Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tường thuật Ngày Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 tại TGP Atlanta, GA

§ Paul Anh

VietCatholic News (Chúa Nhật 22/06/2008 10:18)

ATLANTA, GA.- Sáng thứ Bảy (ngày 21 tháng 6 năm 2008) trời thành phố Atlanta với những hạt mưa nhẹ mang lại một chút độ ẩm cho thành phố / tiểu bang vốn phải lâm vào nạn hạn hán. Tham dự kỳ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 năm nay, người viết tôi nhận ra có một số điểm khác biệt, so với những lần trước khi có dịp ghé đến tiểu bang này vào mỗi lần diễn ra Kỳ Đại Hội Thánh Thể hằng năm.

EucharisticCongresss08-Logo.jpg

Chủ đề của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này chính là: "Ta Là Bánh Hằng Sống" (I Am The Living Bread). Xét về số lượng tham dự viên, phải nói thật là khá đông trên 40,000 người, và đây chính là tiểu bang duy nhất trên toàn thể nước Mỹ vốn hằng năm vẫn thường hay diễn ra kỳ Đại Hội Thánh Thể, là dịp vô cùng quý báu để giúp người Công Giáo trưởng thành lên trong Đức Tin qua Phép Thánh Thể - Đấng hiện diện mỗi ngày với tất cả chúng ta, và cũng là Đấng mang lại cho chúng ta Bánh Hằng Sống.

Truyền thống cao đẹp này vốn ban đầu được khởi xướng bởi vị cựu Tổng Giám Mục John Francis Donoghue, và sau này được nối tiếp bởi Đức Tổng Giám Mục Wilton Daniel Gregory. Bất cứ người ở nơi xa lạ nào đến Tổng Giáo Phận này đều phải nhận thấy và công nhận một sự thật cao đẹp rất rõ ràng rằng: có một điều duy nhất mà mọi người Công Giáo ở đây rất tự hào và trân trọng nhất đó là việc có được Đại Hội Thánh Thể truyền thống được cử hành hằng năm. Do đó, cứ mỗi năm, số lượng người đến tham dự Đại Hội Thánh Thể càng tăng lên, chứ chưa bao giờ sút giảm cả. Vì sao vậy? Thưa, vì sự thu hút diệu kỳ và nhiệm mầu của Chúa Giêsu - Đấng thật sự hiện diện nơi Phép Thánh Thể, và bầu khí đón chào thân thiện lan tỏa của Chúa Thánh Thần hiện diện nơi từng người Công Giáo tại đây.

A. Buổi Khai Mạc Ban Sáng:

Chương trình Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 được long trọng khai mạc bởi phần Kiệu Thánh Thể ban sáng rất sốt sắng do Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory, S.T.D. chủ tế, cùng với sự đồng tế của: Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên (Giám Mục Phó Cần Thơ, Việt Nam), Đức cựu Tổng Giám Mục John Donoghue, Đức Giám Mục Gabino Miranda-Melgarejo (Giám Mục Ayacucho, Pêru), Đức Giám Mục Daniel Flores, S.T.D. (Đức Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận Detroit, Michigan), và 20 vị Linh Mục.

Phải nói rằng, bài suy niệm ban sáng của ĐTGM Gregory về Phép Thánh Thể rất hay và rất mới lạ!

Ngài bắt đầu bài giảng bằng cách kể lại một kỷ niệm của thưở thiếu thời, khi hãy còn là một cậu bé, ngài rất thích đi ngang tiệm làm bánh mì để có dịp ngửi vào hương vị rất thơm tho, rất mới mẽ của bánh mì vừa mới được chế ra lò, rất nóng hổi. Từ cái cảm nghiệm về miếng bánh trần gian đó, ngài mới hướng giáo dân đến giá trị cao vời hơn của Bánh Thánh trong Mầu Nhiệm Thánh Thể của Chúa Kitô.

Theo ngài, Bánh Thánh đóng một vai trò không thể nào thiếu được trong câu chuyện về ơn cứu rỗi của nhân loại. Bánh Thánh của Chúa Giêsu, cũng chính là Mình và Máu của Ngài, được hy tế để phục vụ như là lòng độ lượng, như là của ăn dồi dào và như là Đấng luôn cùng đồng hành với con người. Từ một chiếc bánh bình thường, Thiên Chúa đã nhân nó ra thật nhiều qua chính lời cầu nguyện và tạ ơn của Ngài, để nuôi sống đám đông đang phải khát khao theo Chúa, để tìm lấy Lời và Của Ăn của Bánh Hằng Sống....

