Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thánh Pierre-Julien Eymard, Ðại Thánh Tông Ðồ Thánh Thể

§ Phó Tế Phạm Bá Nha

(La Mure D’Isere, 1811-1868)

Trong thời cách mạng Pháp 1789-1799, Giáo Hội Pháp trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cách mạng chủ trương tận diệt Giáo Hội Công Giáo. Trong nước, họ quốc hữu hóa nhà thờ, tu và chủng viện. Săn đuổi và trục xuất giáo sĩ và tu sĩ. Họ xua quân qua Roma trấn cướp Vatican, bắt ĐGH Pio VI nhốt vào xe bánh sắt giải về Pháp. Đoàn áp giải ĐGH về Pháp, đi qua làng La Mure d’Isère, thuộc địa phận Grenoble, miền 38, giáo dân ngăn cản giữ lại, xin chăm sóc ĐGH được hai ngày. Sau đó ĐGH được đem về Valence, miền 26, Ngài kiệt sức và qua đời tại đây, không mộ bia. Phần đất hiếu thảo này là quê hương của Thánh Pierre Julien Eymard, Vị Tông Đồ nhiệt thành Thánh Thể.

Hơn nữa, sau cách mạng, Giáo Hội Pháp trở nên vững mạnh về Đức Tin và gắn bó, trung thành với Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican hơn trước. Cũng từ đây, nước Pháp đã có nhiều tổ chức, phong trào đạo đức cổ động sống Phúc Âm lan rộng nhiều nơi.

Chính vì thế, trong giai đoạn lịch sử này, ngoài thánh Pierre Julien Eymard, nước Pháp còn có nhiều nhân vật lỗi lạc cả đạo lẫn đời, như: đại văn hào Victor Hugo (1802-1885), nhà khoa học tài giỏi Louis Pasteur (1822-1895), nhà điêu khắc nổi tiếng August Rodin (1840-1917), Cha sở Ars Thánh Jean Marie Vianney (1786-1859), vị sáng lập Đại Hội Thánh Thể Emilie Guéranger (1805-1875), tông đồ nhiệt thành Dòng Đức Mẹ Pierre Chanel.

THỜI THƠ ẤU TRONG CẢNH ÐƠN NGHÈO

Sau những ngày tán loạn vì cách mạng, dân làng La Mure lần lượt trờ về sinh sống trên phần đất đổ nát, làm lại cuộc đời. Cùng hoàn cảnh phiêu bạt, ông Julien Eymard (?1831), vợ trước tên Jeanne Marie Caix đã chết, để lại 6 con nhỏ. Không sao kham nổi, và kiếm đâu ra của ăn để nuôi con, ông đành để 5 người con khác nhờ bà con nuôi đỡ, còn chính ông đem theo con gái 5 tuổi, tên Anne Marie, lang thang đến làng La Mure, Grenoble xin ăn. Trước hoàn cảnh éo le, gà trống nuôi con, cơ cực, nhưng ông vẫn tỏ ra là một giáo dân nhiệt tình, có đức tin vững mạnh. Thấy tình cảnh thảm thương của ông, dân làng ai cũng qúi mến, tận tình giúp đỡ, và kiếm việc cho ông. Khi thì hàn nồi, lúc sửa khung cửi hoặc mài dao. Nhờ biết dành dụm, ông đã thuê được căn nhà, và cưới vợ khác, để lo cho con cái. Người vợ sau tên Marie Madeleine Pélorsa (?1828), nhu mì, đạo đức, cần cù và là thiếu nữ cùng làng với vợ trước. Với vợ sau, ông có thêm 3 người con. Nhưng cả ba đều chết sớm. Đồng thới 4 người con của vợ trước cũng chết, chỉ còn lại Antonie và Marie. Nỗi buồn hai ông bà để đâu hết. Ông trở nên ít nói, nghiêm nghị. Bà bình tĩnh, cố gắng chiều chồng và sống êm dịu trong nhà. Bà khao khát có mụn con trai, để dâng cho Chúa, làm linh mục phục vụ Giáo Hội.

