Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tông Huấn Sacramentum Caritatis (1)

§ Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin

DẪN NHẬP

1. Bí tích tình yêu,[1] Bí tích Thánh Thể là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình ; với Bí tích này, Người mạc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Trong Bí tích kỳ diệu này đã bày tỏ được tình yêu “vĩ đại”, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x. Ga 15,13). Vâng, Chúa Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình “cho đến cùng” (Ga 13,1). Với cách diễn đạt này, tác giả Phúc Âm hướng chúng ta vào cử chỉ tự hạ tuyệt đối Chúa Giêsu đã thực hiện. Trước khi chết trên thập giá, Người đã lấy khăn thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người. Tâm hồn các tông đồ phải sửng sốt biết bao trước cử chỉ và lời nói của Chúa trong bữa Tiệc Ly ! Mầu nhiệm Thánh Thể phải khơi lên trong tâm hồn chúng ta một sự kinh ngạc biết bao !

Lương thực chân lý

2. Nơi bí tích Bàn Thờ, Chúa đến với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27) và đã trở thành người bạn đường của họ. Trong Bí tích này, Chúa tự trở thành lương thực cho con người đang khao khát chân lý và tự do. Vì chỉ có chân lý mới thực sự làm cho chúng ta được tự do (x. Ga 8,36), nên Đức Kitô đã tự biến thành lương thực chân lý cho chúng ta. Với một nhận thức sâu xa về thực tại con người, thánh Augustinô cho thấy rõ ràng con người sẽ tự ý hành động, và không do ép buộc, khi họ thấy mình có liên hệ với những gì lôi kéo và khơi dậy trong họ niềm khao khát. Khi người ta đặt câu hỏi cho vị thánh Giám mục này, cuối cùng thì điều gì lôi kéo con người cách sâu xa nhất, ngài trả lời : “Có điều gì linh hồn ao ước mãnh liệt cho bằng chân lý ?”[2]. Thật vậy, mỗi người đều mang trong mình một sự khao khát triền miên về chân lý cuối cùng và tối thượng. Vì thế Chúa Giêsu, Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), hướng về con tim hổn hển của con người lữ hành đang khát, hướng về con tim khao khát đi tìm nước nguồn sự sống ; hướng về con tim khắc khoải với chân lý. Đức Giêsu Kitô là Chân Lý đã hóa thành người, đang lôi kéo thế giới về với mình. “Chúa Giêsu là sao Bắc Đẩu chỉ đường cho con người đến với tự do. Không có Người, nhân loại sẽ mất định hướng, vì nếu không biết chân lý, tự do sẽ thay đổi bản chất, tự cô lập và trở thành độc đoán. Với Đức Giêsu Kitô, tự do mới tìm lại được chính mình”[3]. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách đặc biệt chân lý tình yêu, đó chính là bản chất của Thiên Chúa. Chân lý này được đặt nền tảng trên Phúc Âm, liên hệ đến từng cá nhân và toàn thể nhân loại. Hội Thánh tìm được trong Bí tích Thánh Thể trọng tâm sự sống cần thiết cho mình, luôn cố gắng loan báo cho mọi người Thiên Chúa là Tình yêu, dù người ta có nghe hay không (x. 2Tm 4,2)[4]. Chính vì Đức Kitô đã trở thành lương thực chân lý cho chúng ta, nên Hội Thánh hướng đến mọi người và mời gọi họ tự do đón nhận ân huệ của Thiên Chúa.