Phép Thánh Thể trước tiên là làm thỏa mãn sự đói khát nơi trái tim nhân loại con người xét về mặt thể xác, và sau cùng hết chính là sự thỏa mãn của linh hồn. Phép Thánh Thể chính là lời nhắc nhớ dành cho những ai muốn được cứu rỗi vào thời sau hết về Bánh hằng sống của Nước Thiêng Đàng. Bánh đó không chỉ là một bữa ăn bình thường, mà là một của ăn được mầu nhiệm hóa bởi chính sự hiện diện của một Chúa Kitô đang sống động ngự trị ở trong đó.

Phép Thánh Thể chính là dịp mà một lần nữa, Thiên Chúa gọi mời chúng ta hãy biết tận hưởng hết tất cả sự thương yêu và lòng độ lượng của Ngài dành cho chúng ta, vì "Ta là Bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời..... "

Phép Thánh Thể không chỉ thuần túy dung dưỡng sự sống, mà đúng hơn Phép Thánh Thể tự đó chính là sự sống.

Rồi ngài đề cập đến truyền thống La Tinh thời Đức Cố Giáo Hoàng Piô X, là thời mà các em khi lần đầu lãnh nhận Phép Thánh Thể, các em đều có thể phân biệt được một cách rất tỏ tường đâu chính là sự khác biệt rõ ràng nhật giữa bánh ăn bình thường và Bánh Thánh nơi Phép Thánh Thể. Từ đó, ngài đề cập đến cuộc thăm dò gần đây nơi những người Công Giáo cho thấy họ thật sự chưa hiểu biết gì cả về Phép Thánh Thể.

Phép Thánh Thể chính là Thiên Chúa của vũ trụ, của Linh Hồn, và của Bản Tính Thiêng Liêng của Thiên Chúa. Phép Thánh Thể chính là một giao ước mà chúng ta sung sướng có được với Chúa Kitô, để qua đó trở nên sự hiện diện của Ngài ngay giữa lòng trần thế, ngay trong môi trường mà chúng ta hiện đang sống, để từ đó tìm cách tỏ bày sự hiện diện của Ngài ra cho những người khác, vốn đang còn phải mãi mê và vương vấn trong vòng vây của tội lỗi, của sự cám dỗ, quyến rũ, và xa lạc với Đức Tin Công Giáo.

Có như thế thì chúng ta mới có thể sống mãi trong Chúa Kitô, và ngài đã kết thúc bài giảng ban sáng như vậy!

Sau bài suy niệm của ĐTGM Gregory chính là phần suy tôn Thánh Thể trong sự thinh lặng - quả thật, đây đúng là giây phút thiêng liêng và thánh thiện nhất của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này, khi 6 ống kính quay camera điệu nghệ của những chuyên viên quay video chuyên nghiệp của Hoa Kỳ, đều quy hướng duy nhất vào Monstrance có chứa Phép Thánh Thể.

Đây là giây phút sâu lắng thiêng liêng để đưa cõi lòng, tâm trí và linh hồn hướng về mầu nhiệm cao vời của Phép Thánh Thể! Cả cộng đoàn hơn 40,000 người đều thinh lặng tuyệt đối để gẩm suy đời mình qua lăng kính của Phép Thánh Thể...

Lòng tôi cũng hòa chung vào bầu khí đó, tôi tự gẫm suy lại cuộc đời mình và tự chất vấn chính bản thân mình về những việc mà mình đã làm, hay chưa dám làm, hay chưa dám can đảm để sống đúng với những gì mà Thiên Chúa mõi mong nơi mình,..... , khi mà mỗi ngày, Ngài đều chờ đợi, và mỗi tuần Ngài đều muốn ngự vào trong cung lòng của tôi.....

Xen lẫn trong sự thinh lặng chính là những tiếng nhạc réo rắt, ru hồn, và hướng tâm con người lên tới Thiên Chúa qua những bài hát như: How Great Thou Art (Ngài Thật Là Thiện Hảo Dường Bao), How Great is Our God (Thiên Chúa của Chúng Ta Vĩ Đại Dường Bao), và In Remembrance of You (Qua Việc Tưởng Nhớ đến Ngài).