Người con trai mà bà cầu mong sinh ngày 4-2-1811, tại Oisans, làng La Mure là Pierre Julien Eymard, trong gia đình quen gọi là Julien. La Mure nằm giữa Grenoble và Gap. Bé được rửa tội ngày hôm sau, 5-2-1811. Người đỡ đầu chính là anh Antonie và chị Marie. Sau này Antonie bị gọi nhập ngũ và mất tích. Bà Eymard nhận nuôi một bé gái mổ côi, tên Annette, sinh trước Julien một tháng. Bà nuôi cùng vú sữa cả Julien và Annette. Thế là gia đình chỉ còn hai gái: Marie và Annette, một trai là Julien.

Nhờ chuyên chăm làm ăn, ông bà đã mua được nhà, sắm được tiệm có cối ép dầu, và thuê thêm người làm. Không mải mê việc làm, ông gia nhập hội 'Chầu Đền Tạ', trung thành với nội qui và nêu gương sáng trong hội. Chúa nhật ông nghỉ làm, đi dự lễ hay thăm viếng người đau yếu. Trong tháng, khi có kiệu Thánh Thể, ông luôn tình nguyện cầm phương du hay cầm đèn theo kiệu. Ông rất nghiêm khắc và tiết kiệm tiền bạc, không mắc vào nạn cờ bạc, hút thuốc rượu chè như nhiều người trong làng. Bà Eymard dịu hiền, rất qúi chồng và thương con, chăm việc nhà và lo giáo dục con. Bà coi Marie và Annette như con ruột, yêu thương đồng đều như Julien. Ai cũng khen bà không sống theo kiểu 'mẹ ghẻ con chồng'. Biết rằng muốn con nên người, bà đã nêu gương trước, cần có ơn Chúa. Trong ngày, ngoài dự lễ, bà hay vào nhà thờ viếng Mình Thánh. Ngày nào đẹp trời bà dẫn Annette hay Julien đi theo. Khi nào linh mục nâng Mình Thánh ban phép lành, bà cũng nâng con lên, thầm nguyện xin phép lành cho con. Cử chỉ đầu tiên để lại sâu nét trong tâm hồn trẻ thơ Julien. Julien ngoan, sốt sắng theo mẹ và rủ bạn bè trong xóm đi dự Lễ hay chầu Mình Thánh.

Vì dễ bảo và lễ độ, Julien được chọn vào ban giúp lễ. Julien chăm chỉ và sung sướng vì được ở bên Bàn Thánh. Những ngày vui mong đợi nhất và cũng là ngày Julien mang dấu ấn Chúa chọn, đó là ngày được chịu phép Thêm Sức 22-5-1822, Rước lễ lần đầu 16-3-1823. Ba mươi năm sau khi đã làm linh mục, cha ghi lại về ngày được rước lễ này: 'Biết bao nhiêu ơn lành Chúa đã ban cho tôi.' Chị Marie diễn tả về em: 'Julien nhiệt thành yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và khát khao rước lễ, nên nóng lòng mong cho tới ngày ấy. Julien xin một ơn là được Chúa chọn làm linh mục'. Trước ngày rước lễ, Julien đi hành hương Đức Mẹ ở Laus, đi bộ 80 cây số. Nhiều khó khăn. Sau 3 ngày, trở về Julien ghi: 'Đức Mẹ thương tôi quá, lần đầu tiên ở đó, tôi ý thức được tình mẫu tử dồi dào của Mẹ Maria'.

Thời ấy chưa có lớp Mẫu giáo, Julien đi học trễ. Trong trường thầy nghiêm, bạn bè lạ. Julien ngại. Hơn nữa ở nhà đang được mẹ và chị cưng chiều. Bà mẹ khuyên và cắt nghĩa cần có học mới có sự nghiệp. Julien nghe và hấp thụ mau, ham đọc sách. Ông bố thực tế hơn, sau khi con tan trường, ông bắt con phụ việc, ép dầu hoặc đem dầu đến giao tận nhà. Julien vui vẻ làm vì có dịp ghé nhà thờ viếng Mình Thánh. Ai có xin bã dầu cậu đem cho ngay.

THỬ THÁCH VỀ ƠN GỌI

Trở ngại đường tu của người trẻ là lo sợ mình bất xứng, mất đi đức trong sạch qua những rạo rực của tuổi trẻ. Nhưng Chúa xếp đặt, Julien được một linh mục giải tội lão thành hướng dẫn. Ngài còn quả quyết Julien phải làm linh mục vì Chúa muốn. Julien phấn khởi, an tâm. Nhưng ông bố không bằng lòng, vì yêu con, không muốn con xa nhà. Ông sợ cô đơn khi về già. Vì tất cả 8 người con đã chết. Hơn nữa công việc làm ăn trong nhà, trông nhờ ai. Ông không cho Julien đi học ở trường nữa. Trong khi đó bà mẹ nể chồng không dám can thiệp. Bà đau lòng vì ý nguyện của con cũng là ý của bà, bị ngăn cản. Bà chỉ biết cầu nguyện và phó dâng cho Đức Mẹ. Biết ý bố như vậy, không ngã lòng, Julien không nói đến việc đi tu nữa.

