thập giá tuyệt đẹp. Đó là hình ảnh của một đạo binh oai hùng xếp hàng vào trận. Đó là con đường mới của Đức Tin. Tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vậy đó.

Mẹ nhìn lên Chúa trên thập giá. Con Mẹ trải qua những giờ phút đau thương nhất, nhưng thật an bình, thật quảng đại, thật vững tâm, thật phó thác, vì Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha. Mẹ hiểu được mầu nhiệm phục sinh gắn liền với mầu nhiệm tử nạn. Mẹ cùng chia sẻ niềm tin đó với con mình. Chết là đi vào cõi sống đời đời. Đó là con đường mới của Đức tin.

Cuộc chiến trên thập giá giữa Thiên Chúa và con người. Hình như con người đã thắng khi đóng đinh Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Thiên Chúa lại chọn thập giá để biểu lộ tình yêu chiến thắng. Con đường của Thiên Chúa là con đuờng tình yêu. Tình yêu chiến thắng sự chết. Mẹ đã thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ dâng hiến con mình trong hy lễ cứu độ với niềm tin phục sinh. Vì thế, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng.

Mẹ cũng là Mẹ Giáo Hội. Mẹ là thầy dạy đức tin. Mẹ thật tuyệt vời. Mẹ yêu thương chăm sóc đoàn con cái đang bước đi trong gian nan thử thách giữa dòng đời. Giáo Hội đi vào con đường thập giá Chúa đã đi. Giáo hội cùng có Mẹ đồng hành mỗi ngày như Thầy dạy đức tin.

Mẹ đang dừng lại nơi núi rừng Tà Pao này, Mẹ không mong gì hơn là chúng ta bắt chước Mẹ đi vào con đường đức tin mà Mẹ đã đi với Chúa giêsu, con Mẹ.

Mẹ đang vận dụng quyền năng Chúa ban để Mẹ đem đến cho chúng ta bao ơn lành phần hồn phần xác. Cuộc sống chúng ta đang bị đe dọa tứ bề. Mẹ bảo chúng ta đừng bị lung lay chao đảo trước một thế giới bất an đầy khủng hoảng.

Bấm vào hình để xem toàn tập
81208TaPaoKM04.jpg

Thiên Chúa dựng nên con người để con người đựoc sống và sống dồi dào. Câu chuyện cuộc đời Ông Giop cho thấy, tai ương đau khổ là từ ma quỹ mà đến. Thiên Chúa dựng nên chúng ta là để được hạnh phúc. Ngoài Thiên Chúa không còn đâu là điểm hẹn của hạnh phúc thật. Và vì nhân loại đang muốn gạt Thiên Chúa đi để tự mình làm Chúa lấy mình cho nên đã gặp phải một mặt đất đắng cay càng lâu càng cay đắng. Cũng như Ađam Evà xưa, cố đạt giấc mơ làm Chúa nên phải rơi vào đau khổ của sự chết. Sức lực, tài năng con người không vượt quá số phận mỏng manh vắn vỏi của mình.

Chúa mời gọi nhân loại hãy đi về trời mới đất mới của Ngài. Mẹ Maria là người đầu tiên sống niềm tin đó. Niềm tin phải đi trên con đường hẹp, con đường dẫn đến hạnh phúc vô biên trong Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta người Mẹ thánh thiện vinh quang đầy quyền năng để dìu dắt chở che cuộc đời gian truân của chúng ta. Chúng ta tạ ơn Mẹ đã hiện diện ngày đêm nơi núi rừng hiền hòa, đơn sơ này để chờ, đề nghe từng nổi niềm đau khổ, từng tấm lòng sám hối ăn năn, từng nổi lòng yêu mến khao khát được làm con Mẹ. Mẹ nhận lấy tất cả không từ chối ai. Chỉ cần chúng ta có lòng tin, có sự khiêm tốn, có tình yêu thương bác ái trong cuộc sống. “Ai cho sẽ được cho lại” đó là nguyên tắc Chúa đã đặt ra khi chúng ta muốn cầu xin một ơn nào đó.