Sự phát triển của nghi thức thánh lễ

3. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử hai ngàn năm của Hội Thánh, được Thánh Thần khôn ngoan dẫn dắt, với lòng biết ơn tràn đầy, chúng ta sẽ kinh ngạc trước sự phát triển của những hình thức nghi lễ qua dòng thời gian, nhờ đó, chúng ta tưởng niệm các biến cố ơn cứu độ của chúng ta. Từ những hình thức rất đa dạng của những thế kỷ đầu tiên và vẫn còn chiếu toả trong các nghi lễ của những Giáo hội Đông Phương Cổ, cho đến việc phổ biến nghi lễ Rôma ; từ những hướng dẫn rõ ràng của Công đồng Triđentinô và quyển sách lễ của Đức thánh Giáo Hoàng Piô V cho đến cuộc canh tân phụng vụ do Công đồng Vaticanô II khích lệ : mỗi thời đại của lịch sử Hội Thánh, việc cử hành Thánh Lễ, như là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, luôn chiếu tỏa trong nghi thức phụng vụ với sự phong phú đa dạng của nó. Khi nhìn lại lịch sử này, Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ 11, từ ngày 2 đến ngày 23 tháng 10 năm 2005 diễn ra tại Vatican, đã dâng lời cảm tạ sâu xa lên Thiên Chúa và công nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động tích cực để hướng dẫn lịch sử này. Các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đặc biệt ghi nhận và nhắc lại ảnh hưởng đầy ân sủng mà cuộc canh tân phụng vụ bắt nguồn từ Công đồng Vaticanô II đã tác động trên đời sống Hội Thánh.[5] Thượng Hội Đồng Giám Mục đã có thể đánh giá việc đón nhận cuộc canh tân này trong những năm tiếp sau Công đồng. Có rất nhiều cách đánh giá. Những khó khăn và cả những lạm dụng được nêu lên không làm mờ đi giá trị và sự hữu hiệu của cuộc canh tân còn chưa bộc lộ hết kho tàng ẩn chứa nơi mình. Cụ thể, là phải nhắm tới việc thấu hiểu những thay đổi theo ý hướng của Công đồng trong sự duy nhất toàn thể của sự phát triển qua dòng lịch sử của nghi lễ, mà không đưa tới một sự gián đoạn nào do chính con người.[6]

Thượng Hội Đồng Giám Mục và Năm Thánh Thể

4. Cần phải nhấn mạnh sự liên hệ giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây về Bí tích Thánh Thể và những gì diễn ra những năm vừa qua trong đời sống Hội Thánh. Trước nhất, chúng ta nhớ tới Năm Thánh vĩ đại 2000 mà vị Tiền Nhiệm đáng mến của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, đã hướng dẫn Hội Thánh bước vào thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Chiều kích Thánh Thể đã tô đậm nét Năm Thánh này. Chúng ta cũng không quên rằng Thượng Hội Đồng Giám mục đã có Năm Thánh Thể đi trước và chuẩn bị, do Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II triệu tập, trong cái nhìn thật xa cho toàn thể Hội Thánh. Thời gian này được bắt đầu bằng Đại Hội quốc tế về Bí tích Thánh Thể tại Guadalajara vào tháng 10 năm 2004, và kết thúc vào cuối Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 11 ngày 23 tháng 10 năm 2005 với việc phong thánh cho 5 vị nổi bật về lòng đạo đức tôn thờ Bí tích Thánh Thể. Đó là : thánh Giám mục Józek Bilczewski, các linh mục Gae-tano Catanoso, Zygmunt Gorazdowski và Alberto Hurtado Cruchaga, và tu sĩ capuchin Felice da Nicosia. Căn cứ trên các giáo huấn được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trình bày trong Tông thư Mane nobiscum Domine (Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con)[7] và cám ơn các đề nghị đầy giá trị của Bộ Phượng Tự và kỷ luật các bí tích,[8] nhiều địa phận và các nhóm trong Hội Thánh đã có nhiều khởi xướng để khơi dậy và gia tăng niềm tin của tín hữu vào Bí tích Thánh Thể, để nâng cao vẻ đẹp của việc cử hành và thúc đẩy việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể, nhờ đó động viên sự liên đới tích cực với những người túng thiếu. Sau hết cũng phải nhắc đến Thông điệp cuối cùng Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia)[9] của Đấng tiền nhiệm của tôi, với Thông điệp này, Ngài để lại cho chúng ta những điểm tựa chắc chắn thuộc huấn quyền về giáo lý Thánh Thể và một chứng từ cuối cùng cho thấy vị trí trung tâm của bí tích thiên linh này trong đời sống của Ngài.