Một hôm, trong cuộc hành hương Đức Mẹ ở Laus, tình cờ Julien đã gặp và trao đổi với linh mục Touche, dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, về trở ngại ơn gọi là bố không bằng lòng. Như ra lệnh, Cha nói với Julien: Con phải làm linh mục. Đời sống giáo dân không hợp với con. Con lo học La văn, rước lễ nhiều hơn. Julien bớt lo, và an tâm trở về công việc trong gia đình. Từ Laus về, Julien băn khoăn nhiều vì lý do của bố đưa ra làm con phải hiếu. Ai có nhắc đến chuyện tu của con, ông nhất mực giữ vững lập trường bắt Julien theo nghề sinh sống.

Julien được mẹ nâng đỡ và chị hiểu, vũng tin vào tương lai. Julien mua được cuốn văn phạm La văn cũ và lén học. Gia đình có thêm đàn bò. Annette và Julien được coi đàn bò. Julien vừa chăn bò vửa học La tinh, với một đại chủng sinh kèm thêm.

Năm Julien 18 tuổi, ông bố bàn tính tìm vợ cho con. Julien thưa với bố: con đã học tiếng Latinh và muốn làm linh mục. Ông không còn nghĩ đến cấm đoán con, nhưng nghĩ đến phí tổn học hết trung học. May quá, có cha Demoulins, tuyên úy trường tỉnh, xin nhận nuôi Julien để chuẩn bị vào chủng viện. Ở đây, gần nhà nguyện, Julien có dịp viếng Chúa nhiều hơn.

Một khúc ngoặt, tháng 8-1828, đang học Julien được tin mẹ mất. Julien vào nhà nguyện thưa với Đức Mẹ: Mẹ Maria, từ nay con chỉ còn Mẹ là Mẹ con. Xin Mẹ nâng đỡ cho con làm linh mục'. Vửa về đầu làng, thì đám táng của mẹ cũng vửa xong. Ông bố buồn và nói: Con đừng đi Grenoble nữa, ở nhà với bố. Thương bố, Julien buồn và ở lại nhà. Rồi dịp may đến, Các cha Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm từ Marseille đến giảng phòng cho xứ La Mure. Cha Gilbert nghe hoàn cảnh của Julien đã đến gặp ông Eymard. Ông Eymard phấn khởi, tham dự không bỏ giờ nào trong tuần đại phúc. Cuối tuần, ông đồng ý và đã hy sinh cái gì quí nhất: dâng Julien cho Chúa, nếu Chúa muốn.

ÐỜI SỐNG TU TRÌ

Ngày 7-6-1829, Julien vào tập viện Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Marseille. Sau một tháng, Julien mặc áo dòng và nhận tên là Louis Gonzague. Ba mươi năm sau, Cha ghi lại cảm nghĩ: nhờ những ngày ở tập viện Marseille, tôi nhận định được Nhiệm Tích Thánh Thể là trung tâm và là tình yêu của đời tôi. Thấy mình lớn tuổi, Julien cố mài miệt học hành, đến nỗi đau đầu, kém ăn mất ngủ. Đau đến liệt giường. Sợ lây, bác sỹ quyết định gửi bệnh nhân về quê. Về đến nhà, Julien kiệt quệ, mê sảng. Cả xứ đạo tổ chức cầu nguyện cho thầy. Như ơn lạ, Chúa nhậm lời, thầy Julien khỏi bệnh dần. Hết bệnh, thầy tiếp tục học hành, điều độ hơn. Ông Eymard đã thay đổi hoàn toàn, nghỉ việc và chăm lo cầu nguyện và bác ái giúp người nghèo. Đang lúc gia đình êm ấm, Ông Eymard đau nặng và qua đời ngày 3-3-1831.