Trong Năm Thánh Đức Mẹ TàPao, Cầu chúc anh chị em biết học và sống niềm tin của Đức Mẹ.

Thánh lễ kết thúc lúc 9g30. Nắng rộn rã nhưng không gay gắt. Rừng xanh như tấm thảm hút nắng mặt trời lọc đi sức nóng rồi điều hoà khí trời trong mát dịu êm. Mọi người tiếp tục lên thánh tượng Đức Mẹ TàPao để cầu nguyện khấn xin.

Việc Chúa làm thật kỳ diệu. TàPao là vùng đất kính tế mới xa xôi, “khỉ ho cò gáy, đèo heo hút gió”. Ba mươi năm trước, dân tứ xứ đi kinh tế mới đến đây khai phá rừng làm nương rẫy. Bây giờ là trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Nhà cửa, quán xá xây dựng ngày càng nhiều làm thay đổi bộ mặt miền quê nghèo êm ả.

Giáo phận Phan Thiết tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận một trung tâm hành hương thánh thiêng tuyệt vời. TàPao là nơi Đức Mẹ chọn để mọi người từ muôn phương đến được Mẹ bồi dưỡng bằng ơn lành hồn xác. Một khi đã đón nhận những ân ban, ai ai cũng được Mẹ mời gọi cải thiện đời sống, sống theo Tin mừng.

Cho xứng với lòng biết ơn đối với Đức Mẹ TàPao, Giáo phận đã tổ chức đêm 7.12, diễn nguyện và hát ca tôn vinh Mẹ. ĐGM giáo phận, Đức Ông Tổng đại diện, các linh mục tu sĩ chủng sinh và hơn 10.000 khách hành hương chung niềm vui ngợi khen Đức Mẹ TàPao. Với sự góp phần của 1.000 ca viên, hội dòng MTG Phan thiết, hội dòng MTG Nha trang, hội dòng Khiết tâm Đức Mẹ Nha trang, các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Sài gòn, đêm canh thức đã ghi nhiều dấu ấn thiêng liêng vào tâm hồn mọi người, gia tăng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ. Nhiều đoàn hành hương tiếp tục leo núi lên với Mẹ để đọc kinh lần hạt cầu nguyện. Đêm rừng núi TàPao không còn âm u tăm tối nhưng rực sáng niềm tin, ấm áp tình yêu giữa Mẹ hiền và đoàn con cái.

Giáo hội đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng, ở giữa thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Vui mừng biết bao trong “màu tím đợi chờ và hy vọng” bừng lên “sắc trắng, sắc vàng của hoan vui ngày lễ Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm”, ngày lễ mà ý nghĩa phụng vụ đã gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ, liên quan đến số phận ngàn đời của nhân loại và như cánh cửa thiêng liêng mở ra để Dân Chúa đỉnh đạc bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể. Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, có hai chân lý về Đức Maria đã đựơc Giáo hội định tín: tín điều “Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) liên quan tới cuộc khai mở cuộc đời của Đức Mẹ; và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1,11,1960) liên quan đến giây phút kết thúc cuộc sống trần gian trong vinh quang phục sinh của Đức Mẹ. Hai tín điều đó khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai mút cùng lịch sử: một khởi đầu sáng tạo với vẻ đẹp “Vô Nhiễm tuyệt vời” và một kết thúc với công trình Nhập Thể Cứu Độ của Chúa Con, toàn thể nhân loại đựơc nâng lên trong ánh quang phục sinh vĩnh hằng.

Đến với Đức Mẹ TàPao, sống Năm thánh Đức Mẹ TàPao, chúng ta hãy tin tưởng và noi gương Mẹ, sống vững tin và yêu thương như Mẹ.

Đến với Đức Mẹ TàPao, hãy siêng năng lần hạt như Mẹ dạy, mọi người sẽ được đầy hồng ân, hạnh phúc. Đức Mẹ TàPao cũng là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Đọc thêm:
- Bài Suy Niệm Đêm Canh Thức Đại Lễ Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao 2008 Lm Aug Nguyễn Đức Lợi
- KINH ĐỨC MẸ TÀPAO

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.12.2008. 11:21