Mục đích của Tông huấn này

5. Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục có mục đích lấy lại sự phong phú của những suy tư và đề nghị được đề ra trong Đại hội thường kỳ của Thượng Hội Đồng các Giám mục – từ Đề Cương (Lineamenta) cho đến các Đề Nghị (Pro-positiones), giữa quá trình này còn có Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris), các Tham luận trước và sau cuộc Thảo Luận (Relationes ante et post disceptationem), các phát biểu của các Nghị Phụ, các dự thính viên (auditores) và các đại diện của các giáo hội anh em – với ý định triển khai vài định hướng căn bản nhằm gợi lên trong Hội Thánh những động lực và sự sốt sắng mới mẻ với Bí tích Thánh Thể. Trong ý thức về gia sản tín lý và kỷ luật được thu tập qua bao thế kỷ về bí tích này,[10] và đón nhận ý kiến của các nghị phụ,[11] với Tông huấn này, tôi ao ước các kitô hữu đào sâu liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh Thể, hành động phụng vụviệc phượng tự mới trong tinh thần xuất phát từ Bí tích Thánh Thể, như là bí tích tình yêu. Trong ý hướng này, tôi muốn liên kết Tông huấn này với Thông điệp đầu tiên của tôi Thiên Chúa Là Tình Yêu (Deus caritas est), trong Thông điệp, nhiều lần tôi đã nói đến Bí tích Thánh Thể để làm rõ nét liên hệ giữa bí tích này và tình yêu kitô giáo, yêu Chúa và yêu người : “Thiên Chúa hoá thành người lôi kéo tất cả chúng ta về với Người. Từ đó chúng ta hiểu được tại sao agapê cũng trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể : trong Thánh Thể, Tình Yêu (agapê) của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Ngài”[12].

[1] X. T. Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q. 73, a. 3.

[2] T. Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus, 26,5 : PL 35, 1609.

[3] Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho các Tham Dự viên Khoá họp Khoáng đại của Thánh bộ Giáo lý Đức tin (10-02-2006) : AAS 98 (2006), tr. 255.

[4] Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho các thành viên Hội đồng Thư ký Thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục (1-6-2006) : L'Osservatore Romano, 2-6-2006, tr. 5.

[5] x. Propositio 2.

[6] Tôi nhắc lại ở đây rằng cần có một chú giải sự liên tục đi liền với một cách hiểu đúng đắn quá trình phát triển phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II : x. Bênêđíctô XVI, Diễn văn cho Giáo triều (22-12-2005) : AAS 98 (2006), tr. 44-45.

[7] x. AAS 97 (2005), tr. 337-352.

[8] x. Năm Thánh Thể : những gợi ý và đề nghị (15-10-2004) : L'Osservatore Romano, 15-10-2004, Phụ lục.

[9] x. AAS 95 (2003), 433-475. Cũng nhắc lại Huấn thị của Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Redemptionis Sacramentum (25-3-2004) : AAS 96 (2004), 549-601, mà Đức Gioan Phaolô II công khai mong nuốn.

[10] Chỉ để nhắc lại những điều chính yếu : Công đồng chung Trentô, Học Thuyết và các điều khoản về hy tế Thánh Lễ, DS 1738-1759 ; Lêô XXIII, Thông điệp Mirae caritatis (28-5-1902) : AAS (1903), tr. 115-136 ; Piô XII, Thông điệp Mediattor Dei (20-11-1947) : AAS 39 (1947), tr. 521-595 ; Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3-9-1965) : AAS 57 (1965), tr. 753-774 ; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003) : AAS 95 (2003), tr. 433-475 ; Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật các Bí tích, Huấn thị Eucharisticum mysterium (25-5-1967) : AAS 59 (1967), tr. 539-573 ; Huấn thị Liturgicam authenticam (28-4-2001) : AAS 93 (2001), tr. 685-726.

[11] x. Propositio 1.

[12] số 14 : AAS 98 (2006), tr. 229.

(còn tiếp)

Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.05.2007. 10:28