Tang cha xong. Chị Marie tình nguyện ở vậy lo cho hai em. Annette sống chết bên chị, coi như mẹ. Mặc dầu còn yếu, Julien xin vào chủng viện Grenoble. Đến nơi, Julien lại gặp cha Mezenod, người hai năm trước đã nhận Julien vào tập viện Dòng ĐM Vô Nhiễm, nay nhận Julien lại ngay vào làm chủng sinh, kịp niên khóa 1831-1832. Ngoài việc học, Julien được chọn như y tá, coi phòng thuốc và phòng bệnh. Julien là chủng sinh năng động, đơn sơ, được mọi người qúi mến. Mùa hè về quê, dân làng vui thích và đặt hết tin tưởng vào người con của xứ đạo. Lần lượt thầy lãnh các chức Thánh: Cắt tóc (17-3-1832), Phụ Phó Tế (23-3-1833) và Phó Tế (21-7-1833). Ngày 20-7-1834, Thầy lãnh chức Linh mục, tại nhà thờ chính tòa Grenoble. Từ đây người ta gọi ngài là cha Eymard. Ngày dâng lễ mở tay, 22-7-1834, kính thánh Marie Madeleine, Cha ghi: Đối với tôi, không thể có lòng tôn sùng Thánh Thể Chúa một cách chân thực, nếu không nhờ Đức Mẹ hướng dẫn.

LINH MỤC THÁNH THIỆN

Ngày 17-10-1834, sau ba tháng về quê dưỡng bệnh bên hai chị, cha nhận bài sai làm cha phó phục vụ tại xứ Chatte, quận Isère, ven núi. Dân số khoảng 2000, nhà thờ cổ kính, vắng vẻ. Cha đến nhà thờ 1 giờ sớm hơn, để chuẩn bị thánh Lễ. Và sau lễ còn ở lại để cầu nguyện và cảm tạ. Người ta quả quyết Cha dâng Lễ sốt sắng như Cha Thánh Gioan Vianney. Cha dành nhiều giờ giải tội, dạy giáo lý và thăm viếng giúp người nghèo. Thích đời sống kham khổ, Cha luôn ăn chay, mặc áo nhặm, đánh tội, nên bị nhức đầu và bị khái huyết. Hai nơi mà Cha hay lui tới Iàm việc, như Cha đã viết: Tôi có hai trụ sở: một nơi làm việc tức Núi Calvario, con Chiên Thiên Chúa bị treo trên khổ giá để giải thoát nhân loại. Nơi khác là Nhà Tạm, vì Chúa ngự đó chờ tôi đến trình lên Ngài những điều tôi đã thực hiện và nhận mệnh lệnh mới cho mỗi ngày.

Ngày 2-7-1837, Cha được đề cử làm cha sở Monteynard. Đời sống đơn sơ nghèo nàn. Cha thu xếp hành lý nhanh. Trong ví chỉ còn 8 xu. Cho người đem thư của Tòa Giám mục 4 xu, còn 4 xu cho kẻ khó. Hết. Cha sở và giáo dân luyến tiếc từ giã cha đi nhận nhiệm vụ mới. Monteynard được thành lập từ 1792, xa La Mure 12 cây số, dân số khoảng 500, chia làm nhiều xóm. Từ hơn 30 năm không có cha sở. Một tháng vài lần có cha từ Mamotte, cách xa 7 cây số đến làm Lễ. Giữ đạo toàn ông già bà cả. Không biết gì về Giáo lý. Trai tráng lo công việc làm ăn. Nhà thờ mốc meo, bụi bặm, hoang vắng. Cha nhờ hai chị từ quê lên phụ giúp quét dọn, sắp xếp, sơn phết. Tiền bạc nhờ dân làng La Mure dâng cúng. Trước đấy, một cha về họ này, ít tháng, nản lòng cha bỏ đi.

Người dân tò mò lân la đến xem cha làm gì. Họ thấy nhà thờ cũ, nhưng sửa Iại dẹp khang trang hơn. Nhất là thấy cha sống thanh bần, hiền hậu, vị tha. Đầu tiên là cha tập họp dạy giáo lý cho trẻ em rước lễ lần đầu, sau dến người lớn xưng tội rước lễ. Kế đến là cha tìm, thăm, thuốc men và giúp người nghèo. Duyên của Cha là kể chuyện và tặng ảnh đạo. Nhưng cha không bao giờ kể hết chuyện, kể nửa chừng, hẹn lần sau kể tiếp. Gặp cha ai cũng thích nghe và hỏi han, bàn chuyện. Chỉ trong hai năm, cả xứ không còn ai bỏ rước lễ Phục Sinh (1839).