Kết thúc phần tự suy niệm về Phép Thánh Thể nơi cả cộng đồng chính là phần Chầu Mình Thánh Chúa qua bản nhạc La Tinh Tantum Ergo, và Divine Praises qua đó cộng đoàn đọc theo sau ĐTGM.

Kết thúc phần Chầu Thánh Thể chính là phần khai mạc do ĐTGM Gregory chủ xướng khi ngài giới thiệu về Russ Spencer - Phát Ngôn Viên Chính của Kênh Truyền Hình Fox 5 ở Atlanta, GA - cũng là một người Công Giáo ngoan đạo.

Rồi sau đó, Emcee Russ Spencer tiến lên bục thực hiện vai trò của Ông. Ông tỏ bày lời cám ơn đến ĐTGM Gregory vì đã nối tiếp truyền thống về Đại Hội Thánh Thể không những trong năm này, mà còn thêm nhiều năm dài sau này nữa, và Ông cũng gởi lời chúc đến Đức cựu TGM Donoghue, cũng như gởi lời mong ước rằng: ĐTGM Gregory sẽ ở với con chiên của Ngài trong vùng phía Bắc của tiểu bang Georgia này trong nhiều năm nữa.

Sở dĩ, Russ đưa ra tin này, vì hiện đang có rất nhiều tin hành lang cho biết rằng: ĐTGM Gregory có thể sẽ trở thành vị Tân Hồng Y của Tổng Giáo Phận New York vì Đức Hồng Y Eward Egan của New York đã đến tuổi nghỉ hưu rồi, và tên của ĐTGM Gregory được bàn đến rất nhiều lần trong các ứng viên có thể thay thế chiếc ghế Hồng Y mà mấy lâu nay đều thuộc về những vị có gốc "Ái Nhĩ Lan" mà thôi!?

Thông thường, theo như thông lệ hằng năm, sau khi Emcee Russ giới thiệu qua chương trình cụ thể của cả Ngày Đại Hội Thánh Thể, thì Cha Ricardo Bailey (hay còn gọi là Father "Crunk") - vị Tân Linh Mục tuyên uý tại trường Trung Học Blessed Trinity High School - sẽ là người nói tiếp, để huy động và kêu gọi sự đóng góp về tài chánh của các tham dự viên, để giúp cho TGP trang trải chi phí tổ chức kỳ Đại Hội Thánh Thể lớn như thế này, vốn vẫn thường mất tới hơn $650,000 để tổ chức được.

Lần này có sự thay đổi, không có sự phát biểu của vị Linh Mục nữa, mà là lời chia sẽ của 3 người giáo dân đại diện cho khối nói tiếng Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Về phần Việt Nam, Ông Phêrô Nguyễn Tiến Hùng - Chủ Tịch Cộng Đoàn của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang là nơi mà Msgr. Francis Phạm Văn Phương làm Chánh Xứ - lên kêu gọi mọi giáo dân Việt Nam hãy rộng lượng giúp cho TGP.

Phần trình bày của Ông này rất hay, và sôi nổi không kém gì so với phần trình bày rất vui nhộn, sâu lắng, và hùng hồn của 2 vị nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trước đó.

Thêm một điểm lạ rất hay mà chúng ta dễ nhận biết được trong TGP Atlanta này đó là: mặc dầu các cộng đoàn Đại Hàn, Tàu, Phi Luật Tân, Indonesia, vân vân... rất đông, và thậm chí được tổ chức rất là đoàn kết nữa là đằng khác, thế nhưng, các cộng đoàn Á Châu này vẫn chưa có Nhà Thờ riêng, như cộng đoàn Việt Nam, do hai Linh Mục ban đầu có công rất lớn đó là Đức Ông Phương, với Nhà Thờ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, và Linh Mục Phêrô Nguyễn Ngọc Đức - với Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà hiện nay do Cha Trần Quốc Tuấn làm Giám Quản / Quản Nhiệm (Administrator).

[Administrator chứ không phải Pastor (Cha Sở) - và giữa AdministratorPastor có sự khác nhau hoàn toàn - ND]

Xét về mặt xã hội trần tục, thì cộng đồng người Đại Hàn tại tiểu bang Georgia này lớn mạnh hơn rất nhiều vì họ có các Farmer Markets (Chợ Nông Trại) riêng, làm chủ rất nhiều tiệm giặt ủi và cây xăng, có ngân hàng riêng, và có hãng máy bay riêng bay trực tiếp từ Atlanta đến Seoul và ngược lại. Cộng đoàn Tàu cũng giống vậy, nhưng họ lại làm chủ nhiều nhà hàng hơn.

