Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Mẹ Tàpao 2005

§ Phạm Ngọc Trản

Trong năm 2005, giáo phận Phan Thiết kỷ niệm 30 năm thành lập (30/1/1975 – 30/1/2005) và vào ngày 5/4/2005, ĐGM phó Nguyễn Thanh Hoan đảm nhiệm cương vị giám mục chính tòa thay thế ĐGM Huỳnh Văn Nghi được Tòa Thánh chấp thuận nghỉ hưu. Một trong những dấu ấn đầu tiên của ĐGM Nguyễn Thanh Hoan đối với giáo phận Phan Thiết là lễ đặt viên đá khởi công ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ Tà Pao diễn ra vào ngày 13/5/2005.

Từ bao đời, Tà Pao là một vùng đèo heo hút gió, thưa thớt dân cư... Tà Pao tiếng dân tộc K’Ho có nghĩa là Núi Pao. Bình Thuận có đến ngũ Tà: ngoài Tà Pao là Tà Mon, Tà Lễ, Tà Zon, Tà Pứa. Trong quá khứ, Tà Pao chỉ được biết đến vào năm 1959 khi Tượng Đức Mẹ Tà Pao được dựng lên (cũng vào thời điểm này còn một tượng Đức Mẹ khác được đặt tại Hàm Thuận Nam) và do cố Giám mục Marcel Piquet (MEP) – lúc đó là Giám mục đại diện Tông Tòa Giáo Phận Nha Trang mới được thành lập (1957) đến làm phép tượng và Tà Pao trở nên một điểm hành hương của giáo phận. Và vào đầu thập niên của thế kỷ 20, do chính sách dinh điền thời bấy giờ, một số di dân gốc Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi kéo về vùng phụ cận Tà Pao định cư.

Sau 1975, Tà Pao là một điểm kinh tế mới nằm trên địa bàn giáo phận Phan Thiết mới được thành lập tách ra từ giáo phận Nha Trang nhưng cũng từ thời điểm này Đức Mẹ Tà Pao chìm vào quên lãng và tượng bị che khuất bởi một rừng tre. Mãi đến năm 1990, cha xứ Đức Tân và một số giáo hữu chặt tre phát cây tạo lại lối đi. Từ đó nhiều người dần dần kéo đến đọc kinh cầu nguyện...

Tà Pao tọa lạc nơi vùng đồi núi trên địa bàn xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nên giáo hữu có thể đến đây từ hai hướng Tánh Linh hoặc Tân Phú. Về tôn giáo, Tà Pao nằm trên địa bàn giáo họ Đồng Kho – giáo xứ Đức Tân, giáo hạt Đức Tánh, giáo phận Phan Thiết. Giáo họ Đồng Kho ngày nay có khoảng 1.000 tín hữu trong tổng số 7.230 dân.

Tà Pao chỉ trở nên địa danh quen thuộc của tín hữu các vùng lân cận thuộc giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, TPHCM... từ năm 1999 trở lại đây. Tuy vậy, Tà Pao hiện thời vẫn còn đậm nét hoang sơ. Khách hành hương Đức Mẹ Tà Pao thường đi về trong ngày. Ai muốn nghỉ lại qua đêm chỉ có thể giăng võng, mắc mùng, trải chiếu nơi một vài nhà dân dưới chân núi. Chưa có bóng dáng những khách sạn hoặc nhà trọ tươm tất. Việc ăn uống có thể nhờ vả người dân hiếu khách và tốt bụng...