Tiếng đạo đức thánh thiện của Cha đến tai Tòa giám mục, cha được trao thêm nhiệm vụ tổ chức và giảng phòng cho các xứ trong giáo phận. Nhiệm vụ Cha sỡ như đã xong. Cha còn mơ ước tu dòng, muốn sống ẩn dật, tu đức, chiêm niệm. Các chị trong gia đình không bằng lòng vì cha ốm yếu quá, tu dòng khắc khổ sợ không kham nổi. Tòa giám mục cũng không muốn mất một linh mục nhiệt thành. Giáo dân tỏ vẻ buồn tiếc nhớ người cha đầy nhân ái. Họ muốn đòi lại, mà không được.

TU SĨ DÒNG ÐỨC MẸ

Sau khi tìm hiểu Dòng Đức Mẹ ở Lyon, Cha lén lút bỏ xứ, không báo cho ai biết. Ngày 20-8-1939, cha đến tập viện Dòng Đức Mẹ (Mariste). Ngày 28-8, Cha dự tuần tĩnh tâm tại Belley. Những vui sướng ngày đầu, Cha thổ lộ với cha bạn: Thật là vui sướng, tôi không thể tả thế nào, chỉ cảm thấy tình huynh đệ đằm thắm, một niềm vui thánh thiện giao động tâm hồn, và những gương xây dựng anh em.

Năm 1842, ngoài phần vụ trong Dòng, Cha được chỉ định làm linh hướng trung học Belley. Sau cáchg mạng, học trò chỉ biết yêu cầu, đả đảo, đập phá, phản đối, đấu tranh... Cha thận trọng và dè dặt khi đưa ra chương trình cải tổ. Từ cảm tình, hòa mình, đến chinh phục và được tín nhiệm, Cha đã lôi kéo được cả trường đi vào kỷ luật học hành và sống bác ái.

Năm 1845, Cha được tín nhiệm trong chức vụ quan trọng, phúc tạp là Giám Tỉnh của Dòng. Nhiệm vụ của Ngài là giảng tuần tĩnh tâm và là linh hướng cho nhiều giáo dân ngoài Dòng. Ở Lyon, Cha đã bảo trợ và khuyến khích cô Pauline Jaricot, sáng lập 'Qủi trợ giúp Giáo Hội'. Hội này đang ảnh hưởng và giúp đỡ nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1848, Tu nghị Dòng chọn Cha làm phụ tá Tổng Quyền. Cha chu toàn nhiệm vụ. Đi thăm từng tu viện, gặp gỡ nâng đỡ từng người, giải quyét những khó khăn tại chỗ.

Năm 1849, Cha nhận lãnh trách nhiệm giám đốc trung học lớn nhất La Seyne sur Mer, ở Lyon. Cha quên mình làm việc trong nhẫn nại, và cầu nguyện dưới bàn tay nâng đỡ của Đức Mẹ (xem bài ''Hương Thơm Sáng Ngời''). Sỹ số của trường tăng. Phụ huynh hài lòng. Cha quá mệt mỏi trong công việc, phải nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Kết quả tông đồ Cha thu lưọm được, đều nhờ thần lực từ Thánh Lễ và Thánh Thể Chúa.

LẬP DÒNG THÁNH THỂ

Cha ở trong Dòng, vì tiếng thơm đạo đức của Cha, nhiều người tìm đến xin Cha làm linh hướng. Trong đó có đại úy Raymond de Cuers. Ông trở thành bạn chí thân và cùng chí hướng của cha Eymard: 'Nhiệm Tích Thánh Thể phải được quảng bá và tôn sùng'. Bấy giờ ở Toulon, ông Cuers và ông Plas đã tổ chức được 'Hội Chầu Thánh Thể', đàn ông chầu ban đêm, phụ nữ ban ngày. Cha Eymard được xin làm tuyên úy cho hội này. Số hội viên từ 24 tăng lên 100 và tới 3000. Sau này, ông Cuers là linh mục Dòng Thánh thể. Ông Plas làm linh mục Dòng Tên.

Sẵn có lửa mến trong lòng, nay ngọn lửa ấy lại có dịp bừng sáng hơn.