Và về mặt Công Giáo, thì cả hai cộng đoàn Đại Hàn và Tàu vẫn thua cộng đoàn Công Giáo Việt Nam. Suy cho cùng, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở TGP Atlanta được các vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ da trắng và da đen ưu ái và lưu tâm đến chính là nhờ công lao rất lớn của Msgr. Phương - người đã từng giữ chức Vicar for Clergy (Tổng Đại Diện về Giáo Sĩ) dưới thời Đức cựu TGM Donoghue và ngài được nâng lên tước hiệu Đức Ông (Msgr.) vào cuối năm 2004 cũng dưới thời của vị cựu Tổng Giám Mục này.

Cũng giống như nội dung chính được trình bày bằng 2 thứ tiếng trước đó và nội dung được trình bày cho các độc giả Công Giáo của TGP trên tờ The Georgia Bulletin số ra ngày 5 tháng 6 năm 2008 từ trang 10 đến 12, rằng: TGP rất cần sự hổ trợ về tài chánh để giúp trang trải chi phí tổ chức, và giúp duy trì Đại Hội Thánh Thể này hằng năm. Vào năm ngoái, chi phí tổ chức lên tới $650,000 nhưng số tiền bỏ coi của cộng đoàn hãy còn thiếu tới hơn $287,000. Hy vọng rằng lời kêu gọi này được rộng rãi đáp ứng bởi 3 sắc dân Công Giáo chính (Anh, Tây Ban Nha, và Việt) có trong TGP Atlanta.

Kế tiếp là phần trình bày ngắn gọn nhưng rất súc tích của Ông Tom Peterson - người vừa mới trở về từ Rôma vào tối thứ Sáu vừa qua, sau khi Ông gặp gỡ với các viên chức trong Giáo Triều Rôma, để cùng phối hợp thực hiện một chiến dịch trên tầm cở toàn cầu và trên toàn cõi nước Mỹ về chiến dịch "Kêu Gọi Những Công Giáo Đã Rời Bỏ Giáo Hội Hãy Trở Về" (Catholics Come Home) và đặc biệt là việc tung ra những thước phim quảng cáo trên các phương tiện đại chúng của Hoa Kỳ, vào ngay giữa các chương trình chính như: American Idol trên Fox, các Chương Trình Thể Thao, các Chương Trình Tin Tức Thời Sự, các buổi tranh luận bầu cử sắp tới, vân vân... nói về vấn nạn phá thai, việc bảo vệ sự sống, và việc duy trì một đời sống gia đình lành mạnh giữa một người nam và một người nữ.

CatholicsComeHome.jpg

Catholics Come Home

Rồi Ông cho trình chiếu những thước phim quảng cáo thử, trong đó có 1 thước phim trình chiếu hình một hài nhi khi hãy còn trong bụng mẹ, đến khi được chào đời, và mang về cho gia đình đó biết bao nhiêu là niềm vui, và hạnh phúc.

Để thực hiện được điều này, và để giúp đánh động được lương tâm của cả nhân loại trên thế giới trước các vấn đề đạo đức và luân lý quan trọng có tính nền tảng như vậy, thì nhóm của Ông Peterson rất cần đến sự hỗ trợ về mặt tài chánh của chúng ta. Chúng ta có thể vào thăm trang Web này của Nhóm và hổ trợ tài chánh trên mạng Internet tại www.CatholicsComeHome.org.

Rồi sau đó, chương trình của Ngày Đại Hội Thánh Thể được phân chia ra từng khu dành cho nhóm người nghe bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, và 2 phần dành riêng cho các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên và những người câm điếc.

B. Phần Trình Bày bằng tiếng Việt:

Khác với năm ngoái, cộng đồng người Việt được sắp xếp vào một cái phòng rất nhỏ hẹp, và phải có nhiều người đứng, năm nay có sự tiến bộ hơn, cộng đoàn Công Giáo người Việt được phân vào một cái phòng khá lớn ở khu International Salon 2-3.

Điều phối chính là Đức Ông Phương. Các diễn giả trình bày chính trong phần dành cho người Việt Nam là Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám Mục Phó Cần Thơ (chứ không phải Giám Mục Tổng Quản của Giáo Phận Cần Thơ như lời của Msgr. Phương giới thiệu - ND) cùng với 2 Cha tháp tùng với Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên từ Giáo Phận Cần Thơ đó là Cha Anthony Vũ Văn Triết - Cha Sở của Giáo Xứ Vị Hưng, Cần Thơ; và Cha Dominico Nguyễn Thành Tín.