Từ năm 2002, vào các ngày 13 trong năm, thánh lễ đồng tế do ĐGM giáo phận chủ sự được cử hành tại nhà thờ Tánh Linh, cách địa điểm Đức Mẹ Tà Pao 7 cây số. Số lượng giáo hữu tham dự khoảng vài ba ngàn người. Nhưng có lẽ chẳng bao lâu nữa, ngôi thánh đường mới với diện tích 1.000m2 - cách núi Tà Pao 1,5 km – theo mô hình nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) sẽ hiện diện và vùng đồi núi Tà Pao sẽ trở nên một địa điểm đón nhận thường xuyên khách hành hương thập phương. Ngoài ngôi thánh đường, giáo phận cũng dự kiến làm một con đường để khách hành hương đi về giữa núi và nhà thờ, nhà vệ sinh công cộng, nhà nghỉ đơn sơ cho khách hành hương cầu nguyện ban đêm nơi chân núi. Tuy nhiên, tượng Đức Mẹ Tà Pao – cao khoảng 2,8 mét, bệ cao 2 mét sau gần nửa thế kỷ phơi mình ngoài mưa nắng, hiện nay đã ít nhiều hư hại. Việc tu bổ bức tượng cũng đã nằm trong dự kiến của giáo phận.

Đức Mẹ Tà Pao cho thấy thêm về lòng sùng kính Đức Mẹ nơi tín hữu Việt Nam. Các Trung tâm hành hương Đức Mẹ đã hiện diện ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S như La Vang (Quảng Trị), Trà Kiệu(Đà Nẵng), Bãi Dâu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Fatima Bình Triệu (TPHCM) trong đó Đức Mẹ La Vang đã được tôn kính trong Giáo hội toàn cầu với phần phụng vụ riêng như Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp), Đức Mẹ Fatima (Bồ Đào Nha). Khung cảnh Đức Mẹ Bãi Dâu ngày nay cũng đã khang trang với một địa thế tuyệt đẹp bên sườn núi nhìn ra biển Đông.

Ngoài các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch kết hợp mua sắm (shopping)..., nhiều người Việt Nam ngày nay còn đề cập đến khái niệm “du lịch tâm linh”, hiểu nôm na là du lịch, nghỉ ngơi, thư giãn kết hợp với hành hương cầu nguyện... Và không chỉ riêng những tín hữu Công giáo với các trung tâm hành hương, các ngôi nhà thờ cổ xưa. Đó còn là các ngôi chùa miếu danh tiếng, các thánh thất đối với các Phật tử, tín hữu Cao Đài...

Cũng trong nhu cầu này, ngoài các trung tâm hành hương Đức Mẹ, giáo hữu Công giáo Việt Nam còn tìm đến nhiều địa điểm khác như Chúa Kitô núi Tao Phùng (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trung tâm hành hương Anrê Phú Yên (Phú Yên), mộ cha Trương Bửu Diệp (Bạc Liêu), nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình)... Nhiều giáo xứ tại TPHCM đã tổ chức các tour du lịch dài hoặc ngắn ngày xuôi về Nam hoặc ra miền Trung, miền Bắc. Gần đây còn có những giáo xứ tổ chức tour đi Campuchia, Thái Lan...

Hành hương hoặc du lịch tâm linh hoặc tham dự các lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa... tại Việt Nam là nhu cầu ngày càng lớn không chỉ đối với dân chúng trong nước mà còn đối với người Việt ở nước ngoài, ngoại kiều trên thế giới. Trong nhu cầu này, không thể không đề cập đến các khía cạnh liên quan như cung cách của người hành hương – du lịch, việc khai thác và phục vụ...

Riêng đối với những người hành hương, một khía cạnh quan trọng là cung cách biểu lộ sao cho phù hợp với niềm tin – một niềm tin không mang dáng vẻ cuồng tín, lệch lạc văn hóa, bất chấp kỷ cương... Thị kiến về Đức Mẹ có thể là thị kiến cá nhân hoặc tập thể, nhưng cung cách biểu lộ của người hành hương chắc chắn liên đới và gây ảnh hưởng đến tập thể. Ngược lại, các trung tâm - điểm hành hương cần tạo được vẻ tôn nghiêm từ cảnh quan đến các sinh hoạt tôn giáo...

Ngày nay, GHCGVN đã có nhiều trung tâm hành hương và là điểm đến thường xuyên của mọi người trong cũng như ngoài nước. Ước mong Đức Mẹ Tà Pao là một trong những môi trường thực sự tâm linh cho những ai thành tâm tìm đến khẩn cầu.

Phạm Ngọc Trản
(Nguyệt San Công giáo và Dân tộc số 126, trang 89)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.08.2006. 23:45