Ngày 19-3-1853, ở La Seyene, sau lễ Thánh Giuse, như ơn siêu nhiên, Cha cảm thấy có tiếng Chúa mời gọi: cần một tâm hồn quảng đại gây dựng một đoàn thể phục vụ và rao giảng Nhiệm Tích Thánh Thể. Ngày 25-6-1845, ở Lyon, Lễ Mình Thánh Chúa, Cha hân hạnh chủ sự kiệu Thánh Thể, Cha hứa với Chúa hiến cả đời giảng về Thánh Thể. Ngày 2-2-1851, sau giờ kinh chiều, tại nhà thờ Đức Bà Fouvière, Cha linh cảm cần phải có một dòng tu Thánh Thể. Ý Chúa nhiệm mầu. Trong lúc đó, Cha Colin, già yếu muốn lập một trung tâm ngày đêm chầu Thánh Thể. Cơ hội này, thúc đẩy Cha Eymard lập Dòng. Sau 17 năm trong dòng Đức Mẹ, Cha được Chúa trao sứ mạng mới.

Lễ Phục Sinh 1854, được sự khuyến khích của Cha Colin, và đồng thời có nhiều linh mục bạn đạo đức khác cổ vũ. Đầu 5-1855, Cha chính thức đệ đơn xin bề trên hoạt động cho tông đồ Thánh Thể, và được chấp thuận dễ dàng. Cha đi gặp bàn hỏi với giáo quyền Paris. Qua nhiều năm thừ thách, khó khăn, ngày 15-5-1856, là ngày khai sinh Dòng. Cơ sở Dòng ở số 66-68 St. Jacques, mang tên Nazareth. Lễ Phục Sinh 1858, nhà nguyện mở cửa cho dân chúng vào. Sau lễ Cha đặt MìnhThánh chầu cả ngày. Luật Dòng Linh Mục Thánh Thể được ĐGH Pio IX phê chuẩn ngày 8-5-1863. Tôn chỉ của Dòng là: Tôn sùng Chúa Giêsu ngự trong Phép Thánh Thể. Mục đích làm cho tu sỹ hiểu biết, yêu mến và giúp các linh hồn yêu mến Nhiệm Tích Tình Yêu.

Linh đạo của Thánh Eymard gồm tóm trong câu Ngài thường nói: Chúng ta phải trở về nguồn sống, đó không nguyên chỉ là Chúa Giêsu lịch sử, hay Chúa Giêsu vinh hiển trên trời, nhưng đặc biệt là chúa Giêsu Thánh Thể

Lý tưởng của Cha Thánh ủy thác cho các tu sĩ của Dỏng: Làm cho khắp bốn phương ngọn lửa tình yêu Thánh Thể

Cha thường nhắc với tu sỹ: chầu Chúa chỉ là một nửa phần việc của tu sỹ Thánh Thể. Phần khác cũng cần thiết không kém là làm giảm số người tội lỗi bằng việc tông đồ Thánh Thể. Vì thế Cha hướng dẫn các tu sỹ đi vào các khu phố nghèo, thăm viếng nâng đỡ bệnh nhân, tàn tật, mở lớp giáo lý cho trẻ em bụi đời. Bài học bao giờ cũng kèm theo chuyện vui và tranh ảnh thưởng. Cha chú trọng tổ chức ngày các em rước lễ lần đầu như đại lễ.

Dòng Thánh Thể có mặt tại 29 quốc gia, với 104 nhà và khoảng 1.600 tu sỹ. Ở Paris nhà chính có nhà nguyện Corpus Chrirti, 23 avenue de Friedland, Paris 8.

Dòng phát triển ở ngoại quốc, như: Roma (1882), Montéal, Canada (1890), Buenos Airs, Argentine, Mỹ châu Latinh (1903), Est-Bro, Cộng hòa Tchèque (1910), Melbourne, Úc (1929), Mozambique (1946), Kitega, Burundi (1953), Haval Cuba (1953), Manille Phi Luật Tân (1955), Việt Nam (1973). Hiện nay Dòng hoạt động tại Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Sénégal, Sri Lanka, Brasil, Ấn Độ (2 nhà), Canada, Thụy Sỹ, Mozambique, Ý (3 nhà), Zaire, Comlombia, Ái Nhĩ Lan, Hoa Kỷ, Tây Ban Nha, Puerto Rico, Peru, Úc, Scotland, Thụy Điển, Congo, Phi Luật Tân, Uruguay, Argentine, và Việt Nam. Nhiều xứ đạo có các Cha Dòng Thánh Thể làm việc. Ngoài ra, có 'Hội các Linh Mục Chầu Thánh Thể' (L’association des Prêtres-Adorateurs) với 3 triệu hội viên.