Ngoài ra cũng có sự hiện diện của các Linh Mục Việt Nam tại Atlanta, GA Hoa Kỳ đó là Cha Tuấn, Cha Đoan (một trong 2 vị Linh Mục đến từ GP. Phát Diệm sang Mỹ để giúp mục vụ cho hai cộng đoàn Công Giáo Việt Nam theo lời đề nghị của Đức Ông Phương và Cha Đức).

Qua lời giới thiệu, cộng đoàn được biết sơ qua về tiểu sử của Đức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên - người đã hoàn tất môn Thần Học Luân Lý ở Rôma, và là Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Cần Thơ cũng về lãnh vực này. Đức Giám Mục mở đầu phần trình bày của Ngài bằng câu hỏi: "Người Tin Lành chất vấn người Công Giáo rằng: tại sao các ông lại thờ, tin và kính yêu vào một Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá thật máu me, tàn nhẫn và ghê sợ đến như vậy?"

Câu hỏi này vừa dễ cũng vừa khó và ngược lại.

Rồi sau đó cả cộng đoàn thay phiên nhau - ai nấy cũng đều cố giải đáp câu hỏi "hóc búa" như trên, thế nhưng không có ai trả lời đúng ý mà Đức Giám Mục Tri Bửu Thiên muốn trình bày cả, dẫu rằng từng ý kiến đóng góp của các thành viên trong cộng đoàn đều rất đúng và chính xác. Với câu hỏi đó, ĐGM cũng nhìn nhận cũng khó mà trả lời được kể cả trong hàng ngủ của các anh-em Linh Mục của ngài.

Rồi sau đó, ĐGM trình bày qua cả Cựu Ước và Tân Ước để lý giải và đối luận cho câu hỏi trên cho người "chất vấn" Tin Lành.

Thú thật, với kinh nghiệm bản thân sống trong môi trường Mỹ, người viết tôi vẫn chưa bao giờ bị người Tin Lành Hoa Kỳ chất vấn về kiểu câu hỏi như trên, ngoại trừ việc họ chất vấn đạo Công Giáo chúng ta về việc xưng tội, việc sùng kính Đức Maria mà thôi, do đó sự trình bày của ĐGM Tri Bửu Thiên rất là có ích để giúp cộng đoàn Việt Nam hiểu biết thêm về Giáo Lý Công Giáo, và để có thêm một nền tảng tri thức hòng sau này có dịp đối chất lại những người Tin Lành.

Phần trình bày của Linh Mục Vũ Văn Triết giúp cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại hiểu rõ hơn về việc tôn kính Phép Thánh Thể của bà con giáo dân ở trong nước, nhất là tại Giáo Phận Cần Thơ.

Điểm lại các thuyết trình viên cho người Việt trong các kỳ Đại Hội Thánh Thể trước đây, do chính Đức Ông Phương trực tiếp mời về dưới danh nghĩa của Tổng Giáo Phận Atlanta, gồm:

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 12 vào Năm 2007: Cha Giuse Hoàng Minh Thắng thuộc Đài Vaticăn từ Rôma; và Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 11 vào Năm 2006 có Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo thuộc Đại Học Giáo Hoàng (Pontifical Urban University) ở Rôma.

Kỳ Đại Hội Thánh Thể Lần Thứ 10 vào Năm 2005 có Cha Anthony Đào Quang Chính - Dòng Đa Minh - Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Có 4 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam từ Norcross, Riverdale, Toccoa, và Gainsville, GA đến tham dự kỳ Đại Hội Thánh Thể lần này, do đó số lượng rất đông đảo. Ống kính máy quay phim quay đến đâu cũng thấy bóng dáng của người Việt cả!

Tại Tổng Giáo Phận Atlanta, GA - có tất cả 10 vị Linh Mục Việt Nam, trong đó chỉ có duy nhất Rev. Dominic Tran, L.C. là thuộc Dòng Legion of Christ (Đạo Binh Chúa Kitô) mà thôi, 9 vị còn lại đều là các Cha Triều.