LẬP DÒNG NỮ TỲ THÁNH THỂ

Cha vẫn mong ước mà tìm chưa ra phụ nữ để chăm sóc trẻ nữ. Dịp may đến. Từ năm 1858, tại Paris, cô Marguerite Guillot mồ côi cha, ở Lyon, cùng các bạn đã hợp tác với Cha Eymard lo cho lớp thiếu nhi rước lễ lần đầu. Các chị này đã sống như tu hội không lời khấn và chưa có trụ sở. Nhờ Cha Eymard giới thiệu với Đức Cha Angers xin giúp đỡ. Đức Cha vui vẻ chấp nhận các chị về ở và sinh hoạt ngay trong giáo phận của Ngài. Từ đây nhóm tu của các chị tạm mang tên 'Nữ Tỳ Thánh Thể', có 19 người. Cha sở nhà thờ Đức Bà ở Angers đứng ra lo nhà cửa và hướng dẫn bước đầu. Còn Cha Eymard làm linh hướng. Hơn nữa ở Angers đã có Dòng Nam Thánh Thể nên Cha Eymard dễ đi lại hơn. Trong khi đó, Đức Cha Angebault của Angers đã lập và đang làm tuyên úy cho Hội 'Các Bà Chầu Thánh Thể'. Các chị đến là rất hợp với phong trào chầu Minh Thánh trong giáo phận.

Ngày 23-5-1864, các chị chính thức có nhà ở Angers. Ngày 26-5-1864, Đức Cha Angers và Cha Eymard cử hành Thánh Lễ khai mạc, nhận lời khấn của một số chị. Cha Eymard công bố khai sinh 'Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể'. Chị Marguerite là bề trên đầu tiên và Angers là nhà mẹ. Đức Cha có ý lấy tu viện Nữ Tỳ làm trung tâm cho Hội Chầu Thánh Thể và ủy thác cho các chị nhiệm vụ nâng đỡ nữ giới. Còn Cha Eymard lo thủ tục hợp thức hóa Dòng Nữ. ĐGH Pio IX đã công nhận và ban khen và nhiều đặc ân. Sau Dòng lập thêm nhà ở Nemours.

Nếp sống của Nữ Tu: Sống cộng đồng, đọc kinh phụng vụ, nguyện ngẫm trước Thánh Thể một giờ, hoạt động tông đồ.

CUỐI CUỘC HÀNH TRÌNH

Đầu năm 1868, ở Grenoble sức khỏe cha yếu dần. Ngày 21-7, nghe lời bác sỹ Cha về quê để gia đình chăm sóc. Tại căn nhà cha sinh ra, liên tục trong hai tuần Cha bị cấm khẩu, đau màng óc, lưỡi khô, miệng méo... Sau những ngày đau dồn dập và kiệt sức, Cha qua đời ngày 1-8-1868, lúc 14g. Hưởng thọ 57 tuổi.

Tin cha Eymard từ trần loan truyền rất mau. Những người viếng xác ra về ngậm ngùi thương tiếc nói với nhau: thật là Ông Thánh, phải gọi là Tử Đạo đúng hơn, nguyên bệnh tật suốt đời cũng đủ là một phúc Tử Đạo rồi, thế mà Ông còn hãm mình ghê gớm nữa chứ, con người không lúc nào thảnh thơi an nhàn... Khắp nơi, người ta đem chuỗi, ảnh đặt trên thi hài, các bà mẹ ẵm con đến hôn và xin Cha chúc lành. Lễ an táng cử hành trọng thể với 2000 tham dự, thi hài được chôn cất tại nghĩa trang quê nhà, La Mure. Từ 1876, thi hài của Ngài được chuyển về nhà nguyện các cha Dòng, số 23 Avenue de Friedland, Paris 8.

Năm 1886, hồ sơ phong thánh cho Cha Eymard được thiết lập. Năm 1902, hồ sơ gồm 13 tập được Tòa Thánh chấp nhận. Ngày 9-5-1922, Tòa Thánh công nhận hai phép lạ khỏi bệnh do lời cầu bầu của Thánh Nhân (xem bài ''Dấu Hiệu Thánh Thiện và Ơn Lạ''). Ngày 12-8-1908, ĐGH Pio X ban sắc lệnh công nhận Cha Eymard vào bậc Đáng Kính.

Ngày 12-7-1925, ĐGH Pio XI tuyên phong Cha là Chân Phước. Ngày 9-12-1962, sau ngày bế mạc khóa I Công Đồng Vatican II, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII tôn phong Cha lên bậc Hiển Thánh, và được tuyên xưng là 'Vị Đại Thánh của Tông Đồ Thánh Thể'. Lễ kính thánh Pierre Julien Eymard là ngày 2-8.

KẾT LUẬN

Không gì đưa ra kết luận bằng đọc lại những chứng từ nói về thánh Pierre Julien Eymard:

ĐGH Phaolô VI viết cho cha Tổng Quyền Dòng các linh mục Thánh Thể, dịp kỷ niệm 100 năm Thánh Eymard qua đời: Ta xin Chúa ban ơn trợ phù cho các con và thân ái gửi phép lành Tòa Thánh cho tất cả linh mục tu sỹ của Dòng và cho tất cả công việc mà chúng con tiếp tục hoạt động theo tinh thần Thánh Eymard (1968)

ĐGH Gioan XXIII: ban huấn dụ công nhận hai phép lạ Chúa làm vì công nghiệp Thánh Julien Eymard và định ngày phong Hiển Thánh: 'Trong các vị tôn sùng Phép Thánh Thể, Chân Phước Eymard đứng hàng đầu' (15-11-1962). Trong giảng lễ phong hiển Thánh cho cha Eymard, ĐGH nói: đặc điểm và tư tưởng hướng định cuộc đời thánh Eymard là tình yêu đối với Chúa Giêsu ngự trong Nhiệm Tích Thánh Thể (9-12-1963).

Đọc lại tiểu sử của Ngài, từ nhỏ yếu ớt, cả đời bệnh hoạn, nhưng một khi quyết nên thánh với nhiệt tình yêu mến Thánh Thể Chúa và Đức Mẹ, thì việc gì cũng thành công:

- 1834-1836: Phó xứ Chatte: lành mạnh hóa nếp sống luân lý và đạo hạnh.

- 1837-1839: Chính xứ Monteynad: từ một xứ đạo hoang tàn, trở thành sầm uất đạo đức.

- 1839-1856: Linh mục Dòng Đức Mẹ: nêu cao tinh thần khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

- 1849: Linh hướng trung học của giáo phận Lyon: chinh phục được học sinh theo tư tưởng cách mạng, chỉ yêu cầu, đả đảo, và phá phách. Gieo vào lòng học sinh 'Có Đức Mẹ chở che hộ phù'

- 1845-1847, 34 tuổi: Giám tỉnh Dòng Đức Mẹ: Ngoài giảng tĩnh tâm, thăm bệnh nhân, Cha còn say mê cộng tác với Cô Pauline Jaricot thành lập 'Qũi Trợ Giúp Truyền Giáo'

- 1848: Phụ Tổng quyền Dòng Đức Mẹ và phụ trách Dòng Ba: Đi thăm, an ủi, nâng đỡ và giải quyết những khó khăn phức tạp. Ở lại từng nơi và gặp từng người.

- 1855: Giám đốc trung học lớn nhất ở La Seyne sur Mer, Lyon: hướng dẫn bằng tình yêu Thánh Thể Chúa Giêsu và bác ái.

- 1856, 45 tuổi: Lập dòng Linh Mục Thánh Thể: Khắp năm châu đã có Dòng và có tu sỹ, giáo dân thay phiên cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa.

- 1858, 47 tuổi: Sáng lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể: Tiếp nối các Linh Mục Thánh Thể, các Nữ Tu Thánh Thể liên tục thắp sáng ngọn đèn trước Thánh Thể Chúa và muốn ngọn đèn này lan tỏa khắp nơi đến tận thế.

Suốt đời Cha Thánh đeo đuổi đã đạt được ước nguyện: 'Chớ gì trên khắp mặt đất, đâu đâu Mình Thánh Chúa cũng được đặt trên tòa cao, cho người ta chầu kính. Ðó là những câu thu lôi ngăn ngừa ác quả của tội lỗi trần gian'.

(Giaoxuvnparis.org)

Đọc nhiều nhất Bản in 05.05.2007. 17:38