Một Linh Mục Việt Nam duy nhất rất trẻ và nhiều tài năng tại Tổng Giáo Phận Atlanta là Cha Sở của hai Giáo Xứ Mỹ cùng một lúc đó là Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm - hiện cũng là đương kim Chủ Tịch của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại. Cha là Cha Sở của St. Mary Catholic Church ở thành phố Toccoa và St. Catherine Laboure ở thành phố Commerce, GA.

Và có 4 Cha Việt Nam là Cha Phó cho Giáo Xứ Mỹ.

C. Phần Trình Bày bằng tiếng Anh chung hết cho mọi thính giả:

Phải nói rằng, có ba phần trình bày rất hay của Nữ Giáo Sư Helen M. Alvaré, của Đức Giám Mục William George Curlin (cựu Giám Mục của Giáo Phận Charlotte, NC) và của Anh Matthew Kelly (người Úc).

Nữ Giáo Sư Alvaré - vốn là cố vấn cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 trong Ủy Ban Giáo Hoàng đặc trách về Giáo Dân, và là tác giả của rất nhiều bài viết về Rôma rất có giá trị được tìm thấy trên Zenit, đã trình bày về vai trò, trách nhiệm, và sứ mạng của người giáo dân có trong Giáo Hội, được soi chiếu và rút ra từ Phép Thánh Thể - sức mạnh và lời nhắc nhớ liên lũy của người giáo dân sống giữa nền văn hóa sự chết và trần tục này.

Đức Giám Mục Curlin chia sẽ rất nhiều về những mẩu chuyện có thực nhưng rất vui về Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta - là người mà Đức Giám Mục đã có thời gian làm việc rất gần gũi hơn các vị Giám Mục nào khác trên cả thế giới, và những mẩu chuyện về thưở thiếu thời của ngài khi ngài hãy còn là thanh niên, rồi sau này là Linh Mục sống nơi các trại tra tấn của Đức Quốc Xã, vân vân...

MatthewKelly.jpg

Matthew Kelly - Tác Giả của Nhiều Sách Công Giáo Rất Hay

Anh Matthew Kelly - một diễn giả duy nhất trình bày cho cả 3 đối tượng: giới trẻ vào tối Thứ Sáu, các em thanh thiếu niên vào lúc 11:45 sáng Thứ Bảy, và tổng quát (đủ mọi giới về sắc tộc và tuổi tác) vào 3:30 chiều Thứ Bảy. Phải công nhận rằng: Anh nói rất hay, nghe rất đã, rất là hài hước, rất là thông minh, và rất là thánh thiện. Những gì Anh nói ra rất có giá trị và rất thực tế.

Trong phần trình bày này Anh nói về 7 cột trụ chính (7 Main Pillars) trong đời sống của người Công Giáo đó là: việc năng đi xưng tội (Confession); việc suy niệm và sống đời sống suy niệm nội tâm (Contemplation); việc năng tham dự Thánh Lễ là nơi Thiên Chúa tỏ tường quyền năng và tình yêu thương vô bờ bến của Ngài cho từng người (Mass); việc năng đọc và suy gẫm về Sách Thánh Kinh - Lời của Thiên Chúa và là Kim Chỉ Nam cho tất cả chúng ta (Bible); việc đọc đến những loại sách nâng đở về mặt tâm linh Kitô Giáo (Spiritual Readings); và sau cùng hết là việc Lần Hạt Mân Côi (Rosary).

Theo Anh, một đời sống Kitô Giáo đích thực và xứng đáng nhất sau khi đã lãnh nhận được hồng ân của Thiên Chúa đến từ Phép Thánh Thể, chính là một đời sống được thể hiện một cách trọn hảo qua 7 cột trụ kể trên, và đó cũng là cách duy nhất để trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn về chính mình (become a better version of yourself).

D. Phần Thánh Lễ Ban Chiều Kết Thúc Đại Hội Thánh Thể:

Dĩ nhiên, phần quan trọng nhất của kỳ Đại Hội Thánh Thể lần thứ 13 này chính là Thánh Lễ với sự đồng tế của 60 Linh Mục (triều cũng như dòng. Các Cha Dòng đến từ 2 Dòng chính là: Legion of Christ và Holy Spirit Monastery Monks), 3 vị Giám Mục, 1 vị cựu TGM và 1 vị TGM hiện hành của TGP Atlanta.

Ngoài ra, có 4 vị Linh Mục phụ trách về Nghi Lễ đó là: Cha Charles Byrd (Cha Phó của Giáo Xứ Chánh Tòa Christ the King); Cha Theodore Book, SLL (Giám Đốc Văn Phòng đặc trách việc Phụng Tự của TGP); Cha Ricardo Bailey (Tuyên Úy của trường Blessed Trinity High School) và Cha Diosmar Natad (Trưởng Nghi Lễ của TGP).

Bài đọc I trong Thánh Lễ được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, và Bài Đọc II bằng tiếng Việt do một Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá nơi Giáo Xứ của Đức Ông Phương đọc.

Hình ảnh một Nữ Tu đại diện cho một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam duy nhất là một hình ảnh rất đẹp và thánh thiện, làm nổi rõ bản chất thật sự của cộng đoàn Công Giáo người Việt so với các cộng đoàn thuộc các sắc dân tộc khác.

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTGM Gregory nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa quá vô biên và vô điều kiện đến nổi Ngài đã hy sinh Con Một của Ngài làm Hy Tế cho tội lỗi của nhân loại. Phép Thánh Thể chính là nguồn của mọi sự chữa lành và hoán cải con tim. Qua Phép Thánh Thể - Chúa Giêsu tự bẻ nát chính mình ra và để sẳn sàng để cho chúng ta đón nhận vào, hòng từ đó có thể tạo nên một thế giới tổng thể, hiệp nhất và mới mẽ hơn. Và sau cùng, Phép Thánh Thể chính là cách tuyệt hảo và đúng đắn nhất để Giáo Hội nương tựa và kêu mời tất cả những người con cái của Thiên Chúa hãy trở về và hãy cùng nhau tham dự vào cùng một bàn Tiệc Thánh, vốn là của Ăn hằng sống cho chúng ta.

Phần Lời Nguyện Thánh Lễ được đọc bằng tiếng Indonesia, tiếng Haitian Creole, tiếng Hàn Quốc, tiếng Igbo (Phi Châu), tiếng Ba Lan, tiếng Tàu, và tiếng Bồ Đào Nha.

Thánh Lễ nhìn chung diễn ra rất long trọng và sốt sắng, chỉ có điều Ca Đoàn hát không khớp và chọn ra những bài hát rất lạ, mặc dầu có nội dung rất hay như: Exultation; When the Roll is Called up Yonder, Hail the Day that Sees Him Rise, vân vân...

Về sau, người viết tìm hiểu Ca Đoàn đó chính là một Ca Đoàn của Tin Lành Chính Thống Glen Memorial United Methodist Church tại Emory University.

Theo người điều khiển ca đoàn này cho hay: "Họ được mời hát vào giây phút chót, do đó, họ chưa chuẩn bị kỹ càng cho lắm" và phải chăng cũng chính vì thế mà 6 ống kính quay phim chưa hề "chiếu họ lên trên màn ảnh lớn."

Phải chăng đó là sự đối thoại liên tôn?

Phải chăng đó chính là một sự lạm dụng "ngang nhiên" về phụng vụ, khi một ca đoàn Tin Lành được mời hát trong một Thánh Lễ trọng thể của Công Giáo?! Không hiểu ai là người phụ trách việc mời gọi ca đoàn này! Suy cho cùng, việc đối thoại liên tôn chưa bao giờ được Giáo Hội Công Giáo Truyền Thống cho xảy ra ngay trong Thánh Lễ Trọng Thể cả!

Tổng Giáo Phận nói chung có rất nhiều ca đoàn Công Giáo chân truyền hát rất hay và rất thánh thiện, trong đó có cả hai ca đoàn của Việt Nam ở hai nhà thờ do Đức Ông Phương và Cha Tuấn phụ trách, thế mà không hiểu tại sao một Ca Đoàn của Tin Lành Chính Thống được len lỏi vào?

Vào cuối lúc kết Lễ vì chờ đợi ca đoàn Tin Lành này hát rất lâu, nên Đức Tổng Giám Mục Gregory và đoàn đồng tế phải miễn cưỡng rời Cung Thánh, rồi sau đó ca đoàn này mới cất lên bài hát kết Lễ? Ai nấy cũng đều ngỡ ngàng và thắc mắc chuyện này, tại sao vậy???

Đó phần nào theo tôi, cũng là sự "đáng tiếc" duy nhất trong một ngày Đại Hội Thánh Thể hết sức thánh thiện và diệu kỳ!

Paul Anh

Đọc nhiều nhất Bản in 22.06.2008. 13:21